trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
3.11.2007
Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Ngày 11 tháng 10 năm 1992

I. Thay mặt Trung ương, Kiều Thạch tuyên bố với Triệu Tử Dương ba điều xử lý

Khi bắt đầu, tôi trình bầy hai cách nhìn của An Chí Văn:

Một là, đối với vấn đề xử lý Bào Đồng. An nói: vốn không định khởi tố Bào Đồng, bây giờ đã kết nặng hơn, xử 7 năm tù giam, là rất nặng. Điều này chứng tỏ thái độ của bên trên đối với vấn đề “4-6” là không thể thay đổi. Đồng thời cũng cho thấy rõ đối với vấn đề Triệu Tử Dương cũng không thể thay đổi.

Hai là, hy vọng ông làm nhạt hoá đối với hai kết luận về ông. An nói: hy vọng ông khi nói chuyện với các đồng chí già, nên tránh vấn đề “4-6” một chút để đề phòng bị kiếm cớ lợi dụng, hạn chế phạm vi hoạt động của cá nhân từ nay về sau.

An lại nói: Lý Bằng, con người này rất lợi hại, lại nắm quyền, lại kết bè kéo cánh. (Lý Nhuệ đã nói với tôi: Lý Bằng, con người này “muốn đặt Triệu Tử Dương vào chỗ chết”; và nói y có lòng báo thù rất mạnh.)

An Chí Văn còn nói: đối với vấn đề “4-6”, nhân dân cả nước đều rất rõ, đối với quan điểm của Triệu Tử Dương, nhân dân cũng rất rõ, hà tất phải nói; về căn bản không cần trình bầy, tương lai sẽ dần dần rõ ra và được giải quyết.

Tôi nói xong, Triệu nói tiếp, hôm kia Kiều Thạch, Tống Bình, Lý Thiết Ánh, Đinh Quang Căn đến đây, tuyên bố với tôi:

Một, thẩm tra kết thúc;
Hai, hai kết luận không thay đổi, giống như trước đây;
Ba, khôi phục tự do.

Còn nói, những lời như: muốn tôi chiếu cố cục diện lớn, tuân thủ ký luật v.v… Còn đề xuất hy vọng trong thời gian Đại hội 14 không đi ra ngoài, không tiếp xúc với phóng viên, và hành động [tự do] cũng sẽ đến từng bước, từng bước. Kiều Thạch nói, điều này chủ yếu là suy tính tới sự ổn định. Đó là quyết định của Đặng và Thường vụ.

Triệu Tử Dương nói: tất cả đều do Kiều Thạch nói, chỉ nói trong mấy phút, xem ra câu chuyện, hành động của bọn họ rất thận trọng chặt chẽ. Lúc đó tôi cũng nói ba ý kiến:

Một, bảo lưu ý kiến, Hội nghị Trung ương đã như thế, hiện tại vẫn như thế.

Hai, lần này không tranh luận, không biện bạch.

Ba, sẽ công bố kết luận sự thực và kết quả thẩm tra trong phạm vi thích đáng, là một sự bàn giao với nhân dân và cá nhân.

Triệu còn biểu thị: thực tế hơn ba năm nay đối với tôi là giam lỏng, không thể đi đánh golf cũng coi là một tổn thất lớn. Đồng thời nói: trong thời gian đại hội 14 tôi không thể ra ngoài, không tiếp phóng viên, nhưng nếu phóng viên đến tìm thì tôi không có biện pháp [không thể chủ động].

Triệu Tử Dương nói: trước khi có việc đó nghe nói bọn họ đánh giá tình hình có nghiêm trọng một chút, cho rằng sau khi tuyên bố kết thúc thẩm tra đối với Triệu Tử Dương, nếu phóng viên đều tới đồng thời coi đó là một tin hàng đầu để đưa, ảnh hưởng và làm nhạt Đại hội 14 thì làm như thế nào? Nếu bản thân Triệu Tử Dương muốn ra ngoài và lên Thiên An Môn gây ra sự xôn xao có tính quần chúng thì làm như thế nào? Nếu Triệu Tử Dương kiên trì ý kiến của mình hình thành cục diện cứng nhắc thì làm như thế nào?

