trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
23.8.2007
André Comte–Sponville, Jean Staune
Khoa học có thể bác bỏ được thuyết vô thần không?
Phong Uyên dịch
 
Lời người dịch: Trên diễn đàn talawas mới đây có nhiều bài bàn về Thượng đế. Những bài này có thể chia làm hai loại đối nghịch nhau: Loại muốn chứng minh là có Thượng đế, một đấng sáng tạo ra sự sống và vũ trụ theo nghĩa của các đạo Thiên chúa, nhất là Ki tô giáo. Loại muốn dùng lý luận khoa học, nhất là thuyết tiến hóa của Darwin để phủ nhận có Thượng đế. Loại này phần nhiều là nguyên tác của một số học giả Anh Mỹ được đặc biệt dịch ra tiếng Việt với chủ ý đó. Trong số các tác giả và dịch giả, phải kể Đỗ Xuân Phương, Thích Bình Thường, Trần Hữu Thuần, Trần Tiên Long, Nguyễn Nhân Trí... Tôi đã có nhiều dịp đưa ý kiến với một vài tác giả khi đọc những bài đó. Nhưng ý kiến tôi đưa phần nhiều chỉ giới hạn về dịch thuật và về nghĩa của một vài từ tiếng Việt được chua bằng tiếng Anh. Nhiều khi hai nghĩa tương phản nhau khiến người đọc lúng túng không biết phải hiểu theo nghĩa nào. Cách đây mấy tháng trên tờ nhật báo Pháp Le Figaro có bài chép lại cuộc tranh luận giữa nhà triết học André Comte-Sponville và nhà khoa học Jean Staune dưới sự chủ toạ của tờ báo này. Tôi xin dịch để độc giả talawas, phần nhiều quen tiếng Anh, có thêm tài liệu bằng tiếng Pháp. Trước khi dịch, tôi cũng xin nói qua về thân thế của hai nhân vật này:

Ông André Comte-Sponville là một nhà triết học duy vật Pháp rất “ăn khách”, luôn được giới truyền thông mời. Ông là đồ đệ của giáo sư Althusser, một triết gia marxiste ở trường Đại học Sư phạm ULM, trường của J. P. Sartre và Trần Đức Thảo. Ông viết 20 cuốn sách về triết học. Có cuốn được dịch ra nhiều thứ tiếng. Cuốn sau cùng của ông mới đây là cuốn L'Esprit de l'athéisme, introduction à une spiritualité sans Dieu (Óc vô thần, lối vào của một đời sống tinh thần không Chúa) nói về truyền thống duy vật, di sản của nhiều nhà hiền triết Hi Lạp thời cổ.

Ông Jean Staune, nhà sáng lập Đại học Liên ngành Paris (Giáo sư Trịnh Xuân Thuần có trong số giáo sư dạy ở trường này) là một nhà toán học kiêm cổ sinh vật học, tốt nghiệp khoa chính trị học, lại rất thích triết lý về khoa học, mới xuất bản cuốn Notre existence a-t’elle un sens? (Sự hiện hữu của chúng ta có ý nghĩa nào không?). Cuốn sách đồ sộ hơn 500 trang này là kết quả của 19 năm tìm tòi khảo cứu và đặc biệt là Trịnh Xuân Thuần, giáo sư môn vũ trụ học Đại học Virginia Mỹ, nhà Phật học, tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng, viết phần tưạ.

Ông Comte-Sponville và ông J. Staune có những nhận thức khác nhau về khả năng của triết học và khoa học:

Ông Comte-Sponville cho những tư tưởng triết học có thể trường tồn vì không cần phải chứng minh như những lý thuyết của khoa học luôn luôn biến đổi tùy theo những khám phá mới hay những chứng minh ngược lại. Như nhiều nhà triết học Pháp theo thuyết duy vật chất (matérialisme), ông cho hiện hữu của vật chất là tự tạo và vật chất là duy nhất. Còn nhà khoa học J. Staune là người theo thuyết Duy ý (idéalisme), có ý cho là những khám phá mới đây của khoa vật lý học, nhất là khoa cơ học lượng tử, có thể làm lung lay những luận cứ của thuyết duy vật và có thể chứng minh là không bác bỏ được sự hiện hữu của một “tầm thực tại khác” (ám chỉ Trời của các đạo Thiên chúa hay tinh thần của các đạo khác).

