trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
20.5.2008
La Thành
Ý thức pháp quyền trong một môi trường vô pháp quyền
 
Vụ bắt tạm giam hai nhà báo và khởi tố hai sĩ quan công an cao cấp đang thu hút sự quan tâm của dư luận từ nhiều phía và theo nhiều cách.

Theo dõi các phát biểu của giới danh lưu trong những ngày qua về việc hai nhà báo bị bắt, có thể thấy rõ rệt hai luồng ý kiến. Luồng thứ nhất, tiêu biểu là các lập ngôn của ông Đinh Thế Huynh – uỷ viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – và bà Nguyễn Thị Hằng Nga – chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, đại ý “sẽ bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của các nhà báo trên cơ sở pháp luật”. Bà Hằng Nga còn nói thêm: “Chúng ta nên tin tưởng vào sự công minh của pháp luật.”

Luồng ý kiến thứ hai, số người phát biểu nhiều hơn nên không tiện kê tên ra đây, có đại ý:
  • Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải là hai nhà báo có hành trạng trong sạch, không thể bị khởi tố vì tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 Bộ luật Hình sự, một tội danh từng được áp dụng cho các can phạm trong những vụ án tham nhũng đã xét xử trước đây.

  • Đây là thời điểm nhạy cảm, việc bắt bớ hai nhà báo tiêu biểu trong mảng đề tài chống tham nhũng có thể làm nản lòng các phóng viên đang dấn thân vào lĩnh vực này, đồng thời gây nghi ngờ “quyết tâm” chống tham nhũng của ‘Nhà nước - Đảng’, gây bất bình trong nhân dân.

  • Theo thông lệ (quốc tế, ở các quốc gia pháp quyền), sai sót trong tác nghiệp của các nhà báo được điều chỉnh bởi luật báo chí, thông qua các toà án dân sự, chứ không thể / không nên bị hình sự hoá. [1]
Những người đã cho các trả lời phỏng vấn thuộc luồng ý kiến thứ nhất là những người có ý thức pháp quyền cao. Lời lẽ của họ kín kẽ. Người đa lý sự không thể bác bẻ họ. Công an không thể “vào sổ” họ. Bản thân hai nghi phạm cùng thân nhân, bè bạn và những người ủng hộ hai anh không thể trách gì được họ. Thậm chí nhà báo Bùi Tín còn khen ông Đinh Thế Huynh: “Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thường quen nếp vâng lời Đảng dạy, lần này cũng đổi thái độ, lên tiếng sẽ bảo vệ hội viên của mình.” (Tôi thực sự khâm phục tay nghề của nhà báo cự phách này: bài nào của ông cũng cập thời cùng sự kiện và đầy ắp tin lượng.) Riêng lần này, xin cụ Bùi cho phép kẻ hậu sinh là tôi được bất đồng với cụ một ý nhỏ: phát biểu như ông Huynh chỉ là tối thiểu. Ông ấy sẽ chẳng phải làm gì. Việc bảo vệ hai nhà báo đã có người khác làm, và chắc chắn sẽ làm tốt hơn ông ấy.

Tôi quên chưa nêu, trong số các yếu nhân thuộc luồng ý kiến thứ nhất có cả đương kim Bộ trưởng Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh. Phát biểu của ông Anh đơn giản là không phát biểu gì. (Quả là đầy ý nghĩa!) Người đã có vinh dự đón được ngọc ý của ông là một phóng viên của VNExpress, sau khi đã nhẫn nại đợi ông nửa ngày làm việc tại hành lang nghị trường.

Những phát biểu thuộc luồng ý kiến thứ hai tỏ ra là của những người đa cảm và nhiều ít thiếu ý thức pháp quyền. Không đợi cuộc điều tra kết thúc và các nghi phạm được giải toà, họ gần như đã tuyên các nghi phạm trắng án, hoặc ít nhất thì cũng không bị phạt tù.

Tuy nhiên, một truy vấn đã được đặt ra từ lâu là: liệu ý thức về quyền lực của pháp luật (= pháp quyền), như các phát biểu của ông Đinh Thế Huynh và bà Nguyễn Thị Hằng Nga thể hiện, có ý nghĩa gì trong môi trường pháp luật Việt Nam, nơi mà tính chân / giả của pháp quyền đã được thực tiễn kiểm chứng?


Quyền lực của ai?

