trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
22.1.2008
Nguyá»…n Trung LÆ°Æ¡ng
Phan Khôi tiên sinh có lý: "Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến"
 
Một lâu đài lý thuyết được thiết kế chặt chẽ, gọn gàng dễ có sức quyến rũ trí tuệ nhưng lại có một nhược điểm cơ bản: Nó thường không với tới nổi thực tại. Những cái gì cồng kềnh, không vừa vặn thì hoặc phải đành bỏ ra ngoài xem như không tồn tại hoặc là phải cố đút nhét vào cho bằng được với hệ quả là thực tại bị méo mó không còn nhận ra được. Một trường hợp điển hình là học thuyết Mác-Lê về lịch trình tiến hóa xã hội loài người và sự vận dụng nó vào lịch sử Việt Nam.

"Phong kiến" là một từ được dùng phổ biến trong ngôn ngữ ta hiện nay mỗi khi nói đến cơ cấu chính trị, xã hội truyền thống như "chế độ phong kiến", "xã hội phong kiến", "giai cấp phong kiến" vân vân. Trong học thuật Mác-xít chính thống (học thuyết Mác-Lê) phong kiến là một hình thái kinh tế-xã hội (tiếng Đức: sozial-ökonomische Formation) trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Phạm trù này đã du nhập vào Việt Nam cùng với sự hình thành phong trào cộng sản vào cuối những năm 20 và đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Quá trình thiết lập nền quốc học Mác-Lê từ hơn nửa thế kỷ qua đã củng cố việc sử dụng phạm trù phong kiến và biến nó thành một công cụ nằm chắc trong tay các sử gia để phân tích mổ xẻ lịch sử Việt Nam.

Sử quan Mác-Lê dựng trên luận đề là lịch sử loài người cho đến nay là lịch sử người bóc lột người, người áp bức người thông qua quan hệ giai cấp mà cội nguồn là sự tồn tại của chế độ tư hữu. Theo đó thì sự hình thành của chế độ tư hữu trong lịch sử đã giải thể xã hội "cộng sản nguyên thủy", nguyên là một xã hội bình quân, và phân hóa xã hội loài người thành xã hội giai cấp. Chi phối bởi các đối tượng tư hữu khác nhau, quá trình tiến hóa xã hội loài người đã tuần tự diễn biến qua những hình thái như sau: hình thái chiếm hữu nô lệ (đối tượng tư hữu: con người), hình thái phong kiến (đối tượng tư hữu: ruộng đất), hình thái tư bản chủ nghĩa (đối tượng tư hữu: lao động). Mặc dù chỉ được khai triển trên cơ sở tư liệu hạn chế vào lịch sử châu Âu (chính xác: lịch sử cổ đại Nam Âu, lịch sử trung đại và cận đại Tây Âu) các học giả Mác-xít chẳng bao giờ dám nghi ngờ tính phổ quát của luận thuyết này và đã vận dụng nó như là một quy luật phát triển xã hội cho toàn thể nhân loại.

Đáng chú ý trong bối cảnh này là ngay từ đầu, tức là vào đầu những năm 30 thế kỷ trước, học giả Phan Khôi đã lên tiếng phê phán việc áp dụng khái niệm phong kiến vào lịch sử Việt Nam bởi vì theo ông một thực tại lịch sử tương ứng không từng tồn tại ở nước ta. Ông đã trình bày quan điểm này trong bài "Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến" đăng trên báo Phụ nữ Tân văn (số 268 ra ngày 29.11.1934 tại Sài Gòn), gần đây được Lại Nguyên Ân sưu tầm và công bố (mạng talawas, ngày 04.04.2007). Trong các cuộc bàn luận về lịch sử vào thời ấy ông đã từng mạnh dạn cảnh cáo: "Xin hết thảy người trong nước phải biết tôn trọng quốc sử, phải biết tôn trọng sự thực của lịch sử nước mình, đừng để cho người khác xáo bậy đi." [1] Nhưng trước sự bành trướng, rồi thống trị của chủ nghĩa Mác-Lê trong học thuật Việt Nam, tiếng nói của Phan Khôi hầu như không đem lại một tác động gì đáng kể ngoài sự đả kích kịch liệt của phía Mác-xít, chủ yếu là của Hải Triều. [2] Trong suốt thời gian qua hình như cũng chẳng ai quan tâm đến vấn đề này cả. Hôm nay, sau hơn 70 năm, ai bận tâm ít nhiều đến sử ký trong quốc học hiện thời phải đi đến nhận định rằng quan điểm của Phan Khôi vẫn còn nguyên tính thời sự. Lý do: Mặc dù không được hỗ trợ bằng dữ kiện lịch sử, môn sử học chính thống vẫn xem hình thái kinh tế xã hội phong kiến là yếu tố cơ bản chi phối tiến trình lịch sử Việt Nam.

