trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
23.6.2008
 
Vai trò của Trung Quốc đối với Đông Nam Á và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế
 
1. Trung Quốc rất cần đồng minh

Trong lịch sử trỗi dậy của các nước lớn từ thế kỷ XX trở lại đây, chúng ta thấy được sự bá quyền của các nước lớn luôn đi kèm với việc có các đồng minh kiên định và trung thành. Bắt đầu từ Chiến tranh Thế giới thứ Nhất đầu thế kỷ XX, Anh là nước đứng đầu thế giới suốt hàng trăm năm, để đối mặt với cường quốc trỗi dậy sau là nước Đức ở châu Âu, không thể không từ bỏ chính sách "cô lập" vốn có hàng trăm năm, để kết đồng minh với nước Pháp thù địch và nước Nga không cùng ý thức hệ. Sự tranh bá trên thế giới đã bước sang con đường thiết lập đồng minh giữa các nước lớn. Còn đến chiến tranh Thế giới thứ Hai thì phe đồng minh với hạt nhân là Mỹ và Liên Xô đã đối đầu với phe phát xít là Đức, Italia, Nhật. Đến Chiến tranh Lạnh thì càng thể hiện rõ hơn, khối NATO với Mỹ là hạt nhân cùng với các nước phương Tây, Nhật Bản và phe XHCN do Liên Xô đứng đầu cùng với các nước Đông Âu, Bắc Triều Tiên và Việt Nam đã tiến hành cuộc đối đầu kéo dài hơn 40 năm, Mỹ và Liên Xô đều có một số lượng lớn các nước đồng minh. Cho nên đến thế kỷ XXI, khi nước Trung Quốc vĩ đại trỗi dậy trên thế giới, nếu thực sự có ý chí trỗi dậy, thực sự có ý chí vượt ra khỏi Đông Á, tranh giành bá chủ toàn cầu với Mỹ, thì Trung Quốc cần phải có một đội ngũ các nước đồng minh giống như Liên Xô và Mỹ trước đây.

Vì thế có thể thấy trước rằng trong việc xưng bá trong tương lai, Trung Quốc cần đến đồng minh còn hơn cả Mỹ và Liên Xô trước đây. Trung Quốc là nước ngoài phương Tây đầu tiên dám tranh bá toàn cầu trong suốt 500 năm kể từ cách mạng công nghiệp, nhưng nếu Trung Quốc trỗi dậy trên một trình độ nào đó chắc chắn dẫn đến việc bị cả nền văn minh phương Tây, văn minh Cơ đốc giáo thù địch một cách toàn diện. Đến khi đó, không chỉ các nước Âu Mỹ, mà cả các nước Mỹ Latinh, thậm chí cả Nga sẽ liên kết lại để đối địch với Trung Quốc. Đối mặt với thế giới phương Tây có ưu thế to lớn suốt 500 năm trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức, thì cho dù khi đó thực lực của Trung Quốc có lớn mạnh đến mức nào, nếu gặp phải cục diện đó cũng sẽ bị cô lập. Nhưng nếu khi đó, Trung Quốc có một đội ngũ đồng minh trung thành thì tình hình trên các mặt chính trị, kinh tế cũng sẽ hoàn toàn khác đi.


2. Lịch sử và hiện thực chứng minh các nước Đông Nam Á là bạn bè tốt nhất của Trung Quốc

Khách quan mà nói, nếu không bàn đến chính trị, quân sự mà chỉ bàn về kinh tế văn hóa thì đồng minh thích hợp nhất của Trung Quốc không chỉ có các nước Đông Nam Á mà còn có Nhật Bản và Hàn Quốc Văn hóa Trung-Nhật-Hàn có cùng một cội nguồn, đồng thời thực lực kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc lớn mạnh, có tính bổ trợ rất lớn với Trung Quốc, lại thêm địa vị của hai nước này hiện nay, nếu làm đồng minh của Trung Quốc sẽ không gì thích hợp hơn. Nhưng do nguyên nhân lịch sử, chính trị, quân sự mà mọi người đều biết nên trong khoảng thời gian ngắn (ít nhất là 20 năm) Nhật Bản và Hàn Quốc không thể trở thành đồng minh của Trung Quốc, còn trong khoảng thời gian tương đối dài, dấu vết đó sẽ không thể tồn tại (đương nhiên hy vọng rằng cuối cùng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trở thành bạn bè của nhân dân Trung Quốc). Trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á đương nhiên là đối tượng trở thành đồng minh thích hợp nhất của Trung Quốc.

