trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
13.3.2008
Lý Khôi Việt
Chùa Báo Thiên và Nhà thờ Lớn Hà Nội trên phương diện văn hóa, tôn giáo và pháp lý
(Trả lời Giám mục Nguyễn Văn Sang, Linh mục Thiện Cẩm, Linh mục Hoàng Kim Lĩnh và các ông Mặc Giao, Lữ Giang, Trần Lê Nguyễn)
 
Các bài báo gần đây của sáu vị kể trên về vụ Toà Khâm có nêu lên một số điểm chính như sau:
  • Đất của Nhà thờ Lớn Hà Nội và Toà Khâm sứ không nằm trên khuôn viên của Chùa và Tháp Báo Thiên; đất xây Nhà thờ Lớn đã được chính quyền đương thời trao cho quyền sở hữu.
  • Chùa và Tháp Báo Thiên đã bị đổ nát từ lâu đời nên không có chuyện phá Chùa, phá Tháp để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội.
  • Nhà thờ Lớn Hà Nội đã được chiếm hữu lâu đời, hơn 122 năm, nên có giá trị thời hiệu của sự chiếm hữu hợp pháp.
Sau đây tôi lần lượt trả lời những quan điểm này.


1. Từ hồi ký của Công sứ Bonnal, bệ giếng đá của Chùa Báo Thiên và liên minh thực dân Pháp, cố đạo Tây và tay sai bản xứ...

Nếu Nhà thờ Lớn Hà Nội không xây trên lô đất của Chùa Báo Thiên thì tại sao quý vị lại cố công chứng minh Chùa và Tháp Báo Thiên đã đổ nát từ lâu đời, rằng cố đạo Puginier đã không phá Chùa và cướp đất Chùa? Giám mục Nguyễn Văn Sang “đã vâng lời Đức Tổng giám mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt”“suy đoán” rằng “khu Chùa và Tháp Báo Thiên cũ là ở phía bên này hồ Hoàoàn Kiếm, trong khu đất Tam Giác, nơi có Hội Trí đức cũ, và đầu kia là cơ sở của báo Nhân Dân đứng trên mảnh đất nhà binh Pháp cũ. Thế là đất Khâm sứ cũ nằm trong đất Toà Tổng giám mục, đâu có nằm trên khu đất của Chùa Báo Thiên, mà là đất giữa Tràng Thi và Chùa Báo Thiên cũ, rõ ràng không phải là đối tượng cho một số Phật tử đòi phải trả lại.”

Những tác phẩm có thẩm quyền đã nói rất rõ ràng về vị trí của Chùa Báo Thiên. Trong Từ điển đường phố Hà Nội do Đại học Hà Nội xuất bản có viết:“Nền Nhà thờ (Lớn) hiện nay nguyên là nền đất Chùa Báo Thiên rất nổi tiếng, ở đây còn có một tháp gọi là Tháp Báo Thiên. Ngoài ra tại phố này (phố Nhà Thờ, avenue de la Cathédrale) còn có một ngôi chùa cổ, là Chùa Bà Đá. Tương truyền vào đời Lê Thánh Tông ở thôn Báo Thiên Tự có một người đào được một pho tượng Phật Bà bằng đá. Người đó liền lập một miếu nhỏ để thờ. Sau dân làng thấy thiêng mới xây thành ngôi chùa và gọi là Chùa Bà Đá, tên chữ là Linh Quang Tự. Pho tượng này đã mất trong một vụ cháy thời Pháp thuộc.” (Nguyễn An Tiêm, “Hà Nội: từ Chùa Báo Thiên tới Nhà thờ Lớn”, thuvienhoasen). Kết luận về vị trí Chùa Báo Thiên “là một khu vực rộng lớn mà trung tâm là khu vực Nhà thờ Lớn, Nhà Chung và Toà Khâm sứ bây giờ. Trong quá khứ tồn tại gần 1.000 năm một số khu ngoai vi đã được sử dụng vào việc khác nhưng khu vực trung tâm của Chùa Báo Thiên là ở ngay khu vực Nhà thờ Lớn và Toà Khâm sứ bây giờ, và vẫn được duy trì hoạt động đến năm 1883.” (“Thư trao đổi gởi Ngài Nguyễn Văn Sang”, phattuvietnam.)

