trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
27.6.2007
Hoàng Khởi Phong
Nhân văn, "người và việc"
(Nhân dịp Lê Đạt, Hoàng Cầm cho biết sẽ nhận “Giải thưởng Nhà nước" về những cống hiến văn học của những người đã cấu thành vụ án Nhân văn)
 1   2 
 
1.

Câu chuyện Nhân văn bắt đầu từ năm 1956, khi miền Bắc vì áp lực của Trung Cộng, mô phỏng cuộc cách mạng xã hội ở Trung Quốc, ông Hồ Chí Minh tuyên bố cho mọi người, mọi nhà được lên tiếng qua khẩu hiệu: "Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh - Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", thì một số người cầm bút ở miền Bắc gồm: Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Văn Cao, Lê Đạt, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Trần Lê Văn, Hoàng Tích Linh, Sĩ Ngọc... đã nhân cơ hội này tập họp lại, dựng nên tờ báo Nhân văn, đồng một lúc nhà thơ Nguyễn Bính tập kết từ Nam ra Bắc một mình một chợ với tờ Trăm hoa.

Vào thời điểm đó việc chia đôi đất nước qua Hiệp định Genève vừa được chẵn tròn hai năm, việc di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam, cũng như đồng bào miền Nam ra tập kết ngoài Bắc vừa hoàn tất vỏn vẹn một năm. Đoàn quân chiến thắng từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp thu Hà Nội, còn đang ngây ngất vì hào quang kháng chiến. Những người nhìn xa lo kiếm cho mình một chỗ ngồi, một chỗ dựa, một căn nhà... thì các văn nghệ sĩ vốn nhiều mơ ước, lại bị kiềm chế quá lâu trong guồng máy của chiến khu trong thời chiến, bây giờ qua lời tuyên bố “Trăm hoa đua nở” của ông Hồ, ai nấy đều thở ra một cái nhẹ nhõm. Những người làm văn nghệ có thể mơ hồ về tài năng của mình, nhưng họ cũng đủ tinh tế và nhậy cảm để nhìn thấy những điều diễn ra trước mắt, khi một sắc lệnh liên quan đến giới văn nghệ, được phổ biến vào ngày 15.12.1956. Thật ra những người cầm trịch cho guồng máy văn nghệ của nhà nước cũng chỉ phổ biến sắc lệnh này bằng miệng, trong một cuộc họp báo ở Phòng Thông tin tại phố Tràng Tiền. Sắc lệnh được ban hành bằng miệng này chỉ là nhắc lại một sắc lệnh đã được phổ biến bằng văn bản, vào tháng 10.1954, khi Hà Nội mới được tiếp thu sau 100 ngày ngỏ cửa cho dân chúng di cư. Nội dung của sắc lệnh này bao gồm năm điểm:
  • Không được chống chính phủ

  • Không được xúi giục nhân dân và bộ đội làm loạn

  • Không được nói xấu các nước bạn

  • Không được tiết lộ bí mật quân sự

  • Không được đăng tải các bài vở phương hại đến thuần phong mỹ tục.
Có một cái gì đó bất ổn trong nội dung năm điểm cấm này, đó là chưa kể tới điều cấm thứ ba không được nói xấu nước bạn" đầy khôi hài, mà lại có nhiều chất nô lệ cũng như phụ thuộc vào những nước nào được gọi là bạn.

Thành thử trước lời tuyên bố "Trăm hoa đua nở" của ông Hồ, những người làm văn nghệ đã từng nằm gai nếm mật trong chiến khu Việt Bắc hiểu được một điều, mà chính cụ Phan Khôi đã thú nhận: văn nghệ cam chịu phục vụ cho chính trị. Điều mà nhóm Nhân văn cũng như Trăm hoa của Nguyễn Bính nhắm tới là mong mỏi chính trị đừng có xen vào chuyên môn của văn nghệ. Câu chuyện Nhân văn ban đầu khởi đi chỉ giản dị như thế.

