trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
16.6.2008
Nguyễn Tường Tâm
Giá xăng dầu sẽ phải hạ
 
“Chứng khoán kỹ thuật cao đã từng bay cao vút, nhưng cuối cùng cũng rớt. Giá nhà cũng đã từng vút cao, nhưng cuối cùng cũng lao đao. Và hiện nay là giá xăng dầu cũng đang tăng tốc. Nhưng chúng ta hãy yên tâm, sự tăng giá xăng dầu cuối cùng cũng sẽ theo cùng một tiến trình như vậy mà thôi (tức là sẽ phải tụt giảm mạnh).” Đó là nguyên văn nhận định đầy lạc quan của bỉnh bút (editor at large) Shawn Tully của tạp chí Fortune qua bài viết “Why oil prices will tank” đăng ngày mùng 6/6/2008.

Trước tình hình giá xăng dầu tăng vọt với sáng một giá, chiều một giá tại Hoa Kỳ, những người ở ngoài ngành kinh tế có thể hoang mang không hiểu nguyên nhân và rồi lo lắng không biết rồi ra cuộc sống đi về đâu. Tại Hoa Kỳ đã có nhiều hiện tượng cho thấy người tiêu dùng đã thay đổi thói quen hàng ngày để đối phó với sự tăng giá xăng dầu. Người ta mua xe nhỏ hơn, đi chung xe nhiều hơn và thậm chí sử dụng phương tiện chuyển vận công cộng nhiều hơn. Các hãng hàng không giảm nhiều chuyến bay.

Theo Shawn Tully thì việc tăng giá xăng hiện nay không có gì bí ẩn cả, mà hoàn toàn nằm trong qui luật cơ bản “Cân bằng cung cầu” của kinh tế thị trường. Nhận định này của Shawn Tully được Colin Barr, biên tập viên thâm niên (senior writer) cũng của tạp chí Fortune củng cố. Trong bài “Crude oil: Rounding up the bad guys” đăng ngày mùng 5 tháng 6 -2008, Colin Barr đã thu thập đủ dữ kiện cho thấy các đại công ty xăng dầu trên thế giới không phải là thủ phạm làm tăng giá xăng dầu để trục lợi. Nghĩa là không có sự đầu cơ tích trữ của những đại tư bản dầu hoả. Các viên chức lãnh đạo các đại công ty này của Hoa Kỳ, ví dụ như công ty Exxon, đã phải báo cáo trước quốc hội Hoa Kỳ. Nhưng họ đã giải toả được mối nghi ngờ. Lãnh đạo công ty Exxon báo cáo rằng với giá xăng dầu ở khoảng $4 đô la 1 galon như hiện nay (6/6/2008), thì lợi tức của công ty lọc dầu này là rất thấp, chỉ khoảng 1 xu một gallon. Và viên chức này cho hay có lẽ đó là lý do giá cổ phần (shares) của công ty Exxon sau khi tăng gấp đôi trong khoảng 2 năm 2005 và 2007 thì nay đã bị giảm giá (... actually lost ground this year.)

Tác giả Colin Barr viết rằng theo lý thuyết, sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng xăng dầu tại những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, cùng với việc trợ giá xăng dầu (oil subsidies) của nhiều chính phủ đã đẩy mức cầu trên thế giới vượt mức cung, vốn dĩ (mức cung) lâu nay đang bị kềm giữ bởi các yếu tố sinh thái (ecological) và chính trị. Bài báo của Colin Barr viện dẫn ông Howard Simons, một chiến lược gia thuộc trung tâm nghiên cứu Bianco Research tại Chicago, nói rằng, “Đây (sự gia tăng mức cầu) là nguyên nhân chính đẩy thị trường tăng giá.” (…driven bull market.)

Shawn Tully ghi nhận số cầu xăng dầu trên thế giới gia tăng hiển nhiên chủ yếu là do sự gia tăng kinh tế mạnh mẽ ở Trung Hoa, Ấn Độ và Trung Đông. Sự bất quân bình giữa cung và cầu là nguyên nhân của sự tăng giá dầu hiện nay cũng được các nhà lãnh đạo năng lượng của 8 quốc gia tiên tiến cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Triều Tiên đang họp ở Nhật bản hôm mùng 7 tháng 6-2008 xác nhận [“G-8 energy chiefs meet as oil soars”, bài của Joseph Coleman, AP, 06/07/2008]. Chính vì thế, tại hội nghị này, năm quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Ấn Ðộ đã thúc giục các quốc gia sản xuất dầu gia tăng sản lượng (gia tăng số cung). Đồng thời, Hoa Kỳ cũng thúc giục các quốc gia như Trung Hoa hạ giảm sự trợ giá cho xăng dầu để người dân giảm mức tiêu thụ.

Sau khi đã xác định được nguyên nhân chính của sự tăng giá xăng dầu hiện nay là do bất quân bình giữa cung cầu, tác giả Shawn Tully khẳng định rằng, theo lý thuyết kinh tế, rồi ra giá xăng dầu sau khi đã tăng cao, sẽ không giữ nguyên ở mức cao mới mà phải giảm. Không những vậy mà còn sẽ phải giảm mạnh mẽ (a steep fall.)

