Trần Kh. dịch
|
Gu Bin ở Tân Cương - Ảnh: Wolfgang Kubin |
Hoài niệm nào cũng là một nỗi u hoài, và vì chuyến du hành nào cũng là một kỷ niệm, nên chuyến đi nào cũng bắt đầu bằng một nỗi buồn. Nỗi buồn khác thường của tôi có tên là Bắc Kinh. Cảm thấy xót xa về những thứ thành phố này dần đánh mất, nên trước đây nhiều năm tôi bắt đầu viết tiểu luận, và những nỗi buồn được ghi lại ở đấy đã chẳng tìm được sự đồng cảm của một ai lúc bấy giờ, những điều mà hôm nay mọi người đều công nhận. Và chính điều này lại khiến cho tôi thực sự hoảng sợ, bởi trong thâm tâm, tôi vẫn thầm mong ước rằng những nỗi buồn lo ấy chỉ là một sự nhầm lẫn. Phải chăng đây chỉ là quan điểm của một nhà thơ sắp sửa rời Bắc Kinh để làm một chuyến du hành đến vùng Pamir cùng với một số thi sĩ khác? Nếu thế thì đã hay, nhưng như chúng ta biết, mọi sự trên đời này đều biến đổi, và thế giới không chịu tiếp tục để cho ta phân chia rạch ròi thành một bên là những thi sĩ nghèo túng, và phía bên kia là những nhà môi giới (bất động sản) giàu có.
Tôi gặp nhà thơ Dương Luyện (Yang Lian, sinh năm 1955) lần đầu cách đây hai mươi năm, cũng tại chính tiền sảnh của khách sạn Tây Uyển (Xiyuan) nằm gần Vườn thú Bắc Kinh, nơi chúng tôi lần này - tháng chín năm 2006 - được triệu tập về từ khắp mọi nơi để cùng nhau
suy gẫm về tiếng nói của thi ca. Lúc ấy không ai biết là chưa đầy một năm sau, Dương Luyện sẽ mua một căn hộ được xây từ thời kỳ kinh tế tăng tiến cuối thế kỷ 19 (Gründerzeit) tại Berlin. Những tấm ảnh ông chụp, được gửi một cách đầy hãnh diện đến những dịch giả và những người hâm mộ ông, xác nhận sự phục chế kỹ lưỡng những cánh cửa sổ, những ngọn đèn và những bức tường của một thời quá vãng. Sao ông ấy lại không thử tìm cách mua một thứ tương tự tại Bắc Kinh? Ở đấy chẳng phải vẫn còn tồn tại khu nhà cổ của những sứ quán châu Âu đấy ư, dẫu nay chúng đã khá điêu tàn? Và, ông vẫn chẳng thường xuyên về nghỉ hè trên cố hương của ông, bất kể những phê phán công khai của ông đối với cái đất nước đã từng là tổ quốc ông đấy hay sao?
Di sản kiến trúc từ thời thuộc địa có đầy dẫy tại Bắc Kinh, nhưng người ta đã chia cho cán bộ ở và chúng càng ngày càng xuống cấp. Còn những thứ được gọi là di sản của thời phong kiến? Món này cũng chẳng đủ sức làm một kẻ như Dương Luyện cảm thấy hào hứng, vì phần lớn chúng đã bị trao vào tay các quan chức và tình trạng cũng ngày một dột nát. Cách mạng đòi hỏi phải có nạn nhân, thoạt tiên đấy là những căn nhà, rồi đến con người. Từ năm 1949, nhà nước đã tiêu pha hết tất cả những gì mà nước Trung Hoa cũ để lại, những thứ họ cho là đáng bị căm ghét. Vài thứ ít ỏi còn sót lại thì hiện nay đang bị đập bỏ, bán rẻ cho ngành du lịch hoặc phó mặc cho những hãng xưởng tư nhân nhiều tiền lắm bạc tự do sử dụng.
Ai đi vào khuôn viên của Đại học (tinh hoa) Bắc Kinh qua ngả cửa Tây đầy biểu tượng sẽ có ngay một hình dung cụ thể về điều này. Khu khuôn viên đầy cây xanh ở đấy, những thứ còn sót lại của Cựu Cung điện Mùa hè ngày trước (Viên Minh Viên/Yuanmingyuan), là khu được ưu ái đặc biệt của công cuộc giải phóng được tuyên bố thành công kể từ năm 1949, và điều này có nghĩa là: chúng được giao phó cho đám đông quần chúng được xem là đã được giải phóng ấy sử dụng tuỳ tiện, để chúng sẽ dần dần hư hỏng từ ngày ấy mãi cho đến một thời điểm mới đây. Khi rốt cuộc ở đó chẳng còn thứ gì để có thể phá hỏng được nữa, thì "những người chủ của đất nước" đang sống tại đấy được lễ phép mời dọn về sống trong những khu nhà bê tông tiền chế, và những thương nhân mới ngày nào còn bị khinh bỉ, giờ lại được yêu cầu ra tay cứu vãn những ngôi nhà cổ kính cùng vườn tược tại đấy. Sau khi được trùng tu, hiện nay ngoài những tập đoàn kinh tế, còn có cả vài viện sở trực thuộc Đại học chuyên về việc bảo tồn văn hoá Trung Hoa toạ lạc ở đấy, trong khung cảnh đẹp đẽ với hồ nước và cây xanh.
Ngày trước người ta thường hay nói về những Mạnh thường quân. Mỗi thi sĩ ở Trung Quốc xưa kia đều có một người ủng hộ tài chánh. Ngày nay ta gọi đấy là những nhà bảo trợ, nhưng hiện nay chẳng có nhà thơ nào có thể nêu ra một vị bảo trợ của riêng mình. Danh xưng thi sĩ nay đã biến thành "số nhiều" (Plural). Và "số nhiều" này dùng để chỉ cộng đồng của những kẻ sống sót bên lề xã hội, họ được đánh giá cao trên thế giới, nhưng lại bị coi thường tại Trung Quốc. Nhà nước thì hoàn toàn không quan tâm, và ngay cả hàng ngũ giáo sư đại học cũng không có khả năng để làm một cái gì đấy cho những con người mãi cho đến thời điểm trước đây chưa lâu, đã biến Trung Quốc thành một vương quốc vĩ đại của thi ca, mà phải chờ đến sự ra tay của một nhà bảo trợ. Ở trường hợp này chính là tập đoàn
Pamir Investment Group (Tập đoàn Zhongkun), theo bản thông báo của tập đoàn này thì tháng giêng năm 2006 họ đã quyết định đầu tư 10 triệu Nhân dân tệ (tương đương khoảng 1 triệu Euro) để khuyến khích và hỗ trợ thi ca, họ đã xây dựng cả một trung tâm riêng để phục vụ cho mục tiêu này.
Nhưng do đâu lại sinh ra mối quan tâm muốn ra sức yểm trợ cho cái loại hình đang tồn tại một cách èo uột tại Trung Quốc và chẳng đẻ ra tiền này? Để hiểu điều này thì người ta phải biết rằng Tập đoàn Zhongkun, ra đời năm 1995 và chuyên về kinh doanh bất động sản, nay cũng đã bành trướng qua nhiều lãnh vực khác. Năm 1997 họ bắt đầu xây dựng một hãng du lịch (Zhongkun Guolü) và đầu tư vào những vùng đất nhiều hứa hẹn mà trước đấy bị bỏ bê chẳng ai ngó ngàng đến. Vị giám đốc của tập đoàn này, tên thật là Huang Nubo, cũng là thi sĩ và có bút danh là Luo Ying. Ông còn trẻ, ham thích thể thao, điển trai, khéo léo trong giao tiếp, và điều còn quan trọng hơn: đối với các nhà thơ, ông là "người tốt thành Bắc Kinh". "Hiện nay Trung Quốc thiếu ba thứ", vị giám đốc trẻ này đã thổ lộ với tôi như thế trong lần gặp gỡ đầu tiên, "và đấy là những thứ không thể thiếu được cho sự thịnh vượng của một đất nước: đạo đức, pháp luật và thi ca". Những điều mà chủ nghĩa xã hội cho đến năm 1989 đã không làm thành công, thì dường như chủ nghĩa tư bản sơ khai đã làm được qua việc đẩy mạnh nền kinh tế thị trường kể từ năm 1992: Triệt tiêu những thứ mà Trung Quốc luôn luôn đòi hỏi cho chính mình, đấy chính là: những phong tục tập quán tốt và nghệ thuật thi ca cao siêu. Cả hai thứ này giờ cũng phải cần đến sự bảo vệ của luật lệ, giống như con người, và cũng như những khu phố cổ với những ngôi nhà thấp bé trên mặt đất. Nhưng liệu một bài thơ có thể được cứu vãn như những địa điểm cổ kính thoải mái và ấm cúng, một nét đặc trưng của thành phố Bắc Kinh, mà hôm nay người ta có thể tìm thấy trở lại trong khuôn viên xanh tốt của Đại học Bắc Kinh? Liệu có thể cứu thơ ca như cứu những con ngõ rợp bóng cây và những khoảng sân yên tĩnh nằm dọc hai bên đường trong ánh nắng cuối ngày?
Thế còn điều gì sẽ xảy ra với những căn nhà và thành phố không thể nâng cấp về mặt sư phạm hoặc chưa được khai thác về mặt du lịch? Câu hỏi này đã được ngành du lịch tư nhân đặt ra từ lâu. Những kỳ quan thắng cảnh trong nước thời gian qua đã bị quá tải bởi lượng du khách và chúng bị nắm chặt trong tay nhà nước. Vậy thì chính họ phải tự tạo ra những địa điểm thu hút du khách, và điều này được họ thực hiện bằng cách bỏ tiền "mua trọn" những địa điểm cổ, tháo dỡ đập bỏ nhiều vùng rộng lớn để xây lên những khách sạn sang trọng. Dù đất đai trước sau vẫn là sở hữu của nhà nước, nhưng kẻ nào hôm nay cầm trong tay tờ giấy được quyền sử dụng đất thì kẻ ấy được xem như là ông chủ mới của đất nước. Và người ta làm gì với những cư dân đang sống tại những địa điểm này? Có hai cách giải quyết. Người ta dựng lên gần đấy một địa điểm mới và tái định cư họ, hoặc người ta cho phép họ tiếp tục được ở trong những căn nhà cổ đã được phục chế, nhưng với tư cách là những người canh gác mướn. Trong cả hai trường hợp thì người du khách tò mò đều phải bỏ tiền mua vé vào cửa. Chỉ trong trường hợp thứ nhì thì những cựu cư dân bỗng "đột biến" để trở thành vật trưng bày trong bảo tàng viện. Tập đoàn
Pamir Investment Group đã tạo được một tài sản kếch xù bằng những phương thức như thế. Ngoài khu vực Môn Đầu Câu (Mentougou) gần Bắc Kinh và vùng Hoàng Sơn (Huang Shan) ở tỉnh An Huy (Anhui) họ đã tìm đến một phần lãnh thổ hiểm nghèo, đấy chính là vùng phía nam của tỉnh Tân Cương (Xinjiang, còn được gọi là một Turkestan-Trung Quốc), một vùng đồi núi sát biên giới, tên gọi ngắn gọn là Pamir.
