trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
12.6.2007
George W. Bush
Diễn văn của Tổng thống Bush về Tự do tại Praha, Cộng hoà Czech
Tiểu Phi dịch
 
Thưa Tổng thống Ilves, Ngoại trưởng Schwarzenberg và các vị khách quý: Laura và tôi rất vui mừng được trở lại Praha, và chúng tôi cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt tại sảnh đường lịch sử này. Ngày mai tôi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G-8, nơi tôi gặp lãnh đạo những nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Chiều hôm nay, tôi đứng bên những con người đại diện cho một quyền lực thậm chí còn lớn hơn - quyền lực của lương tâm con người.

Trong căn phòng này có mặt các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ của 17 nước từ năm châu lục. Các bạn có những truyền thống khác nhau, theo những tôn giáo khác nhau, và các bạn đối mặt với những thách thức khác nhau. Nhưng các bạn đoàn kết lại vì một niềm tin không dao động: tự do là quyền không thương lượng được của tất cả đàn ông, đàn bà và trẻ em, và con đường dẫn đến hoà bình vĩnh cửu cho thế giới của chúng ta là tự do. (Vỗ tay.)

Ý tưởng về cuộc gặp mặt này xuất phát từ ba nhà chủ trương tự do lớn nhất của thời đại chúng ta: Jose Maria Aznar [1] , Václav Havel và Natan Sharansky [2] . Tôi xin được cảm ơn ba vị đó đã mời tôi đến nói chuyện tại cuộc họp mặt hào hứng này, và vì họ đã cho thế giới thấy rằng một cá nhân, với niềm tin đạo đức trong sáng và lòng dũng cảm, có thể thay đổi được dòng chảy của lịch sử.

Việc chúng ta gặp mặt tại Cộng hoà Czech - một nước nằm ở trung tâm Châu Âu và trung tâm cuộc đấu tranh cho tự do tại lục địa này - hết sức thích hợp. Chín thập niên trước, Tomas Masaryk [3] tuyên bố rằng nền độc lập của Czechoslovakia dựa trên “những tư tưởng về dân chủ hiện đại”. Nền dân chủ đó đã bị gián đoạn, trước hết là do chế độ Nazi, rồi đến cộng sản; những người này đã chiếm đoạt quyền lực trong một vụ lật đổ đáng xấu hổ - với cái chết của Ngoại trưởng ngay tại khuôn viên của cung điện này.

Trong suốt đêm dài đen tối chiếm đóng của Liên Xô, không hề có nghi ngờ nào về gương mặt thật của dân tộc này. Thế giới đã được thấy gương mặt ấy trong cuộc cải cách mùa Xuân Praha [4] , và những đòi hỏi căn bản trong Hiến chương 77. Người ta đã đáp lại những nỗ lực này bằng xe tăng, dùi cui và các cuộc bắt bớ của mật vụ. Nhưng bạo lực không được nói lời cuối cùng. Vào năm 1989, hàng ngàn người đã tập trung ở Quảng trường Wenceslas đòi tự do. Các nhà hát như Magic Lantern (Ðèn lồng Kỳ diệu) trở thành trụ sở của các nhà bất đồng chính kiến. Công nhân rời nhà máy để ủng hộ đình công. Và chỉ trong vài tuần lễ, chính thể (cộng sản) đã sụp đổ. Váccla Havel từ một người tù trở thành người đứng đầu nhà nước (mới). Và người dân Czechoslovakia đã hạ Bức màn Sắt xuống bằng một cuộc Cách mạng Nhung.