Đặt vấn đề vị trí của Chùa Báo Thiên và Nhà thờ Lớn Hà Nội chỉ là đòn hoả mù tung ra để trốn chạy một sự thật rõ ràng đã được rất nhiều tác giả ngoài Phật giáo trình bày một cách khách quan trung thực. Giám mục Sang hiểu biết mù mờ, sai lạc như thế, thì giám mục Kiệt, người đang cư trú, làm việc, hành lễ và đòi chủ quyền trên lô đất này lại càng thiếu hiểu biết hơn về ngay chính lô đất linh thiêng này. Không ai có thẩm quyền hơn Công sứ Bonnal để xác định Nhà thờ Lớn Hà Nội có phải được Giám mục Puginier xây trên khu đất Chùa Báo Thiên hay không, vì Công sứ Bonnal là quan chức cao cấp nhất của chính quyền thực dân Pháp tại Hà Nội, và ông là người đã đích thân trao tận tay giấy chủ quyền của khu đất Chùa Báo Thiên cho Giám mục Puginier. Tại sao Bonnal trao giấy chủ quyền lô đất Chùa Báo Thiên cho Puginier? Bởi vì ông giám mục thực dân này có công rất lớn trong việc xâm lăng, chiếm đóng Việt Nam của thực dân Pháp, và vì ông ta chỉ muốn xây nhà thờ trên khu đất đó. Tại sao vào năm 1883, Hà Nội đất rộng người thưa, có rất nhiều lô đất khác mà Puginier không muốn, mà chỉ thèm muốn lô đất Chùa Báo Thiên? Vì giám mục Puginier muốn tiêu diệt Phật giáo, là tôn giáo có gần 2.000 năm hiện diện tại Việt Nam và là tôn giáo của đa số nhân dân Việt Nam, để dễ dàng phát triển Thiên Chúa giáo mà ông là một trong những nhà truyền giáo cuồng tín nhất vào thời đó. Trong cuốn hồi ký của mình, Công sứ Bonnal đã tường thuật thật chi tiết vụ phá chùa, cướp đất quy mô này: “San bằng ngôi chùa (Báo Thiên) và tịch thu miếng đất (của chùa Báo Thiên) không có gì dễ bằng trong thời kỳ chinh phục..., tuy nhiên, công bình mà nói, tôi cảm thấy ít nhiều ái ngại trong việc phạm một sự lạm quyền kiểu đó, nên thấy nên nhờ ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ (trong việc san bằng và tịch thu miếng đất của Chùa Báo Thiên). Lời tự thuật chân thành này khẳng định lô đất mà Công sứ Bonnal đã cưỡng chiếm để giao cho Giám mục Puginier xây Nhà thờ Lớn Hà Nội là lô đất của Chùa Báo Thiên chứ không phải một lô đất nào khác, và Chùa Báo Thiên bị san bằng để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội là một sự thật lịch sử, được kể lại bởi chính thủ phạm. Bonnal đã dùng từ “chinh phục” (conquest) để chỉ sự xâm lăng, chiếm đóng, hay bình dân hơn, là cướp nước, cướp đất của người khác. Kẻ ăn cướp ít khi nói mình là người ăn cướp, mà tự gọi mình là kẻ chinh phục. Bonnal và Puginier đã cấu kết chặt chẽ với nhau để “chinh phục” Việt Nam và Phật giáo Việt Nam như thế: Puginier đã nhiệt tình giúp quân Pháp đánh phá thành Hà Nội, cướp nước Việt Nam, và Bonnal đã giúp vị giám mục này san bằng ngôi chùa Báo Thiên, một ngôi chùa lớn nhất Hà Nội, có niên đại 826 năm, và cướp đoạoạt lô đất Chùa Báo Thiên, trên đó đã từng có Tháp Báo Thiên vĩ đại, linh thiêng, một di sản văn hoá quốc gia và một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Nếu Puginier không xây nhà thờ trên đất của Chùa Báo Thiên, thì Bonnal đã không nói đến “sự lạm quyền” (abuse of power), và đã không lòng vòng sử dụng tay sai là Nguyễn Hữu Độ. Một ngôi chùa uy nghi, cổ kính khác, là Chùa Báo Ân, hay Chùa Liên Trì, với một cổng tam quan tuyệt đẹp, như hình chụp khoảng năm 1884–1885 đã cho thấy, cũng đã bị chính quyền thực dân phá huỷ để xây Phủ Thống sứ Bắc kỳ và toà nhà Bưu điện Hà Nội. Đây là một sự đàn áp, triệt hạ Phật giáo, vì có nhiều lô đất khác tại sao không trưng dụng mà lại trưng dụng một tài sản của Phật giáo và phá huỷ một ngôi chùa lớn? Tuy nhiên với lý do công ích, chính quyền có quyền tịch thu, trưng dụng tài sản của tư nhân, mà không sợ bị coi là lạm quyền. Trường hợp Chùa Báo Thiên lại khác, phá hủy một ngôi chùa lớn, tịch thu một lô đất lớn để cho không một ông cố đạo xây một nhà thờ Thiên Chúa giáo, đây không phải là một công ích như xây nhà bưu điện, bịnh viện, trường học, nên đương nhiên là một sự lạm quyền, vì vậy người có toàn quyền ở Hà Nội như Công sứ Bonnal, ngay cả trong thời kỳ xâm lăng, chinh phục, cũng ngại ngùng không tự mình làm chuyện bất công, phi pháp như thế. Trong hồi ký của mình, ông viết là đã nhờ Nguyễn Hữu Độ ra tay, đây chỉ là một cách nói để chạy tội, thật sự là ông đã ra lịnh cho Nguyễn Hữu Độ hợp thức hoá một cách gian trá việc phá chùa, cướp đất quy mô này để trao quyền sở hữu cho Giám mục Puginier.

