trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
1.3.2008
Hoàng Đình Hưng
Nhân đọc các bài về “đòi đất Toà Khâm cho Phật giáo”
 
Cứ theo những đường link được giới thiệu trong một số bài viết về tôn giáo hiện nay, tôi đọc được rất nhiều bài khác. Tôi đặc biệt chú ý tới vài bài nêu ý kiến “đất toà Khâm mà Công giáo đang muốn “xin lại” phải trả cho Phật giáo mới là chính đáng, vì “ngày xưa” nó thuộc Phật giáo.

Trong tình hình hiện nay (trong nước và trên thế giới) nhiều người không tán thành những động thái làm tăng thêm mâu thuẫn vốn có giữa các tôn giáo vì tai hoạ sẽ khôn lường. Niềm tin tôn giáo là niềm tin mạnh mẽ và sâu sắc nhất của con người, trước hết ở hầu hết tín đồ. Khi theo một tôn giáo, nhất là ở các nước dân trí chưa cao, thử hỏi có mấy người hiểu thấu đáo sự cao cả và nhân bản của giáo lý, hay là chủ yếu chỉ vì niềm tin vào “kiếp sau sẽ được lên thiên đường hay nát bàn”? Chính vì niềm tin mãnh liệt này (dù lý trí hay cảm tính), người ta sẵn sàng tử vì đạo. Bởi vì, niềm tin tôn giáo là thiêng liêng, nhưng số đông lại dễ mù quáng, dễ bị kích động. Chiến tranh tôn giáo là chiến tranh dã man và tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh. Ở Trung Hoa, đã từng có mâu thuẫn giữa các đạo, nhưng khi đạo Phật được du nhập từ Ấn Độ và được nhà Đường coi là quốc đạo thì lập tức xảy ra bạo lực đàn áp các đạo khác bị quy là tà đạo.

Ở nước ta, mâu thuẫn tôn giáo cần lưu ý nhất là giữa hai tôn giáo lớn: đạo Phật (từng một thời gian dài là quốc đạo) và đạo Thiên chúa Gia-tô, hay Công giáo (đặt chân lên nước ta ít nhất từ 5 thế kỷ nay). Đây là mâu thuẫn tồn tại dai dẳng, đã nhiều lần bùng nổ và nay còn nhiều tiềm năng bùng nổ. Chính quyền ông Diệm bênh vực Công giáo đã bị chủ Mỹ lật đổ vì có sự phản kháng quan trọng của Phật giáo. Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản) đã ít nhiều lợi dụng được phong trào Phật giáo, ví dụ, đã đưa được đảng viên và cảm tình vào phong trào Phật giáo ở Huế những năm 60 thế kỷ trước.

Một mục tiêu cao nhất của tôn giáo là chinh phục niềm tin, sao cho số lượng tín đồ ngày càng đông đảo. Thật đáng khâm phục ý chí, sự quyết tâm và lòng tận tuỵ của những chức sắc tôn giáo trong sự nghiệp tuyên truyền mở rộng khối tín đồ, dù đó là thầy trò Đường Tăng với đạo Phật, hay các vị cố đạo phương Tây đi theo các đoàn tàu buôn tư bản sang phương Đông xa lắc, đầy bất trắc, để “mở rộng nước Chúa”. Đã có nhiều giáo sĩ và giáo dân ở Việt Nam tử vì đạo, về sau được phong thánh. Việc buôn bán và chiếm thuộc địa là mục đích của tư bản, còn mục tiêu cao nhất của các vị cố đạo là truyền đạo. Đương nhiên, hai bên có sự dựa vào nhau, kết hợp với nhau và tạo thuận lợi cho nhau để rồi bị lên án là cấu kết. Sự “cấu kết” này ban đầu có thể là tự nhiên theo kiểu “nước nhờ mạ, mạ nhờ nước”, nhưng sẽ tiến tới có ý thức – như ta thấy đầy rẫy trong lịch sử từ xa xưa của tôn giáo, dù trong một nước hay trong quá trình xâm lược nước khác. Không thiếu gì chuyện chính quyền dựa vào tôn giáo để củng cố, duy trì sự thống trị; hoặc chuyện tôn giáo lợi dụng chính quyền để phát triển hoặc để chống lại một tôn giáo khác.

