trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
11.3.2008
Phong Uyên
Hoàn cảnh lịch sử của việc xây Nhà thờ Lớn Hà Nội
 
Từ hơn hai tháng nay, theo dõi những cuộc tranh luận trên talawas về vụ Công giáo đòi Tòa Khâm và tiếp theo là những tranh cãi về sự kiện Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng trên phần đất Chùa Báo Thiên, tôi không khỏi không choáng váng vì sự đối chọi nhau giữa những bài có những hàng tít bị coi là “khiêu khích” tuy nội dung từ tốn như “Đừng đánh lạc mục tiêu, đừng đánh tráo chủ đề”, hay “Trò phù phép đánh tráo...” của những tác giả có lập trường “chống”, và những bài phản biện có những hàng tít vô thưởng vô phạt nhưng nội dung lại mang đầy tính cách cáo buộc và hận thù chia rẽ tôn giáo của những tác giả có lập trường “thân”. Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng trên phần đất nào, trong hoàn cảnh lịch sử nào, lẽ ra chỉ nên bàn cãi trong mục lịch sử, văn hoá xã hội, đã leo thang và trở thành một điểm nóng chính trị và tôn giáo. Sống ở Paris, nơi tích lũy nhiều tài liệu có thể tham khảo được, tôi thử đứng ngoài mọi lập trường để, chỉ căn cứ vào những tài liệu chính xác, đối chiếu, kiểm chứng những luận chứng trái ngược nhau trong những bài tranh luận kể trên và phân tích một cách khách quan những sự kiện liên quan đến Công giáo đã thật sự xẩy ra trong thời kỳ Pháp đánh chiếm Việt Nam.

Trước hết, theo những tài liệu lịch sử Pháp, tôi có đủ bằng chứng xác nhận là Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng trên phần đất có Chùa Báo Thiên.

Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng từ năm 1883 và được khánh thành 4 năm sau trong dịp lễ Giáng sinh 1887. Nhà thờ này được xây theo kiểu tân gô-tích phỏng theo kiểu vẽ của Paul Abadie, kiến trúc sư nổi tiếng Âu châu hồi cuối thế kỷ thứ XIX, người chuyên tái thiết và xây dựng nhiều nhà thờ ở Pháp và nhiều nước khác với phong cách độc đáo gọi là tân - Trung cổ. Nhà thờ nổi tiếng nhất mà ông Abadie đã vẽ kiểu là thánh đường Thánh Tâm (la basilique du Sacré Coeur) trên đồi Monmartre. Ai qua Paris cũng thường tới thăm thánh đường này, được xây từ năm 1875 đến năm 1919 mới xong. Nhà thờ Lớn Hà Nội đã phá kỷ lục thời đó về tốc độ xây dựng một nhà thờ – chỉ cần 4 năm, nhờ tiền thu được qua xổ số giữa những người Pháp với nhau. Ở Âu châu thời Trung cổ, xây một nhà thờ phải mấy trăm năm mới xong vì cần nhiều thế hệ góp công góp của.

Tuy nhiên, không có tài liệu nào nói rõ là Nhà thờ Lớn đã được xây đúng chỗ có chính điện của Chùa Báo Thiên hay chỉ trên một phần đất của khu chùa.