Như vậy Nhân văn, “Người và Việc” đã khởi đi từ năm 1956, cho tới nay hơn nửa thế kỷ đã qua đi. Việc thì mỗi ngày mỗi đẻ thêm ra, đến độ không một ai có thể kiểm kê được có bao nhiêu sự kiện đã xẩy ra liên quan tới hai chữ Nhân văn? Có bao nhiêu cuốn sách, có bao nhiêu bài viết, có bao nhiêu văn thư, có bao nhiêu chỉ thị bằng chữ và bằng miệng, chĩa mũi dùi vào các thành viên của Nhân văn. Còn Người nói chung có hai loại: một là người của chế độ, và loại Người còn lại là những Người hình thành nên nhóm Nhân văn. Người của chế độ thì cứ lớp này vãn tuồng, lớp khác tiến ra. Người người lớp lớp tiến lên như tên một tác phẩm của Trần Dần, trong khi đó đạo quân Nhân văn vỏn vẹn không đầy một trung đội. Qua nửa thế kỷ hiện nay chỉ còn lại vài ba người, mà trong đó Nguyễn Hữu Đang chỉ mới nằm xuống chưa đầy hai tuần lễ, thì Lê Đạt và Hoàng Cầm trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo điện tử của nhà nước là VietNamNet, nhân dịp hai nhà thơ và nhà văn này được trao tặng giải thưởng nhà nước đã cho biết: "... Đây là một cử chỉ đẹp, cho dù đã muộn. Nhưng muộn còn hơn không..."

Trước đó, ông Đỗ Chu, một thành viên của hội đồng giải thưởng chuyên ngành văn học, đã phát biểu: "... Có thể đây là lời xin lỗi của nhà nước đối với các anh...".

Ông Đỗ Chu quả là kiệm lời, không nói lỗi đó là cái gì, và vì sao mà năm 1988, nghĩa là sau hơn ba chục năm bị trù dập đến độ sống không sống được, chết chẳng chết cho, những người liên quan tới Nhân văn đã được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn, mặc dù sự phục hồi này theo những người am tường cho biết thì cũng chỉ phục hồi một nửa. Nghĩa là không có văn bản nào xác nhận đã được xoá bỏ các biện pháp kỷ luật, chỉ ngầm cho một số người được vào lại biên chế của nhà nước, với số lương khiêm tốn. Năm 1988 nhiều người trong vụ Nhân văn còn sống, những tên tuổi làm nên Nhân văn ngoại trừ Phan Khôi đã mất trước đó nhiều năm, nhưng Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần, Phùng Cung, Nguyễn Hữu Đang... mặc dù sống như những con ma trơi ngay giữa ban ngày, nhưng vẫn còn hiện diện giữa phố phường Hà Nội. Thế rồi mãi 19 năm sau nữa, năm 2007 mới có giải thưởng của nhà nước dành cho những đóng góp văn học của Hoàng Cầm và Lê Đạt.

Phải chăng nhà nước muốn làm hơn thế nữa, muốn tặng cho nhiều người xứng đáng hơn trong vai trò chủ chốt của nhóm Nhân văn, nhưng đã vấp phải những cái lưng thật thẳng, những tảng đá hết sức kiên trì như Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Phùng Quán... nên vì đó mà mọi việc còn phải chờ cho tới khi những tảng đá kiên trì này đã lăn hết dốc đời. Phải chăng những cái lưng thật thẳng đó đòi hỏi mọi việc phải đuợc minh bạch, như những câu thơ của Phùng Quán, trong bài thơ “Lời mẹ dặn”:

"...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét...
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao khắc văn trên đá".



2.

Là một học sinh khá xuất sắc của ban Toán, cái duyên văn tự đến với tôi vào mùa hè năm 1959. Năm đó tôi học đệ tam không phải thi cử, mà lại con nhà nghèo không có phương tiện để đi chơi đây đó. Thú vui duy nhất của tôi trong mùa hè này là coi cọp đá banh, và lên nhà anh cả tôi đọc sách. Lần đầu tiên đến với chữ nghĩa, tôi không hiểu may hay rủi có hai cuốn sách đeo theo tôi suốt đời là cuốn Giờ thứ 25 của nhà văn Rumania Constant Virgin Gheorghiu, và cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của học giả Hoàng Văn Chí. Dù bất cứ thời gian nào, bất cứ ở đâu nếu tôi có một cái kệ để sách, thì trên cái kệ có hai cuốn sách này, và tôi thường lấy ra đọc lại trong những lúc bị đời bầm dập.

Khi đọc hai cuốn sách này lần đầu, tôi là một học sinh mới 16 tuổi, chưa đủ trí khôn để cảm nhận đầy đủ giá trị văn học của cả hai tác phẩm, song trong lòng tôi là những cơn chấn động mạnh. Có lẽ cái duyên văn tự đến với tôi không phải là những tác phẩm thuần tuý văn học, nên vì đó mà đời văn của tôi cũng trải qua, và trả giá khá nhiều cho những suy nghĩ mà tôi bắt được từ trong thơ của Phùng Quán, từ thái độ sống của Trần Dần. Trọn thời trai tráng của tôi, những bài thơ đầu đời được làm rải rác đó đây trên chặng đường quân ngũ, tôi noi dấu theo vết bánh xe mà Trần Dần, Phùng Quán đã từng đi qua.

Với tôi Trần Dần, Phùng Quán là hai cây bút tiêu biểu mà tôi nghĩ: trong một chế độ như miền Bắc, nếu không sản xuất được những nhà văn như nhóm Nhân văn, thì số phận của dân chúng ở ngoài đó còn nhiều phần cay đắng hơn. Thỉnh thoảng trong những lúc nhàn rỗi việc quân, nghĩ về văn chương và chữ nghĩa, tôi nghiệm ra một điều: mặc dù là một sĩ quan của miền Nam, đang tập tễnh cầm bút, tôi gần gũi với các tác giả trong Trăm hoa đua nở trên đất Bắc hơn là phần đông các tác giả của miền Nam. Thật ra tôi cũng chẳng có nhiều tác phẩm của họ để đọc, chỉ thấy rằng những người của Nhân văn dường như đã đứng ở thế bối thuỷ, tựa lưng vào bờ sông để hành sử tư cách nhà văn của mình, mà trước mặt là cả một đạo quân của guồng máy cai trị đang ầm ầm xốc tới. Cũng trong lúc đó thì ở miền Nam, có thật nhiều người cầm bút rất nổi tiếng, khi cầm bút chỉ mong làm vui lòng các độc giả, viết những cuốn sách bán chạy vì đáp ứng đúng thị hiếu của người đọc, hơn là nghĩ đến một tác phẩm có thể sống lâu được với thời gian.

Thế rồi đời sống cứ trôi đi, chiến tranh cứ lớn mạnh. Cho tới một đêm cuối tháng Tư năm 75, tôi leo lên con tầu HQ8 của Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, hành lý vỏn vẹn có một bộ quần áo trên người, một bộ trong túi xách tay cùng một cuốn sách duy nhất là cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, và trong túi vỏn vẹn có 20 đô la, do mẹ tôi đã vét hết tiền nhà đổi được cho tôi dằn túi mang đi. Cho dù phải sống xa quê hương, tôi vẫn tin rằng một chế độ có bạo tàn tới đâu chăng nữa, nhưng nếu còn sản xuất được những người cầm bút như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán... thì tôi vẫn có quyền hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ quay về. Thành thử ngoài hành trang gọn nhẹ tôi đã viết ở trên, món hành trang nặng nhất mà tôi mang đi, chính là lòng cảm phục những người đã dựng nên tờ Nhân văn.

Năm 1995 Phùng Quán mất, trong tay tôi vỏn vẹn chỉ có một cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, một cuốn Trăng hoàng cung của Phùng Quán, nhưng được in ở hải ngoại (mà tôi nghĩ đây là một tác phẩm không lấy gì làm hay lắm), một bài viết của Phùng Quán về Đoàn Phú Tứ trong số Xuân Văn Học 1995, và một vài bài báo liên quan tới Phùng Quán. Chỉ với một ít tư liệu nhỏ nhoi đó, tôi đã mất mười giờ liền để hoàn tất bài viết "Một vì sao Nhân văn vừa tắt". Sau khi bài viết được đăng tải trên tờ Hợp lưu, tôi nhận được thư của bà Vũ Bội Trâm, cám ơn về những tình cảm đặc biệt mà tôi đã dành cho chồng bà.