Khắp Châu Âu, những cảnh tương tự đang diễn ra. Ở Ba Lan, phong trào bắt đầu chỉ từ một xưởng đóng tàu đã giải phóng cho toàn dân. Ở Hungary, những người than khóc tập trung ở Quảng trường Heroes (Các Anh hùng) để chôn cất một nhà cải cách vừa bị giết, đồng thời chôn cất luôn chính thể cộng sản. Ở Ðông Ðức, các gia đình tụ tập lại để cầu nguyện – và tìm được sức mạnh để đập tan bức tường (Berlin). Chẳng bao lâu sau đó, các nhà hoạt động từ nóc gác và từ tầng hầm của nhà thờ bước ra và giành lại đường phố Bulgaria, Romania, Albania, Latvia, Lithuania, và Estonia. Hiệp ước Warsaw được giải thể trong hoà bình chính tại gian phòng này. Và sau bảy thập niên áp bức, Liên Xô chấm dứt tồn tại.

Ðằng sau những thành tựu lạ thường này là lễ khải hoàn của tự do trong trận chiến tư tưởng. Người cộng sản có một lý tưởng đế quốc, tuyên bố rằng họ biết hướng đi của lịch sử. Nhưng cuối cùng thì họ đã bị lật đổ bởi những con người bình thường muốn sống cuộc đời của mình, muốn tôn thờ Chúa trời của mình, và muốn nói sự thật cho con cái mình nghe. Người cộng sản có luật lệ hà khắc của Brezhnev, Honecker, và Ceausescu. Nhưng rốt cuộc, họ không địch lại nổi viễn kiến của Walęsa [5] và Havel, sự bất tuân lệnh của Sakharov [6] và Sharansky, sự kiên quyết của Reagan và Thatcher, và sự làm chứng can đảm của John Paul. Từ kinh nghiệm này, ta rút ra một bài học rõ ràng: Người ta có thể cưỡng lại tự do, có thể trì hoãn (tiến trình) tự do, nhưng không thể phủ nhận tự do.

Trong những năm sau giải phóng, các nước Ðông Âu và Trung Âu đã trải qua nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang dân chủ. Các nhà lãnh đạo thực hiện những cải cách cứng rắn cần thiết để gia nhập NATO và Cộng đồng Âu châu. Công dân đòi tự do ở những vùng Balkans và xa hơn nữa. Và giờ đây, sau nhiều thế kỷ chiến tranh và đau khổ, cuối cùng lục địa châu Âu đã có được hoà bình.

Trong kỷ nguyên mới này, có những mối đe doạ tự do mới. Ở những góc tăm tối và đàn áp trên thế giới, nhiều thế hệ lớn lên mà không có tiếng nói trong chính phủ và không có hi vọng vào tương lai. Cuộc sống bị áp bức của họ là cái nôi cho lòng thù hận. Và với nhiều người, thù hận sẽ biến thành cấp tiến, quá khích và bạo lực. Thế giới đã chứng kiến hậu quả vụ 11 tháng Chín năm 2001, khi bọn khủng bố ở Afghanistan đã gửi 19 quân tự sát sang sát hại gần 3000 người vô tội ở Mỹ.

Với một số người, cuộc tấn công này cần được đáp trả trong phạm vi hẹp. Trên thực tế, vụ 11 tháng 9 là bằng chứng cho thấy một mối nguy rộng lớn hơn nhiều - một phong trào quốc tế của những kẻ cực đoan Hồi giáo bạo lực đe doạ người dân tự do ở khắp nơi. Tham vọng của những kẻ quá khích này là xây dựng một đế chế toàn trị trải khắp phần đất của người Hồi giáo hiện nay và trước đây, bao gồm cả một phần của châu Âu. Chiến thuật của họ nhằm đạt được mục đích đó là đe doạ và buộc thế giới đầu hàng bằng một chiến dịch khủng bố giết người tàn nhẫn.

Ðể đương đầu với kẻ thù này, Mỹ và các nước đồng minh đã tấn công bằng quân sự, tin tức tình báo và việc thực thi luật pháp. Nhưng trận chiến này vượt ra ngoài khuôn khổ của xung đột quân sự. Giống như Chiến tranh Lạnh, đây là cuộc đọ sức về tư tưởng giữa hai quan điểm khác nhau cơ bản về nhân loại. Một bên là những kẻ quá khích; họ hứa hẹn thiên đường, nhưng trên thực tế thì đánh người nơi công cộng, áp bức phụ nữ và đánh bom tự sát. Phía bên kia là một số lớn những con người ôn hoà – bao gồm hàng triệu người trong thế giới Hồi giáo; những người này tin rằng mỗi cuộc đời con người đều có nhân cách và giá trị mà không một sức mạnh nào trên Trái đất này có thể tước đoạt nổi.

Vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan không phải là bom đạn, mà là lời kêu gọi tự do phổ quát. Tự do là thiết kế của con Tạo, và niềm khao khát của mọi tâm hồn. Tự do là cách tốt nhất để thả cương sức sáng tạo và tiềm năng kinh tế của một dân tộc. Tự do là trật tự duy nhất của một xã hội dẫn đến công bằng. Và tự do của con người là cách duy nhất để đạt được quyền con người.

Mở rộng tự do không chỉ là mệnh lệnh đạo đức – nó còn là cách thiết thực duy nhất để bảo vệ người dân chúng ta về mặt lâu dài. Nhiều năm trước đây, Andrei Sakharov đã cảnh báo rằng một đất nước không tôn trọng quyền của chính người dân của mình sẽ không đáp lại quyền của nước láng giềng. Lịch sử đã chứng minh ông đúng. Những chính phủ chịu trách nhiệm trước người dân của mình không tấn công lẫn nhau. Các nền dân chủ giải quyết vấn đề bằng các phương pháp chính trị, chứ không phải bằng cách đổ lỗi cho những con dê tế thần bên ngoài. Giới thanh niên có thể công khai bất đồng quan điểm với lãnh đạo thường ít nuôi dưỡng những lý tưởng bạo lực hơn. Và những quốc gia quan tâm đến tự do cho người dân nước mình sẽ không ủng hộ những kẻ cực đoan - họ sẽ tham gia (vào cuộc chiến) đánh bại chúng.

Với tất cả những lý do này, Hoa Kỳ cam kết đẩy mạnh tự do và dân chủ như một lựa chọn cao quý bên cạnh áp bức và chủ nghĩa cấp tiến. (Vỗ tay). Và chúng ta có một mục tiêu lịch sử trước mắt. Trong diễn từ nhậm chức lần thứ hai, tôi đã thề rằng mục tiêu cuối cùng của nước Mỹ là chấm dứt sự chuyên chế trên thế giới này. Một số người đã nói rằng tuyên bố đó khiến tôi đủ tư cách là một “tổng thống bất đồng chính kiến”. Nếu đứng lên cho tự do trên thế giới khiến tôi trở thành một nhà bất đồng chính kiến, tôi sẽ rất tự hào được mang danh hiệu đó. (Vỗ tay).

Nước Mỹ theo đuổi chương trình nghị sự tự do bằng nhiều cách khác nhau – có những cách nghe và nhìn thấy được, những cách khác được thực hiện trong lặng lẽ và khuất sau tầm nhìn. Chấm dứt sự chuyên chế đòi hỏi sự ủng hộ cho các thế lực lương tâm đang bào mòn những xã hội áp bức từ bên trong. Nhà bất đồng chính kiến Liên Xô Andrei Amalrik đã từng so sánh một nhà nước chuyên chế như một người lính luôn chĩa súng vào kẻ thù – rốt cuộc cánh tay ấy sẽ mỏi mệt và người tù trốn thoát. Vai trò của thế giới tự do là gây áp lực cho những cánh tay chuyên chế trên thế giới – và tăng cường sức mạnh của những tù nhân đang ra sức đẩy mạnh sự sụp đổ (của nhà nước chuyên chế ấy).