Tại vùng đất hầu như không có người ở này người ta đã bắt đầu gầy dựng lên một ngành du lịch. Ta muốn nghĩ gì về chuyện này thì cứ nghĩ, nhưng cách chọn lựa mang màu sắc Hán tộc hiện nay đối với vài địa điểm còn sót lại là: phá bỏ khu phố cổ tồn tại từ hàng trăm năm nay và xây lên một kiểu kiến trúc Disneyland. Tôi sẽ không thể hỏi được những người dân sống ở đấy nghĩ gì về việc này, bởi vì họ không nói được tiếng Hoa, và nếu nói đuợc, thì còn tệ hơn cả một nhà Hán học phương Tây. Tôi buộc phải tin tưởng vào mắt mình. Và đôi mắt này sẽ nhận ra rằng tại khu nhà cổ treo lơ lửng trên sườn núi đá với lịch sử hai ngàn năm của nó (Cao Đài/Gaotai) ở Kashgar, đã phải bị dỡ bỏ vì lý do an toàn, ngày hôm nay không chỉ có sự an toàn, mà cả nước máy và công ăn việc làm nhờ có ngành du lịch. Cái giá mà nó phải trả cho những thứ ấy có lẽ cũng cao như cái giá phải trả của khu phố cổ còn nổi tiếng hơn của Kashgar. Tại đây cái tập đoàn nhắc đến ở trên cũng đã bỏ tiền đầu tư và đòi khách tham quan phải trả 30 Nhân dân tệ (3 Euro) cho mỗi chiếc vé vào cửa.
Thế nhưng những thi sĩ đến từ phương Đông và phương Tây thì dính dáng gì đến vùng Pamir xa xôi này? Có đấy! Tân Cương - vùng đất được xem là "biên cương mới" này bị tái sáp nhập khá muộn vào vương quốc Trung Hoa dưới triều đại cuối cùng, sau nhiều thế kỷ coi như là được độc lập - là nơi được chọn làm chốn lưu đày những kẻ bất đồng chính kiến trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1978. Sau lời kêu gọi đầy cám dỗ cũng như đã được suy tính ác hiểm của Mao Trạch Đông: "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nhà nước Trung Quốc đã dẹp tan những kẻ phê phán nó bằng cách cưỡng bách họ đi lao động và cải tạo tư tưởng tại đây, vào đêm hôm trước của "Bước đại nhảy vọt" (1958).
Trước khi các nhà thơ lên đường, họ đã hội họp hai ngày trong những căn phòng kín của khách sạn Tây Uyển (Xiyuan). Nhà thơ Âu Dương Giang Hà (Ouyang Jianghe, sinh năm 1956) phát biểu thẳng thừng về niềm khổ não mang tên Trung Quốc, tác giả Mỹ Eliot Weinberger than rằng những người cầm quyền Trung Quốc hôm nay lặp lại đúng những lỗi lầm mà phương Tây đã từng làm. Nhà phê bình văn học Tang Xiaodu (sinh năm 1954) nhắc nhở nên cẩn trọng, trong phòng này có gắn đầy mi-crô. Nhưng chẳng mấy ai lấy làm lo lắng về điều này. Từ lâu rồi, mọi người được phép nói bất kỳ điều gì mình muốn trong chốn riêng tư. Và những căn phòng kín là những chỗ riêng tư. Vấn đề là đừng để cho điều gì được lọt ra ngoài. Và chớ có thành lập "băng nhóm".
Đáng ngạc nhiên là người ta cũng chẳng sợ những vị phóng viên của hai tờ
Tân Kinh báo (Xinjingbao) và
Nam phương Tảo báo (Nanfang Zaobao), những kẻ tháp tùng chúng tôi trong chuyến đi mười ngày từ Bắc Kinh đến Kashgar và sẽ tường trình trên báo về mỗi bước đi của chúng tôi. Liệu họ có công bố những điều đáng ra phải được giữ kín? Có thể họ cũng là những nhà thơ và biết phân biệt những tin tức gây nguy hiểm với những tin vô hại? Ngoài ra họ không phải là người ngoại quốc,
sự thật là thứ chẳng đáng để phải có nạn nhân. Cấp trên của họ không chỉ mớm cho họ đề tài để viết, mà còn cả từ vựng. Vì thế họ biết trước những thứ gì họ viết sẽ được đăng tải và những điều gì thì không, sau chuyến du hành chung này.
Trên quê hương của người Uigur với tổng cộng mười ba sắc tộc thì bia rượu gần như là thứ cấm kỵ, bởi hầu hết đều theo Hồi giáo. Nhưng thi sĩ mà không có vài giọt rượu ngon thì còn ra cái gì? Có nhiều kẻ khẳng định rằng họ chỉ có thể làm thơ bên một chén rượu nữa đấy. Phần tôi đi chuyến này không phải là đã không được cảnh cáo trước. Vào đầu những năm 80, nhà thơ Bắc Đảo (Bei Dao, sinh năm 1949) đã chỉ huấn luyện cho tôi uống có mỗi thứ rượu bình dân tên là Nhị Oa Đầu (Erguotou). Hiện nay một chai rượu loại này giá vẫn còn rất rẻ, tính ra chỉ chừng 50 Cent, không như những sản phẩm nổi tiếng như Mao Đài (Maotai) hoặc Ngũ Lương Dịch (Wuliangye). Bất kể đấy là thứ 52, 56 hay 60 độ cồn, hậu quả sẽ là chứng nhức đầu khi thức dậy vào sáng hôm sau, để rồi sau đấy sẽ luôn có màn nghiêm chỉnh thề thốt rằng từ rày về sau sẽ không bao giờ để cho bất kỳ một nhà thơ Trung Quốc nào cám dỗ nữa.
