trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
9.5.2008
Nguyễn Văn Xuân
Nói
 
Tôi đọc Văn số 1 (loại Nghiên cứu và Phê bình Văn học) bài “Nói nghĩa là gì?” của Lê Văn Siêu, rất thú. Thú nhất là đọc câu này ở cuối tập “Tác giả bài Nói nghĩa là gì? xin trích tiền nhuận bút để tặng bạn đọc nào tìm thấy một ý nghĩa nào còn quên trong bài là năm mươi đồng một nghĩa”.

Bài tiểu luận ấy chắc tác giả hoài bão đã lâu lắm nên đến bây giờ mới có thể viết ra công phu đến thế. Và ông phải nghĩ là giá có ai tìm ra được nhiều lắm thì cũng năm mười nghĩa nữa là cùng, vì như thế đã mất năm ba trăm bạc rồi. Mà năm ba trăm bạc với một nhà văn Việt Nam trích trong nhuận bút thì cũng đã là cả một vấn đề, đã là một sự “đau xót” rồi, bởi mỗi trang báo viết trọn ngày nhận nhuận bút bao nhiêu mà còn phải cắt xén ra chừng ấy! Tôi cũng chợt nghĩ như ông định bỏ qua. Nhưng vì mấy lúc này cũng có hay nghiên cứu về ngôn ngữ (dù chưa học khoa ngôn ngữ bao giờ) nên táy máy cầm bút định ghi thêm một số chữ chợt hiện ra trong óc cho vui.

Nào ngờ mới cầm bút một lát, tôi không thể nào ghi kịp nữa. Những từ ngữ, thành ngữ, câu ca dao, câu thơ cứ xô đẩy nhau tuôn ra. Thành ra cái ý định ghi cho vui biến thành cái ý định viết hẳn một bài, một bài có lẽ khá dài, một bài mà nếu cố gắng tìm kiếm thêm, tôi chắc cũng không “nghèo” hơn bài của ông Siêu bao nhiêu.

Sở dĩ có sự phong phú đó, sự phong phú “đến vô tận” như ông Siêu nói, ấy là vì vốn có “Một nền văn nghệ miền Nam” trong nền văn nghệ chung của dân tộc, một nền văn nghệ có cá tính, có cội rễ có duyên do phát khởi và đã trưởng thành, nảy nở từ cuộc Nam tiến, chủ yếu là “Ngã rẽ Nguyễn Hoàng” [1] . Đã qua nhiều thế kỷ, đã trở thành một khối lượng, một thế lực, một bản sắc. Vậy thì bài tiểu luận này được viết ra không cốt để góp nghĩa những chữ nói với ông Siêu mà chỉ để phụ hoạ “Nói nghĩa là gì” (đa số là theo nghĩa miền Bắc) bằng một sự thu góp của một người ở một trong những tỉnh mở đầu và đồng thời có nhiều liên hệ mật thiết “tuy hai mà một” với đồng bào, tiếng nói trong Nam [2] . Tôi nhấn mạnh Nền văn nghệ miền Nam còn có ý nhắc tất cả những nhà văn, nhà biên khảo, nhà phê bình, văn học sử miền Bắc khi viết về người miền Nam cần chú ý nhiều thêm về các phương diện phát triển của nền văn nghệ có đặc tính không hoàn toàn giống miền Bắc; đặc biệt là các sáng tác phẩm văn học của nó phải cơ sở trên tâm lý, hoàn cảnh và ngôn ngữ của nó, một thứ ngôn ngữ vừa đương nhiên bao hàm ngôn ngữ miền Bắc vừa phối hợp thu hút ngôn ngữ nhiều dân tộc khác như Chàm, Thượng, Cao Miên v.v… đã trở nên phức tạp và như tôi đã nói trên, phong phú lạ lùng. Nói cách khác, nếu ai muốn biết ngôn ngữ ấy giàu có đến mức độ nào thì chỉ cần căn cứ vào một chữ, một tiếng Nói, thu góp hầu hết [3] những cái nghĩa của tiếng ấy trên 19 trang giấy nơi bài ông Siêu viết trong số Văn 1, chi chít những nghĩa, cộng với những nghĩa mà tôi sắp trình bày sau đây sẽ thấy rõ. Tức là tôi đã bỏ cái nghĩa trên 19 trang giấy ấy (mà tiếng Nói ấy, người miền Nam dùng ít ra đến 8 phần 10) để chỉ viết những trang nặng về tiếng Nói của miền Nam. Cộng cả hai bài ấy lại, bạn đọc sẽ có một bài biên khảo tạm đủ về tiếng nói miền Nam và chỉ là một phần miền Nam, chứ chưa phải đủ cả miền. Mong có một nhà văn miền Nam nào rất sành về tiếng trong Nam, nhất là cực Nam phụ hoạ vào, lúc ấy ta mới dám biết một cách tương đối chắc chắn sự phong phú kỳ diệu về nghĩa chữ Nói đó có khối lượng, có sức biến hoá ra sao. Thật tình, tôi không dám treo giải như ông Siêu, vì tôi không dám ước đoán khả năng tiếng Việt ở những vùng mà chúng ta chưa được sống suốt đời như những đứa con thân yêu từng vùng của đất nước, bám chặt vào tiếng Mẹ với cái vú sữa vô biên, càng già chừng nào, chất cung dưỡng càng tràn trề chừng ấy.

