trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
20.1.2003
Nguyễn Hòa
Giải thưởng văn học - niềm vui ngắn chẳng tày gang!
 
Lâu lắm rồi, công chúng chờ đợi những tác phẩm văn học thật sự chất lượng hơn, hấp dẫn hơn, có khả năng sống với thời gian hơn... Nhưng càng chờ càng vô vọng, nên người ta bắt đầu ít quan tâm tới những tác phẩm được trao giải thưởng ở nơi này nơi khác. Và đã có một câu hỏi được đặt ra: phải chăng các giải thưởng văn chương cứ tiếp tục xoàng xĩnh như vậy hay sao?
                                                                                                               
Ðã trở thành thói quen trong vài năm nay, khi danh sách Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn được công bố người ta mới tò mò tìm đọc và  thường thì sau khi đọc xong người ta lắc đầu, người ta cười mỉm, rồi người ta quên luôn. Tình cảnh này xem ra cũng không khác nhiều so với kết quả một số cuộc thi văn chương khác được tổ chức trong năm. Một lần được cử tới tham dự lễ trao giải thưởng cuộc thi bút ký do một cơ quan thông tấn nọ tổ chức. Thấy tên người đoạt giải Nhất lạ hoắc, tôi nghĩ chắc đây là một cây bút mới. Nhưng khi tác giả lên nhận giải, tôi sững người bởi đó là vợ ông trưởng ban tổ chức cuộc thi. Còn sững người hơn bởi hầu như tất cả các tác giả được trao giải đều đang công tác tại cơ quan thông tấn kia, người ngoài cơ quan chỉ có đúng ba nhà văn cùng được trao giải ba - hẳn là họ có mặt để “bảo đảm tính khách quan” và giúp làm sang trọng cho cuộc thi! Lại thấy sự có mặt của mình có cái gì đó khôi hài!
           
Nếu ai đó hỏi tôi đánh giá chất lượng các tác phẩm được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn những năm gần đây, tôi lại có thể dứt khoát trả lời: tôi thấy buồn. Buồn vì lẽ trong điều kiện văn học đang rơi vào cuộc “khủng hoảng thiếu tác phẩm hay” mà tại sao năm nào người ta cũng “cố tìm ra” năm bảy tác phẩm để trao giải thưởng. Buồn vì lẽ sau khi trao giải thưởng người ta lại thích thú tổ chức rùm beng những cuộc hội thảo, chủ yếu để bốc thơm một số tác phẩm được trao giải. Ðến mức, mỗi khi nghe phong thanh hội thảo về một cuốn sách đã được trao giải thưởng, tôi có thể phỏng đoán gần như chính xác thành phần những người tham dự, thậm chí có thể đoán biết họ sẽ phát biểu như thế nào! Ðọc các ý kiến được trình bày trong những hội thảo kiểu đó, tịnh không thấy một lời chê bai, chỉ thấy la liệt những mỹ từ hào nhoáng và những lời tán tụng đủ để ghi danh tác phẩm vào lịch sử văn học. Nhưng than ôi! Những sản phẩm văn chương “quý hiếm” ấy vẫn cứ vắng bóng trên văn đàn, vẫn cứ nằm chỏng trơ giữa các quầy sách và nếu số lượng phát hành có đạt tới một tỷ lệ nào đấy thì chủ yếu là do tác giả biếu - tặng mà thôi.
           
Cuối năm 2002 vừa rồi, tôi thật sự ngạc nhiên về sự có mặt của tập Tìm trầm (Nguyễn Xuân Thâm) trong danh sách Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn, và bên cạnh đó, không đánh giá cao tập Thời hoa đỏ (Thanh Tùng) tôi còn hoài nghi chất lượng của một số bài trong Ném câu thơ vào gió của Bằng Việt. Tập thơ này chỉ khá ở mấy bài đầu, rồi cứ thế đuối dần, có bài thì miên man tạo nên cảm giác tác giả không biết dừng cảm xúc ở đâu. Lại nữa là đôi khi tứ thơ được “phát hiện” chỉ là những triết lý cũ rích về lẽ đời, lẽ người mà có lẽ chỉ riêng tác giả là thấy “mới”. Và tôi còn thấy có cái gì đó thiếu thuyết phục vì Bằng Việt làm thơ để “ném vào gió” - một động thái nếu không nói là “phi thơ” thì cũng có thể xem là hắt hủi Nàng Thơ. Tuy thế cũng cần nói thêm đôi chút về Sóng reo của Nguyễn Ðình Thi - tập thơ nhận giải Ðặc biệt, tức là không nằm trong hệ thống giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn. Sóng reo, theo tôi là sáng tác của một tâm hồn thơ. Nguyễn Ðình Thi làm thơ từ cảm xúc chân thực, và tài năng của ông đã cung cấp cho cảm xúc hình thức của những câu thơ tài hoa, và Sóng reo mang trong nó những sáng tạo cần ghi nhận.
           
