(Nhà văn Carlos Fuentes viết vá» Cervantes, Kafka, và ân sủng cứu ngÆ°á»i giúp Ä‘á»i của tiểu thuyết)
Carlos Fuentes là má»™t trong những nhà văn kiệt xuất nhất của châu MÄ© Latinh. Ông sinh năm 1928 tại thà nh phố Panama, là con trai của má»™t nhà ngoại giao Mexico. Ông được há»c hà nh và đà o tạo ở thủ đô Hoa Kì là Washington, D.C., thủ đô Buenos Aires của Argentina, và thủ đô Santiago của Chile. Những tác phẩm tiểu thuyết chÃnh của ông gồm có: NÆ¡i không khà trong sáng hÆ¡n (1967), Äất của chúng ta (1975); Äầu chằn tinh (1976); Mẽo già (1985); Chiến dịch (1990).
Äây là bà i phát biểu khai mạc Lá»… há»™i Văn há»c Quốc tế Berlin lần thứ V, kéo dà i 10 ngà y, 6–17 tháng 9, há»™i tụ hà ng trăm tác giả quốc tế, gặp gỡ, Ä‘á»c văn và giao lÆ°u vá»›i công chúng. Carlos Fuentes trá»±c tiếp phát biểu bằng tiếng Anh, ngà y 6-9-2005.
|
Carlos Fuentes |
Cách đây không lâu, Hàn lâm viện Na Uy gửi đến 100 nhà văn khắp thế giới câu hỏi đơn độc: Xin nêu tên cuốn tiểu thuyết mà người coi là viết hay nhất.
Trong 100 người được hỏi đó, 50 người trả lời: cuốn
Don Quixote de la Mancha của
Miguel de Cervantes Saavedra. Thật là một thắng phiếu áp đảo như núi lở, hãy xét thử những người về kế:
Dostoievski,
Faulkner, và
García Marquez, theo thứ tự đó. Kết quả của cuộc tham khảo ý kiến này đặt ra vấn đề lí thú giữa sách bán bền đối lại sách bán chạy. Dĩ nhiên, không có câu trả lời nào thích đáng cho mọi trường hợp: Tại sao cuốn bán chạy lại bán được, tại sao cuốn bán bền lại bền lâu?
Don Quixote là cuốn sách bán rất chạy khi nó xuất hiện lần đầu năm 1605, và vẫn tiếp tục bán được kể từ ngày đó, trong khi William Faulkner dứt khoát là sách bán kém, nếu bạn so sánh số bán èo uột của cuốn
Absalom, Absalom (1936) với cuốn bán chạy thực sự khổng lồ của năm nay, cuốn
Anthony Adverse của Hervey Allen, một tiểu thuyết trường thiên thời Napoléon về tình ái, chiến tranh, và thương mại.
Như thế có nghĩa là
không có thước đo đích thực nào trong những chuyện này, dù thời gian không chỉ sẽ cho biết: Thời gian sẽ bán.
Người ta có thể nghĩ rằng Cervantes đồng điệu với thời mình trong khi Stendhal ý thức rằng mình viết cho “thiểu số sung sướng” và thuở còn sống bán còm nhom. Ông được tặng thưởng là lời ca ngợi của Balzac trước khi mình mất và chỉ đứng vững được nhờ những cố gắng của nhà phê bình Henri Martineau vào thế kỉ 20.
Một số nhà văn lừng danh và rồi mất tiêu mãi mãi. Danh sách những cuốn bán chạy của 50 năm qua, trừ một vài ngoại lệ sống động, là
một nghĩa địa u ám cho những sách chết rấp. Tuy thế, trường cửu không phải là một đề nghị cố tình. Không ai có thể viết một cuốn sách mong cầu bất tử, vì lúc ấy nó sẽ vửa chuốc lấy lố bịch và chắc chắn vắn số, Platon đặt sự bất tử vào đúng tầm khi ông phát biểu rằng vĩnh hằng, khi vận động, hoá thành thời gian, vĩnh hằng là một thứ thời gian kết băng. Và William Blake ắt hẳn đã kéo sự việc xuống trần gian khi bảo: “
Vĩnh hằng phải lòng những công cuộc của thời gian” (Eternity is in love with the works of time).