*


Nói nghĩa gì? Tôi không cần định nghĩa, e sẽ dông dài. Có lẽ điều ta cần nên biết là tiếng nói phát xuất từ đâu? Theo quan niệm đồng bào ta xưa có thể do cái miệng, cái lưỡi, cái cuống họng, cái phổi hay cái môi. Bởi thế, cái miệng hay cái mồm khi nói sai, nói bậy, nói nhiều không còn được giữ cái danh từ đẹp đẽ ấy mà biến thành: Cái mỏ, cái mỏ bể, cái mỏ ăn mắm ăn muối, cái ống loa, cái ống nhổ, theo thời đại tân tiến, nó còn hoá cái “máy phát thanh”, cái ra-dô, cái còi hú. Rồi cái lưỡi thì “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, “có miệng mà không có lưỡi”. Cái cuống họng, cái phổi thì “bán phổi”, “nói bể phổi”, “nói cháy cuống họng”. Cái môi thì hé môi, hở môi và cái môi hình như chỉ dùng… cho phụ nữ.

Những động từ về nói do đó cũng tùy trường hợp mà thay đổi. Vì chữ nói chỉ dùng cho trường hợp phát thanh thanh bình, có ý nghĩa nào đó. Chứ khi nói quá bậy, quá to, quá liều lĩnh thì nó biến thành mửa (thôi đừng mửa bậy ra, ngậm miệng lại), xổ (xổ chữ, xổ nho), hoặc bị súc vật hoá, một phương pháp thường dùng trong văn chương Việt Nam, như khi muốn hạ ai, người ta mượn: sủa (thằng ấy còn sủa dai nhách) rống (chồng: Rống vừa chứ, khuya rồi), gáy (thính giả: Ông diễn giả ơi, gáy thế là vừa), hót (Hót cả buổi sáng, chưa đủ à!). Và còn những nói như ếch kêu, nói như cóc kêu (nghiến hai hàm răng mà nói), nói như cú mổ (ăn nói độc địa).

Tiếng nói khi bị nhìn một cách hờn giận, ghét bỏ, chống đối cũng biến thành tiếng la, ré, hò, hét, thét, hô hoán, đánh hống. Chẳng hạn, người vợ có thể bảo chồng ngay khi chồng ghen, nhưng nói rất nhỏ: “Ông la lên để cho hàng xóm biết mà chạy đến xem à? Sao không thét lên luôn đi!” hay “Muốn cho mẹ nghe, mẹ đánh chị, tôi “đánh hống” lên bây chừ”.

*


Nói là lối tự động, thường do mình phát ra theo sở thích, ý muốn bày tỏ, hy vọng, nhưng cũng có khi bị một mệnh lệnh sai khiến. Sự sai khiến ấy tùy trường hợp hoàn cảnh mà tỏ nên lời:

Khi cha mẹ dặn con thì bảo “chớ nói” như thế lại khác hẳn khi đứa con quả quyết đối kháng: Con sẽ nói chớ. Khi người cảnh sát, công an viên tra kẻ có lỗi có tội thì: Hãy nói, phải nói, đừng nói bậy! Nói lẹ! Nói mau không đánh bể đầu! Nói gấp! Nói liền! Nói liền tay! Có nói không? Ráng nói, gắng nói, nên nói, đáng nói. Đáng ra phải nói. Lẽ ra phải nói. Chán nói chưa?

Kẻ nói thường có thái độ ngoẹo đầu, quay cổ, hoa chân múa tay, chống nạnh, lắc đầ. Đó là những:

Cái hạnh nói con mẹ ấy, tôi ghét lạ. Cái cách nói, cái lối nói, cái bộ nói, chưa nghe xong đã muốn đánh lộn, thằng cha nói như đóng tuồng, nói như hát, con mẹ đó nói như đóng kịch. Cái điệu nói sao mà dễ “hét” quá! Mới nghe đã muốn thương rồi, cái kiểu nói như con nhà quan, tiếng nói nghe như quen quen!

*


Nói là một điều khó. Thành ra người ta phải học ăn học nói, học gói học ghém, chứ đâu phải nói lấy được thế nào xong thì thôi. Chính vì quen và không quen nói, hoặc gặp hoàn cảnh khó dễ xử, hoặc vì đối tượng mà:

Nói mau, nói chậm, nói xuôi (chứ không phải xuôi theo, xuôi ro), nói lầy nhầy cả giờ, nói gì cho rõ ràng, sao cứ nói lằng nhằng chẳng hiểu gì cả! Nói cái vụt, nói vùn vụt, nói không ngớt, nói không nghỉ miệng, nói nhát gừng, nói bai bải, nói lụp chụp, nói tất bật, nói cà bật cà bưởi, nói lua lua như sợ ai cướp lời, con trai gì mà ăn nói rù rờ, thằng ấy nói không vấp, nói như bắp rang, nói không mỏi họng từ sáng đến chừ! Mới đến làm rể nên còn sợ, ăn nói lụp chụp, khiến mất lòng ông gia. Khó nói (theo văn chương là “khôn nói nên lời”), khó nói (không thể nói vì có những uẩn khúc) thì thành ngữ này đừng lộn với nói khó (vì cuống họng chưa thành thục). Nói không kịp nghe, nói sấn tới đi, nó sắp thua rồi đó! Nói cụt ngủn, nói gọn lỏn, nghe qua chẳng hiểu gì cả, ăn nói láu táu vừa mau vừa vô phép. Nói lúng túng trong miệng như vừa ngậm kẹo vừa nói. Nói đốp đốp như bắn súng, ai mà nghe cho kịp. Nói huyên thiên bạ đâu nói đó: Nói cù cưa hoài, không dứt khoát cái gì ra cái gì cả, nói liền liền không để ai kịp nói. Trẻ con nói rân ngoài kia, ra dẹp chúng nó đi!