Theo những tài liệu tôi thâu thập được thì Chùa Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông xây năm 1056–57 để kỷ niệm chiến thắng Chiêm Thành. Chùa còn là một tu viện rất lớn và là nơi Lý Quốc Sư trụ trì. Ngài tu ở chùa Khai Quốc trước khi đến Báo Thiên. Là tu viện tất nhiên phải có nhiều khuông viện (“monastère” trong các tài liệu Pháp) để cho các chú tiểu học đạo, đồng thời đất Chùa Báo Thiên phải rất rộng lớn, không thể chỉ bằng diện tích một ngôi nhà nhỏ 300 mét vuông như ông Lê Quang Vịnh đã khẳng định. Nhà thờ có thể được xây trên một phần đất rộng lớn của Chùa nhưng không nhất thiết ở chỗ có chính điện Chùa. Đây là một chi tiết rất quan trọng vì nếu cố ý phá chính điện Chùa để xây Nhà thờ lên trên thì phải coi đó là một hành động hoàn toàn xấu của các chức sắc Công giáo thời ấy muốn bỉ mặt những người Phật giáo. Tôi chắc là không như vậy vì trước khi xây Nhà thờ Lớn, ở trên khoảng đất đó đã có một nhà thờ bằng gỗ (có hình còn để lại) bị quân Cờ Đen đêm 15-5-1883 đột kích giết giáo dân và đốt cháy (theo nhật ký của Marolles, sĩ quan phụ tá của Henri Rivière viết ngày 16-5-1883). Ngoài ra kế cận Chùa Báo Thiên là phủ Chúa Trịnh khi trước. Phủ Chúa rất rộng lớn gồm nhiều dinh thự hoàng tráng hơn dinh thự Vua Lê nhiều. Theo một bản đồ vẽ năm 1770, Phủ Chúa là một hình vuông giới hạn bởi những đường phố Lý Thường Kiệt, Quán Sứ, Nguyễn Gia Thiều, Quang Trung bây giờ (tài liệu Philippe Papin). Năm 1786 Lê Chiêu Thống trả thù cho lệnh đốt Phủ Chúa, “khói lửa ngợp trời 10 ngày đêm liền vẫn còn cháy”. Khu đất Phủ Chúa bị coi là đất “ngụy” không ai được làm nhà, chỉ những kẻ bần cố thây vô gia cư lén lút làm lều ở. Đất Nhà Chung bây giờ gồm cả đất Toà Khâm có lẽ thuộc về phần đất ngụy bị bỏ trống hồi đó.

Những tài liệu được coi là đáng tin cậy đều khẳng định tình trạng đổ nát của Chùa Báo Thiên; và chuyện Tháp Báo Thiên cao 80 mét chỉ là một huyền thuyết.

Chỉ cần trình độ toán lớp 7 cũng đủ biết là phải giầu trí tưởng tượng lắm mới có thể nghĩ Tháp Báo Thiên “cao đến mức bóng tháp soi xuống mặt hồ Hoàn Kiếm”như trong bài viết của một tác giả. Nghĩa là phải cao cả ngàn mét! Tôi cũng không biết theo tài liệu nào mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có thể khẳng định tháp cao 20 trượng tức là 80 mét. Tôi nghĩ có lẽ có sự nhầm mét với thước ta: 80 thước ta bằng chừng 27 mét, cao bằng toà nhà hiện đại 10 tầng. Tôi thấy như vậy đã là cao lắm. Thử so sánh với Tháp Phước Duyên 7 tầng, tượng trưng 7 kiếp của Đức Phật – được xây trong khuôn viên Chùa Thiên Mụ (bằng gạch lấy từ một ngôi đền của người Chàm) dưới thời Thiệu Trị năm 1884 –, cũng chỉ cao 21 mét, bằng toà nhà 7–8 tầng. 80 mét là chiều cao của một cao ốc hiện đại 33 tầng. Ông cha ta đã có kỹ thuật làm cần trục đem gạch đá xây được tháp cao 80 mét cách đây 950 năm thì Tháp Báo Thiên phải sánh ngang 7 kỳ quan thế giới (để thành kỳ quan thứ 8)! Tôi đã đi tham quan nhiều chùa chiền bên Tàu bên Nhật, và tôi không thấy nơi nào có tháp cao tới 40 mét cả. Ngôi tháp nổi tiếng nhất Âu châu là Tháp Pise xây cùng thời với Tháp Báo Thiên (1174–1350), gần 200 năm mới xong, cũng chỉ cao có 54 mét 50. Tháp bị nghiêng vì bằng đá nặng quá đất bị lún dần. Đó là tháp còn được xây ở vị trí đất liền thổ trong thành Pise, chứ Tháp Báo Thiên xây gần sông Hồng trên đất phù sa thời đường kính phải bao nhiêu, nền móng phải sâu đến độ nào, phải bằng loại đá gì mới không bị mòn dần mà sụp đổ?

