trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
14.5.2008
 
Việt Nam tìm kiếm mô hình quốc tế điển hình
 
Tiếng chuông ngân lên vào giữa trưa trong một điện thờ sơn phủ sặc sỡ của giáo phái Cao Đài cách Thành phố Hồ Chí Minh 100 km, nơi hàng trăm tín đồ trong trang phục áo choàng sặc sỡ và khăn xếp lòe loẹt đang xếp hàng tiến vào. Họ ngồi xếp bằng giữa những hàng cột sơn màu hồng đắp nổi những con rồng hai mầu xanh và trắng chạm khắc tinh xảo. Khắp xung quanh họ là những biểu tượng của giáo phái này - con mắt thánh: Quang cảnh trông tựa như sự pha trộn giữa một ngôi chùa ở Trung Quốc, một thánh đường Hồi giáo và một nhà thờ Thiên chúa giáo với một chút giống như Thành phố Ngọc Lục Bảo trong câu chuyện huyền bí Wizard of Oz.

Cao Đài, một tôn giáo trong nước mang tính hòa hợp của Việt Nam, pha trộn giữa đạo Phật, đạo Lão, đạo Cơ đốc, đạo Hồi và những tôn giáo khác, giáo huấn rằng tất cả những niềm tin là sự biểu thị của "cùng một chân lý". Giáo phái này được sáng lập vào năm 1926 bởi Ngô Văn Chiêu, một công chức nhà nước. Đến những năm 40, Cao Đài đã phát triển thành một lực lượng mạnh có quân đội riêng. Giáo phái này từng ủng hộ sự chiếm đóng của Nhật Bản và đôi khi cả với chế độ thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, vì thế sau năm 1975 Cao Đài bị những người cộng sản kiềm chế. Đến nay, khi chính phủ xóa bỏ những hạn chế tôn giáo, Cao Đài đã quay được sự ưa chuộng trở lại mặc dù vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Tháng 2/2008, các thành viên của Ủy ban Tôn giáo Chính phủ đã tham dự một buổi hành lễ cùng 200.000 tín đồ Cao Đài tại một điện thờ lớn.

Sự phát triển trở lại của đạo Cao Đài đi kèm với chính sách đối ngoại của Việt Nam mong muốn "làm bạn với tất cả các nước". Nói một cách rộng hơn, niềm tin tôn giáo phản ánh đặc điểm tinh hoa của dân tộc Việt Nam, đó là tìm kiếm những khuôn mẫu tiêu biểu, sau đó tìm cách đưa những nét nổi bật của mình vào trong những khuôn mẫu đó theo cách thức phù hợp của Việt Nam. Đặc điểm này đã xuất hiện một cách tự nhiên ở một đất nước từng bị xâm chiếm và đô hộ bởi quá nhiều thế lực ngoại bang. Hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên những nguyên tắc pháp lý thuộc Pháp, nhưng lại có những thay đổi để phù hợp với các mô hình của Trung Quốc và Liên Xô cũ. Khi Việt Nam còn nằm dưới sự che chở của Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, họ đã bắt chước mô hình kinh tế chủ nghĩa tập thể của nước này và để lại những hậu quả thảm khốc. Tiếp theo đó, Việt Nam lại ganh đua với mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường của Đặng Tiểu Bình. Gần đây, họ lại được thuyết phục bởi các đặc điểm trong mô hình tăng trưởng xóa đói giảm nghèo của các cơ quan Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới cũng như các lý thuyết nền tăng của hệ thống phúc lợi xã hội ở các nước châu Âu.


