trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
9.12.2004
Hoàng Hưng
Lịch sử hiện đại hoá Thơ Việt trong mắt một nhà thơ
Võ Sư Phạm dịch
 
Nhận lời mời của South East Asia Center thuộc University of Washington tại Seattle, ngày 7.5.2003 nhà thơ Hoàng Hưng đã có một buổi giới thiệu tác phẩm của mình và trò chuyện về những kinh nghiệm của một nhà báo Việt Nam. Bài nói chuyện trong nguyên gốc tiếng Anh sau đó được biên tập lại và đăng trong tạp chí văn học Mỹ New American Writing (Viết Mới), số 22 năm 2004, số chuyên đề về thơ châu Á, với tựa đề “The Modernization of Vietnamese Poetry: A History from a Vietnamese Poet’s Perspective”. Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt của bài viết này, với một số chi tiết bổ sung của tác giả so với bản gốc tiếng Anh.
talawas
Xã hội Việt - Thơ Việt

Ở thủ đô nước Việt Nam có một đền thờ gọi tên Văn Miếu, theo nghĩa đen là “Nơi thờ Văn Thơ”. Nơi đây thờ các nhà trí thức kiêm nhà thơ của Việt Nam. Kể cũng đáng cho ta tìm hiểu vì sao có sự trọng vọng này.

Trong thời phong kiến (trước thế kỷ thứ 20) ở Việt Nam các văn bản đều viết bằng chữ Nho (chữ Hán) hoặc chữ Nôm (một biến thể của chữ Nho nhưng còn khó viết hơn), vì thế các nhà thơ phải là những trí thức có kiến thức cao về văn hoá và ngôn ngữ. Họ là những nhà nho đồng thời cũng là quan lại triều đình.

Dưới thời kỳ thực dân Pháp thống trị (1884-1945), các nhà thơ cũng chủ yếu sinh ra từ lớp tinh hoa, chỉ khác là giờ đây họ là những người Tây học và viết bằng chữ quốc ngữ theo mẫu chữ latin. Việc phát tán các bài thơ giờ đây tiến hành qua sách báo, cũng vì thế thơ ca phổ biến mạnh mẽ hơn ở thành thị, đó chính là con lộ thênh thang cho việc đòi quyền sống cá nhân của lớp thanh niên tân thời. Trong khi ấy, các nhà hoạt động cách mạng lại có ý thức dùng thơ ca để vận động quần chúng. Cung cách này đã được nhà lãnh đạo Cộng sản trước 1945 bút danh Sóng Hồng nói rõ trong bài thơ Là Thi Sĩ: “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”.

Trong thời gian hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1975), nhờ tỷ lệ dân chúng biết chữ khá cao, thơ đã trở thành một hoạt động mang tính quần chúng và Việt Nam đã từng được coi như “Đất nước Thơ Ca”. Nhận rõ tác động xã hội to lớn của Thơ, nhà cầm quyền Bắc Việt Nam đã khai thác các đặc điểm của Thơ - chủ yếu là tốc độ phổ biến nhanh và khả năng nói lên những chân lý cao xa một cách đơn giản – biến Thơ thành “vũ khí” huy động quần chúng tham gia kháng chiến.

“Nay ở trong Thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong”, cụ Hồ Chí Minh đã viết như thế trong tập Nhật ký trong tù nổi tiếng (1941-1942). Kể từ khi có công cuộc “đổi mới” cuối những năm 1980, thơ ca bắt đầu tách dần khỏi chính trị và các nhà thơ tập chú hơn vào các giá trị thẩm mỹ của thơ. Thực ra thì ngày càng ít người đọc thơ do có sự suy thoái chung của văn hoá đọc, thế nhưng cái tình yêu muôn thở đối với Thơ của nguời Việt Nam vẫn còn đó, thậm chí còn mạnh hơn nữa. Các nhà thơ thì vẫn như xưa, có mặt khắp nơi, và việc giao lưu ý tưởng và tình cảm qua thơ vẫn là niềm vui thích của mọi người. Ta bắt gặp Thơ trên báo chí, trên làn sóng phát thanh, trên màn ảnh nhỏ truyền hình, và qua hàng trăm cuốn sách thơ in ra mỗi năm (nhà thơ có thể còn nghèo song vẫn bỏ tiền túi ra in thơ). Rất gần đây thôi, một “Ngày Thơ Việt Nam” đã ra đời, tổ chức vào ngày Nguyên Tiêu, giúp cho mọi người có cơ hội tôn vinh Thơ vào một Ngày riêng hẳn cho Thơ.

Vậy là Thơ vẫn có tầm quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, và nhà nước tuy có cởi mở hơn với Thơ nhưng vẫn rất cảnh giác với các thứ Thơ “phản động, đồi trụy” về nội dung và khó hiểu về hình thức. Bài tiểu luận này sẽ xem xét Thơ Việt Nam trong quan hệ với công cuộc đổi mới về mọi mặt đồng thời chỉ ra những thăng trầm của nhà thơ Việt Nam trong cuộc hiện đại hoá nền thi ca nước mình.


