trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
20.10.2007
Crane Brinton
Chủ nghĩa Marx: một dạng tôn giáo
Cao Hùng Lynh dịch
 
Crane Brinton, giáo sư sử học cổ đại và hiện đại của đại học Harvard, là một người có thẩm quyền về đề tài Cách mạnh Pháp và lịch sử tư tưởng. Chào đời vào năm 1898, tốt nghiệp đại học Harvard, sau đó Brinton sang đại học Oxford để nghiên cứu với tư cách một học giả. Trở về nước năm 1923, ông được bổ nhiệm làm giảng sư sử học tại đại học Harvard, nơi ông gắn bó cho đến nay. Tác phẩm “Anatomy of Revolution” (1938) gây nhiều tranh cãi, trong đó ông đã đưa ra một số điểm tương đồng trong bốn cuộc cách mạng quan trọng, đã mang lại cho ông một chỗ đứng trong giới nghiên cứu sử học. Khi càng lúc càng quan tâm đến lịch sử tư tưởng, ít năm sau đó, ông cho xuất bản một tập nghiên cứu có giá trị về Friederich Nietzsche, và vào năm 1950, ông tiếp tục cho ra mắt một tác phẩm lịch sử được nhiều người biết đến hơn về tư tưởng phương Tây, “Ideas and Men”. Trích đoạn dưới đây được lấy từ tác phẩm này. “Ideas and Men”, nguyên được viết dành cho chương trình giáo dục tổng quát của đại học Harvard, đã được nhiều độc giả đón nhận; hiện nay nó được in một phần trong tập sách bìa mềm có nhan đề “The Shaping of the Modern Mind”.
Nếu bạn nghĩ rằng từ “tôn giáo” cần được giới hạn trong ý nghĩa một hệ thống tín điều nhằm duy trì sự tồn tại của một thượng đế, hoặc thần linh, hoặc một cái gì đó có tính phi vật chất, siêu nhiên, thì bạn đã bị ném ra khỏi “đường ray” bởi sự so sánh của chúng tôi đối với chủ nghĩa ái quốc dân tộc và tôn giáo. Trong cuốn sách này [Ideas and Men] , chúng tôi áp dụng những thuật ngữ được có nguồn gốc từ tôn giáo phương Tây cho bất cứ hệ thống tín điều nào liên quan tới các vấn đề lớn - đúng và sai, hạnh phúc của con người, trật tự vũ trụ, v.v… - mà đã mang đến cho người tin ít nhất hai tác động sau đây: cung cấp cho anh ta một sự định hướng tri thức (nghĩa là trả lời các câu hỏi của anh ta) và sự tham gia có tính cách xúc cảm của anh ta vào một nhóm nào đó thông qua nghi lễ hoặc nghi thức hành động chung. Qua những thuật ngữ như thế, chủ nghĩa Marx, đặc biệt khi nó được thi hành ở Nga, là một trong những hình thức tôn giáo tích cực nhất trên thế giới ngày nay, và là điều mà tất cả những người có học vấn cần phải cố gắng tìm hiểu.

Chủ nghĩa Marx rõ ràng đã hoàn tất một trong các đòi hỏi giản đơn của một tôn giáo, đó là: nó có những cuốn sách thiêng, một dạng kinh thánh, cho chính nó – các tác phẩm của Marx và Engels cùng với các bài phê bình, bàn luận của Lenin và, trong một mức độ kém quan trọng hơn, của Stalin. Nó cũng có các quan điểm dị giáo, mà quan điểm quan trọng nhất trong số ấy đã quay lại với phong trào “xét lại” của thế kỷ mười chín, một phong trào gắn liền với tên tuổi của Eduard Bernstein. Các quan điểm dị giáo này muốn thay thế cuộc cách mạng bạo lực và nền chuyên chính vô sản sau đó của chủ nghĩa Marx chính thống bằng việc từng bước hoàn tất nền dân chủ về kinh tế và xã hội thông qua các hành động có tính cách chính trị và pháp lý. Ngoài ra còn có nhiều giáo phái Mác-xít dị giáo khác nữa mà chúng ta không thể trình bày hết nơi đây. Tuy nhiên, sự tồn tại của các quan điểm dị giáo như thế không nhất thiết là một dấu hiệu suy yếu của phong trào; thực vậy, nếu liên tưởng tới sự lớn mạnh của Thiên chúa giáo, thì hoàn toàn có khả năng rằng các quan điểm dị giáo này là một biểu hiện cho thấy sinh khí trong chủ nghĩa Marx, cho thấy một sự khích động không ngừng về mặt trí thức, và đây chính là dấu hiệu của sự sống hơn là của sự suy tàn và phân tán.

