trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
6.5.2008
Vũ Đình Lưu
Tinh thần hài hước trong văn nghệ
 1   2 
 
Cái cười trong viễn tượng đi tìm sự khai mở

Kinh nghiệm cho biết rằng ý thức được một nguyên lý cao siêu chưa phải là điều kiện quyết định của sự tiến bộ, điều quan trọng là biết khai thác những nguyên lý ấy và luôn luôn tìm sự bổ túc bằng những kinh nghiệm sống.

Do sự nhận xét này chúng tôi thiết nghĩ rằng sự soát xét lại kho tàng văn hoá cổ của ta không nên đặt trọng tâm vào chỗ chứng minh rằng văn hoá của ta cũng đã thể hiện những giá trị tinh thần và đạo đức như Tây phương và trở về “phát huy những giá trị truyền thống”. Tôi có cảm tưởng như mình sẽ đi đến chỗ bế tắc không tìm ra manh mối gì cả, và tôi luôn luôn nghĩ đến kinh nghiệm nói trên kia để tự đặt ra cho mình một phương pháp làm việc: tìm ra một nguyên lý phổ biến của hai nền văn hoá mình đem ra phân tích rồi phải bám chặt nguyên lý ấy và theo dõi sự phát triển của nó để biết với những hoàn cảnh nào nó tạo ra những hướng tiến bộ nào. Trong phạm vi khai thác nguyên lý ấy, không cần trở lại những chặng đường đáng lẽ phải qua mà đi ngay từ những kết quả mà người ta đã thu hoạch được. Thí dụ: Ta đã biết cười là ngôn ngữ thứ hai kết hợp với ngôn ngữ chính để bao trùm lên cả mọi hình thức diễn đạt tư tưởng, hành động và thái độ, ta không cần đóng khung nó vào loại hiền lành “rire de sédimentation” mà phóng nó ra những chân trời của văn nghệ, đưa nó vào lĩnh vực suy tư tìm nguyên lý đạo đức học như triết gia hiện sinh đã làm.

Thực ra chúng ta đã làm thế trong lĩnh vực gọi là sciences exactes. Nhưng trên các lĩnh vực khác sự việc lại không giản dị thế cho, thật là cả một mớ bòng bong, trên trái đất này ai cũng lúng túng như ai cả, không dám nói mình nắm được chân lý của cuộc sống. Chính vì thế mà có một vấn đề triết lý, một vấn đề bản thể học. Triết gia ngày nay đang bận tâm đi tìm một bản thể học khả thủ. Nói thế nghĩa là những bản thể học tân kỳ không trả lời vào sự yêu cầu của thời đại. Bởi vậy Heidegger có ý kiến đi tìm nền tảng cho siêu hình học. Không phải ông muốn làm cho câu chuyện thêm rối mù nhưng ông muốn tìm lối thoát từ chỗ phải bắt đầu.

Sau khi phân tích tình hình triết học, ông tuyên bố một câu làm cho mọi người chưng hửng: nền triết lý Tây phương đã cáo chung! Triết lý Tây phương đã tận dụng khả năng để sanh đứa con xinh đẹp của nó là khoa học kỹ thuật, nay đã đến lúc nó cáo chung. Người ta còn nên suy tưởng trong nền nếp suy tưởng ấy hay phải suy tư ngay cái tư tưởng của mình. Tư tưởng còn có nhiệm vụ gì? [1]

Ý kiến của ông làm rung chuyển cả một nền văn minh đang lúc có những tia sáng rực rỡ nhất xưa nay, dĩ nhiên liên hệ đến chúng ta, nhất là sinh hoạt văn nghệ. Văn nghệ muốn tìm lối thoát, không thể không nghe lời cảnh cáo của ông, không thể tự túc tự mãn trong vết cũ đường mòn của phong thể văn chương Tây phương thế kỷ thứ XIX hay là trở lại phong thể Chu Nho (đều không hợp với tâm tình con người thời đại đang vượt khuôn thước) mà phải hướng về một sự khai mở. Khai mở cái gì khác những nguyên lý của một nền triết lý đã làm thoát thai đứa con khoa học. Trong viễn tượng ấy văn nghệ xuất hiện như một hoạt động có tính cách trùng phức với triết lý, có hình tướng khác triết lý nhưng có sự trao đổi với triết lý. Chính vì sự nhất trí trong sự khác biệt ấy mà tư tưởng học thuật của một dân tộc tự tạo lấy một sắc thái riêng, tự nuôi dưỡng và tự vạch lấy con đường từ chỗ phải bắt đầu.