Có người nêu vấn đề là Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ, tức là chính quyền Việt Nam đương thời, đã tịch thu lô đất Chùa Báo Thiên, phá hủy chùa và trao quyền sở hữu cho Giám mục Puginier, nên đây là sự chiếm hữu hợp pháp. Thật sự chính quyền này chỉ là chính quyền bù nhìn, một công cụ, của giặc Pháp đang xâm lăng, chiếm đóng Việt Nam. Pháp tấn công Hà Nội lần thứ hai năm 1882, thành thất thủ, chính quyền của Triều đình Huế sụp đổ. Một chính quyền tay sai ngoại bang được dựng lên, và những người yêu nước, dù dược mời tham dự vẫn cương quyết khước từ, như Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã tuyệt thực để chết vinh hơn sống nhục, hay như Tổng đốc Hoàng Diệu đã uống thuốc độc tự sát. Ngay cả triều đình trung ương ở Huế cũng đã nổi lên tấn công quân Pháp ở thành Măng Cá năm 1885, bị thất bại, kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải chạy ra Quảng Trị, nhưng đã bị giặc Pháp bắt được, phế truất và lưu đày sang Algérie. Từ đó, vua quan triều đình, từ trung ương đến khắp các nơi trong nước đều do giặc Pháp sắp đặt, khống chế. Cho nên, thủ phạm chính của vụ phá chùa, cướp đất Chùa Báo Thiên để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội là Giám mục Puginier và Công sứ Bonnal. Nguyễn Hữu Độ chỉ là kẻ tòng phạm, làm việc theo mệnh lệnh của cấp trên. Liên minh giữa thực dân Pháp, cố đạo Tây và tay sai bản xứ đã phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, chặt chẽ để phá chùa, cướp đất Chùa Báo Thiên và liên minh này được xây dựng trên sách lược “Công giáo hóa” Việt Nam như Giám mục Puginier đã từng quả quyết với các tướng soái Pháp: “Tôi xác định rằng khi mà Bắc kỳ trở thành Gia-tô giáo thì nó cũng trở thành nước Pháp nhỏ của Viễn Đông, y hệt như quần đảo Phi Luật Tân đã là một Tây Ban Nha nhỏ.” (Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam 1857–1914, trích bởi Trần Đình Sơn, giaodiemonline).

Ngoài cuốn hồi ký của Bonnal, có một tang vật chứng minh Toà Tổng giám mục Hà Nội, Nhà thờ Lớn Hà Nội và Toà Khâm sứ đều nằm trên lô đất của Chùa Báo Thiên, chứ không nằm trên một lô đất nào khác, đó là bệ giếng đá của chùa Báo Thiên, có niên đại gần một ngàn năm. Tạp chí Văn hóa Phật giáo cho biết: “Đây là một giếng cổ khá to bằng đá nguyên khối. Nó hiện lên trước mắt tròn trìa như một cái đỉnh, quanh chân chạm khắc hoa văn hình hai lớp cánh sen lồng vào nhau tuyệt đẹp. Chiếc giếng đá này có ba đặc điểm: thứ nhất, nó nằm trong khuôn viên của đệ nhất danh lam thắng cảnh đời Lý là Chùa Báo Thiên. Theo sử liệu, có thể đoán rằng cách giếng đá không xa là bảo tháp 12 tầng, với chóp bằng đồng, vốn là một trong bốn “Đại Nam tứ khí” thời xưa. Thứ hai, về mặt tạo hình mỹ thuật và chất liệu, đó là một giếng đá độc đáo của Thăng Long còn sót lại tới nay... Giếng đá cổ có bệ hình vuông với mỗi cạnh đo bằng 1,5 mét. Từ bệ lên tới miệng cao 0,60 m, vòng bụng chỗ giếng phình ra rộng tới 1 mét. Thứ ba, ngoài nội dung di tích, giếng đó còn là một chứng tích của những giai đoạn lịch sử sóng gió. Vì như đã nói, cổ tự Báo Thiên là đệ nhất danh lam của kinh thành, song tới thế kỷ 15, bị quân Minh chiếm phá và đập tháp để lấy vật liệu chống đỡ sức tiến công của đại quân Bình Định vương Lê Lợi. Đến đời Lê, chùa được trùng tu. Cuối thế kỷ 18, chùa trở nên đổ nát vì chiến sự, rồi được phục hồi lại dưới triều Nguyễn. Thời Pháp lại bị phá lần nữa, mà theo nhà sử học Trần Huy Liệu, đó là “sự phá hoại đáng kể đầu tiên của thực dân Pháp ở Hà Nội”... Cổ giếng là một khối đá tròn, tạo dáng thắt cổ bồng như lư hương. Miệng giếng hơi bóp vào, phần thân dưới phình ra, chạm hoa hình cánh sen hai lớp. Cổ giếng đặt khít khao trên một bệ đá tám cạnh nguyên khối...có chạm hoa văn rồng, mây, hoa lá....Giếng đá cổ độc đáo của chùa Báo Thiên ai cũng phải thừa nhận nó đạt đến trình độ kỹ thuật lẫn nghệ thuật rất cao, chưa có cái nào khác sánh bằng. Sở dĩ như thế vì đây là giếng đá của ngôi quốc tự danh tiếng bậc nhất kinh đô. Chùa, tháp Báo Thiên là đỉnh cao của mỹ thuật kiến trúc Phật giáo. Theo sử sách ghi chép, ngôi chùa này đặc biệt có rất nhiều tự khí, tượng thờ bằng đá to lớn, tuyệt đẹp. Trở lại vấn đề, năm 1883, thành Hà nội bị thực dân Pháp đánh chiếm, sau đó giám mục Puginier cấu kết với công sứ Bonnal và gian thần Nguyễn Hữu Độ chiếm đoạt chùa Báo Thiên để kiến tạo nhà thờ chính toà Hà Nội. Từ đó một biểu tượng văn hóa của kinh đô Thăng Long, niềm hãnh diện chung của dân tộc Việt dần dần bị quên lãng. Trãi qua gần 1.000 năm, biết bao biến động lịch sử, ngoại xâm nội chiến, cuồng tín hận thù mà giếng đá Báo Thiên vẫn tồn tại, thật là điều kỳ diệu. Nó xứng đáng được vinh danh là cái giếng đá cổ xưa nhất, đẹp nhất và hoàn chỉnh nhất dể làm biểu tượng văn hóa, lịch sử của vùng đất thiêng Thăng Long-Hà Nội. Đó chính là “của tin” còn lại của cả dân tộc, chẳng của riêng ai” (Vụ Đòi Toà Khâm: câu chuyện về chiếc giếng cổ, phattuvietnam.net).