Tôi cũng không thấy ảnh hay hình vẽ nào về Chùa Báo Thiên trong các tài liệu Pháp, đặc biệt là trong số những ảnh chụp phong cảnh Hà Nội năm 1883 của bác sĩ Hocquard tác giả cuốn Une campagne au Tonkin hồi ấy. Một ngôi chùa to lớn như vậy dù trong tình trạng xuống cấp cũng không thể qua mắt Hocquard, người đã để lại rất nhiều hình ảnh Hà Nội như Chùa Báo Ân, Đền Ngọc Sơn, phố Hàng Bông, phố Hàng Gai, đường vào Đồn Thủy, cửa ô Quan Chưởng v.v... Trong cuốn Lịch sử Hà Nội (Histoire de Hanoi) xuất bản mới đây, Tiến sĩ Philippe Papin, người làm luận án tiến sĩ về Hà Nội và là môt nhà Việt Nam học nổi tiếng có viết rất nhiều sách về Việt Nam, nhân viên trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp sống ở Hà Nội từ 15 năm nay, có nói rõ là Chùa Báo Thiên đã bị sụp đổ từ năm 1547 và không được trùng tu lại vì Phật giáo dưới triều Lê không còn được trọng vọng nữa. Đất chùa ban ngày trở thành nơi họp chợ, ban đêm là chỗ tụ tập của những người hành khất co quắp ôm nhau chết lạnh dưới những chõng bán thịt. Khi xây Nhà thờ Lớn, những di tích còn lại đều bị hốt bỏ. Qua những sưu tầm của ông Papin và được chứng nhận bởi những hình ông Hocquard chụp, quanh hồ Hoàn Kiếm trước khi Pháp chiếm đóng Hà Nội chỉ còn hai đền đài: Chùa Báo Ân và Đền Ngọc Sơn. Chùa Báo Ân cũng được gọi là Chùa Liên Trì vì có bể hoa sen được xây dựng bởi Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai năm 1842, gồm 36 toà nhà, rất nhiều stupa [1] và hơn 200 bức tượng bị Pháp phá bỏ năm 1886 để xây Nhà Bưu điện. Khi bị phá, Chùa Báo Ân mới xây được 44 năm nên trong hình Hocquard chụp năm 1883 trông còn mới và không thể coi là cổ được. Theo tôi nghĩ có lẽ ông Nguyễn Đăng Giai làm chùa này để thay thế Chùa Báo Thiên đã bị sụp đổ. Đền Ngọc Sơn cũng chỉ được thi hào Nguyễn Văn Siêu quyên tiền xây lại năm 1865 khi đó cũng chưa có cái cầu nữa. Nghĩa là không có đền đài ở Hà Nội nào mà không phải trùng tu hay xây lại nhiều lắm là 100 năm sau cả. Bởi vậy Chùa Báo Thiên xây cách đây gần 1000 năm mà bị sụp đổ hoàn toàn cũng là đúng. Tôi cũng xin thêm là không có ai lẩn thẩn so sánh một ngôi chùa mới xây 44 năm có hình ảnh rõ ràng như Chùa Báo Ân với một ngôi chùa đã sụp đổ từ 300 năm trước, không biết hình thù ra sao, như ông Lý Khôi Việt đã lí luận trong bài “Về Chùa Báo Thiên...”.

Pháp có cần sự cấu kết của Công giáo để xâm chiếm Việt Nam không?