Ở đây, chúng ta cần tập trung vào học thuyết chính thống của chủ nghĩa Marx. Tác phẩm quan trọng của Marx là Das Kapital (Tư bản luận), một chuyên khảo về kinh tế học. Tuy nhiên, rõ ràng là, ngay cả Das Kaptital cũng không phải là một sự nghiên cứu chuyên sâu về học thuyết kinh tế, mà lại là một triết lý về lịch sử, một hệ thống ý tưởng về xã hội học và một cương lĩnh dùng cho các hoạt động chính trị. Cùng với các tác phẩm còn lại, nó tạo ra một vũ trụ quan có hệ thống và khá hoàn hảo so với bất cứ tác phẩm riêng lẻ nào trong truyền thống dân chủ chính thống của thời kỳ Khai sáng. Chủ nghĩa Marx là một cái gì đó có tính chất chặt chẽ và gọn gàng hơn so với các lý thuyết dân chủ truyền thống.

Phong trào mà Marx sáng lập đã nắm được quyền lực trong một quốc gia rộng lớn, và các môn đồ của ông, dẫu bị phân hoá trong một chừng mực nào đó do các quan điểm dị giáo, hiện đang tồn tại vững chắc trong nhiều khu vực của xã hội phương Tây. Chủ nghĩa Marx là một trong các tôn giáo - hoặc là một trong các hệ thống nguyên lý dẫn đạo, nếu như từ “tôn giáo” tỏ ra quá nặng nề đối với bạn - hiện đang tranh đoạt lòng trung thành của người phương Tây.

Thượng đế của chủ nghĩa Marx là một đấng tối cao, dù cho đấng tối cao ấy là phép duy vật biện chứng, một thế lực phi-con-người. Giống như thần linh của các tôn giáo phát triển khác, phép duy vật biện chứng được xem là tối thượng. Người Mác-xít không hề ngần ngại khi dùng từ thuyết tiền định với mọi hàm nghĩa tinh vi của thánh Augustine và Calvin. Đối với họ, các hàm nghĩa đó là những hàm nghĩa của khoa học. Họ nhất mực cho rằng hệ thống lý luận này là một hệ thống lý luận khoa học, và đó là lý do tại sao nó buộc phải đúng. Đối với người “ngoại đạo”, hệ thống của họ không phải là sự khoa học của phòng thí nghiệm và viện y học, mà là một khoa học đã được thực định (hypostasized), giống như loại khoa học mà Newton đã mang lại cho các triết gia thế kỷ mười tám. Có nghĩa là nó cung cấp cho họ sự bảo đảm có tính cách trấn an rằng họ đã có chìa khóa để mở cửa vũ trụ.

Khi đó, phép duy vật biện chứng, đối với người Mác-xít, sẽ dẫn đến cuộc cách mạng vô sản không thể tránh khỏi trên toàn thế giới. Điều đó sẽ xảy ra, bất chấp mọi hành động mà người tư bản có thể làm; người tư bản, khi đi theo đường lối đã được định sẵn cho anh ta thông qua phương thức sản xuất mà anh ta làm việc, càng xử sự như một người tư bản, thì chiến thắng của người vô sản càng đến một cách nhanh chóng. Gia đình Rockefeller và gia đình Morgan đang làm cái điều mà phép duy vật biện chứng muốn họ làm. Dường như, điều này không khiến cho người Mác-xít cảm thấy chút xót thương nào đối với họ - gia đình Rockefeller và Morgan - và những người như họ. Và sự tin tưởng rằng các nhân vật nổi tiếng đi cùng đường với họ đang hoạt động vì sự chiến thắng tất yếu của người vô sản cũng không làm cho người Mác-xít trở thành kẻ theo thuyết định mệnh. Chúng ta đã biết rằng đối với người theo thuyết Calvin, niềm tin rằng ý muốn của Thượng đế sẽ định đoạt tất cả khiến mọi người sẵn sàng nhập thế để tranh đấu nhằm giúp cho ý muốn của Thượng đế được thống ngự; và chúng ta cũng đã nhận thấy rằng đối với người theo thuyết Calvin, luôn luôn có nỗi hồ nghi sót lại rằng kẻ không xứng đáng, ngay cả khi anh ta là một tín đồ lương hảo của giáo hội Calvin, cũng có thể không thực sự biết ý muốn của Thượng đế. Đối với người Mác-xít, thậm chí dấu vết về tính khiêm cung Thiên chúa giáo như thế cũng không hề tồn tại để có thể mang lại một sự ủng hộ hợp lý nào đó cho hành vi thực sự của anh ta - một kẻ tranh đấu cho lẽ phải theo cách nhìn nhận của anh ta. Người Mác-xít - và cả Marx - đều tuyệt đối tin rằng phép duy vật biện chứng sẽ thực hiện công việc của nó bằng cái phương cách đã được định trước. Nhưng người ta không bao giờ thấy người Mác-xít ngồi lại và để yên cho phép duy vật biện chứng thực hiện phần việc của nó mà không có sự can dự của anh ta. Trái lại, anh ta là một kẻ tuyên truyền cuồng nhiệt, một kẻ theo thuyết tác động để cải thiện, một kẻ chỉ muốn xét đoán người khác thông qua các phẩm giá của mình và thường tin rằng mọi nỗ lực của chính anh ta có thể tác động đến hành vi con người. Một lần nữa, chúng ta có thể nhận xét rằng niềm tin có tính cách siêu hình vào thuyết tiền định, đối với người Mác-xít, cũng như đối với người theo thuyết Calvin, có vẻ như là phần nhiều hoàn toàn tương đồng với một niềm tin có tính chất tâm lý vào ý chí tự do.