Diễn tiến của sự tăng giá xăng dầu hiện nay được Shawn Tully so sánh với gia tăng giá cả trên thị trường nhà cửa tại Hoa Kỳ cách nay khoảng 2 năm trở về trước. Tác giả ghi nhân việc đáp ứng với số cầu nhà lúc đó bị hạn chế bởi các luật lệ qui định việc xây cất và việc khoanh vùng khu cư trú (zoning). Vì thế, khi nền kinh tế nở rộ trở lại vào năm 2002 và 2003 thì các nhà đầu tư việc xây cất nhà ở (builders) không thể mau chóng cung cấp đủ nhà cho các người mua lúc đó đang ở lợi thế được hưởng lãi suất thấp. Kết quả là giá nhà tăng vọt. Theo định luật kinh tế, giá nhà thay vì phải lệ thuộc vào chi phí sản xuất, tức là giá đất, chi phí xây cất và tiếp thị cùng với tiền lời tư bản hữu lý cho người đầu tư, thì lại bị qui định bởi thái độ vội vã chen lấn nhau của các người mua (frenzied buyers were setting the price.)

Trong tình hình đó, các nhà đầu tư xây cất thu được số tiền lời lớn, nên họ vội vã mua đất và phát triển xây cất tiếp. Càng xây càng thiếu, bởi vì nhà tăng giá mau chóng càng khiến nhiều người mua đầu tư. Ngân hàng cũng cho vay dễ dàng để khách hàng mượn đầu tư vào nhà đất. Cơn sốt nhà đất gia tăng hình xoáy ốc. Giá nhà tăng vọt khủng khiếp. Mọi người hầu như ai cũng vui vẻ vay mượn để mua. Giá nhà vì thế ngày càng tăng vọt. Chu kỳ đó tiếp diễn mãi cho tới một thời điểm giá những căn nhà mới quá cao tới độ không có người mua nổi nữa. Số cầu giảm. Nhưng số cung không thể giảm mau chóng bởi vì số dư của những căn nhà mới đã được xây cất rồi. Đồng thời có nhiều dự án xây cất đã được tiến hành ở giai đoạn không thể dừng lại được. Cung vượt cầu khiến giá nhà giảm. Nhà giảm giá khiến những người trước đó vay mượn để đầu tư vào nhà đất nay thấy giá nhà xuống cũng vội vã bán nhà để trả nợ. Điều này khiến số cung tăng thêm. Do đó giá nhà giảm thêm nữa. Cung tăng có nghĩa số người bán nhà tăng. Số người muốn bán nhà tăng nhưng bán không được (vì đang lúc số người mua nhà giảm) khiến nhà bị ngân hàng tịch thu trừ nợ. Những căn nhà bị ngân hàng tịch thu này cũng sẽ mau chóng được mang ra rao bán trên thị trường lại càng làm cho số cung tăng thêm; khiến giá nhà càng xuống thấp thêm. Hiện tượng khủng hoảng nhà đất tại Hoa Kỳ hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn nên rất quen thuộc với mọi người Hoa Kỳ bình thường. Tác giả Shawn Tully có sáng kiến là, với một chút thay đổi, ông đã dùng hiện tượng khủng hoảng nhà đất hiện nay để mô tả và tiên đoán chiều hướng của cuộc khủng hoảng xăng dầu đang diễn ra.

Theo Shawn Tully, chẳng chóng thì chầy, thế giới sẽ không tiếp tục trả giá xăng dầu cao mãi được và cuối cùng thì giá xăng dầu phải rơi trở lại bằng chi phí sản xuất thùng dầu cuối cùng (theo định luật kinh tế) để mang thị trường trở lại ổn định (Eventually, the price must fall back to the cost of that last barrel to clear the market.)

Shawn Tully ghi nhận được rằng, theo lời ông Stephen Brown, kinh tế gia thuộc Ngân hàng dự trữ Dallas, chi phí sản xuất thùng dầu cuối cùng hiện này chỉ có $50 đô la thôi, trong khi giá một thùng dầu trên thị trường hiện nay tới $125 đô la. Việc sản xuất xăng dầu từ gốc hữu cơ (shale oil) mất có $70 đô la một thùng (hiện đang được sản xuất tại tiểu bang Dakota, Hoa Kỳ). Tại Canada cũng có những đầu tư mới tương tự. Kỹ thuật mới sắp có thể giúp sản xuất dầu từ than đá. Như thế số cung rồi sẽ phải tăng trong khi số cầu phải giảm, khiến cho giá xăng dầu sẽ phải giảm. Shawn Tully còn lạc quan tới mức cho rằng còn có thể trong vài năm tới, sẽ có thời kỳ lâu dài thừa xăng dầu (plentiful oil supplies) và giá cả xuống thấp dưới $50 đô la ($50 là chi phí sản xuất thùng dầu cuối cùng hiện nay.) Ông viện dẫn một diễn biến tương tự đã xảy ra theo sau sự bùng nổ giá dầu vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980s. Lúc đó giá cả tăng cao khiến thế giới cắt giảm mạnh mẽ việc tiêu thụ xăng dầu. Tới giữa thập niên 1980s, giá dầu hạ từ khoảng $40 đô la xuống còn khoảng $15 đô la một thùng.