Sau khi Phùng Quán mất, chẳng bao lâu sau là Văn Cao, kế đó là Trần Dần, và chỉ một thời gian ngắn sau khi Trần Dần nằm xuống, nhà xuất bản Văn nghệ ở Cali cho phát hành cuốn nhật ký Ghi của ông. Nói cho đúng cuốn sách có thể chỉ gồm ghi chú ngắn, về "Người và Việc" đã xẩy ra giữa những người cầm trịch chính trị và văn nghệ ở ngoài Bắc, với những Người trong nhóm Nhân văn. Những trang nhật ký của Trần Dần đã được gia đình chuyển ra ngoại quốc, và được nhà văn Phạm Thị Hoài biên tập.

Vốn trong lòng lúc nào cũng tâm phục với những người của Nhân văn, cuốn Ghi đến với tôi như là một liều thuốc quá mạnh, với đầy đủ những vị cay, đắng, chua, chát, mặn. Vị nào cũng quá đô, đến độ tôi vốn là người đọc sách nhanh, mà không thể nào đọc nổi cỡ hai chục trang một lần. Cứ đọc độ mươi trang, tôi lại phải ngừng lại, ngẫm nghĩ, mường tượng ra những sự việc và những cảnh đời, những con người mà Trần Dần đã ghi lại. Cảm giác của tôi khi đọc được nửa cuốn Ghi, hệt như một thanh niên mới lớn bị tình phụ. Ngoại trừ Hữu Loan đã bỏ về quê đi thồ xe, Nguyễn Hữu Đang bị bỏ tù, những người còn lại chỉ bị kỷ luật. Có nghĩa là chỉ bị kiểm thảo, đuổi ra khỏi hội nhà văn, rút biên chế, cưỡng bách lao động, học tập, chỉ định nơi cư trú... Chẳng lẽ những tính danh mà có một thời tôi đã coi như là chỉ dấu cho đời văn của mình, những Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Cung... lại có lúc cư xử với nhau tệ hại như thế sao?

Để nuốt cho được chén thuốc quá đắng này, tôi viết một bài ngắn đăng tải trên tờ Việt Tide, và cho rằng đó chỉ là những ghi chú nhỏ, như những nguyên liệu thô, mà chỉ có chính người ghi lại là Trần Dần mới có thể biết rõ cách sử dụng các nguyên liệu thô này như thế nào, để từ một đống ghi chú bầy nhầy đó trở thành một tập tài liệu, hay một tác phẩm.

Trước khi Phùng Quán mất chừng hai năm, một thân hữu của tôi về thăm quê hương, khi trở ra anh mời một số bằng hữu đến ăn một bữa cơm thân mật tại nhà, chỉ cốt khoe anh có giao tình với Văn Cao, là em kết nghĩa của Hoàng Cầm. Anh lục lọi mang ra một cuốn băng video, trong đó có cảnh Hoàng Cầm "hét thơ", anh mang ra những bản photo copy các bài thơ của Hoàng Cầm và của Văn Cao, với những lời đề tặng cực kỳ thân ái. Những thước phim cho tôi thấy có một cái gì đó đầy kịch tính, bởi vì những lời đề tặng cực kỳ thân ái đó được dùng cho bất kỳ ai đến thăm, như một sản phẩm được trao đổi giữa người viết và người đọc, mà chế độ cai trị không cho phép những người viết này được in ấn, xuất bản nên không có sách được bầy bán trong các tiệm sách.

Sau khi Phùng Quán mất độ vài năm, tôi qua Âu châu lần đầu. Thăm Thế Giang ở Đức, chia với Thế Giang một số câu chuyện liên quan tới Trần Dần, ghé Pháp thăm vợ chồng Trần Vũ, để được nghe người ta bàn ra, tán vào về cách ứng xử của nhà thơ Lê Đạt, một nhân vật trong nhóm Nhân văn, được nhà nước cho sang Pháp chơi, cư ngụ tại nhà chị Thuỵ Khuê, một thân hữu của tạp chí Văn học. Thành thử trước khi chính thức uống chén thuốc Ghi quá đắng của Trần Dần, tôi đã được nếm khai vị một số câu chuyện của vị của một nhân vật Nhân văn mà tôi đã hằng tâm phục thời trai trẻ.

