trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
18.6.2008
Đàm Văn Vĩ
Tương lai nào cho chủ nghĩa xã hội?
 
Bài viết này là sự phản biện đối với đường lối, chủ trương hiện hành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục đích của bài viết là làm rõ các mối đe doạ đến sự tồn tại của Đảng và chế độ, đồng thời nêu những giải pháp có thể khắc phục những nguy cơ đó. Căn cứ lý luận của bài viết là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn Việt Nam cũng như tư tưởng của các nhà khoa học và cả thực tiễn trên thế giới. Trong bài viết này tôi có nêu tên một số cá nhân và có phê phán các quan điểm của các cá nhân đó, tuy nhiên tôi không có ý định công kích về mặt cá nhân. Tôi cũng rất sẵn sàng tham gia tranh luận khoa học về mặt lý luận và thực tiễn xung quanh các vấn đề mà bài viết này nêu ra.
Sau hai mươi năm đổi mới đất nước chúng ta đã thu được những thành tựu rất lớn lao. Từ kết quả tăng trưởng kinh tế tới vấn đề xoá đói giảm nghèo, từ y tế cho đến giáo dục... chúng ta đều thu được những kết quả rất đáng khích lệ [1] . Được bạn bè cùng cộng đồng quốc tế ca ngợi.

Tuy nhiên, đằng sau những thành công đó là những nguy cơ, những mối đe doạ ngày càng lớn hơn đối với sự tồn vong của chế độ. Như Đại hội X đã chỉ ra có bốn nguy cơ là:
  • Tham nhũng.
  • Tụt hậu xa hơn về kinh tế.
  • Chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
  • Diễn biến hoà bình.
Về quan điểm cá nhân tôi cho rằng chúng ta đang phải đối mặt với ba mối đe doạ lớn:

1. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu:

Yếu tố này làm suy yếu Đảng và Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân (nhân dân không phân biệt được Đảng và Nhà nước mà nhân dân hiểu Đảng là Nhà nước). Trong khi đó, Lênin đã từng căn dặn: Lòng tin của nhân dân là điều thiêng liêng nhất đối với những người cộng sản. Mất lòng tin của nhân dân chúng ta sẽ đi đến đâu?

2. Kinh tế nhà nước yếu kém:

Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định: cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng. Cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội là kinh tế nhà nước nhưng kinh tế nhà nước lại yếu kém thu không đủ chi [2] . Lênin đã từng căn dặn: Xét cho đến cùng một chế độ xã hội này hơn một chế độ xã hội khác chính là năng suất lao động. Thế nhưng chúng ta làm còn đang thua lỗ thì nói gì đến năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản. Vậy đâu là cơ sở hạ tầng cho tương lai của chủ nghĩa xã hội?

3. Chệch hướng xã hội chủ nghĩa: cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân là tư sản hoá Đảng cộng sản Việt Nam:

Vì hai mối đe doạ đầu tiên đã được nhiều người phân tích nên trong bài viết này tôi chỉ viết về mối đe doạ thứ ba. Mối đe doạ này đã được Giáo sư Nguyễn Đức Bình đề cập nhưng ít người quan tâm tới. Tuy nhiên đây mới chính là mũi tên phá huỷ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Chúng ta sẽ bắt đầu với một vài cái tên liên quan đến trường phái Lựa chọn Công: Adam Smith, John Stuart Mill, Knut Wichsell, Gorden Tullock, William Niskanen và James Buchana. Trong đó James Buchana đã nhận giải Nobel về Kinh tế năm 1986 về lý thuyết Lựa chọn Công.

Theo phái Lựa chọn Công: “Nếu các doanh nhân là những người tư lợi, tại sao không giả định rằng các quan chức chính phủ là “Doanh nhân chính trị”? Cái cao nhất họ muốn đạt được là gì? Là quyền lực và khả năng giành phiếu bầu của họ. Các nhà kinh tế đã bỏ ra 200 năm để phát triển mô hình hành vi của con người. Tại sao lại bỏ nó đi khi đối mặt với chính phủ?” [3]

Bây giờ chúng ta sẽ xem họ phân tích về mối quan hệ giữa các “nhóm đặc lợi” và “người có quyền”. “Không ai có thể yên ổn khi Quốc hội đang họp - thậm chí ngay cả các đại biểu Quốc hội. Các nhà vận động hành lang săn đuổi họ và những phụ tá của họ, để tìm cách đạt được những ưu đãi, những điều khoản miễn thuế, trợ cấp hay bảo hộ” [4] . Và khi được hỏi tại sao họ không vì lợi ích chung của đất nước (mặc dù họ biết rằng họ làm như thế là có hại cho lợi ích chung của đất nước) thì họ trả lời: “Vì điều đó chẳng đem lại lợi lộc gì cả” [5] và họ làm vậy để đạt được những ưu đãi cho riêng họ thôi. Những cuộc vận động hành lang này sẽ là hàng chục nghìn USD được chi ra bởi các nhóm đặc lợi và chắc chắn nó sẽ chui và túi của những người có quyền. Chúng ta hãy xem họ mô tả về các công chức và viêc tư lợi của họ: “Theo Niskanen, những công chức hành chính cạnh tranh trong cuộc đua của những con chuột giống như một cuộc đua của giới doanh nhân. Công chức hành chính, giống như một doanh nhân, là một con chuột tư lợi, nhưng tính tư lợi của họ được thể hiện theo những cách khác nhau. Doanh nhân chiến đấu để tối đa hoá lợi nhuận. Tất nhiên, những công chức hành chính chính phủ không thể tối đa hoá lợi nhuận của họ, chỉ trừ khi (có lẽ) thông qua cách nhận hối lộ. Thay vào đó họ cố gắng tối đa hoá một hệ thống các biến số khác nhau: tiền lương, bổng lộc, quyền lực, danh tiếng, các cơ hội sau khi về hưu và những điều khác nữa” [6] .

Sẽ có người bảo phái Lựa chọn Công còn nhiều hạn chế, còn nhiều tranh cãi và một số sẽ bảo những điều nói ở trên là của nền chính trị Mỹ chứ không phải là của Việt Nam. Phái Lựa chọn Công có thể còn nhiều tranh cãi về lý luận kinh tế vĩ mô của nó, nhưng tâm lý tư lợi - tư hữu là bản tính của mọi con người ở mọi quốc gia và mọi thời đại (chỉ trừ xã hội cộng sản nguyên thuỷ thì chẳng có gì để mà tư hữu). Tư hữu làm nảy sinh một mối quan hệ gắn bó rất chặt chẽ với nhau đó là Tiền và Quyền. “Nhiều Tiền hơn cũng co nghĩa là nhiều Quyền lực hơn” [7] và nhiều Quyền hơn cũng đồng nghĩa với nhiều Tiền hơn. Trong những cuộc vận động hành lang, các nhóm đặc lợi đã dùng Tiền để đem lại nhiều Quyền ưu đãi hơn và các nhóm đặc lợi dùng Quyền ưu đãi, bảo hộ đó để kiếm Tiền đút vào túi mình. Các đại biểu Quốc hội dùng Tiền từ những nhóm đặc lợi phục vụ cho việc tranh cử của mình sau đó dùng Quyền đó để kiếm bổng lộc từ các nhóm đặc lợi. Đó chính là vòng tròn của Tiền - Quyền.

