trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Cải cách ruá»™ng đất
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
30.5.2008
 
Truyện ngắn “Anh Cò Lấm” năm 1956 và việc tạp chí Tổ Quốc tự phê bình
 
Đăng lại bài tự phê bình của tạp chí Tổ Quốc (1956) về việc “lỡ” đăng truyện ngắn “Anh Cò Lấm” về Cải cách ruộng đất của Trần Bá Xá cùng toàn văn truyện ngắn này, chúng tôi mong cung cấp cho độc giả thêm một tư liệu về một giai đoạn lịch sử Việt Nam còn cần nhiều soi rọi, đồng thời gợi những suy nghĩ về vai trò và tư cách của báo chí chính thống Việt Nam, điều đang là thời sự nóng hổi sau vụ hai phóng viên của báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên bị bắt, cũng như việc sự kiện này không còn được phép nhắc đến trên báo chí trong nước.
talawas
Tổ Quốc
Tự phê bình

Tạp chí Tổ Quốc số 27 ra ngày 20.1.56 có đăng một chuyện [1] ngắn “Anh Cò Lấm”. Nội dung chuyện này biểu lộ rất rõ rệt tư tưởng phản động của giai cấp địa chủ. Từng lời, từng chữ trong toàn bộ chuyện “Anh Cò Lấm” đều chứa đầy ý tứ nham hiểm, giọng thô bỉ, trắng trợn, nhằm chống lại chính sách Cải cách Ruộng đất, đả kích chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta. Các nhân vật trong chuyện: Anh Cò Lấm cố nông, anh Sơn cán bộ xuất thân nông dân, bà bác và vợ anh Cò Lấm, đều bị tác giả là Trần bá Xá mạt sát một cách khôn khéo, nửa kín, nửa hở. Về chính sách Cải cách Ruộng đất thì Trần bá Xá đả kích đường lối phát động quần chúng, chính sách chia quả thực, chính sách đề bạt cán bộ và phong trào thi đua ái quốc. Trần bá Xá dụng ý làm cho người đọc nhận nhầm rằng C.C.R. Ð không giải quyết gì cho đời sống nông dân, mặc dầu đã được chia ruộng đất. Vai trò lãnh đạo nông thôn thì đặt vào con người rơm kiểu anh Cò Lấm của Trần bá Xá. Trái lại đối với giai cấp thù, Trần bá Xá không vạch qua một tội ác nào của địa chủ, lại còn dùng những câu văn úp mở để ca tụng địa chủ, che đây tội ác của bọn địa chủ.

Như đã trình bầy ở trên, vậy tại sao bài “Anh Cò Lấm” lại đăng được trong báo Tổ Quốc. Nguyên nhân vì sự lãnh đạo của Ban Biên tập không chặt chẽ. Ðồng chí phụ trách mục chuyện ngắn chưa tranh thủ ý kiến Ban Biên tập đã cho đăng bài này. Ðồng chí đó đã thiếu cảnh giác: khi đọc bài đó không phân tích tính chất chống chính sách của nó mà cứ nhận, rồi lại tự ý cho đăng. Ðồng chí vì lập trường mơ hồ, tư tưởng bạn thù chưa dứt khoát nên khi đọc bài đó cũng không nhận ra tính chất phản động của nó.

Ban Biên tập chúng tôi đã kiểm điểm tinh thần trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và trước các Ðồng chí trong các chi bộ ở Hà Nội. Nay chúng tôi xin tự phê bình sai lầm nghiêm trọng này trước các bạn đọc thân mến.

Ðây cũng là một bài học giúp chúng tôi phải luôn luôn nâng cao cảnh giác đối với địch. Khi còn một hơi thở cuối cùng nào, chúng cũng không chịu bỏ lỡ cơ hội để phá chúng ta trên Mặt trận Kinh tế, cũng như trên Mặt trận Văn hoá v.v… Trên Mặt trận Văn hoá, chúng lại có lắm mánh khoé rất tinh vi, đồng thời lợi dụng chế độ tự do dân chủ của chúng ta để chống lại chúng ta. Dẫu sao, bánh xe lịch sử của xã hội cũng nghiền nát chúng.