Vì có những cách nói như thế mà người ta chán nói, ngán nói, hết muốn nói, hết chỗ nói, chớm nói (mới mở miệng), định nói rồi thôi, dợm nói mấy lần mà không nói được. Hoặc thích nói, ưng nói, nói say, nói như say máu ngà (một thứ cảm giác bàng hoàng như có chất men rượu, lôi kéo người ta đi trong lời nói). Biết rồi khổ lắm, nói mãi! (Vũ Trọng Phụng).

*


Người Việt là những kẻ xây dựng. Càng vào miền Nam mở rộng đất đai, cái tài xây dựng càng thấy rõ ràng. Vậy mà không hiểu tại sao trong thành ngữ của miền Nam, những tiếng đi với nói có tính cách yêu thương, giúp đỡ, giáo hoá, bao dung, rộng lượng có rất ít, phải tìm kiếm khó khăn lắm. Phải chăng dân tộc ta, kể cả miền Bắc, rất thông minh dạn ăn dạn nói, dạn miệng dạng mồm, khéo ăn khéo nói, nói dẽo nhẹo cái miệng, nói ngon nói ngọt là thế, mà căn bản vẫn là dân tộc hay cả thẹn. Sự cả thẹn đó có lẽ duyên do vì đời sống xã hội rất ít, gần như chỉ rút trong những lúc hội hè, đình đám. Còn những cuộc giao tiếp khác giữa những bạn bè, những người chung nghề nghiệp, những người đồng học, tinh thần “công cộng” không được gắn bó vững vàng bằng một tổ chức nào cả, còn tinh thần cá nhân, gia đình bao trùm mọi hành vi nên lấn át hết. Đã thế trong xã hội nông nghiệp lạc hậu sự tranh giành với nhau từng tấc đất, từng miếng thịt giữa làng, từng cây cột chèo, từng chút quyền lợi cỏn con giữa đàn ông (nông dân, đánh cá, thợ thuyền), sự tranh giành trong việc mua bán giữa đàn bà có thể diễn ra hằng ngày. Sự cả thẹn vì không quen thảo luận bàn cãi thường khiến người ta có những phản ứng không hay. Đàn ông gặp những trường hợp ấy họ chỉ nói nặng nói nhẹ, nói xỏ nói xiên, nói qua nói lại, nói tới nói lui, cũng có trường hợp xảy ra nói hung nói dữ, rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Để chờ có ai nói giải hòa, nói phải không nhất là gặp hạng ăn nói biết điều thì cũng dễ dàn xếp. Chứ như đàn bà mà gặp phải hạng ăn nói hung hãn, ăn nói chua ngoa, nói như cú kêu, nói như cối xay cùn, nói không kể trời đất gì thì thật khó xử. Có khi chỉ vì một con cá, ban đầu là nói chơi rồi nói chơi thành thật, thế là nói chẹn, nói chận họng, nói đá, nói móc, thêm những kẻ bàng quang nói xía vô mấy câu, đổ dầu đổ lửa ra, thế là tá hỏa tam tinh. Thế là nói giành nói giật, nói không cần nghĩ, nói phong phóc, nói tưới hột sen, nói hỗn nói hào, nói không sợ trời đánh thánh vật. Những kẻ đứng ngoài càng nói châm nói chọc, nói chọc tức, nói phá đám, là các bà ở trong cứ thao thao bất tuyệt. Họ nói như điên, nói cho hả hơi, nói cho đã nư, nói cho hả giận, nói cho bớt xốn xang. Nhiều khi người ta đã về hết mà một mình đứng lại còn nói oang oang, nói có cô bác làm chứng, nói có quỷ thần trên đầu trên cổ, đứa nào nói gian cho nó hộc máu. Tới khi chỉ còn một mình vẫn nói lẩm bẩm, nói thì thầm, nói như con mẹ khùng. Về nhà chồng hỏi làm sao. Tức thì cơn giận lại nổi lên. Gặp anh chồng cộc (vợ chồng không quen bàn luận gì) ít ăn, ít nói, lầm lầm lì lì. Thấy vợ cứ nói sa đà, nói lải nhãi mãi, mất ngủ, đâm ra tức. Thế là nổi lên: “Tại sao mi không biết nói lại? Cái mỏ để ở đâu? Chỉ biết khôn nhà dại chợ”. – Rồi thì những: đồ nói ngu như bò, nói như chó, nói với chó chớ nói với tau như rứa à? Tôi có nói đâu? Chó nói (đổi hẩn chủ từ của vợ). Nói rứa Chó cũng không nghe được. Nói kiểu ông nội người ta, ai mà chịu cho được. Tức như rứa thì Phật trên bàn cũng phải nói, nữa là người. Thế rồi cứ kéo dài cái chuyện nói phải nói không, nói dông nói dài, nói tài nói giỏi, nói mỏi miệng khan hơi. Kết thúc bằng vài cú đấm, vài tiếng kêu thất thanh… rồi đi ngủ, giữa khuya chồng còn nghe vợ nói mớ.