Vì vậy tôi đã trực tiếp gặp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ từ những nền độc tài tồi tệ nhất trên thế giới – bao gồm Belarus, Miến Ðiện, Cu Ba, Bắc Hàn, Sudan và Zimbabwe. Tại hội nghị này, tôi chờ đợi được tiếp xúc với các nhà bất đồng chính kiến khác, bao gồm một số người đến từ Iran và Syria. Một trong số những người này là Mamoun Homsi. Năm 2001, là một nghị viên độc lập trong nghị viện Syria, ông chỉ giản dị ra một tuyên bố yêu cầu chính phủ bắt đầu tôn trọng nhân quyền. Vì hành động hoàn toàn hoà bình này, ông đã bị bắt và bị bỏ tù vài năm, bên cạnh những ủng hộ viên vô tội khác cho một đất nước Syria tự do.

Một nhà bất đồng chính kiến khác tôi sẽ gặp là Rebiyah Kadeer người Trung Quốc. Con trai bà đang bị bỏ tù, một hành động mà chúng tôi tin rằng nhằm trả đũa các hoạt động vì nhân quyền của bà. Tài năng của những người như Rebiyah là nguồn tài nguyên quý giá nhất của dân tộc họ, quý hơn vũ khí quân đội hay những mỏ dầu dưới lòng đất của họ rất nhiều. Nước Mỹ kêu gọi những nước đang áp bức bất đồng quan điểm chấm dứt việc đàn áp, tin tưởng vào người dân và trao cho công dân nước họ quyền tự do họ xứng đáng được hưởng. (Vỗ tay).

Có nhiều nhà bất đồng chính kiến không đến tham gia với chúng ta vì họ đang bị bỏ tù hay bị quản chế tại gia một cách bất công. Tôi mong chờ tới ngày mà, tại cuộc hội thảo tương tự như thế này, sẽ có Alexander Kozulin của Belarus, Aung San Suu Kyi của Miến Ðiện, Oscar Elias Biscet của Cuba, Linh mục Nguyễn Văn Lý của Việt Nam, Ayman Nour của Ai Cập. (Vỗ tay.) Con gái của một trong những tù nhân chính trị đó hiện đang có mặt trong gian phòng này. Tôi muốn nói với cô, và với tất cả các gia đình của họ: Tôi cảm ơn lòng can đảm của bạn. Tôi cầu nguyện cho bạn đỡ khổ và giữ vững sức mạnh. Và tôi kêu gọi việc thả người thân yêu của các bạn ngay lập tức và vô điều kiện. (Vỗ tay.)

Trong con mắt của nước Mỹ, các nhà bất đồng chính kiến dân chủ ngày hôm nay chính là các nhà lãnh đạo dân chủ tương lai. Vì vậy, chúng tôi đang có những biện pháp mới nhằm tăng cường sự ủng hộ của mình. Mới đây, chúng tôi đã thành lập Quỹ Bảo vệ Nhân quyền (Human Rights Defenders Fund) để giúp chi trả phí tổn thuê luật sư bào chữa và chi phí y tế của các nhà hoạt động (dân chủ) bị các chính phủ áp bức bắt giam hoặc đánh đập. Tôi rất ủng hộ Văn kiện Praha (Praha Document) mà hội nghị này dự định đưa ra, trong đó tuyên bố rằng “việc bảo vệ quyền con người là cực kỳ cấp thiết đối với nền hoà bình và an ninh quốc tế.” Và kiên định với mục đích của tuyên bố này, tôi đã yêu cầu ngoại trưởng Rice gửi chỉ thị tới tất cả các đại sứ Mỹ ở những nước không có tự do: Hãy tìm gặp các nhà hoạt động dân chủ. Hãy tìm gặp những người đang đòi hỏi quyền con người. (Vỗ tay.)

Người dân sống trong nền chuyên chế cần được biết rằng họ không bị quên lãng. Bắc Hàn sống trong một xã hội khép kín, nơi những tiếng nói bất đồng bị đàn áp dã man, và người dân bị cắt đứt khỏi những người anh chị em của mình ở miền nam. Người Iran là một dân tộc vĩ đại, xứng đáng được làm chủ tương lai của mình, nhưng họ đã không có tự do chỉ vì một nhóm nhỏ cực đoan đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, ngăn cản đất nước họ giành được chỗ đứng chính đáng của mình trong khối thịnh vượng. Người Cu Ba đang cần tự do đến mức tuyệt vọng – và trong khi dân tộc ấy đang trải qua thời kỳ chuyển đổi, chúng ta phải đòi hỏi tự do bầu cử, tự do ngôn luận và tự do hội họp. (Vỗ tay.) Ở Sudan, tự do bị chối bỏ và những quyền con người cơ bản nhất bị vi phạm bởi một chính phủ đã tiến hành tội ác diệt chủng chống lại chính công dân của mình. Thông điệp tôi muốn gửi đến tất cả những người đang phải chịu sự chuyên chế là: Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ áp bức các bạn. Chúng tôi luôn ủng hộ tự do của các bạn. (Vỗ tay.)

Tự do cũng đang bị đe doạ ở những nước đã có tiến bộ. Ở Venezuela, các nhà lãnh đạo được bầu ra đã lợi dụng chủ nghĩa dân tuý nông cạn để giải thể các tổ chức dân chủ và xiết chặt quyền lực. Chính phủ Uzbekistan tiếp tục áp bức những tiếng nói độc lập bằng cách bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền. Và gần đây, Việt Nam đã bắt và bỏ tù một số nhà hoạt động chính trị và tôn giáo hoà bình.

Những diễn tiến này khiến ta nản lòng, nhưng có nhiều lý do khiến ta lạc quan hơn. Vào đầu thập niên 1980, chỉ có 45 nền (nước) dân chủ trên Trái đất này. Hiện nay đã có hơn 120 nền dân chủ - chưa khi nào có nhiều người được sống trong tự do bằng bây giờ. Và nghĩa vụ của những người đang được hưởng phúc lành tự do là giúp đỡ những người đang đấu tranh để thiết lập xã hội tự do của họ. Vì vậy nước Mỹ đã tăng gần gấp đôi ngân sách cho các dự án dân chủ. Chúng tôi làm việc cùng các thành viên trong nhóm G-8 nhằm thúc đẩy sự phát triển của một xã hội dân sự mạnh mẽ ở Trung Ðông qua những sáng kiến như Diễn đàn vì Tương lai (Forum for the Future). Chúng tôi hợp tác sát cánh với các nền dân chủ mới ở Ukraine, Georgia và Kyrgyzstan. Chúng tôi chúc mừng người dân Yemen về cuộc bầu cử tổng thống bước ngoặt của họ, và người dân Kuwait vì lần đầu tiên phụ nữ đã được đi bầu và được ra ứng cử. (Vỗ tay.) Chúng tôi kiên quyết ủng hộ người dân Lebanon, Afghanistan và Iraq trong công cuộc bảo vệ những lợi ích dân chủ chống lại những kẻ thù quá khích. (Vỗ tay.) Tất cả những người này đang hi sinh rất nhiều cho tự do. Họ xứng đáng với lòng khâm phục mà thế giới tự do dành cho họ, và họ xứng đáng được hưởng sự hỗ trợ không dao động của chúng ta. (Vỗ tay.)

Nước Mỹ cũng sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục các nước cùng phe đáng quý như Ai Cập, Saudi Arabia và Pakistan tiến tới tự do. Những dân tộc này đã dũng cảm đứng lên và hành động kiên quyết đương đầu với bọn quá khích, và đã thực hiện một số biện pháp để mở rộng tự do và tính minh bạch. Nhưng họ còn phải đi một đoạn đường dài. Nước Mỹ sẽ tiếp tục thúc ép những nước như vậy mở rộng hệ thống chính trị và cho người dân có tiếng nói hơn. Rõ ràng là điều này gây ra căng thẳng. Nhưng quan hệ của chúng tôi với những nước này đủ rộng và đủ sâu, và có thể chịu được. Cũng giống như quan hệ với Nam Hàn và Ðài Loan trong Chiến tranh Lạnh đã cho thấy, nước Mỹ có thể duy trì tình bạn với một nước, đồng thời thúc đẩy nước ấy tiến tới dân chủ. (Vỗ tay.)

