trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.3.2008
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 15
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!

Nghĩ lai rai – Hai chín

1. Có ai xuôi vạn lý / Nhắn đôi câu giúp nàng (…) / Cuối xuân năm Mậu Tý / Tướng quân mang kiếm về… ("Hòn vọng phu", Lê Thương)

2008. Tết năm nay, Tết Mậu Tý. Tết con chuột. Tuy nói vậy mà không phải vậy. Tết con chuột nhưng lại không có chuột. Vì “mậu” tý, theo tiếng Cắc chú, có nghĩa là “không có” chuột! Thế nhưng, thêm một lần nữa, tuy nói vậy mà không phải vậy. Vì cái đám nhân loại khốn khổ 6 tỉ rưỡi này há chẳng phải là đám chuột chù khổng lồ đang phá hoại mùa màng, rừng rú, đất đai, sông ngòi trên địa cầu này hay sao? Và hơn nữa, lại còn ỉa cứt chuột độc địa gây ô nhiễm khắp cùng trên mặt đất, sông biển, khí quyển, núi rừng, địa cực. Như một nhọt ung thư vĩ đại. Như một trận dịch hạch tràn lan hết thuốc chữa.

Mới đầu năm mà đã nói chuyện không khá!


2. Tết Mậu Tý. Can Mậu làm liên tưởng tới tết Mậu Thân, năm 1968! Một trận lửa sắt tơi bời. Tuy nhiên, bần tăng không có ý muốn “gợi giấc mơ xưa”, nhắc lại cuộc binh đao hãi hùng tại miền Nam cách đây đúng 40 năm tròn. Vậy mà tưởng chừng như mới hôm qua, còn nghe tiếng trực thăng rần rật trên đầu. Thời binh lửa, tóc hãy còn xanh. Giờ đây tóc đã bạc nhiều. Ngày xưa Hàng Xanh. Bây giờ Paris. Cử đầu vọng minh nguyệt / Đê đầu tư cố hương. Ngửng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ quê xưa. Như Lý Bạch đã từng thở than từ thời thịnh Đường huy hoàng thi phú nào xa lắc.

Hôm nay còn xuân mai còn xuân
Rượu uống say rồi nhớ cố nhân

Ngày xưa, Nguyễn Bính uống say rượu Tết nhớ tới Huyền Trân. Bần tăng rượu xuân vào cũng nhớ cố nhân. Nhưng cố nhân đây không phải là một bóng hồng ngày cũ, hay là một em nhỏ hậu phương năm nào. Mà cố nhân đây là ông chủ quán rượu Ba Cây Lý. Một tửu quán nằm ở miệt Chợ Lớn mà dân nhậu sành điệu thời chiến ai cũng đã từng ghé qua và “dô! dô!” tưng bừng với bè bạn. Thiệt ra thì quán rượu này không có tên (Bài không tên số 3!) Nguyên trong sân quán có 3 cội lý già đứng thi gan cùng tuế nguyệt, dân nhậu bèn gọi đại tửu quán là quán Ba Cây Lý cho dễ nhớ và dễ hẹn nhau.

Hẹn nhau cốt là để nhậu. Uống rượu là chủ yếu, vì món nhắm ở đây xét ra chẳng có gì là ly kỳ. Cũng đại khái tôm cua sò mực. Và đồ ăn đóng hộp, vô keo: thịt, cá, củ kiệu, tôm khô... Nhưng cái đặc biệt của Ba Cây Lý là bán rượu mạnh thứ thiệt: nào là uých ky “Zoanhny Đi bộ” nhãn đen nhãn đỏ, Chó đen Chó trắng, VAT 69... nào là Cognac, Courvoisier, Martel cổ lùn, ba sao, VSOP... Ối thôi, đủ thứ hết. Dân ít tiền thì uống uých ky nội địa. Những tên rượu nghe rất là “dấu ấn”, rất là “siêu” hình: Ông già chống gậy, Ông già bật ngửa, Ba con rắn, Bốn con thằn lằn, Hai con nai, Năm con bìm bịp... toàn là những thứ rượu thuốc hảo hạng thuộc loại “ông uống bà khen” - thời đó chưa có viagra. Bần tăng và mấy tay bợm nhậu thường kéo nhau tới đây để khao quân khi bạn ta vừa mới thoát chết ở mặt trận trở về, hoặc để nâng cao tinh thần chiến đấu của quân ta trước khi xuất trận giao đấu... với mấy em Kiều. “Một, hai, ba! Dô! Dô!...” Có thì phải có ra, đó là lẽ Trời, cãi làm sao được mà cãi?