Hiện giờ Bắc Đảo vẫn còn uống bằng những chén con cỡ 2 cl. Tôi thì đã có thay đổi. Bây giờ tôi thích dùng loại ly 0,2 l. Sao lại thế nhỉ? Tôi đã trở thành một con sâu rượu rồi ư? Quí vị nhầm rồi! Việc sử dụng ly rượu lớn này là khởi đầu của cả một nghệ thuật "thưởng thức đúng đắn" những chất "gây mê" ở dạng thể lỏng. Tôi đã buộc phải phát triển cái năng khiếu này trong thời gian tôi nhận chân giáo sư thỉnh giảng đầu tiên tại Tế Nam (Ji'nan), thủ phủ của tỉnh Sơn Đông (Shandong). Một ly rượu lớn có một điều lợi không thể nào lẫn lộn được: người bị thách đố "uống thi" có thể biết rõ lượng rượu mình đã uống. Còn với cái thứ chén con con, như ở thủ đô nước Áo người ta gọi là Stamperl, thì ngược lại không dễ kiểm soát, không dễ dàng đếm chúng để có thể tính ngược lại tổng lượng rượu mình đã uống. Qua đó, người sử dụng ly lớn có thể chủ động được trong việc phân chia tửu lượng của mình, còn người uống bằng chén con thì không. Ngoài ra còn hai yếu tố quan trọng trong cái biến thể Trung Hoa của những cuộc nhậu gọi là "uống đến mê man bất tỉnh": đấy là
nước hoặc
trà và - yếu tố cực kỳ quan trọng - là chất lượng của thứ rượu được rót vào chén. Sau mỗi một giọt rượu mạnh phải làm tiếp một giọt nước hoặc trà, đấy là lời khuyên nhủ được truyền đi từ vùng đất quê hương của Khổng Phu Tử, nơi trong thời gian qua những thức uống 70 độ cồn đã trở thành mốt thời thượng và nếu người ta biết thưởng thức đúng bài bản thì vẫn có cơ may sống sót.
Tôi là một thí dụ cực kỳ sinh động cho điều vừa nói. Hằng năm, trong khuôn khổ chương trình giáo sư thỉnh giảng của tôi tại thành phố Thanh Đảo (Tsingtau), tôi vẫn là khách mời của nhà máy rượu Langyatai ở đấy, thế nhưng tôi chưa bao giờ lâm vào cảnh phải lăn quay ra dưới chân bàn và sáng hôm sau thì tôi luôn thức dậy với một đầu óc sảng khoái. Nói cho ngay thì tôi đã luôn uống một lượng trà gấp nhiều lần lượng rượu! Thực ra, chỉ có một điều ta không thể lường trước được là: loại rượu nào đã được rót. Liệu nó có để cho ta soi xét trước ngụm đầu tiên? Đối với dân sành sỏi thì màu sắc và mùi vị là những tín hiệu cực kỳ quan trọng của
sống và
chết. Điều này đòi hỏi sự tập luyện kiên trì của mắt và mũi trong nhiều năm. Thế nhưng thời gian đã đầu tư sẽ chẳng phí hoài, nếu như một lúc nào đó ta bỗng lâm vào cảnh bối rối là được một nhóm người cùng đi du lịch đề cử đại diện họ trong một cuộc "uống thi" khốn khổ với người Mông Cổ hoặc Kirghiz.
"Trời cao cao vút", đã có một thời người ta nói như thế. Điều này vẫn còn đúng cho toàn Trung Quốc cho đến những năm 70. Sau đó thì bầu trời đã bắt đầu sà thấp xuống trên nhiều dải đất. Những thành phố lớn hầu như không còn biết đến quang cảnh của một bầu khí trong xanh và một làn hơi thở không nhiễm khí độc. Làm giàu là điều tốt, bây giờ người ta bảo thế tại những vùng đất phía Đông và phía Nam. Và bằng bất cứ giá nào. Thay vì hoan hỉ chấp nhận mỗi tuần một lần bầu trời màu xám tự nhiên, sinh ra bởi (bão) cát hay những đám mây, thì hiện nay người dân thành phố lớn phải cam chịu hầu như mỗi ngày một bầu trời xám xịt gây ra bởi những ống khói nhà máy và những lò sưởi.
Kashgar nằm ở cực tây nam của Tân Cương không phải là một thành phố giàu có và có lẽ nó cũng không bao giờ tự nguyện muốn trở thành giàu có. So sánh với những thành phố như Bắc Kinh, Thanh Đảo hay Thượng Hải thì đấy là một thành phố lạc hậu, và dạng vẻ của nó khiến ta hồi tưởng đến bộ mặt bên ngoài của Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá. Những con đường to lớn buồn nản, những khu nhà bê tông hình hộp xấu xí, những điểm tham quan hư hao xuống cấp. Chẳng có một dấu vết gì của phương Đông hay lãng mạn. Thí dụ điển hình là cái viện bảo tàng bị bỏ bê thiếu chăm sóc của Kashgar. Đằng sau những cửa sổ bị vỡ và những cánh cửa hư hỏng, hầu như nó chẳng có gì cống hiến ngoài cái giả thuyết được chứng minh bằng những hiện vật trưng bày, rằng Tân Cương đã thuộc về Trung Quốc từ thời tiền Hán, nghĩa là từ thế kỷ thứ nhất trước Thiên Chúa giáng sinh.
Nhưng thôi! Chẳng lẽ ở đây ta chỉ được phép thấy sự lạc hậu hiển hiện đập vào mắt thôi hay sao? Người ta còn có thể thưởng lãm thứ ánh sáng trinh nguyên và một bầu khí trong lành tại chốn này nữa cơ mà! Hai thứ này chẳng đã không sống sót như giải lụa từ đời Đường (618-907), được khai quật lên từ đất cát sau hơn một ngàn năm và hôm nay ánh lên sắc xanh yếu ớt trong cái viện bảo tàng u ám đấy hay sao? Và còn cả những vườn cây ăn quả nằm trong những trang viên tư nhân rộng lớn ở ven thành phố nữa đấy, nghe đâu là có rất nhiều ở nơi này?
