trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
26.3.2008
Hồng Quốc Lộc
Chiến thắng bị bỏ lỡ hay chiến thắng được tưởng tượng? Một vài ghi chép về cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar
Ðông Hiến dịch
 1   2   3 
 
2. Cuộc đụng độ với Phật giáo năm 1963

Như chúng ta sẽ thấy, chiến lược loại bỏ tư liệu một cách có chọn lọc được Moyar áp dụng một lần nữa, khi ông ta “xét lại” cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, yếu tố khiến chế độ Ngô Ðình Diệm sụp đổ nhanh hơn. Như chúng ta đã biết, cuộc khủng hoảng khởi đầu với Biến cố cờ Phật giáo vào tháng Năm năm 1963 ở Huế. Giới Phật giáo miền Nam Việt Nam khẳng định rằng biến cố này là bằng chứng của chính sách kỳ thị tôn giáo mà họ phải chịu đựng dưới chế độ Ngô Ðình Diệm - một khẳng định sẽ trở thành sự biện minh cho những hoạt động phản đối chế độ này mà họ tiến hành sau đó.

Tuy quan điểm nói trên đã được nhiều sử gia trong và ngoài nước Mỹ chấp nhận, Moyar lại cho rằng điều đó hoàn toàn sai lạc. “Những người chỉ trích Diệm đã sai lầm khi tin rằng phong trào Phật tử xuống đường năm 1963 bắt nguồn từ sự bất mãn sâu rộng đối với một chính phủ có biểu hiện thiên vị tôn giáo,” ông ta biện luận. [1]

Thật ra, đó là màn kịch quyền lực của một thiểu số các vị lãnh đạo Phật giáo, mà chủ đích mập mờ của họ về sau đã bộc lộ rõ ràng khi họ dứt khoát cản trở những nỗ lực hàn gắn từ phía chính quyền, và những lời buộc tội của họ về đàn áp tôn giáo đã tỏ ra vô căn cứ. Những vị này có quan hệ mật thiết với Cộng sản, hoặc chính bản thân họ là Cộng sản đội lốt, và có những điệp viên Cộng sản tham dự tích cực vào phong trào Phật tử tranh đấu. [2]

Với quan điểm này, Biến cố cờ Phật Giáo năm 1963 được mô tả như một cái cớ để các vị lãnh đạo Phật giáo, hoặc “Cộng sản” vin vào để lật đổ Ngô Ðình Diệm. Theo lời kể của Moyar về sự kiện này, khởi điểm của phong trào này là,

một hành động của giới cảnh sát nhằm ngăn chặn việc treo cờ Phật giáo nhân ngày 7/5, một ngày lễ Phật (Phật đản). Chỉ vài ngày trước đó, trong các buổi lễ thánh ở Huế và Đà Nẵng, chính quyền đã cho phép treo cờ vàng-trắng của Toà thánh Vatican. Tuy nhiên, sau các buổi lễ đó, Diệm đã quyết định rằng chính quyền phải có biện pháp bảo đảm việc thực thi sắc lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngoài trời, kể cả cờ Công giáo, một sắc lệnh vốn được ban hành từ lâu nhưng không được thực thi nghiêm túc. [3]

Rất có thể là Tổng thống Ngô Ðình Diệm chỉ muốn giữ uy tín cho chính quyền, [4] nhưng quyết định của ông ta đã bị những người chống đối xuyên tạc. Bất chấp thực tế là thông tư cấm treo cờ

áp dụng cho mọi tôn giáo, và việc cưỡng chế thi hành là để đáp lại hành động của giới Công giáo, một số lãnh đạo Phật giáo cứ khăng khăng rằng đó là một hành vi kỳ thị Phật giáo, vì trước đó chính quyền đã không cấm treo cờ Thiên chúa. [5]

Nhìn chung, có thể nói rằng cách giải thích của Moyar về sự biến Phật giáo ngược hẳn với quan điểm của nhiều người, ví dụ như của Nguyễn Thế Anh, một người vừa là cựu Viện Trưởng Đại học Huế, vừa là cựu giáo sư khoa Sử trường Đại học Sài gòn. Ông Anh cho rằng, nguyên nhân tổng quát của sự biến này phải được đúc rút từ (a) sự kỳ thị mà Phật giáo miền Nam từng phải chịu đựng dưới bàn tay của chính quyền Ngô Ðình Diệm, và (b) thái độ trịch thượng ra mặt của thiểu số Công giáo, với đường lối của Ngô Ðình Diệm muốn dựa vào họ làm hậu thuẫn chính trị cho chế độ của mình. Hai yếu tố đó mới là nguyên nhân khoét sâu sự chia rẽ vốn đang tồn tại trong xã hội miền Nam. “Những rạn nứt xã hội, trong mức độ mà chúng đã có,” theo lời của chính ông Anh,

lại bị đào sâu thêm do ý định của Ngô Đình Diệm muốn biến cộng đồng Thiên chúa giáo trở thành nền tảng cơ bản của chế độ. Đặc ân của chính phủ chỉ dành cho những người Công giáo: vị trí then chốt dân sự và quân sự, hợp đồng thương mại, các đặc quyền. Việc chiếm hữu gần như độc quyền niềm tín nhiệm và sự ưu đãi của chính quyền của một thiểu số (...), quá thường xuyên phô trương một cách vụng về vẻ ngạo mạn đắc thắng của mình, thế nào cũng bị gán với sự kỳ thị tôn giáo không thể chấp nhận được. [6]

Theo ông Anh, chính tình trạng này đã thúc đẩy những vị lãnh đạo Phật giáo miền Nam, trước đó vốn vẫn giữ quan điểm đứng ngoài chính trị, bước vào chính trường. Khi bàn về mức độ ủng hộ của người dân miền Nam đối với Phật giáo, ông Anh viết như sau:

Thế nhưng, mặc dù được lòng dân, những vị lãnh đạo Phật giáo luôn khinh ghét việc đòi lại ảnh hưởng chính trị để thúc ép các biến cố. Luôn giữ vững niềm tin tự đáy lòng là đại diện cho truyền thống đích thực của quốc gia, họ vẫn ngại tham gia vào các cuộc tranh luận. (…) Nhưng phản ứng chống lại sự tàn nhẫn của chế độ Ngô Đình Diệm và chống lại sự thiên vị dành cho thiểu số Công giáo cũng như vẻ trịch thượng của nhóm người đó, sẽ tạo mối hội tụ chính trị của các vị lãnh đạo Phật giáo này. [7]

Nếu chúng ta tin vào cách giải thích của giáo sư Anh về bối cảnh chính trị và xã hội của sự biến Phật giáo năm 1963, thì chúng ta có thể nhận thấy Biến cố cờ Phật Giáo chỉ là giọt nước làm tràn ly, chứ không phải là một sai sót không cố ý (của chính quyền) đã bị lãnh đạo Phật giáo lợi dụng với động cơ chính trị như Moyar ngầm giải thích. Nhưng vì sao chúng ta nên tin lời giáo sư Anh? Có lý do gì để chúng ta thiên về cách giải thích của ông hơn là của Moyar về phong trào Phật giáo?

Trong khi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên, chúng ta cần nhớ rằng có nhiều biểu hiện cho thấy Ngô Ðình Diệm cần dựa vào những người Công giáo ngay từ buổi đầu bước vào chính trường. Điều này có thể chứng minh qua những hành động chống Pháp của Ngô Ðình Diệm trong thời kỳ Nhật chiếm đóng trong Thế chiến II, khi gia đình họ Ngô chọn Nhật làm đồng minh thay cho người Pháp. [8] Để chống lại người Pháp, Ngô Ðình Diệm cho thành lập một chính đảng bí mật lấy tên là “Đại Việt Phục Hưng Hội” khoảng năm 1943. [9]

Đảng này dường như hoạt động chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, quê Diệm, và đa số - thậm chí tất cả, thành phần nhân sự đều là người Công giáo. [10]

Xu hướng dựa vào người Công giáo - đồng đạo còn có thể nhận thấy qua đề xuất mà Ngô Ðình Diệm và anh trai – Giám Mục Ngô Đình Thục, đưa ra trong cuộc chiến giữa người Pháp và Việt Minh. Đề xuất này được công bố tại Hoa Kỳ, khi Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Thục tới thăm để vận động cho một giải pháp dân tộc chủ nghĩa thay thế cho cả thực dân Pháp và Cộng sản. “Vào đầu tháng 9 năm 1950,” Edward Miller viết,

hai anh em vượt Thái Bình Dương đến Mỹ và đã tới Washington, ở đó họ được tiếp đón tại Bộ Ngoại giao. Các quan chức tiếp họ hôm đó đều có ấn tượng mạnh với đề xuất họ đưa ra hôm đó, về việc dùng lực lượng vũ trang Công giáo làm nòng cốt cho quân đội quốc gia Việt Nam. [11]

Dù Ngô Ðình Diệm hoàn toàn có khả năng thu hút được sự ủng hộ tạm thời của người Việt Nam ngoài giới đồng đạo Công giáo, [12] nhưng dường như giáo dân luôn là hậu thuẫn quan trọng của ông ta. Quan hệ chặt chẽ giữa ông ta với giới Công giáo ngày càng trở nên rõ nét hơn trong mắt người phương Tây kể từ sau khi ông ta lên nắm quyền vào năm 1954. Điều đó đã được những người như J. Donald Lancaster ghi lại vào năm 1956. Sau khi đã chỉ ra những ngón nghề Ngô Ðình Diệm đã áp dụng để “cô lập và tiêu diệt dần mòn tất cả các tổ chức “Quốc gia” đối lập,” Lancaster viết:

“Tuy nhiên, ông Diệm, một người vốn bị hạn chế trong hành động bởi lòng trung thành đối với gia tộc và tôn giáo của mình, vẫn chưa chứng minh được rằng ông ta là người có khả năng đề xướng những chính sách tích cực để đảm bảo sự sống còn của “Chủ nghĩa Quốc gia” ở miền Nam Việt Nam.” [13]

Nhận xét của Lancaster có thể được xem như sự minh xác đối với những quan ngại mà tướng J. Lawton Collins, đặc sứ của Tổng thống Dwight Eisenhower tại miền Nam Việt Nam đã bày tỏ. “Joe Sấm sét,” biệt hiệu của Collins, [14] đã cảnh báo Ngô Ðình Diệm ngay từ năm 1955 đừng sử dụng nguồn lực chính phủ vào việc phát triển tôn giáo của riêng mình. Collins đã chứng kiến, khi các nhân vật Công giáo nổi tiếng như Hồng y Francis Spellman của Mỹ hay Hồng y Norman Gilroy của Úc đến Sài Gòn [15]

để uý lạo dân di cư từ miền Bắc, đường phố treo đầy khẩu hiệu với dòng chữ “Giáo hội Muôn năm” bằng tiếng Pháp, tiếng Latin và tiếng Việt. Chắc chắn động thái này sẽ làm bên Phật giáo, Cao Đài và Hoà Hảo xa rời chính phủ vì tôn giáo của họ không nhận được sự ủng hộ của chính quyền một cách công khai như vậy. [16]

Ông tướng theo Công giáo Collins có đủ lý do để quan ngại về những cuộc thăm viếng nói trên, vì chính đó là nguyên nhân xuất hiện những lời đồn đại rằng Ngô Ðình Diệm, khi còn đang là thủ tướng, “có ý định “biến Việt Nam thành một giáo xứ Công giáo.’” [17] Tuy nhiên, vào tháng Hai năm 1955, “khi Collins yêu cầu thủ tướng Diệm ra một tuyên bố công khai về việc bảo đảm tự do tôn giáo, Diệm đã từ chối.” [18] Và Collins cũng từ chối bỏ cuộc, khi ông ta nhắc lại lời khuyên rằng chính quyền Ngô Ðình Diệm không nên quá thiên vị Công giáo, trong một cuộc đối thoại với Giám mục Ngô Đình Thục vào ngày 25 tháng Ba năm 1955. [19] “Đại sứ Collins,” theo biên bản của cuộc họp này, “phát biểu rằng ông hy vọng sẽ không có một cuộc thăm viếng của những nhân vật Công giáo cao cấp nào trong khoảng thời gian ít nhất là sáu tháng tới,” và “các biểu ngữ tôn giáo treo trên đường phố gần Phủ Tổng thống sẽ tạo cớ cho những lời phê bình rằng ông Diệm đang uốn chính sách theo quyền lợi của Giáo hội.” [20]

Nhận xét của người nước ngoài như Lancaster và Collins có mức độ tin cậy khá cao, vì được đưa ra rất lâu trước khi người phương Tây được nghe thấy tên Thượng tọa Thích Trí Quang, người lãnh đạo phong trào biểu tình của Phật giáo sau biến cố cờ Phật giáo, người mà theo Moyar, có khả năng là “một cán bộ Cộng sản.” [21] Nói một cách khác, vì những nhận xét này được đưa ra khi chưa ai biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nên chúng không bị uốn nắn để phù hợp vơí những chuyện đã ngã ngũ. Do đó chúng có một mức độ khả tín khá cao. Ít nhất, qua đó cũng có thể thấy tính chất bè phái của chế độ Ngô Ðình Diệm đã bắt đầu bộc lộ ngay trong giai đoạn phôi thai của nó, và đó chính là nguyên nhân khiến đại diện cao nhất của Hoa Kỳ tại Sài Gòn quan ngại. Những ý kiến đó cũng phù hợp với tình hình một số sự kiện chính thức đang diễn ra tại miền Nam Việt Nam sau khi Ngô Ðình Diệm đã tập trung được quyền lực. “Dưới thời Diệm,” Nguyễn Thị Liên Hằng viết,

các buổi lễ Công giáo thường giống như ngày hội quốc gia. Những đoàn rước Thánh làm tắc nhiều khu phố trong nhiều giờ mà không hề bị phạt. Những cuộc hành hương về các Thánh địa lớn thường được chính phủ bảo trợ và quảng bá công khai. Hai cuộc hành hương về nhà thờ thánh mẫu Maria vào năm 1959 (ở Sài Gòn) và 1961 (La Vang, gần Huế) thu hút được rất đông tín đồ. Những sự kiện như vậy được coi như lễ hội toàn quốc, dù cộng đồng Công giáo chỉ chiếm 10 phần trăm dân số. [22]

Liên Hằng cũng nêu ra các đặc quyền khác vốn được dành cho các đồng đạo Công giáo của tổng thống. “Trong số rất nhiều các biểu hiện của đặc quyền dành cho cộng đồng Công giáo, có thể kể đến,” tác giả viết,

tài trợ trực tiếp của chính phủ, miễn lao công, ưu đãi về chính trị và pháp luật. Ví dụ như, ba trăm ngàn mẫu “đất Nhà thờ” không hề bị trắc đạc, nên không phải đóng thuế thổ trạch dưới thời Diệm. Giới Công giáo được nhận nhiều trợ cấp nhất theo hệ thống tín dụng nông nghiệp để xây dựng trường học và bệnh viện, và quân đội Nam Việt Nam bị điều động đi xây dựng hoặc tân trang các công trình thuộc sở hữu của Nhà thờ Công giáo. [23]

Lối đối xử ưu đãi nói trên dành cho giới Công giáo trong thời Ngô Ðình Diệm hình như đã có ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ hành xử của nhiều nhân vật Công giáo. Tạ Chí Đại Trường, một sử gia miền Nam đang học ở Sài Gòn dưới chế độ Ngô Ðình Diệm, trong một tác phẩm viết mới đây [24] , đã nhận định rằng một bộ phận quan trọng trong giới Công giáo “ít nhiều gì cũng là kiêu dân”. [25] Một ví dụ cụ thể về sự trịch thượng, kiêu ngạo của người Công giáo dưới thời Ngô Ðình Diệm được cố học giả Nguyễn Hiến Lê, một trong những học giả uy tín nhất của miền Nam, nêu ra. [26] . “Đầu niên khóa 1954-1955,” ông ta kể lại,

trong chương trình Trung học đệ nhất cấp có thêm môn Lịch sử thế giới dạy trong bốn năm. Ông Thiên Giang lúc đó dạy sử các lớp đệ lục, đệ ngũ. Tôi bàn với ông sọan chung bộ sử thế giới càng sớm càng tốt cho học sinh có sách học, khỏi phải chép “cua” (cours). Ông đồng ý. Chúng tôi phân công: tôi viết cuốn đầu và cuốn cuối cho lớp đệ thất và đệ tứ, ông viết hai cuốn giữa cho đệ lục và đệ ngũ. Chúng tôi bỏ hết công việc khác, viết trong 6 tháng xong; tôi bỏ vốn ra in, năm 1955 in xong trước kì tựu trường tháng chín. (...)

Sau một linh mục ở Trung yêu cầu bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ sử đó vì trong cuốn II viết về thời Trung cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cử nhân lại tiếp xúc với tôi. Ông này nhã nhặn, khen tôi viết sử có nhiệt tâm, cho nên đọc hấp dẫn như bộ sử Pháp của Michelet; rồi nhận rằng sách tôi được bộ Thông tin cho phép in, lại nạp bản rồi thì không có lí gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra thông báo cho các trường đừng dùng thôi; cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên hai bản để ông ta đem về nộp bộ, bộ sẽ trả lời linh mục nào đó, còn bán thì tôi cứ bán, không ngại gì cả. Tôi chiều lòng ông. ( ...)

Hồi đó bộ Lịch sử thế giới của tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà phát hành, được biết có lệnh cấm các trường ngoài Trung dùng nó; trong Nam thì không. Chỉ ít tháng sau bộ đó bán hết, tôi không tái bản. Công giáo thời đó lên chân như vậy. [27]

Vì không có lý do gì để nghi ngại về tính xác thực của câu chuyện nói trên của Nguyễn Hiến Lê, kinh nghiệm bản thân của ông đã khiến người đọc phải nghi ngờ tính chân xác của một luận điểm quan trọng trong các ý kiến chung của Moyar nhằm bảo vệ chế độ Ngô Ðình Diệm trước công luận về việc kỳ thị tôn giáo. Để phản bác nhận xét cụ thể rằng Ngô Ðình Diệm “công khai kỳ thị tôn giáo trong quá trình tuyển dụng nhân sự, dẫn đến thực tế là đa số quan chức đều là người Công giáo,” Moyar viết:

[Đ]iều dễ thấy nhất là người Công giáo không chiếm đa số trong chính phủ Diệm, ngay cả ở cấp cao nhất. Trong nội các 18 Bộ trưởng, chỉ có năm người theo Công giáo, năm người theo Khổng giáo, và tám người theo Phật giáo, trong đó có một phó Tổng thống và Ngoại trưởng là người Phật giáo. Ở cấp tỉnh trưởng, có mười hai người theo Công giáo và hai mươi sáu vị theo Phật hay Khổng giáo. Chỉ có ba trong số mười chín sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội theo Công giáo. [28]

Những con số do Moyar đưa ra không chứng minh rằng không có kỳ thị tôn giáo ở miền Nam dưới thời Ngô Ðình Diệm. Sự kiện do Nguyễn Hiến Lê nêu ra khiến ta có thể suy luận rằng, dưới thời Ngô Ðình Diệm, người Công giáo không cần chính thức nắm các vị trí trong chính phủ mới có thể thực thi quyền hành khuynh loát của mình. Điều này có thể giải thích tại sao một linh mục Công giáo, xét về mặt pháp lý cũng chỉ là một công dân như mọi người khác, lại có thể ngăn chặn không cho một cuốn sách giáo khoa đã được nhà nước thông qua được lưu hành trong các trường trung học ở miền Trung Việt Nam.