Trong gia đình Việt Nam sự sống chung rất cần thiết cho hoàn cảnh nông nghiệp thiếu phương tiện sản xuất. Chế độ đại gia đình bắt nguồn từ sự cần thiết phải hợp tác giữa những người tin cậy lẫn nhau để giúp công, giúp sức với nhau. Bên Trung Hoa những Lưu gia thôn, Trương gia trang, với những giai thoại “chín đời không rời nhau ra” kiểu Trương Công Nghệ. Bên ta, không hẳn ở chung một nhà lớn khi con cái đã có vợ chồng và bầy trẻ dại, như các Thân, Loan (Đoạn tuyệt) với kiểu đại gia đình giàu có. Nhưng cha mẹ cũng thường tìm quanh quất trong vườn, trong xóm gần gũi, cho con cái lập nhà cửa để sự giúp đỡ đó được hiệu quả và liên tục. Cả cha mẹ lẫn con cái đều thấy vì quyền lợi vật chất lẫn tinh thần mà phải ở chung, hoặc ở gần gũi với nhau. Nhưng chính sự chung đụng “giữa đàn bà với nhau” mà hay sinh sự. Điều ấy cũng dễ hiểu. Đàn bà thường lo ăn uống, cắt xếp nên thấy quyền lợi rất cụ thể, rất rõ ràng lại không được chế độ cho phép tiếp xúc bên ngoài, nên tư tưởng, tình cảm thường khuôn theo những quyền lợi nhỏ mọn của mình. Do lẽ đó mà chị em dâu, bà gia mặc sức mà tiếng bấc tiếng chì, nói nặng nói nhẹ, nói gần nói xa, nói nên nói hư, nói chùng nói lén, nói úp nói mở, nói hùa (theo), nói kháy, nói theo, nói dìm, nói chọc tức, nói hàng hai, nói gạt, nói ba phải, nói giỡn không ra giỡn thiệt không ra thiệt, nói khống (biến âm của không), nói khống nguyền, nói lừa, nói phỉnh, nói xuôi theo, nói châm chọc, nói đẩy đưa, nói khích nói bác, nói lấp liếm, nói đổng, nói trống không, nói vu vơ, nói hành (nói trộm những điều xấu, một từ ngữ rất thịnh hành).

Đó là lúc còn ở chung, chứ khi đã ra riêng rồi, cái thế lực bà gia đã bớt, thì lời nói cũng có phần cứng cựa hơn. Dám nói cứng hơn. Bây giờ mà gặp phải cô dâu dữ, cô cũng dám nhiều lúc quay về phía các em chồng trong nhà bà gia mà nói cượng (chứ không phải nói gượng vì cô tự cho mình cứng lý chứ không phải đuối lý). Nói ác lỗ miệng, nói xấu hổ, nói đổ sông đổ biển, nói mang tội với trời chứ tôi đã cực khổ, đã đau đã xót, đã tốn kém, đã làm thân tôi mọi mà họ còn mần ri, mần rưa v.v… Họ chỉ nói dẽ cái lỗ miệng, họ ăn sàm nói sỡ, họ nói cho tan gia bại sản tôi, tôi phải nói bật, nói trớt, nói tuốt mi da ghè, cho ai muốn hiểu thì hiểu. Tôi phải nói cho đã miệng, chớ không dại chi mà giữ ấm ức trong bụng nữa. Tôi nói cho những ai nói trước quên sau, nói đứng dựng ngược, nói điêu nói ngoa, nói rắn nói rồng, cho họ biết là “nói dối lòi đuôi”, họ phải nghe “nói để vào tai” mà ngẫm nghĩ, cho họ không thể nói ngang như bứa, nói sóng nói gió gì thì tự do mà nói. Tôi nói để cho những ai mang gươm mang dao trong bụng mà miệng nói ngọt như mía lát, cái chi nói (cũng) xuôi ro, mới nghe tưởng sớt cửa sớt nhà mà nham hiểm không ai bằng khiến họ phải xấu hổ. Tôi đâu có phải hạng “thở ra khói nói ra lửa”, tôi nhắc lại những chuyện ni thiệt là cười ra nước mắt. Tôi cũng biết người đời có câu tục là me nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, nhưng mà oan quá, hiếp quá, thừa quá thì tới lúc còn ai mà nhẫn nhục. Lúc đó trời cấm cũng cứ nói.

Anh chồng của chị có tiếng là “nói như đinh đóng”, “nói như đinh đóng cột”, “nói như chặt đinh”, “nói như chém gạch”, “nói như rìu chém xuống đá rạ chém xuống đất” chứ không phải hạng nói như tép nhảy, mở miệng nói (là) sợ động thời văn, thật là hạng miệng nói có gang có thép, thế mà từ đằng xa định về nhà, nghe tiếng vợ với các em nặng lời với nhau qua không gian, cũng đành ngậm ngùi chân bước. Bênh vợ, bênh em đều mang tiếng, sợ thiên hạ nói. Mà vợ và em đều nói quá (tức nói quá nhiều, nói quá đáng, nói quá lời, tùy trường hợp mà hiểu nghĩa) như thế thì tình trạng bất hòa biết bao giờ cho hết, nói không còn chỗ vớt vát, mạnh ai nấy nói, nói hoài nói hủy, nói rồi lại nói, thật ngán hết chỗ nói.

