trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
15.8.2007
Hoàng Văn Chí
Lão Tử người Ấn Độ
 
Học giả Hoàng Văn Chí sau một thời gian sống tại Ấn, đã chứng minh rằng Lão Tử gốc Ấn Độ. Ông giải thích tên "Lý Nhĩ Đam" (Ông Lão Tai Dài) với dạng tai dài như tai Phật của người Ấn, và giải thích chuyện Lão Tử cưỡi bò theo thói tục người Ấn (mà không cưỡi ngựa như người Trung Quốc) và đi về phương Tây (Ấn Độ). Sau đây là một đoạn về Lão giáo trích trong tập Duy văn sử quan của tác giả Hoàng Văn Chí.

Nường Lý


*


Lão giáo

Lão giáo là triết học của Lão Tử, mà thân thế của Lão Tử rất mơ hồ. Lão Tử chỉ có nghĩa là “Ông Già”, hay “Ông Thầy Già” (The Old Master). Ông Thầy Già ấy tên thực là gì, sinh ở đâu, năm nào, chết ở đâu, năm nào, là một vấn đề không ai đồng ý với ai.

Có một huyền thoại nói khi Khổng Tử còn trẻ tuổi, đến gặp Lão Tử để hỏi về lễ, bị Lão Tử mắng cho một trân tơi bời. Mặc dầu vậy, Khổng Tử về nhà bảo đệ tử: “Ta biết chim bay như thế nào, ta biết cá bơi như thế nào. Chứ như con Rồng thì ta không biết nó bay liệng như thế nào. Nay ta thấy Lão Tử như con Rồng!” Các học giả ngờ rằng đấy chẳng qua là câu chuyện sau này phe Lão học bịa ra để phản tuyên truyền phe Khổng học. Nếu quả thật hai người có gặp nhau thì cả hai đều sống vào thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch.

Bốn thế kỷ sau, Tư Mã Thiên có chép trong cuốn Sử ký của ông rằng Lão Tử là người nước Sở, bây giờ là Hồ Nam, họ Lý, tên Nhĩ, tự là Đam, hiệu là Bá Dương, thọ hơn 200 tuổi . Chắc đấy là chuyện người sau bịa đặt rồi nhét vào cuốn Sử ký để thần thoại hoá Lão Tử.

Lý là cây mận, Nhĩ là tai, và Đam là cái tai dài (như tai Phật). Các học giả bàn tán rất nhiều về hai chữ Nhĩ và Đam. Có người đoán Lão Tử là người nọ, người kia trong lịch sử Trung Quốc, nhưng tất cả đều vu vơ và tỏ ra là sai. Chúng tôi thực tình tin rằng thiên hạ chú ý đến cái tai dài đặc biệt của ông nên gọi ông là “Ông Tai Dài" và chúng tôi sẽ trình bầy lý do tại sao chúng tôi lại ngờ như vậy.

Về điểm Lão Tử có tên hiệu là Bá Dương thì Hồ Thích phê bình: “Sở dĩ người sau nói rằng Lão Tử tự là Bá Dương vì đời Chu U Vương có vị thái sư tên là Bá Dương. Họ muốn gộp hai người thành một, để nói Lão Tử đã làm quan to dưới triều U Vương. Nhưng nếu vậy thì khi Khổng Tử ra đời thì Lão Tử đã sống được 250 tuổi rồi… Những chuyện bịa đặt như vậy chứng tỏ những gì mà kim bản Sử ký đã nói đều do người sau nguỵ tạo ra vậy.”

Tuy nhiên Hồ Thích cũng loay hoay mãi mà chẳng giải thích được tại sao người ta lại gọi ông là Lão Tử, rồi kết luận cả ba chữ Lão, Nhĩ, Đam, đều là tên tự, còn tên thật là gì không biết.

Cũng vì sách vở như vậy, kể cả cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên, nên chúng tôi phải nghe lời Mạnh Tử mà không dám “Tận tín thư”.

Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng chép rằng Lão Tử làm quan cho Nhà Chu, giữ chức “tàng thất” . Bây giờ “tàng thất” có nghĩa là viện bảo tàng hay thư viện quốc gia, nhưng ngày xưa có nghĩa là cơ quan phụ trách về thiên văn và lý số.

Tư Mã Thiên cũng kể chuyện một hôm vì thấy Nhà Chu suy đồi nên Lão Tử chán nản bỏ đi. Ra tới cửa ải, viên quan lệnh (canh cửa) giữ lại, không cho đi. Lão Tử hỏi: “Tại sao cho người khác đi mà không cho tôi đi?” Viên quan lệnh đáp: “Ông là một người đặc biệt. Tôi biết ông là một vị thánh hiền, nhưng ông chưa sản xuất một cuốn sách nào cả. Nếu hôm nay tôi để cho ông đi khỏi nước tôi thì chẳng còn tư tưởng nào của ông để lại cho chúng tôi.” Lão Tử bèn điều đình “Nếu tôi ngồi ngay đây, viết một cuốn sách, giao cho ông thì ông có cho tôi đi không?” Viên quan lệnh mừng quýnh là đã bắt bí được Lão Tử, bèn mang bút mực và thẻ tre để Lão Tử viết sách.

