trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
26.4.2008
Lã Nguyên
Đôi điều ghi nhận sau một chuyến đi
(Tản mạn về đổi mới lí luận văn nghệ ở Trung Quốc)
 
Ảnh tác giả ở Thảo Lư của Đỗ Phủ tại Thành Đô, Tứ Xuyên, nơi nhà thơ đến để lánh nạn An Lộc Sơn
Đó là chuyến đi đầy thú vị của chúng tôi. Đoàn chúng tôi có 9 người, tất cả đều là thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước: Các khuynh hướng cơ bản của lí luận văn học thế giới thế kỉ XX. Phải có cả núi sách mới tập hợp đủ tư liệu làm cơ sở để giải quyết một đề tài rộng lớn như thế. Không thể đến các nước Âu, Mĩ do kinh phí hạn hẹp của đề tài, chúng tôi nghĩ ngay đến Bắc Kinh, vì đó là một trong những “Chợ Sách” thuộc loại lớn nhất thế giới. Ngoài việc tìm sách, chúng tôi đã làm việc với Hội nhà văn Trung Quốc, Sở Nghiên cứu văn học Trung Quốc, Hội nghiên cứu Lí luận văn học Trung Quốc và nước ngoài, Trung tâm nghiên cứu lí luận văn học Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Bộ môn Lí luận Đại học Bắc kinh, Hiệp hội nhà văn Thiểm Tây ở Tây An, Bộ môn lí luận văn học Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô… Đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp thân tình và thái độ trọng thị của các đồng nghiệp Trung Hoa. Bước vào phòng họp của các cơ quan ấy, chỗ nào tôi cũng thấy họ căng cả biểu ngữ viết chữ lớn để chào đón đoàn chúng tôi. Chúng tôi đã có được những cuộc toạ đàm cởi mở và rất mực bổ ích với những chuyên gia văn học hàng đầu của Trung Hoa, như Trần Kiến Công (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc), Trương Quýnh (Chủ tịch danh dự Hội Nhà văn Trung Quốc), Tiền Trung Văn (Chủ tịch Hội Lí luận văn học Trung Quốc và nước ngoài), Lí Tinh, Xương Quảng Nguyên (Hiệp hội nhà văn Tây An), Phùng Hiến Quang (Trưởng Bộ môn Lí luận văn học Đại học Tứ Xuyên)… Sau những cuộc toạ đàm như thế, tôi ghi nhận được đôi điều tự thấy có nghĩa lí.


1. “Giải cấu trúc”: Con đường đổi mới lí luận văn nghệ

Điều ghi nhận đầu tiên của tôi là thế này. So với vài nước trong phe xã hội chủ nghĩa, như Liên Xô chẳng hạn, Trung Quốc quả là chậm chân hơn trong việc đổi mới lí luận văn nghệ. Nhưng nếu so với Việt Nam, họ lại đi trước ta một bước. Ngay từ những năm 60 của thế kỉ trước, lí luận văn học Liên Xô đã phá thế khép kín, một bộ phận trong đó tìm được tiếng nói chung với giới nghiên cứu ở các nước Âu - Mĩ qua việc lần lượt công bố di sản của M.Bakhtin, xuất bản hàng loạt công trình của các chuyên gia hàng đầu như D.S.Likhachev, E.M.Meletinskij, M.L.Gasparov, B.O. Corman, nhất là qua hoạt động của trường phái cấu trúc - kí hiệu học Tartu-Moscow đứng đầu là Yu. Lotman. Thời ấy, Trung Quốc còn bận chống xét lại và làm cách mạng văn hoá. Việt Nam bận chiến tranh và sau chiến tranh lại bận giải quyết những hậu quả của nó nên phải đến sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), việc đổi mới lí luận văn nghệ mới được đặt ra như một nhu cầu bức thiết. Gần chục năm trước đó, công cuộc đổi mới văn nghệ ở Trung Quốc đã được khởi động. Đại hội văn nghệ Trung Quốc diễn ra vào tháng 10 năm 1979 với sự tham gia của 3200 đại biểu đã đánh dấu giai đoạn phát triển mới của văn học và lí luận văn học trên đất nước bao la này.

