trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
26.9.2007
Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Ngày 5 tháng 7 năm 1992

II. Sự hiểu lầm của việc không hề nghĩ tới: cuộc nói chuyện với Gorbachev

Tôi nói: An Chí Văn [1] nhờ tôi chuyển lời nói với ông, sau khi kết thúc lập án thẩm tra vấn đề của ông, hy vọng khi gặp các đồng chí già, [ông] không nói tới vấn đề “4-6”, để tránh dẫn tới phiền phức, bởi vì quan điểm của ông mọi người đều rõ, nhân dân cũng đều rõ. Tôi cũng truyền đạt tin đồn mà An nghe được, nói ông là Trương Học Lương thứ hai [2] . An nói, thể chế của Trung Quốc đại lục không giống Đài Loan, Trương Học Lương có thể cùng các bạn cũ qua lại như thường, ở đại lục thì không được, người nào qua lại như vậy người đó sẽ bị coi là không đứng về phía với người đang cầm quyền. An nói thêm, hiện nay Vạn Lý, Dương Thượng Côn cũng không làm việc gì cả.

Triệu Tử Dương nói: cách nhìn của đồng chí An Chí Văn có đạo lý, đó là đối với vấn đề của tôi dù kết thúc thẩm tra thì bất kể giao chức vụ vinh dự nào, tôi cũng không làm. Chức vụ quan trọng thì bọn họ không giao; hơn nữa, cũng không thay đổi kết luận về tôi. Nếu đã như vậy thì hà tất? Nếu như lúc đó không biểu thị thái độ về vấn đề “4-6” thì tiếp đó, [tôi] cũng có thể bảo lưu được chức vụ đã có.

Triệu lại nói: tôi không hối hận gì về việc biểu thị thái độ đối với “4-6”; những người thế hệ sau, khi đứng trước những đúng sai lớn như “4-6” trên lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói chung sẽ có người đứng ra chứ không mơ mơ hồ hồ nghe theo. Tôi không thèm để ý đến việc cách hết mọi chức vụ của tôi.

Nhưng ông nói tiếp, với tâm tư nặng nề: điều tôi rất không dự tính tới là, trên vấn đề của “Đặng”, những lời tôi nói với Gorbachev vốn hoàn toàn xuất phát từ ý nghĩ tốt, hoàn toàn là để bảo vệ ông ta, một lòng một dạ nhằm cứu vãn hình tượng của ông ta, nhưng kết quả là bị nghi ngờ, tạo ra hiểu nhầm. Tình hình đó sau này khó vãn hồi, xoay chuyển, làm tôi rất đau lòng, nuối tiếc.

Triệu Tử Dương lại nói: sở dĩ tôi thông báo cho Gorbachev, nói Thường vụ Trung ương chúng tôi có quyết định, khi gặp vấn đề trọng đại, vẫn cần đồng chí Đặng Tiểu Bình cầm lái. Đó là vì bọn họ đã lôi Đặng Tiểu Bình ra, quần chúng trên quảng trường Thiên An Môn đã trực tiếp chĩa mũi nhọn vào Đặng Tiểu Bình rồi.

Buổi tối ngày thứ hai sau khi tôi đi Triều Tiên, [Bí thư] Lý Tích Minh, Trần Hy Đồng ở thành ủy Bắc Kinh đề xuất phải báo cáo với Thường vụ Trung ương. Dưới sự chủ trì của Lý Bằng, Thường vụ họp nghe báo cáo. Lý, Trần nói tình hình rất nghiêm trọng. Đúng như mọi người nói, bọn họ đã cố ý báo sai tình hình quân đội.

Triệu Tử Dương nói: trước khi tôi đi Triều Tiên, thành ủy Bắc Kinh nói với tôi, họ cho rằng trên thực tế, phong trào học sinh đang lắng xuống. Tất nhiên không phải là không có một số tình hình mà sau này bọn họ nói trong hội nghị Thường vụ, thế nhưng bọn họ đã nói thành rất nghiêm trọng. Căn cứ vào đó, Lý Bằng tổng kết: “phong trào học sinh lần này là hành động chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội có lãnh đạo, có tổ chức, có cương lĩnh”.

Bọn họ tới chỗ Đặng báo cáo. Vừa nghe Lý Bằng nói, Đặng cảm thấy vấn đề nghiêm trọng, nên đã phát biểu “bài nói ngày 25-4”, định tính cho phong trào học sinh là “động loạn chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội”. Thế là Lý Bằng lập tức thông tri cho các đơn vị truyền đạt, thành phố Bắc Kinh họp hội nghị mấy ngàn người truyền đạt, tiếp đó lại phát biểu “xã luận ngày 26-4” do đó mà dẫn tới cuộc tuần hành lớn của mười mấy vạn người ngày 27 tháng 4 nhằm thẳng vào xã luận, nhằm thẳng vào Đặng, như thế là làm cho sự tình loạn to lên. Lý Bằng và một số người khác cũng cho rằng “xã luận ngày 26-4” làm [tình hình] xấu đi. Còn Đặng Tiểu Bình đúng là cũng rất không phấn khởi trước việc Lý Bằng cho thông báo “bài nói ngày 25-4”.

Triệu Tử Dương nói: trong tình hình đó để giải thoát Đặng Tiểu Bình, để xoay chuyển cách nhìn của mọi người đối với ông ta và bảo vệ uy tín của ông ta, tôi mới nói ra quyết định của Ủy ban Thường vụ Trung ương.

Triệu giải thích: trong cuộc nói chuyện với Gorbachev, không phải [đã nói] “mọi lời đều do Đặng Tiểu Bình quyết định”, tôi còn nói “nói chung, đồng chí Đặng Tiểu Bình hết sức ủng hộ công tác của chúng tôi, ủng hộ những quyết sách do tập thể chúng tôi đưa ra”. Theo lý mà nói, những nội dung này, không thể gây cho người ta ấn tượng là tất cả mọi việc đều do Đặng Tiểu Bình quyết định.

Tôi cho rằng dụng ý đó của Triệu Tử Dương là tốt, đúng là để bảo vệ Đặng Tiểu Bình, đó là điều không thể nghi ngờ. Dụng ý của Triệu Tử Dương đối với Đặng Tiểu Bình là gian khổ, có thể nói là lòng trung son sắt, thế nhưng hiệu quả lại hoàn toàn ngược lại. Theo tôi thấy, đại khái Triệu không ý thức được là sự phát sinh của phong trào học sinh Thiên An Môn, ngoài việc chống hủ bại, chống những tác phong không chính đáng trên xã hội ra, trên thực tế còn phản đối “chính trị người già”, biểu thị sự bất mãn và đồng tình với việc Hồ Diệu Bang mất chức và ốm chết; còn bài nói chuyện của ông với Gor[bachov] lại gây cho người ta cảm giác là Đặng Tiểu Bình đang “buông rèm nghe việc triều đình”. Đến nỗi xuất hiện những khẩu hiệu kích tiến “đả đảo Đặng Tiểu Bình”, “đả đảo kẻ độc tài mới” v.v.., Đặng khó có thể chịu đựng được điều này. Vốn là Đặng Tiểu Bình, như ông ta tự nói: “là một người chỉ tay năm ngón”, “không chuyên quyền”.

Triệu Tử Dương nói với tôi: “ông ta muốn làm chủ nhưng lại không hỏi việc cụ thể; không phải là vấn đề trọng đại, ông ta không nói, nhưng vào giờ phút then chốt, những lời ông ta nói đều phải nghe”. Đặng cũng là người làm quyền uy chính trị, ông ta đã từng rêu rao Trung Quốc chỉ có thể có một mẹ chồng, ý muốn chỉ, ông ta nói là xong. Nhưng ông ta lại rêu rao xưa nay mình “không chuyên quyền”, bày tỏ mình là minh bạch. Vì vậy Đặng rất kiêng kỵ người khác nói ông ta “buông rèm nghe việc triều đình”. Còn câu chuyện giữa Triệu Tử Dương và Gor, đối với Đặng Tiểu Bình mà nói, thì xem ra đã đâm thẳng vào tim ông ta, điều này đã làm cho quan hệ giữa Đặng và Triệu đi đến tan vỡ.

Triệu lại nói: “Đặng vô cùng chú trọng đến hình tượng của mình. Khi đứng trên Thiên An Môn thấy quần chúng giương biểu ngữ “kính chào Tiểu Bình” ông ta vô cùng phấn khởi.


III. Đàn áp “4-6” không phải là bất đắc dĩ

Triệu Tử Dương nói: vấn đề “4-6” không phải là không thể dùng đối thoại làm cho lắng dịu đi. Lúc đó có ba cơ hội có thể dùng đối thoại giải quyết:

Một là sau khi đưa linh cữu Hồ Diệu Bang đến Bát Bảo Sơn, dùng đối thoại thuyết phục, không nên làm mâu thuẫn gay gắt hóa. Tập thể học sinh truy điệu Hồ Diệu Bang, tôi chủ trương không nên can thiệp vào hoạt động truy điệu của học sinh, bởi vì yêu cầu truy điệu của học sinh không thể nói là không tốt; bọn họ truy điệu ở bên ngoài, chúng ta truy điệu ở bên trong Đại Lễ đường Nhân dân, làm lễ truy điệu. Sau khi làm xong lễ truy điệu, linh cữu Diệu Bang đã thuận lợi đưa đến Bát Bảo Sơn, có thể nói học sinh không còn lý do để lại gây chuyện. Qua sự động viên thuyết phục nhiều mặt trở về học lại, sự việc có thể lắng dịu đi. Trên thực tế là trước khi tôi đi Triều Tiên, sự việc đã phát triển theo hướng dịu đi, tức là thay đổi theo hướng lắng dịu.

Lúc đó, tôi xen vào: mọi người trách ông, lúc đó không nên đi thăm Triều Tiên.

Triệu nói ngay: nếu như thay đổi thời gian đi thăm, dư luận quốc tế sẽ cho là tình hình trong nước nghiêm trọng, cục diện chính trị không ổn định; hơn nữa tình hình trong nước lúc đó đã dịu đi rồi, tôi cảm thấy không thể có vấn đề lớn, có thể đi, nên mới yên tâm đi Triều Tiên. Về vấn đề phong trào học sinh lúc đó, trước khi tôi đi thăm Triều Tiên vẫn chưa có tranh luận rõ rệt, phương châm nêu ra lúc đó bao gồm phương châm không làm gay gắt thêm mâu thuẫn, Đặng đã đồng ý; nội tâm Lý Bằng có thể có cách nghĩ, nhưng trước lúc tôi đi Triều Tiên anh ta chưa thể hiện ra một cách rõ rệt. Khi tiễn tôi đến ga xe lửa, Lý Bằng còn hỏi tôi có dặn dò gì nữa không. Tôi nói: chỉ có mấy điều thôi, một là đừng làm mâu thuẫn gay gắt thêm, không được sử dụng vũ lực; hai là lễ truy điệu Diệu Bang kết thúc rồi, cần khôi phục trật tự bình thường, phải quay về học; ba là để ra ngoài những kẻ đánh, đập phá, cướp, đốt. Lý Bằng cũng không nói không đồng ý. Sau khi về, anh ta đã báo cáo ý kiến của tôi lên Đặng. Đặng nói: làm theo ý kiến của Tử Dương. Thế nhưng tối thứ hai sau khi tôi đi Triều Tiên, Lý Tích Minh, Trần Hy đồng ở Thành ủy Bắc Kinh đề xuất phải cáo cáo với Thường vụ, tung tin là tình hình nghiêm trọng. Ban Thường vụ nghe báo cáo của Thành ủy Bắc Kinh, đúng như mọi người đã nói là báo sai tình hình, tập trung rất nhiều sự việc lại, nói học sinh yêu cầu bắt rễ xâu chuỗi lớn có tính toàn quốc, yêu cầu thành lập tổ chức, nói tình hình chung không tốt. Trước khi tôi đi Triều Tiên ở Bắc Kinh, bọn họ không nói với tôi, cũng đồng ý phán đoán phong trào học sinh đang lắng dịu. Nhưng tại hội nghị Thường vụ, bọn họ lại nói tình hình đặc biệt nghiêm trọng. Lý Bằng chủ trì hội nghị. Anh ta tổng kết: “là hành động chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội có lãnh đạo, có tổ chức, có cương lĩnh.” Ngày hôm sau anh ta đến chỗ Đặng báo cáo, Đặng luôn luôn có phản cảm với việc học sinh tuần hành gây chuyện, nghe Lý Bằng nói, ông ta cảm thấy vấn đề nghiêm trọng, nên đã phát biểu luận đoán như thế này: “mục đích của chúng là muốn làm lòng người phân tán, làm loạn cả nước, phá hoại cục diện chính trị ổn định đoàn kết; đó là một cuộc động loạn phủ định sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nếu như nhân nhượng vô nguyên tắc đối với cuộc động loạn này, nghe rồi bỏ mặc, sẽ xuất hiện cục diện hỗn loạn nghiêm trọng.” Đó chính là “bài nói ngày 25-4” định tính cho phong trào học sinh là “cuộc động loạn chống đảng chống chủ nghĩa xã hội”. Điều này đã dẫn tới cuộc tuần hành mười mấy vạn người ngày 27 tháng 4, làm mâu thuẫn gay gắt lên.

Hai là, đầu tháng 5, sau khi tôi từ Triều Tiên trở về đã nói chuyện với Hội nghị Ngân hàng châu Á, đề xuất giải quyết vấn đề trên quỹ đạo dân chủ và pháp trị, được học sinh tiếp thu, các mặt phản ánh là tốt, các trường cũng bắt đầu khôi phục việc giảng dạy.

Triệu nói: sau khi tôi từ Triều Tiên trở về, tình hình đã rất không tốt, có bài nói của đồng chí Tiểu Bình, lại phát biểu xã luận; nói kết luận là do Đặng định rồi không thể động tới, phía học sinh thì lại yêu cầu thu hồi xã luận, sợ sẽ tính sổ sau mùa thu. Còn Lý Bằng và Thành ủy Bắc Kinh kiên trì xã luận “26-4” không thể lùi. Bọn họ bao vây tôi, tung tin nhất định giữ chặt xã luận không thể thay đổi. Dưới cục diện cứng nhắc đó, chỉ có thể sử dụng biện pháp làm dịu từng bước, làm nhạt đi từng bước, không nêu xã luận “26-4” nữa. Để di chuyển tầm nhìn, căn cứ vào tiêu điểm dư luận trên xã hội, tôi đề xuất chống đặc quyền. Tôi biểu thị với Trung ương, điều tra con tôi trước [3] , nếu có vấn đề, sẽ chịu xử lý theo pháp luật nhà nước, nếu liên quan tới bản thân tôi, thì cũng như vậy. Hơn nữa, phản đối đặc quyền phải bắt đầu từ Trung ương, bắt đầu từ Thường vụ Trung ương: xóa bỏ cung cấp đặc biệt cho Thường vụ Trung ương (chế độ được hưởng thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt giá rẻ cho những cán bộ từ Phó thủ tướng trở lên). Những người già nhiều tuổi có thể suy tính làm chậm một chút; cải cách (chế độ) chuyên cơ, chuyên xa, chế độ cảnh vệ của Thường vụ khi ra ngoài, mấy vị cao tuổi có thể bảo lưu, Thường vụ mới nên đơn giản bớt.

Ngoài ra, ngày 4 tháng 5 khi tiếp đại biểu hội nghị Ngân hàng châu Á, tôi đã phát biểu bài nói giải quyết vấn đề theo phương châm tám chữ: học sinh và chính phủ phải bình tĩnh, lý trí, kiềm chế, trật tự; chủ trương thông qua biện pháp dân chủ và pháp trị giải quyết vấn đề. Phản ánh về bài nói đó là tốt, 7 trường đại học ở Bắc Kinh đã trở lại học, báo chí lúc đó cũng có chuyển tải; lúc đó nếu tiếp tục đối thoại, khẩn trương làm công tác thì tình hình có thể chuyển biến tốt.

Thế nhưng, Triệu nói: Hà Đông Xương [4] lúc đó lại nói trước hội nghị Bí thư đảng ủy các trường đại học rằng bài nói của Triệu Tử Dương không nhất trí với tinh thần “xã luận ngày 26-4”, một số lời nói là ý kiến cá nhân ông ta. Điều này trên thực tế đã phủ định bài nói của tôi tại hội nghị Ngân hàng châu Á. Một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục mà dám ngang nhiên phủ định bài nói của tôi, điều này nhất định là có bối cảnh. Bài nói của Hà Đông Xương được truyền đạt xuống dưới đã khiến mọi người phổ biến cho rằng bài nói của Triệu Tử Dương không đại biểu Trung ương.

Do đó học sinh càng thêm lo lắng, yêu cầu có cách nói đối với “xã luận 26-4”. Còn bên này một số người lại kiên trì “xã luận 26-4” không thể lùi, đồng thời còn thu thập một số tài liệu có tính kích thích gửi lên chỗ Đặng Tiểu Bình, còn phát biểu một số lời kích thích tâm tình học sinh, khiêu khích cả hai mặt. Còn tôi và học sinh không có liên hệ gì, cả hai mặt đều không theo tôi, tôi ở vào cảnh ngộ vô cùng khó khăn. Phía học sinh ngày càng đòi hỏi phải có cách nói về “xã luận 26-4”, gia tăng sức ép với chính phủ, phía Đặng thì quyết tâm cũng càng ngày càng lớn; học sinh làm ngày càng lợi hại, ảnh hưởng của Lý Bằng và Thành ủy Bắc Kinh đối với Đặng cũng càng ngày càng lớn, thế là hình thành cục diện cứng nhắc. Lý Bằng còn gây khó khăn cho tôi, nói: “đồng chí chủ trương biện pháp làm dịu, không làm gay gắt thêm mâu thuẫn, không có hiệu quả rồi; đối thoại với học sinh một lần, chúng gây chuyện một lần.”

Ba là, lúc đó tôi cảm thấy một cách sâu sắc rằng, chỉ cần Đặng Tiểu Bình nói một câu: “bây giờ xem ra vấn đề học sinh không nghiêm trọng như đã nói.”, những công việc còn lại sẽ do tôi quản, tôi chịu trách nhiệm những vấn đề xã hội. Tôi cho rằng qua cố gắng chung của nhiều phái, tình hình vẫn có khả năng lắng dịu đi.

Triệu Tử Dương cho rằng mặc dù tình hình đã tới bước như vậy cũng không nhất định không dùng vũ lực không được. Ông nói dùng thiết quân luật, tất sẽ phát sinh xung đột, một khi có xung đột sẽ phải đổ máu; ông lo là như vậy sẽ dẫn tới công nhân đại bãi công. Lúc đó cho dù có cường điệu lên là vi phạm đường lối chính sách, ép quần chúng thì cũng không thiêng nữa, dùng nhân sĩ quyền uy ép cũng không thiêng; chỉ có lùi một điểm trong “xã luận ngày 26-4”, sửa chữa xã luận vẫn là tiêu điểm không thể đi vòng qua. Sự tình lúc đó đã bị kéo quá dài rồi, học sinh cũng đã mệt, số học sinh có trên quảng trường Thiên An Môn đã không còn nhiều, học sinh Bắc Kinh đều đã về nhà, ở lại quảng trường đa số là học sinh ngoại tỉnh, lùi một bước cho chúng một cái thang để xuống, loại trừ mối lo bị tính sổ sau mùa thu thì tình hình đã có thể chuyển biến tốt rồi.

Lúc đó, tôi xen vào: tôi đã từng đi xem quảng trường Thiên An Môn, đúng là học sinh đã mệt mỏi, số người không đông. Lúc đó mọi người đều nói: nếu như trên dưới cùng động viên, ra lệnh cho người lãnh đạo các trường nhất luật phải phụ trách động viên học sinh trường mình trở về, đồng thời hứa là sau này sẽ không truy cứu, như thế chỉ còn rất ít người, lúc này phối hợp với cảnh sát, thực thi cưỡng chế sơ tán là cũng có thể làm được.

Nhưng Triệu Tử Dương ngắt lời tôi, ông không đồng ý dùng cảnh sát, vì như vậy sẽ chọc giận đông đảo quần chúng.

Rồi nói tiếp: để làm dịu xung đột, tranh thủ lùi một điểm, thế là tôi mời Hứa Gia Đồn [5] tới, để từ đó làm một số cảm thông hòa giải. Tôi nói với Hứa: vấn đề chủ yếu hiện nay là tranh thủ đồng chí Tiểu Bình có thể đồng ý thay đổi định tính đối với phong trào học sinh, còn phải xin ý kiến Thường vụ, nhờ đồng chí giúp một tay. (theo hồi ức của Hứa Gia Đồn thì lúc đó Dương Thượng Côn rêu rao: tôi đi nói với ông già [Đặng], nhưng tính nết ông già đồng chí biết rồi, ông ta có thể nghe lọt tai mà cũng có thể nghe không lọt tai. Dương Thượng Côn còn nói với Hứa, anh bảo với Triệu Tử Dương, bảo anh ta hãy làm như thế trước, nếu như có trách nhiệm, tôi sẽ là người đầu tiên.)

Triệu nói: sáng ngày 16 tháng 5, Đặng Tiểu Bình hội kiến Gorbachev, buổi chiều tôi hội kiến. Buổi tối họp Thường vụ. Tại hội nghị tôi chính thức đề xuất phải có cách nói đối với “xã luận 26-4”, định tính không thỏa đáng, phải sửa. Mặc dù tôi chưa đọc bài xã luận đó nhưng tôi vẫn chịu trách nhiệm, sửa “xã luận 26-4” không thể liên quan đến Đặng Tiểu Bình, đồng chí Tiểu Bình chỉ cần nói một câu: “bây giờ xem ra vấn đề học sinh không đến nỗi nghiêm trọng như vốn đã nói” là được.

Tôi lại xen vào: tôi nghe được truyền đạt trong đảng là, khi ông ở Triều Tiên đã điện bài xã luận “26-4” cho ông, ông đồng ý với bài xã luận, nhưng sau khi về nước ông lại thay đổi.

Triệu nói: bức điện gửi cho tôi khi còn ở Triều Tiên là “bài nói 25-4” của Đặng Tiểu Bình, sứ quán đưa cho tôi xem, tôi đã biểu thị thái độ, đồng ý bài nói của đồng chí Tiểu Bình về ổn định tình hình, vì là bài nói trong nội bộ nên tôi không thể không đồng ý. Nhưng tôi không ngờ là bọn họ lại đưa ra công khai bài nói của Tiểu Bình, càng không ngờ là công khai phát biểu “xã luận 26-4”. Khi còn ở Triều Tiên tôi chưa từng đọc bài xã luận đó, về căn bản không gửi cho tôi.

Ông nói: dẫn tới vấn đề “4-6” căn bản là do xã luận đã dẫn tới sự chống đối của quần chúng với qui mô chưa hề có. Trong thời gian truy điệu Hồ Diệu Bang có rất nhiều học sinh không xuống đường tuần hành, “xã luận 26-4” đã động viên được số học sinh trung gian đứng lên tham gia.

Tử Dương nói: đúng vào cái đêm tôi đề xuất phải sửa chữa xã luận và tuyên bố, mặc dù mình chưa đọc bài xã luận đó, nhưng tự mình cũng phải chịu trách nhiệm. Lý Bằng nói: nếu sửa thì ông và tôi đều mất chức. Triệu bác lại, nói: tình hình không đến nỗi nghiêm trọng như vậy. Lý Bằng nói: không nhất thiết để ông chịu trách nhiệm. Đó không phải là thái độ của nhà chính trị. Thế là tôi và Lý Bằng xẩy ra tranh luận. Lý Bằng lại nói: “xã luận 26-4” là bài nói của Đặng. Tôi nói: không phải, đó là do Thường vụ định giọng điệu, sau khi báo cáo Đặng mới có bài nói đó; là định tính trước, nói chuyện sau. Tiếp đó Lý Bằng còn nói: trong điện trả lời của ông khi ở Triều Tiên nói, đồng ý ngăn chặn động loạn. Tôi nói động loạn là một từ trung tính, rối loạn, xáo động, sóng gió đều là nói qui mô, không nói tính chất. Tiểu Bình nói động loạn không có vấn đề gì, vấn đề là động loạn như thế nào, động loạn có mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cũng có mâu thuẫn địch ta, vấn đề là ở chỗ cái định tính “chống đảng chống chủ nghĩa xã hội”.

Tử Dương lại nói: ngày hôm sau, 17 tháng 5 phát sinh tranh luận trong hội nghị Thường vụ họp ở nhà Đặng, tôi vẫn nói như vậy.

Bàn đến đây, Triệu nói với tôi: xem ra Lý Bằng có khả năng có lòng tư lợi.

Tôi nói: trong nội bộ cơ quan Ủy Ban cải cách thể chế có tin đồn, có người đang làm âm mưu.

Triệu nói tiếp: ngày hôm sau, sau tranh luận với Lý Bằng tối hôm 16 tháng 5, tôi viết thư cho Đặng yêu cầu trực tiếp bàn. Đặng đã thông tri mấy người, có Lý Bằng, Diêu Y Lâm, Hồ Khởi lập, Kiều Thạch, Dương Thượng Côn và tôi. Chúng tôi đến nhà Đặng. Vốn là tôi yêu cầu nói chuyện, nhưng ông ta lại thông tri nhiều người như vậy, rõ ràng là không muốn nghe ý kiến của tôi, thế nhưng tôi vẫn nhắc lại ý kiến của mình. Diêu Y Lâm, Lý Bằng nói: không thể ngăn chặn được động loạn của học sinh là do bài nói của Triệu Tử Dương tại hội nghị Ngân hàng châu Á dẫn tới, bài nói đó làm cho học sinh cảm thấy ở Trung ương có hai tiếng nói. Thế là đột ngột hỏi vặn tôi trên hội nghị, xem ra bọn họ đã họp trước với nhau rồi. Trong cuộc họp đã bàn đến việc thực hiện thiết quân luật, thực hiện thiết quân luật tôi lo là sẽ xuất hiện tình hình nghiêm trọng, tôi rất khó chấp hành. Vào giờ phút then chốt cuối cùng, nếu như tôi tán thành thiết quân luật, chức Tổng Bí thư vẫn có thể làm, tôi phản đối thiết quân luật là phải mất chức. Tiếp tục làm Tổng Bí thư thực hiện phương châm cứng rắn với học sinh, hay là mất chức, tôi đã chọn cái sau. Nói đến đó, Triệu Tử Dương im lặng một chút, tiếp đó đã trịnh trọng nói: tôi đã suy nghĩ liền cả hai việc không tán thành thiết quân luật và không làm Tổng Bí thư. Sau khi họp xong ở nhà Đặng ra về, tôi viết đơn xin từ chức. Hồ Khởi Lập cũng phản đối thiết quân luật; Kiều Thạch vốn cũng không tán thành thiết quân luật, nhưng đã tán thành trong hội nghị này; Dương Thượng Côn vốn phản đối thiết quân luật sau này cũng tán thành; kiên quyết nhất là Lý Bằng, Diêu Y lâm.

Triệu nói: thực ra trong vấn đề thiết quân luật, thái độ của mấy người đó là không đáng kể; cho dù cả năm người bọn họ đều không tán thành cũng sẽ thực hành thiết quân luật. Trước khi họp ở nhà Đặng, ý kiến của tôi là đa số, tôi, Khởi Lập, Kiều thạch, Thượng Côn đều nhất trí.

Sau khi nghe những lời nói của Triệu Tử Dương thà không cần “chiếc ghế báu” Tổng Bí thư, phải kiên trì tính chính nghĩa, đúng là tôi đã khâm phục từ đáy lòng. Từ trong đó tôi cũng hiểu ra được, áp dụng đối thoại đối với vấn đề “4-6” là không thể giải quyết được vấn đề; Lý Bằng rêu rao cái gọi là nổ súng là “bất đắc dĩ”, chẳng qua là sau đó tìm lời nói tránh đi, giải thoát cho mình là xong. An Chí Văn nói: sự việc là, các nguyên lão do Đặng Tiểu Bình đứng đầu đã đánh giá tình hình nghiêm trọng, cho rằng nếu nhượng bộ là sẽ giống như Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan, đã nổ ra là không thể thu lại được, cục diện chính trị Trung Quốc nhất định sẽ phát sinh thay đổi. Tóm lại là các nguyên lão vẫn dùng mô thức tư duy trước đây và quan điểm hình thái ý thức đấu tranh giai cấp là then chốt, cho rằng trên xã hội một khi xẩy ra sóng gió là đã cho rằng muốn lật đổ sự lãnh đạo của đảng cộng sản, phản đối xã hội chủ nghĩa; một khi trong đảng vừa có ý kiến và cách nhìn khác nhau, đã cho rằng đấu tranh trong đảng là sự phản ánh của đấu tranh ngoài đảng, của đấu tranh giai cấp, cái gọi là vấn đề ngoài đảng phản ánh vào trong đảng, là kết quả của sự dung túng và ủng hộ của một số lãnh đạo trong đảng.

Tôi còn trình bầy với Triệu: sau khi tin học sinh bị bắn chết trước Thiên An Môn được truyền đi, một học sinh không hề quen biết mở miệng nói với tôi: “đảng cộng sản hết đời rồi!”, người ta đau thương bàn bạc: đối với bọn học sinh tay không tấc sắt, thế mà dùng xe tăng, súng máy đàn áp; cho rằng đó là việc ngay cả quân phiệt Bắc Dương và Tưởng Giới Thạch Quốc Dân đảng cũng không dám làm, nhưng đảng cộng sản lại làm! Một vị giáo sư già ở trường của tôi đã khóc dài suốt trên mấy dặm đường từ nhà trường về nhà; một bác sĩ của bệnh viện số 3 gần trường nói với tôi: lúc đó trước cửa bệnh viện để đầy những người bị thương, phần lớn là thanh niên học sinh, cũng có chiến sĩ giải phóng quân, việc cứu chữa không biết bắt đầu từ người bị thương nào, đành lựa chọn những người bị thương nặng nhất để phẫu thuật. Mọi người đều tròn mắt đờ người, đối mặt với tình ấy, cảnh ấy quả thật là thương cảm. Có một vị giảng viên của bệnh viện nói một câu “nợ máu phải trả bằng máu”, sau đó mấy cảnh sát mặc thường phục đã vào tận phòng bệnh bắt ông ta đưa lên xe quân sự; ngày hôm sau người nhà đến thăm đã không biết giải đi đâu. Vị bác sĩ này còn nói với tôi: do định tính là bạo loạn phản cách mạng, những người bị thương sợ bị định là “phần tử phản cách mạng” để xử tội, nên có người chưa mổ xong đã được người nhà, bạn thân đến đón đi giấu ở nơi khác, như thế mà xuất viện thì kết quả chỉ có chết! Có người nói “học sinh rất vô tư, thật đáng thương”. Sau đàn áp “4-6”, trong hội nghị từ cấp vụ, cục trở lên tại Ủy Ban cải cách thể chế, đã có rất nhiều người chảy nước mắt. Bất kể người khác như thế nào, tôi vẫn tham gia lễ truy điệu một học sinh tử nạn của trường - một nghiên cứu sinh và tặng tiền cho người nhà. Điều này đại để là “tôi làm theo cách của tôi”. Sau “4-6” khi tiến hành thanh lý về tổ chức, tôi kiên trì cách nhìn của mình cho rằng tham gia “lễ truy điệu”, “tặng tiền” không phải là sai lầm! Tôi kiên trì sự kiện “4-6” không phải là động loạn phản cách mạng mà là phong trào học sinh. Tư tưởng của tôi là, bất kể là xử lý tôi như thế nào, vẫn phải kiên trì chính nghĩa.

Cuối cùng tôi nói, về bên ngoài “4-6”là đàn áp, nhưng người ta bình luận là đã mất lòng đảng, lòng dân, lòng tin vào đảng sụp đổ, tổ chức đảng rã rời, trên quốc tế đã dẫn tới những kinh ngạc và ảnh hưởng tiêu cực rất lớn.

Tôi cho rằng sự kiện “4-6” là một đại bi kịch, đó là định luận của lịch sử. Người ta đang bàn luận: cái bệnh táo bón của lịch sử này cuối cùng cũng phải giải quyết, bất kể sau này là xử lý nóng hay xử lý lạnh, cuối cùng thì lịch sử vẫn trở lại bộ mặt vốn có của lịch sử. Cách nhìn của tôi là, người nào giương cao được ngọn cờ đó, người đó sẽ được lòng người.

Cuối cùng Triệu Tử Dương còn bàn đến việc muốn xây dựng một quỹ, muốn cùng một số người cùng chí hướng làm một số sự nghiệp công ích cho xã hội, cho quốc gia. Cũng bàn đến việc hoặc là có thể viết hồi ức. Triệu nói: hai nhiệm vụ này đều rất nặng, cũng rất khó, nếu làm nhất định phải làm tốt, nhưng đều rất tốn sức. Căn cứ vào tinh lực của mình xem ra thì chỉ có thể làm một thôi, biểu thị hy vọng tôi giúp ông suy tính một chút.

Sau khi thúc cuộc nói chuyện, trước khi về, Triệu Tử Dương còn mỉm cười nói với tôi: ông Tôn, từ mấy lần gặp mặt nói chuyện, ông có thể thấy, mặc dù tôi không có công tác, nhưng bộ óc tôi không có nhàn.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách thể chế, thành viên lãnh đạo tổ kinh tế thời Triệu Tử Dương, lúc này là Hội trưởng Hội nghiên cứu cải cách thể chế Trung Quốc.
[2]Trương Học Lương (1907-2001) người Tứ Xuyên, con trai Trương Tác Lâm, Tư lệnh quân Đông Bắc, mùa đông năm 1936, liên Cộng chống Nhật, phát động sự biến Tây An, bắt sống Tưởng Giới Thạch. Khi trở về Nam Kinh bị Tưởng Giới Thạch giam lỏng. Năm 1990 được khôi phục tự do, năm 1995, sống tại Hawai Mỹ, với tư cách kiều dân.
[3]Khi đó xã hội có tin đồn, Triệu Đại Quân con trai Triệu Tử Dương buôn lậu TV mầu. Sau này Ban Kiểm tra TW kiểm tra chứng thực đó là tin đồn sai, hướng dẫn sai. Triệu Tử Dương đề xuất phải điều tra kết luận trong phạm vi nhất định rồi công bố, nhưng Lý Bằng kiên quyết không đồng ý, sợ gây ra phản ứng dây chuyền. (TG)
[4]Hà Đông Xương (1923 - ) người Chiết Giang, từng là Bí thư Đảng ủy trường Đại Học Thanh Hoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách Giáo dục Quốc gia.
[5]Hứa Gia Đồn (1916 - ) người Giang Tô, từng làm Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư Ủy ban công tác Hồng Kông, Ma Cao, Phân xã trưởng Tân Hoa xã tại Hồng Kông, năm 1990 sang Mỹ, năm 1991, bị Đảng Cộng sản Trung Quốc khai trừ.
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tá»­ DÆ°Æ¡ng khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219