Ban Biên tập Tạp chí Tổ Quốc

Nguồn: Tổ Quốc, số 30, ngày 5 tháng 3.1956. Bản điện tử do talawas thực hiện.

*


Trần Bá Xá
Anh Cò Lấm

(Truyện ngắn: Cải cách ruộng đất)

Theo như bà con nói thì cái anh Cò Lấm ấy phải cái tính hâm hấp. Kể về khổ thì anh khổ nhất cái thôn này, trên dưới tám trăm con người chả ai khổ bằng anh. Mồ côi bố mẹ từ tấm bé, một thân một mình cắm cúi đi ở hết nhà này đến nhà khác. Chả biết sao lại thành cái tên Cò Lấm, không được đẹp đẽ gì. Có lẽ tại con trai thì là Cò, còn Lấm thì tức là ám chỉ cái bộ quần áo và bộ mặt, đôi má, cẳng chân cẳng tay anh khi nào cũng lấm nhọ? Nhưng nói thế cũng chưa hẳn đúng. Vì trên dưới tám trăm con người ở thôn này thì thiếu gì tên Cò, thiếu gì Lấm nhọ; vậy mà sao chỉ độc anh có cái tên ấy? Có thể vì anh có những sự đặc biệt gì, nhân dân chú mục vào anh, dù sao cũng cứ thành tên vậy.

Khi cán bộ đội cải cách ruộng đất về thôn này đi thăm nghèo hỏi khổ, tìm người tốt mà dựa thì bà con xóm Ðình đều giới thiệu: khổ nhất xóm là anh Cò Lấm! Không riêng xóm Ðình, các xóm Chùa, xóm Chợ, xóm Cuối cũng đều nói vậy. Tức là Cò Lấm nổi danh nghèo khổ khắp cả thôn, về cái mục khổ sở thì không cần phải bầu bán bàn bạc gì, ai cũng công nhận ngôi thứ nhất cho Cò Lấm. Thực là ít khi được một người cả thôn giới thiệu như vậy, dĩ nhiên cán bộ phải tìm đến. Song có điều là nhân dân phàn nàn rằng Cò Lấm phải cái tính hấp. Anh cán bộ về xóm Ðình (xóm Cò Lấm ở) là anh Sơn, một anh cốt cán lấy ở xã lên đào tạo thành cán bộ cải cách ruộng đất. Anh Sơn trẻ, hóm hỉnh, hai mươi tuổi đầu, có khá nhiều trí thức về những con người và sự việc nơi thôn ở trước và trong cải cách. Sơn bảo: những anh như Cò Lấm mà phát động được lên thì phải biết! Phải biết, tức là Cò Lấm sẽ thành một con người đột xuất trong phong trào; phải biết còn có nghĩa là anh cán bộ nào phát động cho Cò Lấm vươn mình lên được thì ắt là thành tích lớn lao lắm. Vì vậy Sơn có ý chọn Cò Lấm. Sơn dò la, gạn hỏi bà con xem lai lịch gốc tích Cò Lấm thế nào, hâm hấp ra sao, kỳ giảm tô Cò Lấm có “nói lên” được những nỗi khổ gì không? Qua lời bà con, anh Sơn thấy Cò Lấm là một người trong sạch, không có nghi vấn gì, vậy là đủ một tiêu chuẩn quan trọng “để mà thành rễ tốt”. Nhưng hâm hấp là ở chỗ tố khổ. Bà con bảo tố khổ mà cứ như thể là tố sướng. Ði ở nhà Bá Tân ai cũng thấy là khổ hai năm rõ mười, vậy mà Cò Lấm lại tố rằng: “Ở cho nó ăn no, không đói không khổ bằng khi ra ở riêng lấy vợ, mới đâm ra đói túng…” Hoặc giả về cái vết sẹo trên thái dương ai cũng biết là Bá Tân nó đánh bằng thanh củi thì Cò Lấm bảo: “Tại tôi để cho trâu đói thì người ta đánh cho… Ở hoàn cảnh mình cũng vậy nữa là…” Ðại để như vậy.