Những công cuộc của thời gian. Chúng ta có thể lấy từng người trong số nhà văn tôi đã nêu tên nãy giờ và làm một chuyến ngao du hữu ích vào mối tương quan của họ với thời buổi sinh tiền. Dù điều này có thể và xứng đáng là say đắm, tôi tự hỏi nó cho ta biết được bao lăm về những sách họ viết, sự tưởng tượng để xúc động họ viết ra, lối họ sử dụng ngôn ngữ, cách xúc tiến phê phán của họ đối với nghệ thuật văn học, ý thức của họ về sự tuỳ thuộc vào cái truyền thống lớn hơn mà
Milan Kundera chiêu gọi trong cuốn sách mới đây tựa đề
Tấm màn: sự kiện là một nhà tiểu thuyết tuỳ thuộc, hơn là vào xứ sở hoặc ngay cả vào tiếng nói chào đời, chính vào một truyền thống trong đó Rabelais, Cervantes, Sterne, và Diderot là một thành phần cùng gia đình, và gia đình đó, như Goethe mong mỏi, sống trong ngôi nhà văn học thế giới (
Weltliteratur) mà Goethe đề nghị là mỗi nhà văn thiết tha vun quén, độc lập với những nền văn học quốc gia vốn – ông tiếp tục – “đã ngưng đại diện cho bất cứ cái gì quan trọng”.
Nếu điều này là đúng, thì mọi tác phẩm văn học lớn chứa cả truyền thống từ đó chúng phát xuất và cộng vào, cùng sự sáng tạo mới vốn tuỳ thuộc truyền thống đi trước cũng như truyền thống, để giữ khang kiện, tuỳ thuộc vào những sáng tạo mới nuôi dưỡng nó. Bởi năm nay là
kỉ niệm 400 năm của Don Quixote và bởi tôi coi cuốn sách này của Cervantes như là viên đá tảng tạo dựng của tiểu thuyết như đã tiến hoá từ thế kỉ 17, cho phép tôi bới moi trong rễ đó từ ngữ tôi đã đang sử dụng.
Cervantes tuỳ thuộc vào một truyền thống ông không thể nói ra. Đó là truyền thống của
Erasmus ở Rotterdam, ánh sáng soi đường cho thời Phục hưng Tây Ban Nha sơ kì trong triều của vị vua trẻ tuổi là Charles V, một ngọn nến sớm bị dụi tắt bởi những ngọn gió giáo điều lạnh lùng của cuộc Phản-Cải cách. Sau Công đồng Trent, Erasmus và những tác phẩm của ông bị Pháp đình nhà thờ cấm đoán, và di sản của ông là một bí mật.
Cervantes thấm nhuần trong nền triết học bị cấm đoán này. Erasmus tìm kiếm sự hoà giải giữa Đức tin và Lí trí, từ khước không chỉ những giáo điều của Đức tin, mà luôn cả những giáo điều của Lí trí nữa. Vậy nên, Cervantes, vốn là một đệ tử của những người Tây Ban Nha theo triết học Erasmus, đã phải nguỵ trang sự trung thuận trí tuệ của mình.
Ca ngợi điên rồ là ca ngợi Don Quixote khi chàng lang thang qua một vũ trụ kiểu Erasmus trong đó mọi chân lí đều đáng ngờ, vạn vật tắm trong bất định và tiểu thuyết hiện đại như thế chiếm được quyền sinh ra đời.