Chúng ta sẽ lấy một ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn về vấn đề này. “Uỷ ban Giáo dục Chính trị Nông nghiệp Toàn diện của Liên minh các nhà sản xuất sữa, một tổ chức đứng đầu trong danh sách những nhà tài trợ cho những chiến dịch vận động tranh cử vào Quốc hội” [8] . Tổ chức này bỏ ra 50,000 USD để vận động hành lang và thu lại 10 triệu USD cho Liên minh các nhà sản xuất sữa. Todd G. Buchholz viết: “Chính trị có thể là một lĩnh vực đầu tư tuyệt vời. Chẳng có gì lạ khi người sản xuất nhiệt tình trong việc trang hoàng những văn phòng tại Washington hơn là trang bị máy móc công cụ mới tại các nhà máy của họ. Cũng không có gì lạ khi họ thuê hàng loạt luật sư: khoản thu lợi sẽ khá hơn. Willie Sutton giải thích rằng hắn cướp ngân hàng vì “nơi đó có tiền”. Đối với nhiều tổ chức tiền lại nằm ở Washington.” [9]

Chúng ta hãy nhìn vào các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Năm 2004, họ chi tới 693 triệu USD. Năm nay dự kiến khoảng 1 tỷ USD, thậm chí Fortune còn dự đoán lên đến 3 tỷ USD. Trong năm 2007, bà Hillary Clinton quyên góp được 115 triệu USD, còn ông B. Obama quyên góp được 103 triệu USD [10] . Các ứng cử viên vào những vị trí tại các cơ quan chính quyền ở Mỹ thường dựa vào 4 nguồn tài chính để tranh cử: các nguồn của cá nhân hoặc gia đình họ; cá nhân công dân trực tiếp quyên góp tiền; các đảng chính trị của họ; các nhóm lợi ích; ngoài ra còn có một nguồn nữa là các quỹ công. Ngoài số tiền ủng hộ công khai các nhóm lợi ích còn chi tiền trực tiếp nhiều hơn để tối đa hoá các ảnh hưởng của họ đến kết quả bầu cử, từ việc chi tiền tiếp xúc cử tri, thuyết phục cử tri thông qua hoạt động quảng cáo, thư tín... và bảo đảm rằng cử tri sẽ đi bỏ phiếu [11] . Muốn thắng cử để có Quyền thì phải có Tiền và khi có Quyền rồi thì phải phục vụ cho Quyền lợi của các nhóm lợi ích và qua đó cũng để thu bổng lộc - Tiền cho chính bản thân những người thắng cử.

Tiếp theo chúng ta sẽ đến với tập đoàn Samsung của Hàn Quốc. Chủ tịch của tập đoàn là ông Lee Kun-hee đã phải từ chức vì lập quỹ đen và hối lộ. Tập đoàn này đã chi cho Đảng đại dân tộc GNP gần 30 triệu USD trong khi pháp luật quy định chỉ được ủng hộ tối đa là 200,000 USD cho một đảng phái chính trị. Đặc biệt cũng theo bài viết này, GNP đã nhận tổng cộng 67.2 tỷ won từ bốn tập đoàn khổng lồ là Samsung, LG, Huyndai, SK [12] . Đó là lý do tại sao các chính phủ lại phục vụ cho các nhóm tài chính, còn các nhóm tài chính lại tận tâm đến thế trong các cuộc tranh cử Tổng thống. Gần đây nhất là vụ việc của Thủ tướng Israel ông Olmert [13] .

Khi đọc Toàn cầu hoá và những mặt trái do Giáo sư Joseph Stiglitz, người nhận giải thưởng Nobel kinh tế năm 2001, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ Tiền và Quyền trong các tổ chức, cụ thể ở đây là mối quan hệ giữa các nhóm tài chính - các nhà tư bản với IMF và WB. Stiglitz viết: “Thật không may, dù không mấy ngạc nhiên, trong thời gian tôi ở Nhà Trắng với tư cách là Chủ tịch của Hội đồng cố vấn kinh tế (một hội đồng ba chuyên gia do Tổng thống cử ra để cố vấn về kinh tế cho Chính phủ Mỹ) và thời gian ở Ngân hàng Thế giới, tôi đã thấy các quyết định được đưa ra trên cơ sở chính trị và hệ tư tưởng. Kết quả là nhiều quyết định sai lầm đã được thực hiện, những quyết định không giải quyết được vấn đề đang gặp phải nhưng phù hợp với lợi ích hay niềm tin của những người có quyền lực” [14] . Cơ sở chính trị của Mỹ đó là phục vụ cho các nhóm tài chính, còn hệ tư tưởng ở đây là hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do mới - một hệ tư tưởng phục vụ cho giai cấp tư sản, bất chấp những hậu quả khôn lường nó đưa đến cho những nước kém phát triển và những người lao động ở các nước đó. Ông chỉ cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa Tiền và Quyền trong các tổ chức Quốc tế cũng như trong Chính phủ, giữa những người có Tiền là các nhà tư bản và những người có Quyền là các quan chức của các tổ chức: “Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương thì lại gắn bó chặt chẽ với cộng đồng tài chính. Họ thường xuất thân từ các công ty tài chính và sau khi kết thúc nhiệm kỳ trong Chính phủ, đó là nơi họ trở về. Robert Rubin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong phần lớn khoảng thời gian được đề cập trong cuốn sách này xuất thân từ một ngân hàng đầu tư lớn nhất, Goldman Sachs, và sau khi rời chức vụ lại chuyển sang Citigroup, hãng sở hữu ngân hàng thương mại lớn nhât Citibank. Nhân vật quyền lực thứ hai tại IMF trong thời kỳ này là Stanley Fischer đã chuyển thẳng đến Citigoup sau khi nghỉ việc. Những cá nhân này đương nhiên sẽ nhìn nhận thế giới bằng con mắt của cộng đồng tài chính. Những quyết định của bất kỳ tổ chức nào cũng phản ánh quan điểm và lợi ích của những người ra quyết định; không ngạc nhiên gì, như chúng ta sẽ thấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở chương sau, chính sách của các tổ chức quốc tế thường xuyên đi liền với lợi ích thương mại và tài chính của những người ở quốc giá công nghiệp tiên tiến.” [15] Như vậy nếu đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì Đảng sẽ gồm những nhà tư bản và lúc này mọi hành động của Đảng sẽ phục vụ cho quyền lợi của giai cấp tư sản - giai cấp bóc lột. Ông cho hay: “Nhiều năm trước đây một nhận xét của chủ tịch General Motor và Bộ trưởng Quốc phòng Charles E. Wilson: “Cái gì tốt cho General Motor thì tốt cho đất nước (Mỹ)” nổi tiếng đến nỗi sau đó trở thành biểu trưng cho quan điểm của chủ nghĩa tư bản Mỹ. IMF dường như có quan điểm tương tự - “những gì cộng đồng tài chính cho là tốt cho nền kinh tế toàn cầu thì tốt cho nền kinh tế toàn cầu và nên làm.” [16] Những hệ luỵ mà IMF gây ra cho những nước nghèo và người dân lao động ở các nước đó do những chính sách phục vụ cộng đồng tài chính của nó thì tôi không phân tích thêm nữa vì cuốn sách của Stiglitz đã chỉ ra rất rõ và tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa Tiền và Quyền; và các tổ chức sẽ bị chi phối như thế nào nếu chịu sự ràng buộc của mối quan hệ này cũng như những hệ luỵ do mối quan hệ gây ra.

Đó là những ví dụ rõ ràng trên thế giới về mối quan hệ giữa Tiền và Quyền. Bây giờ chúng ta sẽ trở lại với tình hình ở Việt Nam. Và có thể sẽ có người cho rằng: đó là các nước tư bản chủ nghĩa còn chúng ta là nước xã hội chủ nghĩa nên chúng ta không giống họ. Vâng, chế độ xã hội của chúng ta khác chế độ xã hội của họ, nhưng những điểm chung về con người thì chúng ta lại không khác họ. Họ là con người có tính tư hữu và chúng ta cũng là những người có tính tư hữu. Nếu ai bảo rằng đảng viên có đạo đức cách mạng, không tư lợi thì chắc chắn hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ không sụp đổ cay đắng như vậy vào cuối thế kỷ trước, rằng kinh tế nhà nước sẽ không trì trệ như hiện nay, rằng tham nhũng sẽ không có mặt ở Việt Nam. Nhưng chúng ta đã thấy hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, kinh tế nhà nước thì trì trệ, và tham nhũng đã trở thành mối đe doạ tới sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vậy đảng viên cũng như con người nói chung có tính tư hữu - tư hữu là bản tính của con người.

Chúng ta hãy đến với một vài câu chuyện được phơi bày trên báo chí gần đây. Bắt đầu là việc nhận 100 triệu VND của Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau, ông Võ Thanh Bình. Một người nào đó dùng Tiền để mua Quyền chạy chức, còn người có Quyền như Bí thư Tỉnh thì có thể kiếm Tiền từ cái Quyền phân bổ, sắp xếp cán bộ của mình. Nếu ông Bí thư Tỉnh không nói ra thì ai biết đâu nó là hiện thực mặc dù dư luận khắp nơi đều nói về việc chạy chức chạy quyền. Theo lời một Tỉnh uỷ viên kể lại ông Võ Thanh Bình còn nói: “Nếu trong hai tuần qua (hai tuần trước khi họp Ban thường vụ Tỉnh uỷ để sắp xếp cán bộ), tôi nhận tiền chạy chức quyền thì có hơn một tỷ đồng”. Vậy là hiện tượng chạy chức chạy quyền là nhiều chứ không phải là cá biệt [17] . Chúng ta hãy thử làm một bài toán kinh tế để thấy được hiện thực sau chuyện này. Nếu ông A đem 100 triệu đi chạy chức, một chức vụ ở huyện hoặc ở tỉnh, thì mức lương ông ta được hưởng là khoảng 4 triệu đồng (hơi cao). Chi tiêu cho bạn bè, cá nhân, gia đình tính ra mỗi tháng ông để được khoảng gần 2 triệu. Sau 5 năm thì ông ta lấy lại được 100 triệu, đồng nghĩa với 5 năm làm việc mà không để được một đồng nào ngoài 100 triệu đi chạy chức ban đầu. Bây giờ giả sử ông ta không chạy chức nữa mà gửi tiền vào ngân hàng, tính chi ly ông cũng được gần 20 triệu trên năm và sau 5 năm ông sẽ có 100 triệu lãi cộng với 100 triệu gốc là thành 200 triệu và lưu ý rằng thời gian đó ông vẫn có thể làm việc khác để kiếm thêm. Một bên không để thêm được đồng nào sau 5 năm và một bên có thêm 100 triệu hoặc hơn nếu ông làm thêm việc khác. Bạn chọn cách nào? Tôi thì tôi chọn cách có thêm 100 triệu sau 5 năm. Thế nhưng những người chạy chức lại chọn cách sau 5 năm không để thêm được đồng nào.Tôi nghĩ chắc họ thành Đức phật cả rồi vì họ chỉ nghĩ đến việc cống hiến cho đất nước và cho nhân dân thôi chứ không hề tư lợi cho mình! Nhưng cũng không ổn lắm, ngày xưa tôi được học thì phật chỉ xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích thôi chứ không có trong đời thực, mà có chăng đi nữa thì cũng lấy đâu ra lắm phật thế! Họ không phải phật, họ cũng chẳng mất trí, vậy thì tại sao họ lại làm những việc ngược đời như vậy? Những gì còn ẩn lấp sau chuyện này tôi để cho mọi người tự trả lời, với tôi chỉ hai chữ Tiền và Quyền cùng tính tư hữu của con người là đủ.

Câu chuyện thứ nhất là mối quan hệ giữa Tiền và Quyền của những cán bộ, rất có thể đều là đảng viên cả. Câu chuyện thứ hai là mối quan hệ giữa doanh nhân và đảng viên - ông Trần Công Lộc, Viện trưởng viện kiểm soát nhân dân tỉnh Cà Mau. Ông ta đã chiếm 31,1 ha rừng cho người nhà sử dụng, ông lợi dụng chức vụ và Quyền hạn để mua bán bất động sản nhằm mục đích trục lợi cá nhân, ông cũng không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Ông đã bao che cho Nguyễn Tín Ngưỡng là phó giám đốc công ty Camimex. Tại sao ông lại bao che, tại sao ông lại có tài sản lớn và không chấp hành quy định của Đảng về việc kê khải tài sản? [18]

Các vụ tiếp theo chúng ta có thể nêu ra như PMU 18 của Bùi Tiến Dũng. Rồi vụ việc Chủ tịch tỉnh Cao Bằng ông Lô Ích Giang đã nhận được quà biếu của các doanh nghiệp hơn 1 tỷ đồng. Ông công khai hơn 1 tỷ còn có thể có những khoản ông không công khai thì sao? Tại sao các doanh nghiệp lại phải qua ông mà không thông qua Hội Chữ thập đỏ, thông qua Mặt trận Tổ quốc, hay thông qua các phương tiện truyền thông để vừa có thể làm từ thiện lại vừa có thể nâng cao được thương hiệu, tên tuổi của công ty? [19]

