"Chống bọn hề báng bổ và lăng mạ". Đạo luật do Hoàng đế Frederick II (Messina 1221) ban hành cho phép mọi người đánh đập bọn hề mà không bị trừng phạt hay xử lý.
Những bức hình tôi trình với quý vị là của tôi. Các bản sao thu hơi nhỏ lại đã được phân phát.
Đôi khi tôi quen dùng hình ảnh lúc chuẩn bị bài nói: thay vì viết xuống, tôi minh hoạ. Nhờ thế tôi có thể ứng biến, tưởng tượng - và buộc quý vị dùng tưởng tượng của mình.
Lúc tôi nói, thỉnh thoảng tôi sẽ chỉ cho quý vị biết chúng ta đang ở chỗ nào trong bản thảo. Như thế quý vị sẽ không bị hụt hẫng, nhất là đối với các vị không hiểu tiếng Ý hay tiếng Thụy Điển. Người nói tiếng Anh có lợi điểm rất lớn so với người khác vì họ tưởng tượng những thứ tôi không nói hay nghĩ tới. Tất nhiên có vấn đề giữa hai tiếng cười: ai hiểu tiếng Ý sẽ cười ngay, ai không hiểu phải đợi Anna [Barsotti] dịch sang tiếng Thụy Điển. Và có người không biết nên cười lúc trước hay lúc sau. Thôi, chúng ta hãy bắt đầu.
Thưa quý vị, đề tựa tôi chọn cho buổi chuyện phiếm này là "contra jogulatores obloquentes", quý vị đều biết là tiếng La Tinh, nói chính xác là tiếng La Tinh trung cổ. Đó là tên một đạo luật ở Sicily năm 1221 do Hoàng đế Frederick II xứ Swabia ban hành, một hoàng đế "được Chúa xức dầu", và trường học dạy chúng ta rắng ông là bậc quốc chủ sáng suốt phi thường, một người cấp tiến. "Jogulatores obloquentes" nghĩa là "bọn hề báng bổ và lăng mạ". Đạo luật đang bàn cho phép mọi công dân lăng mạ bọn hề, đánh đập và thậm chí - nếu gặp lúc thích - giết chúng mà không sợ mang ra xử và kết án. Tôi phải vội cam đoan với quý vị rằng đạo luật này không còn áp dụng nữa, vì thế tôi có thể yên chí tiếp tục.
Thưa quý vị,
Thưa các bạn, các danh nhân văn học, nhiều buổi phỏng vấn truyền thanh và truyền hình đã tuyên bố: "Giải thưởng cao nhất hiển nhiên nên trao cho các thành viên Viện hàn lâm Thụy Điển, vì năm nay đã có can đảm trao giải Nobel cho một gã hề." Tôi đồng ý. Hành động của quý vị là một hành động can đảm gần như khiêu khích.
Đánh giá lời ong tiếng ve mà nó gây ra: các văn thi sĩ siêu phàm thường chiếm ngự đỉnh cao nhất của địa cầu, và ít khi chú ý đến những kẻ sống cặm cụi nơi mặt bằng khiêm tốn, bỗng dưng họ bị cơn lốc xô ngã.
Như đã nói, tôi hoan nghênh và đồng tình với các bạn.
Các thi sĩ này đã lên đỉnh Parnassian
[1] lúc quý vị xấc láo hất họ xuống đất, ngã dập mặt vào vũng bùn đời thường.
Những lời lăng mạ và sỉ nhục quẳng vào Viện hàn lâm Thụy Điển, vào các thành viên và thân quyến bảy đời của họ. Om xòm nhất: "Đả đảo Hoàng đế ... Na Uy!" Hình như trong hỗn loạn họ lộn triều đại.
(Tới đây quý vị có thể lật trang. Như quý vị thấy có hình một thi sĩ trần truồng bị cơn lốc xô ngã.)
Có kẻ ngã khá nặng dưới mông. Có bài tường thuật rằng thần kinh và lục phủ ngũ tạng các văn thi sĩ bị đau khủng khiếp. Mấy bữa sau không tiệm thuốc tây nào ở Ý đủ thuốc bào chế nổi một liều an thần.
Nhưng thưa các thành viên Viện hàn lâm, hãy nhận là lần này quý vị quá trớn. Tôi muốn nói là coi nè, thoạt tiên quý vị trao giải cho một ông da đen, rồi một nhà văn Do Thái. Bây giờ quý vị trao cho một gã hề. Trao cái gì? Như họ nói ở Naples:
pazziàmme [điên]? Liệu chúng ta mất trí rồi sao?