Thực ra, lý lẽ Moyar đưa ra cũng không thể được coi là khả tín, ngay cả trước khi xảy ra biến cố Phật giáo vào tháng 5 năm 1963. Việc ông ta dùng nó để biện luận cho Ngô Ðình Diệm cho thấy Moyar đánh giá quá thấp mức độ tinh vi về chính trị của người miền Nam, vì họ đã dùng những chuẩn mực tinh xảo hơn con số bộ trưởng theo Công giáo để lượng định thực quyền của Công giáo trong một chế độ Cộng hoà có Tổng thống là người Công giáo. “Năm 1956, chúng tôi đã nêu lên rằng, ‘trái với sự lo ngại của dư luận, chính phủ chỉ gồm hai người Công giáo trên tổng số mười bốn bộ trưởng,’” tờ Informations Catholiques Internationales viết trong số ra ngày 15/3/1963. [29]

Nhưng công luận không phải chỉ được tạo ra từ một tập ảnh của các bộ trưởng. Nó còn nhạy cảm cả với vị trí danh dự dành cho vị giám mục nào đó trong một cuộc duyệt binh, cho những bóng dáng áo chùng ra vào các Bộ, cho sự can thiệp hiệu quả trong việc tha bổng một nghi can hay hưởng sự giúp đỡ cho người tị nạn. Nếu người ta thấy việc tổng thống chịu phép ban thánh thể trong tất cả các lễ trọng là bình thường, càng lúc, đám đông càng không hài lòng đối với chuyện các đoàn rước Thánh làm tắc nghẽn giao thông hàng cây số trên đường phố Sài Gòn hay ở Huế, sau khi đã được chuẩn bị từ nhiều tuần lễ trước với sự hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực và vật lực của quân đội hay của sở Thông tin.

Công luận cũng không thể thản nhiên trước việc thuyết Nhân Vị của Emmanuel Mounier được chế độ chọn lựa phổ biến để chống lại học thuyết mác-xít. Nơi duy nhất mà học thuyết này được giảng dạy một cách chuyên nghiệp lại chính là ‘Trung tâm nghiên cứu nhân vị’ do Đức ông Ngô Đình Thục, anh của tổng thống Ngô Đình Diệm, thiết lập vào thời Đức ông còn là giám mục ở Vĩnh Long. Ngày nay vẫn vậy, hầu hết các “giáo sư chuyên nghiệp” giảng dạy tại đó đều thuộc hàng giáo phẩm. Các công chức, giáo hay lương, đều lần lượt phải qua một khoá tập huấn ở đó. [30]

Vì quá chú ý vào con số chính thức các quan chức chính quyền là người Công giáo, [31] nên Moyar không nhận thấy được rằng dưới thời Ngô Ðình Diệm, sự kỳ thị đối với người không theo Công giáo có thể diễn ra dưới những hình thức tinh vi và ngấm ngầm hơn là một chính sách nhân sự thiên vị ra mặt hay sự đàn áp thẳng tay. Ý kiến phản biện của Moyar cho rằng chế độ Ngô Ðình Diệm không kỳ thị tôn giáo sẽ có tính thuyết phục cao hơn nếu ông ta bàn đến và loại trừ tình huống rất có khả năng xảy ra đó. [32]

Tuy nhiên, ông ta có thể đã đúng khi phản biện rằng, trong một số trường hợp, chính quyền Ngô Ðình Diệm có lý do chính đáng để đối xử ưu đãi người Công giáo. Nếu xét về khía cạnh đạo đức, việc ưu đãi thiểu số người Công giáo có thể bị coi là đáng chê trách, nhưng xét về mặt chính trị, động thái đó của chính quyền Ngô Ðình Diệm là hoàn toàn dễ hiểu. Vì, như Moyar đã nêu ra rất chính xác, “người Công giáo, nhất là người Bắc di cư, luôn tỏ ra chống Cộng tích cực hơn những người không theo Công giáo.” [33]

Nhưng, vấn đề là ở chỗ, một số người Công giáo hình như luôn đòi hỏi nhiều hơn mức độ ưu đãi dành cho họ. [34] Dưới thời Ngô Ðình Diệm làm Tổng thống, có rất nhiều người Công giáo cho rằng sự ưu đãi đó là một điều bất chính, và muốn tách Giáo hội ra khỏi chính quyền Ngô Ðình Diệm.

