trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
26.6.2008
George Orwell
Nhà văn và Quái vật Leviathan (1948)
(Kỉ niệm 105 năm ngày sinh George Orwell 25.06.1903 – 25.06.2008)
Phạm Minh Ngọc dịch
 
[1]

Địa vị của nhà văn trong thời buổi khi mà nhà nước kiểm soát tất cả mọi thứ đã được rất nhiều người thảo luận, mặc dù đa số thông tin liên quan đến lĩnh vực này còn chưa được công bố. Ở đây tôi không muốn đưa ra ý kiến ủng hộ hay phản đối sự bảo trợ của nhà nước đối với lĩnh vực nghệ thuật, mà chỉ muốn xác định những luật lệ mà nhà nước muốn trùm lên đầu chúng ta phải phụ thuộc một phần vào không khí trí thức: nghĩa là, trong tình huống đó, phải phụ thuộc một phần vào thái độ của chính các nhà văn và các nghệ sĩ, và vào sự tự nguyện chấp nhận, hay ngược lại, giữ vững tinh thần của chủ nghĩa tự do của họ. Nếu mười năm nữa mà chúng ta thấy mình có thái độ xu phụ hèn hạ trước những kẻ như Zhdanov [2] thì có thể là chính chúng ta xứng đáng được như thế. Rõ ràng là tinh thần toàn trị hiện đã rất mạnh mẽ trong giới nhà văn Anh. Nhưng ở đây tôi cũng không muốn nói đến một phong trào có tổ chức và có ý thức nào, thí dụ như chủ nghĩa cộng sản chẳng hạn, mà chỉ muốn nói đến các hậu quả đối với những người có thiện chí, có tư duy chính trị và về nhu cầu đứng về bên này hay bên kia mà thôi.

Đây là thời của chính trị. Chiến tranh, chủ nghĩa phát xít, trại tập trung, dùi cui, bom nguyên tử v.v... là những thứ chúng ta nghĩ đến hàng ngày, và vì vậy cũng là những đề tài chủ yếu của chúng ta hiện nay, dù chúng ta không nói thẳng ra như thế. Làm khác đi cũng không thể được. Ở trên chiếc tầu đang chìm người ta chỉ có thể nghĩ đến những vụ đắm tầu mà thôi. Nhưng chúng ta không chỉ giới hạn các đề tài khi sáng tác mà còn có thái độ thiên vị đối với văn học, là cái mà ít nhất đôi khi chúng ta cũng biết rằng nằm ngoài lĩnh vực chính trị. Tôi thường có cảm nghĩ rằng ngay cả trong những thời đại huy hoàng nhất, phê bình văn học cũng chứa đầy những sự dối trá, vì không có bất cứ tiêu chuẩn chung nào để có thể dựa vào đấy mà nói rằng cuốn sách này là “tốt” hay là “xấu”, nghĩa là tất cả các đánh giá về văn học đều chỉ dựa trên một loạt các qui tắc nhằm biện hộ cho lòng yêu ghét bản năng của mình mà thôi. Phản ứng đúng đắn nhất đối với một cuốn sách, nếu quả thật nó có thể tạo ra phản ứng, thường là “Tôi thích cuốn này” hay “Tôi không thích”, tất cả những cái khác đều là sự hợp lí hoá cái lòng yêu ghét đó mà ra. Nhưng “Tôi thích cuốn này”, tôi nghĩ, không phải là phản ứng phi văn học; phản ứng phi văn học là “Cuốn này có những tư tưởng gần gũi với tôi vì vậy tôi phải tìm cho ra các giá trị của nó”. Dĩ nhiên là, người ta có thể chân thành khi đánh giá cao một cuốn sách vì lí do chính trị, theo nghĩa là người ta thực sự đồng ý với nó, nhưng thường thì vì tinh thần đảng phái mà người ta phải nói dối một cách trắng trợn. Những người giữ mục phê bình sách trên các ấn phẩm định kì với đường lối chính trị xác định không lạ gì chuyện này. Nói chung, khi viết cho một tờ báo có cùng quan điểm với mình thì người ta dễ bị mắc tội thoả hiệp, còn khi viết cho một tờ báo có quan điểm trái ngược thì người ta phải che giấu quan điểm của mình đi. Dù sao mặc lòng, ta có thể đánh giá vô vàn cuốn sách ủng hộ hay chống đối nước Nga Xôviết, ủng hộ hay chống đối chủ nghĩa bài Do Thái, ủng hộ hay chống đối nhà thờ Thiên chúa giáo v.v… ngay cả trước khi đọc chúng, trên thực tế, có thể đánh giá ngay cả trước khi chúng được chấp bút. Ta còn biết trước phản ứng của tờ báo này hay tờ báo kia nữa cơ. Thật là một thái độ bất lương, dù không phải lúc nào cũng nhận thức được, vì người ta vẫn giả đò rằng họ đang sử dụng các tiêu chí văn chương trong việc phê bình tác phẩm.