Trước hết, về chính trị, các nước Đông Nam Á thuộc diện vùng sâu vùng xa, bị các nước phương Tây bỏ quên, từ sau Chiến tranh Lạnh, các nước này luôn bị Mỹ coi nhẹ và Mỹ chưa có quan hệ sâu sắc với các nước Đông Nam Á. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là đồng minh của Mỹ, còn các nước Đông Nam Á thì không đủ tư cách làm đồng minh của Mỹ. Nhưng sau sự kiện 11/9, do vấn đề khủng bố và ý đồ kiềm chế Trung Quốc, Mỹ mới bắt đầu coi trọng các nước Đông Nam Á. Mấy năm gần đây vì sa vào cuộc chiến Iraq, những mối quan tâm khác trên thế giới của Mỹ đều giảm đi, Đông Nam Á cũng không tránh được ảnh hưởng đó. Đồng thời, Đông Nam Á suy cho cùng không thể trở thành khu vực hạt nhân chiến lược của Mỹ, nên thái độ của Mỹ đối với khu vực này không thể có thay đổi về căn bản. Nhật Bản tuy có thể tích cực mở rộng ảnh hưởng đối với Đông Nam Á, nhưng do quan hệ giữa Nhật với Mỹ không đối đẳng, Nhật Bản lại kém hơn về danh nghĩa chính trị nên không thể có một chiến lược thực sự, lâu dài và hoàn chỉnh đối với Đông Nam Á. Về phần Ấn Độ, trước hết nước này thực lực không đủ, thứ hai lại nằm ở khu vực Nam Á đang chưa thể tự lo cho mình, nên Ấn Độ cũng không thể và không có khả năng thực hiện cam kết với Đông Nam Á. Cho nên đối với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc dường như có ưu thế chính trị hơn cả.

Thứ hai, về kinh tế, trong những năm qua, kinh tế Đông Nam Á và kinh tế Trung Quốc có mối liên hệ mật thiết mà mọi người đều biết. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhu cầu lớn về tài nguyên, nguyên liệu và dịch vụ của Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế các nước này. Có thể nói nếu không có Trung Quốc, đại đa số các nước Đông Nam Á đã không thể khôi phục sau khủng hoảng tiền tệ khu vực 11 năm trước đây. Tính bổ trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á rất mạnh mẽ, đàm phán về khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - Đông Nam Á đang diễn ra nhanh chóng. Về kinh tế, Trung Quốc có những ưu thế nêu trên đối với Đông Nam Á.

Thứ ba, về văn hóa, đây là điểm yếu nhất của Trung Quốc. Trung Quốc từ chỗ là một nước XHCN thuần tuý, không có một chút lòng tin về văn hóa, đến nay văn hóa của Trung Quốc vẫn rất yếu kém. Nhưng cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tin tưởng rằng nền văn hóa lâu đời và bề dày lịch sử truyền thống của Trung Quốc sẽ được phát huy triệt để, sẽ lại trở thành trung tâm văn hóa có sức ảnh hưởng lớn đối với văn hóa thế giới và các nước Đông Nam Á sẽ là những nước đầu tiên bị văn hóa Trung Quốc đồng hóa. Còn một điểm nữa không thể xem nhẹ, đó là văn hóa của Hong Kong có ảnh hưởng rất lớn đối với các nước Đông Nam Á (có thể vượt trên Nhật Bản và Hàn Quốc).

Thứ tư, về xã hội, trong vấn đề Đông Nam Á, chúng ta không thể quên một cộng đồng quan trọng nhất ở Đông Nam Á, đó chính là người Hoa ở Đông Nam Á. Người Hoa chiếm 10% tổng dân số ở Đông Nam Á, nhưng lại chiếm tới 80% tài sản xã hội. Một cộng đồng như thế lẽ ra phải ở mức thượng tầng xã hội cao nhất, nhưng do mấy trăm năm qua Trung Quốc luôn đói nghèo, nên không có khả năng ủng hộ và bảo vệ người Hoa ở nước ngoài. Cho nên người Hoa ở Đông Nam Á tuy có tài sản lớn nhưng vẫn không có cách nào biến tài sản đó thành quyền lực xã hội, không chỉ có vậy, người Hoa giàu có ở một số nước thậm chí còn trở thành cộng đồng xã hội yếu kém. Rất nhiều lần xảy ra các vụ bài Hoa ở Indonesia là ví dụ điển hình. Nhưng cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình đó được xoay chuyển triệt để. Tin tưởng rằng không quá 20 năm nữa, các nước chủ yếu ở Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan) có thể sẽ có người Hoa làm tổng thống. Đến khi đó ở các nước Đông Nam Á, bên ngoài có nước ngoài Hoa - Sinhgapore, bên trong có nước do người Hoa làm tổng thống, thì khó có thể không muốn kết đồng minh với Trung Quốc.