Buổi tối đầu tiên chúng tôi được vị giám đốc chi nhánh địa phương của Tập đoàn Zhongkun, một người Uigur, mời ăn. Trong gian phòng tiếp tân cao rộng, những chiếc bàn nằm sát mặt đất đã được bày biện sẵn. Chúng tôi cởi giày và ngồi xuống sàn để thưởng thức dưa hấu, bánh mì và sữa chua. Trước khi món thịt cừu được dọn ra - kiêng với lại chả cấm - người ta rót rượu táo cho mọi người. Tuy nhiên, như nhiều người khác, tôi thấy thích món rượu mạnh vùng Yili được đem ra sau đó hơn, nó chỉ 52 độ và tỏ ra là uống được. Tối hôm nay người ta chưa chờ đợi có những nạn nhân thực thụ. Chúng tôi dốc cạn những bát rượu lớn tuỳ theo sức mỗi người, chứ không bị buộc phải bước vào một cuộc thi nào với chủ nhà.
Dù thế, tối hôm ấy đã bắt đầu dần sắc nét là bộ "tam đầu chế" nào vài ngày sau sẽ phải trải qua một cuộc "rượu lễ" với những người Kirghiz, đấy là: nhà thơ người Iran Ehmran Salahi (1947-2006), người đã sống với chúng tôi những ngày hạnh phúc cuối cùng của đời ông, thi sĩ Tô Cách Lan William Neil Herbert (sinh năm 1961), người chưa biết những hậu quả dữ dội của rượu mạnh vùng Uigur, và nhà thơ người Đức với cái tên tiếng Hoa là Gu Bin (Kubin, sinh năm 1945), vị này dù có vẻ đã được chuẩn bị tuyệt hảo về lý thuyết cũng như thực hành, nhưng cho đến lúc ấy chưa từng bị buộc phải làm quen với một sản phẩm giả mạo ở thể lỏng. Và thí sinh dự bị Dương Luyện, ông tướng này - như mãi sau này chúng tôi mới nhận ra - rất sành sỏi nghệ thuật chọc ngón tay vào trong cổ họng. Sau bữa ăn chiều, cả ba (cũng như bốn) người chúng tôi, lòng đầy niềm tin chiến thắng, hiên ngang bước vào một trong những ngôi nhà vườn trồng đầy nho, và mãi cho đến lúc bóng đêm ập xuống thì đội quân thi sĩ cuối cùng này mới bắt đầu rút lui để đi về hướng đại quảng trường. Ở đấy đêm nay sẽ có ca hát dân gian, có cả tượng Mao đứng phía sau làm phông nền. Chủ yếu chỉ thấy các bậc phụ lão hăng say múa hát.
Sự chậm chạp cũng có mặt hay của nó. Chúng tôi là những người khách duy nhất trong khách sạn "Kashgar". Dẫu đấy là lúc chúng tôi đến hay lúc chúng tôi đi, lúc chúng tôi đang ăn uống hoặc không ăn uống, ở đâu cũng thấy bóng dáng những cô gái trẻ Uigur trong những bộ y phục dân tộc, họ đứng trong hành lang và ở các căn phòng. Chúng tôi là những kẻ khiêm tốn và hiếm khi cần đến sự chăm sóc của họ. Và cứ thế họ đứng suốt ngày bên mỗi chiếc cửa - tuồng như sắp biến thành một bức tranh bất động - trong tinh thần hoan hỉ chờ đợi. Các cô không đeo mạng che mặt. Và cả các cô diễn viên múa cũng thế, những người đã chờ chúng tôi vào một buổi sáng tại vườn trái cây nằm bên mộ của "nàng cung phi thơm mùi ô-liu", một ái phi của vua Càn Long (Qianlong, 1736-1796), để múa hát cho chúng tôi xem. Các nữ vũ công trang phục hở rốn, tỏ vẻ vui nhộn và đùa giỡn mời chúng tôi nhảy múa theo những động tác đầy vẻ gợi tình của họ.
Chúng tôi chỉ có thể làm theo một cách vụng về. Bởi do chúng tôi đã quá già? Do quá ngượng nghịu thiếu tự nhiên, hay vì quá lóng ngóng? Có thể tất cả đều đúng. Đối với vài người của chúng tôi dĩ nhiên việc biến vào trong các ngõ ngách um tùm cây lá để thưởng thức những trái vả và những trái táo rõ ràng là ít "nguy hiểm" hơn. Nhưng thay vì cứ mãi lẩn trốn, các nhà thơ rồi sẽ phải mau chóng nghĩ lại xem phải chăng những câu thơ họ viết ra trong chuyến đi này cũng được phép hướng về những nữ diễn viên múa xinh đẹp, những con người rồi sẽ còn vui vẻ chờ đợi chúng tôi tại nhiều địa điểm khác. Chẳng phải ở đây rõ ràng còn ngự trị sự trong trắng vô tội như cách đây hơn ba mươi năm trên toàn quốc, cái thuở đàn ông và đàn bà hoàn toàn chẳng biết rõ cái gì đã làm họ thành đàn ông và đàn bà đấy hay sao?
Nhưng ngay cả tại Kashgar, những dấu hiệu của một thời đại mới cũng từ từ xuất hiện. Ngôi giáo đường Hồi giáo xây từ năm 1442 đã từng là kiến trúc cao nhất thành phố. Có thể hiện giờ nó vẫn còn cao nhất, nhưng trong vòng muời năm qua, người ta đã xây lên nhiều cửa hàng buôn bán to lớn trên cái quảng trường rộng rãi xung quanh đó, khiến cho ngọn tháp của giáo đường chừng như bị bé lại. Tuy thế, nhiều nghề thủ công vẫn còn lên tiếng cho một thời đại xa xăm: ta vẫn còn thấy những thợ đan giỏ, thợ mài dao kéo, thợ giồng răng, thợ làm đồ đồng mở cửa hàng quanh đấy, như thể thời đại Trung cổ chẳng bao giờ nên chấm dứt.
Vì sau bữa ăn trưa là chương trình thăm viếng ngôi nhà thờ Hồi giáo, nên trưa hôm ấy người ta không cho chúng tôi thưởng thức một loại rượu địa phương đã được hứa hẹn từ lâu. Người ta không được phép bước vào chốn trang nghiêm với một cái miệng còn hơi men, với một "tửu kỳ" (jiuqi). Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh điều này và đã được đền bù xứng đáng. Những ngôi vườn bên trong khu giáo đường làm giảm hẳn hơi nóng, và mắt ta có thể thích thú dõi theo những trụ đá có dáng dấp Hy Lạp chạy tít vào bề sâu của cơ ngơi ngôi đền thờ này. Thế nhưng đến buổi tối, khi trong cái nhà hàng đầu tiên tìm thấy tại chỗ ngay cả bia cũng không có thì đối với vài nhà thơ, buổi hội nghị dự kiến sẽ diễn ra sau đấy dường như còn có vẻ hấp dẫn hơn là những món ăn ngon lành đã được dọn ra. Tối hôm ấy, nhà thơ-giám đốc Luo Ying sẽ nhấn vào tay chúng tôi ở những căn phòng kín đáo của khách sạn một chai rượu mạnh và một ít bia, với lời yêu cầu đừng có mà làm vãi lên thảm. Mùi rượu sẽ còn bám lại và khiến anh ta - với cương vị trưởng đoàn - sẽ phải lâm vào cảnh xấu hổ. Gì chứ yêu cầu này thì chúng tôi vui vẻ thoả ứng, chẳng là mỗi giọt rượu bây giờ với cái đám đang thèm khát này là một giọt rượu quí.
Du hành qua Tân Cương cũng có nghĩa là phải đi hàng giờ trong những xe mini buýt. Dọc đường hiếm khi ta thấy bóng người hoặc làng mạc. Nhu cầu tiểu/đại tiện của hành khách được thoả mãn bằng phương thức xưa cũ. Đàn bà thì đi về phía bên trái, đàn ông thì đi về phía phải của xe buýt, cứ việc nhắm hướng vài bụi rậm ít ỏi mà tìm đến. Đồ ăn thức uống thì đã có người lo dọc đường: nơi này nơi kia, gần những khu có cây xanh và nhiều nước, đã có những chiếc lều của dân du mục rộng rãi sẵn sàng cho chúng tôi một chỗ nghỉ ngơi thoải mái. Và ở đấy bao giờ cũng có những vũ nữ xinh đẹp - như vừa bước ra từ một thiên sử thi - đang chờ đón các nhà thơ đến, để có thể cùng nhảy múa và ca hát với họ. Thế nhưng cặp mẳt tôi thường ít hướng đến các cô, mà bị thu hút nhiều hơn bởi những dải núi hùng vĩ ở tận chân trời. Tôi cứ luôn hỏi đi hỏi lại vị hướng dẫn du lịch người Uigur của chúng tôi rằng đâu là dải Bạch Sa Sơn (Baisha Shan), Côn Luân (Kunlun), đâu là Karakorum và Pamir. Tôi liên tục nhận được những câu trả lời khác cho những dải núi được chỉ trỏ cũng hoán đổi liên tục, những dải núi phản chiếu trên mặt hồ nước rực sáng hay trên những bãi sa mạc xám. Rốt cuộc tôi cũng đành phải chấp nhận trì hoãn những thắc mắc của mình khi anh ta lưu ý tôi về cái màu đỏ chói của những ngọn núi và chất dung nham đen trên những khối băng đá. Mãi sau này lúc trở về nhà tôi mới có được những câu trả lời cho những thắc mắc của mình, với sự trợ giúp của một tấm bản đồ, nhưng đồng thời nó cũng làm tôi thêm bối rối. Khi một dải núi không người ở dài 1200 cây số và cao hơn 7000 mét, thì có ý nghĩa không khi ta hỏi tên của nó?
Tân Cương không chỉ đã từng là chốn lưu đầy, mà còn là nơi đưa tiễn. Đã có một thời tại chốn xa xôi này, nơi con đường tơ lụa chấm dứt, binh lính và quan chức đã được bạn bè tiễn biệt bằng một chén rượu ngon. Sách vở còn lưu truyền về cảnh ca múa của những nàng thiếu nữ buồn bã. Người Kirghiz vẫn còn giữ tục lệ chào đón khách tại cổng vào thành phố bằng rượu mạnh và bánh nướng. Người ta gọi đấy là "Hạ mã tửu" (Xiamajiu), nghi thức mời rượu khi (khách) vừa xuống ngựa. Ba nạn nhân được định trước của đoàn du hành chúng tôi cho nghi lễ này đã được chuẩn bị tốt vào buổi sáng sớm hôm ấy. Rượu 52 độ được rót vào những chén con và được xem như là một chuẩn bị đầy thi tính cho buổi đọc thơ từ bộ sử thi Kirghiz "Manas" sẽ diễn ra sau đấy tại thành phố nhỏ Ô Kháp (Wuqia). Đấy là câu chuyện kể về một bộ tộc đã thành công trong việc chống trả giặc ngoại xâm vào thế kỷ thứ chín. Thiên sử thi này dài 200.000 câu, lưu truyền từ thế kỷ thứ mười và đã được phục hồi lại từ nhiều đoạn ngắn trong thế kỷ hai mươi, nhiều trích đoạn của nó đã được đọc thuộc lòng trong tiếng đàn đệm. Không có nhà thơ nào trong đoàn chúng tôi có khả năng đọc thuộc được lấy một bài thơ từ những sáng tác của chính mình!