3. Nhưng tửu quán Ba Cây Lý dính dáng tới Tết Mậu Thân ra làm sao mà nhắc?

Số là sau cái tết Mậu Thân tơi bời hoa lá cành đó, trở lại chốn xưa thấy quán ta tiêu điều hơn trước rất nhiều. Bèn khóc ba tiếng, cười ba tiếng mà than lên bốn câu đầu của “Ba Cây Lý thành hoài cổ”:

Tạo hoá gây chi cuộc hí cầu
Đến nay thấm thía cái phao câu
Dấu xưa xe ngựa còi lông hết
Nền cũ lâu đời muốn mọc râu!

Còn đâu cái cảnh "quán rằng thịt cá ê hề, khô lân chả phụng bốn bề thiếu đâu". Gẫm ra mới thấm thía cái lẽ tang thương trong thơ của cụ Tiên Điền: "Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau… thấy bà!"

Hỏi cố nhân, chủ quán bèn tâu trình cớ sự: "Mấy cậu nghĩ coi, giặc giã đánh tới rần rần nên tui phải tản cư tới nhà bà con để lánh nạn. Mà khu vực Chợ Lớn này hai bên giành qua giựt lại không biết là bao nhiêu bận. Lần nào phe Cộng chiếm được thì bọn du kích hốt đồ ăn trong quán. Lúc nào phe ta chiếm được thì lính quốc gia dọn rượu của tui. Đánh qua đánh lại, rốt cuộc quán tui bị dọn láng te! Cũng may là quán không bị cháy rụi. Thôi thì tui mượn đỡ tiền bà con mà mần lại từ đầu. Mấy cậu nhớ tới nhậu đều đều giúp cho tui làm lại cuộc đời nghe!"

Sau khi quan sát tình hình quân sự ngay tại mặt trận, bèn đi tới nhận xét sau: Không những chỉ đối chọi nhau về mặt chính nghĩa thôi, mà ta và địch lại còn rất xung khắc nhau về mặt ẩm thực. Địch lấy cái ăn làm gốc. Còn ta thì lấy cái nhậu làm cơ sở. Đánh nhau chí tử là phải lắm. Duy có điều, ăn vô thì chắc bụng. Còn nhậu vô thì… xỉn. Cuộc chiến đã kết thúc rất đúng theo cái lẽ "duy vật biện chứng Mác Lê". Sau Tết Mậu Thân, nghe lời than của chủ quán và chứng kiến tận mắt cái cảnh "tiêu điều nhân sự đã xong" của chốn cũ, bần tăng bèn xúc động khôn cùng, lại ngửa cổ lên trời khóc ba tiếng cười ba tiếng và bắt chước Bà Huyện Thanh Quan mà vi vút bốn câu thơ cuối của “Ba Cây Lý thành hoài cổ":

Đá đã đau gan vì quá nhậu
Nước còn xanh mặt với phân trâu
Ngàn năm kim cũ khi xìu ển
Cảnh đó người đây thấy phát rầu!


4. Tại quán Ba Cây Lý này cũng đã xảy ra một biến cố rất là “dấu ấn” và đã đi vào văn nhậu sử muôn đời không có cách nào đi ra được nữa.

Lần đó, cũng như mọi bận, bần tăng và mấy tay bạn nhậu kéo tới quán Ba Cây Lý để chuẩn bị hành quân lớn. Trong số có Lộc, ông anh yêu dấu của bần tăng. Nhậu tì tì từ trưa cho tới xế chiều. Lộc xỉn quá nên đâm ra buồn ngủ. Chịu hết nổi, anh của ta bèn lẳng lặng chuồn êm ra khỏi quán. Lò dò ra tới đường lộ, thấy có chiếc xe lôi đạp không người lái và không biết của ai đậu đó. Bèn vén màn cao su che phía trước leo lên nằm bật ngửa mà mở tiệm cưa bất hợp pháp: “Rằng xưa có gã từ quan, Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”.