Heidegger muốn tìm lối thoát từ chỗ phải bắt đầu. Ta đồng ý chỗ ấy, vì ta cũng ở trong vùng chi phối gần như toàn diện của văn minh Tây phương.

Ông bắt đầu từ chỗ tìm sự khai mở nguyên lý siêu hình. Trước ông đặt vấn đề bản thể vào thời gian, bây giờ hình như ông muốn đặt vấn đề bản thể và cửa khai mở. Ta cũng đồng ý đi tìm sự khai mở nguyên lý siêu hình, đồng ý bắt đầu từ chỗ ấy. Nhưng từ đây trở đi mới có sự khó khăn.

Phong thể suy tư của ông là phong thể Hy Lạp/Thiên Chúa giáo đặt trên một mớ chiêm nghiệm kể cả của ý thức lẫn phi ý thức. Phi ý thức có thể là những huyền tượng [2] hay những kinh nghiệm nào khác, tức là những tiềm năng của mỗi khối dân tộc từ khi đã chung với nhau một lý tưởng sống. Ta có những tiềm năng khác với tiềm năng Hy Lạp/Thiên Chúa giáo. Trên lĩnh vực siêu hình, một sự suy tư có hiệu quả phải dựa vào những tiềm năng ấy. Như vậy chúng ta phải kể đến những sự kiện nói trên đây khi đi tìm sự khai mở

Khi đặt ra câu hỏi: “Có một thứ ngôn ngữ nào ở ngoài truyền thống suy tư, không phân biệt hữu lý và phi lý, nói lên chân lý mặc khải”, không hiểu Heidegger suy tư cái tư tưởng của mình thế nào?

*


Chúng tôi nghĩ rằng:

Triết lý Tây phương xuất hiện từ một cuộc hôn phối cưỡng ép giữa tinh thần Thiên Chúa giáo và tinh thần Hy Lạp [3] . Điểm lý thú là nó xoay quanh những huyền tượng: tội nguyên thủy (pêché orginal), sự cứu rỗi, sự phán xét cuối cùng. Từ những huyền tượng ấy đã thành hình những kinh nghiệm bản thể học.

Khi tuyên bố triết lý cáo chung và đi tìm sự khai mở ông vuốt về mấy câu thơ của Parménide có vẻ huyền bí, chúng tôi thoát dịch sau đây: “Nhưng mày phải học hỏi tất cả, học tới cái tâm bất động của sự khải thị viên thành, cũng như học hỏi sự hiểu biết của người đời không ăn nhập gì với sự khải thị viên thành ấy”. Chúng ta có cảm tưởng như ông nói thứ ngôn ngữ của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Nhưng ta nên để ý giữa phong thể suy tư của Ấn Độ và phong thể suy tư của Hy Lạp/Thiên Chúa giáo có một sự khác biệt cơ bản.

Cùng là triết lý đi từ cái “không”. Nhưng phong thể suy tư của Ấn Độ cổ kính quan niệm có một ranh giới cách biệt luân hồi với chân không, tư tưởng sở dĩ là có ở bên trong luân hồi. Bước qua ranh giới rồi không cần đến tư tưởng nữa vì đã hòa mình với chân không; chân không đối với luân hồi là vô ngôn bất khả tri luận. Tư tưởng là để chuẩn bị cho bước nhảy vào chân không và sự khải thị huyền cơ chỉ riêng cho người có chuẩn bị. Không có vấn đề diễn tả mặc khải ấy bằng ngôn ngữ có thể kiểm soát được.

Phong thái suy tư của Hy Lạp không thể chấp nhận được lập luận ấy. Đối với họ cái gì cũng phải minh bạch như 2 với 2 là 4 họ mới chịu chấp nhận. Thiên Chúa giáo thừa hưởng gia tài ấy cho nên từ Saint Thomas trở đi triết học lần hồi diễn đạt bằng ngôn ngữ trần gian có kiểm soát những huyền tượng của đạo giáo. Sự cố gắng của triết học là nắm lấy hình tướng của bản thể từ lúc xuất hiện ra cái cửa khai mở.