Ðầu tiên, Sơn vào nhà bà bác Cò Lấm. Bà cụ ẵm cháu nói chuyện hồi lâu đã khá thân, Sơn dò hỏi về tính hấp Cò Lấm, bà bác bảo:

“Ấy nó ngọng từ bé. Tuy hâm hâm thế mà nó nói lắm câu khôn ra giáng. Nó làm cứ như thần đồng, ai cũng muốn mướn, bây giờ làm phu khuân vác ở ngoài ga, nào vác tà vẹt, khiêng đường ray, cứ làm hùng hục chả biết tỵ nạnh ca rao anh này lười, anh kia lười gì cả. Tháng trước nó được bầu là điển hình. Nó đem chiếc khăn mặt và bánh xà phòng thưởng về khoe tôi: ‘Bác ạ, cháu được điển hình’. Tôi trêu nó, hỏi: ‘Ðiển hình là thế nào?’ Nó bảo: ‘Ðiển hình là được những thức này.’ Tôi lại rỡn: ‘Thế có điển hình tiền, điển hình gạo không?’ Nó bảo: ‘Bác cứ rỡn cháu. Ðiển hình là quý rồi, chứ cần gì cái nọ cái kia’. Ðấy, đừng tưởng, nó khôn lắm chứ chả bảo là nó ngốc mãi. Nhiều lần, nó cứ sang chơi với tôi ca rao là: ‘Người ta sướng thật, đi làm về có con mà bế… chứ vợ cháu nó thế nào ấy, mãi mãi chẳng có con. Buồn buồn là…’ Hấp mà nói được câu ấy chả là khôn à? Ðấy là dạo vợ nó chưa có con cơ, bây giờ thì có cháu lên hai rồi. Anh chàng ra ý hỉ hả lắm, đi làm về lại ẵm con. Quý vợ, quý con nhất làng đấ, chả bao giờ nói nặng đéo nọ đéo kia với vợ gì cả…”

Dạo ấy tôi cũng về xóm anh Sơn phụ trách, anh Sơn có nói với tôi: “Theo kinh nghiệm thì có thể nói là Cò Lấm bị khống chế trong thời kỳ giảm tô, nên có khổ mà không nói lên được, rồi cán bộ không đi xâu, thấy ngọng thì nản mà bỏ qua mất. Anh nghĩ thế nào?”

Tôi cũng ầm ừ. Có thể là anh Sơn đoán đúng. Lại cũng có thể là anh Cò Lấm kia hâm hấp thực, ai chẳng đã từng gặp những con người như Cò Lấm, còn có thể gàn dở hơn gấp bội, hầu như mất hết cả trí khôn; họ chẳng phải là những nạn nhân của sự đè nén phong kiến nào đó quá ư ghê gớm, tàn tệ sao? Dù sao cũng chưa thể kết luận ngã ngũ hẳn, cả anh Sơn, cả tôi cũng chưa được giáp mặt Cò Lấm, đến mấy bận toàn phải lúc Cò Lấm vắng nhà, đi làm tận ga, nên tôi chỉ ậm ừ. Còn Sơn thì nói rất hăng hái, hầu như quyết đoán: “Anh ạ, tôi cứ cương quyết bắt rễ vào Cò Lấm đấy. Phải tin tưởng bần cố nông chứ!”

