trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
7.7.2007
Lê Hữu
“Hát sai, hát đúng” ca từ Trịnh Công Sơn
(Trả lời anh Thái Hoà, tác giả bài viết “Con ‘tinh’ yêu thương, phản hồi cho tác giả Lê Hữu”)
 
Anh Thái Hoà thân mến,

Mới đây, nhân đọc được bài “Con ‘tinh’ yêu thương, phản hồi cho tác giả Lê Hữu” của anh đăng trên talawas 16.6.2007, đưa ra “một số những phân tích ngắn của Thái Hoà và bạn bè” về vài đoạn trích từ bài viết “Ảo giác Trịnh Công Sơn” của tôi đăng trên tạp chí Văn Học, California, số 214 & 215 tháng 2 & 3/2004, tôi xin gửi đến anh ít hàng phúc đáp.

Thứ nhất, xin cám ơn các anh chị (được anh cho biết là “những độc giả trẻ, muốn yêu và hiểu Trịnh Công Sơn”) đã đọc qua bài viết ấy của tôi và cho những “phản hồi”.

Thứ hai, xin có một hai ý như thế này:

Người viết các bài nhận định hoặc lý luận, phê bình về văn học, nghệ thuật, dù có viện dẫn những lý lẽ thuyết phục đến đâu cũng không thể buộc người khác phải tin theo mình, đồng thời luôn luôn tôn trọng và dành quyền phê phán, bày tỏ ý kiến về nội dung bài viết (đồng tình hoặc không đồng tình) cho người đọc. Tạp chí Văn Học, số đăng bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn”, cũng nêu rõ ý này (Thư toà soạn): “Bạn đọc có thể không chia sẻ với tác giả một số điều, nhưng theo nhận định của Văn Học, đây là một bài viết công phu vào loại hàng đầu về Trịnh Công Sơn từ trước đến nay, trong nước cũng như hải ngoại.” (Tất nhiên là người đọc cũng... “có thể không chia sẻ” nhận định này của Văn Học).

Việc trích dẫn một vài đoạn ngắn trong một tiểu mục của một bài viết khá dài, rồi đưa ra những nhận xét, phê bình về bài viết, khiến người đọc không dễ hình dung và nắm bắt được chính xác vấn đề, không hiểu và không biết đầu đuôi câu chuyện ra sao và thật sự không dễ cho tác giả khi muốn được phúc đáp những “phản hồi” theo cách ấy. Tuy nhiên, do tôn trọng ý kiến của anh và để giải toả những nghi vấn mà anh nêu ra trong bài, tôi xin được trả lời cùng anh như sau:


1.

Về “con ‘tinh’ yêu thương”: sau khi đọc lại bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn” trong Văn Học số 02-03/2004, tôi không tìm thấy đoạn hay câu nào đề cập đến “con tinh yêu thương” như anh nói. Giá mà anh cho biết đoạn ấy ở trang nào, dòng nào của tờ báo thì hay biết mấy, và độc giả nào có số báo ấy cũng sẽ dễ dàng xác minh điểm này.

Đúng như anh nói, “một số diễn đàn nhạc Trịnh” có đăng bài này, nhưng họ đăng thế nào và từ những “nguồn” nào thì tôi chịu. Tôi được biết có những bài viết đã trích dẫn (có hoặc không ghi là “trích dẫn”) vài hoặc nhiều đoạn từ bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn” với những thay đổi, thêm, bớt... (Bài “phản hồi” của anh có đường link dẫn vào trang web “đăng” bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn”, tôi đã xem qua và nhận ra những chi tiết khác biệt so với bài viết chính thức đăng trên tạp chí Văn Học). Cách tốt nhất khi ta muốn trao đổi đúng đắn về bất cứ chuyện gì là tìm đến những nguồn chính thức, nhất là đối với công việc anh đang làm là “sưu tập, tổng hợp các bài viết có tính nghiên cứu về Trịnh Công Sơn cho các đề án âm nhạc...” với một “thái độ nghiêm túc”, như anh cho biết trong bài viết của mình.


2.

Về những đoạn được anh trích ra từ tiểu mục “hát sai, hát đúng” của bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn”, anh nhận xét là “sai lầm”, với những lời phê bình và nghi vấn, như: “rất thiếu căn cứ”, “thiếu tư liệu”, “hồ đồ”, “làm ‘méo mó’ sự thật”, “có nhiều đoạn chủ quan đến mức ‘cả gan’”, “thật không hiểu ông Lê Hữu lấy bằng chứng từ đâu để nhận định như trên(?)”… Ðặc biệt, những lời khẳng định mạnh mẽ như:

“Một lần nữa chúng tôi kiểm tra lại tất cả bản in có được về bài ‘Chiếc lá thu phai’ đều là ‘... vội vàng thêm những lúc yêu người’ ”.

