trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
4.2.2008
Hoàng Cúc
Trò phù phép đánh tráo
 
Kể từ sau ngày 18-12-2007, khi người Việt trong nước và hải ngoại xôn xao về vụ Toà Khâm sứ cũ, trên một số trang điện tử, xuất hiện dư luận cho rằng Phật giáo mới là sở hữu chủ thực sự của mảnh đất vốn từng là Toà Khâm sứ. Đặc biệt, trang điện tử Chuyển LuânGiao Điểm còn đưa ra cả những bằng chứng có vẻ lịch sử về chuyện này. Tuy nhiên, người có chút kiến thức lịch sử sẽ dễ dàng nhận ra trò nguỵ trang vụng về trong các bài viết của họ

Bài viết của phật tử Nguyễn Quốc Dũng, nhan đề “Tâm thư gửi đồng bào Công giáo đang “cầu nguyện” đăng trên Giao Điểm online có đoạn về chùa và tháp Báo Thiên như sau: “Thực dân Pháp, dưới sự tiếp tay của tín hữu Ki-tô giáo đã tịch thu đất, cho phá Tháp và Chùa để xây dựng nhà thờ Thánh Josep, tức Nhà thờ Lớn Hà Nội ngày nay.” [1]

Xét về mặt lịch sử, về toà tháp Báo Thiên ngày nào, hai danh sĩ Phạm Đình Hổ (1768-1839) và Nguyễn Án (1770-1815) đã viết như sau trong sách Tang thương ngẫu lục [2] : "Cây Tháp Đại thắng Tư thiên tại chùa Báo Thiên dựng từ đời vua Lý Thái Tông (1054-1072). Tháp này xây 12 tầng, cao mấy chục trượng… Khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái tổ Hoàng đế tiên triều [Lê Lợi] tiến binh vây Đông Đô. Viên quan giữ thành là Thành Sơn hầu Vương Thông phá hủy cây tháp [lấy vật liệu] chế ra súng đồng để giữ thành [1414]. Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên… Năm Giáp Dần [1791] lại cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long. Khi phá nền tháp thấy có tám pho tượng Kim Cương chia ra đứng bốn cửa, ngoài ra còn có tượng người tiên, chim muông, cả đến những giường ghế, chén bát, các thứ lặt vặt khác không kể xiết, toàn bằng đá." [3]

Cũng phải nói thêm rằng bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư có nhắc tới việc tháp Báo Thiên bị đổ vào năm Đinh Mùi, niên hiệu Nguyên Hoà thứ 15 (1547) và lần cuối cùng bộ sách này nhắc đến chùa Báo Thiên là năm Quí Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623). Theo chúng tôi, tài liệu về tháp Báo Thiên trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án là đáng tin cậy, thứ nhất vì Phạm Đình Hổ đã sống một thời gian khá dài bên hồ Hoàn Kiếm, ở một vị trí chỉ cách khu vực tháp Báo Thiên cũ khoảng vài trăm mét; thứ hai, ông sống đúng vào thời điểm năm Giáp Dần (1794) khi triều đình “cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long”. Như vậy, có thể nói rằng khi khởi công xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội, tức là khoảng những năm 1882-1884, toà tháp Báo Thiên đã bị đào tận móng được gần 100 năm. Phật tử Nguyễn Quốc Dũng đã nói “thực dân Pháp, dưới sự tiếp tay của tín hữu Ki-tô giáo đã tịch thu đất, cho phá Tháp và Chùa”. Tội danh “phá Tháp” của thực dân Pháp và người Công giáo đã bị Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ phủ nhận với tư liệu lịch sử khá rõ ràng. Đối với tội danh “tịch thu đất” và “phá chùa”, tôi rất mong Phật tử Nguyễn Quốc Dũng đưa ra những chứng cứ lịch sử xác thực để chứng minh cho ý kiến của mình. Tôi không đồng ý với những lối suy luận thiên kiến và nặng về tình cảm, không dựa trên những tài liệu xác thực có thể được kiểm chứng. Từ mấy ngày nay, trên talawas, Lê Điều đã đưa ra một số tư liệu liên quan đến chuyện này, tôi rất mong giới chuyên môn vào cuộc để phân tích và thẩm định những tư liệu đó.

Bài viết nhan đề “Truyền thông Công giáo trong vấn đề ‘toà nhà Khâm sứ[4] đăng trên trang Chuyển Luân của tác giả Trần Đình Hoàng mang đầy tính hằn học với Công giáo. Người ta không khó nhận ra quan điểm của ai bàng bạc trong bài viết này. Vì thế tôi sẽ không mất thì giờ bàn luận về bài viết mà chỉ nhận xét về hai tấm ảnh đăng kèm.