Bạn hỏi đi đâu? Anh nói tỉnh là đi mượn vào món đồ. Rồi anh nhìn bạn dạy một thằng bé con nói chưa thành tiếng, chưa nên lời, vừa nói đớt (như lưỡi hụt) vừa nói chớt (nói không rõ tiếng), phải ăn nói đàng hoàng. Trẻ con cần nhất “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Anh dạy cho đứa lớn, một cô gái đừng nói hớt người lớn, đừng nói cướp lời, đừng nói thiên thẹo, đừng ăn gian nói dối, đừng nói khít hai hàm răng, đừng nói chọc tức, đừng nói dưa, nói đẩy đưa, nói bóng gió, nói lấy chừng, nói kiểu hàng tôm hàng cá. Phải thuộc câu thơ rất quen thuộc trong bản về Tam Khôi mà con gái thường thuộc lòng:

Khi ăn khi nói chững chàng
Khi ngồi khi đứng bẽ bàng dung nghi.

Anh cũng lại dạy con biết nói nhỏ nhẻ, nói tỉ tê, nói thủ thỉ, nói vớt. Gặp gia đình ai có đám nào đi hỏi mà con gái không ưng thì nên nói giúp, nói giùm (nói hộ), nói cho, nói vào (tức là nói, bàn những điều có lợi, cho nên việc, đừng phá đám – khác với câu bàn ra nói vào là dư luận phân vân) đừng nói ra (phá hoại), đừng nói thập ngộ (những điều bất ngờ có hại). Nếu có dịp sẽ nói đừng nói lãng nhách nói lạt thách. (Tiếng Bắc: Nhạt thếch; Trung: lạc thách; Nam: lạt nhách).

Thằng em trai thì anh dạy đừng nói xỏ xiên, nói cà đai (kéo dài), nói xỏ lá, nói ba que, nói lung tung, nói tùm lum tùa lua (không ra ngô ra khoai gì), nói cà riềng cà tỏi (kéo dài không đến đâu), nghệ sĩ khoả lấp, nói cho bằng được (không kiêng nể, không ngần ngại), nói liều mạng, nói trù trừ (nói lưỡng lự, không dứt khoát), nói bắt quờ (không rõ điều chính, điều quan trọng, gặp ý gì mới nghe thì nói theo), nói chận họng, nói lẫn lộn, nói lúng túng, nói gàn bướng, nói sai bét, nói lấp liếm (vì sai, phải nói cái gì đó để giữ thể diện), nói lạc đề, nói trêu gan (chọc tức ai) nói xạo, nói ba xạo, nói tránh trớ (nói ra khỏi điều chính với dụng ý khỏi làm việc), nói tránh (nói chệch để khỏi phạm điều không nên nói, như tên ông bà kỵ nói, phải nói Mạng ra Mệnh), nói xí xoá (nói chữa thẹn, nói cho quên việc nào đó), nói qua quít, nói hoạ may (may thì trúng, rủi thì trật, nhưng đã trúng), nói khoả lấp, nói xách mé, nói cà gật (nói không nghĩa lý gì, không chú tâm như kẻ ngái ngủ, gât gù), nói ba trợn ba nháng (không ra đâu vào đâu cả). Đừng có nói hoảng (vì hoảng sợ, bịa đặt), nói áp nạp (nói ép, nói buộc, nói mạnh khiến kẻ khác phải thua), nói trạng (nói tài giỏi, đừng lộn với trạng nói thường cũng có nghĩa là tay chỉ quen nói tài nói giỏi). Cần nhất là nói đằng thằng (có lễ độ, rõ ràng), nói cho cặn kẽ hay nói cho có kẽ có còi, nói có thứ có lớp, nói có lớp có lang, nói có trước sau, nói có nghĩ trước nghĩ sau (đừng lộn nói trước nói sau), nói tách bạch rõ ràng, nói có văn vẻ, nói có cân nhắc. Cấm không được đụng đâu nói đó, không được nói tréo cuống họng, nói trật bản họng, nói đâm họng, nói móc gan móc ruột, nói độc địa, nói cho tức hộc máu, nói cho trào cơm người ta ra. Vậy thì nói là cốt cho rõ sự lý, chứ không phải nói gỡ rạc, nói xả hơi. Kỵ nhất là đừng lên giọng bề trên mà nói trịch thượng, nói dằn mặt, nói dạy đời, nói cù cao (cố vươn lên địa vị cao, ở trên), ăn nói trống trải (vô lễ, thiếu kín đáo, không nói rào đón), nói trù (tức hại ngầm người ta, không cho khá lên nổi, thường đi đôi với nói ếm), nói dặm (nói thêm một hai tiếng khi kẻ khác dứt câu, chứ chưa phải nói chêm là họ đang nói thì xía vô một hai tiếng) hoặc nói thêm là việc ít nói xít ra nhiều. Nhất là đừng nói trước (Tôi sẽ đỗ đầu kỳ này! Tôi nói trước). Cũng đừng nói thụi (nói theo có tính xu nịnh), nói sau (nói tỏ ra tài giỏi khi việc đã xong rồi như “thầy bói nói sau”, ai nói mà không được), nói vừa (tức là chỉ nói theo bụng kẻ khác: hoặc nói chừng chừng, ai cũng biết):

Bói xem một quẻ trong nhà
Chuồng heo ở dưới chuồng gà ở trên.