Giới giáo sĩ cao cấp cũng nổi điên. Bọn cầm đầu bát nháo - đại cử tri bầu Giáo hoàng, giám mục, hồng y và giáo sĩ lãnh đạo Opus Dei
[2] - đều nộ khí xung thiên, tới mức thậm chí họ thỉnh nguyện phục hồi đạo luật cho phép hoả thiêu bọn hề. Thiêu từ từ thôi.
Mặt khác tôi xin thưa với quý vị có vô khối người cùng tôi hân hoan với chọn lựa của quý vị. Vì thế tôi chuyển lời cám ơn náo nhiệt nhất của vô số diễn viên câm, gã pha trò, thằng hề, diễn viên xiếc và người kể chuyện.
(Chúng ta hiện ở chỗ này [chỉ trang giấy].)
Nói tới người kể chuyện, tôi không quên những người trong thị trấn nhỏ ở hồ Maggiore
[3] nơi tôi sinh ra và lớn lên, một thị trấn giầu truyền thống kể chuyện.
Họ là các cụ già kể chuyện, những thợ thổi thủy tinh bậc thầy đã dạy tôi và bọn trẻ nghề, nghệ thuật, bịa chuyện hoang đường. Chúng tôi lắng nghe, bật cười ầm ĩ - tiếng cười khôn nguôi như ẩn dụ bi thảm, vượt mọi châm biếm, loé ra trong trí. Tới nay tôi vẫn nhớ rõ chuyện Hòn đá ở Caldé.
Cụ thổi thủy tinh bắt đầu kể:
Ngày xưa, tít trên đỉnh vực thẳm nhô lên mặt hồ có một thị trấn tên Caldé. Sự thể là thị trấn này nằm trên tảng đá lở, mỗi ngày trượt dần xuống vực. Thị trấn nhỏ tráng lệ có một gác chuông, một cái tháp kiên cố ở đỉnh cao nhất và cụm nhà nối nhau san sát. Thị trấn ngày xưa bây giờ không còn nữa. Nó biến mất hồi thế kỷ 15.
Nông dân và ngư phủ ở dưới thung lũng gọi: "Ê, mấy ông đang trượt kìa, mấy ông sẽ rớt xuống đó nhe."
Nhưng cư dân trên vực không nghe, thậm chí còn cười nhạo: "Bay tưởng bay khôn hả, tụi bay tính doạ bọn này bỏ nhà đất để tụi bay lấy hả. Nhưng bọn này đâu có ngu."
Thế là họ cứ tỉa nho, gieo hạt, cưới hỏi và làm tình. Họ đi lễ. Họ cảm thấy đá trượt dưới nền nhà nhưng chả buồn để ý. Họ trấn an nhau: "Đá lún xuống ấy à. Bình thường thôi".
Tảng đá lớn sắp chìm xuống hồ. Người hai bên bờ kêu: "Coi chừng, nước lên tới cổ chân các ông rồi kìa". Dân thị trấn nói: "Tầm bậy, nước vòi chảy ra đó, hơi ẩm ướt tí thôi", và thế là, từ từ nhưng tất nhiên, cả thị trấn bị nuốt chửng xuống hồ.
Ực ực ... ực ực ... tõm ... chìm... nhà cửa, đàn ông, đàn bà, hai con ngựa, ba con lừa ... hí hí hí ... ực ực. Không nản, ông linh mục tiếp tục cho bà sơ xưng tội: "Te absolvi ... animus ... santi ... ưưực ... Aame ... ực ực ..." Tháp biến mất, gác chuông chìm và tất cả: đinh ... đoong ... tõm ... tõm ...
Cụ thổi thủy tinh kể tiếp: Thậm chí nếu bây giờ từ trên cao nhìn xuống nước hồ, và nếu lúc ấy sấm nổ, ánh chớp rọi đáy hồ, bạn vẫn thấy - không thể tượng tượng nổi! - thị trấn chìm, phố xá nguyên vẹn, và ngay cả cư dân đang tản bộ và liến thoắng lập đi lập lại: "Chả có chuyện gì". Cá bơi qua lại trước mắt, thậm chí vào tai họ. Nhưng họ gạt chúng ra: "Chả có gì mà lo. Mấy con cá học bơi trong không khí ấy mà".
"Hắt xì!", "Chúa phù hộ ông bà!", "Cám ơn ... hôm nay hơi ẩm ... hơn bữa qua ... nhưng mọi chuyện ổn cả". Họ đã chìm tới đáy, nhưng theo họ thì chả có chuyện gì".
Dù lộn xộn, ta không thể chối cãi câu chuyện như thế vẫn có ý nghĩa gì đó đối với chúng ta.
Xin nhắc lại, tôi nợ các bậc thầy thổi thủy tinh này rất nhiều, và họ - cam đoan với quý vị - rất biết ơn các thành viên Viện hàn lâm này đã phát thưởng cho một trong các học trò của họ.
Và họ tỏ lòng biết ơn một cách rất hoa hoè hoa sói. Ở quê tôi, người ta thề rằng tối hôm bản tin loan báo một trong các người kể chuyện của họ được trao giải Nobel, lò nung nguội năm chục năm nay bỗng dưng phát hoả dồn dập, bắn tung toé lên trời - như pháo bông
finale [hạ màn] - vô số mảnh thủy tinh mầu rơi xuống mặt hồ gây ra một đám hơi nước hùng vĩ.
(Trong khi quý vị vỗ tay, tôi sẽ uống nước. [Quay sang người thông dịch:] Chị uống tí không?
Quý vị nên nói chuyện với nhau trong lúc chúng tôi uống nước, vì nếu quý vị cố nghe tiếng nước ực ực ực khi chúng tôi nuốt, chúng tôi sẽ sặc và ho. Vì vậy thay vào đó quý vị có thể trao đổi xã giao như "Ồ, thật là một buổi tối hay nhỉ?"
Hết phút giải lao: chúng ta lật sang trang mới, nhưng xin đừng lo, từ đây sẽ đi nhanh hơn.)
Trên hết, tối nay quý vị nên long trọng cám ơn nồng nhiệt một bậc thầy phi thường của sân khấu, chẳng những quý vị và người Pháp, Na Uy, Phần Lan ít biết... mà cả dân Ý nữa. Nhưng trước thời Shakespeare, hiển nhiên ông là nhà soạn kịch vĩ đại nhất Âu châu thời phục hưng. Tôi muốn nói tới Ruzzante Beolco
[4] , vị thầy lớn nhất của tôi cùng với Molière
[5] : cả hai kịch tác gia kiêm diễn viên, cả hai bị các văn gia hàng đầu cùng thời chế giễu. Trên hết, họ bị khinh rẻ vì mang lên sân khấu cảnh đời thường, những niềm vui và thất vọng của dân thường, thói đạo đức giả và kiêu căng của bọn hãnh tiến, và sự bất công dai dẳng. Lỗi lầm chính không thể tha thứ của họ là: khi kể những chuyện này, họ chọc cười thiên hạ. Tiếng cười không làm kẻ quyền thế hài lòng.
Ruzzante, cha đẻ của
Commedia dell'Arte [6] ,
cũng tạo một ngôn ngữ riêng ông, ngôn ngữ của và cho rạp hát, dựa theo nhiều thứ tiếng: các phương ngữ ở thung lũng Po
[7] , cách diễn tả bằng tiếng La Tinh, Tây Ban Nha, ngay cả Đức, trộn với các âm tượng thanh do chính ông sáng chế. Chính từ ông, từ Beolco Ruzzante, tôi đã học cách thoát khỏi văn chương quy ước và diễn tả bằng những chữ quý vị có thể nhai, nghe lạ lắm, với kỹ thuật gieo nhịp và thở, thậm chí với cách nói vô nghĩa lan man của
grammelot [8] .
Cho phép tôi tặng một phần giải thưởng quý giá này tới Ruzzante.
Mấy bữa trước, một diễn viên trẻ tài năng bảo tôi: "Maestro, ông nên cố trao năng lực, nhiệt tình của mình cho người trẻ. Ông phải cho họ sinh lực của ông. Ông phải chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn với họ". Franca - bả là vợ tôi đó - và tôi nhìn nhau rồi nói: "Anh ta nói đúng". Nhưng khi chúng tôi dạy họ nghệ thuật của mình, và chia sẻ đam mê này, cứu cánh là gì? Rồi sẽ dẫn tới đâu?
Hai tháng qua, Franca và tôi thăm một số khuôn viên đại học để tổ chức hội thảo và hội nghị trước các thính giả trẻ. Thật ngạc nhiên - nếu không nói là sửng sốt - thấy họ chẳng biết gì về thời đại chúng ta đang sống. Chúng tôi kể vụ án đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ xử các thủ phạm cuộc tàn sát tại Sivas. Ba mươi bảy nhà trí thức dân chủ hàng đầu của đất nước, họp ở một thị trấn tại Tiểu Á kỷ niệm một danh hề trung cổ thời Ottoman, bị thiêu sống giữa đêm, kẹt trong quán trọ. Vụ cháy là tác phẩm của một nhóm chính thống cuồng tín được tay trong Chính quyền bảo vệ. Trong một đêm, ba mươi bảy người lừng danh nhất của đất nước bị xoá bỏ khỏi Trái đất, nghệ sĩ, văn sĩ, đạo diễn, diễn viên và vũ công Kurd.
Chỉ một cú bọn cuồng tín này giết hại những người tiêu biểu quan trọng nhất của văn hoá Thổ.
Hàng ngàn sinh viên nghe chúng tôi. Mặt họ ngạc nhiên và ngờ vực. Họ chưa từng nghe vụ thảm sát. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là ngay cả các nhà giáo và giáo sư hiện diện cũng chưa biết tới. Thổ Nhĩ Kỳ, trên bờ Địa Trung Hải, ngay trước chúng ta, cố xin gia nhập Cộng đồng Âu châu, nhưng không ai biết về vụ thảm sát. Salvini, một nhà dân chủ Ý lừng danh, nói đúng khi ông nhận xét: "Sự ngu muội phổ cập về quá khứ là pháo đài chính của bất công". Nhưng thanh niên đãng trí là do những người có trách nhiệm giáo dục và chỉ bảo chúng: trong số những người đãng trí và thiếu thông tin, giáo viên và các nhà giáo dục đáng bị kể tới trước tiên.
Thanh niên dễ khuất phục trước những vô vị và tục tĩu vô cớ đổ lên họ mỗi ngày qua phương tiện truyền thông đại chúng: phim bạo động tàn nhẫn trên truyền hình, trong mười phút có ba vụ hiếp dâm, hai vụ ám sát, một vụ đánh đập và một loạt đụng xe mười chiếc trên cầu, chiếc cầu sụp kéo theo mọi thứ - xe, tài xế và hành khách - lao xuống biển... chỉ một người sống sót sau khi rơi, nhưng hắn không biết bơi vì thế chết đuối, trước sự cổ vũ của đám đông bàng quan tò mò gần đó về cảnh vừa chợt xuất hiện.
Ở một đại học khác chúng tôi nhái đề án - hỡi ơi đang tiến hành - đảo phôi di truyền, hay nói cụ thể hơn, đề nghị của Nghị viện Âu châu cấp bằng sáng chế cơ phận sống. Chúng tôi thấy đề tài làm thính giả ớn lạnh. Franca và tôi giải thích: những tổ chức đa quốc gia hùng mạnh khắp nơi thúc đẩy các Eurocrats sửa soạn một trò đáng làm truyện phim khoa học giả tưởng ghê rợn tựa đề "Đứa em thú vật của Frankenstein". Họ đang cố xin phê chuẩn nghị định cho phép các kỹ nghệ lấy bằng sáng chế sinh vật, hay một phần sinh vật, tạo từ kỹ thuật đảo phôi, hình như lấy thẳng trong sách "Phù thủy tập sự".
Sự thể thế này: bằng cách nhồi nắn cấu trúc di truyền của con heo, một khoa học gia tạo được con heo giống người hơn. Như thế ta dễ lấy trong con heo bộ phận mình chọn - lá gan, quả cật - và cấy nó sang người. Nhưng để bảo đảm bộ phận heo cấy không bị cơ thể từ chối, ta cần đem một số mẩu thông tin di truyền từ heo sang người. Kết quả: một con heo người (dù quý vị nói hiện đã có tùm lum rồi).
Và mỗi phần của sinh vật mới này, con heo người-hoá này, là đối tượng của đạo luật về bằng sáng chế; và bất cứ ai muốn dùng sẽ phải trả lệ phí tác quyền cho công ty "phát minh" ra nó. Các chứng bịnh nhẹ, dị dạng, bịnh truyền nhiễm - tùy ý hết, có giá hết...
Giáo hoàng buộc phải lên án trò phù thủy di truyền gớm guốc này. Ông gọi nó là tội chống nhân loại, chống phẩm giá loài người, và đau khổ nhấn mạnh tới tính hoàn toàn thiếu đạo đức không thể chối cãi của dự án.
Điều đáng sửng sốt là khi xảy ra chuyện này, một khoa học gia Mỹ, một phù thủy đáng nể - quý vị có thể đã đọc về ông ta trên sách báo - đã thành công trong việc cấy đầu khỉ. Ông ta cắt đầu hai con rồi đổi đầu. Sau khi giải phẫu, tụi khỉ chả thấy hay ho gì lắm. Thật ra, chúng tê liệt, và cả hai chết không lâu sau, nhưng thí nghiệm có kết quả, thế mới hay.
Nhưng rắc rối là ông Frankenstein tân thời này, một giáo sư White nào đó, đồng thời là thành viên xuất sắc củaViện Khoa học Vatican. Ai đó nên nhắc nhở Giáo hoàng.
A, chúng tôi diễn lại hài kịch tội ác này cho tụi nhỏ ở đại học, chúng cười lăn cười lộn. Chúng phê bình Franca và tôi: "Họ loạn thật, họ bịa mấy chuyện dị hợm quá chừng". Không một giây khắc, thậm chí không chút gờn gợn sống lưng nào, giúp chúng nắm được câu chuyện chúng tôi kể là thật.
Các cuộc tao ngộ này làm chúng tôi vững tin rằng việc của chúng ta là - theo lời nhà thơ lớn của Ý Savinio hô hào - "kể câu chuyện của chính mình". Việc của chúng ta như kẻ trí thức, như kẻ lên bục giảng hay sân khấu, và quan trọng nhất, là kẻ nói với giới trẻ, chúng ta không chỉ giáo dục phương pháp, chẳng hạn cách dùng cánh tay, cách điều khiển hơi thở, cách dùng bao tử, giọng nói, giọng nam the thé,
contracampo. Dạy kỹ thuật hay phong cách không đủ: chúng ta phải trình bày cho chúng chuyện đang xảy ra quanh mình. Chúng phải có khả năng kể chuyện của chúng. Một rạp hát, một bài văn, một diễn tả nghệ thuật thích đáng phải phát biểu cho thời đại của chính nó.
Gần đây dự một hội nghị lớn đông người, tôi cố giải thích tường tận, nhất là với các tham dự viên trẻ, một vụ xử ở Ý. Vụ án nguyên thủy là bảy vụ xử riêng rẽ, kết cuộc ba chính trị gia Ý tả khuynh bị kết án mỗi người 21 năm tù, tội đã giết một ủy viên cảnh sát. Tôi nghiên cứu hồ sơ vụ án - lúc chuẩn bị vở
Cái chết bất ngờ của một kẻ vô chính phủ - và ở hội nghị tôi thuật lại các dữ kiện liên quan, rất vô lý, thậm chí lố bịch. Nhưng đến một lúc tôi thấy đàn gảy tai trâu, đơn giản vì thính giả chẳng những không biết đến vụ án, mà cả chuyện xảy ra năm năm trước, mười năm trước: bạo động, khủng bố. Họ chả biết gì về các vụ thảm sát ở Ý, xe lửa nổ tung, bom ở
piazze [quảng trường] hoặc những vụ án nực cười kéo dài từ bấy đến nay.
Điều khó khăn đáng sợ là để nói về việc xảy ra hôm nay, tôi phải bắt đầu bằng việc xảy ra ba mươi năm trước. Nói về hiện tại không đủ. Và xin lưu ý, chẳng phải chỉ Ý thôi: tương tự ở khắp nơi, khắp Âu châu. Tôi đã thử ở Tây Ban Nha và gặp khó khăn tương tự; tôi đã thử ở Pháp, ở Đức, tôi chưa thử ở Thụy Điển, nhưng tôi sẽ thử.
Để kết luận, tôi xin chia sẻ huy chương này với Franca.
Franca Rame, bạn đồng hành trong đời tôi và trong nghệ thuật mà quý vị, các thành viên Viện hàn lâm, thừa nhận trong động cơ trao giải là nữ diễn viên và tác giả; người đã đóng góp trong nhiều kịch bản của rạp chúng tôi.
(Ngay đúng lúc này, Franca đang trên sân khấu rạp hát ở Ý nhưng sẽ gặp lại tôi sau ngày mai. Chuyến bay cô ấy đến giữa trưa, nếu quý vị thích tất cả chúng ta có thể cùng ra phi trường đón cô ấy.)