Dấu ấn Trung Quốc

Những phát triển gần đây cho thấy Việt Nam đáng được xem là một Trung Quốc thu nhỏ khi mà cả hai nước đều được lãnh đạo bởi những người cộng sản tiểu tư bản hăng hái, nhưng giữa họ có sự khác biệt. Một nhà ngoại giao ở Hà Nội từng làm việc ở Bắc Kinh cho rằng "mọi thứ ở đây (Việt Nam) đều có chừng mực hơn ở Trung Quốc". Việt Nam ít thô bạo hơn đối với những người bất đồng chính kiến so với Trung Quốc và "răng nanh và móng vuốt" của chủ nghĩa tư bản ở đây cũng ít bị nhuộm đỏ hơn. Dịch vụ y tế và giáo dục đã thay đổi để thành công hơn khi chuyển đối sang kinh tế thị trường. Sự kiểm soát của Việt Nam, giống như ở Trung Quốc, chính là những hạn chế nghiêm ngặt, tuy nhiên, số lượng người sử dụng Intemet có thể truy cập vào các trang web ở nước ngoài ngày càng nhiều hơn: người sử dụng Internet Việt Nam không bị chặn bởi bức "Tường lửa khổng lồ" như ở Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc nằm dưới sự lãnh đạo xuyên suốt và rõ ràng của một nhà lãnh đạo tối cao - Hồ Cẩm Đào, người nắm giữ hai chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước - thì Việt Nam có sự lãnh đạo tập thể. Ba trụ cột gồm Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng và Thủ tướng phải đạt được sự đồng thuận cùng với vai trò ngày càng gia tăng của Quốc hội độc lập và các lực lượng quần chúng khác, đồng thời tránh làm xáo trộn nhóm anh hùng cựu chiến binh trong các cuộc chiến tranh giành độc lập của Việt Nam vẫn đang còn sống. Lãnh đạo Trung Quốc có thể ra lệnh phá hủy các dự án công trình công cộng bất chấp những hậu quả. Ngược lại, quá trình ra quyết định ở Việt Nam có vẻ như "hợp tình hợp lý hơn".

Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt "chính sách một con"; Việt Nam có "chính sách hai con". Trong khi dân số Trung Quốc đang già đi thì thế hệ trẻ em sinh sau chiến tranh ở Việt Nam đang bước vào độ tuổi sung sức nhất, tăng trưởng kinh tế nhanh cũng đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho tất cả mọi người. Giám đốc ngân hàng HSBC tại Việt Nam, Tom Tobin nhận xét rằng trong một hoặc hai thập niên tới, trong khi đa phần dân số của thế giới già đi nhanh chóng, lớp thanh niên Việt Nam vẫn sẽ ở giai đoạn sung sức nhất trong sự nghiệp của họ.

Trung Quốc vẫn là một mô hình tiêu biểu kết hợp giữa các cải cách thị trường với tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, cho dù đa số người Việt Nam phải miễn cưỡng thừa nhận rằng họ đang bắt chước kẻ thù ngàn năm của họ. Tuy nhiên, đảng cầm quyền Việt Nam cũng hướng tới sự giàu có của Singapore - tuy danh nghĩa là một nền dân chủ thị trường tự do nhưng thực tế là một quốc gia một đảng, nơi chính quyền vẫn kiểm soát những cấp độ chủ đạo của nền kinh tế. Ví dụ, Việt Nam đã xây dựng mô hình giống như tập đoàn Temasek - Công ty đầu tư Singapore quản lý cổ phần của nhà nước tại các doanh nghiệp bán tư nhân. Rõ ràng là Việt Nam quá lớn và quá phi tập trung hóa để có thể bắt chước mô hình của nước Singapore nhỏ bé, tuy nhiên, Đảng Cộng sản hy vọng rằng họ sẽ đúc kết được những kinh nghiệm của Đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) thuyết phục cử tri tiếp tục chấp nhận vai trò lãnh đạo của họ như cái giá của sự thịnh vượng. Giống như PAP, Đảng Cộng sản Việt Nam tìm kiếm cơ hội thu hút những nhân tài và đầu tư cho các nhân sự nội bộ trong giai đoạn đầu này.

Nhận thức được giáo dục cao và cải tiến khoa học đã là những nhân tố then chốt làm nên sự giàu có của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam đang khuyến khích các tập đoàn công nghệ cao nước ngoài và mời gọi những nước giàu xây dựng các trường đại học, các cơ sở đào tạo trên đất nước họ. Một trường đại học Australia, Đại học Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) đã mở các cơ sở đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Một trường đại học của Đức và một số trường cao đẳng công nghệ khác của Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch thành lập. Trong khi đó, các gia đình Việt Nam, từ Thủ tướng, đang gửi con em đi học nước ngoài.

Vậy thì, nền kinh tế dung hợp của Việt Nam sẽ theo đuổi mô hình nào? Bởi vì Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc gia mạnh, họ chưa biết chắc nên theo đuổi mô hình "keiretsu" của Nhật Bản, "chaebol' của Hàn Quốc hay mô hình các tập đoàn chuyên sâu trong một lĩnh vực kinh doanh chủ chốt kiểu Anh. Có lẽ họ sẽ cóp nhặt những gì tinh túy nhất từ những mô hình này. Nhưng, Tony Salzman, một doanh nhân người Mỹ ở Việt Nam lại lo ngại về mối đe dọa khi "râu ông nọ cắm cằm bà kia!"
Nguồn: Tạp chí Nhà kinh tế số 28/4. Bản tiếng Việt của Thông tấn Xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt số 103-TTX, thứ Năm ngày 8/5/2008, tr. 1-4