Bởi lẽ Cervantes không thể thú nhận cái ảnh hưởng giải phóng của tư tưởng Erasmus, ông còn vượt cả Erasmus. Sự minh triết của Rotterdam hoá thành sự điên rồ của La Mancha và hôn nhân giữa
minh triết và
bất định đã đẻ ra tiểu thuyết như ta hiểu nó. Một
không gian đặc quyền, thật thế, của
bất định.
Một nơi bất định: một thôn làng bỏ quên trong một tỉnh nắng chang chang ở Tây Ban Nha. Một nơi không thể kêu tên
“En un lugar de la Mancha de cuyo nombre no quiero acordarme”. Một tác giả bất định: Ai đã viết sách này? Cervantes? De Saavedra? Cide Hamete Benengeli? Một thư lại đạo Hồi vô danh? Kẻ đi dây mang mặt nạ Ginés de Pasamonte nguỵ trang làm bầu múa rối Thầy Pedro? Việc thiếu tác gia chỉ trần trụi nguỵ trang sự từ khước quyền uy. Những cái tên bất định: Don Quixote có thực tình là một thân sĩ (hidalgo) kiết xác tên là Alonso Quijano – hay đó là Quijada? – hay không chừng, Quezada? Hoặc vòng vo quay ngược: phải chăng hào mục kiết xác thực sự là đấng hiệp sĩ lang thang, một Cid (thủ lãnh) sa sút, một Cortez thu giảm?
Ấy thế, một cái tên có chứa gì? Sự bất ổn về tính danh của cuốn tiểu thuyết
Don Quixote xói mòn mọi tất định của một cách đọc tuyến tính. Dulcinea là Aldonza, các tiểu thư khốn khổ hoá thành hoàng hậu và công chúa, những con ngựa suy nhược được xem như tuấn mã, những hào mục mù chữ hoá thành tổng trấn. Những địch thủ tưởng tượng của Don Quixote mang những tên phóng túng – thí dụ người khổng lồ Pentapolpin xắn tay áo – nên những địch thủ có thực cũng phải như thế: vũ sĩ thanh niên Sanson Carrasco mệnh danh là Kị Sĩ Kính Tử để nhập vào vũ trụ tính danh của Don Quixote. Và chính bản thân Quixote, chiến danh của xứ Quijada… hay Quijano… hay Quesada… mang toàn khối binh giáp nhập vào vòng lễ hội gọi tên này, hoá thành Kị Sĩ Mặt Sầu hoặc Kị Sĩ Sư Tử, hay Quijotiz, khi trong cung cách điền dã, hoặc lố bịch thì là Don Azote, tức là chàng Quất Roi, trong một quán bên đường, hay trong cung điện của quận công, thì là anh chàng Don Jigote, tức là gã Thịt Băm.
Tên đất, tên người, tác quyền, tất cả đều
bất định trong
Don Quixote. Và sự bất định càng nhân lên do cuộc cách mạng dân chủ lớn mà Cervantes thực hiện và đó là sự sáng tạo ra tiểu thuyết như là một
nơi chung, (
common place trong tiếng Anh;
lieu commun trong tiếng Pháp;
lugar común trong tiếng Tây Ban Nha), tức là nơi gặp gỡ trong thành phố, khu chợ giữa thành, đa diễn đàn, quảng trường công cộng nơi mọi người có quyền được người ta nghe nhưng không ai có độc quyền nói.
Nguyên tắc hướng đạo của sáng tạo tiểu thuyết này được Cervantes chuyển thành cái mà Claudio Guillen gọi là một
cuộc đối thoại của các thể loại. Chúng đều gặp gỡ trong không gian mở của
Don Quixote. Ở đây có thể loại giang hồ – Sancho Panza – bắt tay với thể loại hùng tráng – Don Quixote. Lazarillo de Tormes được giới thiệu với Amadis xứ Gaul. Ở đây tính đơn tuyến của chuyện kể bị phá vỡ, bao vây, đưa vào thế quay nhanh hoặc đảo ngược bằng truyện-trong-câu-truyện ngắt ngang bằng một hồi chen điền dã và rồi bằng tiểu thuyết luyến ái cung đình và những mạch truyện Hồi giáo
ngàn lẻ một đêm và Đông phương Byzantine đan xen vào tấm thảm của một tiểu thuyết, để rồi cuối cùng tự trình ra vừa như căn cước vừa như dị biệt của vũ trụ ngôn từ của nó.
