trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
23.7.2008
Hồ Bạch Thảo
Ðại Việt Nam
 
Sách Quốc sử di biên của Thám hoa Phan Thúc Trực chép:

“Ngày mồng 2 tháng 3 năm Mậu Tuất - Minh Mệnh thứ 19 (1838), đổi quốc hiệu là Ðại Nam, chiếu ban đại lược rằng:

“Ðức Triệu Tổ (Nguyễn Kim, tổ nhà Nguyễn)] đầu tiên dựng cơ nghiệp ở phương Nam, đức Thế Tổ (Gia Long) lấy cả đất Việt Thường, những dân để tóc, cưa răng, được gia nhập vào bản đồ, chốn biển hoang góc núi đều gom vào lãnh thổ, nay kể từ năm (Minh Mệnh) thứ 20 đổi tên nước là Ðại Nam hay Ðại Việt Nam cũng được.” [1]

Ba chữ Ðại Việt Nam, mới nghe qua có vẻ đượm màu tham vọng bành trướng; nhưng trước khi có một kết luận chính xác, hãy xét qua về hoàn cảnh nước ta.

Lịch sử đưa đẩy đất nước ta nằm sát nách Trung Quốc đất rộng người nhiều, đây là mối lo đời đời cho dân tộc. Gọi là lịch sử đưa đẩy vì thời xa xưa dân tộc Hoa Hạ lập quốc tại miền châu thổ sông Hoàng Hà xa cách ta hàng mấy ngàn dặm, dân tộc này có một nền văn hoá cao và sức bành trướng mãnh liệt. Về phía nam, thế lực của họ vượt qua sông Dương Tử thôn tính nước Sở, rồi đến đời Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu xâm lăng Bách Việt. Kế đó dưới các triều đại Hán, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tuỳ, Ðường; nước ta trải qua thời gian dài ngàn năm đô hộ. Trong khi còn mang nặng ách cai trị của kẻ thù phương Bắc, thì tại phương nam, nước Lâm Ấp [2] lúc bấy giờ hùng mạnh, cũng mấy lần mang quân sang đánh phá nước ta.

Sau khi giành được quyền tự chủ, dân tộc ta vẫn phải tiếp tục đối địch với kẻ thù ở hai đầu nam bắc; nếu bó tay chịu khuất phục bởi định mệnh, thì đất nước khó mà trường tồn. Giống như thời Tam Quốc bên Tàu, sách lược “Ðông hoà Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo” của quân sư Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị dựng nên đế nghiệp, tại nước ta tuy không chép thành văn, nhưng qua việc làm thực tế chứng tỏ các triều đại xưa đều chủ trương Bắc hoà với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục mở nước về phía Tây và Nam. Như vậy hoà với Trung Quốc không phải chỉ để cầu an, mà còn mang ý nghĩa tích cực muốn rảnh về phương Bắc để kinh dinh tại các nước Ai Lao, Chiêm Thành, Chân Lạp tại phía Tây và Nam; ngõ hầu một khi đất nước lớn mạnh thì có thể nói chuyện ngang hàng với Trung Quốc. Như vậy ba chữ “Ðại Việt Nam” được Minh Mệnh giải thích cho quốc hiệu Ðại Nam, đã nói lên một nỗ lực chung trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc.

Không phải riêng người trong nước nghĩ về mối hoạ phương Bắc, sự thật phũ phàng về một nước nhỏ bé phải đương đầu với Trung Quốc, đã được Sứ thần nhà Nguyên, Thượng thư Trương Lập Ðạo phân tích kỹ trong “Thư giảng nghĩa” gửi cho vua Trần Nhân Tông vào năm Tân Mão (1291), có đoạn như sau:

“…Nếu quân của nước lớn đến, nước nhỏ cố giữ bờ cõi, thua nhưng không chịu theo hàng; thì dân chúng phải chạy tản cư đến vùng góc biển; sống khổ sở lầm than, tuy sống cũng như đã chết, tuy còn cũng chẳng khác gì mất. Vậy góc biển tuy hiểm, nhưng không nương dựa được, đó là lý thứ nhất.