Tiếp tục so sánh, thiên đường của chủ nghĩa Marx, như chúng ta đã biết, là một xã hội không có giai cấp, một trạng thái mà con người có thể đạt được ngay trên trần thế này, và là cái có điểm chung với nhiều thuyết thế mạt luận của các tôn giáo phát triển khác ở ý niệm về một trạng thái của sự vật, mà trong đó không còn ước vọng nào của con người bị bỏ rơi. Quả thực là người Mác-xít rất tự hào về chủ nghĩa duy vật của mình, đồng thời tin rằng trong một xã hội phi giai cấp, mọi ước vọng chính đáng của con người đều sẽ được thỏa mãn; song song đó, anh ta căm phẫn phủ nhận rằng thiên đường của anh ta không hề có điểm gì chung với thiên đường mầu nhiệm của tôn giáo và với ý niệm nổi bật của người Thiên chúa giáo về thiên đường như là một nơi chốn mà người ta có thể vượt qua, dập tắt và chế ngự mọi dục vọng. Tuy nhiên, xã hội phi giai cấp không phải là một nơi chốn thô lậu, không phải là một nơi chốn dành cho những ham muốn nhục dục, cái mà người Mác-xít gán ghép với lý tưởng tư bản chủ nghĩa suy đồi. Thực vậy, ở sự thừa nhận chung của thuật ngữ này, có một yếu tố khe khắt mang tính luân lý và tôn giáo trong chủ nghĩa Marx: người Mác-xít cũng có thái độ đây khinh miệt như người theo thuyết Calvin về khía cạnh hưởng lạc của đời sống, về khoái lạc nhục dục, và thậm chí còn khinh miệt nhiều hơn nữa, về những nét đẹp mang tính quý phái. Marx chính là một nhà luân lý, và vì thế, cũng căm phẫn trước những điều xấu xa và bất công của xã hội kỹ nghệ như Carlyle hay Ruskin. Người Mác-xít đã hết sức cố gắng cứu vãn khía cạnh tích cực về thiên đàng của anh ta, khi khẳng quyết rằng trong xã hội phi giai cấp, con người sẽ đua tranh để tiến bộ giống như những đứa trẻ ngoan thường làm; nhưng điều thực sự lôi cuốn mọi người trong thiên đường của chủ nghĩa Marx, cũng như trong các thiên đường khác, là cái ý tưởng về sự vắng mặt của sự mâu thuẫn và thất vọng, của sự dập tắt các ước mơ.

Quan điểm về cách mạng và nền chuyên chính vô sản có thể đem so sánh với quan điểm của người Thiên chúa giáo về ngày phán xét. Có sự khác biệt rõ ràng như thế này: người Mác-xít tin rằng cái kết cục của anh ta được các thế lực “tự nhiên”, chứ không phải siêu nhiên, định đoạt. Đối với người Mác-xít, trạng thái giác ngộ, điều phân biệt người đúng với kẻ sai, đơn giản chỉ là khả năng hiểu biết vũ trụ, nói theo kiểu của người Mác-xít, “một cách khoa học”. Ông Marx của anh ta chính là một đấng Messiah duy lý, có vị trí trên cả đấng Messiah thiêng thánh, tức chúa Ki-tô.