2. ... Đến bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức, cảnh huy hoàng tráng lệ của Chùa Báo Ân và những pho tượng Phật bị Bonnal cướp đem về Pháp

Điểm thứ nhì mà một số người Thiên Chúa giáo nêu lên là Tháp Báo Thiên đã đổ nát từ lâu đời, cụ thể là đã bị tướng Vương Thông nhà Minh phá hủy vào năm 1426, rồi bị nạn kiêu binh thời vua Lê - chúa Trịnh tàn phá, rồi lại bị quân Tây Sơn đào lấy gạch đá của tháp để xây thành Thăng Long năm 1791, như vậy đâu còn Tháp Báo Thiên để mà nói là cố đạo và thực dân phá tháp năm 1883 để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội vào năm 1884? Đây cũng là một lập luận hỏa mù để đánh lạc hướng chủ đề đang tranh luận, đó là về Chùa Báo Thiên đã bị triệt hạ và đất Chùa Báo Thiên đã bị cướp đoạt để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội (đây cũng là lô đất trên đó hiện đang có Toà Tổng giám mục Hà Nội và Toà Khâm sứ). Tháp là một phần của chùa, trong khuôn viên của một khu chùa tại miền Bắc thường có vài ba ngôi chùa, gọi là chùa thượng, chùa trung, chùa hạ, và một số tháp thờ vị sư sáng lập chùa và những vị sư trụ trì chùa đã qua đời. Riêng trong khuôn viên Chùa Báo Thiên, được thành lập bởi vua Lý Thánh Tông năm 1056, có một điểm đặc biệt là có Tháp Báo Thiên, được xây năm 1057, một công trình kiến trúc vĩ đại, đứng đầu “An Nam tứ đại khí” như người Trung Hoa đã ca ngợi. Dù Tháp Báo Thiên còn hay mất, đã đổ nát hay đã được trùng tu, thì vẫn không thay đổi điểm chính của bản cáo trạng là Chùa Báo Thiên đã bị đập phá và lô đất Chùa Báo Thiên đã bị cướp đoạt để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội. Trong bản đồ kinh đô Thăng Long, in đời Hồng Đức, năm 1490, nghĩa là hơn 60 năm sau khi bị phá hủy bởi giặc Tàu, Tháp Báo Thiên vẫn được in, với hình vẽ một ngôi tháp cao, một cách trang trọng, nổi bật ở vị trị trung tâm của tấm bản đồ lịch sử này. Có nghĩa là đời nhà Lê, cụ thể là dưới đời vua Lê Thánh Tông, một triều đại Nho giáo cực thịnh, một vị minh quan Nho giáo gương mẫu, đã cho trùng tu lại ngôi tháp linh thiêng này. Nhà Nguyễn cũng là một triều đại Nho giáo, và vua Tự Đức cũng là một vị vua Nho giáo gương mẫu, nhưng dưới triều đại ông, trong khoảng thời gian từ năm 1848 đến trước khi bị phá hủy năm 1883 (vua Thiệu Trị mất năm 1847, vua Tự Đức lên ngôi cùng năm đó), Chùa Báo Thiên đã được Tổng đốc Hà Nội là Tôn Thất Bật trùng tu. Tháp là một phần của chùa nên khi trùng tu chùa chắc hẳn Tháp Báo Thiên cũng được xây lại, dù là với một kích thước nhỏ bé hơn rất nhiều so với ngôi tháp nguyên thủy. Khi cá nhân một tăng, ni hay Phật tử phát tâm xây hay trùng tu chùa, họ đều hoàoàn thành một cách viên mãn, vì Phật tử chiếm môt tỷ lệ cao trong dân số, và việc xây chùa dựng tháp là một công đức lớn trong đạo Phật, nên Phật tử sẵn sàng cúng dường tài chính và công sức cho những Phật sự như vậy. Tổng đốc Tôn Thất Bật là chức quan đứng đầu tại Hà Nội và đại diện cho Triều đình Huế, nên khi ông trùng tu ngôi chùa Báo Thiên chắc hẳn chùa đã lấy lại một phần nào phong độ của một trong những ngôi chùa lớn nhất của Thăng Long - Hà Nội. Cho nên chùa Báo Thiên không có đổ nát như lời cáo buộc gian trá của Việt gian Nguyễn Hữu Độ, và dù có bị đổ nát cũng không thể vì vậy mà đem đất của một ngôi chùa Phật giáo có 826 năm lịch sử giao cho người của một tôn giáo khác để xây nhà thờ.