Cũng như nhà báo nói láo ăn tiền, lối nói ấy là nói lấy tiền gần những lối nói dè chừng, nói bắt quớ, nói dựa, nói cầu may, nói gợi ý, nói bất mánh (tức là liệu chứng sự phản ứng của kẻ đối thoại, rồi theo đó mà đoán già đoán non, đừng lầm với nói mánh nói khóe, nói có ý điêu ngoa gian giảo cũng không phải nói cạnh nói khóe là nói trêu gan bằng những cái xấu của người ta một cách gián tiếp. Cuối cùng là đừng ngồi nói lối suốt ngày (nói lối đây không phải dùng lối văn vần theo lệ thường mà chỉ có nghĩa là nói chuyện lung tung, say sưa, không làm gì cả).

Đã nói đến nói nhiều thì không thể không nói tới ăn. Người Việt Nam thường bảo: “Có tài ăn nói”, “Ăn nói giỏi”, “Ăn nói cừ khôi”, tay ăn nói ở vùng này đấy. Theo lối phát ngôn tự do bây giờ thì “một cây ăn nói” đó. Phàm ở đời hễ “có miệng ăn thì phải có miệng nói”, hễ những ai “ăn không nên đọi nói không nên lời” đều đáng chê trách cả.

Vậy thì có bao nhiêu câu mà ăn đi với nói?

Trước hết là chê hạng người muốn nói gì thì nói:

Ăn nói cẩu thả.
Ăn nói lộn xộn.
Ăn không nói có.
Bạ ăn bạ nói.
Ăn nói quàng xiên.
Ăn nói đĩ bợm.

Hạng người nay nói có, mai nói không, không nhất trí:

Ăn ngược nói ngạo.
Ăn nói phản phúc.
Ăn nói ngỗ nghịch.

Trái lại là hạng:

Ăn ngay nói thật.
Ăn to nói lớn.

Đôi khi cha mẹ dạy con đừng:

Ăn sóng nói gió.
Ăn chả nói chớt.

Và nên:

Ăn bớt bát nói bớt lời.

Tuyệt vời là lối giải thích những cách ăn nói đó mà chẳng giải thích gì cả, song lại chính là sự giải thích kỳ thú của bình dân:

Ăn ốc nói mò, ăn măng nói mọc.
Ăn cò nói leo.

Ăn đã thú mà nói trong lúc ăn thì còn gì thú cho bằng. Cho nên “Học ăn học nói” là điều các bậc trưởng thượng vẫn dạy con cháu để chúng ăn có nhai, nói có nghĩ, dám ăn dám nói, mạnh ăn mạnh nói để khi gặp sự tranh đua, gia đình khỏi lâm cảnh “mạnh miệng ăn, sưa miệng nói” [4] .

Cái miệng dùng để nói, để ăn và cũng để cười, cho nên có nói cười, cười nói:

Nói cười hỉ hả.
Nói cười hả hê.

(Khóc) hay: Nói hổ ngươi, cười ra nước mắt.

Những ai chưa nói đã cười,
Chưa đi đã chạy là người vô duyên.

Nói đi với cười thì cũng đi với thề:

Xưa kia nói nói thề thề,
Bây giờ bẻ khoá, trao chìa cho ai?

*


Nói cũng như một hoạt động cơ thể khác cũng có bệnh. Cái bệnh đầu tiên và trào phúng là bệnh hay nói. Nhưng nó cũng có bệnh thật như ta đã biết của trẻ con (đớt, chớt) và những thứ bệnh khác như bệnh nói cà lăm, một thứ bệnh mà người nói cứ gân cổ ra nói tiếng cứ lặp nhau, khó thành câu trọn vẹn (Tôi tôi… chưa chưa… ăn ăn). Nói ngọng là nói sai hẳn một số tiếng nào đó, chưa sửa được, do một thói quen lúc nhỏ hay do cuống họng (chữ đ nói không được) đi đâu: i âu; cái chuông: ái uông. Nói liệu là lối nói lạ nhất thường có ít bà mắc phải. Tức là nói luôn một hơi những tiếng rất thô tục hoặc một số tiếng nào đó. Đèn, dèn, dèn, đèn, đèn, đèn. Đèn đèn, địt địt, ỉa ỉa… mãi một lúc lâu rồi mới nói được cái điều muốn nói mà khi nói được lại trơn tuột. (Đừng lộn lối nói này với lối nói líu (líu lưỡi, lưỡi dính lại nói khó khăn). Nói lảng là nói không đúng vào vấn đề, thường do bệnh hoạn hay tinh thần sút kem khiến nói ra ngoài điều muốn nói, hoặc bỗng dưng không ai hỏi mà nói. Nói sảng là do một cơn bệnh, nhất là trẻ con khi bị sốt nhẹ thì nói mê, nặng quá thì phát nói liên miên, sợ hãi, cũng gọi mê sảng (đừng lầm nói hoảng trên kia, là tự nhiên bị bí, không biết nói gì đặt bậy ra mà nói cho qua việc, để đỡ đòn, nhất là ở các phòng tra tấn). Nói lẫn là lối nói của các ông già, quá già nói điều này lầm sang điều nọ vì trí nhớ bị kém, bị suy nhược (có hơi giống nói lảng và người ta cũng bảo “Cụ tôi bây giờ lẫn rồi nên hay nói lảng”). Thật xa hẳn cái thời mới bể tiếng nói hay bể giọng tức có giọng khàn khàn của bọn thiếu niên đang chẳng trong cơ thể để lớn vội (khoảng 14, 15 tuổi). Nói mớ nói trên kia tuy rât thường, nhưng đối với một số người cũng là một thứ bệnh vì mớ to mà mớ suốt đếm thường vẫn bị gọi là “kéo gỗ” ban đêm.