Kẻ nào "bước xuống ngựa" tại nhà người Kirghiz thì cũng phải để cho người Kirghiz mời ăn uống. Điều này mang ý nghĩa nào thi chúng tôi biết rõ. Trong buổi ăn, chúng tôi, ngồi bệt trên sàn nhà, được chia thành từng nhóm mười người và luân phiên dốc cạn những bát rượu to với các vị chủ nhà. Người ta nhận chiếc khay trên đấy là một bát rượu đã được rót vào hai lạng (liang), uống cạn bát và đặt trả lại khay. Tôi là người duy nhất uống từng ngụm nhỏ. Ở vòng thứ nhì thì bắt đầu có vài kẻ bỏ cuộc và xin rút lui. Kẻ nào bây giờ chưa hề hấn gì thì rồi thể nào cũng sẽ được hề hấn. Nhưng chúng tôi không biết lúc nào điều này mới xảy ra, bởi vì chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện là ai xuống ngựa thì rồi cũng sẽ phải lên ngựa trở lại. Sau vòng rượu thứ ba, chúng tôi - vẫn còn tương đối tỉnh chứ chưa say - kéo nhau ra đại quảng trường xem ca múa dưới ánh mặt trời gay gắt và sau đó thì đi xem trò "Polo với cừu chết" ở ven ô, dưới một bầu trời phủ đầy mây. Thoạt tiên chúng tôi ngồi trên ghế và ngán ngẩm nhìn những công trình kiến trúc kiểu xô-viết, sau đấy thì được ngồi trên yên ngựa để thưởng lãm cái trò cuồng loạn của những người cỡi ngựa, họ được chia làm hai đội, và thay vì tìm cách đánh một trái banh từ khung thành này về phía khung thành kia thì đấy lại là một con cừu non đã chết, nó bay vù trong không khí từ "cừu thủ" này sang "cừu thủ" khác.
Người Kirghiz không nói tiếng Hoa, họ nói thứ ngôn ngữ của lòng hiếu khách. Ở cửa ngõ ra khỏi thành phố chúng tôi lại phải xuống xe. Lại được mời rượu, và lại cũng bằng thứ bát lớn! Lần này người ta gọi là "Thượng mã tửu" (Shangmajiu), uống rượu khi lên ngựa. Chúng tôi hoàn toàn không được chuẩn bị cho điều này, nhưng cũng đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Và chúng tôi lại càng không dự đoán được rằng sau đó người ta lại còn cho bưng lên xe buýt thêm một khay đầy. Anh chàng Tô Cách Lan đã uống từ trưa đến giờ được bốn bát, tôi thì cũng chẳng ít hơn. Chỉ có ông bạn Iran của chúng tôi bảo rằng có thể chịu được đến bảy bát. Trong lúc mọi người bắt đầu hò hát trên chuyến xe trở về, tôi để mình chìm đắm vào màu sắc tuyệt vời và không ngừng biến đổi của những ngọn núi. Đấy là một màn diễn ngắn ngủi và cực kỳ ấn tượng của thiên nhiên, kéo dài có lẽ không đến ba mươi phút. Cảnh tượng không thể tái hồi ấy có thể biện hộ cho bất kỳ mọi sự "hy sinh" nào. Mà có thật thế không? Nhà thơ Dương Luyện, đúng ra chỉ được chọn làm nạn nhân trù bị, ngay sau bữa ăn trưa đã tự làm nôn ra bằng cách chọc ngón tay vào cổ họng. Luo Ying thì nôn thốc nôn tháo trong lúc xe chạy. Và bộ ba cuối cùng chúng tôi? Anh chàng Tô Cách Lan thì vội vàng đi ngủ ngay sau khi xe buýt đỗ tại khách sạn Khắc Châu (Kezhou), nhà thơ Iran thì phải để cho ba đồng nghiệp khênh từ xe buýt lên đến tận giường. Trông ông có vẻ hạnh phúc, hạnh phúc đến độ ông không còn khả năng động đậy chân tay của mình nữa.
Buổi sáng ngày hôm sau bắt đầu một cách tốt đẹp bằng buổi điểm tâm với "Quân đội Giải phóng Nhân dân", để bù lại cái kết thúc thảm hại của đêm hôm trước. Chúng tôi được chiêu đãi như những ông hoàng tại một chiếc bàn tròn lớn, như thể giữa nhà thơ và người lính chẳng hề có một khác biệt nào. Và đây sẽ không phải là lần duy nhất chúng tôi được quân đội mời ăn. Đêm cuối cùng thậm chí chúng tôi còn được mời vào trong căn cứ quân sự của Kashgar, nơi đúng ra người ngoại quốc không được phép vào. Nhà thơ Luo Ying, người đang cho xây cất nhiều khách sạn năm sao ở miền nam Tân Cương, gọi những binh lính đóng tại đấy là những người bạn thân của ông, đó cũng là những người lính thuộc hàng tinh nhuệ nhất. Bình thường người ta không thấy sự hiện diện của lực lượng quân đội trên bề mặt của thành phố, tương tự như sự hiện hữu của thi nhân hầu như chẳng được nhận ra trong thế giới này, thế nhưng trong buổi tiếp tân hôm ấy lực lượng này đã cố hết sức để chứng tỏ sự hiện hữu của mình: chính những người Trung Quốc Hán tộc đã nấu nướng và phục vụ chúng tôi. Có một món đặc sản dọn ra được nấu bằng nấm dại và nhiều loại rau mọc hoang. Chất hoang dại của chúng xem chừng hợp với những nhà thơ.