Như đã nói thủ phạm chính của vụ phá chùa cướp đất quy mô này là Giám mục Puginier và Công sứ Bonnal. Puginier được làm chủ mà không tốn một đồng nào lô đất rộng lớn và rất đẹp của Chùa Báo Thiên và rất nhiều gạch, đá của chùa để xây Nhà thờ St. Joseph (tức Nhà thờ Lớn), còn Bonnal thì ăn cướp được những pho tượng Phật và đem những pho tượng này về Pháp. Một bệ giếng là một vật gia dụng không quan trọng gì mà cũng được chạm trổ tuyệt đẹp trên một khối đá lớn nguyên vẹn như ta đã thấy trong đoạn nói về bệ giếng đá có niên đại gần 1.000 năm của chùa Báo Thiên, thì những pho tượng Phật của chùa Báo Thiên lại còn đẹp đến mức độ nào, vì đây là những gì thiêng liêng nhất của một ngôi chùa và của người Phật tử. Sử sách xưa có ghi lại là Chùa Báo Thiên có rất nhiều đồ bằng đá có trình độ nghệ thuật cao nhất của nước Việt Nam. Bệ giếng đá hoa sen hiện đang nằm bên trong khuôn viên Nhà thờ Lớn và Toà Tổng giám mục Hà Nội là một bằng chứng. Và những pho tượng Phật của Chùa Báo Thiên chắc chắn là những công trình nghệ thuật tuyệt vời của đất nước Việt Nam. Tiếc rằng những pho tượng Phật này đã bị Công sứ Bonnal cướp về Pháp. Hiện nay chưa có một thông tin nào về những báu vật quốc gia này của Việt Nam đã bị giặc Pháp chiếm đoạt khi phá chùa, cướp đất Chùa Báo Thiên. Chùa Báo Thiên được trùng tu và những pho tượng Phật tuyệt đẹp của chùa vẫn còn ngồi yên mỉm cười lặng lẽ, trước khi bị phá hủy và cướp đoạt bởi âm mưu cho thực dân Pháp và những người truyền đạo Thiên Chúa. Không những thế, đây còn là một ngôi già lam lớn, một trung tâm văn hóa lớn của Phật giáo. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) Hoà thượng Phúc Điền về trụ trì Chùa Báo Thiên, trong Kế Đăng lục in năm Tự Đức thứ 12 (1857) có ghi là lúc đó tại Chùa Báo Thiên đang khắc ván bộ Phật tổ Thống kỷ của Trung Quốc (Trương Công Khanh, “Những bài học ứng xử cần thiết”, talawas). Sau khi Hoà thượng Phúc Điền qua đời (1863), Chùa Báo Thiên vẫn còn lại cho đến ngày thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai (1882). Trước đó, khi giặc Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), Giám mục Puginier đã đóng vai trò của một kẻ gián điệp, cố vấn và thông dịch viên cho quân Pháp và đã đóng bản doanh ngay tại Chùa Báo Thiên để tiện liên lạc, tiếp xúc với quân Pháp đóng ở thành Hà Nội gần đó.