“Chính ông Lê Hữu đã ‘chế’ lời của Trịnh Công Sơn khi viết: ‘Câu đúng là ‘thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình’... Chính thủ bút của Trịnh Công Sơn trong tập Em còn nhớ hay em đã quên – xuất bản năm 1991 đã viết ‘... như một lần qua cuộc tình’. Ông Lê Hữu quả thật quá ‘hồ đồ’...”

Thưa anh Thái Hoà, bài “phản hồi” của anh không phải là bài đầu tiên trong số những feedback tôi nhận được từ người đọc dành cho bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn”. Người đọc, một số chia sẻ sự đồng cảm trong cách nhìn về âm nhạc và con người Trịnh Công Sơn, một số nêu ra những điểm đồng tình và không đồng tình, và cũng không ít người, đa số là các bạn trẻ, nêu lên những nghi vấn tương tự như anh. Có khác là các bạn ấy chỉ tỏ sự ngạc nhiên và đặt những câu hỏi tự nhiên, đơn giản như cuộc chuyện trò nhẹ nhàng bên tách café giữa những bè bạn. “Thật vậy sao?” các bạn ấy chỉ hỏi vậy. Và tôi chỉ trả lời một cách nhẹ nhàng bằng cách mời các bạn trẻ ấy nghe cho vui một vài bài hát cũ. Nghe xong, các bạn ấy không dấu được vẻ thú vị, và chúng tôi trở thành những người bạn về sau này. Những cuộc chuyện trò văn nghệ như thế đến nay vẫn còn tiếp tục.

Chắc tôi cũng không làm gì khác hơn là mời anh nghe một vài bài nhạc của Trịnh Công Sơn, trong đó các ca sĩ đã hát... không giống với những lời trong các “bản in” mà anh “có được”, nhưng không khác với những lời mà “ông Lê Hữu đã ‘chế’” ra.

Ca sĩ Khánh Ly hát “Chiếc lá thu phai” (“... vội vàng thêm những phút yêu người”)

Ca sĩ Ngọc Lan hát “Ðêm thấy ta là thác đổ” (“... đời ta hết mong điều mới lạ”)

Vẫn chưa hết, chắc sẽ là một ngạc nhiên thú vị đối với anh:

Ca sĩ Lệ Thu hát “Tình xa” (“... thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình”)

Ca sĩ Elvis Phương hát “Tình xa” (“... thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình”)

Ca sĩ Khánh Ly hát “Tình xa” (“... thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình”)

Và tôi xin gửi biếu anh bản nhạc “Tình xa” ấy, để anh tham khảo và đóng góp vào kho sưu tập “cho các đề án âm nhạc” của mình.

Như anh đã nghe và thấy, tôi không “chế” ra đâu, và dù có muốn cũng không “chế” được, vì ngôn ngữ Trịnh Công Sơn thuộc về Trịnh Công Sơn, tôi không làm giả được.

Trong bài “phản hồi”, anh cho rằng đôi lúc khá “đau đầu” trong quá trình đi tìm câu trả lời đúng, sai cho những nghi vấn về ca từ Trịnh Công Sơn. Tôi e rằng anh sẽ còn “đau đầu” hơn khi biết rằng không chỉ ca sĩ thôi, mà đôi khi, nhạc sĩ cũng hát sai lời bài nhạc của mình, vì những lý do khác nhau (tôi không nói đùa đâu).

Tôi cũng xin cám ơn anh Thái Hoà cho biết: “Chính thủ bút của Trịnh Công Sơn trong tập Em còn nhớ hay em đã quên – xuất bản năm 1991 đã viết ‘... như một lần qua cuộc tình’...” Tôi rất muốn tin điều này. Anh đã viết như thế thì chắc là phải đúng thôi, và tôi cũng không muốn tìm hiểu thêm. Tất nhiên là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có trọn quyền để làm việc ấy (như vài nhạc sĩ đã sửa đổi, thậm chí viết lại ca từ khác cho các bài nhạc trước năm 1975 của mình), và việc sửa đổi như thế, nếu có, thì cũng chỉ “như một lời chia tay” với mối “tình xa” của mình.