Như vậy, Đông Nam Á có thể nói là đồng minh "tự nhiên" của Trung Quốc, tin tưởng tầng quyết sách cao nhất của Trung Quốc hiểu rõ được điều này, mà sự thực đã chứng minh, từ khi bước sang thế kỷ XXI đến nay những gì Trung Quốc đã làm đối với Đông Nam Á đều căn cứ vào mục đích này.


3. Các nước Đông Nam Á hoàn toàn có thể trở thành đồng minh của Trung Quốc

Trung Quốc đương nhiên muốn lôi kéo các nước Đông Nam Á; nhưng cũng cần có sự đồng ý của đối phương mới thực hiện được. Các nước Đông Nam Á nghĩ thế nào? Họ có đồng ý không? Có thể nói, nguy cơ kinh tế mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là cơ hội hiếm có để Trung Quốc tranh thủ Đông Nam Á.

Trung Quốc cần phải thu hút các nước Đông Nam Á, phải đưa các nước này vào hệ thống thế lực của mình, nguyên nhân về phía Trung Quốc đã trình bày rõ ở trên, nhưng các nước Đông Nam Á dựa vào đâu để nhìn nhận Trung Quốc? Trung Quốc ở Đông Nam Á vừa không phải là mạnh nhất như Mỹ, cũng không phải là giàu nhất như Nhật Bản, vậy Trung Quốc dựa vào đâu để lôi kéo các nước này? Có một sự kiện quan trọng mà không thể không nói đến được. Đó chính là khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á 11 năm trước có sức phá hoại mạnh mẽ, ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc. Có thể nói, sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trước khi Trung Quốc phát triển, thể chế kinh tế Đông Nam Á đã trở thành mô hình với Nhật Bản là trọng tâm, với mô hình đó, Nhật Bản đứng ở một đầu cao nhất, giống như đầu tàu kéo kinh tế châu Á phát triển, sau đó là 4 con rồng châu Á, và sau nữa là các nước Đông Nam Á. Thông qua mô hình phát triển kinh tế do Mỹ là chủ đạo, Nhật Bản dẫn dắt, đến trước khủng hoảng tiền tệ châu Á, các nước Đông Nam Á đã tích lũy được tài sản xã hội khách quan, thậm chí công nghiệp hóa đã trở thành việc trong dự định rồi. Nhưng khi đó, chiến tranh tiền tệ bắt đầu nổ ra. Dường như chỉ qua một đêm đã cướp sạch tài sản xã hội được tích lũy qua mấy chục năm phát triển của các nước Đông Nam Á. Nếu như nói việc "cướp đoạt" đó chỉ đại diện cho cá nhận Soros và những cơ quan tiền tệ, thì sau đó các tổ chức kinh tế thế giới (như Ngân hàng Thế giới) do Mỹ khống chế đưa ra điều khoản hà khắc đối với các nước Đông Nam Á đã thể hiện đầy đủ thái độ của Mỹ đối với các nước này. "Kinh tế các bạn gặp khó khăn, cần mượn tiền? Được, nhưng hãy để chúng tôi đến đặt ra chính sách kinh tế quốc gia, hãy bỏ tỷ giá hối đoái cố định, chính phủ không được cứu thị trường, phải bán rẻ vốn cơ bản v.v và v.v". Bộ mặt xấu xa của Mỹ đã khiến các nước này cảm nhận được, Mỹ không thể để các nước này trở thành nước phát triển. Thái độ của Mỹ đối với các nước Đông Nam Á giống như nuôi cừu, nuôi béo rồi thì cần phải giết lấy thịt. Cho nên trong mắt các nước Đông Nam Á, Mỹ tuyệt đối không thể tin cậy, không thể dựa vào được. Thế còn Nhật Bản có thể dựa vào không? Đương nhiên cũng không thể, Nhật Bản rõ ràng có nhu cầu và hành động đối với Đông Nam Á. Nhưng Nhật Bản kém hơn về danh nghĩa chính trị Nhật Bản là tay sai của Mỹ cũng không chỉ một Trung Quốc biết đến Nhật Bản có thể hy sinh cả lợi ích của mình vì lợi ích của Mỹ, ai có thể bảo đảm Nhật Bản sẽ không vì lợi ích của Mỹ mà hy sinh lợi ích của Đông Nam Á? Vì thế, Nhật Bản tuy giàu, nhưng cũng không thể cân nhắc đến. Tiếp đến là Ấn Độ, nếu nói nước này không có ý đồ và chính sách đối với Đông Nam Á thì chẳng ai tin. Nhưng đối với Đông Nam Á thì Ấn Độ chỉ có ý muốn mà thôi. Lợi ích cốt lõi của Ấn Độ nằm ở Ấn Độ Dương chứ không phải Đông Nam Á, mà thực lực của nước này cũng có hạn. Ấn Độ sẽ mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, nhưng trước khi nước này đứng vững trong vai trò bá chủ ở Nam Á sẽ không thể thực sự vươn sang Đông Nam Á được. Huống hồ nếu Ấn Độ làm như vậy sẽ chọc giận Trung Quốc, điều đó sẽ không thể không làm cho họ mất mát. Còn các nước Đông Nam Á, tin rằng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong thâm tâm họ sẽ biết ai mạnh ai yếu. Còn cách nghĩ của Ấn Độ thì các nước Đông Nam Á cũng hiểu được. Các nước Đông Nam Á rốt cuộc không thể tìm đến Ấn Độ, mà Ấn Độ chẳng qua chỉ là con bài mặc cả giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc mà thôi. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều loại trừ rồi, còn lại không cần nói cũng biết là Trung Quốc. Thực tế, so sánh với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ thì Trung Quốc có ưu thế toàn diện ở Đông Nam Á.