Chúng tôi cũng đang áp dụng bài học ấy trong quan hệ với Nga và Trung Quốc. (Vỗ tay.) Nước Mỹ có quan hệ công việc tốt với hai nước này. (Nhưng) tình bạn của chúng tôi với họ khá phức tạp. Trong những lĩnh vực mà chúng tôi cùng chia sẻ quan tâm thì chúng tôi hợp tác với nhau. Trong những lĩnh vực khác, chúng tôi rất bất đồng ý kiến. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa tin rằng họ có thể tiếp tục mở rộng nền kinh tế mà không cần phải mở cửa hệ thống chính trị. Chúng tôi không đồng ý. (Vỗ tay.) Ở Nga, những cải cách một thời được hứa hẹn là sẽ trao quyền cho công dân hiện bị ngưng trệ, với những biểu hiện đáng lo đối với phát triển dân chủ. Một phần của một mối quan hệ tốt là khả năng đối thoại cởi mở về những bất đồng quan điểm. Vì vậy, nước Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với hai nước này – và chúng tôi sẽ làm như vậy mà vẫn không từ bỏ những nguyên tắc hay giá trị của mình. (Vỗ tay.)

Chúng tôi hiểu rằng các xã hội tự do hình thành với những tốc độ khác nhau ở những nơi khác nhau. Một trong những cái hay của dân chủ là nó phản ánh lịch sử và truyền thống đặc thù của địa phương. Nhưng cũng có những yếu tố căn bản mà tất cả các nền dân chủ đều chia sẻ - tự do ngôn luận, tôn giáo, báo chí và hội họp; luật pháp được các toà án độc lập thực thi; quyền tư hữu tài sản; và các đảng phái chính trị cạnh tranh trong những cuộc bầu cử tự do và công bằng. (Vỗ tay.) Các quyền và các thể chế này là nền tảng cho phẩm giá của con người, và những nước đang tìm đường đến tự do hẳn phải tìm thấy nơi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ một người bạn trung thành.

Mở rộng tầm vươn tới tự do là một sứ mệnh giúp đoàn kết các nền dân chủ trên thế giới lại. Những dân tộc vẫn còn ký ức tươi rói về áp bức chuyên chế đã góp phần vào những đóng góp vĩ đại nhất. Tôi cảm kích sự ủng hộ mà Cộng hoà Czech đã dành cho các dự án nhân quyền ở Belarus, Miến Ðiện và Cuba. Tôi cảm ơn các nước Ðức, Ba Lan, Cộng hoà Czech, Hungary, Slovenia, Georgia, Lihuania, Estonia và Croatia vì đã đóng góp vào Quỹ Dân chủ Liên hợp quốc (United Nations Democracy Fund) mới thành lập. Tôi biết ơn nhiều nền dân chủ mới ở Trung và Ðông Âu đã đưa quân sang Afghanistan và Iraq. Tôi cảm kích những nước này sẵn lòng thực hiện công việc khó khăn để giúp những người muốn có tự do có thể sống trong một xã hội tự do.

Bằng tất cả những cách ấy, chương trình nghị sự tự do đang tạo ra những thay đổi. Cho đến giờ, đây là một việc khó, và sắp tới cũng sẽ không dễ hơn. Sẽ tiếp tục có những thành công và thất bại, tiến bộ và thoái bộ. Việc chấm dứt chế độ chuyên chế không thể thành công trong một đêm. Và tất nhiên, có những người chỉ trích mục tiêu này.