Bức thư ngỏ của ông Joel Simon, giám đốc điều hành Uỷ ban Bảo vệ Các nhà báo (Committee to Protect Journalists, CPJ) ở Hoa Kỳ, gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Mặc dù Điều 69 của Hiến pháp nước Ngài bảo vệ rộng rãi tự do báo chí và tự do phát biểu, chính quyền của Ngài vẫn tiếp tục sử dụng các luật hình sự và an ninh quốc gia để bóp nghẹt một cách tuỳ tiện những quyền tự do cốt yếu đó.” [2] Như vậy, theo ông Simon, ở Việt Nam ngay đến Hiến pháp – đạo luật nền tảng của hệ thống luật pháp – cũng không hề có thực quyền.

Vậy quyền lực đang nằm ở đâu? Để trả lời cho câu hỏi to sừng sững này, người viết bài chỉ đơn cử một trong vô vàn thí dụ.

Khi khởi công xây dựng tư thất trên mảnh đất được cơ quan H. (một đơn vị lớn của quân đội) cấp, nằm trên địa bàn một quận nội thành Hà Nội, một vị đại tá – bạn vong niên của người viết bài này và cán bộ đang tại chức của đơn vị H. – gặp phải một vấn nạn là các xe chở vật liệu xây cất mà anh gọi đến công trình thường xuyên bị chọc thủng lốp. Cư dân trong khu vực bảo anh: “Đừng gọi vật liệu từ nơi khác đến nữa. Mua ngay của thằng L. đi.” L. là một tay anh chị chuyên nghiệp đã từng thụ án hình sự. Con của y làm nhân viên chấp pháp của uỷ ban phường. Y tuyên bố mọi diện tích đất lưu không trong phường sở tại đều thuộc quyền quản lý của y (!). Các phương tiện chuyên chở kinh doanh từ nơi khác đến dừng đỗ, nếu không xin phép y, sẽ bị tuỳ tiện phá hoại và y không chịu trách nhiệm. Vị đại tá còn cho biết: “Ở nhiều chỗ khác, ngay trong thành phố này, có những thằng đầu gấu còn đồng thời là công chức, hàng ngày đeo cà vạt, xách cặp da đến công sở, hưởng lương từ tiền thuế và điều hành một chính quyền kép.”

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong, phó tổng biên tập báo Thanh Niên, đã thuật lại cuộc khám xét và bắt giam phóng viên Nguyễn Việt Chiến trong một tâm trạng bức xúc. Khi tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Việt Chiến tại toà soạn Thanh Niên, các công an viên đã không đọc lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với nhà báo này tại đây. Ông Nguyễn Quốc Phong hỏi: “Tại sao các anh không đọc lệnh khởi tố và bắt tạm giam anh Chiến?” Trả lời: “Lệnh chỉ đọc một lần.” Hỏi tiếp: “Vậy tại sao không đọc lệnh đó ngay tại đây, cơ quan quản lý của anh Chiến và cũng là nơi anh Chiến thực hiện các công việc có liên quan? Tại sao lại đọc lệnh đó ở nhà riêng, trước mặt vợ và những đứa con còn nhỏ của anh Chiến? Như vậy có phải là một việc làm hợp tình người không?” Không trả lời.

Chọc thủng lốp xe của đối thủ kinh doanh, đọc lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với nhà báo chống tham nhũng trước mặt các thành viên của gia đình nhà báo, cũng như việc chọn bắt hai phóng viên cứng cáp và hăng hái nhất trong số hàng trăm người viết trên mặt trận này – đó là những phương pháp hành xử được gọi chung bởi một từ: “dằn mặt”, một trong những thủ đoạn tuyên chiến của giới đầu gấu - xã hội đen.

Nhà sử học và triết học người Anh John Acton từng nói: “Ở đâu có sự tập trung quyền hành vào tay một thiểu số, ở đó – hoàn toàn thường xuyên – những kẻ có tư chất thảo khấu lục lâm sẽ thâu tóm quyền kiểm soát.” [3]


Tướng Phạm Xuân Quắc

So với số lượng các bình luận xung quanh sự kiện hai nhà báo vừa bị bắt tạm giam, những ý kiến về việc Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (cùng một trợ thủ của ông, Thượng tá Đinh Văn Huynh) bị khởi tố có vẻ thưa thớt hơn nhiều.