Triều Thiệu Trị (1841-1847), Tổng đốc Hà Nội xây dựng Chùa Báo Ân cạnh hồ Hoàoàn Kiếm. Quy mô to lớn của Chùa Báo Ân được mô tả như sau: “Căn cứ bản vẽ xưa còn lưu lại, ta thấy kiến trúc chùa rất độc đáo, toạ lạc trên vùng đất rộng lớn. Từ con đường ven hồ phía Đông dẫn vào có Tháp Hoà Phong, sau đó đến cổng chùa, vượt qua chiếc cầu đúc lát gạch thì đến Lầu Hộ Pháp, hai bên có 4 ngọn tháp đối xứng cao 3 tầng. Tiếp đến là Đại Hùng bửu điện, tôn trí nhiều pho tượng Phật Bồ Tát tuyệt đẹp. Có hành lang tô đắp, chạm trỗ cảnh Thập điện Diêm Vương, mô tả như khổ báu trong mười địa ngục rất sinh động. Phía sau có điện thờ Thánh mẫu, tăng xá, trai đừơng, tổng thể chùa có 36 mái, 150 gian. Chung quanh vườn chùa xây dựng tường bát giác bao bọc, bên ngoài đào hào trồng sen. Nhân gian thường gọi là Chùa Liên Trì hay Chùa Quan Thượng (chức vụ tổng đốc ngang hang hàm thượng thư). Từ đó Chùa Báo Ân trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất Hà Thành văn vật: “Phong quang cảnh trí trăm đường. Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng. Rõ mười cửa động tưng bừng. Đền vàng toàoà ngọc chất từng như nêm”. Quân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần đầu năm 1873, đến năm 1876 Trương Vĩnh Ký theo lệnh của Đô đốc Duperre ra Bắc kỳ tìm hiểu tình hình. Ông có đến Chùa Báo Ân và mô tả: cảnh chùa ấy thật đã nên là tốt, vô cửa hai bên có tháp cao. Vào trong có hồ đi quanh co vòng theo chùa, lại ăn lọt dưới chùa nữa. Hai bên mép xây gạch, xây đá cả. Cầu bắt tứ phía qua chùa, đền cũng xây đá gạch hết hẳn hoi. Xung quanh bốn phía có nhà hành lang chạy dài ra phía sau giáp nhau. Trong chùa đằng trước để tượng Phật đứng bàn cả đám hình to lớn, quang thếp cả. Hai bên có làm động và thập điện, đều bong hình nổi ra hết. Đằng sau có đền, có tạc hình cốt ông Nguyễn Đăng Giai”. Ngày 20 tháng 4 năm 1882, Henri Rivière chỉ huy quân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, sau đó, Bắc kỳ hoàn toàn rơi vào tay quan xâm lược. Kể từ 1-10-1888, Hà Nội biến thành nhượng địa của Pháp. Trong quá trình “cải tạo” cái nôi văn hóa truyền thống Việt Nam, họ bắt tay ngay vào việc triệt phá các ngôi chùa danh tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Trước tiên là Chùa Báo Thiên, ngôi chùa từ thời Lý tồn tại gần 1.000 năm, bị Giám mục Puginier âm mưu với Công sứ Bonnal chiếm đoạt để cất Nhà thờ Lớn Hà Nội (từ năm 1883, khánh thành ngày 23-12-1887). Tiếp theo là Chùa Báo Ân, dấu ấn của triều Nguyễn tại cố đố Thăng Long, bị san bằng để xây Phủ Thống sứ Bắc kỳ, và toà Bưu điện vào năm 1889. Các pho tượng Phật đẹp nhất bị Bonnal cướp đoạt đem về Pháp.” (Trần Đình Sơn, “Những trường hợp thực dân và Công giáo cấu kết với nhau để chiếm đất, cướp chùa, phá tượng của Phật giáo Việt Nam”, giaodiemonline.) Hãy khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu bị chà đạp, cướp phá tan nát dưới gót giày xâm lăng thô bạo của liên minh thực dân Pháp, cố đạo Tây và tay sai bản xứ.

André Masson, một viên chức Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, tác giả quyển sách Hà Nội giai đoạn 1873-1888, người chứng kiến sự việc đương thời, có viết:” Ở phía Đông Nam hồ (Hoàn Kiếm) chỗ ngày nay là Sở Bưu điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Toà nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chính hồ sen này đã cho chùa cái tên Liên Trì (Fleurs de Lotus). Người Pháp đổi tên thành Chùa Khổ Hình (Pagode de Supplices) vì người ta thấy khắc trên đá và gỗ ở chùa hàng loạt khổ hình những kẻ có tội sẽ phải chịu ở thế giới bên kia. Thật là một tác phẩm... tinh tế vượt xa những bức hoạ khiếp đảm nhất của các hoạ sĩ chúng ta ở thời Trung Cổ. Trong vô số tháp, tháp chuông, hàng hiên... lôi cuốn du khách... chỉ còn lại Hoà Phong tháp...” (Trần Đình Sơn, tài liệu đã dẫn.)

