Phải nói là một màn trình diễn bầu cử, vì nó có đầy đủ các yếu tố của một màn kịch, hơn là một cuộc bầu cử thực sự. Có kịch bản do Ðảng Cộng sản viết, với đầy đủ các lớp lang, và diễn viên chính, diễn viên phụ. Tất cả đều được định trước, kể cả những người được chỉ định đóng vai trò Đại biểu đắc cử.
Ký giả BBC quan sát bầu cử tại chỗ ở Việt Nam, đã viết trong bài “
Cử tri Việt Nam đi bỏ phiếu” vào ngày 20-5, rằng: “Trong số các ứng viên kỳ này có 150 người không phải đảng viên cộng sản và 30 người tự ra ứng cử. Nhưng cuối cùng khi có kết quả trong vòng 10 ngày nữa, 90% đại biểu quốc hội trúng cử sẽ là người của đảng”.
Có hai độc giả, một người ký tên Quang Vinh (Đức) và một người ký tên Lezard (Thành phố Hồ Chí Minh) trách BBC tại sao cuộc bầu cử còn đang diễn ra, mà đã nêu tỉ lệ 90% đắc cử sẽ là người của đảng. Đã gọi là một vở kịch, chỉ cần đọc kịch bản là biết rõ các vai, đâu cần đợi tới khi hạ màn. Nếu BBC có sai lầm, là ở chỗ viết rằng “90% đại biểu quốc hội trúng cử sẽ là người
của đảng”. Nên viết “90% đại biểu quốc hội trúng cử sẽ là
đảng viên” mới đúng. Vì Đảng đã định trước như vậy. Còn nếu nói là người “của đảng”, thì phải 100%, vì dù không phải đảng viên, không có nghĩa không phải người của đảng. Nếu không phải người “của đảng”, đâu có được đảng đề cử vào Quốc hội? Vậy, nếu Quốc hội khóa XII có tới 10% Đại biểu không phải người
của đảng, mọi người nên ăn mừng. Chỉ cần 50 người không thuộc loại “của đảng”, cũng đã đủ để đánh thức 450 người còn lại. Cũng như, chỉ cần một ngọn đèn trong một căn phòng tối, cũng đã đủ để nhóm lên vài tia hy vọng. Nhưng tiếc thay, cứ theo cách đề cử quốc hội như hiện nay, dù tỷ lệ bao nhiêu phần trăm đại biểu đảng viên hay ngoài đảng, người của đảng vẫn là... trăm phần trăm! Em ơi! 100%!
Vì là một màn kịch khổng lồ, tốn 350 tỷ đồng của ngân sách trung ương, chưa kể sự đóng góp của ngân sách địa phương, diễn ra trên sân khấu cả nước, nên hàng chục triệu cử tri, thay vì sử dụng lá phiếu để thực thi quyền công dân một cách nghiêm chỉnh, chỉ đóng trò như những diễn viên phụ, miễn cho xong việc, để khỏi bị phiền hà.
Điều căn bản trong một cuộc bầu cử tự do dân chủ, là mỗi cử tri được hoàn toàn tự do sử dụng quyền bầu cử của mình. Nghĩa là được tự do đi bầu, hay không đi bầu. Và nếu đi bầu, mỗi cử tri tự mình sử dụng quyền lựa chọn của riêng mình, theo lương tâm của mình, không ai bầu theo lệnh của người khác, hay thay cho người khác, kể cả những người trong gia đình. Nhưng vì Ðảng Cộng sản đã biến bầu cử thành một màn trình diễn, lấy mất quyền tự do lựa chọn đại diện của cử tri, khiến quyền bầu cử, một quyền cao quý và quan trong nhất trong một thể chế dân chủ thực sự, biến thành một nhiệm vụ đóng vai trình diễn. Vì thế, mọi người đã chỉ cốt làm cho xong chuyện.
Theo nhận xét tại chỗ của ký giả BBC: “Bầu cử ở Việt Nam là bắt buộc. Các quan sát viên ghi nhận số người đi bầu thường đạt tỉ lệ rất cao, và tình trạng một thành viên đại diện đi bỏ phiếu cho cả nhà vẫn phổ biến”.
