trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
3.5.2008
Trần Ngọc Cư
Elite là một từ miệt thị?
 
Tôi có cảm giác kì lạ khi đọc bài viết của tiến sĩ Đức Uy về nhà văn Nguyễn Đình Thi trên Tuần Việt Nam, VietNamNet, 17-4-2008. Nếu tiến sĩ Đức Uy viết bài này là để vinh danh ông Nguyễn Đình Thi, thì văn phong và nội dung bài viết không phục vụ cho mục đích ấy chút nào, mà trái lại, nó chỉ tạo nên nhiều phản cảm hơn là gây ấn tượng tốt đẹp về nhà văn “ưu tú” Nguyễn Đình Thi. (Tôi dùng “ưu tú” để tạm dịch “élite”, một từ cưng, pet word, của tiến sĩ Đức Uy.) Tuy nhiên, tác dụng tổng thể của bài viết có thể soi rọi cho người đọc ít nhiều về bức tranh toàn cảnh của đời sống văn hóa Việt Nam hiện nay.

Hình như con lắc chính trị-xã hội đã đưa hẳn về hướng đối nghịch. Bây giờ người ta không còn hãnh diện về giai cấp vô sản và thù ghét “trí, phú, địa, hào” như xưa. Vẫn còn rất coi trọng thành phần giai cấp, nhưng ngày nay người ta làm nổi bật hào quang của giai cấp tư sản, trí thức thành thị, mà tiến sĩ Đức Uy mô tả bằng từ “élite”, giới tinh anh hay thành phần ưu tú, nếu không nói đây là giới đặc quyền đặc lợi, của một xã hội. Qua bài viết của tiến sĩ Đức Uy, người đọc có thể phát hiện “phẩm chất ưu tú” (elitism) sau đây của Nguyễn Đình Thi: Ông ta không những chỉ là thị dân mà còn là tinh anh của Hà Nội - Hà Nội thời còn thực dân Pháp, nghĩa là có tiếp cận với văn hóa phương Tây, và đây mới là điều đáng kể. Người đọc không biết ông Nguyễn Đình Thi có vợ con gì không, nhưng theo tiến sĩ Đức Uy, Nguyễn Đình Thi có một người yêu là bà đầm Madeleine Riffaud và ông đã viết đến 1000 lá thư tình cho bà ấy. Tiến sĩ Đức Uy nói ra điều này với một lương tâm bình thản, như một điều được đạo lí xã hội chấp nhận và là phẩm chất “elite” đáng hãnh diện của người trong cuộc. Xin trích:

“Song than ôi, trong đời thực, năng lượng sáng tạo của con người như một hữu hạn bị đầu tư, chi phối vào các công việc hành chính quan liêu sự vụ hàng ngày, thi thoảng đan xen, điểm xuyết những giây phút tự do với người tình ("1000 bức thư tình với Madeleine Riffaud", chứ không phải với người đàn bà Việt nào).” [Người viết xin phép in đậm.]

Chưa hết, Nguyễn Đình Thi còn là kết tinh của hai nền văn minh vĩ đại của nhân loại:

“Nguyễn Đình Thi hầu như là người duy nhất trong giới văn nghệ sĩ của Việt Nam là con đẻ của hai dòng máu không có gốc Việt (bà ngoại của nhà thơ là người Trung Hoa, tên là Nìn Thị Hà, còn cụ cố ông là người Chà Và (Ấn Độ) chuyên đi tính toán sổ sách giúp các nhà buôn vải) nên tất yếu mang gen của hai nền văn minh lớn của nhân loại: sông Hằng (Ấn Độ) và sông Hoàng Hà (Trung Hoa).”

À ha! yếu tính của phẩm chất ưu tú trong con người Việt Nam phải là phi-Việt Nam. Tôi thật sự rùng mình khi đọc nhận xét trên của tiến sĩ Đức Uy. Hơn thế nữa, với đà phân hóa xã hội hiện nay và hố cách biệt giàu-nghèo, thành thị-nông thôn ngày một bành trướng, chẳng còn bao lâu nữa Việt Nam sẽ có một xã hội đẳng cấp (caste system) theo truyền thống Ấn Độ. Xây dựng và cũng cố giới “elite” phải chăng là một phát triển phù hợp với chiều hướng đẳng cấp hóa xã hội theo kiểu này.