Lẽ tất nhiên, muốn hiểu cặn kẽ những lý luận của hai ông này cần phải đọc sách của họ. Tôi cũng muốn có dịp tóm tắt lại bằng tiếng Việt những ý chính trong sách của ông J. Staune, nhất là phần suy luận từ những khám phá mới của khoa cơ học lượng tử.

Có những từ ngữ tôi cố dịch lại cho thật sát nghĩa gốc của nó từ tiếng Hi Lạp - La Tinh (có chua theo) nên hơi khác với những từ Hán-Việt thường dùng mà theo tôi chỉ có nghĩa tương đương hay nghĩa giới hạn: Lấy thí dụ như hai từ thường dùng là “duy vật” và “duy tâm”. Không những hai từ ngữ này không đúng với nghĩa gốc của nó mà chính trị còn làm cho nó mất ý nghĩa triết học. Nhưng chắc chắn khi dịch vẫn không tránh được phản nghĩa hay mù mờ, hay sẽ gây tranh cãi. Mong các bạn chỉ bảo để sửa đổi.



*


Le Figaro: Hai ông là người nghiên cứu rất nhiều về thuyết duy vật chất (matérialisme), một vấn đề đã đưa ra cuộc bàn cãi sôi nổi trong cộng đồng các nhà triết học Âu Tây. Ông André Comte- Sponville, ông là nhà duy vật chất. Vì sao?

André Comte–Sponville: Trước hết chúng ta phải hiểu hai nghĩa của khái niệm này. Duy vật chất theo nghĩa tầm thường, chỉ một người không có lý tưởng, chỉ sống để vui thú thể xác. Theo triết học, nó có nghĩa hoàn toàn khác! Duy vật chất có một vị thế siêu hình (une position métaphysique): Đó là tư duy tất cả đều là vật chất hay được cấu tạo từ vật chất. Tôi cũng không nói vật chất theo khái niệm khoa học về vật chất. Khái niệm này luôn luôn biến chuyển. Tôi chỉ đứng về phương diện triết học gọi “vật chất” là cái hiện hữu độc lập với tinh thần. Vấn đề là cái nào có trước: tinh thần tạo ra vật chất hay vật chất tạo tinh thần? Thuyết Duy ý (l'idéalisme) cho vế đầu là đúng; thuyết duy vật chất cho vế sau là đúng và có nghĩa là phủ nhận sự hiện hữu có một đấng sáng tạo và có một linh hồn phi vật chất (âme immatérielle). Theo thuyết duy vật chất, không có một tinh thần nào tạo ra thế giới; Đó là thiên nhiên vô tạo (incrée) đã sau cùng làm nảy sinh ra tư duy trong óc con người. Tôi chỉ là một vật thể, vì vậy tôi không thể có cuộc sống sau thân thể tôi được: duy vật chất là có ý nghĩ không có một đời sống nào sau khi chết. Đó là những ý chính của thuyết duy vật chất từ thời Démocrite và Épicure cho tới bây giờ.

... Cái thuyết duy vật chất này, ông bạn Jean Staune muốn nói gì thì nói, sẽ không thay đổi gì với những biến chuyển của khoa học! Ông bạn cũng như tôi đều biết là không có một điểm tương đồng nào giữa thuyết nguyên tử của Epicure (là một triết học, không phải là một khoa học) và khoa Vật lý hiện đại (là một khoa học, không phải là một triết học). Vì vậy triết học Epicure sẽ cứ tiếp tục soi sáng chúng ta. Siêu hình học không bị những cái bất ngờ chi phối như vật lý học!