Lịch sử hiện đại hoá Thơ ở Việt Nam

Kể từ những năm 1930, khởi đầu bằng một cuộc “cách mạng thơ”, những nỗ lực hiện đại hoá thơ, sáng kiến và đi đầu luôn luôn là từ các nhà trí thức trẻ thành thị, những người muốn tự do thoát khỏi các ràng buộc của thơ ca truyền thống, sự đúc khuôn về nội dung cũng như hình thức, yêu cầu thơ phải có nhiệm vụ giáo huấn, phải là công cụ của ý thức hệ.

Những nỗ lực hiện đại hoá Thơ Việt Nam gần đây được phát động bởi yêu cầu tự do cá nhân còn mạnh mẽ hơn những năm 1930, và nằm chung trong dòng chảy đổi mới xã hội chứ không chỉ riêng Thơ. Đó là những khát vọng thoát ra khỏi quan niệm phong kiến “Văn dĩ tải đạo” mà sau đó thời xã hội chủ nghĩa được biến cải thành “Nghệ thuật phục vụ chính trị và phục vụ nhân dân”. Dưới chiêu bài đó, những người bảo thủ lắm khi có quyền lên án Thơ ca đổi mới là suy đồi, chứa đựng tư tưởng tư sản, có thể phá hoại sự nghiệp văn hoá xã hội chủ nghĩa.


Phong trào “Thơ Mới” những năm 1930

Chịu ảnh hưởng của thơ lãng mạn và tượng trưng Pháp thế kỷ 19, các nhà thơ Việt Nam những năm 1930, những người từng thấm nhuần ngôn ngữ Pháp từ ghế nhà trường phổ thông, đã tiến hành cuộc cách mạng thơ dưới tên gọi “Thơ Mới” như một sự thoát ra khỏi ảnh hưởng ngàn năm của nền văn hoá Trung Hoa. “Thơ Mới” diễn tả tình yêu dịu ngọt, nỗi buồn và nỗi cô đơn của con người riêng tư, mang theo xu hướng thoát ly thực tại, trốn vào thiên nhiên và lãng mạn hoá quá khứ. Phần nhiều loại thơ này theo hướng nghệ thuật vị nghệ thuật. Luồng thơ mới này tự cắt đứt khỏi các niêm luật Đường Thi và sử dụng một số thể thơ Pháp thế kỷ 19. Làn sóng mới mẻ Thơ Mới của Việt Nam những năm 1930 là tham vọng đầu tiên hiện đại hoá thơ Việt Nam – nó đã thành công nhờ vào sự tàn lụi rồi chết hẳn của nền văn hoá Nho học và sự nảy sinh của nền văn hoá tiểu tư sản thành thị dưới thời Pháp thống trị. Làn sóng mới này đi đến chỗ bị khai tử - hoặc chí ít là lui vào chỗ nấp kín đáo – khi có cuộc Cách mạng năm 1945, cho đến tận những năm 1960. Trong những năm 1960, nhất là trong những năm Chiến tranh chống Mỹ, lại nổi lên những nỗ lực hiện đại hoá thơ ca ở Sài Gòn.


Đổi mới Thơ ca ở Sài Gòn những năm 1960

Chất men văn hoá Mỹ và Pháp trong những năm 1960 - các phong trào chống đối chính trị, những thể nghiệm biểu đạt mới, và sự tiếp nhận những ảnh hưởng văn hoá xuyên biên giới quốc gia – đã có tác động tới những nhà thơ trẻ Sài Gòn những năm đó. Các nhà thơ làn sóng mới Sài Gòn những năm 60 chủ yếu nằm trong nhóm “Sáng Tạo”. Nhóm này khai thác và nói to lên thân phận cô đơn của con người sống trong cuộc chiến tranh không lối thoát. Các nhà thơ này tìm cách có tự do hơn trong những cách biểu đạt mới mẻ, trong những câu thơ tự do, những nhịp điệu bất thường, giống như các “thanh khí” của họ ở phương Tây đi theo tiết tấu nhạc jazz.


Những nỗ lực hiện đại hoá Thơ ở miền Bắc từ năm 1954

Tôi muốn tập chú vào những nỗ lực dũng cảm hiện đại hoá Thơ của một số nhà thơ Việt ở Bắc Việt Nam – nơi đây hệ tư tưởng chính thống yêu cầu Thơ phải là công cụ cách mạng, cũng có nghĩa là phải có tính quần chúng và phải trung thành với những lệ luật có tự lâu đời. Ban đầu có thể kể đến Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh hồi mới bắt đầu kháng chiến chống Pháp. Trần Mai Ninh qua đời quá sớm, còn Nguyễn Đình Thi thì bị phê phán nên cũng phải chữa lại nhiều bài thơ cho bớt “tiên phong”. Trong giai đọan 1954-1975, có thể kể đến một số cách tân của Chế Lan Viên và Thanh Thảo, những cách tân này được chính thống chấp nhận do có nội dung chính trị tốt.