Thoạt tiên mới nhìn thì đề tài này dường như chỉ là một đối tượng bàn cãi hàn lâm, chuyên ngành có tính cục bộ, nhưng xét kỹ hơn ta sẽ nhận ra ngay là vấn đề có nguyên cớ vượt hẳn ra khỏi phạm vi khoa học lịch sử. Ngay từ buổi đầu "phong kiến" không phải là khái niệm có tính học thuật mà là một khái niệm chính trị. "Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương" được thông qua vào tháng 10.1930 [3] xem việc đánh đổ đế quốc Pháp và đánh đổ "phong kiến" là nhiệm vụ cách mạng hàng đầu. Trong bài báo cáo tại Đại hội Đảng năm 1951 Trường Chinh khẳng định rằng đối tượng chủ yếu của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc và thế lực "phong kiến". [4] Xóa bỏ chế độ "phong kiến" là nội dung của cuộc "cách mạng dân chủ" mà cao trào là cuộc "cải cách ruộng đất" được khởi động năm 1953. Cuộc cách mạng với mục đích xóa bỏ chế độ "phong kiến" đã kết thúc vào năm 1956 với "sai lầm cải cách ruộng đất". Một trong những nguyên nhân hiển nhiên đưa đến sự "sai lầm" của cuộc "cải cách ruộng đất" là sự ngộ nhận cơ cấu xã hội truyền thống cũng như thực tại lịch sử Việt Nam. Và như mọi người biết, hậu quả của "sai lầm" này vẫn còn tác động đến ngày hôm nay.

Bài báo của Phan Khôi nhắc đến ở trên có thể xem là một phản ứng đối với sự ngộ nhận chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương trong phong trào cổ động đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức "phong kiến". Phan Khôi viết: "Người mình có chịu áp bức, nhưng áp bức bởi cái gì kia; chúng ta rồi phải thoát ly, nhưng thoát ly cái gì kia, chớ đâu có phải chế độ phong kiến?" "Cái gì kia" được Phan Khôi gọi là "chế độ quận huyện", trong khi theo ông thì "chế độ phong kiến" được thiết lập trên cơ sở một hệ thống chư hầu. "Quận huyện nghĩa là chia trong nước ra làm từng quận, từng huyện, rồi thiên tử đặt quan ra cai trị chớ không đặt chư hầu. Làm thế này thì bình dân có dịp trực tiếp với thiên tử chứ không bị các vua chư hầu làm ngăn cách ra như phép phong kiến." Luận đề cơ bản của Phan Khôi là: Về mặt trật tự xã hội tầng lớp thống trị trong "chế độ quận huyện" là tầng lớp quan lại, tồn tại trên cơ sổ bổng lộc, trong khi chư hầu trong "chế độ phong kiến" là tầng lớp thống trị dựa trên nền tảng chiếm hữu ruộng đất và ngự trị địa hạt (cát cứ); về mặt trật tự chính trị "chế độ quận huyện" là một chế độ tập quyền và "chế độ phong kiến" là một chế độ phân quyền.

Dữ kiện lịch sử thu thập được trong quá trình nghiên cứu nửa thế kỷ qua đã không đánh đổ được lập luận của Phan Khôi, ngược lại còn hỗ trợ cho luận đề của ông. Luận cứ nổi bật nhất liên quan đến chế độ ruộng đất trong lịch sử xã hội Việt Nam. Đại để, có thể nói là các sử gia Việt Nam nhất trí với nhận định sau đây của nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Phong: "Trên nguyên lý và theo truyền thống sở hữu tối cao về ruộng đất toàn quốc thuộc về nhà nước, đứng đầu là nhà vua, quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất là thiêng liêng, bất khả xâm phạm chưa bao giờ được xác nhận trên pháp luật Việt Nam." [5] Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với lập trường truyền thống về sở hữu ruộng đất như sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) đã phát biểu trong Lịch triều hiến chương loại chí: "Ruộng đất là để cho mọi người hưởng lợi chung của đất, nếu ranh giới không đúng thì lương thực không có định số, cho nên chế độ ruộng đất cần phải quân bình". [6] Vì thế nhà nước phải giữ chức năng có tính chiến lược là chức năng phân phối: "Chính sách nuôi dân không gì cần làm trước bằng việc quy định sản nghiệp, mà phép quy định sản nghiệp tất phải ở việc cấp đều ruộng." [7] Sự can thiệp của nhà nước nhằm phục vụ mục đích ổn định xã hội: "Dân có sản nghiệp thường đủ nuôi sống thì tự khắc nghề làm ruộng trồng dâu đều được thỏa, làng xóm đều được yên nghiệp, mà công việc xây dựng giáo dục, chấn chỉnh phong tục, đều có thể thi hành được cả." [8] Như vậy là chế độ sở hữu ruộng đất trong xã hội truyền thống hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách "quy định sản nghiệp" của nhà nước. Chức năng phân phối và tái phân phối là một chức năng thường trực của nhà nước để kháng cự lại khuynh hướng tư nhân chiếm hữu ruộng đất. Học giả Nguyễn Đổng Chi khẳng định: "Quá trình công hữu hóa trở lại những ruộng đất tư hữu là một thực tế không thể chối cãi ở làng xã ngày xưa." [9]