Hôm sau, anh Sơn vác ba-lô tới nhà Cò Lấm, vào giữa trưa. Cò Lấm ở ga về, vừa đánh xong một hồi chục bát cơm, đang ngồi uống nước. Thấy Sơn vào nói: “Tôi là cán bộ đội cải cách, được Ðảng và Chính phủ phái về đây cùng bà con nông dân hợp lực để mà đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, mang lại quyền lợi ruộng đất với uy thế chính trị cho bà con nông dân để mà làm chủ nông thôn. Vân vân…” Không biết có phải tại anh Sơn tự giới thiệu bằng một câu nó chữ nghĩa sách vở quá như vậy không, có điều là Cò Lấm chả tỏ ý vui mừng gì trên nét mặt, chỉ đánh một câu: “Tôi biết rồi…” Xong đánh nhẵn bát nước vối, đi ngay ra ga làm, chẳng chào hỏi gì nữa, mặc anh Sơn là cán bộ cải cách ngồi chỏng trơ một mình ở nhà. Về sau anh Sơn gặp tôi có kể lại như vậy. Lúc lâu, người vợ mới ẵm con về nhà, kêu: “Chết chửa, chết chửa, nhà em nó đần độn lắm, anh đội đừng chấp, nó lành như cục đất, chỉ tội cái tính hấp không thì nhà em có thể là chỗ dựa trong sạch nhất làng cơ đấy…” Dĩ nhiên là anh Sơn chẳng có giận gì, xã này đã qua giảm tô, trong câu nói vợ Cò Lấm, anh Sơn thấy nói những chỗ dựa trong sạch, biết là nhân dân có đôi chút hiểu biết, còn như Cò Lấm, đối xử “thái độ” với anh như vậy, Sơn càng cho sự nhận định Cò Lấm bị khống chế là đúng. Anh nói chuyện với vợ Cò Lấm và quyết định đặt ba lô ở đó.

Mấy lần tôi đến đều gặp lúc Cò Lấm vắng nhà, đi khuân vác ở ga. Xã đây chả gần nhà ga, tầu đi tầu về, khiêng ray vác tà vẹt thành một công việc thu hút khá nhiều anh chị em nông dân những lúc rảnh việc đồng áng, cũng giải quyết được ít nhiều cơm gạo cho anh em bần cố ở cái nơi đinh đa điền thiểu này. Mãi tận một tối, tôi đến được gặp đích Cò Lấm ở nhà. Trời tối. Một ngọn đèn dầu, một cái điếu, hai ba cái bát uống nước để lỏng chỏng trên cái trõng. Anh ta ngồi đầu trõng kia. Gian nhà hẹp, tối. Ánh đèn đánh nhau với bóng đêm.

Cò Lấm vận chiếc áo cánh đen, ngoài có cái áo len dệt cụt tay mầu xám cũ kỹ, quần nâu bạc vá nhiều mụn, chân đi đôi giép cao su đen, đầu bịt chiếc khăn mặt trắng nổi bật trong bóng tối. Người tầm thước, hơi lùn, vạm vỡ, bụng ăn no phình ra, căng phồng cái áo len. Hai tay thu bọc, Cò Lấm ngồi như phỗng điềm nhiên nhòm ra ngoài cửa đen đặc tối đêm. Anh Sơn đi vắng đâu? Chị vợ Cò Lấm ẵm con chạy đi đâu? Một mình anh ngồi đây, tôi cũng đoán bừa là Cò Lấm… Tôi hỏi: “Anh là Cò Lấm phải không?” Anh vẫn ngồi, nói ấp úng: “Vâng… eng là Cò Lấm đây…” rồi im tịt, hai tay vẫn thu bọc, mắt vẫn nhìn ra bóng đêm ngoài cửa. Tôi trông: cái mặt đầy đặn kia, chạc ba mươi nhăm gì đó, đôi môi hơi chảy nễ một cách hiền lành, trông thế kia ai bảo được là người hấp, mà chỉ thấy là một bộ mặt nông dân chất phác vào bậc nhất. Tôi lân la hỏi chuyện, Cò Lấm đáp ngọng líu ngọng lịu, có câu lại trơn tru chỉ ngọng độ hai ba chữ. Lúc nào anh chàng xem ý lung túng ngượng ngập thì mới ngọng nhiều. Còn thường ra thì cũng trôi chảy, không đến nỗi nào lắm. Tôi đã có ý thiên về cái nhận định của anh Sơn. Con người này có thể là rễ tốt lắm đây. Phàm những anh ít nói thế này mà đã nói ra được thì là ghê gớm lắm. Tôi nhìn góc nhà có độ nồi thóc. Hỏi ra Cò Lấm bảo: “Cả vụ vừa ồi, được có bằng ấy.” Mà cũng còn đang để dành chưa phải dùng đến, phòng những khi mưa gió, những khi không có việc nhà ga, còn hiện nay hàng ngày vẫn chi dùng bằng số tiền lương công nhật khuân vác ngoài ga, vừa thức ăn rau cỏ vừa đong gạo. Tôi ước phỏng số hơn nồi thóc kia, sức hai vợ chồng này ăn thì chỉ được già lắm dăm sáu ngày. Vụ mùa xa tít lắc lơ hàng mấy tháng nữa. Thực quả nếu không có cái nhà ga kia thì liệu Cò Lấm soay xoả ra sao? Cò Lấm chép miệng:

“Anh đội tính!... Nhà em cái hoàn cảnh.”

Chuyện vãn hồi lâu, vốn biết hôm qua anh lại được bàn điển hình nữa trong số anh em khuân vác, tôi hỏi:

“Lần này anh có được điển hình nữa không?”

Cò Lấm đáp, thẹn, ấp úng, ngọng líu lịu:

“Ó…, eng ại ược điểng ìng…”

Anh chỉ vào tập sách thưởng giắt trên mái nhà, chỗ cửa ra vào:

“Ấy, điển hình ấy… Em chả đọc được…”

Im một lát anh nói:

“Ðiển hình khăn mặt xà phòng hơn là điển hình sách.”

Cái con người ăn nói thực thà tôi gặp tối hôm ấy, tôi còn nhớ mãi. Mười phần chắc tám chín, tôi đã nghiêng về nhận định của anh Sơn. Tôi mong Sơn thành công, mong Cò Lấm nói lên được, Cò Lấm thắng lợi, Cò Lấm trở nên người tốt cho phong trào.

Chỉ có vậy thôi, xong công việc buộc tôi rời xa cái xã này, bẵng hẳn đi ba tháng, câu chuyện Cò Lấm đáng lẽ tôi cũng bỏ qua như nhiều chuyện khác. Song le có những tin tức về Cò Lấm bạn này bạn nọ mách cho, làm tôi cứ phải chú ý tới anh. Một lần có tin Cò Lấm được kết nạp Ðảng, mà lại kết nạp điển hình. Tin sau lại bảo Cò Lấm đã làm Bí thư Chi bộ. Tin cuối cùng bảo Cò Lấm lại kiêm thêm chức Chủ tịch xã. Tuy những điều sẩy ra như thế là đúng sự ước mong của tôi, nhưng sao tôi vẫn thấy như là ngạc nhiên, câu chuyện không biết có cái gì hấp dẫn thâm thuý không, mà cứ buộc tôi phải nghĩ tới hoài. Có phải vì Cò Lấm tấn tới quá lanh, trên sức tưởng tượng của tôi không? Nếu như định nghĩa: tưởng tượng chủ yếu tức là kinh nghiệm sống và năng lực sống của con người ta thì quả thực cả kinh nghiệm cả năng lực sống của tôi nó còn thấp dưới mức, còn bị cuộc đời nó bỏ khá xa lắm, cuộc đời nó còn tưởng tượng ra nhiều cái hơn hẳn sức tưởng tượng của tôi. Cò Lấm tấn tới quá mau thực. Anh Sơn như vậy mà con mắt nhận xét nông dân thật quả là tinh đời. Tôi nhớ lại lòng tin ở bần cố nông của anh Sơn, phải nói thực ra, còn nhiều chỗ đáng nói, nào quyết đoán, nào giản đơn, có thể là ngây ngô nữa – nhưng dù sao đó vẫn là lòng tin. Và sự tin tưởng ấy đã thành công rõ rệt. Tôi cố mường tượng ra hình ảnh mới của anh Cò Lấm ra sao? Chắc là tong tả chạy đầu thôn cuối xã, cái túi rết bên vai. Không biết những cuộc họp Cò Lấm điều khiển ra sao? Anh em bảo Cò Lấm còn nói cả tình hình thế giới ra trò nữa! Trấn áp địa chủ, Cò Lấm giõng giạc, oai vệ lắm. Thế mà cứ bảo người ta cám hấp mãi nữa đi. Thế thì tại sao anh mang tiếng gàn dở? Có phải chăng vì anh ngọng, cái lưỡi anh cứng nên cái lưỡi mềm dư luận mới uốn éo ra là anh gàn? Nếu vậy thì lắng nghe nhân dân khác nghĩa với nghe theo dư luận, anh Sơn đã cả gan đi ngược lại dư luận về Cò Lấm, phân tích nhận định mổ xẻ dư luận, thế là anh Sơn đã đi theo đường lối nhân dân.