Trên miền Bắc Việt Nam sau năm 1954, mà khẩu hiệu chính trị là “xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng Nam Việt Nam”, có thể thấy mối quan hệ giữa việc hiện đại hoá thơ và các vấn đề xã hội chính trị thể hiện trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm hồi năm 1956. Tinh thần phong trào Nhân văn–Giai phẩm được khởi xướng bởi nhà thơ Trần Dần, người nổi tiếng với tiểu thuyết Người người lớp lớp ngợi ca các chiến sĩ Điện Biên Phủ. Vốn đã có sẵn tinh thần cách tân Thơ và Nghệ thuật nói chung, lại được gợi ý và thức tỉnh qua phong trào đòi tự do sáng tác ở Đông Âu và Trung Hoa, Trần Dần đã viết lá thư định gửi cho lãnh đạo Đảng Lao Động Việt Nam. Trong lá thư này có những đường nét lớn của một dự án đòi tự do hơn nữa cho văn nghệ sĩ Việt Nam. Trong lúc bị buộc phải tự kiểm thảo vì quan điểm của lá thư, ông đã viết bài thơ dài Nhất định thắng. Cũng khoảng thời gian ấy, vào năm 1956, nhà thơ Hoàng Cầm và các đồng chí cho ra tập san mang tên Giai phẩm. Số đầu tiên của Giai phẩm đã gây ra náo loạn dư luận với việc đăng Nhất định thắng của Trần Dần. Bài thơ nói đến sự khốn khổ của con người hồi đó, với điệp khúc:

Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Và dĩ nhiên bài thơ cũng ngầm chứa cái ý đòi tự do cho người nghệ sĩ để họ thoát khỏi cảnh khốn cùng về trí tuệ và vật chất của mình.

Trần Dần bị bắt giam ngay sau đó, nhưng rồi được thả nhờ những sự kiện ở Liên Xô (chống sùng bái Stalin) và Trung Quốc (phong trào “Trăm hoa đua nở”). Trong hoàn cảnh ấy, một tờ báo tư nhân ra đời, tờ Nhân Văn. Tờ báo có những bài đòi “Trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ”, lên tiếng phê phán hệ thống quan liêu đương thời và cuối cùng hàm ý kêu gọi một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng đòi những thay đổi về chính trị. Nhận rõ nguy cơ một phong trào đòi dân chủ, nhà cầm quyền đóng cửa các tờ báo và tập san đó, và cuối năm ấy bắt đầu chiến dịch “Đấu tranh chống bè lũ Nhân văn–Giai phẩm”. Cuối chiến dịch là vụ án xét xử và bỏ tù những người chịu trách nhiệm về tư tưởng chống đối chính trị của phong trào. Đồng thời, qua các lớp chỉnh huấn dùng hình thức phê và tự phê, qua các lần cải tạo lao động, người ta đề ra những tiêu chuẩn chính trị mà trí thức và văn nghệ sĩ phải theo.

Sau vụ án, các nhà thơ chủ chốt của phong trào Nhân văn–Giai phẩm như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt bị tước quyền xuất bản các sáng tác của họ. Lặng câm trong thân phận ngoài lề, họ tập trung tìm con đường đổi mới Thơ. Tránh va chạm với các vấn đề xã hội-chính trị bằng cách chui vào tháp ngà ngôn từ, họ đề cao cái phi lý và đời sống tiềm thức, vô thức.

Trên thực tế, Trần Dần đã đưa ra một quan điểm “hiện đại chủ nghĩa” về Thơ trong bản Tuyên ngôn tượng trưng ngay từ tháng Giêng năm 1946 (đúng vài ba tháng sau cuộc Cách mạng 1945):

“Chúng ta muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sĩ của lòng. Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ của cái tôi thầm kín”… “Không được dùng lý trí, không được dùng cảm tình, nghĩa là không được chỉ dùng có một quan năng tách bạch của chúng ta. Hãy đem tất cả linh hồn, hãy mở tất cả các cửa ngách của tâm tư mà lý hội”, “nói đến âm nhạc trong thơ là phải nói đến sức gợi khêu của chữ” (in trên số 1 của tập san Dạ Đài do chính ông sáng lập).

