trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
18.6.2008
Ðặng Tiến Vinh
Đọc “Ngày lạ mặt”của Dương Nghiễm Mậu
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Ðặng Tiến Vinh, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện: Ngày lạ mặt
Tác giả: Dương Nghiễm Mậu
Nhà xuất bản: Giao Điểm
Năm xuất bản: 1967
Số trang: 170
Địa điểm: Nha Trang
Thời gian: Truyện xảy ra trong khoảng 4 tháng (từ tháng 3 tới tháng 7 năm 1964)


Các nhân vật chính

Hoàng: Một nữ sinh khá xinh xắn tuổi 17, đa sầu đa cảm, gia đình giàu có, quyền lực, bố làm nghị sĩ, yêu một thầy giáo hiệu trưởng đã quá tuổi trung niên. Câu chuyện xoay quanh việc cô đã ngủ với thầy hiệu trưởng và cuối cùng thì cô có bầu.

Thầy Lĩnh: Một vị hiệu trưởng kiêm thầy giáo liêm khiết, thẳng thắn, kiến thức rộng, được nhiều người quý mến. Lý do ông đã ngủ với Hoàng rất đơn giản: ông muốn Hoàng cho ông một đứa con vì người vợ hiện tại của ông không thể làm được điều ấy.

Dũng: Một kẻ si tình học chung lớp với Hoàng, đã theo đuổi Hoàng một thời gian khá lâu nhưng không được đáp lại. Sau đó anh ta nhập ngũ và làm lính biệt động cho quân đội Việt Nam Cộng hoà. Là một kẻ lầm lì và bi quan về cuộc sống.


Các nhân vật phụ

Ông Vĩnh Thành: Bố của Hoàng, một nghị sĩ. Một kẻ tiểu nhân, giàu có, chuyên trục lợi và sẵn sàng luồn cúi dưới bất cứ chế độ hay chính quyền nào để giữ được quyền lực và sự giàu có.

Bà Vĩnh Thành: Mẹ kế của Hoàng. Là vợ của một nghị sĩ người Việt, nhưng bà thích sống theo kiểu cách tây phương. Lúc nào mặt bà cũng đầy phấn son lòe loẹt, miệng lưỡi lươn lẹo, bị nhiều người ghét. Bà có một đứa con trai riêng tên là Hoa làm nghề nhiếp ảnh trước khi bà về làm vợ kế của ông Vĩnh Thành.

Quân: Bạn thân của Dũng, sĩ quan, con nuôi của ông Vĩnh, nhưng hai cha con không hợp tính nên về sau không ở chung và thường gây gổ với nhau.

Bà Lĩnh: Hiền hậu, ăn nói khéo, thương chồng nhưng không thể có con.

Khiêm: Luật sư do ông Vĩnh thuê để tố cáo thầy Lĩnh về tội lạm dụng con gái dưới vị thành niên.

Nga: Bạn học thân của Hoàng, tính tình tọc mạch, nhiều chuyện.

Cô của Dũng: sống đơn độc một mình như bóng ma, giữ ngôi nhà của gia đình Dũng để lại khi họ rời vào Sài Gòn.


Mở đầu

Truyện bắt đầu bằng những trang nhật ký Hoàng viết về những ý nghĩ nội tâm của cô cũng như những dị nghị bàn tán của người ngoài về việc cô đã ngủ với thầy Lĩnh, hiệu trưởng của trường mà cô đang theo học. Nhật ký của Hoàng còn đề cập tới vụ bố cô là nghị sĩ Vĩnh Thành thưa kiện thầy Lĩnh là một con quỷ râu xanh dụ dỗ gái dưới tuổi thành niên, nhưng thực ra chính ông Vĩnh đã cùng với những người khác xưa kia hãm hiếp một con ở.