Buổi chiều hôm đó, như mọi bận, anh phu đạp tạt qua, ghim xe lôi vô lề đường bỏ đó, rồi tấp vô quán làm bậy vài ly giải khuây. Sau mấy ly “Ông già bật ngửa”, đạp sĩ trở ra đường, lấy chiếc công xa của mình đạp về cố quận. Đạp mấy vòng, chợt cảm thấy chiếc công xa của mình hôm nay sao bỗng nặng chưn đạp hơn mọi bữa. Bèn dừng cương lại, xuống ngựa, đoạn bước tới vén màn cao su lên mà khán binh thư: Lần này thì mới quả thiệt là “Ông già bật ngửa”! Đạp sĩ bèn khều anh của ta dậy và mời người ra ánh sáng cho tui nói chuyện. Xong cất cổ lên mà ca mấy lời dìu dặt:

Tui đưa anh sang sông
Bằng xe lôi hay xe đò...

Lộc lầm lũi trở lại quán, ngồi vô bàn và kể lại “sự cố” (nội), bàn tiệc được một chầu cười hể hả. “Trống treo ai dám đánh thùng / Bậu không ai dám giở mùng chun vô?”


5. Nhưng người xưa có nói: “Cười người hôm trước hôm sau người cười”. Quả thiệt không sai! Và lần này, người gây nên “sự cố” là bần tăng, dĩ nhiên.

Bữa đó, Lộc và bần tăng dắt hai người em nhỏ hậu phương sang Khánh Hội thưởng thức lẩu mắm ở quán Ba Cây Dừa (lại 3 cây!). Ở đây chỉ có bia. Ăn mắm vào thì càng khát nước. Càng khát nước, càng nốc bia. Càng nốc bia, càng mắc tè. Quán không có chỗ tiện nghi nên đành phải tự động kiếm chỗ nào tè được thì cứ tè. Cũng bởi lẽ đó cho nên gẫm ra mới biết bần tăng vốn đã mắc cái bịnh “tiểu đường” ngặt nghèo từ lúc thiếu thời, và kéo dài cho tới những nay mà không sao hết, “no stars end”!

Phía trước quán là một vùng đất hoang tối đen có cỏ mọc cao. Buồn ngủ mà lại gặp chiếu manh! Bần tăng bèn xăm xăm băng qua phía bên kia đường, đứng lẩn vào trong bóng tối. Kéo cái khoá kéo xuống. Xong “hò dô ta! nắm cu kéo ra” mà giải thuỷ. Vừa khai pháo (quá đã!), chợt nghe có giọng đàn bà trong trẻo cất lên réo rắt từ trong bóng tối: “Mấy người thử nghĩ! Mấy người đương ngồi hứng mát mà khi không người ta tới đái đại trên cẳng mấy người thì mấy người tính sao?” Còn tính sao nữa! “Ba mươi sáu chước, chước nào lẹ hơn?” Không kịp đóng cái khoá kéo lại, và cũng không kịp từ giã hiền thê, bần tăng bèn “bồng con ôm gói bon bon chạy hoài!”

Sau khi hồi loan và kể lại tự sự, mấy em gái hậu phương ôm bụng cười ngặt nghẽo. Và cứ cười ruồi luôn suốt cả buổi. Quê một cục... rất lớn! Thề từ nay đi nhậu sẽ lận theo cái đèn bấm (cho nó le lói). Thêm nữa, trước khi “hò dô ta” và khai pháo, sẽ nộp đơn xin phép bà con ta trước cho nó phải phép.


6. Các chuyện tiếu lâm của dân nhậu nó dài bất tận – như là chuyện dài Nhân dân tự vệ (NDTV)! Hẹn sẽ kể tiếp lai rai trong những bài sau. Để tạm kết, bần tăng xin trình bày quan điểm sau đây của một đệ tử Lưu Linh, về chuyện nhậu nhẹt:

Trong một nhà thờ nhỏ ở một tỉnh nhỏ, ngày nào cũng có một bợm nhậu mặt mày đỏ ké, nặc nồng mùi rượu ngồi ngủ gục ở hàng ghế chót mà ngáy phì phò. Cho tới một bữa nọ, vị linh mục bực mình chịu hết nổi, bèn từ từ dấn bước thăng trầm xuống tận dưới chót lay bợm nhậu ta dậy và tỏ lời khuyên giảng:

“Con biết không, rượu giết con người ta chết từ từ. Con phải hiểu điều đó mà chừa rượu.”