Sau vụ án Nhân văn–Giai phẩm, Trần Dần bắt tay vào một loạt thử nghiệm Thơ kéo dài suốt đời mình. Tinh thần cách tân không ngừng nghỉ của ông có thể thấy rất rõ ở những dòng này trong Bài Thơ Việc Bắc năm 1956:

Hãy thù ghét
mọi ao tù

nơi thân ta
rữa mốc

mọi thói quen
/nếp nghĩ- mù loà

Bắt đầu bằng những bài thơ theo lối leo thang kiểu Maiakovski xưng tụng chủ nghĩa anh hùng, nhà thơ tiếp tục với những “bài thơ mini” sâu đậm màu thiền-triết và cuối cùng là đi tới những bài “thơ không lời”. Trần Dần nổi tiếng với tuyên ngôn “làm thơ là làm tiếng Việt”. Ông xứng đáng được coi là người đi đầu dòng thơ vẫn được gọi tên là “Dòng chữ” tồn tại bên cạnh dàn hợp xướng tạp âm “có tính quần chúng” được chính thức thừa nhận.

Quan điểm của Trần Dần về Thơ cũng gần với những nhà hậu hiện đại Mỹ (thường gọi là các nhà làm “thơ ngôn ngữ” - language poetry), ưng dùng những “chữ rỗng” (empty words) thay vì những “chữ thụ nghĩa” (signified words), dùng những ám chỉ nhờ vào sức mạnh của ngữ âm thay vì nghĩa thông dụng của các chữ. Cho tới khi ông qua đời vào năm 1997, Trần Dần chỉ được thấy một chút xíu thơ tiên phong của mình được xuất bản, thế nhưng với thời gian, người tự gọi mình là “Tư Mã Gẫy” ngày càng được đông đảo bạn đọc để ý vì nhân cách Thơ của ông thể hiện trong sự “chính trực” thi ca, cuộc chiến đấu kiên quyết chống lại con đường “thơ nô”. Ông xứng đáng với danh hiệu mà những người mến mộ đặt cho: “thủ lãnh trong bóng tối”.

Lê Đạt, bạn của Trần Dần, người chia sẻ các giá trị và mục đích Thơ với ông, từng xuất hiện trong phong trào Nhân văn–Giai phẩm theo những nguyên tắc viết như sau:

(Chúng ta phải có) hơi thơ xốc vác, gần gụi với những ưu tâm xã hội, những lo toan, những đòi hỏi của đời sống hàng ngày, thông qua một cách diễn đạt trực tiếp, táo bạo của một ngôn ngữ sống” (Dẫn theo bản thảo chưa công bố).

Sau vụ án, ông lại chia sẻ với Trần Dần quan niệm “Thơ con chữ” trong các thể nghiệm riêng. Nhà thơ từng tự gọi mình là “Phu chữ” nói về các thể nghiệm đó:

“Về mặt thi pháp, “thơ mới” năm 1930 chủ yếu mang tính đơn tuyến, đơn nghĩa và một tính mục đích quá rõ ràng nhằm diễn đạt một ý đồ có sẵn. Nhà thơ chú ý nhiều đến nghĩa thông thường của chữ, nặng về câu hơn về chữ, chưa bận tâm đến việc tổng phát nghĩa trên toàn tuyến, thiết lập những tương quan mới của chữ, huy động tổng lực mọi khả năng của chữ (âm lượng, tính đồng âm dị nghĩa, diện mạo quá khứ), xây dùng những trường ngữ nghĩa riêng bên ngoài văn phạm từ vị và ngôn ngữ thông thường. Một câu thơ hay thường mang sâu sắc tính dân tộc, đồng thời ít nhiều ngoại ngữ, vì đã tạo ra một cách nói mới, một cách phát nghĩa mới. Có phải thơ tích cực góp phần xây dựng con người thế kỷ 21, con người tạo nghĩa (homo significans)?”; “Tôi đã lần mò tìm vô thức trong mê cung của chữ, tự nguyện thành một người rồ chữ có kiểm soát”
(trích bản thảo chưa in).

Vào thời đó, có những “người thể nghiệm” khác nữa (nói theo Đặng Đình Hưng) đã đóng góp vào công cuộc hiện đại hoá Thơ. Nằm “cô đơn toàn phần” trong ổ, Đặng Đình Hưng đã viết bài thơ dài Bến lạ có thể coi như thành tựu của Thơ hiện đại Việt Nam. Trong khi Văn Cao – một nhà soạn nhạc nổi tiếng – là người dõng dạc tuyên ngôn thơ tự do, Dương Tường - một dịch giả văn học Anh và Pháp nổi tiếng - lại đề xướng một thứ "Thơ âm bồi". Dương Tường viết:

“Vật liệu chính của thơ tôi không phải con chữ mà là con âm… Họ (các nhà thơ khác) làm việc ngôn ngữ trên chiều biểu nghĩa (signifié), còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều năng nghĩa (signifiant). Những gì ở thơ họ là đã thì tôi là đang. Nói cách khác, ở thơ các bạn đã là mặt chữ nhìn thẳng, còn tôi là ở mặt chữ nhìn nghiêng. Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở mặt chênh đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Tôi muốn đi theo một thi pháp âm bồi, nếu có thể gọi thế. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì đó là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi.” (Tạp chí Sông Hương tháng 6/1990).