“Ông Lão Tai Dài” viết một lèo 81 bài thơ, đưa cho viên quan lệnh, rồi đi mất hút về phía Tây. Không ai biết ông đi tới đâu và chết ở đâu.


Đạo đức kinh

Những bài thơ ấy sau này xuất bản thành sách gọi là Đạo đức kinh.

Có một vấn đề khó giải quyết. Như đã trình bầy ở trên, Ấn Độ có một triết gia mà họ gọi là Lão Tử (Purana Kassapa). Bây giờ Tàu lại nhận họ cũng có Lão Tử, để lại cho họ quyển Đạo đức kinh viết bằng chữ Hán. Cả hai ông đều ưa nói “chéo cẳng ngỗng”, nhưng câu hỏi cần được giải đáp là: “Tác giả quyển Đạo đức kinh là Lão Tử Tàu hay Lão Tử Ấn Độ?” Muốn trả lời câu hỏi ấy, chúng ta hãy đọc qua cuốn sách.

Cuốn sách gồm có 81 bài thơ không có tên. Phần lớn là thơ tự do, không có vần, có điệu, và không theo thi luật nào cả.

Có một điều đặc biệt mà tất cả các học giả đều công nhận: Hầu hết các bài thơ trong Đạo đức kinh rất tối nghĩa, có nhiều bài nói như người mê sảng, không có nghĩa lý gì cả. Vì tối nghĩa nên ai muốn tán thế nào cũng được, dịch thế nào tuỳ ý.

Hãy lấy bài số 6 làm tỉ dụ:

Cốc thần bất tử
Thị vi Huyền-tẫn
Huyền-tẫn chi môn,
Thị vị thiên địa căn.
Miên miên nhược tồn,
Dụng chi bất cần.


Học giả Nguyễn Duy Cần dịch:

Thần hang không chết
Nên gọi Huyền-tẫn
Cửa của Huyền-tẫn,
Gốc rễ của Đất Trời
Dằng dặc như còn hoài,
Dùng hoài mà không hết.


Mấy câu hỏi cần nêu lên:

  • Cốc thần (Thần hang) là cái gì?

  • Huyền-tẫn là cái gì? (Huyền là tím đen. Tẫn thuộc giống cái.)

  • Huyền-tẫn chi môn (Cửa tím đen của giống cái) là cái gì?

Phải chăng “Cửa tím đen của giống cái” là cái “nhất thốn thổ” mà bà Đoàn Thị Điểm đã bảo: “Đại trượng phu giai do đồ xuất”?

Vì mỗi học giả, Ta, Nhật, Tây, đều dịch theo ý mình, chúng tôi cũng tự cho phép dịch theo thiển ý của chúng tôi như sau:

Nguồn sinh bất tận
Nhờ có âm hộ
Tự nơi cửa mình
Muôn loài chui ra
Dùng tái, dùng hồi
Mà vẫn không chán.


Có độc giả sẽ bảo: “Nhảm quá! Một cuốn sách bàn về đạo đức mà tại sao lại thô tục như vậy?”

Xin thưa:

  • Đạo đức kinh không phải là sách giảng về đạo đức, mà là sách bàn về thiên nhiên, để đi tới kết luận: Người phải sống theo cái lý bất biến của thiên nhiên.

  • Nếu tác giả là Lão Tử Tàu thì chắc ông không nghĩ “nhảm” như vậy.

  • Nhưng nếu tác giả là “Ông Già Tai Dài” Ấn Độ thì chẳng có gì lạ, vì người Ấn coi chuyện tình dục là tự nhiên, là thiêng liêng. Họ có cả một cuốn “Kinh” dạy đủ kiểu “làm tình” gọi là Kama-sutra.

Năm 1960, chúng tôi tới thăm gian hàng của chính phủ Ấn trong Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế ở New Delhi – Việt Nam Cộng hoà cũng có dự – chúng tôi thấy họ kẻ chữ trên suốt bề dài của gian phòng: “Trời là Đực, Đất là Cái. Mưa là Trời và Đất giao hợp với nhau. Hạt mưa là tinh trùng của Trời làm cho Đất thụ thai và sinh ra cây cỏ."

Do đó, chúng tôi ngờ rằng nguyên bản cuốn Đạo đức kinh viết bằng tiếng Phạn, và tác giả là ông Lão Tử Ấn Độ mà người Ấn gọi là Kassapa.
Nguồn: Mạc Định Hoàng Văn Chí, Duy văn sá»­ quan, USA: Tủ sách Cành Nam, 1990, 213-216.