Có người nói rằng chấm dứt chuyên chế đồng nghĩa với việc “áp đặt giá trị của chúng ta” lên những người không chia sẻ những giá trị đó, hoặc rằng có những dân tộc sống ở những vùng trên thế giới không thể có tự do. Những lý luận kiểu này bị bác bỏ bởi thực tế là mỗi khi con người được quyền lựa chọn, họ luôn chọn tự do. Chúng ta thấy điều này khi người dân Mỹ - Latin biến các nền độc tài thành dân chủ, người dân Nam Phi thay chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid) bằng một xã hội tự do, và người dân Indonesia chấm dứt sự cầm quyền độc tài lâu năm ở nước họ. Chúng ta thấy điều này khi người dân Ukrain quấn khăn vàng đòi đếm lá phiếu của họ. Chúng ta thấy điều này khi hàng triệu người dân Afghanistan và người Iraq đã bất chấp (đe doạ của) bọn khủng bố để bầu ra những chính phủ tự do. Lời nói của một người Iraq chỉ còn một chân với phóng viên tại một điểm bầu cử ở Baghdad làm tôi kinh ngạc, “Nếu có phải bò thì tôi cũng sẽ đi (bầu).” Tôi xin được hỏi những người chỉ trích (mục tiêu dân chủ), có phải là người Iraq ấy bị dân chủ áp đặt? Có phải tự do là một giá trị mà ông ta không chia sẻ? Sự thật là chỉ những kẻ quá khích, cấp tiến và chuyên chế mới phải áp đặt các giá trị của họ. (Vỗ tay.)

Và đó là lý do tại sao người cộng sản đã dập tắt Mùa Xuân Praha, ném các nhà viết kịch vô tội vào tù và run lên trước sự có mặt của một Giáo hoàng người Ba Lan. Lịch sử đã chỉ ra rằng cuối cùng, bao giờ tự do cũng chiến thắng sợ hãi. Và nếu có cơ hội, tự do sẽ chiến thắng sợ hãi trong mọi dân tộc trên Trái đất này. (Vỗ tay.)

Một phản đối khách quan khác là chấm dứt chuyên chế sẽ gây ra hỗn loạn. Các nhà chỉ trích đã dùng bạo lực ở Afghanistan, hoặc Iraq, hoặc Lebanon làm bằng chứng là tự do đã dẫn đến việc người dân ít được an toàn hơn. Nhưng hãy nhìn xem ai là kẻ gây ra bạo lực. Ðó là bọn khủng bố, bọn quá khích. Không phải tình cờ mà bọn họ nhằm vào các nền dân chủ non trẻ ở Trung Ðông. Họ biết rằng thành công của các xã hội tự do là đe doạ ghê gớm đối với tham vọng - và sự sống còn của họ. Sự thật kẻ thù đang đánh lại chúng ta không phải là lý do khiến chúng ta nghi ngờ vào dân chủ. Hiển nhiên bọn họ đã nhận thấy sức mạnh của dân chủ. Hiển nhiên chúng ta đang tham chiến. Và hiển nhiên là các dân tộc tự do phải làm điều cần thiết để giành được (dân chủ). (Vỗ tay.)

Nhưng một số vẫn biện luận rằng mục tiêu phải là ổn định, đặc biệt ở Trung Ðông. Vấn đề là việc theo đuổi ổn định mà phải hy sinh tự do không hề dẫn đến hoà bình – nó dẫn đến vụ 11 tháng Chín năm 2001. (Vỗ tay.) Chính sách chịu đựng các nền chuyên chế là một thất bại về chiến thuật và đạo đức. Ðó là một lỗi lầm mà thế giới không thể lặp lại trong thế kỷ thứ 21 này.

Những người khác sợ rằng dân chủ sẽ giúp cho các thế lực nguy hiểm lên nắm quyền, chẳng hạn như nhóm Hamas ở Lãnh thổ Palestine. Các cuộc bầu cử không phải lúc nào cũng có kết quả như ta muốn. Nhưng dân chủ không phải chỉ là một chuyến đi duy nhất đến hòm phiếu. Dân chủ đòi hỏi các đảng phái đối lập có ý nghĩa, một xã hội dân sự mạnh mẽ, một chính phủ thực thi luật và đáp ứng đòi hỏi của người dân. Các cuộc bầu cử có thể giúp đẩy nhanh việc thành lập những thể chế đó. Trong một nước dân chủ, người dân sẽ không bỏ phiếu cho một cuộc sống không ngừng bạo lực. Ðể duy trì quyền lực, những người được bầu phải nghe ý kiến của người dân, và theo đuổi khát vọng hoà bình của họ - nếu không, trong các nước dân chủ, cử tri sẽ thay thế họ qua các cuộc bầu cử tự do.

