trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
2.7.2008
Lâm Vũ

Theo thiển ý, cảm nghĩ của ông Phạm Minh Ngọc về bài viết của ông Phong Uyên thiếu sự mẫn cảm của một người đọc bình thường.

Có lẽ ai đọc bài của Phong Uyên cũng nhận ra tác giả chủ yếu tìm cách khơi dậy lòng yêu nước của người đọc – dĩ nhiên là giới trẻ hơn là những cụ già - bằng những điển tích lịch sử oai hùng hay những câu văn rổn rảng (“Triệu Đà đem lại cho dân tộc Việt vinh quang đầu tiên bằng chiến công đánh chiếm Trường Sa của Trung Quốc. Hơn một ngàn năm sau Lý Thường Kiệt noi gương đem quân tràn qua Tàu đánh phá các châu Khâm, Liêm. Rồi lại gần 1000 năm sau nữa, sau trận Đống Đa làm nhà Thanh khiếp đảm, Thanh đế Càn Long sợ Quang Trung sang đánh và đòi đất, phải vội vàng hứa gả con gái cho và hứa trả lại Lưỡng Quảng […]”).

Thêm vào đó, câu kết luận của bài viết của Phong Uyên cho thấy mục tiêu thời sự của tác giả: “Làm thế nào thoát được vòng cương toả của Trung Quốc để tạ lỗi với tổ tiên, với đất nước? Dù sớm hay muộn, chính quyền cộng sản Việt Nam cũng sẽ phải trả lời câu hỏi này.

Nếu quả thật tác giả Phong Uyên viết bài đó với mục đích thực dụng như tôi hiểu, thì có lẽ không nên trách tác giả Phong Uyên đã… vung tay quá trán. Còn như ông Phạm Minh Ngọc nhất định dù mục đích là gì đi nữa thì sự thật lịch sử vẫn phải được tôn trọng, thì tôi cũng chẳng thể nào cãi được. Tuy nhiên vẫn còn câu hỏi: tại sao thay vì tự mình phân tích cái đúng sai trong bài viết của Phong Uyên, ông lại dẫn ra cả trang từ cuốn Tổ quốc ăn năn của ông Nguyễn Gia Kiểng? Nếu thật sự ông hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Gia Kiểng là: ”Văn hóa ta khác văn hóa Trung Hoa không phải ở chỗ ta thực sự khác mà là ở chỗ ta chưa bằng. Sự khác biệt ở trình độ nhiều hơn là ở bản chất. Sau này khi lệ thuộc người Pháp, chúng ta cũng đã mê mải chạy theo văn hóa Pháp. Nhiều người còn muốn quên hẳn gốc gác Việt Nam” thì ông có sẵn sàng chứng minh điều này hộ ông Nguyễn Gia Kiểng không? Hay cụ thể hơn, chứng minh là các cụ Trần Trọng Kim hay Bùi Kỷ đã hiểu sai Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Gia Kiểng hiểu đúng?