Tất cả những câu chuyện trên là những chuyện có thật mà tất cả chúng ta có thể kiểm chứng. Nó không còn là những câu chuyện đồn thổi ở bên vỉa hè nữa. Tôi không muốn nói đến vấn đề pháp luật hay xét xử như thế nào mà tôi chỉ muốn khẳng định rằng mối quan hệ Tiền và Quyền ở Việt Nam có tồn tại và đảng viên cũng không phải là ngoại lệ.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế hay là kinh tế tư bản tư nhân. Một quyết định mà theo tôi là một sai lầm nghiêm trọng, quyết định này sẽ biến Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thành đảng của giai cấp tư sản. Đó là tư sản hoá Đảng Cộng sản và đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Khi đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân thì trong Đảng sẽ có những ông chủ - những nhà tư bản. Trong thời gian trước mắt thì sẽ không có gì đáng phải lưu tâm cả vì tỉ lệ đảng viên là nhà tư bản còn ít, chưa nắm được vị trí và quyền lực trong Đảng. Thế nhưng chỉ một vài năm nữa thôi khi vừa là đảng viên lại vừa có Tiền thì họ sẽ tìm cách mở rộng Quyền lực của mình - điều này là rất đơn giản vì ai cũng có lòng tham, cũng tư lợi và mối quan hệ Tiền - Quyền này sẽ nảy nở. Những đảng viên không làm kinh tế tư bản tư nhân sẽ khó mà giữ được Quyền lực trong Đảng nếu không chịu liên kết với những người có Tiền. Tiếp đến, nếu đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân thì những doanh nhân cũng có thể được vào Đảng chứ! Vì họ đâu có làm gì trái pháp luật đâu, họ lại cũng có đạo đức cách mạng đấy chứ vì họ làm giàu cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Còn về lý tưởng cách mạng ư, chỉ cần vài ba quyển sách với một hai tháng là đủ kiến thức về chủ nghĩa xã hội rồi và thực ra cũng chẳng có ai có đủ tư cách đứng ra để đánh giá họ cả. Như vậy chúng ta sẽ có hai bộ phận trong Đảng: một bên là những người không làm kinh tế tư bản tư nhân - những người vô sản, còn bên kia là những người làm kinh tế tư bản tư nhân - những nhà tư bản. Thực ra nếu mỗi người chúng ta trên trái đất này đều có đạo đức, có tình thương, có ý thức công bằng, bình đẳng, không tư lợi như Đức phật thì chắc chẳng có chuyện gì đâu, ai làm lãnh đạo cũng được vì tất cả mọi người đều tốt như nhau cả mà! Thế nhưng cuộc đời đâu có thế, con người đều có tính tư lợi cả và họ phải tìm cách làm lợi cho họ đã. Vì vậy có hai kịch bản có thể xảy ra với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kịch bản thứ nhất: Bên không làm kinh tế tư bản tư nhân sẽ hết lòng vì người lao động (cá nhân tôi không tin điều này vì nếu có thế thất thì đã không có tham nhũng đến mức nguy hiểm như hiện nay và họ cũng chẳng đồng ý cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân tại Đại hội X) thì sẽ có sự tranh giành quyền lực do lợi ích giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản luôn mâu thuẫn với nhau. Sẽ có những cuộc đấu đá giằng co quyền lực trong Đảng. Đội ngũ lãnh đạo tranh giành quyền lực thì ai bị thiệt? Câu trả lời là chẳng ai trong họ thiệt cả mà nhân dân lao động và những người nghèo là khổ nhất khi xảy ra khủng hoảng chính trị. Quân đội và Công an không phải là những lực lượng trung lập, họ phải bảo vệ Đảng. Nhưng lúc này họ bảo vệ cho bên nào đây? Họ sẽ bảo vệ cho giai cấp tư sản, bởi vì họ có tiền. Ở Việt Nam chỉ cần qua một vài bữa nhậu với một ít “quà biếu” là thành thân quen. Giai cấp tư sản làm ra tiền và họ rất giỏi trong những chuyện như thế này nên chắc chắn họ sẽ có Quân đội và Công an trong tay. Kết quả giai cấp tư sản thắng.

Kịch bản thứ hai: Bằng tiền của mình giai cấp tư sản sẽ lôi kéo được đa số đảng viên đứng về phía mình hoặc lúc này đa số đảng viên trong nhóm lãnh đạo đều đã làm kinh tế tư bản tư nhân hay đã là nhà tư bản thì: giai cấp tư sản sẽ thắng.

Như vậy dù thế nào đi chăng nữa giai cấp tư sản cũng nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu là bạn thì bạn sẽ làm gì? Nếu tôi là nhà tư bản thì tôi sẽ tuyên bố chế độ xã hội chủ nghĩa là không tưởng, chủ nghĩa Mác-Lênin là sai lầm và chúng ta không còn con đường nào khác là con đường kinh tế thị trường của tư bản chủ nghĩa để đưa đất nước đến phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và mọi người đều được tự do. Đến lúc này thì chẳng ai tranh cãi được với họ nữa, hơn nữa với quyền lực đang nắm trong tay thì đời nào giai cấp tư sản bỏ ra dễ dang như chúng ta đã dâng lên cho họ đâu. Họ sẽ tuyên bố đa nguyên, đa đảng để tự do lựa chọn, đổi tên Đảng thành Đảng dân chủ tự do, hay Đảng Việt Nam thống nhất, hay như Đảng Dân tộc Việt Nam hay Đảng Lao động Việt Nam... Thay vì các cuộc “cách mạng nhung” hay “cách mạng màu sắc” chúng ta sẽ gọi cuộc cách mạng này là “cách mạng của Đức phật” vì đa số đảng viên cộng sản đều tin vào những gì tốt đẹp khi tư sản hoá đảng của mình!

Trong quá trình có nhà tư bản trong Đảng, thì Đảng sẽ không còn niềm tin của người lao động nữa vì Đảng cũng tham gia vào bóc lột giá trị thặng dư (đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân là bóc lột, tôi khẳng định điều này và sẵn sàng tham gia tranh luận với bất kỳ ai về điều này). Quá trình này ngoài việc gây rối loạn chính sách, còn tạo điều kiện cho việc móc ngoặc giữa người có Tiền và người có Quyền trong một tổ chức, nó đẩy tham nhũng, lãng phí, quan liêu đến những nấc thang mới cao hơn. Khi làm kinh tế tư bản tư nhân thì đảng viên sẽ sao nhãng nhiệm vụ chính trị của mình, bởi vì một lẽ rất đơn giản: khi lao vào làm kinh tế tư nhân mỗi doanh nhân đều dồn hết của cải và trí tuệ vào việc sản xuất kinh doanh, họ phải tìm mọi cách có thể để tìm kiếm lợi nhuận nếu không họ sẽ chết. Làm tất cả những gì có thể vì lợi nhuận (chân lý này thì chắc ai cũng hiểu) nên chuyện móc nối, hối lộ, chạy chọt là chuyện bình thường, giống như Karl Marx đã viết: nếu lợi nhuận là 300% thì họ vẫn sẵn sàng làm cho dù có giá treo cổ lơ lửng trên đầu (buôn ma tuý là một ví dụ).

Có nhiều ý kiến ủng hộ cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân. Sau đây là một vài ý kiến mà tôi sẽ đưa ra để phân tích và phê phán.

