trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Kỉ niệm 200 năm ngày mất của Immanuel Kant 12.02.1804-12.02.2004
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
18.2.2004
Immanuel Kant
Trả lời cho câu hỏi: “Khai Sáng là gì?”
Lê Tuấn Huy dịch
 

Lời người dịch

Nhân đọc bản dịch Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? của chị Thái Kim Lan và ý kiến phê bình của anh Nguyễn Bình, xin được gởi đến độc giả một bản dịch khác của tác phẩm này. Nhưng trước tiên, cho phép tôi có vài lời.

Trước hết, xin có lời cám ơn đến chị Thái Kim Lan vì đã đưa ra bản dịch của một trong những tác phẩm triết học chính trị chủ yếu của Kant, mà cũng là một trong những bản văn then chốt của Phong trào Khai sáng Đức hồi đó, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của triết gia vĩ đại này. Việc làm đầy ý nghĩa của chị Lan khiến một người thuộc "dân trong nghề" như tôi cảm thấy hổ thẹn, khi mà bản dịch của mình cứ mãi nằm trong ngăn kéo.

Thật ra thì tôi trông đợi đưa được bản văn của Kant lên một tạp chí in chuyên ngành nào đó, nơi sẽ được độc giả trong nghề tiếp nhận một cách trọng thị, tương xứng với tầm vóc của Kant và tác phẩm của ông (nói như vậy không có nghĩa là coi thường talawas, mà vì dường như đây là một báo online thiên về văn chương hơn). Nhưng tiếc rằng một chuyên mục dịch thuật như vậy chưa có trên các tạp chí.

Đưa ra bản dịch này tôi hoàn toàn không có ý "qua mặt" chị Lan - mặc dù như vậy cũng là đã thất thố rồi, dù là không chủ tâm - mà vì tinh thần khoa học và vì nhu cầu của người đọc. Tôi không muốn một bản văn tuyệt vời như Khai sáng là gì? lại được độc giả tiếp nhận mù mờ, thậm chí là nhận định sai về ý nghĩa cũng như quan điểm mà Kant bày tỏ trong đó.

Xin được phép nói rằng tác phẩm này của Kant thuộc vào loại "kinh dị" nhất mà tôi gặp phải (qua bản dịch của chị Lan điều này càng được khẳng định). Chỉ trên dưới bốn trang A4 thôi mà tôi đã toát mồ hôi trán với nó trong nhiều giờ và nhiều ngày, và lâu lâu lại đọc lại, nghiền ngẫm, chỉnh lý. Thêm nữa, các bản văn lý luận đòi hỏi hiểu biết lịch sử chuyên ngành để có thể góp phần hiểu và dịch đúng nó trong bối cảnh liên tục với bối cảnh trước và sau nó, với tư tưởng cùng loại trước và sau nó. Đồng thời, phải nói rằng văn phong lý luận trực tiếp (không thuộc thể loại triết lý thông qua ngôn ngữ văn chương hay nghệ thuật) cần độ sắc bén riêng của nó. Và với một người không trong nghề lý luận như chị Lan thì những khiếm khuyết thể hiện trong bản dịch là không thể tránh khỏi. Có trách thì không thể trách chị Lan, mà trách các nhà dịch thuật lý luận đã không làm công việc này, lại để cho một nữ dịch giả văn chương làm thay.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn bản văn của Kant, với sự chân thành, tôi xin được phép nói rằng bản dịch của chị Lan dường như không nắm được "cái thần" ý nghĩa và văn phong của tác phẩm. Suốt tác phẩm này Kant nói đến nhu cầu tự do tư duy và "nhắc khéo" đến Friedrich II về nhu cầu đó của công chúng, nhu cầu khai sáng của giới trí thức cho công chúng. Vì sao lại nhắc khéo? Friedrich II là một ông vua cởi mở, có nhiều công lao đối với việc khai sáng, nhưng cho đến cùng thì ông ta vẫn là một ông vua, không tránh khỏi sự chuyên quyền, quan liêu, bạo ngược trước những đòi hỏi thiết thực của công chúng và sự phát triển xã hội. Hơn nữa, một đặc điểm của Khai sáng Đức là mức độ trực diện tấn công vào chế độ chuyên chế không bằng như Khai sáng Pháp. Bản văn của Kant ghi nhận cả hai mặt tích cực và tiêu cực của Friedrich II, và cũng không nằm ngoài phong cách tấn công đường vòng của Khai sáng Đức, đã một mặt ca ngợi, một mặt phê phán vua Phổ bằng văn phong vừa sắc bén vừa giễu cợt.