Giang Nam của nhà Tống có 400 châu, nhưng không đương nổi mũi nhọn Trung Nguyên (Nguyên Mông). An Nam so với Giang Nam, dân đông ít bao nhiêu đã biết rõ, vậy làm sao có thể chống cự được với thượng quốc? Rồi năm nay đánh nhau, năm sau đánh nhau; ngày nay chết trận, ngày mai chết trận. Dân nước nhỏ còn được bao nhiêu; vấn đề nhân lực không đủ để nương tựa, đó là lý thứ hai…” [3]

Hơn ai hết, vua Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam, biết rõ điều này; nên dù giáo lý nhà Phật chủ trương từ bi hỷ xả, nhà vua vẫn hết sức chăm lo việc mở mang bờ cõi. Toàn thư chép rằng:

“Vua thân đi đánh Ai Lao. Triều thần can rằng:

Giặc Hồ vừa mới rút, vết thương chưa lành, đâu đã có thể dấy binh đao!

Vua nói:

Chỉ có thể lúc này ra quân thôi. Vì sau khi giặc rút, ba cõi tất cho là lính tráng, ngựa chiến của ta đã chết cả, thế không thể lên nổi, sẽ có sự khinh nhờn từ bên trong, cho nên phải cất quân lớn để thị uy.

Bầy tôi đều nói:

Nhà vua há chẳng biết làm nhọc dân là việc đáng lo, nhưng còn có việc đáng lo hơn nữa. Thánh nhân lo xa, bọn thần không thể nghĩ đến được.” [4]

Rồi tháng 8 năm Giáp Ngọ (1294) nhà vua, lúc bấy giờ là Thái thượng hoàng, thân chinh đánh Ai Lao:

“Tháng 8, Thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết. Trong chiến dịch này, Trung Thành Vương (không rõ tên) làm tiên phong, bị quân Ai Lao bao vây, Phạm Ngũ Lão dẫn quân ập tới giải vây, rồi tung quân nghênh chiến, đánh bại quân Ai Lao. Ban kim phù cho Ngũ Lão.” [5]

Lại cần kể thêm một nỗ lực khác của Thượng hoàng trong việc mở mang bờ cõi tại phương nam, nhưng lần này có tính cách hoà bình. Ngài vân du sang nước Chiêm Thành để thắt chặt tình bang giao, rồi gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm Thành Chế Mân. Vua Chiêm dâng món quà hồi môn lớn gồm 2 châu Ô, Lý; vị trí tương đương với 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Kết quả không tốn một mũi tên, không nhọc một tên lính, lãnh thổ nước ta mở mang thêm trên 10 ngàn km2.

Qua bài thơ vịnh Huyền Trân Công chúa, Hoàng Cao Khải quả có lý khi so sánh sự được, mất; giá trị vĩnh viễn và nhất thời; cùng thành quả lớn lao của đất nước với thân phận nhỏ nhoi của người con gái cần phải hy sinh, cho dù người con gái thuộc dòng “lá ngọc cành vàng”:

“…
Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi.
Lòng đỏ khá khen lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời!
…”

Hình thể nước ta Trung Nam Bắc thường được ví như một đòn gánh quảy 2 chiếc thúng, phần đòn gánh miền Trung có nơi bề ngang hẹp chỉ khoảng 50km, nên khó phòng thủ, rất dễ bị cắt đứt. Bởi vậy dưới triều Tự Ðức, lúc quân Pháp mới tấn công Ðà Nẵng, cả triều đình rúng động xôn xao. Giả sử lãnh thổ Ðại Nam thời Minh Mệnh tồn tại và được củng cố, địa bàn nước ta lúc bấy giờ về phía Tây Ai Lao có chỗ vươn tới tận bờ sông Mekong, về phía Nam chiếm trọn nước Cao Miên. Với vùng hậu phương phía tây dãy Trường Sơn vừa rộng lớn vừa hiểm trở, nếu triều đình lúc đó biết dựa vào thời gian và không gian làm vũ khí để chiến đấu, thì chưa chắc đã có thảm cảnh 80 năm đô hộ. Ngoài ra với lãnh thổ lớn, đất nước giàu mạnh, Việt Nam có thể nói chuyện ngang hàng với Trung Quốc; không còn cái cảnh luôn luôn phải nhún nhường chịu đựng, vừa mới thắng trận xong đã phải sai sứ gõ cửa quan ải xin triều cống!

© 2008 talawas


[1]Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực, Southeast Asia Studies Section, Hong kong, 1965; tr. 278.
[2]Một vương quốc đã tồn tại từ khoảng năm 192 đến khoảng năm 605, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Vương quốc này được coi là giai đoạn khởi đầu của Champa.
[3]Những nét đặc trưng về lịch sử Việt Nam, Hồ Bạch Thảo, Hoa Kỳ, 2002, tr. 374.
[4]Ðại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch, Hà Nội, 1998, tập 2, tr. 66.
[5]Sđd, tập 2, tr. 73.