Ý kiến thứ nhất: Đây là công cuộc đổi mới lần thứ II (họ đang so sánh với đổi mới lần thứ nhất năm 1986) [20] . Người ta so sánh như thế để khẳng định tính đúng đắn và tiến bộ của việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân. Thật buồn cười cho những người thích khoe khoang nhưng lại thiếu hiểu biết về bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Chúng ta sẽ so sánh hai sự việc để thấy được cái đúng, cái sai.

Đổi mới năm 1986 có mầm mống từ “khoán 100” rồi “khoán 10”. Đó là việc Đảng cho phép phát triển sở hữu cá nhân, cho phép tư nhân làm kinh tế và xoá bỏ bớt những yếu kém và bất cập của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Nó phát huy động lực cá nhân và giúp tháo gỡ những khó khăn lúc bấy giờ. Việc đổi mới xuất hiện trong nhân dân, xuất hiện từ thực tiễn, từ bên dưới và bên trên hoàn tất về mặt lý luận và chính sách. Không phải chúng ta muốn hay thích mà do chúng ta buộc phải phải làm nếu không muốn rơi vào tình trạng hỗn loạn và sụp đổ. Trong công cuộc đổi mới này chúng ta không làm trái nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta vẫn giữ được cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội: đó là vẫn lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo và tìm cách phát triển chúng. Như vậy chúng ta đúng cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.

Thế còn “đổi mới II” tại đại hội X thì sao? Câu trả lời dứt khoát là: nó sai cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Về mặt lý luận, theo chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, đại biểu cho quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Quyền lợi của nhân dân lao động mà phù hợp với lợi ích của dân tộc thì nó đại diện cho dân tộc. Tôi muốn nhắc lại rằng trên thế giới này không có đảng của dân tộc, không có nhà nước của nhân dân một cách chung chung. Đảng là của một giai cấp nhất định và nhà nước là công cụ của giai cấp đó. Chân lý này đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ còn tồn tại trên thế giới và cả ở Việt Nam. Chúng ta có thể lý luận Đảng là đại diện cho dân tộc và Nhà nước là của nhân dân để giảm bớt đi mâu thuẫn và cân bằng lợi ích của các tầng lớp nhân dân, nhưng chúng ta không được phép quên đi chân lý trên. Thực tế những đảng phái trên thế giới đều chỉ rõ cho chúng ta điều đó, những phân tích ở phần đầu của các nhà kinh tế học tại Mỹ cũng đập vào mắt chúng ta những điều đó. Khi cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân là chúng ta cho giai cấp tư sản vào Đảng, và tư sản hoá đảng của mình. Chúng ta đã sai về mặt lý luận. Còn nếu ai bảo rằng lý luận này là sai, thì tôi tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đang trên đường biến mình thành Đức phật sống giữa cuộc sống trần tục của nhân loại. Về thực tiễn, chúng ta cũng không bắt buộc phải làm điều này, chúng ta không thấy được điều gì tiến bộ và tốt đẹp cho người lao động khi làm như vậy. Và lượng đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân cũng chưa nhiều đến mức phải bức xúc, cũng như cách giải quyết vấn đề này không phải chỉ có cách đó là duy nhất.

Ý kiến thứ hai: Cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân là góp phần phát triển kinh tế đất nước, “xoá đói giảm nghèo”, góp phần xây dựng “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” góp phần phát huy nội lực làm cho “dân giàu nước mạnh” [21] . Nghe những câu này tôi cảm thấy họ vui và yên tâm về đường lối đổi mới của Đảng. Nhưng đôi khi trong cuôc sống chúng ta vẫn thấy những con cá đẹp có màu sắc sặc sỡ lại thường chứa trong mình thứ lọc độc nguy hiểm cho những con cá khác! Với tôi đó chỉ là những lời nguỵ biện của những tri thức thiếu hiểu biết về Đảng và về chế độ. Chúng ta đã, đang và sẽ phát triển nền kinh tế đất nước, để “xoá đói giảm nghèo”, để xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”, một xã hội mà trong đó “dân giàu nước mạnh”, chúng ta đã làm những điều này mà không cần những kẻ võ mép nói với chúng ta điều này. Chúng ta đang tạo điều kiện cho cả kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể cùng phát triển. Về mặt đường lối, chúng ta không cản trở bất cứ một tổ chức cá nhân nào có đủ điều kiện của pháp luật tham gia vào sản xuất kinh doanh cả. Chúng ta đã khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân từ cá thể tới hộ gia đình. Chúng ta đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào và bắt tay với họ để cùng phát triển kinh tế đất nước. Chúng ta đã phát huy được nội lực của mình cùng với việc kết hợp với các điều kiện thuận lợi trên thế giới để đạt được những thành quả rất lớn sau 20 năm đổi mới. Ai đó có thể nói: cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tôi đồng ý có thêm doanh nghiệp thì sẽ góp phần giúp đất nước phát triển. Nhưng cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì chẳng được cái gì cả mà những tác hại đã phân tích là vô cùng lớn. Hơn nữa chúng ta vẫn có cách để những đảng viên thích làm kinh tế tư bản tư nhân có được cơ hội lựa chọn của mình: đó là ra khỏi Đảng và làm kinh tế tư nhân. Đảng là tổ chức chính trị, lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội chứ không phải là tổ chức tài chính cho những tên tư bản, không phải là cái vỏ bọc để chúng kiếm tiền. Ở trong Đảng ông ta bị gò bó sao ông ta lại không xin ra ngoài làm kinh tế, ông ta ở lại thì tự “trói chân trói tay” mình, phải chăng ông ở lại còn mục đích gì khác? Cho họ ra khỏi Đảng thì Đảng chẳng mất gì vì khi ra khỏi Đảng nếu có tâm với Đảng thì họ vẫn đóng góp được ý kiến để xây dựng Đảng, xây dựng đất nước, còn đất nước sẽ có thêm doanh nhân mới, rõ ràng là “một công đôi việc”. Nếu ai có khả năng và muốn kinh doanh thì xin ra khỏi Đảng. Còn những đảng viên có đạo đức và có lý tưởng xã hội chủ nghĩa thì sẽ phải suy nghĩ để giải quyết các vấn đề nhức nhối trong nhân dân và những vấn đề sống còn của chế độ. Đó là làm sao để phát triển được kinh tế nhà nước - cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội; xây dựng Đảng vững mạnh, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật... giúp Đảng và Nhà nước giải quyết các vấn đề lớn mà nền kinh tế đang gặp phải như vấn đề lạm phát và nhập siêu...làm sao để phát triển được khoa học công nghệ, phát triển hệ thống giáo dục để nó đáp ứng được nhu cầu của đất nước trong thời kỳ mới... Với mỗi đảng viên là tìm ra cách để xây dựng chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh, làm sao tháo gỡ được những vướng mắc trong phát triển kinh tế ở địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan mình, giảm bớt khó khăn phiền hà và nâng cao đời sống cho nhân dân... Tại sao chúng ta lại để xảy ra những vụ việc như ở Thái Bình, Tây Nguyên, Hà Tây... rồi Bắc Giang mới đây? Những đảng viên có lỗi khi để xảy ra những vụ việc đó. Đảng ta chưa làm tốt những công việc cụ thể của mình, cũng như một núi công việc khổng lồ, khó khăn ở trên đang chờ chúng ta giải quyết, thế mà Đảng lại đồng ý cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân để kiếm lợi cho bản thân mình (đúng là cười ra nước mắt).