Jean Staune: Các triết gia hiện thời chưa tiếp thu được đầy đủ những thay đổi phi thường về cách nhìn sự vật qua những hiểu biết mới mà khoa học đã đem đến, nhất là khoa cơ học lượng tử. Những hiểu biết mới đó đã làm lung lay ít nhất là hai cột trụ của thuyết duy vật mà ông vừa kể: thứ nhất là ý tưởng vật chất có thể tự hiện hữu một cách khách quan (có nghĩa là “hiện hữu có trước tinh chất (essence)”); và, thứ hai, tin chắc là ý thức con người chỉ là sản phẩm của một cơ quan nhận thức trong đầu não. Từ gần 70 năm nay, với cơ học lượng tử, chúng ta biết được là cái định đề đầu không còn lí do để tồn tại. Những đặc trưng của các hạt cơ bản thay đổi tuỳ theo cách người ta quan sát. Cái đó đủ để phủ định ý nghĩ tính chất khách quan nằm ngay trong nội tại của vật chất (objectivité intrinsèque de la matière). Ngoài ra, hiện nay có bao nhiêu nhà thần kinh học thì có bấy nhiêu lý thuyết về ý thức và không một lý thuyết nào có vẻ trội hơn lý thuyết khác. Hơn nữa mới đây, càng thử nghiệm nhiều lại càng thấy không có gì chắc chắn là ý thức là sản phẩm của não bộ. Đó là điều làm tôi nghĩ là duy vật chất đã bị những tiến bộ của khoa học làm yếu đi.

André Comte–Sponville: Ông viết một cuốn sách 500 trang chỉ cốt để tung một cánh cửa đã mở: Cốt để chứng tỏ vẫn có thể tin là có trời. Có ai chối cãi cái sự đó đâu? Ông sẽ thấy không một nhà triết học đứng đắn nào quả quyết không thể tin có trời! Nhưng đứng trên góc độ lô-gíc và siêu hình, từ lâu ai cũng biết - hãy đọc Kant hay Hume, Pascal hay Montaigne - là chúng ta không thể chứng minh được có trời hay không có trời! Đức tin không phải thoát ra từ trò chơi luận chứng và càng không phải từ những bài học về lịch sử các khoa học, mà thoát ra từ sự biến chuyển của tâm thức (mentalités). Để biết một nhà khoa học là duy vật chất hay duy ý, tôi không cần phải hỏi anh ta trước ngưỡng cửa phòng thí nghiệm, tôi hỏi anh ta trước cửa nghĩa địa. Câu hỏi thiết thực là thế này: khi mất một người thân yêu, anh có cảm nghĩ là một ngày kia sẽ gặp lại người đó hay không? Vả lại, ông có vẻ lẫn lộn sự hiểu biết về thực tại với thực tại. Ông viết: cái gọi là vật chất chỉ là một cỗ phương trình. Ông hãy thử đổ phương trình vào thùng xăng xe ông coi nó có chạy không! Sự hiểu biết về vật chất có thể trừu tượng nhưng vật chất không phải là một thứ trừu tượng! Hiểu mặt trời qua những phương trình không có nghĩa là phương trình có thể làm cây cối mọc hay làm anh cháy nắng!

Jean Staune: Tôi chỉ xin nhắc lại là ngày nay người ta có thể biết một cách chính xác không thể tưởng tượng nổi - và đó là một cuộc cách mạng trong khoa luận về khoa học (épistémologie) - tại sao không bao giờ ta có thể biết được một vài sự việc. Thí dụ như người ta dư biết là vì sao ta sẽ không bao giờ biết được cùng một lúc vị thế và tốc độ của một hạt cơ bản. Không vì vậy mà tôi suy luận là có một ông trời ngồi giữa các chư thánh. Tôi chỉ tự hỏi một cách giản dị là vũ trụ của chúng ta có thể tự hiện hữu được không, nó có thể tự nó là nguyên nhân của nó hay không. Cái mà tôi muốn chứng minh là, nếu ta tiếp tục lập luận đó, ta sẽ nhận thấy trong mọi lãnh vực quan trọng của khoa học (vật lý, toán học, vật lý thiên văn, sinh học, thần kinh học), ở một mức độ nào đó đều đã xảy ra những cuộc cách mạng ngang với cuộc cách mạng đã gây ra bởi những khám phá của Copernic. Cách đây năm thế kỷ, đồng loại chúng ta cứ đinh ninh là chúng ta sống trong một trái địa cầu có đường kính 20000 km, những ngôi sao là những điểm trên một hình cầu trong như tinh thể và mặt trời xoay vần quanh chúng ta. Nhờ Copernic, ta đã lần lần khám phá là mặt trời có đường kính 1,4 triệu Km và có hàng trăm tỷ mặt trời trong giải ngân hà của ta và còn có hàng nghìn giải ngân hà khác. Cái nhãn quan mới về thế giới đã “đập” vào xã hội một cách mạnh mẽ trong đủ mọi phương diện từ kinh tế đến xã hội, đến chính trị, tuy kéo dài trong nhiều thế kỷ. Cuốn sách của tôi có mục đích là để cho công chúng thế kỷ thứ XXI có ý thức là đang có một cuộc cách mạng khác, không phải là để tung một cánh cửa đã mở!