Như vậy ta nhận thấy ưu thế của Hy Lạp khi suy tưởng về sự khai mở huyền cơ.

Đối với loài người chỉ có sự khai mở dần huyền cơ chứ không bao giờ người ta biết hết huyền cơ. Khả năng trí tuệ chỉ cho phép khai mở dần dần, điều quan trọng là khai mở đến đâu ta lại phải dùng kết quả thu lượm được mà giải quyết cuộc sống.

Sự khai mở có nhịp nhàng, kịp thời thì sự giải quyết mới không thiên lệch. Sao vậy? Đã là chân lý mặc khải thì ta không có tiêu chuẩn để xét định giá trị, ta chấp nhận nó như đứa con nít đòi vơ lấy vú mẹ. Chỉ sau một thời gian thử thách có khi hàng ngàn năm mới nhận thấy thiên lệch, cần phải quân bình bằng những khai mở khác. Vấn đề là làm sao đạt được cái “thành” để sự khai mở đến với ta đúng tầm đúng lúc. Nhưng cái thành chỉ là một viễn ảnh, một hy vọng không bao giờ đạt được.

Chính vì hiểu được nhược điểm ấy của loài người cho nên người Trung Hoa với cái khôn ngoan thiết thực của họ, đã quyết định lấy một thái độ ghi lại trong sách Trung dung:

“Thành giả, Thiên chi đạo giả, thành chí giả nhân chi Đạo giả, Thành giả bất miễn nhi trung, bất tư như đãi; thung dung trung đạo, thánh nhân giã. Thành chi giả, trạch thiện nhi cố chấp chi giả giã”.

(Thành là đạo của Trời. Cố gắng cho thành là đạo của người. Thành thì không khó nhọc mà làm trúng, không lo nghĩ mà làm được. Thánh nhân mới thung dung mà trúng đạo. Người theo đạo chọn một đường rồi cố chấp theo mãi).

Đây là lời cảnh cáo nghiêm trọng cho vạn thế về sau nhất là những người tin tưởng vai trò lý trí vạn năng, muốn làm ông Trời. Họ đi vào con đường cố chấp.

Trong tinh thần “Đoàn chấp quyết trung”, Trung dung đề ra một số yếu lý mà nền học thuật ngày nay đã rọi thêm nhiều ánh sáng. Thí dụ như:

“Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân bất khả dĩ vi đạo”. (Đạo không xa người, người ta làm cho đạo xa người thì không thể làm xa người thì không thể làm nên đạo được”.

Danh từ angélisme xuất hiện sau kinh nghiệm đau thương của những người muốn làm thánh làm trời, đạo của họ xa người nên cũng tai hại như vô đạo. Nhưng cái khó vẫn không thể vượt được là làm sao biết được đâu là trung tâm của đạo, thế nào là doãn chấp quyết trung. Triết lý hiện sinh từ khước những yêu cầu tuyệt đối và quan niệm một thực trạng chỉ có yếu tính mơ hồ, chỉ có thể xây dựng một đạo đức học căn cứ vào sự mơ hồ ấy (Simone de Beauvoir), nhưng trong cái triết lý hướng về hành động hun đúc ý chí cương cường, người ta lại thấy ý muốn làm thánh xuất hiện dưới một khía cạnh khác: loại phụ nữ “hùng” của bà muốn tự quyết với tinh thần tự túc tự mãn khô rắn.

Tóm lại chưa bao giờ sự khai mở đến với loài người đúng tầm đúng mức. Xã hội hiện ra bộ mặt nào là do sự khai thác những khai mở huyền cơ. Ở vị trí Tây phương, nền văn minh ngày nay tương ứng vỡi những khai mở mà phương tiện chiêm nghiệm Hy Lạp/Thiên Chúa giáo đã cho phép lý hội để xây dựng triết lý và tư tưởng khoa học thích ứng với nền triết lý ấy.

Vậy vấn đề khai mở đặt ra ở ngoài lĩnh vực triết lý, ở chỗ tiếp giáp với huyền cơ, ở chỗ không có tiêu chuẩn để xác định giá trị. Thảm kịch bắt đầu từ đây.