Franca có tài dí dỏm rất bén nhậy, tôi bảo đảm với quý vị. Một ký giả hỏi cô ấy như sau: "Sao, cảm tưởng làm vợ một người đoạt giải Nobel như thế nào? Có một tượng đài trong nhà hả?" Cô ấy đáp: "Tôi chả lo. Tôi cũng chả thấy bất lợi; tôi tập lâu rồi. Tôi tập thể dục mỗi sáng: bò cả tay chân ra, vì vậy tôi quen làm bệ lên tượng đài rồi. Tôi làm cũng khá." Như tôi đã nói, cô ấy có tài dí dỏm nhậy bén. Nhiều khi thậm chí cô ấy xoay ra châm biếm chính mình.
Không có cô ấy bên cạnh tôi, nơi cô ấy sống cả đời, tôi chẳng bao giờ hoàn thành công trình quý vị thấy xứng đáng. Chúng tôi cùng ra sân khấu và diễn hàng ngàn buổi, trong rạp hát, xưởng máy, biểu tình ngồi ở đại học, ngay cả ở nơi trước là nhà thờ, trong tù và công viên thành phố, dưới nắng và mưa rào, luôn luôn cùng nhau. Chúng tôi phải chịu lăng mạ, cảnh sát tấn công, kẻ-chính-trực sỉ nhục, và hành hung. Và Franca là người bị gây hấn tàn bạo nhất. Cô ấy phải trả giá đắt hơn bất cứ ai trong chúng tôi, bằng cổ và tứ chi, vì chúng tôi chọn đoàn kết với kẻ thấp kém và bị đánh đập.
Hôm loan báo tôi được trao giải Nobel, tôi thấy mình đứng trước rạp hát ở Via di Porta Romana ở Milan nơi Franca cùng Giorgio Albertazzi diễn vở
Quỷ có Vú. Thình lình tôi bị đám ký giả, phóng viên và đoàn truyền hình cầm máy quay phim vây quanh. Chiếc xe điện chạy ngang dừng lại, bất ngờ, tài xế bước ra chào tôi, rồi tất cả hành khách cũng bước ra, họ hoan hô tôi, và mọi người muốn bắt tay và chúc mừng tôi ... tới một lúc cả bọn ngừng lại và như đồng thanh kêu lên "Franca đâu?". Họ khởi sự gọi "Francaaa" tới khi, hơi lâu sau, cô ấy xuất hiện. Lúng túng và rưng rưng nước mắt, cô ấy bước xuống ôm tôi.
Lúc đó, như thể trên trời rơi xuống, ban nhạc xuất hiện, chỉ chơi kèn và trống. Ban nhạc trẻ con khắp nơi trong thành phố, và tình cờ lần đầu tiên chúng cùng hoà nhạc. Chúng chơi "
Porta Romana bella, Porta Romana" điệu samba. Chưa bao giờ tôi nghe trật nhịp như thế, nhưng đó là khúc nhạc đẹp nhất Franca và tôi từng nghe.
Hãy tin tôi, giải thưởng này cho cả hai chúng tôi.
Cám ơn quý vị.
© 2004 talawas
[1]Parnassian là tên của một nhóm thi sĩ Pháp thế kỷ 19 chủ trương tạp chí Le Parnasse Contemporain (1866-76). Ngược với chủ nghĩa lãng mạn thời ấy, Parnassian chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, viết những vần thơ lạ và cầu kỳ.
[2]Opus Dei là một tổ chức thế tục của Công giáo La Mã nhằm đưa giáo lý Ky Tô vào đời sống.
[3]Tên một hồ ở tỉnh Lombardy, bắc Ý.
[4]Angelo Beolco, kịch tác gia ở Venice, viết một loạt hài kịch hồi đầu thế kỷ 16 với nhân vật chính là chàng nông dân ranh mãnh tên Ruzzante.
[5]Molière (1622-73), tên thật là Jean-Baptiste Poquelin, nhà hài kịch lớn nhất của Pháp. Ông sản xuất, đạo diễn, và là diễn viên trong các vở kịch của mình.
[6]Trong thời Phục hưng ở Âu châu, Commedia dell'Arte là hài kịch do các diễn viên chuyên nghiệp đóng, trái với Commedia Erudita, hài kịch do diễn viên tài tử diễn trong cung đình và các học viện. Khác với commedia erudita, vở hài của commedia dell'arte không có kịch bản, các diễn viên ứng khẩu quanh một cốt truyện sơ lược.
[7]Po, con sông dài nhất nước Ý (652 km), chảy từ tây bắc gần biên giới Pháp qua hướng đông và ra biển Adriatic.
[8]Một lối diễn nói lắp bằng cách trộn âm thanh của nhiều ngôn ngữ Âu châu; Fo lần đầu tiên đưa vào vở Mistero buffo (Hài kịch tôn giáo, 1969)