Dù sao bẵng hẳn đi ba tháng giời tôi mới lại có dịp đi qua xã Cò Lấm nên tôi cứ rẽ tạt vào xem. Khi bấy giờ là cuối năm, trời căm căm rét, mây xám vần quanh, cây trơ cành trụi. Tôi đi thẳng vào nhà Cò Lấm. Vắng cả, nhà chả có ai, nhưng có tiếng trẻ khóc. Ba gian nhà nhỏ vẫn một cái giường, một cái trõng, có thêm một lá cờ lụa đỏ rắt mái nhà, rủ trước mặt bức ảnh Hồ chủ tịch. Một đứa bé con độ lên hai bò giữa nhà, trời rét mà độc một manh áo nâu, còn cởi truồng, chân tay lắm mụn, bôi phẩm xanh lè cả người. Thấy tôi nó càng khóc giơ tay quệt má. Tôi nhìn kỹ: tay nó có cái gì vàng vàng? À ra cứt, nó ỉa một đống còn kia, cổ chân nó lại buộc một cái giây bằng vải khá giài, một đầu giây buộc vào cột nhà, chắc hẳn mẹ nó buộc nó vào đấy cho nó chơi một mình. Bố mẹ nó đi đâu cả? Tôi lúng túng quá, làm sao dỗ dành nó, làm sao rửa ráy cho nó, vân vân, tôi cứ làm như một anh hậu đậu, có lúc nó càng khóc thét lên làm tôi hãi mà thất vọng quá, mãi sau giờ lâu nó khá sạch sẽ rồi, tôi ẵm nó, đã khá quen thuộc nhau, nó mới chịu im.

Lát sau cầu ao đầu ngõ có tiếng người cười nói. Tôi ẵm em bé ra cổng nhòm. Một toán người độ dăm bẩy anh chị em vai vác thuổng cuốc có anh Cò Lấm đi cùng đám: vẫn cái áo cánh đen, cái áo len dệt cụt tay xám xì, chân đi đất, đầu đội mũ lá, vai vác cuốc. Họ đang đùa rỡn gì, cười nói sôn sao. “Ớ ông chủ tịch ơi! Ông đi rửa ráy đi hẵng về chứ. Lấm như ma lem thế à? Còn ra vẻ ông chủ tịch đâu nữa?” Ông chủ tịch cười: “Vẽ! Việc gì mà phải rửa?” Có người nói: “Ông không chịu rửa thì ta cứ lôi bừa xuống ao nào!” Nhiều người nó: “Ði! Xúm vào mà lôi đi.” Ông chủ tịch chạy vội xuống bờ ao: “Thôi! Ðể tôi ửa lấy ậy…” Họ kỳ cọ chân tay, thuổng cuốc, ì ũm. Tôi không muốn gọi vội. Cứ đứng lặng im nhìn cái quang cảnh thân mật giữa người chủ tịch mới kia với bà con. Họ đi đào mương mạch gì đó, trời đương hạn hán, những ngày cuối năm đầy ắp những lo âu, công việc.