Chẳng may là những thể nghiệm đó chỉ được cất trong ngăn kéo hoặc lưu hành kín trong đám nhỏ bạn bè. Mọi ý đồ tiếp cận tác phẩm hay con người của những nhân vật cựu Nhân văn–Giai phẩm đều bị nhà cầm quyền coi là “tiêu cực”. Vụ việc đau lòng hơn cả xảy ra với bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, viết năm 1959 theo tinh thần tân-tượng trưng, bị các quan chức văn hoá-tư tưởng coi là “biểu tượng hai mặt”, coi là có ngầm chứa tư tưởng chống đối chính trị. Vào năm 1982, khi có vài bài thơ trong đó của Hoàng Cầm được in ở nước ngoài kèm theo vài lời bình chống đối, thì Hoàng Cầm bị bắt giữ và giam trong 18 tháng.

Những nhân vật Nhân văn-Giai phẩm chỉ được trả lại quyền xuất bản thơ của mình từ khi có chính sách “Đổi Mới” vào cuối những năm 1980. Những công trình “tiên phong” của họ thế là phải chờ 20 năm, thậm chí 30 năm để có thể tạo ảnh hưởng đến cộng đồng Thơ. Khi ra mắt, chúng gây sốc không chỉ cho số ít nhà thơ Việt và buộc họ suy nghĩ rằng họ chẳng còn thể nào đi theo lối làm thơ như xưa. Cũng đáng nói ở đây là câu chuyện buồn về Hoàng Cầm đã có “hồi kết hậu” khi tập thơ Về Kinh Bắc của ông trở thành cuốn sách bán chạy trong những năm 1990 và tác giả đã trở thành gương mặt hấp dẫn trong hệ thống truyền thông.

Ta có thể thấy ảnh hưởng của các nhà thơ đó trong lớp tiên tiến của thế hệ nhà thơ trẻ ngày nay. Được kích động vì sự im lặng dũng cảm của các nhà thơ đi trước, lại được trang bị tiếng Anh cơ bản cùng với những chiếc máy tính cá nhân và những mối liên hệ với các bạn đồng nghiệp Việt Nam hải ngoại, nhiều nhà thơ trẻ bắt đầu tạo ra làn sóng hiện đại hoá Thơ lần thứ ba ở Việt Nam, và công cuộc này đang còn tiếp tục hoàn thiện.


Đường Thơ của riêng tôi

Đường Thơ của tôi đôi lúc cắt ngang lịch sử hiện đại hoá Thơ Việt và đôi lúc đi song song với nó. Trong các sáng tác của mình tôi chia sẻ khuynh hướng của những nhà thơ cưỡng lại chính sách văn hoá (chính thống), tôi nằm trong cái lịch sử hiện đại hoá Thơ ấy đồng thời lại có thể nói rằng nó chẳng ăn nhằm gì với mình cả. Tôi thường khi bị/được coi là một trong số ít nhà thơ “tiên phong” ở Việt Nam thời nay - người luôn luôn đi tìm tòi cái mới, tìm những cách biểu hiện lạ đời cho Thơ. Thế nhưng câu chuyện thì phức tạp hơn thế nhiều.


Từ lập trường nhà thơ-công chức đến kẻ bên lề

Mười chín tuổi tôi xuất hiện trên sân khấu thơ chính thống, trong dàn đồng ca xưng tụng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa lãng mạn cách mạng, và sau đó may mắn trở thành một người trong nhóm nhà thơ thế hệ chống Mỹ những năm 1960 được công chúng chú ý. Thế nhưng tới cuối những năm 1960 tôi dần dần tách khỏi dàn đồng ca. Vào năm 1973 thì tôi hoàn toàn tách khỏi, và cho dù các bạn tôi cứ cho rằng tôi cố tình tạo cho mình vị thế ngoài lề, tôi vẫn âm thầm đi con đường riêng. Lo âu sâu xa và hoài nghi về số phận dân tộc mình (sau này thì thấy không sai khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ), tôi thấy không yên tâm khi cất tiếng ca những giai điệu quen thuộc như “đường ra trận mùa này đẹp lắm“.

Tôi đã viết thế này vào hồi đó:

Các anh bảo chúng tôi
Đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp
Chúng tôi đi
Vì không sợ chết
Chúng tôi chết
Vì sợ sống hèn
Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?

Những đoạn thơ như trên mà công an tìm thấy trong nhà tôi về sau trở thành bằng chứng cho điều các nhà cầm quyền gọi là “suy đồi về tư tưởng”, và đưa tôi đến trại giam năm 1982.