Bợm nhậu cố nhướng một mắt lên, rồi cất giọng lè nhè:

“Thưa... thưa cha... rượu giết chết... chết từ từ hả... vậy... vậy thì cũng... rất tiện... vì con... vì con đâu... đâu có... muốn... muốn chết gấp... chết gấp... làm gì... làm gì...”


7. Nhân dịp đầu năm 2008, thử làm một màn tổng kết tình hình kinh tế thế giới năm 2007, và đưa ra một vài con số để so sánh thành quả của một vài quốc gia tiêu biểu so với Việt Nam mến yêu của ta.

Đại khái, các thành quả được thể hiện qua chỉ số sau:
  • PIB: tổng số nội sản thô trong năm.
  • PIB / đầu người (chuyển ra PPA: tương đương mãi lực, lấy nước Mỹ làm chuẩn).
  • Tăng trưởng PIB so với năm trước (%)
  • LP : lạm phát trong năm (%)
Theo tạp chí kinh tế có uy tín thế giới, The Economist, sau đây là thành quả của một vài quốc gia trong năm 2007 :

Quốc gia
Tăng PIB
(LP) (%)
PIB (PPA)
(tỉ đô)
PIB / người
(PPA) (đô)
Mỹ
1.2
(2.7)
14 400
(14 400)
47 330
(47 330)
Pháp
2.2
(1.9)
2 680
(2 170)
43 640
(35 430)
Nga
6.3
(7.8)
1 420
(2 080)
10 010
(14 650)
Trung Quốc
10.1
(3.0)
3 940
(12 910)
2 960
(9 700)
Thái Lan
5.0
(2.1)
263
(697)
3 930
(10 400)
Việt Nam
8.1
(7.3)
83
(347)
953
(3 990)

Các con số trên đây cho thấy :
  • Việt Nam có mức tăng PIB khá cao (8.1 %), nhưng lạm phát cũng không kém (7.3 %)
  • Việt Nam có mức PIB trên đầu người (có thể coi như lợi tức trung bình) quá thấp (953 đô), so với Trung Quốc 2 960 (9 700 đô) và Thái Lan 3 930 (10 400 đô). Cũng may là tính ra mãi lực PPA có khá hơn lên được phần nào (3 990 đô).
  • Về mặt PIB / đầu người, tại Á châu, Việt Nam (953 đô, PPA 3 990 đô) đứng sau Phi Luật Tân (1 640 đô, PPA 5 620 đô), nhưng trước Ouzbékistan (hạng chót) và Pakistan (940 đô, PPA 2 940 đô). Tuy nhiên, có thể là còn khá hơn Bắc Hàn (không biết thành quả)! So với lợi tức của đồng chí Cu Ba : 4 350 đô (PPA 11 970 đô) thì Đảng ta còn kém hơn khá xa. Cũng may, Việt nam ta đã “Đổi mới” từ 1989 mà còn vậy. Thử tưởng tượng nếu Đảng ta cứ ôm gốc Mác Lê mà tử thủ thì toàn dân ta chỉ có từ chết tới bị thương. Dòng giống “Con Rồng cháu Tiên” oai hùng của ta phen này ắt sẽ tróc vảy rụng lông hết... là cái chắc!
Hướng về tương lai, các chuyên gia kinh tế đưa ra những nhận định và ước đoán như sau về nước ta:

Việt Nam cần phải củng cố thêm về hạ tầng cơ sở, xây dựng đường xá cầu cống (cái nạn “rút ruột” vật liệu!). Cần thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kỹ nghệ bằng cách giảm thuế xí nghiệp. Cần đào tạo nhân lực chuyên môn vì còn khiếm khuyết rất nhiều. Nền nông nghiệp đang giậm chưn tại chỗ. Cái quốc nạn đứng hàng đầu: tham nhũng. Đảng hò hét bài trừ tham nhũng nhưng chưa thấy kết quả gì thiết thực – tham nhũng còn có mòi gia tăng thêm nữa là đằng khác. Nếu đạt được những thành tích tốt đẹp trong các lãnh vực vừa nói, Việt Nam ta may ra mới tiến lên được tới hàng quốc gia “mở mang một nửa” ở ngưỡng cửa... năm 2020!