Trước hết là thiên thời. Điều đó hoàn toàn do Mỹ mang đến, khủng hoảng tiền tệ châu Á 11 năm trước có thể nói đã gây ảnh hưởng sâu rộng, trong đó một ảnh hưởng lớn là các nước Đông Nam Á đã từ bỏ triệt để ảo tưởng về Mỹ, nhận rõ được bộ mặt của Mỹ. Tin rằng toàn bộ nhân dân Đông Nam Á từ các chính trị gia đến người dân thường đều có nhận thức tỉnh táo đối với Mỹ. Còn Nhật Bản, trong lúc nguy cấp nhất của cuộc khủng hoảng đó đã bỏ rơi các nước Đông Nam Á. Việc Nhật Bản phá giá tiền tệ đã để lại ấn tượng xấu đối với các nước Đông Nam Á! Hơn nữa, mấy năm qua liên minh Mỹ-Nhật ngày càng củng cố, xu hướng Nhật Bản ngày càng làm tay sai của Mỹ rất rõ ràng. Còn đối với Trung Quốc, năm 1997, thực lực của Trung Quốc không mạnh, nhưng lúc đó Trung Quốc thà hy sinh lợi ích của mình, cũng không thả nổi đồng NDT, khiến tình hình không xấu thêm, tin rằng các nước Đông Nam Á đều ghi nhận điều đó.

Thứ hai là địa lợi. Ưu thế này rất rõ rệt. Trung Quốc là nước duy nhất trong các nước Trung, Mỹ, Nhật, Ấn có chung biên giới với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc còn nắm giữ đầu nguồn sông Mekong, cũng cơ bản nắm giữ huyết mạch của tất cả các quốc gia bán đảo Trung Nam [Đông Dương]. Chỉ dựa vào điểm này, Trung Quốc đã giữ ưu thế tuyệt đối về địa lợi. Đồng thời, nước nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nhất của Đông Nam Á là Mianma về cơ bản do Trung Quốc khống chế (nếu không có viện trợ mỗi năm hàng tỷ US$ của Trung Quốc, thì chính phủ Myanmar đã sớm sụp đổ). Hơn nữa, ở Đông Nam Á còn một nước có thực lực rất mạnh, ảnh hưởng lớn là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đồng thời về mặt địa lý, Trung Quốc là nước có cự ly gần nhất trong 4 nước lớn nêu trên. Chính vì vậy, Trung Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối về mặt địa lợi ở Đông Nam Á.