Trước Cervantes, thể tự sự có thể tự cạn kiệt trong một lần đọc riêng lẻ về quá khứ: tức thể sử thi, hoặc về hiện tại: tức thể tiểu thuyết giang hồ. Cervantes pha trộn quá khứ và tương lai, chuyển tiểu thuyết thành một
tiến trình phê phán, nó, thoạt tiên đề nghị rằng chúng ta đọc một cuốn sách về một con người và rồi trở thành một cuốn sách về một con người vốn biết rằng y đang được đọc. Khi Don Quixote vào một nhà in ở Barcelona và khám phá ra rằng cái đang được in là cuốn sách của chính mình, mang tên
El ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha [Chàng thân sĩ kì tài Don Quijote xứ la Mancha], chúng ta đột ngột bị quăng vào trong một thế giới thực sự mới của những độc giả, của những việc đọc sách sẵn sàng cho mọi người chứ không phải chi cho một vòng hạn hẹp của quyền lực, tông giáo, chính trị, hoặc xã hội.
Bằng cách nhân gấp bội cả quyền sáng tạo và quyển đọc sách, tiểu thuyết từ thời Cervantes đến thời chúng ta, trở thành một
cỗ xe dân chủ,một không gian tuyển chọn, gồm những thông giải giao hoán về tự thân, về thế giới, và về mối tương quan giữa tôi và kẻ khác, giữa bạn và tôi, giữa chúng ta và họ.
Tông giáo thì giáo điều. Chính trị thì ý hệ. Lí trí phải có tính luận lí. Nhưng văn học có đặc quyền là hàm hồ là đồng thanh. Tính chất hồ nghi trong một tiểu thuyết có lẽ là một cách thế bảo chúng ta rằng tác quyền (và do thế quyền uy) là bất định và có thể chịu nhiều lối giải thích, cũng như nó phù hợp với chính thế giới.
Thực tại không là cố định, nó vốn biến dịch. Chúng ta chỉ có thể đến gần thực tại nếu chúng ta không lấy cớ xác định nó một lần và cho mãi mãi. Những sự thật từng phần mà một tiểu thuyết đề ra là một vách chắn chống những áp đặt giáo điều. Bị xem là yếu ớt và không quan trọng về mặt chính trị, tại sao các nhà văn lại bị các
chế độ toàn trị bách hại như thể họ thực sự là đáng kể? Mâu thuẫn này phơi mở bản chất sâu xa của tính chính trị trong văn học. Quy chiếu là về thành thị [gốc tiếng Hilạp là
polis, cũng là ngữ nguyên của chính trị,
politics], cái cộng đồng công dân tiến hoá nhưng thường hằng, không phải về quyền thế (autoritas) là những quyền lực qua đi, thiết yếu nhất thời nhưng kiều hãnh tin rằng họ là vĩnh hằng.
Những truyện giả tưởng của Kafka mô tả một quyền lực tạo cho cái giả tưởng của chính nó có sức mạnh. Quyền lực là một sự đại diện, nó, giống như chức quyền trong
Lâu đài, chiếm được sức mạnh của nó nhờ sự hư cấu của những ai ở ngoài lâu đài. Khi sự hư cấu đó thôi ban quyền lực cho quyền lực, Hoàng đế xuất hiện trần truồng và nhà văn bất lực vạch ra điều này bị cấm đoán phải lưu đày, vào trại tập trung hoặc bị thiêu sách, trong khi những thợ may của Hoàng đế tiếp tục khâu may cho y quần áo mới.