Bởi lẽ đó, năm 2008 trên Thái Bình dương sóng dậy ngất trời, đứa nhỏ ngoái đầu hỏi má mình (bà mẹ Việt Nam):
  • Má ơi má! Nước Mỹ còn xa hông má?
  • Nín đi ! Má con ta phải rán để dành hơi để mà... lội tiếp.

8. Trong “Sự đời bài 14”, bần tăng có hứa trở lại vấn đề tư bản tài chánh.

Như đã nói, chính sách toàn cầu hoá đã đưa tới nền tư bản tài chánh, lấy tiền làm cứu cánh để phục vụ. Nền tư bản tài chánh đã tạo ra hai hệ luỵ không thể nào tránh được: bất ổnbất công. Sự bất ổn phát sinh từ đầu cơ tài chánh nhằm mục đích tạo ra nhu cầu giả tạo. Cho tới mức tột điểm, quả bóng đầu cơ bùng nổ đưa tới khủng hoảng: như khủng hoảng internet đầu năm 2000 và khủng hoảng bất động sản subprime cuối năm 2007. Khủng hoảng thì xí nghiệp đóng cửa, nhân công bị sa thải, và những người tiết kiệm nhỏ lãnh đủ những số tiền lỗ lã kếch sù. Những tay bỏ vốn lớn thì đã thu lợi về trước đó.

Sự bất công là bất công về mặt tài chánh và tài sản. Sau những năm toàn cầu hoá, khắp nơi trên thế giới, thiểu số giàu lại càng giàu thêm vượt bực, còn đa số nghèo thì lại càng nghèo thêm sặc máu. Có lần bần tăng đã đưa ra nhận xét: “Muốn kiếm cơm thì phải làm việc, còn muốn kiếm tiền thì phải làm chuyện khác”. Trong lãnh vực tiền bạc, nói tới bất công thì phải đưa ra vài con số mới thấy rõ và hùng hồn hơn:

Năm 2006, tổng số tích sản (tiền bạc lẫn tài sản) của toàn thể thế giới là 94 283 tỉ đô. Trong số này, 37 200 tỉ đô (khoảng 40%) thuộc về tài sản tư của những tay giàu có hàng đầu trên thế giới (khoảng vài ngàn). Phần 60% còn lại chia ra cho hơn 6 tỉ dân số còn lại của toàn cầu. Và hơn một nửa dân số 6 tỉ người đó không có một cắc trong tay. Riêng trường hợp nước Pháp, từ 1998 đến 2006, trong toàn thể dân số 61,4 triệu Phú-lang-sa thì:
  • lợi tức của 0,01% (một phần mười ngàn) dân số thuộc hàng giàu nhứt (khoảng 3 500 người chịu thuế) tăng lên 42,6%
  • lợi tức của 90% dân số làng chàng còn lại (55,26 triệu) tăng lên ít hơn, 4,6%
Thêm nữa, những con số trên đây chỉ căn cứ vào tờ khai lợi tức (để đóng thuế). Chưa kể những lợi tức kếch sù do di sản riêng sinh ra hàng năm.

Còn ở quê hương Việt Nam ta, nói tới chênh lệch giữa giàu và nghèo thì xin miễn bàn (bất khả tư nghì!) vì không có thống kê chính thức và chính xác. Phải về tận nơi và chứng kiến tận mắt, ắt sẽ thấy rõ. Chừng đó, e chỉ còn nước theo chưn sư phụ Văn Vỹ mà... chạy xe Hông đa ôm cho nó đỡ ngứa con mắt!

Thử đương cử một hiện tượng cuối năm 2007: chiếc xế 4 bánh đắt tiền nhứt thế giới (hơn 1 triệu đô) đã có mặt tại Việt Nam liền tù tì và thuộc về tay một cán bộ gộc. Trong khi đó dân ngu khu đen mỗi ngày kiếm đỏ con mắt không ra một đô để lót bụng! “Bà con thử nghĩ!”


9. Khủng hoảng thì đưa tới lỗ lã kếch sù. Lỗ lã? Đúng! Nhưng không phải ai cũng lỗ. Có người chẳng những không lỗ mà còn lời đậm nữa là đàng khác.