Công cuộc đổi mới lí luận văn học được giới thức giả Trung Hoa tiến hành một cách bài bản, theo trật tự, lớp lang. Có lẽ vì thế, khi nghe bản thuyết trình của Tiền Trung Văn, Trương Quýnh ở Bắc Kinh; Lí Tinh, Xương Quảng Nguyên ở Tây An và Phùng Hiến Quang ở Tứ Xuyên, tôi thấy ý kiến của giới nghiên cứu Trung Hoa tỏ ra rất thống nhất trong việc định kì lịch sử văn học trên phạm vi toàn quốc. Họ chia lịch sử sáng tác theo hai cao trào. Cao trào thứ nhất diễn ra trước 1980, là thời kì của Cách mạng Văn hóa. Cao trào thứ hai là thời kì Đổi mới với sự xuất hiện của thế hệ trẻ tạo nên một cục diện đa dạng. Lí luận văn nghệ ở thời kì mới được họ chia thành 3 giai đoạn: 1979 - 1989, 1989 - 1999 và 1999 đến nay. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn “phản tư”, nhìn lại quá khứ. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn học hỏi, tìm cách thay đổi hệ hình lí thuyết. Giai đoạn thứ ba đi vào chiều sâu, tập trung xây dựng một nền lí luận văn nghệ hiện đại mang màu sắc Trung Hoa.

Người Trung Quốc làm gì cũng tỏ ra quyết liệt. Nghe khẩu khí của các diễn giả trong những buổi toạ đàm, nhìn vào khẩu hiệu được treo giăng giăng khắp mọi nơi, tôi nhận ra tinh thần quyết liệt trong công cuộc đổi mới lí luận văn nghệ của những con người quyết liệt ấy. Đi từ Bắc Kinh qua Tây An, đến tận xứ Thục xa xôi, nơi mà Lí Bạch bảo rằng đường lên đó “khó như lên trời xanh”, rồi trở về Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu, chỗ nào tôi cũng thấy căng câu khẩu hiệu: “Kiên quyết giải phóng tư tưởng…”. Khẩu hiệu “Giải phóng tư tưởng” nghe quả là quyết liệt hơn khẩu hiệu “Đổi mới tư duy”. Người Trung Quốc một lòng một dạ thực hiện khẩu hiệu quyết liệt ấy đã 29 năm nay. Thảo nào nền kinh tế của họ tăng trưởng mạnh mẽ. Tôi nghĩ thế vì được GS Tiền Trung Văn cho hay, năm 1979, Đặng Tiểu bình đã đến đọc lời chào mừng Đại hội đại biểu văn nghệ Trung Quốc. Tại diễn đàn Đại hội này, ông tuyên bố: “Kiên quyết giải phóng tư tưởng, mở cửa cải cách, tiến theo thời đại, sáng tạo cái mới”.

Sự quyết liệt thường dẫn tới khuynh hướng cực tả. Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc chính là sự biểu hiện của chủ nghĩa tả khuynh. Nhưng nếu không có tinh thần quyết liệt, chắc sẽ có ít nhà nghiên cứu dám đi với khoa học - nhất là khoa học xã hội nhân văn, một lĩnh vực rất dễ bị quy chụp về thái độ chính trị, lập trường tư tưởng - đến chỗ tận cùng của chân lí. Ta hiểu vì sao, trong nhiều trường hợp, phần đông nhà khoa học thường giữ thái độ im lặng, né tránh những vấn đề gai góc, nhạy cảm. Lần này sang Trung Quốc, tôi không thấy các nhà nghiên cứu né tránh như thế. Họ thể hiện quan điểm, bộc lộ thái độ một cách thẳng thắn, công khai về nhiều vấn đề học thuật từng một thời bị cấm kị, ví như vấn đề về thành tựu lí luận văn nghệ thời Mao Trạch Đông, vấn đề quan hệ giữa văn nghệ với chính trị hay vấn đề tính người, tính nhân loại, mối quan hệ giữa nhân loại và dân tộc…

Hội nghiên cứu văn học Trung Quốc và nước ngoài. Bên phải: Tiền Trung Văn - Chủ tịch Hội nghiên cứu văn học Trung Quốc. Bên trái: GS Phương Lựu (đứng, đối diện với Tiền Trung Văn), PGS Trần Mạnh Tiến, PGS Lã Nguyên, PGS Nguyễn Đức Dân
Trước thời cải cách mở cửa, Trung Hoa là một thế giới khép kín. Người ta thường nói tới cái “máu Đại Hán” của người Trung Hoa. Cho nên quả là tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe Xương Quảng Nguyên ở Hiệp hội Nhà văn Thiểm Tây bàn về nguyên tắc phương pháp luận trong việc xây dựng hệ thống lí luận văn học hiện đại. Ông cho rằng đổi mới lí luận văn học thực chất là chuyện thay đổi hệ thống quan niệm giá trị. Nhân loại có một hệ thống giá trị chung. Việc thừa nhận hệ thống ấy đến đâu nói lên vị trí của một dân tộc trong hệ thống thế giới. Hôm ở Bắc Kinh, tôi còn ngạc nhiên hơn khi nghe GS Tiền Trung Văn giải thích, rằng Trung Quốc phải xây dựng lại nền lí luận văn học hiện đại vì nền lí luận được xây dựng từ năm 1977 về trước đã “hoàn toàn sụp đổ”. Ngồi cạnh tôi là một cán bộ của Viện nghiên cứu lí luận văn học Trung Quốc, trước từng du học ở Nga. Tôi hỏi, GS Tiền nói như thế mà không sợ bị khép vào tội phủ nhận quá khứ sao? Vị ấy bảo tôi, bây giờ cả nước nói như thế thì ông Tiền có tội gì? Phải đến khi ngồi toạ đàm ở Thiểm Tây tôi mới hiểu thấu ý nghĩa câu nói của nhà nghiên cứu này. Thì ra người Trung Hoa có một truyền thống văn hoá lâu đời, họ tôn trọng lịch sử, thực sự xem các thành tựu văn hoá là “quốc bảo”, nhưng cũng sòng phẳng với lịch sử. Đúng là giới văn nghệ Trung Hoa đã dứt khoát chia tay với di sản lí luận nghệ thuật của Mao Trạch Đông mà hồn cốt là những tư tưởng được phát biểu tại Toạ đàm văn nghệ Diên An. Ở Việt Nam chắc không phải ai cũng biết điều ấy. Cho nên, trong 2 năm 1986, 1987, ở ta cũng diễn ra những cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Nhưng đọc lại mấy chục bài tham gia tranh luận hồi ấy, tôi thấy bài nào cũng loảng xoảng đầy những chữ nghĩa, diễn đạt rất vòng vo, loanh quanh mà chẳng nói được mấy chuyện căn cốt. Lắng nghe tiếng nói từ những diễn đàn văn học lớn nhất của Trung Hoa, tôi thấy họ trình bày vấn đề rõ ràng, dứt khoát, ai cũng bảo điểm đặc biệt quan trọng của đổi mới lí luận văn nghệ là huỷ bỏ mệnh đề văn học tùng thuộc chính trị, phục vụ chính trị. Ở Đại học Tứ Xuyên, tôi còn nghe Giáo sư Phùng Hiến Quang nói, trước thời cải cách mở cửa, văn nghệ được xác định có 3 đối tượng phục vụ: phục vụ vô sản, phục vụ xã hội chủ nghĩa và phục vụ nhân dân, nay không nói “phục vụ vô sản”. Diễn đạt theo ngôn ngữ chuyên môn, có thể nói, đổi mới lí luận văn học ở Trung Quốc thực chất là quá trình “giải cấu trúc” để “tái cấu trúc”: giải cấu trúc các quan niệm cũ kĩ, lỗi thời để kiến tạo những quan niệm mới phù hợp với chân lí đời sống. Đây không chỉ là quan điểm học thuật của giới nghiên cứu và giới sáng tác, mà còn là tư tưởng chỉ đạo nằm trong đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhà văn Trần Kiến Công, các Giáo sư Trương Quýnh, Tiền Trung Văn, Xương Quảng Nguyên, Phùng Hiến Quang, Lư Vĩnh Lân đều nhắc tới 7 điểm rất mới trong diễn văn chào mừng Đại hội đại biểu văn nghệ Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình. Chính Đặng Tiểu Bình cho rằng, nếu cứ giữ khư khư mệnh đề văn nghệ tùng thuộc chính trị, phục vụ chính trị, thì nó sẽ là cái cớ để người ta can thiệp thô bạo vào văn nghệ. Đặng Tiểu Bình phát động phong trào trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng từ lâu chỉ còn là lời nói suông. Ông chủ trương “chủ nghĩa ba không”: không chụp mũ, không túm đuôi sam (nghĩa là bới móc khuyết điểm nào đó của người ta để vùi dập), không đánh đòn hội chợ đối với nhà văn và người làm lí luận phê bình. Ông chỉ ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc xem vấn đề trung tâm của xã hội và thời đại giờ đây không phải là đấu tranh ý thức hệ, mà là xây dựng kinh tế, do đó văn học được tự do phát triển, chứ không nhất thiết chỉ là phong vũ biểu của đấu tranh giai cấp… Đây là những tiền đề chính trị mở ra khoảng trời tự do và khả năng sáng tạo to lớn cho công cuộc đổi mới lí luận văn học ở Trung Quốc.


2. Tiềm lực khoa học của một nước lớn

Tục ngữ ta có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Lần này tôi được tiếp xúc với đời sống văn nghệ Trung Quốc theo kiểu “mắt thấy, tai nghe”. Tôi thấy chỉ một tổ bộ môn như Bộ môn Lí luận văn học của Đại học Tứ Xuyên mà đã có tới 32 người, tất cả đều là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Buổi toạ đàm với chúng tôi ở Đại học Tứ Xuyên do GS Phùng Hiến Quang chủ trì. Ông thuộc thế hệ của những Tiền Trung Văn, Xương Quảng Nguyên, Đồng Khánh Bính, Lí Tinh… nay đã trên dưới bảy mươi. Tên tuổi của họ từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới Trung Hoa. Ngồi cạnh Phùng Hiến Quang là những gương mặt thật trẻ. GS Phó Kì Lâm giới thiệu với chúng tôi về mĩ học mác-xit phương Tây bằng sự hiểu biết rất sâu sắc. Tôi đoán thầm, cái “anh giáo sư” này chỉ trạc 40 là hết cỡ. Nhìn lên tường văn phòng tổ Bộ môn, tôi bắt gặp chân dung Chu Quang Tiềm và hàng chục học giả lừng danh từng giảng dạy ở đây. Đi đến đâu tôi cũng thấy Trung Quốc có một đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu với một thế hệ trẻ vô cùng đông đảo. Họ được đào tạo bài bản ở những trường đại học danh tiếng của Trung Hoa và thế giới. Họ tinh thông ngoại ngữ, thường xuyên tham gia vào các diễn đàn quốc tế, có đủ trình độ đối thoại với các thế hệ tiền bối. Tôi được nghe ở Trung Quốc có mấy ông Tiến sĩ, vốn là học trò của Đồng Khánh Bính và Tiền Trung Văn, đang dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi nhằm phản bác quan niệm học thuật của mấy vị sư phụ ấy. Tôi không biết lương bổng họ được hưởng thụ thế nào, chỉ nghe GS Trần Đình Sử thuật lại, lúc ăn trưa, Đồng Khánh Bính khoe với bạn học là GS Phương Lựu, rằng chỉ cần 2 tháng thu nhập, ông ấy đã thừa tiền mua một xe hơi loại sang.

Chính đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu với một thế hệ trẻ đông đảo, vừa có trình độ học vấn cao, lại vừa có thể mưu sinh bằng nghề nghiệp của mình, đã mở rộng quy mô của công cuộc đổi mới lí luận văn nghệ ở Trung Quốc, làm cho nó trở thành một phong trào phát triển rầm rộ. Khi sức sáng tạo được giải phóng, họ có thể tạo ra những thành tựu vô cùng rạng rỡ. Hình như mọi lĩnh vực có liên quan đến khoa học xã hội nhân văn đều được tổ chức nghiên cứu thấu đáo. Các học giả Trung Quốc vừa tổ chức nghiên cứu di sản lí luận văn học truyền thống, vừa giới thiệu rộng rãi các môn phái lí luận, phê bình phương Tây. Tôi thực sự ngạc nhiên khi bắt gặp ở Bắc Kinh những bản dịch các giáo trình lí luận văn học vừa mới xuất bản ở Nga chỉ vài ba năm trước đây. Theo Xương Quảng Nguyên, hiện nay Trung Quốc đã dịch và giới thiệu gần 3 trăm bộ sách lí luận văn nghệ của các các học phái phương Tây. Lí Tinh thì nói rằng, chỉ sau mấy năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đi hết đoạn đường mà lí luận văn nghệ phương Tây trải qua suốt thế kỉ XX.

Sách là một trong những điều kiện quan trọng nhất để phát triển khoa học. Nhà nghiên cứu đích thực không thể sống thiếu sách. Muốn viết một cuốn sách, anh ta phải mua không biết cơ man nào là sách. Cho nên, khách hàng trung thành của xuất bản sách ở Trung Quốc trước hết là đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu vừa nói tới ở trên. Đây là lí do giải thích vì sao ở Thiểm Tây, bên cạnh Hiệp hội nhà văn còn có cả Hiệp hội lí luận phê bình, và Hiệp hội lí luận phê bình dám tổ chức xuất bản một tạp chí theo chuyên ngành rất hẹp: Bình luận tiểu thuyết. Đây cũng là lí do giải thích vì sao Bắc Kinh trở thành thị trường sách khổng lồ như thế. Lúc ở Bắc Kinh, chúng tôi có một ngày tham quan. GS Phương Lựu bảo chúng tôi, sang Trung Quốc lần này giống như đi Tây Trúc “thỉnh kinh”, nên ông và GS Trần Đình Sử tự nguyện hy sinh tham quan để lùng tìm sách vở. Chiều về khách sạn, tôi thấy các ông khuân về hơn hai trăm đầu sách, cuốn nào cũng ít nhiều liên quan tới đề tài khoa học mà chúng tôi đang theo đuổi.

“Trông người lại ngẫm đến ta”, âu đó cũng là một trạng thái tâm lí bình thường của con người. Lúc Xương Quảng Nguyên ở Hiệp hội nhà văn Thiểm Tây nói về số lượng phát hành khổng lồ của tạp chí “Bình luận tiểu thuyết”, tôi cứ bùi ngùi nghĩ tới những khó khăn của Viện Trưởng Viện văn học Việt Nam Phan Trọng Thưởng trong việc phát hành tạp chí “Nghiên cứu văn học”, một tạp chí chuyên ngành thuộc loại sang trọng nhất của chúng ta. Nhìn núi sách Phương Lựu và Trần Đình Sử vừa mua về, tôi lại nhớ tới các cửa hàng sách ở Việt Nam. Cửa hàng nào cũng ngồn ngộn những sách, nhiều nhất là thơ, truyện, giáo khoa cho học sinh phổ thông, giáo trình cho sinh viên và mấy loại từ điển, nhưng ta thật khó tìm thấy sách nghiên cứu khoa học chuyên sâu phù hợp với chuyên ngành của mình. Ở nước ta, trên phạm vi toàn quốc, hiện có bao nhiêu người đang làm công việc dịch thuật và thực sự nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngữ văn, tôi dám chắc có thể tính đếm trên đầu ngón tay. Cho nên mới có tình trạng, sách hay đem bán không có người mua, người cần mua tìm không thấy sách. Chúng ta đang thiếu những điều kiện cơ bản nhất tạo nên sự phát triển tự nhiên của đời sống khoa học. Về phương diện này phải thừa nhận, công cuộc đổi mới lí luận văn nghệ ở Trung Quốc được tựa trên nền cốt vững chắc của một nước lớn vừa lắm nhân tài lại vừa nhiều tiền của.


3. Từ chuyện lớn nhớ lại chuyện nhỏ

Đúng là Trung Quốc đã đi trước Việt Nam một bước trong công cuộc đổi mới văn nghệ. Công cuộc đổi mới lí luận văn nghệ ở Trung Quốc diễn ra sôi nổi, quyết liệt, đưa nghiên cứu văn học vươn tới những đỉnh cao khiến người ta phải ngưỡng mộ. Nhưng hình như lí luận văn học Trung Quốc vẫn có những vấn đề riêng của nó. Đem bức tranh văn học Trung Quốc đối sánh với đời sống văn học Việt Nam từ khía cạnh loại hình, tôi thấy tình hình sáng tác và nghiên cứu văn học của hai nước cũng rưa rứa như nhau.

Hôm ở Bắc Kinh, ngồi toạ đàm tại Hội nhà văn Trung Quốc, thấy các vị Trần Kiến Công, Trương Quýnh chỉ nói về văn xuôi và lí luận phê bình, PGS Lê Lưu Oanh nêu câu hỏi về mảng thơ Trung Quốc. Các ông Trương Quýnh, Trần Kiến Công kể ra một loạt tên tuổi. Theo GS Trần Đình Sử, những tên tuổi ấy đều thuộc thế hệ thi sĩ nổi danh vào những năm 60, 70 của thế kỉ trước, nay đã già. PGS Lê Lưu Oanh yêu cầu giới thiệu vài ba nhà thơ trẻ có vị trí ổn định. Cả mấy vị đại diện cho Hội nhà văn Trung Quốc đều tỏ ra lúng túng, không kể ra được nhà thơ nào. GS Trần Đình Sử nêu nhận xét về “cái chết” của thơ Trung Quốc. Tôi hỏi, ở Việt Nam, văn xuôi đang chiếm vị thế ưu trội, văn học Việt Nam đang phát triển theo hướng văn xuôi hoá, liệu văn học Trung Quốc cũng giống như thế chăng? Trương Quýnh, Trần Kiến Công và nhiều nhà văn, nhà phê bình Trung Quốc có mặt ở đấy đều tỏ vẻ tán thành những nhận định như thế.

Tôi được biết, trong các cuộc hội thảo, trên báo chí và các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc thường xuyên diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi, thậm chí rất gay gắt về những vấn đề then chốt nhất của lí luận văn nghệ. Thế mà khi trình bày những nguyên tắc xây dựng nền lí luận văn nghệ Trung Hoa hiện đại, tôi thấy từ các ông Tiền Trung Văn, Trương Quýnh ở Bắc Kinh, Lí Tinh, Xương Quảng Nguyên ở Tây An cho đến Phùng Hiến Quang, Thường Tứ Kì ở Tứ Xuyên đều nói rất giống nhau. Đi đến đâu tôi cũng thấy các học giả tuyên bố lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng, tiếp thu phương Tây, khai thác vốn cổ, mở rộng biên độ học thuật, đưa khoa học văn học xích lại gần văn hoá học để xây dựng nền lí luận văn nghệ hiện đại, năng động, mang màu sắc Trung Hoa. Nghe Phùng Hiến Quang nói về việc mở rộng biên bộ của lí luận văn học, rồi nghe Thường Tứ Kì nói rất say sưa về lí luận văn nghệ của trường phái mác-xit Tây Âu và ảnh hưởng của nó tới lí luận văn nghệ Trung Quốc, tôi nêu ba câu hỏi như thế này:

Thứ nhất: Mở rộng biên độ sang tận các lĩnh vực của văn hoá học, liệu lí luận văn học có đánh mất đối tượng nghiên cứu đặc thù?