Khỏi cần nói nhiều về mâu thuẫn giữa hai tôn giáo lớn nhất ở nước ta (và ở nhiều nước khác). Nhưng khi chủ nghĩa Mác-Lênin được du nhập vào Việt Nam – ban đầu chỉ là một lý luận về cách mạng (xin không bàn chuyện “đúng” hay “sai” của lý luận này) – thì mâu thuẫn giữa hai tôn giáo có phần biến dạng chứ không biến mất, bởi vì cả hai đạo này đều ít hay nhiều chịu sự kỳ thị của chủ nghĩa đó, như nó đã công khai tuyên bố: tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ dân, cần trừ bỏ để giác ngộ dân. Nó cũng công khai và hãnh diện về lý tưởng duy vật, vô thần của mình. Khi Đảng cộng sản cướp được chính quyền, thì sau giai đoạn giành độc lập dân tộc (cần đoàn kết toàn dân) là giai đoạn đấu tranh giai cấp để tiến lên chủ nghĩa xã hội (cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản, đàn áp nhóm Nhân văn – Giai phẩm; đoàn kết có lập trường) thì sự kỳ thị đạt tới đỉnh điểm, nhất là khi Đảng Cộng sản đặt chủ nghĩa Mác-Lênin thành một tôn giáo, một quốc đạo, dạy nó cho mọi thanh thiếu niên trong trường học; còn ngoài đời thì có hàng triệu tín đồ đã thành tâm giác ngộ “đạo” này. Rất nhiều nhà tu hành bị quy là địa chủ, bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, bị thu hẹp phạm vi hoạt động tôn giáo đến tối đa. Điều này không khác với những gì tương tự đã diễn ra ở Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu khi phe XHCN còn tồn tại.

Trong quá trình tôn giáo hoá một chủ nghĩa, đã có nhiều chiến sĩ cộng sản “tử vì đạo” ngay ở giai đoạn đấu tranh bí mật, và càng có nhiều ở giai đoạn giành chính quyền và bảo vệ chính quyền – ở miền Bắc cũng như sau đó ở miền Nam. Đồng thời, khi đã giữ được chính quyền cả nước, đảng này càng có ý thức mở rộng khối tín đồ, quảng bá niềm tin, tới mức hiện nay đã có tới 3 triệu đạo hữu và vài chục triệu cảm tình viên trong các đoàn thể chính trị – gồm cả đoàn thể tôn giáo. Đó là những đoàn thể có đại diện trong Quốc hội và trong cấp trung ương của Mặt trận Tổ quốc. Và, như một tôn giáo, nó cũng cấm mọi người phỉ báng giáo lý của nó và cũng đối xử khắc nghiệt với các tôn giáo khác.

Có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa chinh phục được trái tim của Công giáo, nhưng đã hạn chế được tối đa sức mạnh vật chất, ví dụ tịch thu cơ sở và đất đai, hạn chế đào tạo, truyền bá… theo kiểu vặt bớt lông, cánh. Đây là một tôn giáo có niềm tin cao, có kỷ luật và có hệ thống tổ chức quốc tế, rất không dễ thuần hoá. Các vị linh mục khi tham gia một tổ chức do Đảng thành lập nếu chỉ đơn thuần thể hiện lòng yêu nước, lo dân sinh, thiện nguyện… thì không sao, nhưng hễ ít nhiều có lời lẽ tán thành chủ nghĩa xã hội là sớm hay muộn cũng bị cô lập ngay trong nội bộ tôn giáo mình. Ví dụ, trường hợp linh mục Phạm Bá Trực, từng là uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Sau năm 1975, Đảng Cộng sản cũng không dễ gì lợi dụng về mặt chính trị các vị linh mục trước đây chống đối chính quyền miền Nam, ví dụ linh mục Chân Tín.

Với Phật giáo thì khác. Đảng Cộng sản đã chinh phục được một phái Phật giáo gồm các chức sắc cao cấp hiện nay, đã viết được dòng chữ lớn ở ngay cửa chùa Quán Sứ “Đạo giáo, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (nay đã sửa), đã đưa các vị sư sãi vừa ý mình vào Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; đã đưa được đảng viên vào hàng ngũ tu hành các cấp... Do vậy, sẽ không có chuyện phái này lãnh đạo Phật tử “tụng kinh” đòi đất chùa bị tịch thu trước đây. Càng không có chuyện Đảng Cộng sản cho phép (hoặc gợi ý) Phật giáo phục hồi hệ thống chùa chiền ở từng thôn làng như thuở trước 1945. Và ngay cả chuyện bổ sung cho đủ sư sãi ở các chùa còn sót lại này lại cũng không có nốt. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản sẵn lòng hỗ trợ xây dựng những cơ sở hoành tráng mang tính tượng trưng cho sự tồn tại và “phát triển” của Phật giáo – như ta đang thấy.

Nhưng còn một phái Phật giáo khác không tuân phục chủ trương của Đảng đối với các tôn giáo – đứng đầu là các vị Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sỹ… – đang làm cho Đảng rất lo lắng, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay quốc đạo Mác – Lê đang suy thoái (như Đảng tự nhận định: lý tưởng phai lạt, chỉnh đốn 20 năm chưa đâu ra đâu, vào Đảng chủ yếu là cơ hội, cho nên tham nhũng cứ hoành hành…) và không hy vọng gì sẽ có người tử vì đạo. Vả lại, nước ta lại đang hội nhập, phải tuân thủ luật lệ chung, không phải chính quyền trong nước dễ dàng muốn gì làm nấy như trước đây.