Thứ ba là nhân hòa. Không thể không thừa nhận, về điểm này Trung Quốc còn yếu kém. Trung Quốc là nước XHCN, sau khi nước Trung Quốc mới thành lập, trong một thời gian dài bế quan tỏa cảng và không giao lưu với bên ngoài đã dẫn đến sự nghi kỵ và thiếu hiểu biết của thế giới về Trung Quốc. Cộng thêm sự bôi nhọ của Mỹ đối với các nước XHCN và sự kỳ thị đối với người Hoa của người bản địa, tự nhiên dẫn đến sự nghi ngờ và thận trọng ở các nước Đông Nam Á trong thời gian dài đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đương nhiên, cùng với việc đi sâu giao lưu hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, mối nghi ngờ đó đang dần được xoá bỏ. Đặc biệt là hành động của Trung Quốc trong thời kỳ khủng hoảng tiền tệ năm 1997 đã khiến các nước Đông Nam Á có thiện cảm hơn. Cần biết rằng "thêm hoa trên gấm" là điều dễ làm, nhưng "thêm lửa trong tuyết" là điều khó khăn. Bước vào thế kỷ XXI, cùng với sự giao lưu kinh tế ngày càng sâu sắc với các nước Đông Nam Á, có thể nói nhiều nước Đông Nam Á hiện nay có thể khôi phục sau khủng hoảng tiền tệ hoàn toàn dựa vào Trung Quốc. Gần 10 năm nay. Trung Quốc đã đầu từ lớn vào Đông Nam Á. Số lượng rất lớn và rất có hiệu quả. Những thay đổi về lượng không đồng nghĩa với thay đổi về chất. Thay đổi về chất cần cơ hội, một cơ hội tốt. Giống như thi đấu bóng đá, trước hết là chiến thuật, kết hợp với cơ hội, khi bóng đưa đến trước khung thành, nhưng thiếu cú sút cuối cùng thì vẫn không thể chiến thắng. Hiện nay, khi nguy cơ kinh tế của Việt Nam xẩy ra, thì cơ hội đó đó cuối cùng đã xuất hiện.


4. Giúp đỡ Việt Nam như thế nào

Sự nghi ngờ của các nước Đông Nam Á đối với Trung Quốc là gì? Tin rằng trải qua giao lưu kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN trong những năm qua, các nước này đủ để hiểu được ý đồ và thành ý của Trung Quốc. Vậy tại sao đến nay các nước Đông Nam Á vẫn chưa đón nhận, nguyên nhân là gì Trước hết đương nhiên thực lực của Trung Quốc hiện vẫn chưa mạnh đến mức có thể lôi kéo một nhóm nước kết đồng minh, các nước ASEAN muốn tồn tại chắc chắn phải thực hiện cân bằng nước lớn. Thứ hai, cũng là điểm quan trọng nhất, chính là các nước Đông Nam Á không thể khẳng định Trung Quốc có thể viện trợ các nước Đông Nam Á khi mà các nước này cần đến sự bảo hộ của Trung Quốc nhất! Trung Quốc có thể hy sinh vì Đông Nam Á không, có làm được gì không? Giống như đã nói ở trên, "thêm hoa trên gấm" dễ, nhưng "thêm lửa trong tuyết" khó. Những gì Trung Quốc đã làm trong khủng hoảng tiền tệ 11 năm trước đạt được thiện cảm của các nước Đông Nam Á, nhưng thực lực của Trung Quốc khi đó tương đối yếu, không có dã tâm chiến lược lớn, mà cuối cùng không tiến hành giúp đỡ trực tiếp các nước này. Còn nếu các nước Đông Nam Á thực sự dựa vào Trung Quốc, "kết nghĩa" với Trung Quốc, Trung Quốc có thể đảm nhiệm được trách nhiệm làm anh cả không? Điều này trong lòng các nước Đông Nam Á không có cơ sở. Vì thế, chính phủ Trung Quốc hiểu rõ, nhưng người Trung Quốc không vội vàng và đang chờ đợi, chờ đợi một cơ hội rất tốt để chứng minh bản thân mình! Nếu hiện nay Trung Quốc chìa tay giúp đỡ kinh tế Việt Nam, tin rằng những lợi ích đạt được sẽ vượt xa những gì cho đi.