Có một nguyên nhân nữa của việc tôi tự tách mình ra, đó là ảnh hưởng của những quan điểm nghệ thuật và văn học hiện đại của châu Âu (trong số nhà thơ cùng thế hệ, tôi may mắn được học tiếng Pháp đủ để đọc sách lý luận văn nghệ viết bằng thứ tiếng này), từ “chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến” - cuộc trốn chạy đầu tiên khỏi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa do nhà mỹ học Pháp Roger Garaudy xướng xuất –- đến việc phát hiện chủ nghĩa siêu thực trong hội hoạ và thơ ca (Apollinaire, Lorca, Eluard) và cuối cùng là sự khám phá cái phi lý trong những tiểu thuyết của Kafka và kịch của Samuel Beckett. Bài viết của tôi báo hiệu sự ly khai với nền thi ca chính thống (tức là thơ ca tuyên truyền) được in trên báo Văn nghệ vào năm 1970, và đây là vài ý chính:

  1. Thơ không nên là những tụng ca thời thượng, mà phải đi sâu vào tâm trạng con người.
  2. Thơ cần phải liên tục đổi mới để đuổi kịp sự phát triển của đời sống (dẫn lời bài thơ của nhà thơ Philippe Jaccottet: “Tôi đã già đi từ tiếng đầu đến tiếng cuối của bài thơ”).

Dĩ nhiên là các quan điểm đó đã bị các “quan thơ” cáu tiết phê phán!

Bên cạnh những quan điểm lạc điệu của tôi, các quan thơ cũng nhận thấy rằng tôi đang tìm cách phổ biến một thứ thơ “suy đồi” (như các bài thơ hiện đại của Apollinaire và Lorca). Rồi cái gì phải đến đã đến. Năm 1973, sau khi công khai tranh cãi với Chế Lan Viên, một viên “quan thơ to đầu” ở Hội Nhà Văn Việt Nam, về cái lý tưởng và cái hiện thực trong thơ ca cách mạng, tôi quyết định không tiếp tục viết những gì mà Hội Nhà Văn muốn xuất bản – không phải là ngừng sáng tác, mà chỉ viết những gì không xuất bản, cho riêng mình.


Những bài thơ đi tìm mặt mình (1969–1979)

Những bài thơ không xuất bản của tôi, được lưu chuyển trong đám bạn bè, tìm cách đi sâu vào cuộc sống nội tâm chính mình, để khám phá những ảo tưởng tan nát, sự bất an trong lòng, và sự xông pha đi tìm bộ mặt thật của cuộc đời chính cá nhân mình, chống lại sự ngoan ngoãn như các quan thơ yêu cầu.

Vào năm 1969, tôi đã viết những bài thơ như:

Tỉnh giấc ở Hòn Gai

Thốt tỉnh. Bây giờ là mấy giờ đêm?
Oi ả quá. Sóng không buồn vỗ.
Sà sà mảng núi ngang đầu
Trắng bệch màu mây mệt mỏi.
Vụt đứng dậy. Bồn chồn kinh hãi.
Sáng mau đi! Đá sập đến nơi rồi!

Tôi viết bài thơ này vào cái đêm tôi nghỉ dưới chân núi Bài Thơ ở Hòn Gai sau trận báo động máy bay Mỹ. Một nhà văn đương thời nhận xét về bài thơ này, chia sẻ với tôi “nỗi âu lo bất an của thời mình đang sống”.

Hình thức phổ biến của thơ tôi trong giai đọan này là thơ tự do không vần.


Những bài thơ vụt hiện (1980–1982)

Tiếp đó là giai đoạn “thơ vụt hiện”, những bài thơ viết ra một cách bột phát, ghi lại mọi con âm chợt hiện trong đầu như ánh chớp loé lên trong bóng đêm, trong đó có cả những “từ” chỉ là những âm vô nghĩa.

Những bài thơ này có gốc gác từ bối cảnh thời đó –- sau năm 1975 (theo thói quen chúng tôi nói ở Việt Nam, mọi sự chia ra trước 1975 và sau 1975). Sau khi Việt Nam thống nhất, tôi chuyển vào Sài Gòn làm phóng viên thường trú cho một tờ báo hàng tuần của Hà Nội. Công việc cho tôi nhiều thời giờ tự do, tôi có cơ hội thể nghiệm một cuộc sống hai mặt: một của người “bộ đội” (người miền Nam gọi tất cả những cán bộ từ miền Bắc vào như vậy), một gần gụi với những cựu viên chức chế độ Sài Gòn và nền văn hoá hậu chiến tranh ở Sài Gòn. Sài Gòn sau chiến tranh khiến ta hoang mang bối rối: toàn thành phố là một cái chợ giời lớn, hàng trăm nghìn người không sợ gian nguy xuống tầu thuyền vượt biên, và những người “thắng trận” mất phương hướng giữa thế giới tiêu dùng nhập của Mỹ (vẫn thường bị người cộng sản gọi khinh miệt là “phồn vinh giả tạo”). Thời đó mọi chuyện chả có mấy ý nghiã.