Dĩ nhiên là chính trị không thể không can dự vào địa hạt văn học. Điều đó nhất định phải xảy ra, ngay cả nếu như không có hiện tượng đặc thù là chủ nghĩa toàn trị, vì khác với thế hệ cha anh, lương tâm chúng ta luôn bị cắn rứt bởi nhận thức rằng thế giới này có quá nhiều bất công và đau khổ, và cảm giác tội lỗi đó thúc đẩy chúng ta phải góp phần giải quyết, nó làm cho quan niệm vị thẩm mĩ về cuộc đời trở thành bất khả thi. Hiện nay không ai còn có thể hiến trọn đời mình cho văn chương như Joyce và Henry James được nữa. Nhưng thật không may là nhận trách nhiệm chính trị cũng đồng nghĩa với việc tuân theo những học thuyết chính thống hay “đường lối của Đảng”, là phải im lặng và nói dối khi cần. So với các nhà văn thời Victoria thì chúng ta có cái thiệt thòi là phải sống trong những hệ tư tưởng được xác định một cách cực kì rành mạch và ta thường biết ngay lập tức tư tưởng nào là dị giáo. Nhà văn hiện thời sống và viết với nỗi sợ hãi thường trực, không phải là sợ dư luận theo nghĩa rộng của từ này mà là sợ dư luận của chính cái nhóm mà anh ta là thành viên. May là, nói chung, thường có nhiều nhóm như thế, nhưng bao giờ cũng có một học thuyết chính thống chiếm thế thượng phong, phải có đủ dũng khí, thậm chí đôi khi phải sẵn sàng chấp nhận giảm thu nhập đến một nửa trong nhiều năm liền thì mới dám đứng lên chống lại nó. Mọi người đều biết rằng mười lăm năm gần đây, vượt lên tất cả, nhất là trong giới trẻ, là học thuyết của phái “tả”. Nhãn hiệu có giá nhất là “tiến bộ”, “dân chủ” và “cách mạng”, còn những cái nhãn như “tư sản”, “phản động”, và “phát xít” thì phải hết sức tránh. Hiện nay hầu như tất cả mọi người, kể cả những người Thiên chúa giáo và bảo thủ, đều là người “tiến bộ” hết, hay ít nhất thì họ cũng muốn được coi là những người như thế. Cho đến nay tôi chưa thấy người nào tự coi mình là “tư sản” cả, cũng không có người hiểu biết nào lại tự nhận mình là bài Do Thái hết. Tất cả chúng ta đều là những nhà dân chủ, chống phát xít, chống đế quốc, khinh bỉ thái độ phân biệt giai cấp, không chấp nhận các định kiến về màu da v.v… và v.v… Không nghi ngờ gì rằng hiện nay học thuyết chính thống của phái “tả” là đúng đắn hơn cái học thuyết bảo thủ làm ra vẻ ngoan đạo và hợm hĩnh từng giữ thế thượng phong hai mươi năm về trước, khi tờ CRITERION và (ở mức thấp hơn) LONDON MERCURY là những tạp chí văn học có ảnh hưởng lớn hơn cả. Vì nói gì thì nói, mục tiêu của phái “tả” là một xã hội có sức sống, rất nhiều người vẫn muốn như thế. Nhưng phái “tả” cũng nói dối, song họ lại không chịu nhận như thế cho nên một số vấn đề đơn giản là đã không được thảo luận đến nơi đến chốn.

Toàn bộ hệ tư tưởng của phái tả, cả khoa học lẫn không tưởng, đều được tạo ra bởi những người không có mục tiêu tranh đoạt ngay lập tức quyền lực. Vì vậy mà nó là hệ tư tưởng quá khích, nó coi khinh tất cả các vua chúa, chính phủ, luật pháp, nhà tù, cảnh sát, quân đội, cờ quạt, biên giới, tinh thần yêu nước, tôn giáo, đạo đức và trên thực tế là coi thường tất cả những gì đang tồn tại hiện nay. Chúng ta vẫn còn nhớ rõ là lực lượng tả khuynh trên toàn thế giới từng chiến đấu chống lại chế độ độc tài tưởng chừng như bất khả chiến bại và nghĩ một cách đơn giản rằng chỉ cần chế độ độc tài cụ thể NÀY, tức là chủ nghĩa tư bản, bị lật đổ thì chủ nghĩa xã hội sẽ xuất hiện ngay lập tức. Ngoài ra, cánh tả còn thừa hưởng được từ chủ nghĩa tự do một vài tín điều cực kì đáng ngờ, thí dụ như chân lí bao giờ cũng chiến thắng và khủng bố tức là tự làm hại mình hay con người vốn là tốt, họ trở thành xấu xa là do môi trường sống. Tư tưởng cầu toàn này đã ăn sâu bén rễ trong đầu mỗi chúng ta và chúng ta đã nhân danh nó mà đứng lên phản đối chính phủ Công Đảng khi họ biểu quyết việc tăng lương cho các công chúa hoặc khi chính phủ này lưỡng lự trong việc quốc hữu hoá ngành công nghiệp thép. Nhưng mỗi lần va chạm với thực tiễn là chúng ta lại thấy những mâu thuẫn không thể chấp nhận được.

Cuộc cách mạng Nga có thể được coi là cú va chạm lớn đầu tiên. Vì những lí do phức tạp mà gần như toàn thể cánh tả ở Anh buộc phải chấp nhận rằng đấy là chế độ xã hội chủ nghĩa trong khi thâm tâm họ nghĩ rằng cả về mặt tinh thần lẫn thực tiễn chế độ này đều xa lạ với khái niệm “xã hội chủ nghĩa” ở nước ta. Từ đó đã xuất hiện một cách suy nghĩ kì quặc, trong đó, thí dụ như từ “dân chủ” có hai nghĩa trái ngược nhau, và những việc như trại tập trung và lưu đầy hàng loạt có thể là đúng mà đồng thời cũng có thể là sai nữa. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít là cú giáng tiếp theo vào hệ tư tưởng tả khuynh, nó đã làm lung lay tinh thần hoà bình chủ nghĩa và chủ nghĩa quốc tế của phe tả, nhưng không dẫn tới việc xét lại một cách căn bản học thuyết của họ. Nước Đức, qua việc chiếm đóng, đã dạy cho nhân dân châu Âu cái điều mà nhân dân các nước thuộc địa đã biết từ lâu, đấy là mâu thuẫn đối kháng giai cấp không phải là điều quan trọng nhất, còn có những thứ quan trọng khác, thí dụ như quyền lợi dân tộc chẳng hạn. Sau khi Hitler xuất hiện, thật khó mà giữ mãi quan niệm rằng “kẻ thù nằm ngay trong nước chúng ta” và độc lập dân tộc chẳng có giá trị gì. Mặc dù tất cả chúng ta đều biết như thế và khi cần sẽ hành động theo cách hiểu đó, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy rằng nói điều đó ra thành lời thì cũng giống như là phản bội vậy. Và cuối cùng, khó khăn lớn nhất vẫn là bây giờ cánh tả đã nắm được chính quyền, họ phải chịu trách nhiệm và phải đưa ra những quyết định đúng đắn.