Những bệnh nói trên có liên quan đến các bổn phận trong họng, trong lưỡi, khiến cho khi nhắc đến nói người ta không quên giọng nói. Giọng đây không phải giọng Huế hay Hà Nội, mà chỉ là lối gọi tổng quát cách phát âm theo một cung bực, một màu sắc hoặc cũng chính là kiểu nói, cách nói không chừng đỗi.

Chẳng hạn nói giọng mãi là thứ giọng như hai cánh mũi bị ép lại (giọng Tây, giọng đầm, giọng lai). Nhưng khi nói giọng lên, hay lên giọng, tức đổi cách nói, đổi thái độ, nói hạ giọng, xuống giọng tức bỏ lối trịch thượng mà giữ lối cầu xin, nói giọng du côn, nói giọng ba rọi, nói giọng chó má, nói giọng mẹ rượt đều là những lối nói của hạng bất trị. Nhưng nói giọng lại cái, là của hạng nói không ra đàn ông không ra đàn bà rất khó nghe, hoặc nói giọng đực rựa là giọng đàn bà mà nghe như đàn ông.

*


Đã có giọng khi lên xuống bổng trầm, tức là có ca hát. Căn bản của mọi Văn nghệ miền Nam là Nói và trình diễn [5] : Vì dân miền Nam khi vào đây là để hành động chứ không phải để suy tư, để sản xuất, chiến đấu, mở mang, khai thác… mãi cho đến thời Gia Long trở lại việc học mới thành kỷ cương. Suốt mấy thế kỷ ấy mọi hoạt động văn nghệ đều lấy đối tượng là quần chúng, không vụ độc giả mà vụ khán giả thính giả nên tất cả đều dựa vào lối nói, lối kể, lối đọc, lối hát, lối trình diễn làm căn bản. Bởi vậy nên miền Nam gọi nói thơ, nói về, nói tuồng, nói truyện, nói tiếu lâm, là vì lẽ bao giờ cũng có người ngòi kể cho kẻ khác nghe bằng cách này hay cách khác. Nói thơ (có khi gọi nói truyện) là lối đọc những quyển bằng lục bát, với một giọng ngân nga hơi khác nói vè một chút vì giọng vè thường có tính cách thời sự, văn viết theo lối nói lối, ngắn giọng và linh hoạt (trừ vè dài, bằng lục bát như truyện thì không kể). Nói tuồng là một lối hát bộ thu gọn vào một (hay năm ba người) ngồi trước cái trống chầu, vừa ca hát vừa làm bộ tịch. Nói tiếu lâm là nói những “chuyện hoang” để cười. Cũng như nông dân các nước, dân ta rất thích cái cười thoải mái, tự do, cười bằng thích, cười bò lăn, bò càng ra đó.

*


Nói cũng bị ảnh hưởng từng thời kỳ tiếp xúc của lịch sử. Nhưng cứ xem như trên kia thì thấy rõ ràng Nói, ít dùng ngoại ngữ bằng Viết. Nói cách khác là dân chúng khi nói, giao thiệp, tiếp xúc đã tìm hết các cách để diễn tả rất gọn những điều cần diễn tả, một cách thông minh, đầy đủ mà những nhà trí thức khi viết cả khi nói, đã không cố gắng đến mức tối đa để đặt ra những tiếng cần thiết đó. Chỉ quen vay mượn rồi bằng lòng với sự vay mượn đó, lâu ngày thành một thói tục đến nay vẫn chưa bỏ. Điều thật lạ lùng! Một nhà văn sĩ Việt, chuyên viết tiếng Pháp là ông Phạm Duy Khiêm vẫn quả quyết là tiếng ta chỉ có tiếng cụ thể, không có tiếng trừu tượng bao nhiêu, do đó khi dùng tiếng trừu tượng phải mượn của Trung Hoa. Nếu nói dân ta không đủ tiếng trừu tượng phải mượn của Trung Hoa thì hầu hết những tiếng Nói trong bài ông Siêu và bài trên đây của tôi là tiếng cụ thể hay sao? Không cần nhìn đâu xa, qua các bệnh Nói mà tôi trình bày trên kia như nói ngọng, nói liệu, nói hoảng, nói lẫn, nói mớ, nói mê, nói sảng… là tiếng trừu tượng hay cụ thể? Tôi nghĩ là chỉ khi viết mới cần nhiều tiếng trừu tượng Trung Hoa đến thế. Chứ như viết tiểu thuyết là môn sở trường của ông Khiêm mà bảo phải dùng nhiều tiếng trừu tượng thì tôi tưởng đó là trừu tượng của ta, tiếng trừu tượng của quần chúng nhân dân vì tiểu thuyết chính là thể hiện cuộc sống đó. Nhưng bởi ít tiếp xúc với dân chúng, ít có dịp sống lâu trên đất nước, ông không được cơ hội thu nạp thật nhiều những tiếng đó nên ông có cảm tưởng lầm lạc trên, một cảm tưởng đã làm cho trí thức Việt Nam phẫn nộ một thời.

Thật ra, trong khi nói, không phải đồng bào ta không chịu thu nạp chút nào của người ngoại quốc, nhất là những nước có quan hệ trực tiếp với ta. Nhưng xét ra, số ấy vẫn rất ít so với sự sáng tạo của quần chúng.