André Comte–Sponville: Cái đó chả thay đổi gì về vấn đề có Trời hay không có Trời...

Jean Staune: Tuy cơ học lượng tử không thử nghiệm được là có Trời hay không, nó cho phép mở rộng “phạm vi những cái có thể”. Khoa vật lý này chứng minh là có sự hiện hữu của một tầm hiện thực (niveau de réalité) nằm ngoài sự suy đoán của mọi người. Không có cái gì của tầm hiện thực đó đưa ta tới ý tưởng là có Trời đầy tình thương với chúng ta. Nhưng các đạo lớn - kể cả các đạo không tin là có Trời như đạo Phật và đạo Lão - đều có những trực giác và trực cảm rất mạnh bắt nguồn từ hai nguyên lý: sự hiện hữu của “tầm hiện thực” và mối giao liên giữa bộ óc con người và “cấp bậc” này (cette instance). Những nguyên lý này đáng được tin hơn từ khi có những khám phá của khoa cơ học lượng tử cũng như của vật lý thiên văn và thần kinh học. Đó thật sự là điều mới lạ. Thưa ông André Comte-Sponville, ông quả quyết là “tất cả các đạo đều nội tại (immanentes), đều bắt nguồn từ chúng ta”. Sao ông biết được như vậy? Trong một thế giới “mở”, không ai có thể có cái quả quyết thẳng tuột (a priori) đó cũng như không ai được phép dựa vào cái lý thuyết “tiên khởi là vật chất” mà ông cho là “thực tại”. Trái với những lời ông nói, không phải chỉ những gì chúng ta biết về những nền tảng của thực tại có thể để vào phương trình, mà chính ngay thực tại. Thực tại gần một phương trình hơn là gần một sự vật (une chose). Nếu đây là đúng và hơn nữa, nếu thế giới của chúng ta không “tự đủ” (autosuffisant), không thể tự hiện hữu và để giải thích vì sao như vậy, óc con người phải gắn bó với một tầm thực tại khác, thì điều đó làm lay động mạnh thuyết duy vật chất kinh điển. Tất nhiên là tôi không dám đoán phỏng bản chất của tầm thực tại đó. Tôi không nói là có ông Trời tốt ở trong đó nhận lời cầu xin của mình và lo cho hạnh phúc mình. Nhưng cái khái niệm đó hết bị coi là phi lý.

André Comte–Sponville: Các nhà triết gia thời buổi nào cũng đều biết là tin ở Trời và tin có một đời sống sau khi chết không có gì là phi lý cũng như thuyết duy vật chất và thuyết vô thần cũng không phi lý gì hơn. Đây chỉ là vấn đề siêu hình học, không phải là vấn đề khoa học. Khi tôi nói đạo giáo là nội tại, tôi không đưa ra một định đề mà đưa ra một luận đề: đó là lập trường của tôi (ma position), không phải là một sự hiển nhiên (une évidence) hay là một sự cần thiết (une nécessité)! Ông không cân nhắc được là những cái thuộc về khoa học có thể chứng minh hay bóp méo được. Không thể làm được như vậy với những cái thuộc về siêu hình. Giữa hai lập luận ông phải chọn một: hoặc là chỉ căn cứ vào cái yếu kém của bản lập luận của ông là tin Trời không có gì là phi lý, như vậy đúng là ông muốn tung cánh cửa đã mở; hoặc là ông tự phụ là có nhiều khả năng tin Trời bây giờ hơn thế kỷ thứ XIX, trường hợp này ông đang từ bỏ lịch sử khoa học để đi đến một vị thế siêu hình. Cách tiến hành của ông đối với tôi thật là trái khoáy.