Vậy là, nếu có thể có quyền lực chính trị trong văn viết, nó mang tính ngoại lệ. Dưới những hoàn cảnh gọi là “thông thường”, nhà văn chẳng có mấy chút
quan trọng chính trị, nếu có đi chăng nữa. Hiển nhiên, nhà văn nam hay nữ, trở thành liên quan chính trị như những công dân. Tuy thế nhà văn có tầm quan trọng chính trị rốt ráo là cống hiến cho thành thị, dù cho êm ắng, dù cho trì hoãn, dù cho gián tiếp đến đâu, hai giá trị không thể thiếu kết hợp tính thiết thân với tính tập thể.
Văn học giả tưởng, từ Rabelais và Cervantes tới Grass và Goytisolo và Gordimer, cho nên là một đường lối khác để chất vấn sự thật khi chúng ta gắng gỏi tới với nó qua cái
nghịch lí của một điều dối trá. Điều dối trá ấy có thể được gọi là trí tưởng tượng. Nó cũng có thể được xem như một thực tại song song. Nó có thể thể quan sát được như một tấm gương phê phán về cái được gán cho là sự thật trong thế giới của quy ước. Nó nhất định thiết lập một vũ trụ thực hữu thứ hai, nơi đó Don Quixote và Heathclif và Emma Bovary có một thực tại lớn hơn, dù không kém quan trọng, so với đám công dân đã gặp gỡ vội vàng và rồi bị quên ngay mà chúng ta tiếp cận. Thực thế, Don Quixote hay Emma Bovary đem ra ánh sáng, ban trọng lượng và hiện diện cho những đức tính và thói xấu – cho những nhân cách phù du mà chúng ta quen biết hằng ngày.
Có lẽ, cái mà [những nhân vật tiểu thuyết như] Ahab và Pedro Paramo và Effie Briest sở hữu cũng còn là trí nhớ sống động về những chủ thể tính lớn lao, huy hoàng, và tử vong của những người đàn ông đàn bà mà chúng ta quên đi, mà cha mẹ chúng ta từng biết, và ông bà chúng ta đã thấy trước. Dostoievski viết: Trong
Don Quixote,
sự thật được cứu bằng một điều dối trá. Với Cervantes, tiểu thuyết thiết lập cái quyền sinh ra là có của nó như một điều dối trá làm nền tảng cho sự thật. Bời qua phương tiện của giả tưởng, nhà tiểu thuyết đưa lí trí ra thử thách. Giả tưởng phát minh những gì thế giới thiếu, những gì thế giới đã lãng quên, những gì nó hi vọng đạt tới và có lẽ chẳng bao giờ có thể chạm vào. Như vậy giả tưởng là một đường lối để chiếm hữu thế giới, ban cho nó sắc màu, hương vị, cảm thức, mộng tưởng, thức canh, công phu, trì chí, và ngay cả sự buông thả biếng lười, mà, để tiếp tục hiện hữu, thế giới đòi hỏi.
Hãy vào trong chính tự thân và tìm ra thế giới, nhà tiểu thuyết bảo chúng ta thế. Nhưng luôn cả, hãy đi ra vào thế giới và tìm ra chính mình. Trong những giờ phút đen tối trước Thế Chiến II, Thomas Mann băng vượt Đại tây dương cùng Don Quixote như sợi dây cứu mạng chắc chắn nhất cho một châu Âu đang giãy chết. Và còn trước nữa, dưới những đám mây của Thế Chiến I, Franz Kafka đã khám phá ra rằng Don Quixote là một
phát minh rực rỡ của Sancho Panza, anh ta do đó có thể tự do theo những cuộc phiêu lưu của chàng hiệp sĩ lang thang, mà không làm tổn thương ai cả. Và sau chót, trong đoản văn “Pierre Menard tác giả của Don Quixote”,
Jorge Luis Borges bảo chúng ta rằng chỉ cần viết lại cuốn tiểu thuyết của Cervantes, từng chữ một, nhưng ở vào một thời khác và với một ý hướng khác, là có thể tái tạo nó.