Tôi ngồi với Cò Lấm, chuyện trò thân mật, gặp nhau có một bận, tới bây giờ mới gặp lại mà như đã quen lâu. Anh kể tình hình từ khi ấy cho tôi biết. Anh không sợ nể gì thằng Ba Tân nữa, có bao nhiêu tố bằng hết, những ngóc ngách thâm hiểm, những tội trong bóng tối của nó, nay nó đã đi tù 20 năm. Anh kêu: “Em khổ vì cái lưỡi. Nói nó cứ kho khó là… cho nên trước đây em không dám kể hết tội của địa chủ, vì mỗi lần định nói lại sợ bà con cười cho…” Anh ẵm đứa cháu ở trong tay tôi, hỏi thăm tôi đã đi những đâu, công việc nhặt tin như thế nào (anh Cò Lấm cho là tôi viết tiên) – “À thế anh đi nhiều nơi quá nhỉ… Anh phải đi với các con báo ở các xã phỏng”. Bây giờ anh Cò Lấm bận lắm, ít đi làm được ngoài ga, mà việc nhà cũng ít mó tay được, vợ anh bây giờ phải “tăng năng xuất” nào cơm nước, nào đồng áng, nào khuân vác ngoài ga nữa. Con nhỏ không mang ra ga được thì buộc ở nhà. “Em tuy có sướng hơn, nhưng mà vẫn bị cái hoàn cảnh…”

Anh lấy chiếc cặp da ra khoe tôi: “Em được chia quả thực, vì là làm chủ tịch”. Anh bảo anh đã đọc được, viết được, tuy chưa thạo lắm. Trước anh chỉ có mê ẵm con, “bi giờ em còn mê cả ẵm sách”. Anh thích xem sách, truyện. Anh hỏi xin tôi xem có “cái gì hay hay”. Tô hẹn sẽ gửi biếu anh một ít truyện. Tôi rất lạ là anh săn đón mãi dăm lần bảy lượt nhắc đi nhắc lại cái chuyện xin sách, gửi sách cho anh. “Em thích lắm”. Con mắt anh long lanh lên khi tôi đưa anh mấy quyển truyện sẵn đem bên người. Một tay ẵm con, một tay anh cầm sách đọc đầu đề, chữ phải đánh vần, chữ không phải đánh, cứ thế hết quyển này quyển khác, giáng điệu đăm chiêu mê mải lạ lùng. Tôi biết anh Cò Lấm đây đang có những cái khát khao mới mẻ. Bỗng dưng tôi nhớ cách đây ba tháng anh chưa biết đọc, chưa biết nhiều điều khác. Trong gian nhà này trước đây chứa một người mang tiếng gàn dở, hôm nay chứa một vị bí thư kiêm chủ tịch. Một con người mới sinh đẻ tại đây.

Bất giác tôi thấy lòng tôi chàn đầy một niềm vui mới lạ. Nếu không có cuộc cách mạng ruộng đất thì những người như Cò Lấm ắt cũng bị phao phí rẻ hoài mất cả cuộc đời chứ gì? Giai cấp địa chủ thật lắm tôi. Ở trên quả đất này, còn có tội nào độc địa đáng lên án nặng nề hơn là tội phao phí con người.

Tháng 1 – 1956



[1]Tất cả những cách viết không phù hợp với quy định chính tả hiện nay trong các tư liệu này chúng tôi đều giữ nguyên – talawas.
Nguồn: Tổ quốc số 27, ngày 20 tháng 1 năm 1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.