Thứ hai: Chủ nghĩa Mác mà Trung Quốc dựa vào để xây dựng lí luận văn nghệ là chủ nghĩa Mác nào? Là trước tác của Marx và Engels, là chủ nghĩa Mác của Trung Quốc, của Liên Xô cũ, hay của Tây Âu đang trở thành thời thượng hiện nay?

Thứ ba: Chủ nghĩa Mác không phải là triết học, mà chủ yếu là một học thuyết kinh tế - chính trị. Từ học thuyết kinh tế - chính trị, liệu ta có đến được với văn học không? Dựa vào kinh tế - chính trị học, làm thế nào để xây dựng được nền lí luận văn học với tư cách là lí luận về nghệ thuật ngôn từ?

Các học giả Trung Quốc cho rằng đó là những câu hỏi rất hay, đáng phải suy ngẫm. Rồi họ không ngần ngại khẳng định, dẫu mở rộng phạm vi, biên độ thế nào, lí luận văn học cũng không thể đánh mất đối tượng nghiên cứu đặc thù. Họ nói chủ nghĩa Mác được họ dựa vào để xây dựng lí luận văn nghệ hiện đại là những khía cạnh phù hợp và có lợi cho thực tiễn đời sống của Trung Hoa.

Thật tình, tôi chưa thể yên lòng với những câu trả lời như thế. Rất nhiều câu hỏi vẫn ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí tôi. Hướng tới phương Tây, mở rộng biên độ sang địa hạt văn hoá, lí luận văn học Trung Quốc liệu có giữ được đối tượng nghiên cứu đặc thù? Quay về với những nền cốt truyền thống, liệu lí luận văn học Trung Hoa có thể vượt thoát ra ngoài những chân lí định sẵn? Dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác, tiếp thu phương Tây, khai thác di sản truyền thống, liệu người Trung Hoa muốn xây dựng một nền lí luận mang tính đối thoại hay một nền khoa học văn học duy nhất đúng?... Những câu hỏi ám ảnh tâm trí tôi sau chuyến đi Trung Quốc cũng là những câu hỏi tôi thường đặt ra khi suy ngẫm về nền lí luận văn nghệ Việt Nam.

Viết những dòng này, tôi bỗng nhớ tới một bộ phim Trung Quốc có tên là Khát vọng từng được trình chiếu trên tivi nước ta vào cuối những năm 80 của thế kỉ trước. Phim nói về thời cải cách mở cửa, đời sống trở nên khá giả, nhưng đằng sau sự khá giả ấy là số phận đầy bất hạnh của một lớp người thành thị từng trải qua cuộc Cách mạng văn hoá đầy sóng gió. 30 năm trôi qua, tôi đã quên tên vị đạo diễn của bộ phim, nhưng có một chi tiết miêu tả sinh hoạt đời thường thì cho đến nay vẫn nhớ như in. Tôi gọi đó là chi tiết “bếp núc củi lửa”. Còn nhớ khi xem phim tôi thường nhìn vào bếp nhà mình và rút ra nhận xét: lúc thành phố Trung Quốc bỏ than tổ ong để dùng bếp ga, bếp điện thì dân thành thị của ta mới bỏ bếp dầu, bếp củi để thổi nấu bằng than tổ ong. Hòn than tổ ong là chuyện nhỏ, thế mà mình cũng đi sau và bắt chước Trung Hoa. Đổi mới lí luận văn học là chuyện lớn, liệu nước mình đi trước hay đi sau? Từ chuyện lớn mà nghĩ tới chuyện nhỏ, âu cũng là sự thường tình.

Mươi năm trở lại đây, Việt Nam đã khác xưa. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế, tôi thấy sự hiểu biết của kẻ trí giả ở Việt Nam nào có kém cạnh gì đâu! Tôi tin, tuy chậm chân, nhưng nền lí luận văn học Việt Nam rồi sẽ tìm cách bứt phá vượt lên phía trước, chứ chẳng lẽ cứ chịu lép một bề, viết lại mãi câu chuyện về “hòn than tổ ong” hay sao?

Đồng Bát, Đinh Hợi Tháng 8
Nguồn: Văn hoá Nghệ An, Số 113, ngày 25.11.2007