trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
1.2.2008
Lê Điều

Vừa tìm được hai tài liệu liên quan đến Chùa Báo Thiên – Nhà thờ Lớn, tôi xin chép lại đây để chia sẻ với những ai quan tâm.

1. Bộ sách 2 tập Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn, Nhà xuất bản Hà Nội 1995, dành hẳn một chương từ trang 541 đến trang 577, tập 2, nói về “Khu vực Nhà Chung”, xin trích vài đoạn:

“Thời Minh thuộc, tướng giặc Vương Thông bị nghĩa quân Lam Sơn vây khốn trong thành Đông Quan, chúng đã phá các chùa chiền, vơ vét chuông khánh đồng để đúc binh khí chống lại quân ta. Tháp và chùa Báo Thiên bị phá huỷ nặng nề, và chuông Báo Thiên bị mất.

Năm Giáp Dần 1434 vua Lê Thái Tông mở mang khu vực Hồ Gươm, sai thợ khéo dựng lại chùa Báo Thiên, còn ngôi tháp đổ không xây lại được nữa. Chỗ nền tháp cũ chỉ còn là một gò đất cao. Đến cuối thời Hậu Lê, chùa cũng đổ nát vì không được tu sửa. Nền tháp cũ thành nơi họp chợ của dân phường Báo Thiên, đôi khi dùng làm chỗ hành hình tù nhân.

Tháp Báo Thiên chỉ còn di tích là gạch đá, và chùa thì trong cảnh tàn tạ, nhưng khu vực phường Báo Thiên cũ lại trở thành nơi dân cư tụ hội đông đúc…” (trang 543 - 544)

“Sử sách của Pháp ca tụng sự khôn ngoan và con mắt tinh đời của cố đạo Puginier, người đứng ra xây dựng ngôi Nhà thờ Lớn ở bờ Hồ Gươm. Puginier đã cố tình chọn khu đất cao có địa thế tốt mặc dù trên đó đã có chùa và nền tháp Báo Thiên, y tìm cách vận động chính quyền Hà Nội để chiếm cho bằng được chỗ đó.

‘Năm 1884 Puginier bàn với công sứ Hà Nội là Bonnal về việc đó. Vì nhiều lý do chính trị, Bonnal không dám trực tiếp dính líu vào mặc dù y có toàn quyền quyết định, chúng sợ nhất là việc chiếm đất nhà chùa cho Nhà Chung sẽ gây dư luận công phẫn của người Việt Nam, đổ thêm dầu vào ngọn lửa chống Pháp của nhân dân; y giao cho tuần phủ Nguyễn Hữu Độ làm. Tên đày tớ trung thành của Pháp đó bày mưu sâu chước quỷ: y cho kỳ hào thôn Báo Thiên Tự - đa số dân làng này là giáo dân ở nơi khác đến ở - làm tờ khai là chùa đổ nát, để vậy dễ gây tai nạn nguy hiểm và xin phá đi. Chỗ đất bỏ không thành vô chủ, vì chiếu theo luật thì chủ cũ là con cháu người đã khởi công xây dựng chùa, mà chùa xây dựng từ đời Lý thì nay làm thế nào mà tìm được người dòng dõi đó? Đất vô chủ thì nhà nước có thể cấp cho người khác, thế là đúng luật. Độ chấp nhận đơn xin đất của Puginier để xây Nhà thờ Lớn lên đó.’ (Theo Bonnal: Souveniers)" (trang 546 – 547)

2. Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2005), từ trang 316 đến trang 318, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng miêu tả hoàn cảnh xây Nhà thờ Lớn như trên, với việc Giám mục Puginier đem nguyện vọng xây nhà thờ trên miếng đất của chùa Báo Thiên bàn với trú sứ Bonnal, rồi ông này lại "gửi gắm" việc ấy cho tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Xin trích:

"Nguyễn Hữu Độ là một viên quan cáo già, nhiều mưu mẹo. Lúc đó đang thời đại loạn, sư chùa Báo Thiên phải phiêu bạt, chẳng biết còn sống hay đã chết. Ông cho người đi tìm, rồi tuyên bố không còn tung tích. Vậy là ngôi chùa hoang. Ông Độ liền cho họp cácv bô lão của làng Báo Thiên lại. Ông đưa các bô lão ra ngôi chùa xem xét. Ngôi chùa thời loạn tường xiêu mái thủng. Ông liền bảo các bô lão viết một cái đơn xin phá ngôi chùa, vì để như hiện trạng có thể gây nguy hiểm chết người. Và khi đã có lá đơn ấy trong tay, ông Bonnal thấy đúng luật liền cấp cái nền chùa bị phá vô chủ ấy cho giám mục Puginier."