Trên đây tôi chỉ làm công việc trưng dẫn những “căn cứ” cho điều mà anh gọi là “rất thiếu căn cứ”, nhằm giải toả phần nào những nghi vấn của anh. Nói thực, điều tôi nhắm vào trong bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn” không phải là chuyện ca sĩ này hát sai, ca sĩ kia hát đúng... Nếu thực sự muốn “nhắm” vào, tôi đã phải “đào sâu” hơn thế nữa. Bài “Hát cho một người nằm xuống” (có những tên khác là “Hát cho người nằm xuống”, “Cho một người nằm xuống”, “Cho một người vừa nằm xuống”...) chẳng hạn, không phải chỉ “hát sai, hát đúng” ở “ru anh ngủ”/“ru anh ngủ vùi” mà còn ở chỗ này chỗ khác nữa, như: không phải là “đã bay cao trong vòm trời đầy” mà là “... trên vòm trời này”; không phải là “tiễn đưa nhau trong một ngày buồn” mà là “tiễn đưa anh...”; không phải là “đất ôm anh đưa vào cội nguồn” mà là “... đưa về cội nguồn”; không phải là “trong trời rộng đã vắng anh” mà là “... đã vắng tên”... Nhưng tôi “nhắm” vào những cái khác hơn, và người đọc có thể nhận ra được khi đọc trọn bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn”.

Ngoài ra, tôi cũng xin “phản hồi” về một số câu trong bài “phản hồi” của anh:

Anh viết: “... có vô số những nhận định (thậm chí khẳng định) rất vô căn cứ của những người ‘tự xưng’ là bạn, là hiểu Trịnh Công Sơn.” Xin thưa, cái này nhất định là “không có tôi”!... Tôi không hề là bạn là bè gì của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và cũng không hề cho là “hiểu Trịnh Công Sơn”. Ai cũng biết rằng “hiểu” được một con người không phải là điều đơn giản và dễ dàng.

Anh viết: “Ông Lê Hữu đại ý cho rằng công chúng hiện nay hiểu và cảm nhận rất mù mờ về Trịnh Công Sơn.” Xin thưa, “đại ý cho rằng” ấy là hoàn toàn do cách hiểu của anh. Người đọc, sau khi đọc trọn bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn” (không phải đọc qua vài “trích đoạn” và qua “lời tựa” của anh Thái Hoà), có thể chia sẻ hoặc không chia sẻ cách hiểu của anh.

Anh viết: “Tác giả Lê Hữu ‘chỉ trích’,... ‘kết tội’ các ca sĩ’...” Xin thưa, ca sĩ nếu có hát sai lời là chuyện bình thường. (Thật khó để nêu được tên ca sĩ nào đó chưa từng hát sai lời trong đời ca sĩ của mình). Nói ca sĩ hát sai lời, không có nghĩa là “chỉ trích”, “kết tội” hay... lên án ca sĩ. Các ca sĩ mà tôi nêu tên (viết tắt) trong bài viết là những tiếng hát tôi vẫn yêu thích và vẫn nghe thường. Việc nêu tên ca sĩ, dù chỉ viết tắt, là việc miễn cưỡng và “chẳng đặng đừng”, chỉ vì không thể viết khơi khơi “một nam (hay nữ) ca sĩ hát như thế này, hát như thế kia...”, đồng thời cũng để ca sĩ, nếu có đọc được những dòng viết về mình cũng thấy rằng đấy không phải là những điều bịa đặt. Ðáng tiếc là anh Thái Hoà, trong lúc trích dẫn một cách “chọn lọc”, đã bỏ quên đoạn này: “Chuyện ca sĩ hát sai lời là phổ biến, ở đây không có ý bình phẩm công việc ‘ca hát ngày tháng cho người mua vui’ của người nghệ sĩ... Thực tế, người hát muốn hát sao cũng được, hát thế nào cũng xong, vì người nghe vốn dễ dãi, ít có để ý chuyện đúng, sai.” (“Ảo giác Trịnh Công Sơn”, tạp chí Văn Học 2&3/2004, tr. 161).

Sau cùng, tôi không hề cho rằng anh “có ý định chỉ trích cá nhân tác giả Lê Hữu”. Như đã nói ở trên, việc thẳng thắn bày tỏ ý kiến về một bài viết, đồng tình hoặc không đồng tình, hoặc phản bác ý kiến của tác giả bài viết, không bao giờ là “chỉ trích cá nhân” cả. Anh không “chỉ trích”, anh chỉ “vẽ” ra cho mọi người thấy rằng tác giả bài viết như người mang bộ mặt lớn lối, khoác lác, ra vẻ hiểu biết mọi chuyện, và tỏ ra xem thường “công chúng”. Theo tôi, bộ mặt ấy có vẻ... không dễ thương chút nào đối với người đọc. Tuy vậy, bức vẽ ấy có đẹp hay xấu thế nào tôi cũng xin nhận. Chỉ có điều, giá mà tôi có được một phần nhỏ những hiểu biết như anh tưởng thì có lẽ bài viết ấy phải đổi sang cái tựa gì khác chứ không phải là... “Ảo giác Trịnh Công Sơn”.

Một lần nữa, xin cám ơn anh đã cho những “phản hồi” về bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn”.

© 2007 talawas