Dưới đây, phân tích những lợi ích đạt được nếu Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam: Trước hết, cần đánh giá Việt Nam là một nước như thế nào? Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể nói là có nhiều ân oán, khó nói hết được. "Vừa là đồng chí vừa là anh em" mấy chục năm nay, rồi đến chiến tranh những năm 1980. Sau đó lại đến tranh giành Trường Sa những năm 1990, tuy quan hệ Trung-Việt không phải là rất xấu nhưng cũng không thể coi là tốt. Quan hệ giữa hai nước không có thiện cảm, từ quan hệ nhà nước đến quan hệ nhân dân có thể nói là lạnh nhạt. Một nước có thể nói là không hòa hợp về chính trị với Trung Quốc như vậy, thử nghĩ xem, Trung Quốc nếu không chìa tay ra khi đối phương gặp khó khăn, giúp đỡ họ trong hoạn nạn. Người dân Việt Nam sẽ nghĩ thế nào? Các nước Đông Nam Á khác sẽ nghĩ thế nào? Hơn nữa thiên tai lớn nhất từ khi bước sang thế kỷ XXI - động đất Vấn Sơn [Tứ Xuyên] mới đây, Trung Quốc mất đi 80.000 người và hàng trăm tỷ US$. Trung Quốc hiện nay khiến người ta vô cùng đồng cảm, bản thân Trung Quốc cũng đang rất khó khăn. Trong lúc này, nếu Trung Quốc vẫn có thể hết lòng giúp đỡ Việt Nam, thì tin rằng Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác chắc chắn sẽ rất cảm ơn Trung Quốc. Có thể không hoàn toàn xóa đi mối nghi ngờ nói trên, nhưng tin rằng quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ tăng lên nhanh chóng. Mục tiêu chiến lược phải mất nhiều năm mới làm được sẽ có thể đạt được nhanh chóng trong khoảnh khắc. Có thể nói rằng vài chục năm sau, các nhà sử học sẽ coi việc Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam hiện nay là khởi điểm của sự kết giao đồng minh giữa Trung Quốc với AESAN. Tiếp đến, hành động của Trung Quốc không phải chỉ để cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á nhìn nhận. Trên thực tế, tất cả các nước mong muốn chống lại và thoát khỏi sự áp bức thống trị của phương Tây sẽ đều nhìn vào Trung Quốc, trong đó có các nước Arab và châu Phi. Ví dụ, mấy ngày trước, Cộng hòa Tchad ủng hộ động đất Trung Quốc 60 triệu US$ và số lượng lớn hàng hóa, điều đó đương nhiên nói lên sự khảng khái và sự đồng cảm với nạn nhân Trung Quốc của các nước anh em Arab. Nhưng chính trị luôn lấy lợi ích là trên hết. Cộng hòa Tchad ủng hộ số tiền và hàng hóa lớn gấp nhiều lần các nước khác nếu nói không có chút nào mục đích chính trị thì chẳng thể tin được. Ở mức độ nào đó chúng ta có thể coi sự lý giải đó là một tín hiệu, tức là Tchad, thậm chí là cả thế giới Arab đưa ra một phép thử đối với Trung Quốc. Điều đó đã thể hiện một cách nghĩ sâu xa, tức là Tchad muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, để dần dân thoát khỏi sự khống chế của Mỹ đối với các nước Arab, hiện nay tuy vẫn chỉ là thăm dò, nhưng rất có thể sẽ trở thành bước đầu tiên trong việc thiết lập quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Tây Á. Còn các nước hiện đang chống Mỹ mãnh liệt như Iran, Venezuela, trên thực tế họ luôn đặt hy vọng nhiều ở Trung Quốc, trước nay họ luôn đặt hy vọng lớn vào việc Trung Quốc sẽ phát huy vai trò ngày càng cao trong các công việc quốc tế. Tuy nhiên, cho dù là các nước Arab đang muốn thoát khỏi sự áp đặt của cường quyền Mỹ, hay là các nước sản xuất dầu mỏ đang bị Mỹ khống chế, cho đến nước chống Mỹ như Iran, thì họ đều có sự nghi ngờ đối với Trung Quốc giống như các nước Đông Nam Á. Đó là có thể thực sự tin tưởng và dựa vào Trung Quốc hay không, Trung Quốc có lại giống như Mỹ và Liên Xô trước đây đã bán rẻ lợi ích các nước này một cách vô nguyên tắc để bảo vệ lợi ích của bản thân mình hay không? Vì thế những quốc gia nói trên có nhiều nghi ngờ, cũng chính là nguyên nhân cơ bản của việc nhiều nước lúc xa lúc gần đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể làm được ở mức nào đó để các nước này xoá bỏ nghi ngờ, thì có thể coi như không đạt được lợi ích kinh tế, ngoại giao trực tiếp, nhưng lợi ích gián tiếp thì lớn không thể tưởng tượng được. Hoặc có thể, với thực lực hiện nay Trung Quốc không thể lôi kéo các nước trên tạo thành một khối chống lại phương Tây, nhưng đến thời kỳ sau, một khi Trung Quốc có năng lực đó, những nước này rất có thể lập tức đến với Trung Quốc. Và việc Việt Nam gặp nguy cơ kinh tế lần này chính là cơ hội lớn đối với Trung Quốc. Thử nghĩ xem: một người khi gặp khó khăn mà vẫn hết lòng giúp đỡ người vốn trước đây là "kẻ thù" của mình, thì người đó là người có nhân phẩm cao đến nhường nào! Nếu Trung Quốc làm như vậy, thì có thể sẽ không có lợi ích ngoại giao trực tiếp, nhưng danh vọng chính trị của Trung Quốc phút chốc sẽ tăng cao, thực lực mềm của Trung Quốc sẽ tăng lên nhanh chóng.