Chỉ biết rằng theo những câu chuyện mà tôi nghe được, trong thời gian Lê Đạt ở Paris, lúc nào ông cũng ăn mặc như một tu sĩ tại gia, suốt ngày nằm ở trong phòng riêng. Mỗi khi có khách tới viếng, gia chủ phải vào thỉnh ra phòng khách. Đó là chưa kể gia chủ mỗi buổi sáng trước khi đi làm, đã tế nhị để lại một số tiền trên bàn ăn, để đề phòng khách có đi đâu chơi thì có sẵn tiền xe. Suốt một tháng trời ở Paris, hình như Lê Đạt ít khi ra ngoài, và mỗi khi ra ngoài thì đã có người đưa kẻ đón, thế nhưng tiền xe thì mỗi ngày vẫn cứ nhận. Chắc có lẽ nhà thơ cho rằng với những năm tháng bị đầy đoạ vì vụ Nhân văn, người hải ngoại có bổn phận chiều đãi, đền bù và ông có quyền thụ nhận những gì người ta dâng cúng. Ở nước Mỹ cũng có nhiều người vẫn đinh ninh rằng những năm tháng bị cầm tù trong các trại tù cải tạo, là một thứ quyền bất khả tư nghị, và những người đi trước phải có nghĩa vụ nào đó, trách nhiệm nào đó để đền đáp cho những năm tháng bị đoạ đầy này.

Khi viết những dòng chữ này, một lần nữa tôi đọc lại cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, đọc thêm cuốn Ba phút sự thật của Phùng Quán mà tôi mới mua trong chuyến về thăm nhà mới đây, tất nhiên tôi cũng đọc lại cuốn Ghi của Trần Dần, nhưng cuốn này tôi chỉ đọc nhẩy cóc mà thôi. Tôi vẫn giữ đầy đủ lòng kính trọng những người đã làm nên Nhân văn, nhưng chen vào đó là lòng thương cảm vô bờ bến. Lần đầu đọc cuốn Ghi tôi bị "sốc", nhưng nhiều năm đã qua đi, cái chết của các ông Nguyễn Hữu Đang, của Đoàn Phú Tứ, của Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần, Phùng Cung... và đời sống của những nhân vật này trong những năm bị sao chổi quét trên đầu, đã khiến cho tôi thấy chén thuốc Ghi coi vậy mà rồi tôi cũng nuốt được.


3.

Bản tin được phổ biến trên nhiều báo trong nước cũng như hải ngoại cho tôi biết: bốn tác giả Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán và Trần Dần được nhận Giải thưởng Nhà nước. Trong số bốn người được nhận giải này có hai người đã nằm xuống là Phùng Quán và Trần Dần, thành thử hai người này không có cơ hội để trả lời cho tờ báo điện tử VietNamNet. Nhưng nếu Trần Dần và Phùng Quán còn hiện diện trên đời, tôi tin cả hai sẽ làm nhà nước không mấy hài lòng. Hai người còn sống là Hoàng Cầm và Lê Đạt thì mau mắn trả lời sẽ nhận giải thưởng trị giá 60 triệu đồng Việt Nam này.

Trong bản tin của tờ Việt Tide, tôi nhìn thấy ảnh Lê Đạt và Hoàng Cầm tươi cười hả hê. Nếu không được coi cuốn video Hoàng Cầm "hét thơ" mà một thân hữu của tôi, một bác sĩ và là em kết nghĩa của Hoàng Cầm đem qua Mỹ cho coi vào đầu thập niên 90, nếu không được nghe những chuyện kể về một nhà thơ Nhân văn qua thăm bên Pháp, chắc là trong hai lần ghé Hà Nội vào năm 2005 và 2006 để đi một vòng Bắc Việt, tôi đã có dịp gặp gỡ Hoàng Cầm và Lê Đạt. Ít nhất trong hai lần về Hà Nội này, trong hai lần ghé thăm để thắp hương trên bàn thờ Phùng Quán, tôi đã được gợi ý gặp gỡ Hoàng Cầm và Lê Đạt, nhưng không hiểu sao tôi ngần ngừ rồi quả quyết quay về.