Câu thơ của Parménide nhắn bảo ta học hỏi tất cả là bảo ta đứng ở vị trí này mà học hỏi.

Riêng chúng tôi, cầu đến túi khôn của người xưa thì thấy trong sách Trung dung có nhiều đoạn nhấn mạnh đến quỷ thần:

“Quỷ thần chi vi đức, kỳ thịnh hữu hồ! Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn, thể vật nhi bất khả di”. (Cái đức của quỷ thần thật là thịnh. Trông không thấy, nghe không được, nhưng ở đâu cũng có) (Trung dung, chương XVI).

Với ngôn ngữ ngày nay ta có thể gọi là những mãnh lực ở ngoài sự kiểm soát của tâm thức nhưng ngự trị trên một phần lớn đời sống con người, có thể là mãnh lực thuộc lĩnh vực lý hoá cũng có thể là mãnh lực ở trong thế giới tiềm thức của ta. Phân tâm học đã cố gắng đi vào lĩnh vực quỷ thần bằng sự thăm dò tiềm thức, nhưng chưa tìm được những nguyên lý phổ biến và công thức áp dụng phổ cập. Người xưa như nhắn nhủ ta rằng thế giới tâm tình cũng to rộng bí hiểm như những tiếng khác bên ngoài con người. Giữa một thời đại tâm ngụy đạo vi, điều cần cho con người bi quan, thác loạn và bối rối là một cái chìa khoá mở thế giới tâm tình bí hiểm đó để rồi tìm thấy những nguyên lý của một tâm hồn thư thái an hòa.

Ngày xưa đã biết xác định bản thể siêu hình của mình là:

“Cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành (Lễ ký, Lễ vận IX).

Triết lý Tây phương đã khai thác hết tất cả những lĩnh vực ấy chưa?

*


Trong viễn tượng đi tìm sự khai mở chúng tôi vẫn theo nguyên tắc làm việc tự đặt ra là soát xét giá trị không chú trọng về cách chứng minh rằng ta đã có những giá trị tinh thần tương đương với những giá trị của các dân tộc tiến bộ, nhưng chú trọng về cách tìm hiểu xem những giá trị ấy đã kết tinh đến mức nào để ngừng trệ và hoá ra những phản giá trị.

Nói đến kết tinh là nói rằng có tìm ra nguyên lý nhưng thiếu sáng kiến, không biết khai thác đúng mức, không biết tận dụng khả năng, không biết làm xuất hiện những chiều hướng mới, không biết thích ứng với tình thế mới. Cái cười của ta, muốn thoát khỏi tình trạng kết tinh, muốn thoát khỏi tình trạng một phản giá trị, phai mờ tính chất tích cực xây dựng mà trở thành một ngón châm chọc xỏ xiên tố cáo sự hằn học đố kỵ, muốn thoát khỏi tình trạng ấy, thì ta phải tìm cho nó một lối thoát, chấp nhận nó là ngôn ngữ thứ hai phụ tá ngôn ngữ chính len lỏi vào các lĩnh vực hoạt động tâm thần từ thấp đến cao. Nó trở thành khí giới xỏ xiên châm chọc chính vì nó không có lối thoát.

Nhiệm vụ của văn nghệ chính là kiểm soát cái cười, văn nghệ hoá cái cười. Thực ra ta văn nghệ hoá nó đã lâu rồi chỉ không đặt vấn đề kiểm soát hữu hiệu mà thôi. Ngoài đời sống, sự xã giao đã trật tự hoá cái cười để làm cho sự ứng thú thêm tốt đẹp. Triết học hiện sinh từ Kierkegaard trở đi đã tìm nguồn hứng tư tưởng trong tinh thần hài hước, hẳn nó không còn là khí giới châm chọc xỏ xiên hay nhạo báng thô lỗ, nhưng trở thành nấc thang dẫn dắt tiến trình tư tưởng siêu thăng lên lĩnh vực đạo đức học và tôn giáo, lĩnh vực chân lý mặc khải.

Nói kiểm soát cái cười là nói đến sự hạn chế, vậy phải nói rõ hạn chế thế nào để không ngăn cản bước tiến của nó mà không cho nó rẽ sang những ngõ ngách thiên lệch. Cả một sự rắc rối. Chúng tôi chỉ đưa ra một ý kiến riêng.