Cervantes sống thời của mình: nước Tây Ban Nha suy đồi của vương triều Hapsburg cuối, Philip III và sự phá giá tiền tệ, sự sụp đổ của nền kinh tế do việc tiếp tục trục xuất những đám dân Do Thái và Arập siêng năng, sự cưỡng bách phải che giấu những gốc gác đạo Do Thái và đạo Hồi dẫn đến một xã hội gồm những mặt nạ xơ cứng, sự thiếu vắng những nhà cai trị hữu hiệu cho một đế quốc trải rộng, sự đào thoát của vàng bạc lấy từ châu Mĩ về lại chạy vào những thế lực trọng thương ở Bắc Âu. Một nước Tây Ban Nha của
nhãi ranh và ăn mày, những cử chỉ rỗng tuếch, những quý tộc tàn ác, những đường sá hoang phế, những quán trọ tiều tuỵ, và những thượng lưu tàn mạt – những kẻ vào một thời khác nhiều sinh lực hơn, đã từng chinh phục Mêhicô, giong buốm khắp biển Caribê và đem những trường đại học đầu tiên và những chiếc máy in đầu tiên đến cho Tân Thế giới: năng lượng diệu kì của Tây Ban Nha trong cuộc phát minh ra châu Mĩ.
Cervantes và những nhà văn lớn khác của Thời đại Hoàng kim Tây Ban Nha thực sự chứng minh rằng văn học có thể đem cho xã hội những gì lịch sử đã rút kiệt khỏi xã hội. “
Đâu rồi những con chim năm ngoái?’ Don Quixote thở than khi nằm hấp hối. Chúng đã chết và đã bị nhồi rơm, đó là lí do tại sao Don Quixote phải đem tới cho cuốn tiểu thuyết của ông đường bay mới lại của chim đại bàng, cái sải cánh của loài hải âu. Như Cervantes đã đáp ứng lại cho cái xã hội xuống cấp của thời đại ông với sự chiến thắng của trí tưởng tượng phê phán, chúng ta nữa, cũng đang giáp mặt một
xã hội xuống cấp và phải suy tư về nó trong khi nó đang rò rỉ vào đời sống chúng ta, bao quanh chúng ta, và còn ném chúng ta vào tình huống trường kì là phải đáp ứng với sự thông qua của lịch sử bằng sự đam mê của văn học.
Chúng ta nhận thức được nguy cơ của sự trì hoãn những tiết mục phải làm của loài người khi thế kỉ 21 bắt đầu. Chi tiêu quân sự vượt xa đầu tư vào y tế, giáo dục, và phát triển. Những
nhu cầu khẩn cấp của phụ nữ, người già, người trẻ bị phó mặc cho may rủi. Những xâm phạm nghịch tự nhiên tăng bội phần. Borges viết rằng ở Thiên đàng bảo tồn và phát triển là những động từ đồng nghĩa. Trên Trái đất, chúng đã biến thành kẻ thù. Những nguyên nhân cội rễ của khủng bố bị bỏ mặc chẳng đoái hoài. Khủng bố không thể là câu trả lời cho khủng bố, mà lẽ ra phải là hiểu biết hơn, quản lí dân chủ, và phát triển xã hội kinh tế, đồng thời củng cố căn cước văn hoá, ở những quốc gia từng chịu lâu dài sự cai trị chuyên chế và thực dân. Những giá trị quốc tế thắng đạt được nhờ sự kiên trì phê phán và hi sinh – nhân quyền, ngoại giao, đa phương, thượng tôn pháp luật – bị xâm lấn bởi sự hối hả mù quáng của chủ nghĩa đơn phương, chiến tranh phòng ngừa và niềm kiêu hãnh mù quáng “