Tôi đánh giá cao bài viết của tiến sĩ Đức Huy không phải vì nó phản ảnh đời tư của nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhưng vì nó phản ánh tư duy của nhiều người “có trình độ” (còn được gọi “trí thức”) đang sinh hoạt trong bầu khí văn hoá Việt Nam hiện nay. Sự thể báo Tuần Việt Nam của VietNamNet cho đăng một bài như thế này (của một vị tiến sĩ) cũng nói lên ít nhiều về xu thế chủ đạo (prevailing trend) trong đời sống chính trị-xã hội-văn hóa Việt Nam – elitism là tên gọi của xu thế này. Trong chính trị, đảng viên cộng sản thuộc về giới “elite” của bộ máy điều hành đất nước. Điều này được qui định bằng Điều 4 Hiến pháp. Từ việc giữ độc quyền lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản có phương tiện trấn áp sư cạnh tranh kinh tế của các thành phần xã hội ngoài đảng, để nhiên hậu những đảng viên cấp cao trở nên những người giàu có nhất nước, nghĩa là đồng thời họ thuộc giới “elite” trong lãnh vực kinh tế. Chủ trương đào tạo giới tinh anh (elitism), phải đọc là giới đặc quyền đặc lợi, còn được biểu hiện rõ nét trong chính sách giáo dục của Việt Nam. Ngoài trường chuyên, trường điểm, hiện nay trường quốc tế (international schools) thi nhau mọc lên ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chắc cũng nhằm đào tạo và cũng cố giới “elite” của đất nước nghèo đói này. Chức năng đặc biệt của những trường quốc tế trước hết là chuẩn bị cho con em của giới chóp bu theo đuổi việc học ở nước ngoài. Ở đây con cái của giới “elite” đi theo chương trình học của nước ngoài, và nhờ thế khỏi phải bị hành hạ bởi những bài học chính trị vừa giáo điều vừa vô bổ, mà con em của tuyệt đại đa số phải chịu đựng và do đó hi sinh ít nhiều thanh xuân trong những năm đèn sách của mình. Chi phí mà phụ huynh phải trả cho một con em theo học trường quốc tế ở trong khoảng trên, dưới 10.000 Mĩ kim một năm, gấp hơn 10 lần thu nhập đầu người Việt Nam trong một năm. Theo thống kê, chỉ khoảng 20 phần trăm du học sinh, sau khi tốt nghiệp, chịu trở về sinh sống ở Việt Nam. Như thế, sau khi các chương trình ODP (Orderly Departure Program), HO (Humanitarian Operation) hết hiệu lực, trường quốc tế mở ra một cơ hội di dân cho giới “elite” Việt Nam hiện nay, một dạng ra đi có trật tự (ODP) được nối dài.

Xem ra, có nhiều người khá ngây ngất với từ “elite” này - thường được dịch ra tiếng Việt là “giới ưu tú” hay “giới tinh anh”, nghe rất tích cực. Nhưng họ đã quên rằng ý nghĩa của nó biến thiên theo thời gian, không gian, và không nhất thiết luôn luôn có ý nghĩa tốt đẹp. Theo bách khoa tự điển mạng Wikipedia, từ này được định nghĩa như sau: Trong xã hội học cũng như trong ngôn ngữ thông thường, giới “elite” là một nhóm nhỏ nổi trội trong một xã hội to lớn hơn, được hưởng tư thế ưu đãi, và được trọng vọng bởi những cá nhân có địa vị xã hội thấp kém hơn trong cơ cấu của một nhóm (In sociology as in general usage, the élite is a relatively small dominant group within a larger society, which enjoys a privileged status which is upheld by individuals of lower social status within the structure of a group). Giới élite của một xã hội luôn luôn tìm cách đặt rào cản để chận đứng sự xâm nhập của các thành phần xã hội khác, nhằm duy trì thế độc tôn của mình, vì thế những cụm từ như “giới đặc quyền đặc lợi”, “giới thượng lưu”, hay “giới chóp bu” sẽ có ý nghĩa gần gũi hơn với từ “élite” hơn những từ như “giới tinh anh” hay “giới ưu tú”. Elitism vì thế là phản đề của chủ nghĩa bình dân (populism) và chế độ dân chủ. Trong tự điển American Heritage Dictionary, elitism được định nghiã là: (1) tín lý cho rằng một số người nào đó hay thành viên của một giai cấp hay phe nhóm nào đó xứng đáng được hưởng sự biệt đãi nhờ tính ưu việt trí thức, địa vị xã hội và nguồn lực tài chánh (the belief that certain persons or members of certain classes or groups deserve favored treatment by virtue of their perceived superiority, as in intellect, social status, or financial resources); (2) sự kiểm soát, cai trị hay thống trị của một nhóm hay giai cấp như thế (Control, rule, or domination by such a group or class).