Thêm nữa, cũng như trong hầu hết các tổ chức tôn giáo, ý thức về sự được nhìn nhận, về sự sở hữu chân lý, về sự được dẫn dắt bởi một đấng thánh linh, được bù đắp bằng việc thi hành một số hành vi có tính chất biểu tượng nào đó nhằm trói buộc người tin với tổ chức tín ngưỡng. Nói cách khác, người Mác-xít cũng thế, cũng có kinh sách và đức tin: anh ta đọc các cuốn sách thiêng thánh về chủ nghĩa Marx, anh ta đến dự các buổi hội họp, anh ta có thẻ đảng và các nghĩa vụ đối với đảng. Anh ta có một đầu mối dẫn đến mọi thứ, một câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi. Không có gì khiến một người ngoài đảng phải ngạc nhiên khi nghe rằng trong nước Nga cộng sản, có âm nhạc Mác-xít, lịch sử Mác-xít, và thậm chí còn có cả sinh vật học Mác-xít.

Có lẽ cũng đúng khi nói rằng không hề có một từ Mác-xít tương đương nào có thể diễn tả một loại kinh nghiệm tôn giáo, mà đối với người Thiên chúa giáo, điều đó được diễn đạt bằng từ lương tâm. Một yếu tố không thể tách rời của Thiên chúa giáo, như chúng ta đã nhận xét ở một chương trước, là sự đặt trọng tâm vào hoàn cảnh khổ đau của linh hồn kẻ tội lỗi trong sự chống lại Thượng đế một cách chủ tâm của nó; Thiên chúa giáo là một đức tin mang tính cá nhân cao độ kết hợp với một ý niệm mang tính cá nhân cao độ về sự cứu rỗi. Chủ nghĩa Marx được trao cho một quan niệm rằng thành tựu đích thực của cá nhân, cố nhiên không nằm ở sự nhập cuộc tự động vào xã hội như con ong cái kiến, mà ít nhất phải nằm ở sự gắn bó hoàn toàn của cá nhân đối với tập thể. Chủ nghĩa Marx là một đức tin tập thể chủ nghĩa, và quan niệm của nó về sự cứu rỗi cá nhân không thể so sánh một cách sít sao với Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, người Mác-xít cũng có một lương tâm, và dẫu cho cái ý niệm về lương tâm này có kết hợp lỏng lẻo đến đâu đi nữa với phép biện chứng duy vật, và họ vẫn phải chịu sự dày vò của lương tâm. Bạn sẽ dễ dàng thấy điều này qua nhân vật chính trong Darkness at Noon (Đêm Giữa Ban Ngày) của Arthur Koestler; và nếu chịu khó tìm hiểu sự nghiệp của ông, bạn sẽ thấy nó trong chính Koestler.

Về phương diện lập thuyết, Marx và Engels đã làm được một việc to lớn (đó là tạo ra một học thuyết có vai trò như là một hệ tư tưởng). Mặc dầu Liên xô đã phong thánh cho Lenin và Stalin vì đã bổ sung nhiều điểm quan trọng cho hệ thống tín điều Mác-xít, nhưng đối với nhiều người, tầm quan trọng của họ - Lenin và Stalin – xem chừng như chỉ nằm ở vai trò người tổ chức hơn là nhà tư tưởng. Chủ nghĩa Marx vẫn chưa kết hợp được nhà tư tưởng và người hành động một cách thành công như thánh Phao-lồ đã từng. Trên thực tế, Lenin đã đối diện với sự thật rằng các quốc gia tư bản xấu xa của phương Tây dường nhưng lại rất phồn vinh vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, và rằng các quốc gia đó không lâm vào hoàn cảnh khó khăn không thể khắc phục được theo kiểu Marx đã tiên đoán, và Lenin đã bổ sung kết quả này vào chủ nghĩa Marx bằng một sự suy luận như sau: khi đã đạt tới điểm giới hạn của việc bóc lột chính công dân của mình, các nhà tư bản Anh quốc và phương Tây sẽ trì hoãn thời điểm sụp đổ của nó bằng cách thực hiện chủ nghĩa đế quốc thực dân, bằng cách bóc lột phần còn lại của thế giới. Nhưng theo Lenin, điều này, về bản chất, vẫn là một sự xác nhận Marx đúng; chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn “chín muồi” tất yếu của chủ nghĩa tư bản, giai đoạn cuối cùng trước khi bùng nổ cuộc cách mạng của giai cấp vô sản.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas