trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
24.6.2008
Bùi Văn Phú
Bao giờ con tàu Việt Nam ra được biển lớn?
 
Tuần này Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chính thức thăm Hoa Kỳ để thảo luận với các lãnh đạo Mỹ về quan hệ song phương giữa hai quốc gia, vào một thời điểm đang có nhiều biến chuyển ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Chuyến đi của ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng như những chuyến đi Mỹ trong những năm qua của Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là muốn tiến đến một mối quan hệ tốt đẹp và bền vững hơn giữa hai nước đã một thời từng là thù địch của nhau.

Nhưng viễn ảnh chuyến đi Mỹ lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra trong lúc Việt Nam, và cả Hoa Kỳ, đang phải đương đầu với những khó khăn tài chánh.

Kinh tế Mỹ từ hai năm qua đang trì trệ vì khủng hoảng tín dụng điạ ốc và giá dầu thô trên thế giới ngày một tăng. Tính từ đầu năm nay do thị trường điạ ốc ngày một xấu đi nên chứng khoán Mỹ đã giảm 10,7%, xuống dưới mức 12.000 điểm. Trong khi đó giá xăng dầu leo thang từ 2,50 Mỹ kim một ga-lông (1 gallon = 3,6 lít) vào muà hè năm ngoái, so với thời giá là 4,50 Mỹ kim một ga-lông, tăng 80%. Sự việc này đã ảnh hưởng nhiều đến giá sinh hoạt hàng ngày.

Chính sách nhất thời trả lại tiền thuế năm 2007 cho dân của Tổng thống George W. Bush đã không kích thích nền kinh tế nhiều. Một gia đình gồm 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ với thu nhập dưới 150 nghìn đô-la trong năm qua sẽ nhận được 1.800 Mỹ kim do chính phủ trả lại. Nhưng đối với đa số dân Mỹ, số tiền đó chỉ đủ bù vào những chi tiêu thường ngày như xăng dầu, thực phẩm do bởi vật giá leo thang. Theo tiên đoán của những chuyên gia kinh tế thì tình trạng trì trệ này còn kéo dài ít ra là cho đến hết năm nay.

Trước những bất ổn kinh tế, tương lai lãnh đạo nước Mỹ có thể sẽ chuyển qua Đảng Dân chủ, vì thế Việt Nam khó mà trông đợi được những hứa hẹn nhiều từ Hoa Kỳ trong lúc này.

Trong khi đó tình hình kinh tế Việt Nam đang u ám. Sau hơn một thập kỉ tăng trưởng ở mức cao nhất nhì châu Á, từ 8 đến 10% một năm, Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trước mặt. Mức lạm phát cao đến 25% trong những tháng qua và thị trường chứng khoán của Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã tuột dốc xuống còn khoảng 370 điểm, so với đỉnh cao 1.100 điểm vào cuối năm ngoái, là đã giảm hai phần ba. Đến nay vẫn chưa có dấu chỉ chứng khoán Việt Nam sẽ xoay chiều vì một vài biện pháp của chính phủ ban hành xem ra hơi muộn.

Nhưng có một điều rõ ràng, dù sau hai thập kỉ đổi mới kinh tế, nền kinh tế Việt Nam hiện tại vẫn không có ảnh hưởng toàn cầu, hay ít ra trong khu vực châu Á, dù Việt Nam đã có quan hệ kinh tế với các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu cũng như với những con hổ kinh tế trong vùng là Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia. Sự việc Việt Nam năm ngoái gia nhập WTO và năm 2001 đã kí một hiệp ước thương mại song phương với Mỹ cũng chưa đủ đảm bảo một chỗ đứng cho Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Hơn một thập kỉ trước khủng hoảng tài chánh đã xảy ra ở châu Á, bắt đầu từ Thái Lan. Tháng Bảy năm 1997 đồng Baht của Thái Lan bị mất giá trầm trọng, từ 25 Baht đổi một Mỹ kim xuống 56 Baht. Năm đó thị trường chứng khoán Thái tuột dốc mất 75% số điểm. Khủng hoảng kinh tế từ Thái Lan đã lan qua Nam Hàn, Philippin, Malaysia và Indonesia. Thị trường chứng khoán của những nước này cũng rớt nhanh, mất ít nhất một nửa số điểm, trong khi đó đồng tiền mất giá và vật giá leo thang. Đồng Won của Nam Hàn đang từ 800 xuống 1.700 Won đổi lấy một Mỹ kim, đồng Pesos của Philippin từ 26 Pesos xuống 38 và đồng Ringgit của Maylasia từ 2.5 xuống 3.8. Đồng Rupiah của Indonesia mất giá nhiều nhất, từ 2.000 Rup đổi một Mỹ kim đã xuống đến 18.000 Rup. Tổng thống Suharto của Indonesia cách chức thống đốc ngân hàng quốc gia nhưng cũng không cứu vãn được kinh tế suy sụp. Trước mức lạm phát quá cao, dân chúng Indonesia xuống đường biểu tình và khi không còn được sự ủng hộ của quân đội, Tổng thống Suharto đã phải từ chức. Những nền kinh tế khác trong vùng như Hong Kong, Đài Loan và Singapore cũng bị ảnh hưởng nhưng nhẹ hơn. Việt Nam lúc đó tự coi mình là may mắn, vì chưa hội nhập vào kinh tế toàn cầu, nên không bị ảnh hưởng.

Kinh tế Việt Nam hiện nay giống như của Thái Lan trước cuộc khủng hoảng năm 1997. Trong hơn một thập kỉ trước đó mức tăng trưởng kinh tế của Thái ở mức cao nhất vùng, khoảng 9%, như Việt Nam trong thời gian 10 năm qua. Tuy kinh tế Việt Nam chưa sụp đổ, hiện chỉ đình trệ, và không ảnh hưởng đến bên ngoài thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như những tổ chức tài chánh quốc tế khác, sẽ không bỏ tiền vào cứu nguy mà chỉ đề nghị những phương án giải quyết.

Khi khủng hoảng kinh tế ở Thái Lan bắt đầu và ảnh hưởng dây chuyền lan ra những quốc gia khác trong vùng, Hoa Kỳ, qua IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), đã can thiệp ngay, đổ vào gần một trăm tỉ Mỹ kim để tạo sự ổn định kinh tế cho những quốc gia bị ảnh hưởng. Nhưng những quốc gia đó đã phải chấp nhận những chính sách cải cách mà IMF đưa ra, như cải tổ hệ thống ngân hàng, tín dụng và những định chế tài chánh khác. IMF cũng buộc những quốc gia nhận tài trợ phải nhanh chóng giải tư những công ti quốc doanh không hiệu quả, giảm thâm thủng ngân sách và có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn việc tham nhũng.

Quan trọng nhất là việc tái tổ chức lại những định chế tài chánh và một chính sách kinh tế trong sáng, bình đẳng hơn. Các công ti phải cải tổ việc tổ chức điều hành, chi tiêu có kế toán minh bạch. Những thay đổi cấu trúc nhằm giảm bớt những lãng phí, tham nhũng, cửa quyền.

Thực hiện cải cách IMF đưa ra, những quốc gia Đông Á bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã phục hồi chỉ vài ba năm sau đó.

Với những dấu chỉ nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn, nhưng nó sẽ không có ảnh hưởng dây chuyền đến những quốc gia trong vùng cho thấy sau hai mươi năm thực hiện chính sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa hẳn là một nền kinh tế thị trường.

Vì thế, trong quan hệ Mỹ - Việt, Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam được gì nhân chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt Nam?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể nói với Tổng thống George W. Bush rằng Việt Nam muốn trở thành bạn chiến lược của Hoa Kỳ và đổi lại, Việt Nam muốn Hoa Kỳ giúp phát triển kinh tế. Điều này lãnh đạo Mỹ sẽ tán đồng ngay. Nhưng để kinh tế Việt Nam phát triển, liệu lãnh đạo Hà Nội có chấp nhận việc cải tổ những định chế kinh tế, tài chánh, tái tổ chức cơ quan công quyền để giảm bớt nạn quan liêu cửa quyền và tham nhũng đang ảnh hưởng đến những dự án kinh tế, cùng áp dụng những chính sách tương tự như IMF đã đề ra cho các nước bị ảnh hưởng để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1997.

Những dấu chỉ ở Việt Nam gần đây, như việc kiểm soát thông tin báo chí chặt chẽ hơn qua vụ bắt giam hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến và về việc đưa tin về cái chết của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho thấy lãnh đạo Hà Nội chưa chấp nhận những cải cách để Việt Nam có một nền hành chính hiệu quả và báo chí được tự do hơn. Từ khi nhận chức hai năm trước đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những cố gắng bước thêm một bước nữa, từ tiến trình “đổi mới” qua “tái cấu trúc” để cải tổ cơ chế, điển hình là sự nhanh chóng và hiệu quả của hợp đồng cho công ti Intel xây dựng một khu chế xuất tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể trở thành một Mikhail Gorbachev. Nhưng ông đang gặp một lực cản mạnh trong nội bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những đề nghị cải cách của Hoa Kỳ thì Bộ Chính trị đã biết cả. Nó nằm trong tinh thần và văn bản của hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam kí kết năm 2001.

Thi hành đúng đắn hiệp định thương mại này thì con tàu kinh tế Việt Nam sẽ ra biển, cùng du hành với những con tàu của Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan, Malaysia mà không sợ bị chao đảo bởi sóng lớn do con tàu Trung Quốc tạo nên.

© 2008 talawas