Các chính phủ cánh tả thường làm cho những người ủng hộ thất vọng vì ngay cả khi đạt được sự thịnh vượng mà họ hứa hẹn thì nhất định vẫn có những giai đoạn chuyển tiếp khó khăn mà trước đó họ đã ỉm đi. Hiện nay chúng ta đã thấy chính phủ của mình đang ở trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế lại phải chiến đấu chống lại chính những điều họ đã tuyên truyền trước đây. Vụ khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua không phải là tai hoạ không lường trước được như động đất hay là chiến tranh; chiến tranh chỉ làm cho nó xảy ra nhanh hơn mà thôi. Hàng chục năm trước đã có thể dự đoán được rằng chuyện đó nhất định sẽ xảy ra. Ngay từ thế kỉ XIX thu nhập quốc dân của chúng ta đã bấp bênh rồi, vì nó phụ thuộc một phần vào đầu tư nước ngoài và một phần vào thị trường ổn định và nguyên liệu rẻ mạt từ các nước thuộc địa. Chắc chắn là điều tồi tệ rồi sẽ phải xảy ra, và chúng ta phải cân đối lại cán cân xuất nhập khẩu: và khi điều đó xảy ra thì mức sống của người Anh, trong đó có giai cấp công nhân nhất định phải thấp đi, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhưng các đảng cánh tả, ngay cả khi họ đang gào lên những khẩu hiệu chống chủ nghĩa đế quốc, lại không chịu làm rõ những sự kiện này. Đôi khi họ cũng sẵn sàng chấp nhận rằng người công nhân Anh đã hưởng lợi từ những vụ cướp bóc châu Á và châu Phi, nhưng họ lại làm ra vẻ như là chúng ta có thể không cần cướp bóc nữa mà vẫn giữ được sự phồn vinh như cũ. Trên thực tế, đa số công nhân tin vào chủ nghĩa xã hội vì người ta bảo với họ rằng họ bị bóc lột, trong khi trên bình diện quốc tế thì sự thật trần trụi lại là: họ là những người bóc lột. Hiện nay thì rõ ràng là mức sống của giai cấp công nhân KHÔNG THỂ giữ như cũ được nữa, chứ đừng nói đến tăng lên. Ngay cả nếu chúng ta có đuổi hết người giầu đi thì đa số dân chúng cũng vẫn phải tiêu thụ ít đi hoặc là sản xuất nhiều thêm. Liệu tôi có phóng đại quá mức tình cảnh khó khăn của chúng ta hay không? Có thể như thế, tôi sẽ rất lấy làm sung sướng nếu mình lầm. Nhưng tôi muốn nói là: những người trung thành với tư tưởng tả khuynh đã không thảo luận vấn đề này một cách công khai. Giảm lương và tăng giờ làm được coi là những biện pháp phi xã hội chủ nghĩa và phải bị gạt bỏ ngay từ đầu, bất chấp hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Chỉ cần nói rằng đấy là những biện pháp không thể tránh được là sẽ bị dán ngay những cái mác mà tất cả chúng ta đều sợ. Sẽ an toàn hơn, nếu lảng tránh những vấn đề đó và giả đò là chỉ cần phân phối lại thu nhập quốc dân hiện có là chúng ta có thể giải quyết được mọi chuyện một cách tốt đẹp.

Chấp nhận giáo lí chính thống cũng có nghĩa là chấp nhận những mâu thuẫn chưa được giải quyết của nó. Thí dụ, tất cả những người thông minh đều căm ghét quá trình công nghiệp hoá và các sản phẩm của nó, nhưng họ cũng nhận thức rõ ràng rằng muốn xoá đói giảm nghèo và giải phóng giai cấp công nhân thì phải tiến hành công nghiệp hoá ngày càng nhanh hơn chứ không phải chậm hơn. Hay thí dụ khác: có một số việc nhất định phải làm nhưng nếu không bị bắt ép thì chẳng ai chịu làm những việc như thế. Thí dụ thứ ba: không thể thực hiện được một chính sách đối ngoại hữu hiệu nếu không có lực lượng vũ trang hùng mạnh. Có thể nhân các thí dụ đó lên gấp nhiều lần. Trong mỗi trường hợp như thế người ta đều có thể rút ra được những kết luận cực kì đơn giản, nhưng đấy là nói những người không bám vào bất kì hệ tư tưởng chính thống nào. Nhưng thường thì người ta phản ứng như sau: câu hỏi chưa có lời giải được đẩy vào một góc của trí não, cố gắng không nghĩ đến nó nữa rồi tiếp tục lảm nhảm những khẩu hiệu đầy mâu thuẫn. Chẳng cần phải tìm kiếm trong sách báo mới có thể thấy được hậu quá của lối tư duy này.