Phân tích kỹ những lần Pháp can thiệp bằng võ lực vào Việt Nam, chỉ có một lần dưới Đệ nhị Đế chế Napoléon III là có sự hợp tác giữa một giáo chức Pháp, Giám mục Pellerin, và Phó Đề đốc Rigault de Genouilly để đánh Trà Sơn Đà Nẵng. Giám mục Pellerin âm mưu với Rigault de Genouilly, viện cớ cứu giáo dân để có sự ủng hộ của Hoàng hậu Eugénie vợ Napoléon III rất ngoan đạo, đánh Trà Sơn Đà Nẵng ngày 1-9-1858. Tuy cùng một toan tính nhưng mục đích của hai người khác nhau. Giám mục Pellerin muốn đánh để làm áp lực với với Vua Tự Đức, đòi quyền tự do giảng đạo. Còn De Genouilly muốn có một căn cứ cho tàu Pháp tự do thông thương. Pellerin lừa Genouilly nói là giáo dân sẽ nổi lên trợ lực. Rút cục chờ đợi mãi chả có giáo dân nào đến giúp cả và liên quân Pháp - Y Pha Nho bị kẹt cứng ở Trà Sơn 5 tháng. Cho là Pellerin đã nói láo, Genouilly tính bắt giam Pellerin, sau đuổi về Hồng Kông (Taboulet, tr. 438–440) rồi quyết định rút hầu hết quân lính khỏi Trà Sơn đi đánh Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối có sự tham dự của giáo sĩ Gia Tô trong việc đánh chiếm nước ta và cũng là một sự kiện chứng tỏ là giáo dân hồi ấy tuy bị tàn sát nhưng cũng không vì thế mà theo Tây phản lại đất nước.

Pháp đánh chiếm Việt Nam với mục đích gì?

Cần phải hiểu là nửa cuối thế kỷ XIX nền kinh tế tư bản các nước Anh, Pháp bắt đầu phát triển, hàng hoá sản xuất cần phải có thị trường tiêu thụ. Thị trường có nhiều triển vọng nhất là Trung Quốc. Nhưng những đầu cầu xâm nhập thị trường Trung Quốc, không kể Hồng Kông, như Quảng Đông và Thượng Hải đều nằm trong tay người Anh. Giới doanh thương Pháp cần phải tìm một con đường mới để xâm nhập thị trường Tàu mà không bị Anh án ngữ. Con đường độc nhất là xuyên qua Việt Nam vào Vân Nam và từ đó có cả một thị trường to lớn là cả miền Tây và miền Nam nước Tàu. Muốn vậy giới doanh thương Pháp phải cấu kết với một lực lượng không những có nhiều phương tiện mà còn có nhiều thế lực về chính trị vì kiêm luôn Bộ Thuộc địa là Hải quân Pháp. So với chiến tranh Pháp - Việt năm 1946 sau này, lịch sử đã diễn ra gần tương tự: từ trận hải chiến Pháp - Việt đầu tiên ở Vịnh Đà Nẵng năm 1847 đến Hoà ước Patenotre mất nước năm 1885, chỉ trong chưa đầy 40 năm nước Pháp đã thay đổi chính thể bốn lần. Chính quyền Pháp ở Paris quá yếu nên bọn hải quân ở Sài Gòn tha hồ lộng quyền. Chỉ từ khi có chế độ Đệ tam Cộng hoà sau 1870, Pháp mới có chính sách thuộc địa rõ ràng. Trớ trêu thay những người cầm đầu chế độ cộng hoà tiến bộ thuộc về phái tả cấp tiến như Gambetta, Jules Ferry lại là những người cổ súy chính sách thuộc địa tuy có thêm chiêu bài “reo rắc văn minh Pháp”. Đa số có chân trong Hội Tam Điểm, chống các giáo đoàn công giáo và cấm không được mở trường dạy học kể cả ở thuộc địa để thế tục hoá nền học vấn. Những nhân vật này cho tới nay vẫn được các đảng tả phái bên Pháp đề cao. Cũng như hồi 1946 “ thực dân” cấu kết với phái tả chứ không phải với Công giáo.