Có lẽ dư âm của cuốn Ghi, của những thước phim Hoàng Cầm “hét thơ”, và cách hành xử của Lê Đạt ở Paris là những ấn tượng quá mạnh, khiến tôi nghĩ mình nên đứng lại ở một khoảng cách đủ xa, để chiêm ngưỡng các nhân vật này, như tôi đã từng chiêm ngưỡng họ trong thời gian tôi còn ở quân đội. Thái độ mau mắn trả lời "nhận" giải thưởng nhà nước của Hoàng Cầm và Lê Đạt, khiến cho tôi nghĩ nên ghi lại những những gì tôi đã đọc về cái "sống" và cái "chết" của những nhân vật đã tạo nên biến cố Nhân văn, trước khi có một vài suy nghĩ liên quan tới việc "nhận" hay "không nhận" một giải thưởng được nhà nước trao quá muộn màng sau hơn nửa thế kỷ.

Vì không phải là một bài khảo cứu, tôi chỉ ghi tóm tắt về cuộc đời và cái chết của một vài nhân vật tiêu biểu cho nhóm Nhân văn gồm: Phan Khôi, Phùng Quán, Văn Cao, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang và một nhân vật còn sống là nhà thơ Hữu Loan. Ngoài ra trong bài viết này, tôi chỉ nêu lên một vài chi tiết nhỏ liên quan tới các tác phẩm của những nhân vật này, bởi vì toàn bộ các sáng tác của nhóm Nhân văn đã được đăng tải và lưu trữ ở rất nhiều nơi.


*


Người nằm xuống sớm nhất của nhóm Nhân văn là cụ Phan Khôi. Ông cũng là đại diện duy nhất của phe cựu học, nguyên là một cậu Tú nho học, sinh năm 1887, và là một nhân vật nổi bật trong buổi giao thời giữa hai nền văn chương Hán Nôm và văn chương Quốc ngữ. Năm 1907 cụ Phan ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với cụ Lương Văn Can. Trong Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của học giả Hoàng Văn Chí xuất bản năm 1959 ở miền Nam, và mới đây trong tác phẩm Nhớ cha tôi của bà Phan Thị Mỹ Khanh xuất bản ở Đà Nẵng năm 2001, người đọc biết được một điều cụ Phan là một nhà nho yêu nước, nhưng cụ chẳng những không thích mà còn ghét cộng sản, mặc dù con trai cụ là Phan Thao, là một cán bộ cao cấp của cộng sản trong Uỷ ban Trung bộ. Theo Hoàng Văn Chí, cụ lớn tiếng đả kích đường lối sắt máu của cộng sản thi hành ở Quảng Nam quê cụ, khi Việt Minh cướp chính quyền ở đây vào năm 1945. Để dàn xếp cho cụ, đích thân Hồ Chí Minh đã viết thư mời cụ ra Hà Nội hợp tác, nhưng kỳ thực là giao cụ cho Phan Bôi là em thúc bá của cụ, và là Trung ương Ủy viên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách quản thúc.

Trong một bài viết được đăng tải trong cuốn Nhớ cha tôi, Thiếu Sơn, một nhân vật sau cụ Phan chừng mười tuổi cho biết: "Ông (Phan Khôi) có một người con là Phan Thao. Con là một cán bộ ở cấp bực cao. Cha thì ghét cộng sản. Chống cộng nhưng cũng khẳng khái, không thần phục thực dân, không chịu mang tiếng theo giặc. Hai cha con cãi nhau kịch liệt, rồi con không thuyết phục được cha. Nó nói: "Chống cộng là quyền của cha, nhưng đây là toàn dân kháng chiến. Không lý cha có thể đặt mình dưới sự kiểm soát của giặc".

Theo học giả Hoàng Văn Chí, cụ Phan Khôi có mặt trong vùng kháng chiến vì hoàn cảnh ép buộc, do đó người ta không lấy làm lạ ngay trong thời kháng chiến cụ đã có những bài thơ ngắn bầy tỏ ý kiến của mình, dùng tài văn của mình để viết một câu chuyện trong đó cụ gọi một loại cây mà người Bắc gọi là "cây cứt lợn" còn trong Nam gọi là "cây chó đẻ" là "cỏ cộng sản". Để rồi từ "cỏ cộng sản" cụ viết là cụ đã gặp một ông già người Thổ, gọi cái cây này là "cỏ cụ Hồ". Ông già người Thổ đó cho biết: Từ ngày cụ Hồ về lãnh đạo cách mạng, thấy cỏ này mọc rất nhiều, nên người dân địa phương gọi là "cỏ cụ Hồ", vì thứ cỏ này xuất hiện cùng một lúc với cụ Hồ thì gọi là "cỏ cụ Hồ".

Cụ Phan là một cây bút lý luận trụ cột của Nhân văn-Giai phẩm, mà trong đó bài viết đáng kể nhất là "Phê bình lãnh đạo văn nghệ", truyện ngắn "Ông Năm Chuột", "Ông bình vôi", cùng một số thơ. Năm 70 tuổi cụ làm một bài thơ tự trào, trong đó có hai câu:

...Lên bẩy mươi rồi mẹ nó ơi
Thọ ta, ta chúc lọ phiền ai...

Bài thơ này tuy không xuất bản, nhưng đã được Nguyễn Công Hoan làm một bài thơ hoạ lại như sau:

Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-dích, trước cam làm kiếp chó
Nhân văn, nay lại hít gì voi
Sống dai thêm tuổi, cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời, chẳng thấy gai.

Chỉ cần đọc bài thơ này, đủ hiểu đời sống của cụ Phan Khôi như thế nào, sau khi chế độ ra tay đàn áp nhóm Nhân văn. Cụ vẫn còn may mắn hơn nhiều người trong nhóm, vì chế độ nể mặt Phan Bôi và Phan Thao là hai cán bộ cao cấp, bản án dành cho cụ Phan Khôi tương đối nhẹ. Cụ không phải chịu đựng những trừng phạt thể xác như Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung... mà chỉ bị quản thúc tại gia. Cụ mất năm 1959, nghĩa là chỉ ba năm sau khi vụ Nhân văn-Giai phẩm ra đời. Những người của Hà Nội thời đó cho biết: trong đám tang của cụ chỉ có lèo tèo vài người thân trong nhà, đẩy một chiếc xe như xe bò chở quan tài cụ ra nghĩa địa. Không có một vòng hoa, không có một lời ai điếu. Đó là chưa nói tới có một hai người con, vì e ngại cho tiền đồ của mình mà không dám đưa tang bố.


*


Năm 1995 Phùng Quán mất vì căn bệnh ung thư. Trong Nhân văn ông là người lính xung kích trẻ tuổi nhất, nhưng lại là người nhanh chân nhất biến khỏi cuộc đời vào năm 62 tuổi. Vào thời điểm này nước Việt đã mở cửa về kinh tế, và cởi trói cho văn nghệ được vài năm, rồi lại trói lại. Khi mở cửa và cởi trói thì có những lời tuyên bố được rêu rao trên toàn bộ các hệ thống báo chí, truyền thanh và truyền hình. Nhưng khi trói lại thì chỉ là những văn thư nội bộ, các biện pháp kỷ luật hành chánh, hay âm thầm tịch thu sách, báo. Tuy nhiên lời tuyên bố cởi trói cho văn nghệ của ông Nguyễn Văn Linh đã ảnh hưởng phần nào tới quyết định phục hồi hội tịch Hội Nhà văn cho các nhân vật trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm vào năm 1988. Tuy được phục hồi hội tịch, chỉ có nghĩa là từ nay Phùng Quán được viết bằng bút hiệu của mình, không phải viết văn chui như trước. Ngay sau khi được thả lỏng, Phùng Quán như một con chim muốn bay vút lên không trung, ông thường xuyên đi đó đây. Khi thì về Thái Bình thăm Nguyễn Hữu Đang, lúc thì về thăm Hữu Loan ở Thanh Hoá, rồi về quê nội ở Huế, rồi vào Đà Lạt chơi với nhóm Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu và những chuyến đi này có khi kéo dài cả hai ba tháng trời. Thời gian này ông hít lấy cái không khí tự do cho no buồng phổi, tạm quên việc xuất bản sách cho chính mình, ngoại trừ một số nhà xuất bản tự tìm tới với Phùng Quán để in những tác phẩm của ông, còn chính ông thì để tâm thiết tha vào việc khác. Nên vì vậy mà mọi chi tiêu trong đời sống hằng ngày của gia đình Phùng Quán, vẫn hoàn toàn nằm trong số lương giáo viên cấp 3 ít ỏi của bà vợ.