Vì một thuộc tính tiêu cực của giới đặc quyền-đặc lợi (elite), là xa cách đại chúng, một chính trị gia của xã hội dân chủ sẽ cảm thấy xúc phạm nặng nề khi bị đối phương miệt thị là “elitist”. Cách đây mấy hôm thôi, Michelle Obama, vợ của ứng cử viên đảng Dân chủ Mĩ Barack Obama, đã phản ứng dữ dội khi chồng bà bị chỉ trích là có những phát biểu “elitist”. Trước đó, Barack Obama đã khinh suất gọi những cử tri thị trấn nhỏ là những người có đầu óc hẹp hòi, chỉ quanh quẩn với việc đi nhà thờ và chơi súng – đây cũng là những thuộc tính của khối cử tri da trắng lao động (working-class white voters). [1] Bà Obama phải lên tiếng kể khổ, rằng chồng bà vừa mới trả xong món nợ vay để ăn học trong thời kì sinh viên (student loan), rằng chồng bà được nuôi nấng gieo neo bởi một bà mẹ đơn chiếc, chứ không phải được đẻ bọc điều. Trong cuộc chạy đua chứng tỏ mình là người gần gũi, dễ tiếp cận nhất đối với đại chúng, thượng nghị sĩ Hillary Clinton cũng khoe rằng gia đình bà là “first family” nghèo khổ nhất trong vòng 100 năm qua. [2]

Nghịch lí kỳ thú ở đây là, trong khi ứng cử viên của một nước tư bản đầu sỏ sợ bị đồng hóa với giới “elite” thì trí thức của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam rất hí hửng được xếp vào giai tầng xã hội này. Chí it là qua lăng kính của tiến sĩ Đức Uy và những thành phần chia sẻ nhân sinh quan của ông. Xin mời độc giả thưởng thức đoạn kết trong bài viết của tiến sĩ Đức Uy:

“Nguyễn Đình Thi không phải là người xuất thân từ gốc bần cố nông, nông dân, công nhân, quân nhân, ông là người của giới tiểu tư sản - tư hữu, làm văn nghệ, hành nghề không phải vì kinh tế như Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài. Sự hành nghề của ông vừa như một sự tự thực hiện, tự thân hoặc do yêu cầu của kháng chiến - cách mạng...

Nếu còn sống, Nguyễn Đình Thi sẽ là nhà văn hóa - nghệ sĩ của tầng lớp giàu mới - hữu sản, trung lưu giàu có, được học hành bài bản, có văn hóa - một giai tầng xã hội mới theo dự báo không lạc quan tếu sẽ nảy sinh ở Việt Nam vào khoảng năm 2010 trở đi...”

Người đọc không khỏi tự hỏi trong thời Cải cách Ruộng đất, trong vụ Nhân văn - Giai phẩm, trong khi rất nhiều văn nghệ sĩ chịu thương khó, ông Nguyễn Đình Thi đứng ở lập trường nào mà có sự nghiệp viên mãn như thế? Trở lại với từ “elite”: nếu có một lời khuyên nào cho các du học sinh Việt Nam hiện đang ở Mĩ, thì lời khuyên đó là, không nên tự mô tả mình là thành phần của giới elite. Đến cả Obama cũng không dám nữa mà.

© 2008 talawas



[1]“Obama’s Bitter Lesson” http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,1731872,00.html
[2]“Michelle Obama on Elitism” http://thecaucus.blogs.nytimes.com/2008/04/15/michelle-pa/