Còn một vài ý kiến đồng ý nữa được viết ra bởi những tiến sĩ nghe khá vào tai và cảm động nhưng xét về thực chất nó chỉ là những lời nguỵ biện, cảm tính và quy kết. Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam viết: “Cho đến thời điểm này, nếu Đảng không cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân (bao gồm tư bản tư nhân) thì sẽ tự mâu thuẫn với một loạt những chủ trương, những phát ngôn công khai của Đảng thời gian qua, và với tình huống hiện thực bây giờ. Đảng kêu gọi tất cả mọi người dồn tài trí, khả năng để làm giàu cho bản thân, làm giàu cho đất nước, cam kết đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tôn vinh lao động của doanh nhân chân chính”. Xin hỏi Tiến sĩ, đó là chủ trương nào, phát ngôn nào và tình huống thực tế bây giờ là tình huống nào? Nếu là chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và tôn vinh những doanh nhân tốt thì đúng là có gì sai đâu và cũng có gì mâu thuẫn đâu, Đảng mong muốn nhân dân làm những điều đó. Còn việc đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì Đảng đã bao giờ công khai cho làm đâu, và tình hình thực tế có một số bộ phận rất nhỏ đảng viên làm kinh tế tư nhân có hạn chế quy mô là việc làm tự phát hoặc thử nghiệm của Đảng. Tiến sĩ tính đến chuyện cấm Đảng thử hay sao, hay Tiến sĩ cho rằng Đảng thử thì bắt buộc Đảng phải làm, hay cứ xuất hiện một bộ phận nhỏ đảng viên làm kinh tế tư nhân thì nhất thiết Đảng phải cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân?

Tiến sĩ viết:

“Ngay trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam - nơi tôi làm việc - vài năm gần đây xuất hiện những chương trình nhằm khơi gợi khát vọng, khuyến khích mọi người mạnh dạn bước vào con đường lập doanh nghiệp (“Khởi nghiệp”, “Làm giàu không khó”...) Vậy nếu Đảng khuyến khích người ngoài Đảng mà riêng đảng viên thì không cho phép làm, người ta có quyền hiểu rằng các chủ trương trên chỉ là các giải pháp tình thế, để giải quyết các khó khăn hiện tại, còn thực chất, Đảng vẫn coi người làm kinh tế tư bản tư nhân là làm một việc gì đó ‘không sạch sẽ’ mà đảng viên không được nhúng tay vào. Người ta cũng có quyền nghĩ rằng trong lúc hô hào động viên như vậy, Đảng để ngỏ một khả năng đến lúc nào đó sẽ lại ‘công hữu hoá’, kết thúc một chu kỳ ‘vỗ béo để làm thịt’! Điều quan trọng không phải là chu kỳ ấy dài bao nhiêu và nó có thực tế hay không. Điều quan trọng là cách nhìn nhận”.

Tôi không biết Tiến sĩ có là đảng viên hay không, nếu Tiến sĩ là đảng viên thì thực sự đáng buồn vì Tiến sĩ không hiểu gì về Đảng và chủ nghĩa Mác-Lênin. Ai bảo Tiến sĩ rằng đó là giải pháp tình thế? Chúng ta đã đi qua 20 năm đổi mới và phát triển kinh tế tư nhân là để phát triển kinh tế đất nước làm giàu cho nhân dân, đó là một chủ trương đúng đắn phù hợp với thực tiễn và cũng đúng cả về mặt lý luận. Chúng tôi không bỏ tất cả để cho bọn tư bản muốn làm gì thì làm, chúng tôi phải giữ kinh tế nhà nước để làm cơ sở tồn tại cho chế độ của mình. Chúng tôi chấp nhận để cả hai cùng phát triển, điều này đã được pháp luật công nhận và trong tương lai cũng chẳng có gì thay đổi cả. Chúng tôi, những người cộng sản có mất trí đâu mà “quốc hữu hoá toàn bộ” để quay lại với thời kỳ “chia chung sự ngheo khổ”, chúng tôi là đảng của người lao động và không bao giờ có chuyện quay lại với nỗi khổ của người lao động. Còn Tiến sĩ bảo người làm kinh tế tư bản tư nhân là một việc gì đó “không sạch sẽ” thì đó là do Tiến sĩ nghĩ ra chứ lãnh đạo của Đảng có bao giờ chỉ vào mặt doanh nhân mà nói rằng ông ta là “đồ bẩn thỉu” đâu? Còn về mặt lý luận, những người cộng sản chúng tôi khẳng định một cách công khai rằng làm kinh tế tư bản tư nhân là nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư của người làm thuê, và nếu cần tôi sẵn sàng tranh luận công khai cùng Tiến sĩ về vấn đề này. Tiến sĩ bảo rằng: “Điều quan trọng là cách nhìn nhận”, vâng, chúng tôi tuyên bố thẳng là các nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư của người công nhân chúng tôi. Nhưng tại sao biết là mình bóc lột rồi mà sao các nhà tư bản vẫn cứ làm? Thế xin hỏi lại Tiến sĩ thế các nhà tư bản có quan tâm đến cách nhìn nhận của những người lao động chúng tôi không và bản thân Tiến sĩ có bao giờ quan tâm đến cách nhìn nhận của những người lao động chúng tôi không? Những nhà tư bản biết là sai nhưng vì miếng cơm manh áo, vì tính tư hữu và vì lòng tham vô đáy mà giai cấp tư sản vẫn cứ làm mặc cho chúng tôi luôn luôn kêu gào về công bằng, về bình đẳng. Họ không quan tâm đến cách nhìn nhận của chúng tôi và sẵn sàng bỏ qua tất cả để đến với lợi nhuận, còn chúng tôi cũng thế thôi. Chúng tôi phải vì lợi ích của giai cấp mình chúng tôi sẵn sàng làm tất cả để giữ vững quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân. Vậy Tiến sĩ định trách cứ ai đây? Đã hơn 100 năm qua, lý luận về giá trị thặng dư của Karl Marx đã không một nhà tư bản nào có thể bác bỏ một cách thuyết phục, để có thể lấp liếm đi việc bóc lột của mình và những người cộng sản ngày nay vẫn sẵn sàng tranh luận với Tiến sĩ và những ai phản đối lý luận đó đó nếu Tiến sĩ thấy mình có đủ khả năng để tranh luận.