Kèm theo bài báo của BBC, là phần góp ý của người đọc, với những ghi nhận đáng chú ý sau đây:
Một cử tri không nêu tên tại Sài Gòn, viết: “Hôm nay, tôi chở vợ đi bầu. Trong thời gian chờ vợ tôi bầu, tôi đọc có qui định là không được bầu giúp. Mỗi người chỉ bầu một phiếu. Nhưng thật sự bên trong vợ tôi đang bầu cho 5 người. Mỗi lần chỉ bầu được 1 phiếu nên phải đi 5 vòng thì hoàn thành. Ra bên ngoài, tôi nghe một anh công an khu vực hỏi một em gái (chắc cũng khoảng 20 tuổi) sao chưa thấy ba mẹ đi bầu, thì em gái trả lời tỉnh bơ: dạ cháu đi bầu giúp cho ba mẹ cháu. Với tỷ lệ 100% được hiểu là 100% phiếu đã có người bỏ vào thùng phiếu. Còn nói tỷ lệ 100% là do có một 100% cử tri đi bầu, đó là chúng ta đang lừa dối nhau thôi. Các tổ bầu cử nào cũng muốn thi đua cả, nên cho bầu giúp, bầu thay cho hoàn thành 100% để còn về nhà nghỉ sớm, và hôm sau xếp loại thi đua của tổ xếp hạng cao nữa chứ. Người ta nói VN có bệnh thành tích rất cao, trong đó phải kể đến là bầu cử, nhưng báo chí không dám đề cập thôi, vì ở VN cái gì mà có mùi chính trị, thì người dân đều sợ cả”.
Một người ký tên locoroco, có vẻ đây chỉ là biệt hiệu, ở Hà Nội, viết rằng: “Hôm nay bố tôi cũng thực hiện ‘nghĩa vụ’ thay tôi, vì tôi đã nói với bố mẹ là tôi sẽ không đi bầu. Còn bố mẹ tôi nếu muốn tránh rắc rối với tổ dân phố, làm khổ tổ dân phố mất thi đua, thì bầu hộ tôi. Hôm nay xem truyền hình rồi báo đài rầm rộ loan tin tỷ lệ bầu cử ở các địa phuơng đều cao ngất ngưởng (hơn 90%). Nó không phản ánh người dân quan tâm đến bầu cử, mà phản ánh một điều Đảng Cộng sản rất giỏi o bế, và điều khiển dân chúng. Ngay đến quyền không bầu cũng không được”.
Một người khác ký tên Minh, cũng ở Hà Nội, viết: “Sáng nay mẹ tôi đi bầu cho cả nhà. Nhà tôi tuy đã chuyển đến nhà mới, nhưng vẫn có hộ khẩu tại nơi ở cũ, nên có thẻ cử tri ở cả 2 nơi, nghĩa là phải đi bầu 2 lần. Hài hước nhất là bà bác tôi sau khi bầu xong, thấy trên bàn ở chỗ bầu cử còn nhiều phiếu chưa dùng đến, bả cho tất cả vào hòm. Tính ra, mình bả bầu tới vài chục phiếu”.
Thêm một người ở Hà Nội, ký tên là Nguyên, viết rằng: “Ở quê nơi chúng tôi có hộ khẩu phải đi bỏ phiếu, và ở Hà Nội nơi những người như chúng tôi tạm trú, cũng phải đi bỏ phiếu. Dĩ nhiên là một người đại diện cho cả nhà, còn ở quê nếu không bỏ được, thì phải gọi về nhờ người bỏ phiếu hộ”.
Một người ký tên tắt là KTT, cũng ở Hà Nội, viết: “8h30 sáng, công an hộ khẩu đã gọi điện, báo gia đình tôi đi bầu cử, vì cả phường đã bầu hết. Và một thành viên trong gia đình tôi phải nhanh chóng đi bầu, để tránh gây rắc rối”.
Một người ký tên là Việt Cường, ở Sài Gòn, viết: “Bầu cử ở VN vui lắm!!! Sáng nay vì phải đưa đứa con đi cấp cứu, nên cả 2 vợ chồng tui đều phải ở bệnh viện. Đến 9 giờ thì có điện thoại của bác tổ trưởng kêu đi bầu, vì cả khu phố chỉ còn mỗi gia đình tui. Tui nói là lo cho con, nên chưa thể về bầu được ngay, hẹn chiều 2 vợ chồng sẽ thay nhau về bầu. Ông tổ trưởng không chịu, nói phải về ngay, không thì tổ sẽ mất thi đua. Chẳng biết làm thế nào, không đi cũng kẹt (tổ mà để ý cũng khó sống và làm ăn lắm), mà đi cũng kẹt vì phải lo cho con.
“Cái khó ló cái khôn. Chạy ra cổng bịnh viện, gọi một bác xe ôm già, hỏi về nhà thì bao nhiêu tiền, ổng nói 20.000đ. Tui nói: tui sẽ đưa ông 60.000đ nếu bác đến bầu giùm tui (40.000đ tiền xe ôm: đi và về, 20.000đ bầu cử giùm), sau khi xong, mang giấy cử tri có dấu đã bầu, thì nhận tiền. Ổng nói bầu ai, tui nói bác muốn bầu ai thì bầu, tuỳ bác (vì có biết ai đâu). OK, bác xe ôm làm việc công dân giùm tui; sau khoảng 1 tiếng, bác tài ôm đưa cho tui cái giấy cử tri đóng dấu "đã bầu" đỏ chót, và nhận tiền. Tui hỏi bác bầu ai, bác nói: tui bầu mấy người không, hoặc ít có chức có quyền như về hưu. Tui hỏi vì sao? Bác nói: mấy người như vậy sẽ bảo vệ người dân hơn, chứ mấy ông lớn, chỉ lo giữ ghế thui”.