Có một số dư luận trên mạng Internet của Trung Quốc vừa qua cho rằng có thể giúp đỡ Việt Nam, nhưng nên yêu cầu họ phải bù giá lớn về chính trị và kinh tế (ví dụ như định giá đối với thị trường cổ phiếu, khống chế kinh tế quốc dân, buộc Việt Nam có những nhượng bộ chính trị lớn v.v). Nhưng có thể nói đó là những sai lầm rất lớn. Vì hai lý do sau: Trước hết, nếu Trung Quốc cũng làm như vậy thì Trung Quốc có khác gì Soros và IMF đã làm năm 1997? Đối với những nguồn vốn quốc tế và cơ cấu tiền tệ quốc tế phá hoại kinh tế và khống chế kinh tế nước mình, tin rằng từ chính phủ cho đến người dân ở các nước Đông Nam Á sẽ đều có mối thù sâu sắc. Nếu Trung Quốc "giúp đỡ" Việt Nam theo kiểu của dư luận nêu trên, thì tin rằng sẽ phản tác dụng mà Trung Quốc không thể lường hết được ở các nước Đồng Nam Á. Để các nước Đông Nam Á nhận thức được "bộ mặt thực" của Trung Quốc chỉ vì tham món lợi nhỏ đó để trả giá lớn về chính trị thì đúng là không thể chấp nhận được. Đó thực sự là một hành động điển hình làm mất thể diện.

Tiếp đến, rốt cuộc Trung Quốc cần đồng minh như thế nào? Vấn đề đồng minh đã nêu lên ở trên, kết luận là nếu Trung Quốc có chí lớn, thì Trung Quốc nhất định sẽ cần một đội ngũ đồng minh. Nhưng Trung Quốc cần đồng minh như thế nào? Chúng ta hãy xem, trong cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô, Mỹ có các nước đồng minh Anh, Đức, Pháp Italia, Nhật, Hàn; Liên Xô có các đồng minh Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary và Đông Đức. Có thể nói phương thức kết giao đồng minh của hai bên khác nhau, Mỹ dựa vào thực lực kinh tế và mậu địch lớn mạnh với đồng minh của mình làm cho bản thân mình và đồng minh cùng có lợi thực sự về mặt kinh tế, đạt được hiệu quả chung. Mỹ tăng cường thực lực của mình, còn đồng minh của họ thì nhanh chóng thoát khỏi tổn thất to lớn sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, trở thành nước lớn thế giới thứ hai trong trật tự thế giới [Tây Âu]. Ngược lại, chính quyền các nước đồng minh của Liên Xô cơ bản hoàn toàn dựa vào sự bảo hộ về quân sự và kinh tế của Liên Xô mới có thể tồn tại được, như thế kinh tế của Liên Xô đã gánh một gánh nặng rất lớn, hơn nữa, do kinh tế mấy chục năm không thể độc lập tự chủ, các đồng minh của Liên Xô cơ bản không thể thoát khỏi sự ỷ lại vào Liên Xô để có thể trở nước công nghiệp phát triển kinh tế độc lập. Việc kết giao đồng minh như vậy là thất bại hai lần. Kết quả dẫn đến việc thực lực hai phe đồng minh càng phát triển càng không đối đẳng, cuối cùng đã dẫn đến Liên Xô tan rã.