Dĩ nhiên là tôi không định nói rằng thiếu trung thực là tính cách đặc thù của những người xã hội chủ nghĩa hay cánh tả nói chung hoặc họ thiếu trung thực hơn những người khác. Tôi chỉ muốn nói rằng chấp nhận BẤT KÌ một học thuyết chính trị nào cũng đều có vẻ như không thích hợp với tính trung thực trong hoạt động văn học. Điều này cũng được áp dụng cho cả những phong trào như hoà bình chủ nghĩa hay chủ nghĩa cá nhân, là những phong trào tuyên bố đứng ngoài mọi cuộc đấu tranh chính trị thông thường. Trên thực tế, tất cả những từ có kết thúc là “ism” đều mang theo mùi vị của tuyên truyền rồi. Trung thành với phe nhóm dĩ nhiên là cần thiết, nhưng nó cũng là thuốc độc đối với văn chương, đấy là nói khi văn chương còn là sản phẩm của các cá nhân. Khi các học thuyết được phép có ảnh hưởng đối với văn chương, thậm chí cả khi các nhà văn lên tiếng phản đối, thì kết quả sẽ không chỉ là sự dối trá mà thường là khả năng sáng tạo thật sự sẽ không còn.

Vâng, thế thì sao? Chúng ta có nên kết luận rằng nhiệm vụ của các nhà văn là “đứng ngoài chính trị hay không?” Dĩ nhiên là không! Như tôi đã nói bên trên, trong thời đại ngày nay chỉ những người không nghĩ ngợi gì mới có thể hoặc thực sự đứng được bên ngoài chính trị mà thôi. Tôi chỉ đề nghị là chúng ta phải có thái độ khác với hiện nay, chúng ta phải phân biệt rõ lòng trung thành trong lĩnh vực chính trị với lòng trung thành trong lĩnh vực văn chương, chúng ta phải nhận chân một điều: sẵn sàng LÀM những việc khó chịu nhưng cần thiết không đồng nghĩa với việc chấp nhận cả những tín điều đi kèm với chúng. Khi nhà văn tham gia vào hoạt động chính trị thì anh ta phải hành xử như một công dân, như một con người, nhưng không phải NHƯ MỘT NHÀ VĂN. Tôi nghĩ rằng do khả năng nhạy cảm của anh ta, anh ta không có quyền né tránh các công việc bẩn thỉu thường ngày của chính trị. Như tất cả những người khác, anh ta phải sẵn sàng phát biểu trong những căn phòng lộng gió, phải viết khẩu hiệu bằng phấn trên mặt đường nhựa, phải vận động cử tri đi bỏ phiếu, phải phân phối các tờ rơi, thậm chí phải đánh nhau, khi cần. Nhưng khi làm những công việc của đảng, không bao giờ anh ta được nhân danh các nhiệm vụ đó mà sáng tác. Anh ta phải nhận thức rõ ràng rằng viết là việc hoàn toàn khác. Anh ta phải có khả năng hành động phù hợp với nhiệm vụ, nếu anh ta lựa chọn như thế, và bác bỏ hoàn toàn hệ tư tưởng chính thống, khi cần. Anh ta không được rời bỏ luồng suy nghĩ chỉ vì nó có thể dẫn tới những kết luận mang tính dị giáo, và không được quá bận tâm đến việc người ta sẽ phát hiện ra những tư tưởng phi chính thống của mình, có thể xảy ra như thế lắm. Có thể, hôm nay mà một nhà văn không bị nghi là có tư tưởng phản động thì sẽ là một nhà văn tồi, cũng tương tự như thế, nếu cách đây hai mươi năm anh ta không bị nghi là có cảm tình với cộng sản vậy.

Nhưng như thế có phải là nhà văn không những không được để cho các lãnh tụ chính trị sai khiến mà còn phải tránh viết VỀ chính trị hay không? Một lần nữa, câu trả lời là: chắc chắn không! Không có lí do gì buộc anh ta không được viết về chính trị một cách trực tiếp nhất, nếu anh ta muốn như thế. Nhưng anh ta phải làm như thế với danh nghĩa cá nhân, như một người khách, nhiều nhất là như một chiến sĩ du kích hoạt động bên cạnh quân đội chính qui mà thôi. Thái độ như thế sẽ hoàn toàn thích hợp với lợi ích chính trị. Thí dụ, sẽ hoàn toàn hợp lí khi một nhà văn muốn đi chiến đấu vì anh ta cho rằng phải thắng trong cuộc chiến tranh này, nhưng đồng thời anh lại không viết để tuyên truyền cho chiến tranh. Đôi khi, nếu nhà văn là người trung thực thì những điều anh ta viết có thể mâu thuẫn với hoạt động chính trị của anh ta. Cũng có những trường hợp khi chuyện đó đơn giản là có thể gây phiền phức: nhưng lối thoát lại không phải là bóp méo cảm hứng của mình mà là im lặng.