Theo Shawn Tully, không ai có thể tiên đoán giá cả sẽ được điều chỉnh như thế nào. Ông kể một ví dụ lý thú. Vào thập niên 1980 cũng có một sự kiện giá cả bong bóng trên thị trường bạc (silver). Lúc đó giá bạc tăng vọt từ $10 đô la lên $50 đô la dựa trên lý thuyết cho rằng thế giới sẽ đối diện với một sự thiếu hụt bạc thường trực. Nhưng đột nhiên các quảng cáo xuất hiện yêu cầu các gia chủ mang các bộ chén bát, ly tách hay nữ trang tới khách sạn Holidays Inns để bán với giá cao. Sau đó nguồn cung cấp bạc tuôn ra dường như từ khắp mọi nơi.

Nhưng không phải ai cũng lạc quan như Shawn Tully. Trong bài “Why gas costs more, more, more” của Matt Nauman đăng trên nhật báo San Jose Mercury News ngày mùng 8 tháng 06/2008, tác giả khẳng định rằng giá xăng dầu sẽ không bao giờ rẻ trở lại. Những yếu tố đoản kỳ như thiên tai, nhà máy lọc dầu bị hoả hoạn, cấm vận sản xuất của OPEC (như năm 1973) làm gia tăng giá cả đoản kỳ. Nhưng hiện nay, những yếu tố trường kỳ đã tác động vào giá cả, khiến cho hầu như không thể tìm thấy một chuyên gia nào nghĩ rằng giá dầu sẽ giảm trở lại một cách lâu dài, mặc dù thỉnh thoảng có thể có giảm giá đôi chút. Theo bài báo, ông Jim Sweeney, giáo sư đại học Stanford, đồng thời là giám đốc Viện “Precourt Institute for Energy Efficiency”, đã nhận định rằng “việc giảm giá mạnh mẽ là điều không thể xảy ra, ít ra là trong thập niên tới hay tương tự để có thể thấy xăng dầu giảm giá thấp hơn giá hiện nay.” Cùng với ông Severin Borenstein, giáo sư đại học University of California-Berkeley, đồng thời làm giám đốc viện nghiên cứu năng lượng “UC Energy Institute”, giáo sư Sweeney nhận định chiều hướng giá xăng dầu trong một vài thập niên tới chỉ có tăng cao mà không có giảm mạnh chủ yếu là do sự gia tăng mức cầu trên thế giới. Theo hai ông, sự gia tăng mức cầu này không chỉ do Hoa Kỳ hay Trung Quốc mà còn do nhiều quốc gia nhỏ khác nữa.

Tuy nhiên dù bi quan, thì vấn đề cũng sẽ phải sớm có giải pháp. Tại hội nghị các nhà lãnh đạo năng lượng trên thế giới họp tại Nhật bản ngày mùng 7 tháng 6, 2008, ông Akira Amari, bộ trưởng năng lượng và thương mại của Nhật bản đã cảnh báo các đồng nghiệp rằng nếu không giải quyết thì sự tăng giá xăng dầu sẽ tạo ra trì trệ kinh tế (recession) toàn cầu. Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đang vội vã gặp gỡ, trao đổi và cũng đang có một số hành động cụ thể để ngăn chặn việc tăng giá xăng dầu hiện nay. Cho nên, theo Shawn Tully, chắc chắn giá dầu sẽ phải hạ, nhưng không ai dự đoán được là khi nào.


Tham khảo
  • “Why oil prices will tank” by Shawn Tully, editor at large [Fortune First Published: June 6, 2008: 8:11 AM EDT].
  • “G-8 to fight oil prices with efficiency, tech” by JOSEPH COLEMAN Associated Press Writer
    Article Launched: 06/07/2008 11:03:35 PM PDT
  • Crude oil: Rounding up the bad guys” (Fortune Magazine-CNN Money.com, by Colin Barr, senior writer; Last updated June 05 2008: 10:42 AM ET).
  • “Why gas costs more, more, more” by Matt Nauman, Mercury News; Article launched 06/08/ 2008; 01:31:55 AM PDT
  • “Paulson to promote foreign investment in energy” By Martin Crutsinger, AP Economics Writer.
    Article Launched: 05/28/2008 03:32:25 PM PDT
  • “Top Car Dealer Says High Gas Prices Are Good for the U.S. Auto Industry”
  • “AutoNation CEO Says Increase Will Drive Demand For Hybrids, Electric Cars and Other Alternatives”; June 9, 2008
  • “Saudi calls for talks; oil experts see no change” by Donna Abu-Nasr, Associated Press Writer, 29 minutes ago, 6-9-08.

© 2008 talawas