Trước tấm gương đó, tin rằng Trung Quốc cần phải làm gì hẳn chúng ta đã rõ. Trung Quốc cần đồng minh, nhưng phải là đồng minh mạnh, có thể đem lại sự giúp đỡ kiên cường, chứ không phải là một gánh nặng. Như vậy, điều Trung Quốc cần làm là khiến đồng minh của mình lớn mạnh lên. Trước hết, Trung Quốc không thể khống chế kinh tế của đối phương, vì một quốc gia có nền kinh tế không độc lập tự chủ thì không thể trở thành một nước mạnh. Thứ hai, trong khuôn khố hệ thống kinh tế của mình, cung cấp không gian phát triển và cớ hội phát triển lớn cho đồng minh. Thứ ba, cần cùng với đồng minh hình thành quan hệ kinh tế chung, theo kiểu cùng tổn thất hoặc cùng phồn vinh, bảo đảm đồng minh không thể trở mặt. Chỉ có như vậy Trung Quốc mới không rơi vào bi kịch của Liên Xô trước đây.

Thế thì Trung Quốc cần làm thế nào? Rất đơn giản, làm một người tốt là được, 11 năm trước Soros và IMF là một kẻ xấu, còn Trung Quốc là một người tốt, đó chính là thực tâm thực lòng giúp Việt Nam vượt qua khó khăn hiện nay. Cho dù về mặt kinh tế hay tài nguyên, đều cần tiến hành giúp đỡ thực sự, giúp Việt Nam vượt qua khó khăn kinh tế này. Phải chăng Trung Quốc chỉ cần làm như vậy là xong? Đương nhiên không phải, quan hệ quốc tế hiện nay đặt lợi ích là hàng đầu, thuần túy đạo đức không thể tồn tại được. Nếu Trung Quốc giúp đỡ, nhất định cần được đền đáp, Trung Quốc trước đây chẳng phải đã nếm mùi phản bội của Việt Nam đấy sao. Vậy báo đáp như thế nào? Dưới đây xin đề xuất một số điểm để tham khảo:
  1. Nếu lớn thì yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấp thuận những gì mà trước đây họ không thể chấp nhận, nhưng không thể quá đáng, mà nên là những điều kiện có thể chấp nhận được. Ví dụ như được góp 30% cổ phiếu trong Ngân hàng của Việt Nam, trước đây Chính phủ Việt Nam không thể chấp thuận điều này. Nhưng nếu có chấp thuận thì Chính phủ Việt Nam cũng không mất đi quyền khống chế ngân hàng. Những yêu cầu như vậy Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa ra.
  2. Yêu cầu Việt Nam tuyên truyền rầm rộ sự giúp đỡ của Trung Quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng, như vậy một mặt có thể làm giảm nhẹ đi rất nhiều sự thù địch đối với Trung Quốc của người dân Việt Nam, mặt khác là để làm cho các nước Đông Nam Á khác thấy được.
  3. Yêu cầu Việt Nam thực hiện chính sách ưu đãi để các công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam có thể gia tăng được ưu thế cạnh tranh.
  4. Trong giao dịch năng lượng giữa hai nước đưa ra điều kiện có lợi cho Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn có thể hoàn toàn chấp nhận được.
  5. Yêu cầu Việt Nam tiến hành hàng loạt cải cách kinh tế, đương nhiên đó không phải những cải cách kinh tế tự hủy hoại mình giống như IMF, mà cần thực sự làm cho mối liên hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc mạnh lên, cuối cùng thực hiện nhất thể hóa kinh tế Việt-trung, thực sự là những cải cách làm cho Việt Nam nhập vào vành đai kinh tế của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc có thể nhận được những báo đáp trên, Trung Quốc dù không thể thực sự khống chế kinh tế Việt Nam, nhưng có thể lái được phương hướng kinh tế của Việt Nam, ràng buộc Trung Quốc và Việt Nam lại với nhau, như vậy dù Việt Nam muốn phản bội cũng không thể. Riêng về lĩnh vực lãnh thổ cần hết sức tránh, vì vấn đề này quá nhạy cảm, nếu không cẩn thận thì trong con mắt của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc từ chỗ là người bạn "tiếp lửa trên tuyết" trở thành kẻ xấu "thừa cơ cháy nhà để hôi của".
Nguồn: http://www.sina.com, 10/6/2008. Bản tiếng Việt của Thông tấn Xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt số 140-TTX, thứ Sáu, 20/6/2008, tr.1-12.