Jean Staune: Ông không thể chối cãi được là có nhiều bạn đồng sự của ông quả quyết là khoa học đã giết Trời! Cách tiến hành của tôi lấy căn bản là triết lý về khoa học. Những nhà vật lý chủ chốt ngày nay đều đồng ý là không có phương cách thoả đáng nào để diễn tả quá trình diễn tiến căn bản của các hạt nhân trong thiên nhiên theo nghĩa của các từ ngữ (en termes de...) không gian, thời gian và quan hệ nhân quả (causalité). Tất cả những gì ta biết về thiên nhiên đều đưa ta tới cái quan niệm là căn bản của nó đều nằm ngoài thời gian và không gian nhưng lại làm nảy sinh ra những sự kiện nằm trong thời gian và không gian. Tôi không quả quyết gì khác với những điều đó, nhưng những hệ quả của sự móc nối nhau gây ra bởi sự thay đổi tổng thể những quan niệm về khoa học (ce changement de paradigme) rất là to tát.

Le Figaro: Ông Jean Staune có vẻ muốn nói không thể tư duy về triết học được nếu không dựa vào khoa học. Ông nghĩ gì về điều ấy thưa ông André Comte-Sponville?

André Comte–Sponville: Thật là một câu nói vô vị hay là một sự sai lầm! Tất nhiên là không ai còn muốn cặp đôi với vũ trụ luận của Aristote hay của Epicure. Nhưng về triết học, đạo đức học (l'éthique) và siêu hình học, Aristote và Épicure soi sáng ta muôn ngàn lần hơn ông bạn Jean Staune! Chuyện giản dị là về phương diện siêu hình không có một tiến bộ nào cả. Vì vậy có thể nói, những nhà siêu hình học đại danh, theo đúng định nghĩa, sẽ không ai vượt nổi. Còn bất kỳ một nhà vật lý học nào cách đây một trăm năm cũng đã đều bị qua mặt bởi các đồng nghiệp thời nay. Khoa học trong quá khứ là khoa học đã quá thời, khác với triết học.

Le Figaro: Ông nghĩ là không bao giờ khoa học có thể phủ định được một triết lý.

André Comte–Sponville: Bất cứ trong trường hợp nào khoa học cũng không phủ định được cốt lõi của triết học là đạo đức học và siêu hình học: Những khoa này luôn luôn sống động. Chính ông Jean Staune cũng xác nhận như vậy: ông tự thừa nhận điểm tựa của ông là một loại lý thuyết phỏng theo Platon...

Jean Staune: Nhưng khoa học đã làm lụn bại tất cả những công trình triết học xây trên ý tưởng là vũ trụ có 6000 năm tuổi và trái đất là trung tâm của thế giới! Cũng như vậy theo tôi, khoa học sẽ làm lụn bại những triết lý lấy ý tưởng “vật chất tự nó đã đầy đủ” làm nền tảng độc nhất để loại bỏ mọi hệ tư tưởng khác, trong quá khứ cũng như hiện tại.

André Comte–Sponville: Tất nhiên! Nhưng tôi xin nhắc lại với ông là tôi chỉ nói về siêu hình, chẳng bao giờ nói về vũ trụ học mà ông cứ lẫn lộn hoài. Rõ ràng là khoa học có làm biến đổi những quan niệm của chúng ta về thế giới, nhưng nó không thể làm đảo lộn triết học nói chung và triết học cũng sẽ không tự giới hạn mình để chỉ bình luận những cách mạng khoa học mới xảy ra. Cũng vì vậy, ông bạn Jean thân yêu, tới thế kỷ sau sách của ông sẽ quá hạn, sách của tôi sẽ vẫn luôn luôn đúng thời...

Stéphane Marchand và Marie Laure Germon ghi.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: Le Figaro thứ Bảy - Chủ nhật, 03-06-2007