Tấm ảnh Nhà thờ Lớn Hà Nội thì hẳn là ai cũng biết rồi. Bên cạnh đó là ảnh một ngôi chùa khá đẹp với dòng chữ khá lớn ở dưới HÀ NỘI: TỪ CHÙA BÁO THIÊN TỚI NHÀ THỜ LỚN. Độc giả có chút công tâm sẽ không khỏi đau lòng khi một ngôi chùa đẹp như thế đã bị phá bỏ. Việc đặt hai tấm hình đó bên cạnh nhau trong một bài viết bàn về một vấn đề thời sự là việc giáo dân cầu nguyện tại Toà Khâm sứ cũ, thêm vào một dòng chữ lớn như trên sẽ khiến độc giả hiểu rằng ngôi chùa trong ảnh đã bị phá đi để xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội. Nếu sự thật lịch sử đã xảy ra như thế, đồng bào theo Phật giáo hẳn có lí do chính đáng để nổi giận và bất bình. Tuy nhiên, trò tráo trở nằm chính trong hai bức ảnh đó.



Không cần đọc mấy dòng chữ nhỏ bên dưới tấm ảnh ngôi chùa, người có chút kiến thức lịch sử về Hà Nội sẽ nhận ra ngay đó là tấm ảnh chùa Báo Ân, tên chữ là Liên Trì, còn được gọi là chùa Quan Thượng. Ngôi chùa này đã bị người Pháp phá huỷ năm 1892 để xây dựng Nhà Bưu điện. Như vậy, vị trí chính xác của ngôi chùa trong ảnh chính là Nhà Bưu điện Trung tâm ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Du khách tới Hà Nội ngày nay vẫn còn thấy một toà tháp nhỏ không xa bờ hồ ở ngay phía trước Nhà Bưu điện Trung tâm, đó chính là vết tích còn lại của chùa Báo Ân thủa trước.

Tại sao lại có chuyện phù phép đánh tráo trên đây? Phải chăng nhằm gây chia rẽ giữa Công giáo và Phật giáo? Trong hoàn cảnh hiện nay, việc chia rẽ ấy nhằm mục đích gì? Độc giả hẳn có thể tự tìm ra câu trả lời.

Theo chiều hướng khác, tôi tự hỏi bằng phép liên hệ nào tác giả đã đặt tấm ảnh chùa Báo Ân bên cạnh Nhà thờ Lớn Hà Nội? Bằng mối liên kết với những gì xảy ra gần Nhà thờ Lớn Hà Nội trong hơn một tháng qua, tôi lại buộc phải tự hỏi mình rằng phải chăng tác giả bài viết đang chuẩn bị cho một chiến dịch cầu nguyện của giới Phật tử trước Nhà Bưu điện Trung tâm? Thời gian sẽ giúp chúng ta có câu trả lời cho câu hỏi đó, ấy là chưa tính đến chuyện ai có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lí, ai là người có quyền đại diện hợp pháp để đứng ra làm chuyện này.

Vậy, nếu cần phải có một tên gọi cho trò đánh tráo lưu manh kể trên, tôi nghĩ có thể dùng từ “quấy rối”, và bàn tay nào nằm ở phía sau trò bung xung này, tôi tin rằng độc giả có đủ khả năng nhận diện.

© 2008 talawas



[1]Giao Điểm online ngày 18/1/2008, đường link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=1951, truy cập ngày 30-1-2008.
[2]Độc giả có thể tìm đọc nguyên văn chữ Hán của sách này tại Viện nghiên cứu Hán Nôm theo những mã số sau đây: VHv. 1798; VHv. 1413; hoặc Paris. SA. HM. 2205 ; MF/1343 (A. 218) ; Paris. EFEO. MF. 11/5/1755 (A. 218).
[3]Trích theo Tháp Báo Thiên trong trang điện tử http://vi.wikipedia.org/wiki/, truy cập ngày 31-1-2008. Thực ra, trong thế kỉ 18 có hai năm Giáp Dần là những năm 1734 và 1794. Theo chúng tôi, những năm dương lịch ghi trong ngoặc vuông là do dịch giả thêm vào, và do sự lầm lẫn nào đó mà năm Giáp Dần 1794 đã trở thành 1791. Tôi cũng đã đối chiếu đoạn văn trên đây với bản dịch cuốn Tang thương ngẫu lục của Trúc Khê do Trương Chính giới thiệu, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1972, trang 151, cũng vẫn thấy ghi năm Giáp Dần 1791. Như vậy lỗi này đã xuất hiện từ bản dịch năm 1972.
[4]Đường link: http://www.chuyenluan.net/200802/0801_01.htm, truy cập ngày 30-1-2008.