Khi Phùng Quán mất, mặc dù giới văn nghệ đã bị trói lại, song ảnh hưởng của việc cởi trói còn mạnh, nên đám tang ông được hàng ngàn người yêu thơ ông, cũng như các bạn văn, bạn chiến đấu, bạn câu cá trộm đã đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, không đến nỗi hắt hiu như đám ma cụ Phan Khôi hơn hai chục năm trước, khi việc đàn áp Nhân văn còn đang bừng bừng sát khí. Như vậy trong suốt 32 năm từ 1956 tới 1988, bị ra khỏi biên chế nhà nước, thoạt đầu là lao động cải tạo tại những công, nông trường rải rác trên lãnh thổ miền Bắc, Phùng Quán còn được lãnh một số tiền phụ cấp hằng tháng không bao giờ đủ dùng cho bản thân mình. Vài năm sau, Phùng Quán là người hoàn toàn không có một công ăn việc làm nào. Cuộc đời Phùng Quán từ sau cải tạo lao động cho đến khi được phục hồi hội tịch hội nhà văn, đã được ông tự tả bằng sáu chữ: "Rượu chịu - cá trộm - văn chui", có nghĩa là ông thường xuyên uống rượu mua chịu của những người quen, ông là tay câu cá trộm chuyên nghiệp ở các hồ nuôi cá quốc doanh như ở Hồ Tây, Hồ Bẩy Mẫu, Hồ Ha-le. Về lao động trí óc, ông viết văn chui dưới rất nhiều bút hiệu ma. Thậm chí có những người chưa bao giờ cầm bút viết một câu văn, nhưng nhờ cho mượn tên mà giờ đây tự nhiên có tác phẩm. Rồi đời sống trôi đi, vài người trong số này đã quên bẵng việc cho Phùng Quán mượn tên, và tưởng chừng rằng chính mình đã viết nên một cuốn sách, rồi ra vào khệnh khạng in hệt một nhà văn thực thụ.

Ông thú nhận đã câu trộm tới bốn tấn cá, để nuôi mình, bán để phụ tiền mua gạo, cải thiện bữa ăn cho vợ con, và phụ thêm thức ăn với một bà mẹ nuôi. Tưởng cũng nên nhắc lại ông lập gia đình với bà Vũ Bội Trâm, một giáo viên cấp ba của trường trung học Chu Văn An Hà Nội, nhưng vì hoàn cảnh mà bà vợ vẫn ở với gia đình, trong khi đó ông ăn ở tại nhà bà mẹ nuôi. Dù đã có với nhau hai mặt con, ông vẫn cứ phải ăn, ở với bà mẹ nuôi hàng chục năm trời, và chỉ được sống chung dưới một mái nhà với vợ con một thời gian không quá mười năm trước khi qua đời.

Phùng Quán cũng thú nhận về "văn chui", ông đã viết lời cho mấy chục cuốn truyện bằng tranh cho nhà xuất bản Kim Đồng, dưới những bút hiệu ma do nhà xuất bản tự ý đề tên. Có lần ông đã mượn đại cả tên Thanh Tịnh đề dưới các quyển truyện bằng tranh này, khi truyện in xong, ông mang đến biếu Thanh Tịnh, và được nghe Thanh Tịnh nói một câu chí tình: "Anh đã chẳng có gì để giúp cho em, thì cho em mượn một cái tên".

Nguồn: Bài sắp đăng trên tạp chí Văn học (California) số tháng 7.2007