Một ngôi chùa hùng vĩ, huy hoàng, rộng lớn đến 150 gian, và theo hình của Bác sĩ Charles Edouard Hocquard chụp cổng tam quan của chùa vào khoảng năm 1884–1885 (có thể xem ở thuvienhoasen), thì đó một một cổng tam quan tuyệt đẹp, uy nghi, cổ kính, tất cả đã bị san bằng. Dấu vết còn sót lại bây giờ là Tháp Hoà Phong. Trong việc tàn phá ngôi chùa vĩ đại này chắc chắn có bàn tay của Công sứ Bonnal, kẻ đã ăn cướp những pho tượng Phật tuyệt đẹp đem về Pháp, và Giám mục thực dân Puginier, cặp bài trùng thực dân - cố đạo tại Hà Nội, đã cùng nhau phá hủy Chùa Báo Thiên và cướp đất chùa để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội. Tại sao tôi khẳng định chính cặp bài trùng Puginier và Bonnal đã phá huỷ Chùa Báo Ân tráng lệ sau khi đã phá hủy Chùa Báo Thiên lịch sử? Vì khi đó, Puginier đã làm chủ lô đất Chùa Báo Thiên, và đã xây xong Nhà thờ St. Joseph. Mỗi ngày, mỗi đêm ông đều thấy cảnh Chùa Báo Ân và nghe tiếng chuông Chùa Báo Ân sát bên cảnh nhà thờ của ông. Một thi sĩ Trung Hoa đời nhà Thanh đến Hà Nội nghe tiếng chuông Chùa Báo Thiên buổi sáng sớm đã có thi hứng để làm bài thơ “Báo Thiên hiểu chung” (“Chuông sớm Chùa Báo Thiên”) còn Puginier, một nhà truyền giáo quá khích, cực đoan, cũng nghe tiếng chuông chùa, nhưng thay vì có thi hứng để làm thơ, ông chỉ có âm mưu đen tối là triệt hạ toàn bộ ngôi chùa danh tiếng này, để cho Nhà thờ St. Joseph trở nên nổi bật và độc tôn. Nhưng nếu phá hủy thêm một ngôi chùa to lớn và tuyệt đẹp và cướp thêm lô đất rộng lớn của Chùa Báo Ân, để giao cho Hội Thừa sai của ông làm chủ, như ông đã làm với ngôi Chùa Báo Thiên chỉ vài năm trước đó, thì nhất định sẽ tạo nên sự bất mãn, phẫn nộ và có thể đưa đến nổi loạn, đốt phá ngay chính Nhà thờ St. Joseph vừa mới khánh thành. Cho nên, là người thân cận nhất với Công sứ Hà Nội là Bonnal, khi biết tin chính quyền thực dân đang có nhu cầu xây Dinh Thống sứ Bắc Kỳ và toà Bưu điện Hà Nội, Puginier đã đề nghị và thuyết phục Bonnal chọn địa điểm là khu đất rộng lớn của Chùa Báo Ân hay Chùa Liên Trì, sát ngay Nhà thờ Lớn Hà nội. Việc này ngoài giúp Puginier triệt hạ một ngôi chùa lớn của tôn giáo mà ông muốn tiêu diệt, còn làm tăng giá trị của ngôi nhà thờ của ông, và nhất là nó lại có vị trí nằm bên cạnh Dinh Thống sứ Bắc kỳ, cơ quan quyền lực cao nhất của thực dân Pháp ở miền Bắc, được binh lính canh gác, bảo vệ chặt chẽ nhất, an ninh của cá nhân ông và sự an toàn của Nhà thờ Lớn của ông được bảo đảm. Bonnal đã nghe lời cố vấn này, đã cho phá huỷ toàn bộ ngôi chùa có 150 gian, một ngôi chùa lớn vào bậc nhất của Hà Nội và của Việt Nam, và cướp những pho tượng Phật tuyệt đẹp đem về Pháp. Không những là người thân tín của Bonnal, Giám mục Puginier còn là người có uy tín và ảnh hưởng lớn với những quan chức cao cấp nhất của chế độ thực dân, mà không một người nào khác có được, vì ông là người có công đầu trong việc giúp thực dân xâm chiếm Việt Nam. Cụ thể là Puginier đã được Đô đốc Courbé ký giấy cho phép tổ chức xổ số để lấy tiền xây Nhà thờ Lớn Hà Nội lần thứ nhất ngày 28-1-1884, và sau đó còn được Toàn quyền Paul Bert cho lấy tiền xổ số lần thứ nhì ngày 14-8-1886 để xây nhà thờ này. Như vậy, chắc chắn và dứt khoát là Giám mục Puginier ngoài việc phá huỷ Chùa Báo Thiên và cướp đất Chùa Báo Thiên, còn là thủ phạm chính trong việc phá hủy Chùa Báo Ân. Cả hai ngôi chùa này đều là di sản văn hóa hàng đầu của quốc gia và hai ngôi đại già lam danh tiếng của Phật giáo tại Thăng Long - Hà Nội.


3. Chùa Báo Thiên và Nhà thờ Lớn Hà Nội trên phương diện pháp lý

Có một số người nêu vấn đề thời hiệu trong việc thủ đắc bất động sản là 20 năm để xác định chủ quyền của Tổng giám mục Hà Nội đối với lô đất của Chùa Báo Thiên. Thời hiệu chỉ có giá trị đối với đất vô chủ, hay chủ đã từ bỏ sự chiếm hữu hay đối với những bất động sản làm chủ bởi tư nhân. Nếu có tranh chấp, người đang thật sự chiếm hữu nêu vấn đề là mình đã chiếm hữu lâu đời để khẳng định chủ quyền. Đất Chùa Báo Thiên không phải là đất vô chủ hay chủ nhân đã từ bỏ chủ quyền. Rõ ràng, đã có sự can thiệp, với những thủ đoạn phù phép gian trá, của quan chức cao cấp nhất thời đó là Công sứ Bonnal và Tổng đốc Hà Nội để biến đất của Chùa Báo Thiên thành đất của Nhà thờ Lớn Hà Nội. Mặc khác, trên khuôn viên của Chùa Báo Thiên đã có hai di sản văn hóa hàng đầu của quốc gia Việt Nam là Tháp Báo Thiên dừng danh và Chùa Báo Thiên nổi tiểng trong suốt gần 900 năm. Di sản văn hóa là tài sản của quốc gia, không ai có thể cướp đoạt và chiếm hữu.