Chẳng hạn chịu ảnh hưởng Hán học:

Nói đại, nói lý, nói lý sự, đại xạo, xàm ngôn, phét ngôn, xin ngôn rằng (kiểu nhật báo)… Tiếng Trung Hoa thuần túy thì: đại ngôn, đàm thoại, đối thoại, độc thoại, phát ngôn, phát biểu.

Những tiếng phát biểu là tiếng hay dùng nhất thời kháng chiến đi đôi với chữ xin nói [6] , có thể dùng bất cứ giờ phút nào. Thời ấy cũng có câu tục ngữ này rất thịnh hành:

Muốn sang làm hành chính.
Muốn đánh làm công an.
Muốn lang thang làm tình báo.
Muốn nói láo làm thông tin.

Chịu ảnh hưởng khi theo văn học Pháp, có một số tiếng nay rất được dùng để đùa như đía, đía ba son, đía sanh tử, nói xí lô xí là, nói phân-xi-lô, nói tiếng Tây (nghĩa là nói những gì không hiểu gì hết như thời K.C. người ta nói: Cô ấy 18 tuổi Đông Dương (bạc Đông Dương so bạc kháng chiến rất cao giá, ý nói muốn nói bớt tuổi, hay như bây giờ màu áo chiêu đãi viên là màu xanh đậm mà tươi) nói tiếng Tây bây giờ còn rất hay dùng. Ngoài ra, lối dùng theo phương pháp của Pháp để diễn đạt ý cũng nhiều: Tổng thống nói (không rõ chữ này dịch từ dire (Pháp) hay viết của Tàu) phim nói, nói cho đúng ra, nói vắn tắt, nói rút lại, nói cách khác, nói riêng, nói chung, chính danh mà nói, nói rộng nói hẹp, nói với ác ý, nói bằng mắt [7] .

Trong lối dịch tiếng Pháp này, có lẽ câu dịch sau đây của Hoàng Đạo là thú vị nhất (nguyên văn: Parlez moi d’amour, parlez moi des choses tendres) và ông đã dịch trong một truyện dài trào phúng:

Hãy nói với anh cái ái tình
Lại nói với anh những cái đồ mềm (!).

Viết tới đây, tôi sực nhớ một giai thoại mà Tế Hanh, một nhà thơ có lần từng kể cho tôi: - Buồn cười là khi tôi (lời T.H.) đề tựa cho tập Luật hỏi ngã của Nguyễn Đình, tôi bỗng chợt nhận ra cái gì, cậu biết không? Là phần ngoại lệ nhiều hơn phần chính”. Tôi không rõ nhà thơ Quảng Ngãi đùa hay thật. Nhưng cũng vì giai thoại đó mà tôi phải vội dừng lại ở đây. Vì tôi ngại lỡ kẻo bài viết của tôi (dù muốn dù không bài của tôi cũng là để đáp ứng và phụ hoạ phần chính trong bài ông Siêu) dài hơn bài của ông Siêu thì chẳng hoá ra… phần ngoại lệ lại dài hơn phần chính hay sao? Mà bản thảo của tôi đã đến trang 24 rồi! Không khéo lại có nói bô bô, nói không sợ mất lòng: Cái thằng cha “Quảng Nam hay cãi” quen thói “ăn một cục, nói một hòn” này, cứ nói cà trật cà hót không ra ngô, ra khoai gì mà lại nói dai nhách.



[1]Xin xem “Khi đám lưu dân trở lại” đăng ở Bách Khoa.
[2]Nói thế tức tôi không nhận tiền nhuận bút của ông Siêu. Tôi chỉ nhận nhuận bút của Văn như cộng sự viên của tạp chí.
[3]Tôi nói hầu hết, vì có một số chữ ông Siêu lấy ở tiếng trong Nam, nhưng chỉ là số rất ít.
[4]Nguyễn Du cũng là một tay ăn nói, trong truyện Kiều, giở ra phần nào cũng có thể tìm nhiều câu rất thú vị: “Những nghe nói đã lạ lùng”, “Ra vào một mực nói cười như không”.
Cho nên hễ có ăn nói, tất không thể quên nhà thơ thiên tài ấy mà các câu sau đây hình như đã đi vào tục ngữ:
Nói lời rồi lại ăn lời được ngay.
Khi ăn khi nói nhỡ nhàng.
Ăn làm sao nói làm sao bây giờ.
[5]Xem Bách Khoa: “Khi đám lưu dân trở lại”, Nguyễn Văn Xuân
[6]Vì có sự xin nói, rồi nói quá nhiều, nói quá dài, nên thường chủ tọa phải “tôi xin cắt”, tôi “xin cắt đứt”. Về sau, ở Mộ Đức, Quảng Ngãi có người đàn bà cắt mất vật quý của chồng nên ở Liên khu V trong những cuộc mạn đàm, những tiếng xin cắt đứt hoá thành “xin Mộ Đức”.
[7]Cũng nên nhắc hai câu thơ của Xuân Diệu:
Em phải nói, phải nói và phải nói
Bằng lời môi, nơi cuối mắt, đầu mày.
.....................
Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ tam tam cá nguyệt 1967, tập 3, trích từ trang 7 đến trang 21. Chi phiếu, bÆ°u phiếu đề tên ông Nguyá»…n Đình Vượng. ThÆ° từ, bản thảo, ấn phẩm đề tên ông Trần Phong Giao. Giao thiệp trá»±c tiếp về mọi việc xin hỏi ông Gia Tuấn. Số 38, Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Điện thoại: 23.595. K.D. số 1194 ngày 26-6-1967. Giá 30 đồng. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.