Tiếp đó Tiến sĩ Trần Quang Tuấn viết: “Như vậy nếu là đảng viên, chỉ có thể hoặc là công nhân, nông dân, hoặc làm công chức. Hoá ra là: Người đảng viên làm công cho chủ thì xứng đáng là đảng viên, còn nếu đã là chủ thì dứt khoát không thể xứng đáng? Điều này cũng có nghĩa là đảng viên phải nghèo hơn các thành phần khác, có nghèo hơn thì mới còn lập trường đảng viên? Cái này đã có gì như một thứ chủ nghĩa khắc kỷ với hơi hướng tôn giáo”. Đúng là công nhân, nông dân và trí thức thì có quyền vào Đảng. Đảng của chúng tôi không chấp nhận những tên tư bản - những kẻ bóc lột vào hàng ngũ của mình. Tiến sĩ không hiểu biết gì về kinh tế chính trị cả nên mới nói đến chuyện xứng đáng hay không xứng đáng. Đảng cộng sản là đảng của giai cấp vô sản, chúng tôi có mất trí đâu mà cho những tên bóc lột chúng tôi vào hàng ngũ lãnh đạo chúng tôi. Còn Tiến sĩ có nhắc đến từ “nghèo hơn”, vâng tôi chưa vào Đảng, nhưng tôi vẫn sẵn sàng vào Đảng và sống với những gì mình có, mình làm ra mà không bóc lột của người khác và để thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam có ép buộc ai vào Đảng đâu và ai thích làm giàu thì xin ra khỏi Đảng chứ Đảng không cấm và cũng chẳng trù dập ai cả. Tiến sĩ nói đến “khắc khổ” ư, “tôn giáo” ư, chúng tôi không tin vào tôn giáo mà chúng tôi tin vào lý luận khoa học. Chúng tôi chấp nhận cái khắc khổ đó để đi tìm những gì tốt đẹp hơn cho người lao động chúng tôi, chúng tôi phải làm để lấy lại những cái gì mình đã mất, chúng tôi không chờ vào lòng thương hại hay sự bố thí của bọn tư bản. Tiến sĩ còn lôi vấn đề kinh tế nhà nước ra để tranh luận phải chăng là muốn xoá bỏ kinh tế nhà nước hay là để nói rằng cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì tốt hơn? Với chúng tôi câu trả lời dứt khoát là: không bao giờ. Tiến sĩ còn trích dẫn câu của Ăng-ghen: phải là súc vật mới có thể quay lưng với những thống khổ của con người. Phải chăng Tiến sĩ ám chỉ nếu Đảng không cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì Đảng đã quay lưng lại với nỗi thống khổ của con người. Nhưng tôi xin hỏi, Đảng cho phép phát triển kinh tế tư nhân để làm gì nếu không phải là phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo! Đảng cũng không cấm những ai thích làm kinh tế tư nhân ra khỏi Đảng. Tất cả mọi người chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn đấy chứ.

Ngoài ra còn một loạt những lời lấp lửng của một “người ngoại đạo” (giống như Tiến Sĩ Nguyễn Quang A) không hiểu về kinh tế chính trị nhưng lại thích khoe khoang, thích định hướng cho người khác về giá trị thặng dư và bóc lột mà ở đây tôi không muốn tranh luận thêm vì họ đã tự coi mình là người ngoại đạo. Tôi không thể hiểu nổi, họ là những Tiến sĩ - những nhà khoa học nhưng lại dùng những lý thuyết “có thể” có trong tương lai để nói đó là “đổi mới tư duy”, để áp dụng cho những chủ trương, đường lối ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và ảnh hưởng đến hàng triệu con người?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đặt ra câu hỏi: “Đảng muốn dân làm giàu mà lại cứ bắt buộc đảng viên không được làm giàu thì có mâu thuẫn với mục tiêu hay không?” Câu trả lời của chúng tôi là: Không. Nếu thích thì xin ra khỏi Đảng, còn vì sao thì ở trên tôi đã giải thích.

Tiến sĩ viết tiếp: “Hiện nay ai bóc lột ai? Đây là câu hỏi lý thú mà các nhà nghiên cứu nên làm rõ” và Tiến sĩ kết luận: “cho đến nay cũng chưa ngã ngũ”. Một Tiến sĩ về điện tử viễn thông, đi dựa vào Google và Wikipedia để nói về một lý luận khoa học thì thật buồn cười! Xin thưa Tiến sĩ, chúng ta đang nói về vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân và đang nói về bóc lột giá trị thặng dư của của nhà tư bản đối với công nhân chứ chúng ta không nói về bóc lột chung chung. Tiến sĩ nên biết chúng ta đang bàn luận về vấn đề gì rồi Tiến sĩ hãy xen vào để bàn luận. Tiến sĩ bảo những nhà nghiên cứu (hay Tiến sĩ ám chỉ đến những người cộng sản chúng tôi) nên xem lại ư! Xin thưa, chúng tôi đã hiểu về lý luận giá trị thặng dư và bóc lột giá trị thặng dư rồi, còn người cần xem lại là Tiến sĩ chứ không phải các nhà nghiên cứu, khi nào Tiến sĩ hiểu về nó rồi thì Tiến sĩ có thể tranh luận khoa học với chúng tôi. Tiến sĩ không hiểu hay cố tình không hiểu việc “bóc lột” của ông chủ với công nhân khác với “bóc lột” của bọn tham nhũng. Bóc lột của ông chủ là “ăn” toàn bộ giá trị thặng dư của người công nhân mà không ai làm gì được. Còn bọn tham nhũng “ăn” một cách nén nút và đó là hành vi vi phạm pháp luật cần phải trừng trị. Chúng ta đã trị, đang trị và sẽ trị bọn tham nhũng này.