Chẳng hạn định chế tài chánh Goldman Sachs. Hai năm trước vụ khủng hoảng bất động sản subprime ở Mỹ vào năm 2007, ban quản trị đã tiên đoán trước và đã “xoay sở” trên thị trường chứng khoán. Kết quả: lời 16 tỉ đô! Mỗi nhân viên được chia đều 660 000 đô. Riêng vài traders xuất sắc được hưởng 100 triệu đô tiền “bonus”. Chính những món tiền bonus khổng lồ này đã làm mờ con mắt và thúc đẩy các traders khác chọn lựa đầu tư những món tiền kếch sù (hàng chục, hằng trăm tỉ đô) vào những vụ đầu cơ đầy rủi ro. Gặp vận xui hoặc khủng hoảng thì lỗ lã nặng (5 tỉ, 10 tỉ đô) và sập tiệm. Trong số đó có trader Jérôme của Société Générale Pháp: Société Générale lỗ 5 tỉ euros (7 tỉ đô) một cái rụp.

Một thí dụ khác: Trường hợp Merrill Lynch ở Mỹ. Trong vụ khủng hoảng subprime vừa qua, sau khi đã nướng hết 10 tỉ đô của ngân hàng mình, Chủ tịch Tổng Giám đốc (PDG) Stanley O’Neal bắt buộc phải từ chức. Trước khi ra đi, PDG đã không quên vói tay bợ tạm món tiền thưởng bonus rất khiêm nhượng là... 160 triệu đô để tráng miệng!

Tại Pháp, sau khi thông báo nhà băng Société Générale do mình lãnh đạo lỗ 7 tỉ euros (9,5 tỉ đô) vào đầu năm 2008, PDG Daniel Bouton tình nguyện không lãnh lương nửa năm (khoảng 1,8 triệu euros) để giúp cho Société Générale phục hồi trở lại (!). Được biết số lương toàn năm của PDG là 3,6 triệu euros. Cộng thêm trị giá gia tăng trên các stocks options của mình tại Société Générale thì của hồi môn của chàng PDG già vào tháng năm 2007 xỉu xỉu lên tới món tiền nho nhỏ là 57,8 triệu euros (80 triệu đô). Đó là chưa kể món tiền bồi thường cho PDG trong trường hợp Société Générale cho chàng “de”: hai chục, năm chục, hoặc một trăm triệu euros (như O’Neal) hay còn nhiều hơn nữa?

Tục tĩu! Phải nói là tục tĩu! Trường hợp của O’Neal, của Bouton, và của rất nhiều PDG mất chức vì lỗ lã khác, phải nói là tục tĩu. Không có tính từ nào khác hơn. Những cảnh hành dâm trâng tráo thô bạo trong phim X nếu đem mà so sánh xem ra còn ít chướng mắt và còn đạo đức hơn rất... rất nhiều. Nhưng than ôi! Châm ngôn của cái bọn tục tĩu quốc tế này là “tiền không có mùi”!

Khi bình tĩnh mà xét lại thì công việc phân tích những cái “thối nát” trong chế độ tư bản của Karl Marx đâu phải là hoàn toàn vô căn cứ (nói theo kiểu Đảng ta: “không có cơ sở”!) Nhưng khổ thay, liều thuốc trị độc mà Các Mác đề ra lại còn độc hơn là căn bịnh: mấy chục triệu người đã bỏ mạng trên khắp thế giới vì chế độ toàn trị, và kết quả đạt được là sự sụp đổ tan tành của khối cộng sản. Nga, Tàu, Đông Âu và Đảng ta đã bắt buộc phải đổi mới, mở rộng cửa mời tư bản “thối nát” vào làm bizinết. Luôn tiện hốt “bạc cắc” (!) bỏ túi riêng: “tiền thối nát đâu có mùi miếc gì!” Hơn nữa, tiền đô Mỹ “In God we trust” còn thơm phức tột bực nữa là đàng khác: “Ối giời! thơm quá nà thơm! Cái xắc ziện của Ngài Tổng thống Mỹ trên đồng đô trông nó còn hồng hào hơn nà cái bản mặt của cha zà rân tộc!”