Nội dung truyện

Lời biện hộ của ông Lĩnh chỉ vỏn vẹn một câu “… vì tôi muốn có một đứa con” (tr. 13). Toà án không thể chấm dứt vụ kiện cáo hay buộc tội ông Lĩnh được bởi vì Hoàng đã không buộc tội ông Lĩnh. Lý do Hoàng ngủ với thầy Lĩnh là vì cô đã yêu thầy. Cô yêu tính điềm đạm, sự thông thái và thái độ chững chạc của một người đàn ông đã sắp bước vào tuổi năm mươi, cái tuổi bằng tuổi bố của cô. Trong khi đó, Dũng là một chàng trai trẻ học chung lớp với Hoàng đã theo đuổi cô rất lâu nhưng không được cô đáp lại. Vào dịp nghỉ phép, Quân, con nuôi của ông Vĩnh Thành dẫn Dũng về Nha Trang chơi để gặp Hoàng. Mặc dù Dũng luôn miệng đòi giết thầy Lĩnh để dọa Hoàng, nhưng chàng vẫn kính trọng ông và thậm chí còn đến thăm sức khỏe của ông. Lĩnh biết Dũng vẫn còn si tình Hoàng nên đã bày tỏ sự áy náy của mình với Dũng như một lời xin lỗi gián tiếp. Trước khi Dũng đi lính, Lĩnh nói dối với Hoàng rằng Dũng đã cầm dao chém vào tay ông và dọa giết ông. Nhưng thực ra, Dũng chỉ chặn đường Lĩnh và do ông không giữ vững tay lái nên xe đạp đã trượt trên đường cát làm trầy tay của ông. Dũng đoán Lĩnh làm việc này vì ông muốn cho Hoàng biết Dũng vẫn còn say mê cô và sẽ làm tất cả mọi điều cho cô. Lĩnh muốn ngầm cho Hoàng biết cô có quyền lựa chọn.

Dũng được bà cô cho ở tạm trong nhà xe. Cha mẹ Dũng không cho anh quay trở về căn biệt thự đó khi gia đình rời Nha Trang vào Sài Gòn vì trước đây anh đã lấy cắp một số đồ đạc bán lấy tiền tiêu rồi bỏ nhà đi chơi lêu lổng. Quân mang ở đâu về một cô gái điếm ngủ qua đêm với cả Quân và Dũng. Với cái thói ăn chơi trác táng từ xưa của cả hai người, cuộc sống của họ không thể thiếu gái. Mặc dù khi ngủ với gái điếm, Dũng cũng có đôi lúc cảm thấy có lỗi với tình yêu của mình dành cho Hoàng, nhưng lại bị ám ảnh bởi hình ảnh Hoàng đã ngủ với thầy Lĩnh.

Khi kiện Lĩnh, ngoài lý do ông ta đã lạm dụng con gái của mình, ông nghị Vĩnh Thành còn muốn hạ thủ đối phương lớn nhất của ông trong kỳ tranh cử quốc hội sắp tới. Vĩnh Thành nghĩ rằng nếu Lĩnh ra tranh cử thì cơ hội thắng cử của ông Vĩnh sẽ rất nhỏ. Ông nghị Vĩnh chỉ rút kiện khi bà Lĩnh sang nhà ông Vĩnh báo rằng vợ chồng ông Lĩnh sẽ xuất ngoại đi Pháp; bà xin ông nghị Vĩnh rút đơn kiện và cho biết rằng ông Lĩnh sẽ không bao giờ ra tranh cử cũng như sẽ không bao giờ gặp lại Hoàng. Khi nghe tin này, Hoàng vô cùng hoang mang. Cô nghĩ rằng ông Lĩnh đã không yêu mình mà chỉ muốn lợi dụng thân xác của cô. Hoàng trở nên điên cuồng.


Kết thúc truyện

Những trang nhật ký cuối cùng của Hoàng đẫm nước mắt, tràn ngập nỗi tuyệt vọng, lòng căm ghét ông Vĩnh và bà mẹ kế xảo trá. Cuối cùng cô đã mang thai với ông Lĩnh. Ông nghị Vĩnh Thành muốn gửi cô lên Đà Lạt để phá thai nhưng bà Nghị đã ngăn lại và khuyên Hoàng lên Đà Lạt ở nhà một người thân của bà để sinh đẻ. Còn Hoàng vẫn còn leo lắt niềm hi vọng vào thầy Lĩnh. Cô nghĩ rằng nếu như cô đến gặp thầy và cho thầy biết rằng cô đã mang thai thì thầy sẽ có cách giải quyết. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Hoàng quyết định đi Đà Lạt để tiếp tục cuộc đời của mình với đứa con sắp chào đời.