Ông Nguyễn Phi Khanh, ở Sài Gòn, viết: “Chuyện bầu cử ở Việt nam là một trò hề và người dân chẳng qua như con rối. Thôi cũng đành, mong cho vở kịch chóng qua, để những người dân chân chính có thời gian bươn chải mà kiếm sống”.
Một người khác ở Sài Gòn, ký tên Trương Đạt, viết: “Nếu con số thống kê trung thực, thì tỉ lệ cử tri đi bầu sẽ hơn 100%. Đó là sự thật. Một người có 2 thẻ cử tri ở 2 nơi, không phải là chuyện hiếm… Có nơi nào trên thế giới như vậy không?”
Chuyện một người đi bầu cho cả nhà, không phải chỉ diễn ra tại Hà Nội, hay Sài Gòn, mà còn ở cả những nơi khác nữa. Một người là Lê Hoàng Hoa, ở Đà Lạt, viết: “Cuối cùng, tôi cũng nhờ ba tôi đi bầu giùm, vì hôm qua tôi nghĩ rằng, không mợ thì chợ cũng đông, thế thôi. Nhưng số là mấy người trong cơ quan là đảng viên cộng sản nói rằng, nếu không đi bầu thì sau này đi chứng giấy tờ, kẹt lắm, làm tôi phải suy nghĩ lại,.. Thế là tôi trao quyền công dân cho ba tôi vậy”.
Ở Việt Nam, có lẽ mọi người đã quá quen với màn bầu cử trình diễn, nhưng với những người Việt ở ngoại quốc, thật khó mà giải thích cho người sở tại. Bạn Tam Hoa ở Tokyo, viết: “Tôi cảm thấy rất mắc cỡ và hổ thẹn, khi đọc bài viết trên ASAHI của Nhật Bản, nói về cuộc bầu cử ở VN, họ viết với tựa đề ‘Hơn 99% dân đi bầu’. Làm sao tôi có thể trả lời được câu hỏi của người bạn Nhật, là ‘làm thế nào để có số đó?’ Vì ở Nhật này, hầu như những cuộc bầu cử, có cao lắm đi nữa, cũng chỉ hơn 50% một chút thôi...”
Nói tóm lại, ngay trong khi sử dụng cái gọi là quyền tự do bầu cử, người dân Việt Nam cũng không có tự do.
Sau hết, cũng có những người bênh vực cuộc bầu cử ngày 20 tháng Năm. Một người tự xưng là sinh viên, nhưng không nêu tên và nơi cư trú, viết rằng:
“Bầu cử ở Việt Nam phù hợp với chế độ chính trị của Việt Nam, đó là điều tất nhiên. Không thể đưa bầu cử Mỹ vào Việt Nam và ngược lại. Sinh viên chúng tôi rất hào hứng đi bầu cử, và con số 99% hay 100% không hề vô ý nghĩa, mà nó chứng tỏ phần lớn Đảng, Nhà nước Việt Nam rất được lòng dân, và còn có điều gì quan trọng hơn nữa? Hình như điều này làm nhiều người, nhiều nơi phải khó chịu”.
Lời bênh vực trên tuy ngắn, nhưng rất nhiều ý nghĩa. Người viết, trong khi khen Đảng và Nhà nước, thay vì tự tin, đã có cảm nhận bất ổn: “Hình như điều này làm nhiều người, nhiều nơi phải khó chịu”. Nếu những con số chứng tỏ Đảng được lòng dân, mà có thể làm nhiều người, nhiều nơi phải khó chịu, tức là Đảng không được lòng dân. Và, dưới một chế độ độc tài, chỉ trích nhà cầm quyền có thể đưa tới phiền phức, khiến đôi khi người ta phải giấu tên, là điều dễ hiểu. Nhưng, khi khen Đảng mà phải giấu tên, tức là biểu lộ một tình cảm xấu hổ. Một Đảng mà một sinh viên cảm thấy xấu hổ khi đề cao, có phải là một Đảng rất được lòng dân?
Ðiều 83 của hiến pháp Việt Nam hiện hành ghi: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Một cơ quan cao nhất của dân, của nước, đã được triệu tập theo kịch bản của một màn cưỡng bách trình diễn. Liệu những tỷ lệ phát triển ngoạn mục về kinh tế, có đủ để xóa hết những bước tiến giật lùi về chính trị?
© 2007 talawas