đi trước sự huỷ diệt” (Sách
Châm ngôn, đoạn 16, câu 18). Đôi khi câu trả lời của chúng ta với những thực tại này là an nhiên thụ động. Có những kẻ tin rằng chúng ta đang sống trong
cõi tuyệt hảo nhất của mọi thế giới khả dĩ bởi họ được bảo cho biết rằng cái thiết yếu là bất khả. Nhưng mặt khác, chúng ta bị xâm lấn bởi nỗi sợ xao xuyến mặc dù thụ động về một Tận thế tiềm ẩn khi, như Goethe diễn tả, “
Thượng đế ngừng yêu chúng sinh của ngài và phải huỷ diệt cho bằng hết và bắt đầu lại tất cả”. Không gian đã đầu hàng. Nhờ hình ảnh chúng ta có thể tức khắc ở mọi nơi. Nhưng thời gian đã vi ti hoá, phân huỷ thành hình ảnh có nguy cơ khước từ chúng ta cả trí tưởng tượng về quá khứ cùng trí nhớ về tương lai. Chúng ta có thể trở thành những nô lệ của những hình ảnh có sức thôi miên mà mình không lựa chọn, Chúng ta có thể trở thành những người máy tươi tắn đùa giỡn mình cho đến chết. Tôi tin rằng có những thực tại phải lay động chúng ta để xác nhận rằng ngôn ngữ là nền tảng xây dựng của văn hoá, cánh cửa của kinh nghiệm, cội rễ của trí tưởng tượng, cơ sở của trí nhớ, phòng ngủ của tình ái và, trên hết, cửa sổ mở ra của không khí cho hoài nghi, bất định và chất vấn.
Tôi thấy ra, trong mọi tiểu thuyết lớn, một dự phóng của con người hãy gọi nó là đam mê, tình yêu, tự do, công lí, mời gọi chúng ta hiện thực hoá nó để làm nó thành có thực, dù cho chúng ta có biết rằng nó mang số phận phải thất bại. Quixote biết anh thất bại, cũng như Bố Goriot và Anna Karenina và Ông hoàng Myshkin. Nhưng chỉ quá ý thức, mặc nhiên hoặc minh nhiên, về thất bại như thế, họ mới cứu được, và giúp chúng ta cứu, chính bản chất của đời sống, sự sinh tồn của con người và các giá trị của nó như đã được sống và đề nghị và ghi nhớ bởi mọi thời đại, mọi dòng giống, mọi gia đình của loài người, mà không tự vong thân cho một ảo tưởng về tiến bộ và hoan lạc bất tận được chứng nhận.
Sau những kinh nghiệm của thế kỉ vừa qua, chúng ta không thể làm ngơ không biết những ngoại lệ bi đát về hạnh phúc và tiến bộ mà loài người thường xuyên gặp phải. Trong cuốn
Light in August (Ánh sáng tháng tám) William Faulkner đối đầu và ôm choàng hai nhân vật chẳng giống nhau, chị Joanna Burden già giặn đa dâm và người tình trẻ Da đen là Joe Christmas. Christmas là một tác nhân của tự do. Nhưng anh biết rằng tự do của anh bị giới hạn, hơn nữa còn trong vấn nạn tranh thủ. Anh cảm thấy mình như chim đại bàng, rắn rỏi, mạnh mẽ, bất hối, đủ đầy. Nhưng cảm giác đó qua đi và rồi anh nhận thức rằng bộ da mình là ngục tù. Joanna Burden ao ước, trong sự sở hữu thân thể của Joe, tự kết tội, không phải mãi mãi nhưng chỉ thêm một chút: “
Đừng bắt con cầu nguyện, Chúa ơi”, chị nài nỉ,
“Hãy để con kết tội con lâu tí xíu nữa thôi”.