Chuyến du hành nào cũng là một kỷ niệm, và bởi hoài niệm nào cũng là một nỗi u hoài, nên chuyến đi nào cũng kết thúc bằng một nỗi buồn. Trên đường về Bắc Kinh, chúng tôi làm một chặng nghỉ giữa chừng tại Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi). Những con đường ở đây vẫn còn rợp bóng cây như xưa kia ở thủ đô của đất nước. Tờ China Daily bày bán là số ra từ tuần trước. Tại ngân hàng người ta không thể rút tiền ra từ máy tự động như có thể dễ dàng làm ở Thượng Hải hay Thanh Đảo. Với tất cả sự lạc hậu này thì lẽ ra đây là chốn lý tưởng cho các nhà thơ. Thế nhưng chẳng ai buồn đến nghe buổi đọc thơ của chúng tôi tại trường Đại học lớn nhất tỉnh. Chúng tôi đành tặng cho nhau và cho những người đồng hội đồng thuyền một lần cuối âm giọng của mình. Sau đấy, Luo Ying đã cho dọn ra tại khách sạn một loại rượu vang đỏ sản xuất tại địa phương và những thức nhắm quen thuộc của xứ này. Mỗi người chúng tôi - bất kể là thi sĩ, dịch giả hay người đọc thơ - đều được tiễn biệt với một bó hoa. Có cả đài truyền hình địa phương đến quay phim chúng tôi, làm như thể chúng tôi vẫn còn điều gì đó để thông báo với thế giới.
Tôi sẽ mang theo thứ gì? Một bông hoa lys trắng của Ô Lỗ Mộc Tề sẽ theo tôi về Bắc Kinh. Trong buổi lễ chia tay, nhằm vào tối thứ sáu cuối cùng của tháng chín, nhà thơ-giám đốc Luo Ying một lần nữa lại cho dọn vang đỏ. "Chỉ để sử dụng nội bộ" là hàng chữ viết trên thùng rượu. Đấy là một sản phẩm liên doanh Pháp-Trung Hoa, mỗi chai trị giá 200 Dollar Mỹ. Quả là một buổi chia tay xứng đáng cho Emran Salahi, kẻ đã thực hiện được giấc mộng Trung Hoa theo kiểu của mình. Ông ôm choàng lấy tôi. Ông thú thật với tôi bằng một thứ "broken English" rằng ông không hiểu tiếng Hoa cũng như tiếng Đức, thế nhưng ông hiểu được âm giọng của tôi. Và ngược lại, tôi cũng chẳng hiểu thứ tiếng mẹ đẻ của ông, nhưng tôi hiểu được bản dịch Anh ngữ những bài thơ của ông và giọng đọc thơ lên bổng xuống trầm của ông. Bài thơ nói về những chiếc máy bay bằng giấy và 1001 tấm gương. Giọng đọc trầm bổng của ông hẳn cũng đã khiến cho những người Kirghiz thích thú. Nhân dịp lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập thành phố A Đồ Thập (Atushi), ông được phép đại diện cho những nhà thơ của thế giới đọc thơ ca tụng sự kiện trọng thể này trên một quảng trường lớn, dưới vòm trời khoáng đạt của Pamir. Sau đó là một trận mưa dây kim tuyến từ bầu trời. Phải chăng người Kirghiz không chỉ sành sỏi về rượu, mà còn hiểu rành cả những nhà thơ? Có thể như thế. Nhưng thôi, chúng ta chắng muốn cường điệu ở đây.
Emran Salahi trở về quê hương và sẽ kể cho bạn bè của ông ở Teheran về giấc mơ ông ấp ủ bấy lâu nay rốt cuộc đã được thoả nguyện. Hẳn là ông còn tiếp tục thưởng thức vài giọt rượu ngon nữa. Và dĩ nhiên là ngược lại với lời khuyên mà nữ dịch giả người Trung Quốc của ông đã nhắn nhủ. Nhưng trái tim ông không kham nổi quá nhiều hạnh phúc như thế. Chỉ một thời gian ngắn sau khi về nhà, trái tim ông ngừng đập. Đồng chinh đưa tiễn
[1] của chúng tôi: một câu thơ, một niềm câm lặng, một lòng biết ơn.
Wolfgang Kubin sinh năm 1945, người Đức, là giáo sư Hán học, dịch giả và nhà văn, hiện giảng dạy tại Đại học Bonn. Ông là tác giả nhiều cuốn sách viết về văn hoá và văn học Trung Hoa, là người chủ biên và đồng tác giả bộ sách tiếng Đức đồ sộ (dự kiến tổng cộng 10 tập):
Lịch sử Văn học Trung Hoa (Geschichte der chinesischen Literatur), Kubin cũng đã dịch sang tiếng Đức một số tác giả hiện đại và đương đại Trung Quốc như nhà văn Lỗ Tấn, các nhà thơ (lưu vong) Bắc Đảo, Cố Thành (mất 1993), Dương Luyện.
Những phát biểu của ông về Văn học đương đại Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn của đài
Deutsche Welle (Đức) hồi cuối năm 2006 đã làm nổ ra một cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng trên các diễn đàn mạng và các phương tiện truyền thông Trung Quốc, sự kiện này cũng đã được phản ảnh trên báo chí Việt Nam thời gian qua
[2] .
Ngày 16.10.2007, ông được trao giải
"Pamir International Poetry Price" cho những "thành quả của ông trong cương vị học giả, dịch giả và người truyền đạt văn hoá", hiện nay giải này là giải thưởng văn học có số tiền thưởng cao nhất trong khu vực Hoa ngữ, và đây là lần đầu tiên giải được phát, dưới sự bảo trợ của
Pamir Investment Group, tập đoàn mà Kubin đã nhắc đến trong bài viết với những dòng mở đầu đầy bi quan của ông. (ND)
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
[1]Nguyên văn: "Obolus". Theo tập tục Hy Lạp thời cổ đại, đây là đồng xu mà người ta bỏ vào dưới lưỡi của người chết trước khi chôn cất, dùng để trả cho người lái thuyền chở người chết qua sông trước khi đi vào cõi Chết.
[2]Xem:
http://www.vnmedia.vn/NewsDetail.asp?Catid=58&NewsId=91695http://www.vtc.vn/vhgt/vanhoc/159892/index.htm