Họ đánh giá cao những ‘khoảng cách’ đối với chính phủ của Đức ông Nguyễn Văn Hiên (hiện là giám mục Đà Lạt) và người kế vị ông tại Sài Gòn, Đức ông Nguyễn Văn Bình: cả hai vị đều có mối bận tâm muốn đặt mình vào một bình diện thuần tôn giáo của giám mục. [35]

Đức ông Nguyễn Kim Điền là một ví dụ nữa về trường hợp một giáo sĩ Công giáo cao cấp khước từ những ưu đãi để tách tôn giáo ra khỏi chính quyền Ngô Ðình Diệm. “Trong một vùng rất nguy hiểm,” tạp chí Informations Catholiques Internationales viết, “khi đi đây đi đó, Đức ông Nguyễn Kim Điền từ chối sự bảo vệ của đoàn xe quân sự: ông tự lái chiếc 2 CV, hoặc đi cùng với người thư ký riêng…” [36]

Như đã gợi ý ở trên, lý do khiến người miền Nam không theo Công giáo gặp khó khăn là việc một số người Công giáo hình như muốn gây khó dễ cho những kẻ “là đồng bào mà không đồng đạo”. Một người Công giáo miền Nam mà danh tính được các biên tập viên của tờ Informations Catholiques Internationales giấu kín “vì cần phải cẩn trọng” [37] đã đăng trên tạp chí này một chứng từ về những trường hợp cụ thể của hành động gây khó dễ nói trên. Bà ta ghi nhận rằng, trong khi lực lượng Quân đội Quốc gia phải thức trắng nhiều đêm để dựng “các khải hoàn môn trên đường du hành của hồng y Spellman,” thì các nghi lễ Phật giáo “lại bị phá rối bởi các xe của sở Thông tin có trang bị loa phóng thanh, đậu gần chùa.” [38]

Nhân chứng này, một người sống bằng nghề dạy học, cũng đề cập đến một ví dụ khác về tình trạng chèn ép tôn giáo, một sự chèn ép khó có thể biện minh bằng lý do chống cộng. Theo lời bà ta kể lại thì tại một khóa tập huấn ở Trung tâm Nhân vị tại Vĩnh Long, bà ta và các đồng nghiệp tham dự bị buộc phải nghe

một linh mục vừa tốt nghiệp Trường truyền bá đức tin, hiển nhiên thành thạo về thần học nhưng còn cần phải học hỏi thêm về các tôn giáo vùng viễn đông, đứng ra phê phán Phật giáo và Khổng giáo. Khổ nhất là đa số cử toạ lại theo đạo Khổng hay đạo Phật. Công giáo chúng tôi chỉ có khoảng hai mươi người. Và chúng tôi xấu hổ, chúng tôi chịu đựng cùng với các đồng nghiệp bên lương khi, rơi vào hoàn cảnh này, họ không có khả năng để vặn lại những lý lẽ được đưa ra vì sợ bị ghi điểm xấu. [39]

Nếu xét riêng rẽ thì những sự kiện do Nguyễn Hiến Lê và người nhân chứng khuyết danh nêu ra có thể chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng nếu nhiều trường hợp tương tự được gộp chung lại và tích tụ qua nhiều năm tháng, chắc hẳn những người miền Nam không theo Công giáo sẽ có mối nghi ngờ rằng Chính phủ quốc gia là của phe Công giáo đang thắng thế. Để thích ứng với thời cuộc, nhiều người miền Nam, kể cả vị Tổng thống tương lai là Nguyễn Văn Thiệu, đã chọn giải pháp cải đạo theo Công giáo. [40] Tuy nhiên, số đông hơn, quyết định hướng về Phật giáo như một hình thức bày tỏ sự bất mãn với “sự ‘ngạo mạn đắc thắng’ kết hợp giữa chế độ và thiểu số Công giáo” - một thái độ bất mãn chung, theo số ra ngày 15 tháng Ba năm 1963 của tờ Informations Catholiques Internationales, “dễ dàng nhận thấy ở Sài Gòn cũng như ở các xóm thôn xa xôi hẻo lánh nhất.” [41]

(Còn 1 kì)

Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Moyar (2006), tr. xvi.
[2]Moyar (2006), tr. xvi.
[3]Moyar (2006), tr. 212.
[4]Moyar (2006), tr. 212.
[5]Moyar (2006), tr. 212.
[6]Nguyen The Anh, “L’Engagement Politique du Bouddhisme au Sud-Vietnam dans les Années 1960”, trong: Alain Forest et al (dir.), Bouddhismes et Sociétés Asiatiques: Clergés, Sociétés et Pouvoirs, L’Harmattan, Paris, 1990, tr. 115. [Những trích dẫn từ tiếng Pháp trong bài viết này là do Cổ Ngư dịch – ND].
[7]Anh (1990), tr. 114.
[8]Về việc gia đình họ Ngô hợp tác với chính quyền thực dân Pháp rồi sau đó đổi sang với Nhật, xem: Vũ Ngự Chiêu, “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945)”, XLV Journal of Asian Studies, No. 2, tr. 306, fn. 14 (1986), và Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu], Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, Văn Hoá, Houston, 2004, tr. 11-26.
[9]Edward Miller, “Vision, Power and Agency: The Ascent of Ngo Dinh Diem, 1945-54”, 35 Journal of Southeast Asian Studies, tr. 436 (2004b).
[10]Miller (2004b), tr. 436.
[11]Miller (2004b), tr. 443.
[12]Miller (2004b), tr. 457: “Thoạt tiên, vào lúc mới lên làm thủ tướng, Diệm không thiếu đồng minh người Việt như người ta tưởng. Ngoài giới Công giáo, ông ta có thể thu hút được sự ủng hộ của một số người lãnh đạo và tổ chức phi Công giáo, nhờ những nỗ lực giao du của anh em ông trong thời gian lưu vong.”
[13]J. Donald Lancaster, “Review: Ellen J. Hammer, The Struggle for Indochina Continues: Geneva to Bandung”, 32 International Affairs, tr. 261 (1956).
[14]Phong (2006), p. 124: “Với biệt danh ‘Lightning Joe’, tánh tình của Collins nóng và thẳng thắn. Cho đến bây giờ thuộc cấp của ông vẫn không biết biệt danh ‘Joe Sấm Sét’ bắt nguồn từ lý do ông đã là tư lệnh sư đoàn 25 Bộ Binh (mật danh của sư đoàn 25 là ‘Sấm Sét Nhiệt Đới’) lúc còn đánh nhau với Nhật ở đảo Guadalcanal, hay vì mỗi lúc ông nổi trận lôi đình giọng ông vang lên như sấm.”
[15]Seth Jacobs, America’s Miracle Man in Asia: Ngo Dinh Diem, Religion, Race, and U.S. Intervention in Southeast Asia, Duke University Press, Paperback edition, 2004, tr. 185-186; Seth Jacobs, “‘Our System Demands the Supreme Being’: The U.S. Religious Revival and the ‘Diem-Experiment,’ 1954-1955”, 25 Diplomatic History, No. 4, tr. 620 (2001).
[16]Jacobs (2004), tr. 185-186.
[17]Jacobs (2001), tr. 620.
[18]Jacobs (2001), tr. 620, đăng nguồn trong chú thích 137: “Collins to Dulles, 12 February 1955, Collins Papers, box 31.”
[19]Jacobs (2004), tr. 185.
[20]Foreign Relations of the United States, 1955-1957, Tập I, tr. 146, TL 72. Tài liệu này cũng ghi lại lời Giám mục Ngô Ðình Thục đáp lại lời khuyên của Collins: “Thục nói rằng chuyến thăm của Hồng y Gilroy do (Ngoại Trưởng Úc) R.G. Casey đề xướng, và băng rôn là do các chủng viện sinh [tên đã bị xoá] làm, chứ không phải do Diệm yêu cầu.”
[21]Moyar (2006), tr. 218. Dựa trên các nguồn tài liệu lưu trữ trong văn khố Hoa Kỳ, James McAllister đã phản đối lại ý kiến này. Xem James McAllister, “‘Only Religions Count in Vietnam’: Thich Tri Quang and the Vietnam War”, Modern Asian Studies (sắp xuất bản, đã đăng trên mạng từ ngày 30/7/2007, Cambridge University Press).
[22]Nguyễn Thị Liên Hằng, “The Double Diaspora of Vietnam’s Catholics”, 39 Orbis, Số 4, tr. 498 (1995).
[23]Hang (1995), tr. 497 (không dẫn chú thích). Xem thêm: Thayer (1989), tr. 121.
[24]Tạ Chí Đại Trường, Sử Việt đọc vài quyển, Văn Mới, California, 2004.
[25]Trường (2004), p. 457: “Làm cách nào mà một chính quyền Sài Gòn lộn xộn với giáo phái sứ quân, với giang hồ đạo tặc, với Công giáo di cư ít nhiều gì cũng là kiêu dân, với cả người Pháp còn tham vọng giữ phần đất thuộc địa cuối cùng... có thể đương cự với cả một nền tảng đe doạ trùng trùng như thế? Lịch sử ổn định bước đầu của chính quyền đó là một phối hợp tuyệt vọng của những người Việt chống cộng (một tập-hợp-từ tiêu cực đúng với thực chất hổ-lốn của nó) chỉ còn một mảnh đất nương thân, và của người Mĩ đứng nhìn trong bình diện chiến lược quốc tế thấy mình phải chen chân vào.”