Nền tảng kinh tế xã hội của "chế độ quận huyện" là chế độ sở hữu ruộng đất trực tiếp qua nhà nước và chức năng phân phối ruộng đất của nhà nước, hoàn toàn khác hẳn với nền tảng kinh tế xã hội của hình thái phong kiến mà đặc điểm là chế độ tư hữu ruộng đất và ngự trị địa hạt. Rõ ràng thực tại lịch sử xã hội Việt Nam không những khác biệt với thực tại của một xã hội phong kiến mà còn phản lại luận đề cơ bản của thuyết tiến hóa xã hội và thuyết giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lê: Tư hữu không phải là nguồn gốc độc nhất của sự tồn tại giai cấp, bóc lột và áp bức. Đây chính là lý do giải thích tại sao các học giả Mác-xít tránh né việc rút ra những kết luận, mà như ta dễ dàng nhận thấy, rất bất lợi cho lý luận của họ. Trước sau xã hội truyền thống Việt Nam vẫn được họ gắng gượng xem là xã hội phong kiến.

Như ta biết, sự chần chừ, thậm chí khước từ chấp nhận một thực tại lịch sử không vừa vặn với lý thuyết của mình có một truyền thống lâu dài trong quá trình phát triển của chủ nghĩa Mác-Lê. Vào những năm 50 thế kỷ 19 khi còn lần mò thu thập, nghiên cứu tài liệu để biên soạn bộ Tư bản luận, Marx và Engels đã đụng phải những dữ kiện lịch sử xã hội rất "cồng kềnh" mà cả hai đều rất kinh ngạc: Ở nhiều nước châu Á, tiêu biểu là Ấn Độ không tồn tại chế độ tư hữu ruộng đất như trong hình thái phong kiến ở châu Âu, mà chỉ có chế độ sở hữu ruộng đất qua nhà nước hay cộng đồng. Trong các cuộc trao đổi ý kiến lẫn nhau qua thư từ hai ông đã nhất trí rằng đấy là cái đặc thù, là "cái chìa khóa" để tìm hiểu lịch sử châu Á và xem đó là một nguyên nhân chính của tình trạng giậm chân phát triển xã hội tại các nước châu Á. [10] Hai ông đã gọi kiểu sinh hoạt kinh tế xã hội này là "phương thức sản xuất châu Á" (asiatische Produktionsweise). [11] Nhìn về triển vọng phát triển Marx còn phán rằng rồi đây việc du nhập hình thức tư hữu thông qua sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản sẽ gây nên cuộc "cách mạng xã hội độc nhất chưa từng thấy ở châu Á" ("einzige soziale Revolution..., die Asien je gesehen"). [12]