Tương tự như vậy, danh sách các tác phẩm văn xuôi được trao giải B và Tặng thưởng cũng không mang lại một sự hào hứng. Căn cứ vào chất lượng có nhỉnh hơn của chúng, tiểu thuyết Cuộc đời dài lắm (Chu Lai) và tập truyện ngắn Một loài chim trên sóng (Ðỗ Chu) được trao giải là không nằm ngoài dự đoán của dư luận văn học. Nhưng liệu có thể coi là có “con mắt xanh” khi trao Tặng thưởng cho Tự sự 265 ngày của Hồ Anh Thái - một tập truyện ngắn có lối văn chương mang chất phúng dụ kiểu thị dân, đọc một truyện có thể biết mười truyện còn lại trong tập, có truyện càng đọc càng thấy tác giả “bịa” không như thật và cả tập rặt một giọng của Phạm Thị Hoài đã sử dụng trong Marie Sến? Ðọc các tiểu thuyết được Tặng thưởng của Hội Nhà văn năm qua, bên sự bất ngờ về Tặng thưởng khiêm tốn dành cho Mây cuối chân trời (Nguyễn Trọng Oánh) tôi còn ngỡ ngàng về sự có mặt của Người giữ đình làng (Dương Duy Ngữ). Mây cuối chân trời tuy còn sơ sài thì nó vẫn mang một số phẩm chất của tiểu thuyết, còn Người giữ đình làng chỉ là một cuốn sách văn chương nôm na, kể lể dông dài, khô khan, nhan nhản các cuộc họp và là nơi “trình diễn” sự hiểu biết về phong tục làng xã của một ông nhà văn đã nhận đến mấy giải thưởng, tặng thưởng của Hội Nhà văn mà vẫn chưa trở thành nhà văn đích thực, bởi có mấy người biết ông là ai. ấy là chưa nói ở trang 235 của cuốn tiểu thuyết này thấy có in mấy chữ kinh dị, phải nói là độc nhất vô nhị trong sách văn học xuất bản ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, là: “(Kiểm duyệt cắt bỏ)”! Nếu coi đây là những tác phẩm khá nhất trong năm 2001 (Giải thưởng năm 2002 dành cho các tác phẩm xuất bản năm 2001) thì quả là văn chương xứ ta đang thật sự có vấn đề!
           
Chất lượng thấp của Giải thưởng văn học năm 2002 không chỉ thể hiện qua việc trao giải cho các sáng tác văn học mà còn thể hiện qua việc trao giải và tặng thưởng cho hai tác phẩm lý luận phê bình. Ðọc Chân dung văn học (Hoài Anh) chỉ thấy khâm phục công phu sưu tầm, tư liệu phong phú, khả năng viết của tác giả, còn về mặt “lý luận phê bình” thì hơi mờ nhạt. Chưa nói, từ góc độ khoa học có thể đặt ra một câu hỏi có liên quan tới tính xác thực về ý kiến của một số nhà văn đã quá cố được tác giả đưa vào cuốn sách. Còn Văn học về người lính - tác phẩm được Tặng thưởng, tuy có ít nhiều mang tính “lý luận phê bình” thì dẫu có quý mến nhà văn Ngô Thảo đến đâu tôi vẫn xin nói thật điều mình nghĩ sau khi đọc cuốn sách này rằng: nó không mang phát hiện mới, và nếu các bài viết trong Văn học về người lính không được in thành tập thì chúng cũng sẽ chìm vào quên lãng. Hai cuốn sách này liệu có nhanh chóng nối bước những cuốn cùng thể loại được trao giải thưởng Hội Nhà văn các năm trước để cùng dắt tay nhau lùi vào ký ức của những ai có duyên nợ với lý luận - phê bình? Từ góc nhìn của mình, tôi tin đây là thực tế nhãn tiền!
           
Trình bày trung thực những nhận xét cá nhân trên đây thật sự là một khó khăn, bởi có thể không làm vừa lòng ai đó. Song biết làm sao được, nếu chúng ta trông đợi một thái độ nghiêm khắc hơn trong sự định giá, và hơn thế nữa, hẳn không ai trông đợi các giải thưởng văn học lại tồn tại như những “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần làm quen với thực tế: căn cứ vào tình hình văn học, không nhất thiết phải tìm ra một vài cuốn sách để trao Giải thưởng văn học hàng năm. Phải chăng đó là một phương cách lấy lại uy tín của Giải thưởng, và cũng là một phương cách giúp nhà văn nhìn thẳng vào chất lượng sáng tác của mình?
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại số 8 ra ngày 18.1.2003