Và cuối cùng, có những chống đối (tiến trình dân chủ) cho rằng chấm dứt sự chuyên chế là không thực tế. Họ biện luận việc mở rộng dân chủ quanh thế giới đơn giản là khó đến mức không thể thực hiện nổi. Ðiều này chẳng có gì mới. Trong lịch sử, chúng ta đã nghe lời chỉ trích này. Trong mọi giai đoạn của Chiến tranh Lạnh, có những người biện luận rằng Bức tường Berlin là vĩnh viễn, và người dân phía sau Bức màn Sắt sẽ không bao giờ thắng được những kẻ áp bức họ. Lịch sử đã gửi một thông điệp khác hẳn.

Bài học ở đây là sẽ luôn có những người nghi ngờ vào tự do. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Vẫn có những người như các bạn, và những người thân yêu mà các bạn đại diện - những người có can đảm mạo hiểm tất cả vì lý tưởng của các bạn. Trong bài phát biểu đầu tiên ở cương vị Tổng thống, Václav Havel tuyên bố, “Hỡi nhân dân, chính phủ đã quay về với các bạn!” Ông lặp lại diễn thuyết đầu tiên của Tomas Masaryk – còn ông này thì trích lời của Comenius [7] , một thầy giáo người Czech ở thế kỷ 17. Thông điệp của ông là tự do là vô tận. Nó không thuộc về một chính phủ hoặc một thế hệ. Tự do là ước mơ và quyền của mỗi con người ở mọi lứa tuổi trong mọi dân tộc. (Vỗ tay.)

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tin tưởng sâu sắc vào thông điệp đó. Ðó là nguồn cảm hứng cho các nhà sáng lập nước chúng tôi, khi tuyên bố rằng “mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Ðó là niềm tin đã dẫn chúng tôi đến việc giúp giải phóng lục địa này, và sát cánh với các dân tộc bị cầm tù trong cuộc đấu tranh lâu dài của họ. Ðó là chân lý chỉ đạo dân tộc chúng tôi chống lại những kẻ cấp tiến, quá khích, khủng bố và chuyên chế trên thế giới hôm nay. Và đó là lý do tôi đặt niềm tin tưởng vững chắc vào những người đang có mặt trong gian phòng này.

Tôi rời Praha với lòng tin chắc rằng chính nghĩa tự do không hề mệt mỏi, và tương lai của nó đang nằm trong những bàn tay tốt nhất. Với lòng tin không thể bẻ gãy được vào sức mạnh của tự do, các bạn sẽ truyền cảm hứng cho người dân nước các bạn, các bạn sẽ dẫn dắt dân tộc mình, và các bạn sẽ thay đổi thế giới.

Cảm ơn vì đã mời tôi đến đây. Cầu Chúa ban phúc cho các bạn. (Vỗ tay.)

Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Chính trị gia người Tây Ban Nha, là thủ tướng Tây Ban Nha từ 1996-2004
[2]Chính trị gia và nhà văn người Do Thái, nổi tiếng bất đồng chính kiến dưới thời Liên Xô trước đây
[3]Tomáš Masaryk (1850-1937): Tổng thống và người sáng lập ra Cộng hoà Czechoslovakia
[4]Mùa Xuân Praha 1968
[5]Lech Walęsa: nhà chính trị và hoạt động nhân quyền người Ba Lan
[6]Andrei Sakharov (1921-1989): nhà vật lý hạt nhân, nhà bất đồng chính kiến của Liên Xô trước đây
[7]John Amos Comenius (1592-1670): nhà giáo dục, khoa học, và nhà văn người Czech. Ông được xem như người thầy giáo của dân tộc.