Đó chỉ là hai nhân vật trong số danh sách đào kép của Faulkner họ tìm ra trong tình yêu bản chất bi đát của cả tự do lẫn định mệnh. Trong Faulkner, biết rằng chúng ta có khả năng đề kháng có nghĩa là chúng ta có thể chiến thắng, trong những khoảnh khắc nhất định. Tôi chiếu rọi chân lí bi đát và đề kháng thời gian này trong Faulkner bởi tôi thấy rằng nó là thiết yếu cho chính tim mạch của tiểu thuyết. Tự do là bi đát bởi nó ý thức luôn cả tính tất yếu và ranh giới của tự do.
Kafka viết:
“Tôi không hi vọng về chiến thắng. Tranh đấu trong tự thân không là hoan lạc, trừ ra trong mức độ rằng nó là điều duy nhất tôi có thể làm… Có lẽ sau rốt tôi sẽ đầu hàng, không phải trước cuộc tranh đấu, mà là trước niềm vui của cuộc tranh đấu”. Faulkner nói một câu lẫy lừng:
“Giữa khổ đau và hư vô tôi chọn khổ đau”, và ông thêm:
“Con người sẽ ưu thắng”. Đây chẳng phải, biết đâu, là chân lí của tiểu thuyết sao? Loài người sẽ ưu thắng và họ sẽ ưu thắng bởi vì, dù cho có những sự cố của lịch sử, tiều thuyết bảo chúng ta rằng nghệ thuật phục hồi đời sống trong chúng ta vốn đã bị làm ngơ vì sự hối hả của lịch sử.
Văn học làm hoá thật những gì lịch sử đã bỏ quên. Và bởi lịch sử là cái gì đã là, văn học sẽ cung hiến cái gì lịch sử đã không luôn từng là. Đó là lí do chúng ta sẽ không bao giớ chứng kiến – trừ tai biến đại đồng – sự kết liễu của lịch sử.
Vậy xin hãy so sánh những lời của Franz Kafka và William Faulkner với những
quan niệm sống sượng về sự kết liễu của lịch sử và cuộc đụng độ của các nền văn minh. Tôi nói như một nhà văn bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha từ một châu lục mang tính chất Iberia [Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha], Da đỏ, và Mestizo [lai Da đỏ], Da đen, và Mulatto [lai Da đen], Đại tây dương và Thái bình dương, Địa trung hải và Caribê, Kitô giáo, Arập và Do Thái, Hi Lạp và Latinh.
Nếu tôi trung thành với những thành đạt nhưng trên hết với những mục đích, với những kết quả cũng như với những khả tính của văn hoá của chính mình, tôi không thể chấp nhận rằng chúng ta đang sống trong một
cuộc đụng độ của các nền văn minh bởi vì mọi nền văn hoá mà tôi đã chiêu gọi đó là của tôi, không phải đụng độ, mà là trò truyện,
nói với nhau, tranh đua để hiểu biết, giao lưu trong chính linh hồn tôi tính tương đối của cà đắc thắng và thảm bại, nhu cầu mạo hiểm vô uý kị những gì sẽ không bao giờ điêu tàn dù cho có bị lùi lại – những nền văn hoá Da đỏ và Islam của tôi – để đạt cái nghĩ mình là trường cửu – những mạch Tây Âu, Kitô giáo trong hiện hữu của tôi vượt ngoài sự đủ đầy hiện tại – và khánh chúc nơi gặp gỡ của tất cả họ, nơi chốn của tiếng nói và suy nghĩ và trí nhớ và trí tưởng tượng mà mỗi người chúng ta mang theo mình, đòi chúng ta tham dự vào một cuộc đối thoại của các nền văn minh và phủ nhận sự kết liễu của lịch sử.
Vì làm sao lịch sử có thể kết liễu chừng nào chúng ta chưa nói ra lời cuối?
Bản tiếng Việt © 2007 talawas