Chúng tôi muốn hiểu là dùng hình thức cao nhã của tiếng nói và ý tưởng để diễn tả cái cười. Nhờ sự cao nhã ấy mà chúng ta tiết chế hay loại bỏ được cái gì là sống sượng khiêu khích để giúp cho sự ứng thú thêm tốt đẹp và giúp cho tâm hồn thăng tiến trong sự khai mở ý thức đạo đức.

Nói đến hình thức cao nhã của tiếng nói và ý tưởng là có ý loại bỏ những luận điệu chỉ dùng lời văn vẻ để ám chỉ những ý tưởng thô bỉ, dâm ô, xỏ xiên v.v… Sự thanh trừng gắt gao thật, nhưng đó là nhiệm vụ mà văn nghệ phải làm. Nó không chặn đường tiến triển của văn nghệ đâu, vì thực ra một nhà văn chân chính bao giờ cũng chấp nhận tiêu chuẩn ấy chỉ có những người đi bước về hình thức mới phải cầu đến những luận điệu nói trên kia để cho văn minh hào nhoáng mà thôi.

Để cho sự nhận định được dễ dàng, ta phân định cái cười văn nghệ và cái cười không văn nghệ. Cái cười văn nghệ trả lời vào sự cao nhã, cái cười không văn nghệ trả lời vào sự bỉ lậu. Ta đả phá cái cười thể hiện qua lời văn và ý tưởng thô bỉ, dâm ô, xỏ xiên tức là ta cho rằng cái cười ấy bỉ lậu.

Cách nhận định của chúng tôi hầu như không thực tế vì biết thế nào mà bảo những luận điệu châm chọc, khích bác, khiêu khích, xỏ xiên là bỉ lậu? Khôi hài khai thác những ngông cuồng, ngang trái, dởm đời, đem ra làm trò cười như thế không là châm chọc xỏ xiên thì còn là gì nữa? Nhà nho báng bổ cả thần thánh, vua quan tức là châm chọc, khích bác cả một lớp trật tự xã hội hình thành mà mọi người chấp nhận. Sân khấu Tây phương bây giờ cũng có một phong thái báng bổ như thế, họ muốn lật nhào cả những giá trị văn minh, họ châm chọc không phải một vài người mà tất cả một tập thể, họ không hiểu từ như các cụ thâm nho. Họ đánh trống phách ầm ĩ, la lối om sòm. Lại còn ý niệm khiêu dâm nữa. Hình như trước đây tôi còn nhớ ông Hồ Hữu Tường đã có lần yêu cầu làng văn định nghĩa cho thế nào là khiêu dâm đã rồi hãy xét định thế nào là văn nghệ khiêu dâm.

Nhưng thật ra chính vì những khó khăn ấy mà có một vấn đề văn nghệ, văn nghệ không thể làm như xã giao, thấy khó khăn thì nói lảng sang chuyện khác, không nói đến nữa cho khỏi mất lòng những đối thoại; trái lại văn nghệ phải xông thẳng vào chiến địa như Don Quichotte xông thẳng vào cái cối xay gió.

Nghệ thuật của nhà văn không phải là loại bỏ một số tình trạng xã hội đáng chỉ trích, chỉ giữ lại một số để dùng, bởi vì chỉ có sự quan sát toàn thể tình trạng xã hội mới lột được tinh thần xã hội. Với sinh khí sáng tác của họ, với tài sử dụng ngôn ngữ của họ, họ làm cho cái cười không còn vẻ bỉ lậu mà hoá ra cao nhã.