Bản thân tôi thời đó sống nhờ lăn lộn buôn chợ giời cùng với các bạn hàng là những người thuộc chế độ cũ, họ buôn bán trong khi chờ đợi chuyến tàu đón họ vượt biên sang miền đất hứa. Vào thời đó, tôi có dịp đọc vô số sách triết học bán giá rẻ trên hè phố Sài Gòn –- fire sale books (nghĩa đen là ‘sách bán tống bán tháo vì bị hư hại do cháy nhà’) như người ta gọi ở bên Hoa Kỳ. Tôi bị ảnh hưởng văn xuôi Mỹ (đặc biệt là sách của Henry Miller và William Faulkner) và những sách kinh Phật. Kết quả là trong tôi có sự trộn lẫn giữa ham muốn, điên rồ và thất vọng chứa đựng trong một lối văn chương “dòng ý thức” và một thứ có thể gọi là “dòng siêu thực Phật giáo”. Sau này, khi đã làm quen với nền thơ ca hiện đại Mỹ, tôi nghĩ rằng nhận thức Thi pháp thời đó của mình có những nét tương tự các nhà thơ thế hệ Beat. Và quả thực về sau tôi đã dịch một số bài của Allen Ginsberg sang tiếng Việt.

Đây là một bài thơ tôi viết thể nghiệm vào thời đó:

Đường phố 1

Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khoắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay
Bão loạn. Múa vàng. Te tua. Nhừ giấc
Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Giạt tóc. Liên lục địa sầm. Tìm, chết, đi
Bão loạn. Dứt tung tay. Oc lói. Lơ láo tù về lạc thế kỷ. Sương đầm đẫm vóc miên mai

Nhiều năm về sau, tôi thử nói rõ những quan điểm Thơ của mình hồi đó trong bài tiểu luận có tên "Vài cuộc phiêu lưu thơ gần đây” (1994):

“… tôi thấy được sự bất lực của lối thơ quen thuộc trong việc biểu đạt đời sống bề sâu, những rung cảm chưa rõ rệt, những tâm trạng đang sinh thành, những vật lộn sáng-tối trong lòng người. Thơ không thể trung thực nếu nó chỉ túm lấy cái kết quả đã hoàn tất của quá trình vận động ý thức - những tình cảm, tư tưởng minh thị, có định hướng, có mục đích, sau khi đã bị
lý trí sàng lọc.

Mở tung không gian hai chiều, mở ra chiều thứ ba của thị giác, chiều thứ tư - mộng giác, chiều thứ năm - ảo giác, chiều thứ sáu - linh giác, hội hoạ đã làm được với lập thể, siêu thực, trừu tượng, action - painting, vì sao thơ lại không làm đựợc?”


Thơ trong tù và sau khi ra tù

Năm 1982, do dính líu vào vụ Về Kinh Bắc, tôi bị bắt, bị giam không xét xử và đưa đi trại cải tạo trong 39 tháng cả thảy. Nguồn gốc của vụ này là tập bản thảo nhà thơ Hoàng Cầm cho tôi, dẫn đến việc tôi bị nghi ngờ là tìm cách chuyển nó ra nước ngoài. Điều không may là, từ bản thảo của Hoàng Cầm công an lại tìm thấy những bản thảo khác của chính tôi mà họ cho là còn “phản động gấp trăm lần của Hoàng Cầm”.

Trong thời kỳ này và thời gian dài sau đó, những bài thơ tôi làm đều phản ánh nỗi ám ảnh của những thân phận sống trong một thời đầy bất an ghê gớm. Cái linh cảm trong thơ tôi nói lên từ 15 năm trước trong bài thơ Tỉnh giấc ở Hòn Gai đã trở thành kinh nghiệm sinh tồn của chính mình. Về hình thức, các bài thơ đầu tiên thời kỳ này (thơ viết trong óc ở trong tù) là sự tiếp nối thơ vụt hiện, rồi sau đó được tiếp tục với thơ tự do có vần và không vần, diễn đạt cô đúc những biến động của tâm hồn tôi đau đớn dằn vặt.

Đây là một bài trong số đó:

Người về

Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình
Một cái vỗ vai

Tôi viết bài này năm 1992, tức là 7 năm sau khi ra tù. Lúc đó tôi cũng đã quen với vị thế nhà báo của mình đã được phục hồi. Nhưng trong một buổi tiệc ở Hội Mỹ thuật Tp. HCM, có một người lạ mặt đến gần tôi, nhìn tôi trừng trừng và hỏi: “Anh từ nơi ấy trở về chứ gì?” Rồi bỏ đi. Tôi đứng sững như trời trồng, và lặng lẽ ra về. Sự việc ám ảnh tôi suốt đêm hôm ấy. Nó làm tôi nhận thức được một thân phận khác của mình trong xã hội. Vài ngày sau thì bài thơ ra đời.