Việc tín đồ Công giáo đòi đất toà Khâm bằng cầu nguyện là chuyện ngày nay, chuyện rất thời sự, do vậy tin tức và các ý kiến bàn luận dồn dập được đưa (talawas, BBC) không hẳn chỉ do cách đưa tin thiên lệch (như một vị bênh vực Phật giáo đã viết) mà là sự “thiên lệch” về lượng tin và ý kiến trong thực tế được phản ánh trên mặt báo thì đúng hơn. Tiếc rằng Đảng chưa nắm được talawas và BBC như đã nắm các báo trong nước. Tôi cho rằng hễ có bài gửi tới (tuân theo quy định) thì talawas và BBC sẽ đăng, dù với quan điểm nào. Nhưng không dễ mà đăng ở báo quốc nội. Nếu số lượng bài nghiêng về Công giáo hay Phật giáo, dù phản đối hay ủng hộ, thì đó là sự thiên lệch về số ý kiến, quan điểm trong thực tế dư luận mà các diễn đàn đa chiều này chỉ là nơi phản ánh. Sao các vị tác giả bênh vực lập luận “đòi đất toà Khâm cho Phật giáo” không gửi thêm bài cho talawas và BBC? Có lẽ, đó là vì lập luận này vô lý, lại tiềm ẩn một hiểm hoạ về mâu thuẫn tôn giáo. Cứ cho là “thực dân và giáo sĩ cấu kết phá chùa lấy đất xây nhà thờ” là một sự thật đi, thì nay sự thật này đã thuộc vào lịch sử; chúng ta có thể khen chê, thậm chí phê phán hay lên án, nhưng không thể sửa đổi. Chả lẽ cần phá Nhà thờ Lớn để xây lại chùa? Nó cũng vô lý như con cháu Đức Thánh Trần nay bỗng đứng lên đòi lại thái ấp xưa của tổ tiên mình được phong, dù là được phong xứng đáng.

Tôi không tin BBC là hãng tin không thiên lệch, nhưng “thiên lệch” tới mức muốn bênh Phật giáo mà lại phải dùng những ngôn ngữ quen thuộc của lập trường chính thống kết tội “thế lực thù địch” hay “bọn phản động” (như đoạn văn trích dẫn dưới đây từ báo chí trong nước) thì có lẽ là sự đánh giá hơi quá. Có thể thấy BBC “khôn vặt” ở chỗ hễ thấy tin gì quan trọng mà báo chí trong nước giấu biệt thì đăng lên đầy đủ, do vậy được nhiều người tìm đọc chăng?

Việc mất toà Khâm xảy ra năm 1954, cho đến nay bên phía bị mất đất vẫn tiếp tục “xin lại”, còn bên tịch thu đất vẫn có sự kế thừa liên tục, vẫn là chính quyền của Đảng. Do vậy, chuyện “xin lại” và chuyên “chưa trả” vẫn là chuyện thời sự của thời nay, vẫn đòi hỏi sự giải quyết, có lẽ cho đến khi một bên không còn tồn tại (như thực dân đã không tồn tại ở nước ta). Còn việc đòi lại toà Khâm cho Phật giáo lại khác hẳn. Đó là chuyện muốn sửa lại lịch sử, có thể gây xung đột tôn giáo. Vậy, chuyện “thời nay” của Phật giáo là chuyện từ sau năm 1945, 1954 và 1975 với chính quyền hiện tại, chứ không phải chuyện Phật giáo với chính quyền thực dân từ khi Pháp đô hộ nước ta. Chỉ có điều, có một phái Phật giáo nước ta sẽ không bao giờ “đòi đất”. Không kể đất đai, chùa chiền, cơ sở tôn giáo bị sung công, hoặc bị thời gian và chiến tranh phá huỷ mà không được phép xây lại, thì còn rất nhiều chùa đang còn bị dân xâm chiếm. Nhìn bề ngoài thì là “dân xâm chiếm”, nhưng nhìn thấu đáo vẫn cứ có vai trò của Đảng Cộng sản, ít nhất là Đảng đã làm ngơ cho sự xâm chiếm này. Nếu được làm ngơ, những người dân đang quá thiếu nhà ở cũng muốn dọn vào sống trong trụ sở Quốc hội hoặc Hội trường Ba Đình cho được rộng rãi. Nhưng phép nước ở hai nơi này rất nghiêm chứ không giống như ở những nơi chùa bị dân xâm chiếm.

© 2008 talawas