Trong các luồng dư luận về ông, một số ý kiến cho rằng ông là kẻ chủ mưu lật đổ, hoặc là công cụ của một kẻ chủ mưu lật đổ khác, đã khiến cho hai viên chức cao cấp đang ngấp nghé những chiếc ghế uỷ viên Trung ương bị loại ngay từ vòng thẩm tra tư cách trước Đại hội X. Thực ra, đây không phải là ý tưởng mới. Một trong những người đầu tiên đưa ra bình luận thuộc loại này là một tòng phạm của Bùi Tiến Dũng [4] : Tôn Anh Dũng, tức “Dũng Huế”, hồi y mới vào trại tạm giam. Hay tin về lời đánh giá của y đối với mình, tướng Quắc đã thân đến gặp y và nói: “Tôi biết anh quan hệ rất rộng với nhiều người có chức có quyền. Anh nhận định thế nào về những cán bộ như Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến? Theo anh, họ tốt hay xấu? Họ có thật sự vì dân vì nước hay không? Điều này anh cứ việc suy xét, đánh giá và giữ lại ý nghĩ về họ trong đầu, không cần trả lời với tôi. Nếu anh cho rằng họ là những con người tốt, mẫu mực nhưng bị dư luận xã hội đánh giá sai, thì anh cần kiên quyết bảo vệ họ, đừng để họ bị oan. Còn nếu theo suy nghĩ của anh, họ là những con người xấu mà anh cũng nhúng chàm vào đấy, thì trách nhiệm của anh là phải nói ra.”

Bằng những thủ pháp đấu tranh tương tự, tướng Quắc và các cộng sự của ông trong chuyên án PMU 18 do ông trực tiếp chỉ huy điều tra đã khiến “con cáo già” Bùi Tiến Dũng bước đầu khai ra mảng chạy án, làm cơ sở để ông đề nghị truy tố bổ sung “Dũng Tổng” về tội đưa hối lộ. (Trước đó, vào tháng 1.2006, viên tổng giám đốc này chỉ mới bị khởi tố vì tội đánh bạc.) Là người khá cởi mở với báo giới, trong một lần trò chuyện, tướng Quắc đã tiết lộ với phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên rằng “Dũng Tổng khai đã đưa tiền chạy án cho hàng chục đối tượng.” [5]

Tuy nhiên, đúng vào lúc vụ án cần được mở rộng điều tra theo hướng này, tháng 12.2006 tướng Quắc nhận được quyết định – do đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký – miễn nhiệm vì đã đủ tuổi nghỉ hưu. Đây không hẳn là một lệ thường như mọi người có thể nghĩ, bởi lẽ theo một nội quy về cán bộ, các sĩ quan cấp tướng của công an và quân đội không nhất thiết phải nghỉ hưu khi đến tuổi, một khi công việc còn có nhu cầu. Trên thực tế, phần lớn các tướng lĩnh đã và đang chưa nhận sổ hưu ở tuổi sáu mươi. Vì vậy, việc tướng Quắc – trưởng ban chuyên án PMU 18 – phải hồi hưu trong lúc chuyên án chưa kết thúc điều tra phải được coi là một bất bình thường.

Trên thực tế, “vụ PMU 18” đã được đưa ra xét xử vào tháng Tám năm ngoái trong trạng thái công tác điều tra có nhiều phần chưa hoàn tất. Tuy nhiên, mặc dù việc điều tra về những đối tượng đã nhận tiền chạy án của “Dũng Tổng” và đồng bọn gặp bế tắc vì bị cản trở từ nhiều phía, nhóm điều tra – lúc này vẫn do tướng Quắc đứng đầu – đã kiên quyết yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung tội danh “đưa hối lộ” vào hồ sơ truy tố các bị cáo. Những ai theo dõi phiên toà sơ thẩm hẳn còn nhớ, sự vắng mặt các can phạm “nhận hối lộ” đã khiến phần tranh tụng của quá trình xét xử trở nên gay gắt thế nào, khi các luật sư bên bị ra sức bác bỏ tội danh “đưa hối lộ” với lý lẽ “đích đến của các khoản tiền chạy án không được làm rõ”. Đến thời điểm này, gần như chắc chắn nó sẽ không bao giờ được làm rõ!

Từ một người hùng của chuyên án PMU 18, tướng Quắc nay đã trở thành nghi can số một trong chuyên án L(ộ) M(ật) 07 của chính cái cơ quan mà từ đó ông đã về nghỉ hưu, trong tư cách cựu thủ trưởng của nó, cách đây một năm rưỡi.