Tuy nhiên, sự thật là Marx và Engels đã không sáp nhập "phương thức sản xuất châu Á" (PTSXCA) vào lịch trình tiến hóa xã hội nguyên do hai ông khởi xướng và khai triển. Có nhiều lý do có thể hiểu được (tuy khó có thể tán thành): PTSXCA cồng kềnh không vừa vặn với học thuyết của hai ông, đặc biệt là đặc điểm của PTSXCA, sở hữu cộng đồng và nhà nước, hoàn toàn mâu thuẫn với luận đề về tư hữu là nguyên do của bóc lột và thống trị. Ngoài ra Marx cũng như Engels là đồ đệ trung thành của sử quan độc tuyến (unilinear) của Hegel mà vào lúc sinh thời của các ông Tây Âu được xem là trục quy chiếu lịch sử của nhân loại. Quả thật: Vào thời ấy những chuyện "động trời" bắt nguồn từ đây; Tây Âu là nơi sinh của chủ nghĩa tư bản đang bành trướng và nhìn từ một góc độ lấy Tây Âu làm trung tâm điểm thì tất nhiên các lục địa khác như châu Á chỉ được xem là đối tượng bị tác động, là "chất liệu" của lịch sử mà hình thù của nó chưa phân định rõ nét. Vì thế không có gì khó hiểu là Marx và Engels đã gác PTSXCH sang một bên. Tất nhiên đấy là một lối xử lý trái với lương tâm khoa học, nhưng nó gắn liền với tinh thần lịch sử đương thời của hai ông. Tóm ngắn lại: Marx và Engels cũng chỉ là những đứa con của thời đại họ thôi.

Khó hiểu là một trăm năm sau, trong một cục diện lịch sử hoàn toàn mới mà trong đó các dân tộc châu Á không còn là "chất liệu" mà là chủ thể của lịch sử, các học giả Mác-xít Việt Nam vẫn giữ nguyên lối nhìn dưới góc độ sử quan Tây Âu và xem lịch sử Tây Âu là một quá trình phát triển chuẩn mực. Họ xác định lịch sử Việt Nam thông qua lịch sử Tây Âu và từ đó đã rút ra kết luận vừa liều lĩnh vừa lạ đời rằng lịch sử ta là lịch sử "không hoàn chỉnh" (!) [13] . Thật quá hiển nhiên là cái "không hoàn chỉnh" ở đây không thể là lịch sử (của nước ta hay của bất kỳ nước nào khác) mà chỉ có thể là lý thuyết về lịch sử. Việc xã hội truyền thống Việt Nam không chịu sự chi phối của chế độ tư hữu ruộng đất như xã hội phong kiến Tây Âu tất nhiên không phải là một "thiếu sót" của lịch sử Việt Nam; việc xã hội truyền thống Việt Nam hoàn toàn chịu sự chi phối của chế độ quốc hữu ruộng đất mà không được lý thuyết chiếu cố tương xứng thì rõ ràng đấy là một thiếu sót của tư duy.

Thoát ly khỏi quỹ đạo của sử quan một chiều của chủ nghĩa Mác-Lê ta có thể xác định rằng lịch sử xã hội Việt Nam đã phát huy trên cơ sở một nền chính trị kinh tế học (politische Ökonomie) dựa vào chế độ quốc hữu ruộng đất gắn liền với chức năng phân phối của nhà nước. Môi trường kinh tế chính trị ấy đã sinh đẻ ra một tầng lớp thống trị không dựa trên quan hệ tư hữu ruộng đất như giai cấp phong kiến Tây Âu mà là hoàn toàn phụ thuộc vào chức năng phân phối của nhà nước. Đấy là tầng lớp quan liêu, tầng lớp thống trị trong suốt lịch sử Việt Nam. Theo Phan Khôi thì sự thoát ly khỏi gòng kìm hãm của chế độ quan liêu ấy, chứ không phải chế độ phong kiến, chính là mục tiêu chính trị của công cuộc hiện đại hóa Việt Nam.

Cho đến nay quyền tư hữu vẫn chưa được công nhận trọn vẹn tại Việt Nam; điều này chắn chắn không phải là một sự tình cờ, cũng không phải là một sự tùy tiện mà là, như ta thấy, có nguyên nhân sâu xa từ trong một truyền thống lâu dài. Một cuộc "cách mạng xã hội độc nhất chưa từng thấy ở châu Á" gây nên bởi sự xâm nhập của chế độ tư hữu thông qua sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản, như Marx dự đoán, vẫn chưa xảy ra ở Việt Nam. Ngược lại, sự thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa từ hơn thế kỷ nay đi song song với quá trình quốc hữu hóa và với sự tăng cường tối đa chức năng phân phối của nhà nước đã tạo nên tiền đề cho sự phục hồi chế độ quan liêu cổ truyền. Quả vậy: Trong thời kỳ cực thịnh của "nhà nước xã hội chủ nghĩa" (nay gọi khéo là thời kỳ "bao cấp") sự tồn tại của mọi thành phần xã hội (quan, công, nông, thương, binh) hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ phân phối, cấp phát, bổng lộc của nhà nước, biến xã hội Việt Nam thành một xã hội quan liêu có một không hai trong lịch sử nhân loại hiện đại. Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam hệ hình xã hội chỉ có thể thay đổi thông qua sự hình thành và trưởng thành những tầng lớp xã hội thoát ly khỏi sự sủng ái của nhà nước mà điều kiện tiên quyết là sự bất khả xâm phạm của quyền tư hữu. Một "cuộc cách mạng xã hội" thực sự theo Marx chính là một sự thay đổi hệ hình xã hội chứ không phải là một cuộc "thay thầy đổi chủ".