Trên phương diện luật pháp, chính quyền có quyền thu hồi khu đất lịch sử này để khôi phục hai di sản văn hóa linh thiêng này của nước Việt Nam. Trong bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức, Tháp Báo Thiên đứng ở vai trò trung tâm trong một tam giác ba cạnh, cạnh bên phải là Cấm thành Hà Nội và cạnh bên trên là khu Văn Miếu. Giá trị di sản văn hóa của Chùa và Tháp Báo Thiên nếu không lớn hơn thì ít nhất là cũng bằng Cấm thành Hà Nội và Văn Miếu. Bởi vậy dù được xây dựng dưới triều đại nhà Lý, một triều đại Phật giáo hưng thịnh nhất, và là biểu tưởng hùng tráng của cả thời đại Phật giáo Lý - Trần, nhưng cả hai triều nhà Lê và nhà Nguyễn, là những triều đại Nho giáo, vẫn trùng tu, bảo tồn, vì những vị vua, quan yêu nước của cả hai triều Lê, Nguyễn, đã theo nguyện vọng của đại đa số nhân dân, coi hai thắng tích này là nơi linh thiêng, là một phần quý giá của gia tài văn hóa dân tộc và là niềm tự hào dân tộc.

Sau khi đánh đuổi được giặc xâm lăng, chiếm đóng ra khỏi bờ cõi, giành được độc lập với biết bao hy sinh xương máu của hàng chục triệu người yêu nước, thì một trong những việc quan trọng nhất cần làm là chính quyền ban hành một đạo luật tịch thu tất cả những tài sản mà thực dân Pháp và các thế lực, cá nhân đã cộng tác hay làm tay sai cho giặc Pháp đã chiếm đoạt một cách bất công, phi pháp và hoàn trả những tài sản này cho những người đã làm chủ trước đó. Chính quyền Việt Nam, suốt hơn 60 năm qua, chưa thực hiện công lý lịch sử này và sự công bằng tối thiểu này.

Là di sản văn hóa quốc gia, thì không những nhà nước, mà bất cứ người Việt Nam nào, dù ở trong nước hay ở hải ngoại, đều có quyền nộp đơn trước toà án, như là nguyên đơn, để đòi trả lại khu đất linh thiêng này và xây dựng lại Chùa và Tháp Báo Thiên lịch sử. Bị cáo là những chủ thể thừa kế Giám mục Puginier và Hội Truyền giáo Pháp, mà hiện nay là Tổng giám mục Hà Nội, Giáo Hội Công giáo Việt Nam và Vatican, chủ thể đã liên tục lãnh đạo Hội Truyền giáo Pháp cũng như Giáo hội Công giáo Việt Nam. Chùa Báo Thiên là một quốc tự xây bởi Hoàng đế đương thời Lý Thái Tông nên đó là tài sản của quốc gia, đồng thời đã được giữ gìn, tu bổ trong suốt gần 900 năm bởi tăng ni, Phật tử Việt Nam, nên đương nhiên đó cũng là tài sản của Phật giáo Việt Nam, mà chủ thể chính thức và hợp pháp hiện nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội này có quyền đòi lại khu đất thiêng liêng này và dĩ nhiên, hoàn toàn hợp lý và chính đáng để có tiếng nói về chủ quyền của một khu đất có hai thắng tích Phật giáo nổi tiếng mà Phật giáo đã làm chủ trong suốt 826 năm.

Không những thế, việc đập phá Chùa Báo Thiên và cướp đoạt bất công, phi pháp đất Chùa Báo Thiên đã gây ra những thiệt hại to lớn cho Phật tử Việt nam. Nên bất cứ một người Phật tử Việt Nam nào cũng đều có quyền khởi tố, như là nguyên đơn, để truy tố các bị cáo như đã kể trên.

Luật về thời hiệu không có giá trị đối với những tài sản bị ăn trộm hay bị ăn cướp, và lại càng không có giá trị nếu do quân xâm lăng, chiếm đóng cướp đoạt để trao tặng cho những người đã tiếp tay với chúng để cướp nước và phá nước Việt Nam. Sau khi giành lại độc lập, chính quyền mới của Algérie đã tạo điều kiện thuận lợi để Tổng giám mục Duval trao trả lại cho người Hồi giáo Algérie nhà thờ Chính toà Alger, vì nơi này nguyên trước khi bị Pháp xăm lăng, là một nhà thờ Hồi giáo. Đây là một tiền lệ hợp với công lý, đạo đức và pháp luật, và trong luật có thể được coi như là một án lệ, vì có rất nhiều điểm tương đồng giữa Nhà thờ Hồi giáo Alger và Chùa Báo Thiên. Đây cũng là hướng giải quyết, trong công lý và danh dự, mà các chủ thể liên quan cần lưu ý và tham khảo trước khi có quyết định cuối cùng.


Câu lạc bộ Phật giáo Thăng Long. Địa chỉ e-mail: phatgiaothanglong@yahoo.com

© 2008 talawas