Mười hai năm làm cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra Các tội phạm về Trật tự Xã hội (mã danh C14) thuộc Bộ Công an, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc đã từng chỉ đạo phá nhiều vụ án liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức – thường được gọi ở Việt Nam là những nhóm xã hội đen, có đầy đủ thuộc tính và bản chất của các mafia quốc tế –, trong đó có những vụ án khét tiếng như “Khánh Trắng” và “Năm Cam”. Đặc biệt, khi làm phó cho Trung tướng Nguyễn Việt Thành trong chuyên án triệt phá băng đảng mafia của Năm Cam, tướng Quắc đã dự phần đắc lực trong việc đưa những quan chức cao cấp của chế độ như Bùi Quốc Huy [6] , Phạm Sĩ Chiến [7] và Trần Mai Hạnh [8] – trong đó các ông Huy và Hạnh đều là nguyên uỷ viên Trung ương Đảng – ra hầu toà và lãnh án tù với các tội danh hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thực chất là tham nhũng, và “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”, thực chất là bao che tội phạm. (Cả ba nhân vật này đều đã được đặc xá chỉ sau một năm thụ án!)

Khi đảm nhiệm chức trách trưởng ban chuyên án vụ PMU 18 (khởi tố tháng 1.2006), vị Thiếu tướng Cục trưởng C14 đã nổi tiếng trong báo giới là một nhà điều tra xông xáo, quyết liệt, không ngại va chạm. Ông từng nói với các phóng viên rằng sở dĩ ông “dám đánh vụ này” vì ông đã có tuổi, sắp phải về hưu. Rằng nếu còn trẻ, ông “chưa chắc đã dám, vì còn phải trông trên, trông dưới”. Ít nhất, ông đã tỏ ra khác biệt: nhiều quan chức còn từng ở địa vị cao hơn ông nhưng phải sau nhiều năm nghỉ hưu mới khả dĩ cất lên được những tiếng nói “gây va chạm”, hoặc tiếp tục “trông trên, trông dưới”, hoặc – tồi tệ hơn – vẫn ra tay hành khiển chính sự từ trong bóng tối, theo chiêu thức mafia.

Liên quan đến chi tiết của vụ án PMU 18 mà tướng Quắc đã để cho phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên khai thác – về số lượng địa chỉ mà hành vi chạy án của Bùi Tiến Dũng và đồng bọn nhắm đến –, ở một môi trường pháp quyền, ông hoàn toàn có thể được miễn truy cứu theo một nguyên tắc đơn giản: sự tiết lộ của ông đáp ứng quyền được thông tin của người dân [9] . Còn ở đây, trên đất Việt Nam, mọi điều không bình thường đều có thể xảy ra với tần suất của sự bình thường.

Trường hợp xấu nhất, ông có thể phải lãnh án, song như tin đã đưa, sau khi được tống đạt lệnh khởi tố hôm 13.5, ông vẫn tại ngoại. Nhiều người nhận định rằng lệnh khởi tố bị can dành cho tướng Quắc cũng chỉ có ý nghĩa dằn mặt những điều tra viên khác đang tại nhiệm, chứ không phải để (và cũng không thể) dằn mặt chính ông.

Một sĩ quan công an mà tôi quen cho biết tướng Quắc là một nhà điều tra chuyên nghiệp, một thám tử lão luyện, tâm huyết và một cục trưởng mực thước, với một gia cảnh và phong cách sinh hoạt giản dị so với nhiều đồng cấp trong ngành. Nhìn bức hình chụp ông trong bộ cảnh phục với mái tóc bạc trắng và vẻ mặt ưu tư, tôi cảm thấy không cần phải xét lại niềm tin vào những điều tốt đẹp ở ông.

Ở giữa những khuôn mặt đen của nền chính trị dựa trên quyền lực và vũ lực, bản thân chỉ là một quân cờ trong những thế cờ ngổn ngang bất trắc, với việc phá án “vụ PMU 18” tướng Quắc đã làm nên “trận đánh lớn nhất của cuộc đời” mình, nói theo một trong những phát biểu truyền cảm nhất của ông. Cho dù tướng Quắc có là người thế nào, “trận đánh” của ông đã giúp lôi ra trước công chúng một bè đảng sâu mọt, đồng thời làm rung chuyển những thế lực mà chúng cậy vào, vẫn còn nấp trong bóng tối.

Chỉ cần một trận đánh để đời, người chiến binh đã đủ là một người anh hùng.


Thay lời kết

Theo tin đưa chính thức thì ông Nguyễn Việt Tiến được Viện Kiểm sát Tối cao “đồng ý cho tại ngoại” từ ngày mồng 3.10.2007, sau 18 tháng bị tạm giam. Tuy nhiên, nguồn tin từ nội bộ Bộ Giao thông khẳng định ông đã thực sự tại ngoại từ trước Tết nguyên đán Đinh Hợi, tức là không muộn hơn tháng 2.2007. Thời gian trước đó, trong trại tạm giam, ông thường giải trí bằng cách tự đệm đàn ghi-ta và hát những bài hát đã được cải lời (hay xuyên tạc), một trong những hobby độc đáo của ông.