Triệu nói: tôi biểu thị thái độ đó, sau khi bọn họ truyền đạt lên Bộ Chính trị, biểu thị hài lòng. Nhưng trước sau không trả lời yêu cầu công bố kết quả thẩm tra của tôi.

Tôi nói: điểm xuất phát của tầng lớp lãnh đạo là cố đạt được ổn định, ổn định áp đảo tất cả. Vấn đề “4-6” là vấn đề nhạy cảm nhất, sợ nhất là dẫn tới sóng gió. Mà hành động của ông lại dễ gây ra sóng gió nhất vì thế đã thể hiện vô cùng chú ý tới hành vi của ông.

Đối với cái gọi là khôi phục tự do của Triệu Tử Dương sau này tôi mới biết là có thể đi ra công viên ngoại thành, nhưng không thể tới những vùng phồn hoa trong thành phố; có thể tới các thành phố trong nội địa, nhưng không thể đến các vùng ven biển; lại còn không được tiếp phóng viên, nhất là phóng viên nước ngoài. Trên thực tế đúng như mọi người đã nói là tự do có giới hạn. Cách làm hạn chế tự do nhân thân là trái hiến pháp. Nghe nói đã được phản ánh đến chỗ Giang Trạch Dân, Giang tung tin: đó là vì để bảo vệ, vì an toàn.

Theo tôi được biết, có một lần Triệu muốn đến hẻm Dưỡng phong Hiệp đạo [nơi vui chơi giải trí dành cho cấp Bộ trưởng Trung ương] đánh bi-a, đã xin phép nhưng không được, Triệu liền ngang nhiên đi bộ tới hẻm Dưỡng phong Hiệp đạo. Sau đó qui định vào ngày nghỉ trong tuần lễ, tức là vào thời gian mọi người không thể đi mới cho phép Triệu Tử Dương tới nơi đó. Đồng thời qui định, thời gian Triệu Tử Dương tới chỉ là một thời gian ngắn sau khi nhân viên đã phân tán.

Lúc đó, Triệu đã khôi hài nói với tôi: chỉ chụp mũ, không có sự thực đã xử lý người, thật là một phát minh lớn.

Tôi nói: tôi nghe được tổ chức truyền đạt rằng: xử lý vấn đề Triệu Tử Dương là chuẩn bị định tính, thực sự cầu thị.

Triệu rất giận dữ: đúng là nói tầm bậy.

Tiếp đó, tôi đưa cho Triệu Tử Dương bản kết tội chung thẩm của toà án cao cấp thành phố Bắc Kinh đối với Bào Đồng. Bản kết tội viết:

Phán quyết hình sự số 1582 của “Toà án nhân dân trung cấp thành phố Bắc Kinh (năm 1992), nhận định tội phạm Bào Đồng phạm tội làm lộ bí mật quốc gia quan trọng, xử tù giam có thời hạn bốn năm; phạm tội tuyên truyền kích động phản cách mạng, xử tù giam có thời hạn năm năm, tước đoạt quyền lợi chính trị hai năm; quyết định chấp hành tù giam bẩy năm, tước đoạt quyền lợi chính trị hai năm. Sau khi tuyên bố phán quyết, Bào Đồng không phục, lấy lý do mình không phạm tội để lộ bí mật quốc gia quan trọng và tội tuyên truyền kích động phản cách mạng, đã đề xuất chống án với bản toà án.”

Bản toà án “cho rằng… bản án đối với Bào Đồng sự thực rõ ràng, chứng cứ đúng đắn, đầy đủ, định tội chuẩn xác, thời gian chịu tội thích đáng, trình tự xét xử hợp pháp, phải được duy trì. Lý do kháng cáo lên trên của Bào Đồng không đứng vững, nên bác bỏ.”