Cũng cần nhắc lại vai trò của Francis Garnier, một sĩ quan hải quân cấp úy trong việc xâm chiếm Việt Nam: Mục đích của tụi đô đốc Pháp khi chiếm Sài Gòn là lấy Sài Gòn làm căn cứ để dùng sông Cửu Long làm đường thông thương qua Tàu. Francis Garnier xung phong đi thám hiểm trước với một vài đồng đội. Phải mất gần hai năm, Garnier mới tới Vân Nam, và người chỉ huy hắn, Trung tá Doudart de Lagrée chết phải kéo xác theo sông Dương Tử đem về. Garnier gặp Jean Dupuis ở bên Tàu, được tên này khuyên con đường tiện nhất là dòng sông Hồng. Francis Garnier kết bè với Dupuis xin hải quân Pháp đi đánh Hà Nội năm 1873 để mở đường thông thương qua Tàu. Từ đó ý đồ xâm lăng của tụi cầm đầu Pháp ở Sài Gòn cứ lớn dần để đi đến chỗ xâm lược toàn cõi Viêt Nam. Vì có công như vậy nên tuy chỉ là một tên đại úy quèn, Francis Garnier cũng được dựng tượng ở chỗ khá sang tại Paris, gần quán La Closerie des Lilas nơi Lénine hay ngồi uống rượu.

Trong chương trình biến Hà Nội thành một thành phố Pháp, thủ đô của Đông Pháp, Giám mục Puginier có đóng vai trò chủ động trong việc xây dựng Nhà thờ Lớn không?

Từ một miếng đất nhỏ bé 5 mẫu ta (chưa đầy 2 hectares) là Đồn Thủy, được nhường cho Pháp năm 1875, Pháp cứ gậm nhấm lần lần và đến năm1888, ép Vua Đồng Khánh phải nhường hoàn toàn cho Pháp Hà Nội và hai thành phố khác là Hải Phòng và Đà Nẵng. Thật ra đó chỉ là trên giấy tờ chứ sau khi Henri Rivière đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai năm 1882, Pháp muốn làm mưa làm gió gì ở Hà Nội cũng được. Pháp có truyền thống như người La Mã là một khi là thành phố của mình, Pháp xây dựng lại như một thành phố Pháp. Bởi vậy những người Hà Nội tới một thành phố Pháp không có cảm tưởng lạc lõng vì thấy lại toà thị sảnh, nhà hát thành phố, nhà thờ, nhà bưu điện, nhà ga... cùng một kiểu. Hà Nội còn hơn các thành phố khác của Pháp ở chỗ được chọn làm thủ đô cho toàn cõi Đông Pháp nên có nhiêu công thự nhắc nhở những công thự ở Paris. Nhà hát Lớn Hà Nội cũng hao hao giống Nhà hát Garnier Paris ngay cả về địa thế ở đầu một con đường lớn. So với tất cả những nhà hát lớn của mọi thành phố khác của Pháp, Nhà hát Lớn Hà Nội to đẹp hơn nhiều. Cũng như Nhà thờ Đức Bà ở Paris hai mặt trông ra sông Seine, địa thế Nhà thờ Lớn Hà Nội trông ra hồ Hoàn Kiếm cũng là do sự chọn lựa của kiến trúc sư vẽ kiểu chứ không phải theo ý muốn của Giám mục Puginier. Vì là thủ đô nên những kiến trúc sư, kỹ sư được cử sang xây dựng cũng là những nhân vật đã xây những công thự nổi tiếng ở Paris như Eiffel làm cầu Long Biên chẳng hạn và nhiều nhà, nhiều đường phố cũng được xây dựng phỏng theo kiểu Hausmann như ở Paris.

Kết luận

Tôi đã cố gắng giữ tư cách khách quan để chỉ dựa vào những tài liệu được coi là chính xác ở Paris để kiểm chứng và phân tích những sự kiện đã được nêu ra trong những cuộc tranh luận trên talawas. Chắc có nhiều độc giả đồng tình với tôi là sự kiện Công giáo đòi Toà Khâm không dính líu gì đến sự kiện Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng cách đây 111 năm. Nếu cứ cố tình nhập hai sự kiện vào nhau để tranh luận thì tôi thấy những cuộc bàn cãi sẽ sa lầy và không có lối thoát. Tôi thiết tưởng phải nhân cơ hội này mà đòi hỏi chính quyền đưa ra những luật lệ rõ ràng về nhà đất. Đó là vấn đề quan trọng số một liên quan đến đời sống của mỗi người chúng ta.


© 2008 talawas


[1]stupa (tiếng Pháp): tháp có công năng của mộ, chứa hài cốt nhà tu hành. (Chú thích của talawas.)