Nhìn chung, bi kịch của riêng ông Tiến đã kết thúc rất có hậu, trong khi tất cả các bên còn lại liên quan đến “vụ PMU 18” thì không như thế: nguyên trưởng ban chuyên án đã bị khởi tố, nhà báo đưa tin đã bị tạm giam, Viện Kiểm sát Tối cao đã tự biến mình thành tên hề, còn công chúng thì đã bất đắc dĩ phải vào vai những kẻ đần độn. Thật khôi hài khi một trong những tội danh mà thứ trưởng Tiến được miễn tố lại chính là tội danh mà tướng Quắc đang bị truy cứu [10] .

Vẫn còn một câu hỏi tự nhiên khác đang được mọi người quan tâm, là: có những ai, trong số “hàng chục nhân vật quan trọng” đã từng là đích đến của hành vi chạy án của Bùi Tiến Dũng và bè đảng của y?

Những người biết câu trả lời cụ thể tạm thời đang im lặng. Song câu trả lời khái quát hoàn toàn có thể được luận ra dễ dàng: chắc chắn, đó phải là những kẻ có khả năng ra lệnh cho bộ máy công an của chế độ và vì vậy, phải có địa vị không thấp hơn Lê Hồng Anh và Nguyễn Văn Hưởng, hai viên tướng đang đứng đầu ngành công an.

Tin cuối cùng. Vào lúc bài viết này chuẩn bị được gửi đi, tất cả các báo trong nước đều đã nhận được một chỉ thị yêu cầu chấm dứt đăng tải mọi tin, bài có nội dung liên quan đến phản ứng của dư luận trước sự kiện vừa diễn ra.

Hà Nội, 17 tháng Năm năm 2008

© 2008 talawas



[1]Trường hợp gần đây của phóng viên Judith Miller (tờ The New York Times), bị giam 85 ngày cách đây ba năm, là do bà từ chối cung cấp nguồn tin; điều này không tương đồng với tình huống của hai nhà báo Việt Nam.
[2]Committee to Protect Journalists, Protest Letter 2008: Several Journalists Arrested in Vietnam, May 13, 2008.
[3]Nguyên văn: Where you have a concentration of power in a few hands, all too frequently men with the mentality of gangsters get control. (www.brainyquote.com)
[4]Nguyên tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án số 18 (tức PMU 18, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải), chức vụ tương đương cục/vụ trưởng.
[5]Tướng Quắc chỉ cho phóng viên Nguyễn Việt Chiến biết một số lượng phỏng chừng là “hàng chục người” (đã nhận tiền chạy án của Bùi Tiến Dũng), nhưng một điều tra viên khác đã cho ông Chiến biết một con số cụ thể hơn – “gần bốn mươi đối tượng”. Sau đó một thời gian, đích thân Thiếu tướng Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát Phạm Quý Ngọ đã trực tiếp thông tin cho phóng viên của Thanh Niên: “Trong vụ án này, có việc 40 cán bộ nhận tiền của Bùi Tiến Dũng, bị vô hiệu hóa, bị mua...” Báo Thanh Niên cho biết tất cả các bản ghi âm liên quan đến các nguồn tin trên đều đang được toà soạn lưu giữ.
[6]Nguyên trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an, nguyên giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
[7]Nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát [Nhân dân] Tối cao, chức vụ tương đương thứ trưởng. (Nằm trong thành phần Chính phủ Việt Nam, Viện KSNDTC là cơ quan ngang bộ.)
[8]Nguyên tổng giám đốc Đài “Tiếng nói Việt Nam”, chức vụ tương đương bộ trưởng. (Đài TNVN là cơ quan trực thuộc Chính phủ Việt Nam, tương đương một bộ.)
[9]Một án lệ điển hình được BBC News viện dẫn – nhân việc hai nhà báo Việt Nam vừa bị bắt – là vụ Wall Street Journal (European Edition) bị một công ty của Arab Saudi kiện vì đã tiết lộ tin tức về việc công ty này có tài khoản bị Hoa Kỳ theo dõi và vì vậy, gây thiệt hại cho uy tín của công ty. Toà án Anh đã xử có lợi cho WSJ, dựa trên một điều luật về quyền được thông tin của công chúng.
[10]“Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281 Bộ luật Hình sự).