Mới biết, từ cổ chí kim, từ ngàn xưa cho tới những nay, dân ngu khu đen, dân nghèo sặc máu, nông dân chơn chất, từng lớp bần cố nông thiệt sự bao giờ cũng bị xách động, bị khai thác, bị bóc lột và rốt cuộc bị chiếc xe tiến bộ bỏ quên, bị sự phồn thịnh đá đít, bị bánh xe lịch sử nó cán cho dẹp lép. Thử nhìn lại lịch sử Trung Quốc và Việt Nam từ thời trước cộng sản, từ thời thuộc địa, cho tới thời cách mạng, thời cộng sản, qua tới thời hậu cộng sản, thời xã hội – kinh tế thị trường thì thấy. Nông dân bao giờ cũng là thành phần “tiên phong”, và rốt cuộc lãnh đủ một chăm phần chăm! Trong suốt lịch sử, tầng lớp bần cố nông lúc nào cũng đóng vai trò “xê xê xê đê” (CCCĐ: cầm cặc chó đái!). Và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục “xê xê xê đê” dài dài. Trong hoàn cảnh đó, thử hỏi ở xứ ta, các em bé hậu phương không rời bỏ nông thôn tay lấm chưn bùn mà tuôn ra thành thị để làm “bia ôm”, để phục vụ trong các khách sạn, quán ăn, tiệm nhậu, hộp đêm, karaôkê, hay lấy chồng Đài Loan (và còn làm cái gì khác còn tệ hơn nữa) cho được?

Một bận bần tăng về viếng (“tham quan”, mẹ rượt!) Tràm Chim ở Đồng Tháp, được một em phục vụ cho biết: “Tới mùa gặt ở Đồng Tháp, kiếm đỏ con mắt không thấy bóng một cô con gái!” Cần nhắc lại, bà con yêu nước Đồng Tháp Mười ngày xưa, thời chống Pháp chống Mỹ, đã hy sinh tận mạng và ủng hộ kháng chiến hết mình. Bây giờ cách mạng thành công rồi, bà con ta ở đó có hưởng được một chút gì, ngoài đặc sản chuột, rắn (và đầm lầy) như tự muôn đời? Còn Việt kiều “Việt gian”, “Mỹ ngụy” ngày xưa giờ đây đã trở thành Việt kiều “yêu nước”, trong đó có vị tăng khả kính trọc đầu này (pháp danh: “Thích Đàn Bà”, kinh nhựt tụng: “Ban ngày lặt cỏ tối công phu”). “A di đà Phật!” Thiện tai! Thiện tai! “Yêu nước” là cái mẹ rượt gì? Thà chết sướng hơn! Nói theo kiểu thời trang bi giờ ở quê hương ta: “Yêu được chết liền!


10. Thôi, nói chuyện "tư bản tài chánh" như vậy, tạm thời tưởng cũng đã "đủ liều" (đủ dose) lắm rồi. Bàn thêm nữa e sẽ bị lậm thuốc mà thác - bỏ vợ lớn, bỏ vợ nhỏ, bỏ đào nhí lại ai nuôi? Sẽ thác mà chỉ nhắm có một con mắt bên trái.

Để kết thúc bài này, trở lại chuyện dân nhậu có lẽ vui hơn (là cái chắc!) Chuyện có thiệt: Hồi thuở còn là học trò ở Vĩnh Long, bần tăng thường la cà nơi quán nước chị Tư Tùng để cua em Tuyết. Một đêm, bàn bên cạnh có hai ông sồn sồn ngồi nhậu tì tì. Trước thì là bàn chuyện, kế đó chuyển sang cãi vã, và sau cùng cả hai đứng dậy xô xát. Ông thứ nhứt cung tay vớt bạn mình một cái. Ông kia chếnh choáng ngửa người ra sau né. Ông nọ vớt hụt, quay một vòng rồi té ngửa xuống đất. Ông kia bèn vỗ ngực mình mà hét lớn:

Ê!... ê!... Chưa chắc… chưa chắc thằng nầy sợ thằng nào!

Ông nọ lếch nghếch bò bốn chưn, đoạn đứng lên lạng quạng rồi cũng vỗ ngực mình mà đáp lễ:

Ê!... ê!... Cũng chưa chắc… chưa chắc thằng nào sợ thằng nầy!


Thông báo

Nghe đây! Nghe đây! Muốn biết nước Mỹ mắc nợ thế giới và dân Mỹ mắc nợ ngân hàng tới mức nào, mời bà con đón xem bài tới sẽ rõ. Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Xin bà con nhớ đem theo kleenex!

© 2008 talawas