Giáo sư Nguyễn Đức Bình đã phân tích: Trái lại, họ vào Đảng cốt tìm kiếm chỗ dựa quyền lực để dễ bề làm ăn, kinh doanh. Ta biết rằng thời nay quyền lực và tiền bạc, tiền bạc và quyền lực thường dễ móc nối với nhau ranh ma quỉ quái thế nào.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Tôi nghĩ luôn có những kẻ cơ hội như vậy, nhưng đa số không thế. Tôi tin tỉ lệ bọn cơ hội là người làm kinh tế tư nhân nhỏ hơn nhiều so với trung bình hiện nay trong đảng. Bọn mua quan bán chức, bọn chạy chọt ghế, trong số chúng có tên nào làm kinh tế tư nhân không? Tôi cam đoan không có. Thế mà số bọn chúng thì nhiều như quân Nguyên. Giáo sư nghĩ sao? Và những người làm kinh tế tư nhân, chắc đâu họ đã muốn vào đảng!” Tôi được biết Tiến sĩ có dịch bộ sách SOS, trong đó có các tác phẩm của Kornai, Hayek, Soros với ý định phổ biến những giá trị của kinh tế thị trường vào Việt Nam, đó là một điều rất quý. Tiến sĩ cũng từng làm kinh tế chắc Tiến sĩ rất hiểu về kinh tế thị trường và những nhà kinh tế học của kinh tế thị trường như Adam Smith, James Buchana hay Joseph Stiglitz. “Bàn tay vô hình” của Adam Smith dựa trên tính tư hữu và lợi ích cá nhân, lý thuyết Lựa chọn Công của James Buchana coi chính trị gia như “Doanh nhân chính trị”, còn Stiglitz phê phán gay gắt giới tài chính và mối quan hệ Tiền-Quyền. Tuổi đời của Tiến sĩ cũng hơn tôi, nên Tiến sĩ hiểu về thực tế trong cuộc sống của mối quan hệ Tiền-Quyền hơn tôi, nhưng Tiến sĩ lại viết “đa số không thế”. Xin hỏi Tiến sĩ, “Bàn tay vô hình” của Adam Smith có loại bỏ bất kỳ cá nhân nào khi tham gia vào nền kinh tế thị trường không?. Mà nền kinh tế của chúng ta là nên kinh tế thị trường chứ không phải là nền kinh tế tập trung bao cấp. Cá nhân tôi cho rằng: Tiến sĩ nghĩ một đằng, Tiến sĩ hiểu một đằng nhưng vì quền lợi của giai cấp tư sản nên Tiến sĩ viết một nẻo. Tiến sĩ cam đoan rằng: không có đảng viên làm kinh tế tư nhân nào chạy chức chạy quyền hoặc lợi dụng quan hệ để mưu lợi cá nhân. Khi có một số ít đảng viên làm kinh tế tư nhân ở quy mô hạn chế thì những người này bị giám sát rất chặt chẽ, ông ta khó có thể làm gì mờ ám. Thế nhưng, sau khi Đảng cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì Tiến sĩ có dám chắc điều đó không? Hay Tiến sĩ lại bảo “có thể” sẽ có lý thuyết khoa học mới ra đời phủ nhận lý thuyết của Adam Smith, James Buchana, “lý thuyết tương lai” này sẽ xoá bỏ được mối quan hệ Tiền-Quyền, xoá bỏ được những tiêu cực mà Stiglitz đã phân tích, cũng như hiện thực đang có trên khắp thế giới và cả ở Việt Nam - những hiện thực đang đập vào mắt chúng ta hàng ngày. Tiến sĩ có nhắc đến tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền. Vâng, tôi công nhận những điều đó là có ở Việt Nam. Vậy tôi xin hỏi Tiến sĩ, nếu cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân thì có giải quyết được các vấn nạn ấy hay không, hay là “lý thuyết tương lai” của Tiến sĩ ở trên Google và Wikipedia sẽ giải quyết được vấn đề đó.

Câu kết luận của Tiến sĩ ở cuối bài viết này mới thật là buồn cười: “Trăn trở của giáo sư, câu trả lời dứt khoát ‘trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân’ của giáo sư phải được tôn trọng. Hi vọng những ý kiến khác cũng được tôn trọng”. Chắc rằng Tiến sĩ muốn người khác tôn trọng ý kiến của Tiến sĩ chứ. Giáo sư Nguyễn Đức Bình là một nhà khoa học, Giáo sư hiểu về lý luận và phân tích rõ ràng rồi đưa ra kết luận thì hiển nhiên những người hiểu biết phải tôn trọng! Còn Tiến sĩ thì thiếu kiến thức về vấn đề tranh luận, cơ sở lý luận không rõ ràng, Tiến sĩ lẫn lộn vấn đề này sang vấn đề kia và tìm cách lập lờ đánh tráo nó (đó chính là sự nguỵ biện) thế thì làm sao mà đòi những người hiểu biết tôn trọng được. Nếu bây giờ tôi cũng nói “lập lờ” và “cảm tính”, “tin” và “có thể” như Tiến sĩ sau đó tôi đi đến kết luận Đảng “quốc hữu hoá toàn bộ và xoá bỏ kinh tế tư nhân” là Đảng đã “đổi mới tư duy” thì Tiến sĩ có đồng ý với ý kiến của tôi không?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta về tiêu chuẩn của đảng viên: “Đảng phải thật trong sạch, mạnh mẽ. Vì vậy đảng viên cũng phải thật trong sạch, mạnh mẽ tức là phải đúng những tiêu chuẩn sau đây: Không bóc lột người. Đảng chống chế độ ‘người bóc lột người’. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên.” [22]

Tương lai nào cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Câu trả lời là chẳng có tương lai nào cả! Chủ nghĩa xã hội sẽ sụp đổ trong vòng một vài thập kỷ tới! Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ như một người đang đi trên một con đường mà đích đến thì còn xa, nhưng điều đó chưa hẳn đã quan trọng; quan trọng hơn là trước mặt có một mũi tên đang bay tới (tham nhũng), đằng sau là một mũi tên cũng đang lao tới (tư sản hoá) còn ở dưới chân thì mặt đất đang rạn nứt (đang đánh mất cơ sở hạ tầng). Với tôi, có lẽ, nó sẽ chết trước khi nhìn được rõ hơn cái đích của mình!

Quá trình này tất yếu sẽ diễn ra nếu Đảng không sửa sai. Nó xảy ra nhanh hay chậm và có xảy ra hay không? Câu trả lời sẽ dành cho mỗi thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam tự trả lời!

© 2008 talawas


[1]Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.
[2]QH [Quốc hội] bức xúc chuyện DNNN [doanh nghiệp nhà nước] thu không đủ chi”.
[3]Todd G. Buchholz, Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối, Nxb Tri thức, 2008, trang 364.
[4]Sách đã dẫn, trang 365.
[5]Sách đã dẫn, trang 365.
[6]Sách đã dẫn, trang 373.
[7]Sách đã dẫn, trang 374.
[8]Sách đã dẫn, trang 365.
[9]Sách đã dẫn, trang 366. Xem thí dụ cụ thể trong sách để hiểu rõ hơn.
[10]Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2008 sẽ tốn kém nhất trong lịch sử”.
[11]Tiền quỹ vận động tranh cử Mỹ có từ đâu?
[12]Tham nhũng trong tập đoàn Samsung (Hàn Quốc): Được ưu đãi quá, hoá dở
[13]Ngồi trên lửa” và “Israel: Thủ tướng Ehud Olmert quyết không từ chức
[14]Joseph Stiglitz, Toàn cầu hoá và những mặt trái, Nxb Trẻ, 2008, trang xii.
[15]Sách đã dẫn, trang 27.
[16]Sách đã dẫn, trang 274.
[17]Bí thư Tỉnh uỷ nộp 100 triệu đồng tiền ‘chạy chức’
[18]Tài liệu đã dẫn.
[19]Quà biếu chủ tịch tỉnh Cao Bằng hơn 1 tỷ đồng” và “Bộ trưởng Nội vụ: ‘Dùng quà biếu làm từ thiện là bất thường’
[20]Đổi mới II: Đổi mới thế nào?
[21]Tạo thêm động lực để phát triển đất nước”, “Sự thay đổi lớn trong tư duy của Đảng” và “Không nên gọi ai là ‘cấp tiến’ hay ‘bảo thủ’
[22]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 7, trang 23.