Hài hước khác tiếu lâm ở chỗ hài hước tìm ra một phong thái cao nhã của cái cười để chỉ trích. Tiếu lâm cũng chỉ trích nhưng trong phong thái cười bỉ lậu. Cao nhã và bỉ lậu khác nhau ở chỗ phản ảnh hai tâm hồn khác biệt nhau về trình độ thẩm mỹ và đạo đức. Bỉ lậu tố cáo một tâm hồn chật hẹp nông cạn giam hãm trong thành kiến và lề lối quen thuộc, hay chỉ biết có tiếng nói của thú tính và sự hằn học đố kỵ. Cái cười gợi ra phản chiếu những sự kiện đó. Cao nhã tố cáo một tâm hồn có ý thức cao đẹp về cuộc sống, vượt lên trên thường tình và thành kiến, để cái cười gợi ra phản chiếu ý thức ấy và thức tỉnh người đời để họ lý hội ý thức ấy. Về phương diện xã hội, cái cười cao nhã trả lời vào loại cười đón tiếp, cái cười bỉ lậu trả lời vào loại cười xua đuổi. (Theo cách chia loại của E. Dupréel, Sociologie générale. P. Universitaires de France). Như vậy, một cách khôi hài dù có lời lẽ văn vẻ nhưng phong thái bỉ lậu, cũng nên xếp vào loại tiếu lâm.

Người ta chấp nhận hài kịch phản sân khấu của Tây phương vì phong thái cười cao nhã chi phối luận điệu chỉ trích và đằng sau sự lợm giọng, sự nôn mửa, còn hiện lên ý thức về tình trạng bế tắc của một xã hội đến lúc phải tìm lối thoát.

Văn nghệ phải đưa ra những cáo trạng chân thực đáng tin cậy, cái mà chúng tôi gọi là hình thức cao nhã của tiếng nói và ý tưởng không thể phản bội cáo trạng. Chính vì văn nghệ đồng ý với ý thức tập thể về đời sống máy móc, với sự nhận định của triết gia, cho nên Heidegger mới có thể đánh trúng tim đen làm cho mọi người giật mình khi ông tuyên bố sự cáo chung của triết lý (Tây phương). Nói một cách khác là văn nghệ đã đi bằng một đường lối khác đến cùng một kết luận như triết lý. Văn nghệ, ý thức tập thể, lương tâm con người thời đại, lịch sử, các ngành học vấn, tất cả đều gặp nhau và hô to: O.K.! Chúng ta đi tìm một khai mở khác.

Cái cười của ta, với sự tiến triển đến mức độ cao nhã, đòi hỏi được bộc lộ qua một nội dung phong phú bao trùm lên mọi khía cạnh sinh hoạt để thích ứng với tình trạng mới để đương nổi vai trò của nó trong nền học thuật; học thuật phải đưa đến chỗ khai mở một chân lý nào đó. Ngôn ngữ là phương tiện của văn nghệ mà hài hước có địa vị quan trọng của nó, ngôn ngữ phải làm được cái gì đáng tin cậy cho nền học thuật. Hãy mở cửa ra đón gió bốn phương. Sự bảo đảm hữu hiệu nhất cho văn nghệ là tinh luyện cách nhìn và khẩu khí của nhà văn chứ không phải ngăn đón rào quanh cẩn thận phạm vi hoạt động của văn nghệ để cho “cạn dòng lá thắm đứt đường chim xanh”.

Bàn về cái cười cao nhã và cái cười bỉ lậu là một việc làm có ý nghĩa chấn chỉnh cái cười, thanh lọc về phẩm chất. Điều quan trọng hơn là khơi dòng cho sự hài hước phát triển về lượng, tận dụng khả năng trong các khu vực và bộ môn của văn nghệ học thuật ngày nay. Vấn đề hài hước sẽ trở nên một thành phần của vấn đề nghệ thuật tiểu thuyết, sân khấu, phê bình, tiểu luận, luận thuyết v.v… đặt trên viễn ảnh một tiến trình khai mở chân lý…

Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ nhất tam cá nguyệt 1967, tập 1, trích từ trang 49 đến trang 77. Chi phiếu, bưu phiếu đề tên ông Nguyễn Đình Vượng. Thư từ, bản thảo, ấn phẩm đề tên ông Trần Phong Giao. Giao thiệp trực tiếp về mọi việc xin hỏi ông Gia Tuấn. Số 38, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Điện thoại: 23.595. Giá 30 đồng. Bản điện tử do talawas thực hiện.






[1]Đại ý bài tham luận tại phiên hội thảo kỷ niệm Kierkegaard tại UNESCO năm 1964.
[2]mythe.
[3]Emile Bréhier: "Y a til une philosophie chrétienne?" Etudes de philosophie moderne. Presses Universitaires de France.