Phạm trù xã hội quan liêu là một công cụ hữu hiệu để áp cận lịch sử phát triển xã hội Việt Nam, giúp ta làm sáng tỏ được bản chất của xã hội truyền thống cũng như thực chất của cái gọi là "xã hội xã hội chủ nghĩa". Thông qua sự phân tích các cơ chế của xã hội quan liêu ta sẽ nhận rõ nét guồng máy thống trị áp bức, những yếu tố tác động đưa đến sự trì trệ, kìm hãm sức sản xuất trong lịch sử phát triển xã hội Việt Nam và đặc biệt sự tha hóa của nhà nước biểu dương qua những hiện tượng có tính hệ thống (vì thế mà nan giải) như tập quán cửa quyền, tập quán tham nhũng, đầu óc địa vị khoa bảng, những vấn nạn mà quá trình "đổi mới" hôm nay đang phải đương đầu.

Tháng Giêng 2008

© 2008 talawas



[1]Phan Khôi: Nói một lần này nữa thôi, về việc "nước Pháp giúp nước Nam". Một cuốn sách Tàu minh oan cho chúng ta. Trong: Đông Pháp thời báo, 4/8/1928. Trong: Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1928. Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng 2003, tr. 59.
[2]xem Vu Gia: Phan Khôi. Tiếng Việt, Báo chí, Thơ Mới. Nxb Đại học Quốc gia, TPHCM 2003, tr. 245-248.
[3]Ban Tuyên huấn Trung ương, Vụ Biên soạn: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trích văn kiện Đảng. Tập I (1930-1945). Nxb Sách giáo khoa Mác–Lê-Nin, Hà Nội 1979, tr. 40.
[4]Trường Chinh: Bàn về cách mạng Việt Nam. Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, tháng 2 năm 1951. Trong: Ban Tuyên huấn Trung ương, Vụ Biên soạn: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trích văn kiện Đảng. Tập II (1945-1954). Nxb Sách giáo khoa Mác–Lê-Nin, Hà Nội 1978, tr. 313.
[5]Nguyễn Hồng Phong: Các công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Tập 3. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2004. Trích theo Hoàng Ngọc Hiến: Văn hóa và văn minh – Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng 2007, tr. 67.
[6]Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Tập 3. Nxb Sử học, Hà Nội 1961, tr. 47.
[7]Sách vừa dẫn, tr. 70
[8]Sách vừa dẫn, tr. 71
[9]Nguyễn Đổng Chi: "Vài nhận xét nhỏ về sở hữu ruộng đất của làng xã ở Việt Nam trước cách mạng". Trong: Ủy ban Khoa học xã hội. Viện Sử học: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử. Tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, tr. 52
[10]Thư của Marx gửi cho Engels ngày 02.06.1853 và của Engels gửi cho Marx ngày 06.06.1853. Trong: Marx Engels Werke (MEW). Tập 28. Dietz Verlag, Berlin 1963, tr. 254 và tr. 259
[11]Về vấn đề "Phương thức sản xuất châu Á" xin tham khảo Trương Quang Tiến: "Lược khảo khái luận 'Phương thức Sản xuất Á châu’ của Karl Marx và Friedrich Engels", trên talawas ngày 08.10.2005; và Trương Quang Tiến: "Hậu duệ của Marx, Engels và Phương thức Sản xuất Á châu", trên talawas ngày 21.12.2005.
[12]Karl Marx: Die britische Herrschaft in Indien (Sự đô hộ của Anh quốc tại Ấn Độ). Trong: Marx Engels Werke. Tập 9. Dietz Verlag, Berlin 1960, tr. 132
[13]Trần Ngọc Vương: "Hình thái kinh tế-xã hội và kết cấu giai cấp trong lịch sử Việt Nam – Mấy điểm đặc thù" (Báo cáo khoa học tại Hội nghị Triết học toàn quốc Những vấn đề lý luận của thời kỳ quá độ, Hà Nội 1983). Trong: Trần Ngọc Vương: Văn học Việt Nam. Dòng riêng trong nguồn chung. Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998, tr. 11-44.