Có người cho rằng trong giai đoạn xung đột mà khuyên nhà văn chia chẻ hoạt động của anh ta thành hai phần tách rời nhau là một lời khuyên theo tư tưởng chủ bại và phù phiếm: quả thật, trên thực tế tôi không thấy có cách nào khác. Giam mình trong tháp ngà là việc bất khả thi và cũng không nên làm như thế. Buộc cá nhân mình phục tùng không chỉ bộ máy của đảng, mà ngay cả một hệ tư tưởng của một nhóm nào đó nghĩa là giết chết nhà văn trong chính con mình. Chúng ta cảm thấy đấy là tình trạng tiến thoái lưỡng nan đầy đau đớn vì chúng ta thấy cần phải tham gia vào chính trị nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng đấy là một công việc bẩn thỉu và hèn hạ. Đa số chúng ta vẫn còn tin rằng bất cứ sự lựa chọn nào, kể cả lựa chọn chính trị, là lựa chọn giữa thiện và ác và tin rằng một việc cần làm thì cũng chính là một việc nên làm. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải chia tay với tín điều đó, nó chỉ thích hợp cho bọn thiếu niên. Trong chính trị người ta chỉ có thể lựa chọn giữa hai điều tồi tệ cái đỡ tồi tệ hơn mà thôi, và có những trường hợp khi mà người ta chỉ có thể giải quyết được bằng cách hành động như một con quỉ hay như một thằng điên. Chiến tranh là một thí dụ, chiến tranh có thể là cần, nhưng không phải là việc thiện và cũng chẳng phải là tốt đẹp gì. Ngay cả tổng tuyển cử cũng chẳng phải là một cảnh tượng vui vẻ hay có tính cách giáo dục gì. Nếu bạn phải tham gia vào những việc như thế - tôi nghĩ là bạn phải, trừ khi bạn đóng vai một kẻ già nua hay ngu dốt hoặc giả dối - bạn phải giữ một phần cái Tôi của mình được nguyên vẹn. Đối với đa số, đây không phải là vấn đề vì đời sống của họ đã chia chẻ rồi. Họ chỉ thực sự sống trong những giây phút rảnh rỗi mà thôi, không có mối liên hệ tình cảm nào giữa công việc sáng tạo và hoạt động chính trị của họ. Và nói chung người ta cũng không đòi hỏi họ phải nhân danh lòng trung thành chính trị mà hạ thấp giá trị nghề nghiệp của mình. Các nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn, thường được yêu cầu như thế, trên thực tế, các nhà chính trị chỉ yêu cầu anh ta có thế. Từ chối không có nghĩa là anh ta tự buộc mình trở thành ù lì. Một nửa con người của anh ta, theo nghĩa nào đó thì là toàn bộ con người của anh ta, có thể hành động một cách kiên quyết, thậm chí quyết liệt, khi cần, như bất kì người nào khác. Nhưng sáng tác của anh ta, nếu những sáng tác đó có một giá trị nào đó, phải là sản phẩm của một cái Tôi lành mạnh hơn, của cái Tôi đứng bên ngoài, cái Tôi ghi nhận những sự kiện đã từng diễn ra và coi đó là điều cần thiết nhưng không ngộ nhận về bản chất thật sự của chúng.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Leviathan là tên gọi một loài thuỷ quái huyền thoại, được nhắc tới trong Kinh Cựu ước. Thomas Hobbes (1588-1679) đã dùng lấy tên quái vật này làm nhan đề cho cuốn sách bàn về con người, sự hình thành xã hội và nhà nước lý tưởng – Commonwealth (theo Cao Việt Dũng). (ND)
[2]Zhdanov A. A. (1896 — 1948), là một trong những cánh tay đắc lực của Stalin trong các vụ thanh trừng, trong đó có việc thanh trừng các nhà trí thức lớn, khét tiếng đến mức tạo ra hiện tượng có tên là “Zhdanovshina” mặc dù chủ mưu vẫn là Stalin (ND).