Kết luận như sau:

Bác bỏ kháng cáo, duy trì bản án cũ. Bản kết tội này là bản án chung thẩm. [1]

Triệu Tử Dương nói: bản kết tội này vô cùng mâu thuẫn, khi xét xử Bào Đồng ngay người làm chứng cũng không cho tham dự phiên tòa.

Triệu lại nói: sau “4-6”, không đưa tôi ra toà bởi vì tôi có ảnh hưởng ở nước ngoài, không thể xét xử bí mật như Bào Đồng. Bào Đồng có những chuyện gì? Kiểm tra đi kiểm tra lại chẳng có chuyện gì cả. Nói anh ta kích động phản cách mạng và làm lộ bí mật quốc gia, bí mật gì? Trong bản khởi tố nói, có người hỏi anh ta: “có phải Triệu không được [giữ chức Tổng Bí thư] nữa phải không?” Anh ta trả lời: “sau một tuần lễ nữa sẽ biết.” Như thế cũng coi là làm lộ bí mật ư? Ngay sự kiện đó Bào Đồng cũng đều nói không có. Nói anh ta kích động phản cách mạng: một là bàn luận về việc Chu Lâm [2] khi ra nước ngoài đánh mất một dây chuyền giả mà căng thẳng không thể tượng tượng nổi, gây ra chuyện cười; hai là bàn luận về thiết quân luật. Hai tội phản cách mạng và tiết lộ bí mật đều tuỳ tiện gán cho.

Triệu tiếp tục: thực ra làm Bào Đồng là vì muốn làm tôi. Cho rằng tôi tư thông với học sinh và còn thông qua Bào Đồng tư thông với người nước ngoài, kết quả là không có gì cả. Bọn họ truy tìm Quỹ Soros [3] . [Goerge] Soros là người Hung, một đại phú ông, ông ta bỏ tiền ủng hộ công tác của Viện nghiên cứu Uỷ ban Cải cách thể chế; liệu CIA Mỹ có đứng đứng đằng sau lưng ông ta hay không, tôi không biết. Đối với con người này, cách nhìn của Bộ Công an và Bộ An ninh không nhất trí: Bộ Công an cho rằng ông ta có bối cảnh đó [dính đến CIA], [nhưng] ông ta là khách của Bộ An ninh. Tháng 7 năm 1987, Bộ Công an gửi cho tôi một bức thư, nói Soros là cáo già chống cộng, ủng hộ sự kiện Hungary [4] , ủng hộ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan. Tôi tương đối thận trọng, phê gửi bức thư của Bộ Công an cho An Chí Văn, để Viện Nghiên cứu của Uỷ ban Cải cách thể chế không liên hệ với quỹ đó nữa. Triệu nhấn mạnh nói: dù thế nào đi nữa, việc này đều không liên quan tới tôi.

Tôi xen vào: Ở Uỷ ban cải cách thể chế, tôi nghe được, Soros đã từng chất vấn chính phủ Trung Quốc: Quỹ Soros có quan hệ như thế nào với CIA Mỹ? Đề nghị các vị đưa chứng cớ của mình ra. An Chí Văn nói với tôi: Bào Đồng là một án oan, nhưng lại không giải quyết nổi.

Triệu Tử Dương nói tiếp: việc của Bào Đồng là ai vào trước thì làm chủ. Lý Bằng đã nói với Đặng, Bào Đồng là người xấu, nói tôi chịu ảnh hưởng của Bào Đồng.

Cuối cùng Triệu Tử Dương giận dữ, nói: tóm lại, hai tội danh của Bào Đồng là đứng không vững, bọn họ sẽ phải chịu trách nhiệm lịch sử. Đối với tôi, mà cứ ép xuống như vậy cũng sẽ càng ngày càng bị động.


II. “Chính trị học mơ hồ” của Đặng Tiểu Bình

Mọi người đều rất quan tâm đến vấn đề của Triệu Tử Dương, đối với tổ chuyên án Triệu Tử Dương do Vương Nhiệm Trọng đứng đầu qua mấy năm kiểm tra, kết quả như thế nào? Đều muốn hiểu được nguồn cơn. Nhưng chỉ lưu truyền tin đồn trong cán bộ: “không tìm ra chứng cứ thực”, nên trước sau mới không công bố, trong đảng cũng chưa có truyền đạt, đều kín như trong hũ nút, ai cũng “không biết”.

Tôi đã nghe những lời Triệu Tử Dương nói, Kiều Thạch đại biểu [cho] Đặng và Thường vụ Trung ương tuyên bố với Triệu cái gọi là ba điều càng làm cho người ta rối rắm. Tôi cho rằng điều đó dứt khoát là đùa cợt người ta, nó giống như một chính đảng giữ thái độ tôn trọng trong xử lý với người!

Có đồng chí già biết tôi đến chỗ Triệu Tử Dương, muốn thông qua tôi để hiểu thêm đôi chút, xem tuyên bố kết quả thẩm tra Triệu như thế nào?

Triệu Kiến Dân và Đỗ Tinh Hằng [5] hẹn tôi tới chỗ bọn họ nói chuyện. Hai người nói: như thế là chỉ nói không thay đổi kết luận, không nói sự thực; chỉ thuyết minh kết quả thẩm tra, không tuyên bố vấn đề; càng không nói rốt cuộc Triệu Tử Dương có vấn đề hay không có vấn đề, và cũng không có một bàn giao rõ ràng; đó là hành động tự do mà không có thuyết minh, là tự do hành động như thế nào. Điều này được coi là chuyện như thế nào? Đều biểu thị bồn chồn.

Đỗ Tinh Hằng nói: đối với một Tổng Bí thư mà lại tuyên bố việc không rõ ràng như thế, thật chẳng ra làm sao!

Nhưng rồi Đỗ lại nói thêm: bọn họ không có sự thực cũng không đưa được sự thực ra; sắp họp đại hội 14 rồi, lại không thể không có bàn giao. Chỉ có thể như thế, cũng chẳng cần chiếu tướng bọn bọn họ.

Triệu Kiến Dân nói: đó là Đặng đang muốn giở mánh khoé chính trị, đang muốn quyền hành, sau khi đến Bắc Kinh tôi cũng rất ít tiếp xúc với Đặng.

Đỗ Tinh Hằng lại nói: đối với những hành vi chống chính phủ của lưu học sinh tại nước ngoài còn thanh minh là không truy cứu và để cho tự do, đối với Triệu Tử Dương càng không nên hạn chế như vậy. Đỗ cho rằng Đặng đã định việc khôi phục tự do cho Triệu Tử Dương đại khái là không có biện pháp cho cầm quyền ở tuyến một, cho Triệu Tử Dương có tự do có giới hạn để tiếp tục ép Triệu.

Đỗ Nhuận Sinh nói: đối với Triệu Tử Dương mà đối xử không ra gì, vẫn là thể hiện của sự thiếu chân lý, là thể hiện của sự suy yếu.

An Chí Văn nói: chỉ cho tự do có hạn chế.

Tôi đọc được bình luận của báo chí Hồng Kông nói: đó là “chính trị học mơ hồ của Đặng Tiểu Bình”

Then chốt của vấn đề là cái gọi là “chuẩn xác định tính”. Triệu Tử Dương “ủng hộ động loạn”, “chia rẽ Đảng” nhưng rốt cuộc Triệu Tử Dương ủng hộ động loạn chia rẽ Đảng như thế nào đến bây giờ vẫn chưa đưa ra được tài liệu để công bố, chỉ có “chụp mũ”, không có “sự thực”, không thể làm cho người ta tin phục. Thực ra vấn đề chân chính chỉ là, Triệu Tử Dương đề xuất cần phải giải quyết vấn đề trên quỹ đạo bình tĩnh, lý trí, kiềm chế, trật tự và dân chủ pháp trị, không đồng ý thiết quân luật, xuất quân. Đề xuất ý kiến bất đồng để bị trị tội, đó là điều chưa từng có trong điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, và cũng vi phạm điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng.

Trong bàn luận người ta nói: làm gì có chuyện đưa ra ý kiến bất đồng là trị tội? Không thể như thế được! Làm gì có chuyện không căn cứ vào sự thực đã kết luận? Không thể nào hiểu nổi! Sự thực là đến bây giờ vẫn chưa điều tra ra, rốt cuộc là người nào đã tiến hành hoạt động phản cách mạng có tổ chức, có kế hoạch, có cương lĩnh trong sự kiện “4-6”, hàng loạt cái như vậy, đều không chứng minh rõ. Tự nhiên người ta có lý do nói, đó là sự phán đoán chủ quan là cưỡng ép tội danh cho thanh niên học sinh, là “có lẽ có.”

Ngoài ra tôi thuận tiện nói tới cách nhìn của An Chí Văn về việc Triệu muốn lập hội quỹ. An Chí Văn cho rằng, tổ chức Hội quỹ không liên quan đến cải cách kinh tế, nói chung ý nghĩa không lớn, mà tổ chức ra nếu không đồng ý thì cũng khó làm. Nên xem xét đã rồi nói sau. An nói, trước đây, Lâm Trọng Canh, đại biểu Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc đã từng đề xuất, muốn thành lập Viện Nghiên cứu cái cách thể chế Trung Quốc, Triệu Tử Dương đã từng phê duyệt đồng ý, nhưng Lý Bằng không đồng ý. Bây giờ sau “4-6”, Lâm Trọng Canh vẫn muốn dùng danh nghĩa của Triệu Tử Dương để làm.

Về vấn đề cải cách, An Chí Văn nói, về việc mở cửa giá cả, hiện nay nhận thức nhất trí, có thể thúc đẩy đi về kinh tế thị trường; nhưng “nồi cơm chung” của các xí nghiệp lớn và vừa không dễ làm, gánh vác của xí nghiệp cũng nặng, cơ chế kinh doanh xí nghiệp rất khó thay đổi, với công nhân thất nghiệp lại sợ gây ra không ổn định. Nhưng nếu thay đổi cơ chế kinh doanh xí nghiệp, thì lại liên quan đến toàn bộ thể chế của nền kinh tế quốc dân, thay đổi đều rất khó. Điều này khác với cải cách xí nghiệp hương trấn. Tóm lại các xí nghiệp lớn và vừa quốc hữu vẫn còn chưa ra khỏi con đường này.

Triệu Tử Dương nói: cải cách và mở cửa là có mâu thuẫn với bốn nguyên tắc cơ bản, nắm mặt này sẽ ảnh hưởng tới mặt kia.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Sự thực là ngày 28 tháng 5 năm 1989, Bào Đồng được thông tri đến dự họp hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị rồi bị đưa đến giam ở ngục Tần Thành; mãi đến tháng 1 năm 1992 mới công bố lệnh bắt. (TG)
[2]Chu Lâm: người Thượng Hải, phu nhân của nguyên Thủ tướng Lý Bằng, đại cổ đông của Tập đoàn Thần Hoa (năng lượng).
[3]Soros Fund Management LLC, do nhà tài chính George Soros (1930 - ) thành lập năm 1979, tổng bộ đặt ở New York, sau đó dần dần được thành lập ở vài chục nước Âu, Á. Tôn chỉ là thúc đẩy mở cửa giá trị dân chủ. Năm 1989, phái bảo thủ Trung cộng chế tạo ra vụ Quỹ Soros bị CIA thao túng, công kích Triệu Tử Dương thông qua Trần Nhất Tư câu kết với Soros âm mưu lật đổ chính quyền Trung cộng. Sau này Soros đã làm sáng tỏ.
[4]Cuộc nổi dậy của người dân Hungary chống lại sự chiếm đóng của quân đội Xôviết năm 1956. (BT)
[5]Đỗ Tinh Hằng: Bí thư trưởng Quốc Vụ viện những năm 80, thành viên lãnh đạo Tổ Kinh tế Tài chính Trung ương.

Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tá»­ DÆ°Æ¡ng khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219