Mùi mưa hay Bài thơ của M.

Tất cả nước mắt loài người bao vây nhà ta
Nằm bên anh em kể câu chuyện buồn
Chôn sâu trong lòng giờ mới nói ra
Gợi ý của trận mưa chưa từng thấy -

Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm
Điên cuồng nhớ mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác
Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm

Em còn yêu anh không yêu đến đâu giận ghét đến đâu
Mười lăm năm lòng mình chưa hiểu hết

Mưa mưa ngập tầng trệt
Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa xập mái tôn

ước nằm nghe mưa rồi chết

Bài thơ được viết trên căn gác xép nhà tôi, khi những ký ức về nhà tù được trận mưa rào mùa hè năm 1992 khuyếch đại lên trung thực cao độ. Trận mưa nhắc nhớ những đau thương của vợ tôi (người tên M.) trong thời kỳ tôi bị tù đày, và cả những tâm tư đau khổ của em trong đời sống vợ chồng.

Chính sách Đổi Mới cho tôi có dịp đưa ra ánh sáng những bài thơ của tôi bị cất kín trong ngăn kéo. Tìm ra con đường tự xuất bản, tôi cho in thơ thành hai tập: Ngựa biển (1988) và Người đi tìm mặt (1994). Vấn đề là, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, thơ của một nhà thơ “ngoài luồng” có khả năng đến với công chúng. Sự kiện này châm ngòi cho các phương tiện truyền thông. Phe phê phán cho là “suy đồi” về nội dung (chẳng hạn tinh thần bi quan cùng cực và việc hay nói đến dục tình) cùng với lối biểu đạt “hũ nút”. Nhưng thật là nghịch lý, sự phê phán lại khiến nhiều độc giả tìm đọc thơ tôi và mở ra cơ hội thị trường sách in những bài thơ “ngoài luồng”, kể cả thơ của những người Nhân văn–Giai phẩm cũ (Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Phùng Quán, Phùng Cung). Luôn tiện cũng nói thêm, việc tự xuất bản với giấy phép do nhà xuất bản của nhà nước cấp sau này đã phát triển thành một cao trào. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình giải phóng văn hoá nghệ thuật, và có thể là một trong số những thành tựu quan trọng nhất của thời “Đổi mới”. Cũng cần nói là một số bài thơ có đề tài tù đầy của tôi từng gây rắc rối cho bản thân cũng như cho người xuất bản vào năm 1994, về sau đã tái xuất hiện trong nhiều tuyển tập thơ chính thống vào cuối thế kỷ. Tuy nhiên còn mấy chục bài thơ cùng đề tài đã không thể đến với công chúng vì tinh thần cảnh giác cao của các quan chức ngành xuất bản.


Lời kết

Công cuộc hiện đại hoá thơ Việt Nam trong thế kỷ XX là một tiến trình có những thăng trầm, gián đọan. Nó liên quan đến tình trạng mỏng manh của một tầng lớp trí thức mới hình thành mang sứ mệnh lịch sử thức tỉnh nhân dân khỏi sự trì trệ. Việt Nam là một đất nước tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh chống giặc ngoài, nhưng lại chưa mấy thành công trong việc chế ngự các “âm binh” bên trong. Nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ là giỏi giang trong kháng chiến hơn là trong đổi mới. Ngay tận bây giờ, Việt Nam vẫn còn là một xã hội thiếu thông tin trong một thế giới tràn ngập thông tin và cái mà người phương Tây gọi là “tuyên truyền” vẫn luôn luôn là quan trọng ở đất nước này.

Thơ luôn luôn quan trọng ở Việt Nam, nhưng một thứ thơ hiện đại nhấn mạnh tự do bên trong và sự thể nghiệm, thu hút các ảnh hưởng từ bên ngoài, còn tiếp tục bị chống đối và không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Cho dù Việt Nam tíêp tục mở cửa ra thế giới, chúng tôi không thể trông đợi một sự thành công sớm sủa của các nhà cách tân về văn hoá xã hội ở nước mình. Các nhà thơ và các trí thức bảo lưu một không gian nội tâm cho tự do sáng tạo, những người nỗ lực đạt được sự độc lập trí tuệ và đối thoại với những giá trị ưu tú của thơ ca nghệ thuật ở khắp mọi nơi, đang tham dự vào công cuộc xây dựng một xã hội công dân hiện đại trên đất nước Việt Nam.

Hà Nội – Seattle – Chicago, Xuân 2003

(Tác giả tỏ lòng biết ơn nhà văn Phạm Toàn (Châu Diên), Giáo sư Mart Stewart của trường đại học Western Washington và nhà thơ Paul Hoover, chủ biên tạp chí New American Writing đã giúp đỡ rất nhiều cho bài tiểu luận tiếng Anh này.)

© 2004 talawas