[26]Nguyễn Hiến Lê, Đời Viết Văn Của Tôi, Văn Hóa, n.p., n.d., tr. 124-126 (ấn bản Quốc nội). (Hình như đây là cuốn đạo văn của tác phẩm: Nguyễn Hiến Lê, Đời Viết Văn Của Tôi, Văn Nghệ, Westminster, CA, 1986. Tuy nhiên, tôi không tìm mua được tác phẩm gốc).
[27]Lê, op. cit., pp. 124-126. Xem thêm: Nguyễn Mạnh Quang, Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư, Tác giả tự xuất bản (ấn bản Hải ngoại), 1998, tr. 163-165. Quang đã trích chi tiết hơn từ cuốn: Lê (1986), tr. 99-101. Điều này khiến chúng ta tin GS Lê đã trực tiếp viết những dòng trên.
[28]Moyar (2006), tr. 216.
[29]Informations Catholiques Internationales, “L’Église au Sud-Vietnam”, 15 Mars 1963, tr. 18.
[30]Informations Catholiques Internationales, 15 Mars 1963, pp. 18-19.
[31]Khi bàn về vai trò của Ngô Đình Nhu trong chính quyền Ngô Ðình Diệm, Philip Catton đã viết trong Catton (2002), tr. 16-17: “Với tư cách người đứng đầu cơ quan an ninh và tình báo, ông ta khai thác nguồn lực của Tổng nha Nghiên cứu Chính trị Xã hội có văn phòng đặt trong Dinh Tổng thống, do Trần Kim Tuyến - một người Công giáo gốc Bắc, trước đó là thư ký riêng của Nhu, đứng đầu. Dưới cái tên nghe có vẻ hiền lành, Tổng nha này là cơ quan đầu não của bộ máy quyền lực không chính thức của chế độ Diệm, qua đó Nhu có thể chỉ đạo hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở miền Nam Việt Nam. Như một người từng làm việc trong Dinh nhận xét, Tổng nha đã tạo cho Nhu ‘một tiểu chính quyền thực sự để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát và kiểm soát chính quyền trên danh nghĩa do Diệm đặt ra.’” (Tôi nhấn mạnh.)
[32]Phong (2006), tr. 139: “Cuối năm 1957, với thế lực của đảng [Cần Lao], ông Diệm đang đứng trên đỉnh cao quyền thế. Nhưng ông rất cô đơn trên ngôi cao đó: người bạn Mỹ thân thiết Lansdale đã bị thất sủng và ra đi. Bây giờ, những cố vấn xung quanh tổng thống Diệm chỉ là một đám nịnh thần.” Xem thêm: Informations Catholiques Internationales, 15 Mars 1963, tr. 20: “Năm 1961, trong những số đầu tiên, tờ báo Đức Mẹ La Vang đã đăng danh sách những vị mạnh thường quân của cuộc hành hương do chính tờ báo này khởi xướng. Danh sách bắt đầu bằng món tiền tặng khoảng 2.000 quan Pháp của phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, vốn không phải là người Công giáo. Giáo hay lương, gần như tất cả các bộ trưởng đều có tên trong danh sách với những tặng phẩm tương tự như thế. Tiếp theo là tướng tham mưu trưởng và các tướng lãnh khác. Cuối cùng, là những vị chức sắc đứng đầu các tỉnh thành...”
[33]Moyar (2006), tr. 216. Xem thêm: Hang (1995), tr. 497.
[34]Liên Hằng (1995), tr. 498: “Sự ưu đãi đối với các hoạt động của Công giáo bao gồm tài trợ những chuyến thăm viếng của các vị chức sắc tôn giáo tới Nam Việt Nam. Ví dụ, khi Hồng y Gregorio Agagianian tới Việt Nam, chuyến đi của ngài hoàn toàn nằm dưới sự sắp xếp của chính quyền Sài Gòn - đúng ra có danh nghĩa thế quyền và không liên quan gì tới tôn giáo” (Đã lược bớt chú thích trong bài.)
[35]Informations Catholiques Internationales, 15 Mars 1963,tr. 21
[36] Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 21. Độc giả nên xem toàn bộ bài báo để nhận ra những ví dụ khác về những người Công giáo muốn tách nhà thờ khỏi chế độ Ngô Ðình Diệm.
[37]Informations Catholiques Internationales , 15/3/1963, tr. 19.
[38]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 19.
[39]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 19.
[40]Informations Catholiques Internationales , 15/3/1963, tr. 17-18, 21. Việc cải đạo của Nguyễn Văn Thiệu được nhắc tới trong: Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu], Mậu Thân 68: Thắng hay Bại?, Văn Hóa, Houston, tái bản lần 3, 1998, tr. 354-355. “19/4/1968: Sài Gòn: Lansdale gặp Linh Mục Bửu Dưỡng (...). Theo Dưỡng, Dưỡng đã rửa tội cho Nguyễn Văn Thiệu năm 1958 ở Đà-lạt. (…) (Báo cáo ngày 20/4/1968, Lansdale gửi Bunker),” Chính Đạo viết. Xem thêm: Nguyễn-Khắc-Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt-Nam Cộng-Hòa, Nhóm Nghiên-Cứu Sử-Địa, Montreal, 1979, tr. 39-40.
[41]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 20-21.