Ngày lạ mặt là những chuỗi ngày đau đớn tuyệt vọng của Hoàng trước khi cô quyết định đi Đà Lạt. Mọi thứ đều trở nên xa lạ đối với Hoàng,

“... tất cả đều lạ với tôi, đều thù nghịch với tôi. Bao nhiêu lần tôi đã bước qua, tiến lên, ngồi xuống trong đó, những kỷ niệm ngày cũ không để lại một dấu tích thân thuộc nào, hoàn toàn không còn gì, mọi dấu tích đã bị bôi bỏ, xóa nhòa, tẩy sạch...” (tr. 153).

Kể cả những bộ mặt con người cũng trở nên xa lạ đối với Hoàng. Người cô yêu thương nhất, tin tưởng nhất đã “ngoảnh mặt” (tr. 145) quay lưng cùng với vợ đi Pháp. Hình ảnh thầy Lĩnh trở nên xa lạ, không còn thân thuộc và đáng tin cậy nữa. Hoàng đã từng đặt niềm tin vào cái tình yêu mà chưa Lĩnh chưa một lần nói ra, để rồi giờ cô nhận thấy cách Lĩnh đối xử với mình như “thay cái áo đã mặc, bỏ căn nhà đã ở, vứt điếu thuốc đã hút...” Ngược lại, người mà Hoàng lâu nay luôn có ác cảm thì trở nên nhân hậu một cách không ngờ. Bà Nghị đã ra tay ngăn cản ông Nghị bắt Hoàng phá thai và khuyên cô nên giữ đứa con vì dù gì nó cũng là máu mủ của cô. Cuộc sống của Hoàng như bị đảo lộn chỉ trong vòng vài tháng. Hoàng chỉ còn trông mong và hy vọng vào tình yêu duy nhất bây giờ là Dũng, người đối với Hoàng lúc nào cũng chỉ là một kẻ lạ mặt si tình mà thôi.

Nếu so sánh Ngày lạ mặt với tiểu thuyết Phấn đấu của cùng tác giả Dương Nghiễm Mậu, chúng ta có thể thấy được sự giống nhau trong cách miêu tả nội tâm nhân vật cũng như hoàn cảnh và bối cảnh của hai truyện. Chúng ta có thể thấy nhân vật Hoạch tham nhũng trục lợi trong Phấn đấu thấp thoáng nơi nhân vật ông Vĩnh Thành. Cả hai người đều có một cô con gái “chửa hoang”, phải lên Đà Lạt để dưỡng thai, và một cậu con trai ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi. Những nhân vật trẻ như Dũng, Quân trong Ngày lạ mặt và Thạch trong Phấn đấu đều nung nấu một lý tưởng lật đổ chính quyền (Việt Nam Cộng hoà) nhưng không biết cụ thể phải làm gì và để làm gì. Phải chăng tác giả đang cố gắng cho độc giả hiểu rằng những nhân vật này cũng như hoàn cảnh của họ là cái gì đó điển hình của xã hội miền Nam trong thời cuộc giao tranh khốc liệt?

Truyện được viết vào năm 1964 khi cuộc chiến đang ngày một leo thang và sự rối loạn trong xã hội cũng gia tăng theo từng ngày. Những mâu thuẫn nội bộ và căn bệnh tham nhũng ngày một suy đồi trong bộ máy chính quyền miền Nam lúc bấy giờ có lẽ đã gây ra nỗi bức xúc với mọi người dân trong xã hội. Ngày lạ mặt là những chuỗi ngày khi con người không nhận ra được những gì xung quanh mình cũng như chính mình là ai một khi chiến tranh đã tác động mạnh mẽ tới tư duy và cách hành xử của mỗi người trong cuộc sống.

© 2008 talawas