Cũng để độc giả tiện theo dõi, tôi ngắt một số đoạn so với những đoạn dài liên tục của Kant.

Cuối cùng, với Nguyễn Bình, xin cám ơn anh vì sự lên tiếng của anh nên tôi mới thấy có nhu cầu cấp bách đưa ra bản dịch của mình để cải chính dịch thuật cho Kant và cho cả chị Lan. Mong rằng nó sẽ có thể giúp anh không những hiểu được những đoạn anh nêu, mà còn hiểu được toàn bộ mạch nội dung của tác phẩm. Và xin được nói thêm, bản thân tôi khi dịch đã nghiền ngẫm rất nhiều mà khi đọc lại có lúc còn phải đến lần thứ hai, thứ ba mới nắm lại được mạch văn và mạch ý của nó.

L.T.H.




Khai sáng là sự giải phóng con người khỏi trạng thái giám hộ tự kỷ. Giám hộ, đó là tình trạng khi mà con người, tự họ, không sử dụng được trí tuệ của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Tính tự kỷ ở đây là việc nguyên nhân của sự giám hộ này không nằm ở sự thiếu vắng lý trí, mà là thiếu vắng sự quyết đoán và dũng khí để sử dụng nó mà không cần đến sự hướng dẫn. Sapere aude! Hãy dũng cảm sử dụng lý trí của chính mình! - đó là phương châm của Khai sáng.

Lười biếng và hèn yếu là nguyên do tại sao một phần lớn nhân loại sau khi thoát thai khỏi tự nhiên, từ đường hướng bên ngoài, lại vẫn sống dưới sự giám hộ trọn đời, và tại sao lại dễ dàng có những người tự cho mình quyền giám hộ người khác. Quá dễ để người ta không trưởng thành. Nếu tôi có một quyển sách - cái đem hiểu biết cho tôi, có một cha đạo - người khai mở lương tâm cho tôi, có một thầy thuốc - người quyết định chế độ ăn uống cho tôi, v.v., thì tôi đâu cần phải gây phiền cho mình. Tôi đâu cần phải suy nghĩ nếu tôi có thể chỉ cần trả tiền và người khác sẽ dễ dàng đảm nhận công việc chán ngắt đó cho tôi.

Bước đường mà một phần lớn loài người (ở mọi giới tính) nắm giữ được năng lực thì lại rất hiểm nguy, hoàn toàn tách rời nỗ lực của họ, và được để mắt đến từ người giám hộ - những người đã quá tử tế khi giành lấy sự trông nom này. Sau điều đầu tiên là làm cho gia súc trong nhà lặng thinh và bảo đảm rằng những sinh vật bình lặng này sẽ không dám bước đi đơn độc mà không có bộ yên cương của chiếc xe thồ quàng lên chúng, những người giám hộ chỉ cho chúng thấy sự nguy hiểm nếu cố tình đi một mình. Thật ra, trong thực tế, mối hiểm nguy này không phải là quá lớn, vì bằng việc té ngã vài lần, cuối cùng chúng sẽ có thể học được cách đi một mình. Nhưng một tấm gương thất bại sẽ làm cho chúng e dè, và thường thì sợ hãi sẽ khiến chúng từ bỏ ý định thử sức thêm nữa.

Đối với nhiều người, việc làm cho đời sống của mình thoát khỏi sự giám hộ - mà hầu như đã trở thành bản chất, là một điều rất khó. Anh ta đã đi đến chỗ yêu thích tình trạng này và thể hiện sự bất lực trong việc sử dụng lý trí của chính mình, vì không một ai đã từng để cho anh ta làm như vậy. Các luật thánh và các thể thức - những công cụ máy móc này của công việc lý trí, hay đúng hơn là việc sử dụng sai những năng lực thiên phú - là những xiềng xích của sự giám hộ trọn đời. Bất kỳ ai ném họ ra cũng chính là bắt họ bước những bước khập khểnh trên một con đường chật hẹp nhất, vì họ không quen với sự vận động tự do. Do vậy, có rất ít người thành công bằng tư duy của chính mình, cả trong việc giải phóng khỏi sự thiểu năng lẫn trong việc đạt được những thành công vững chắc.

Nhưng việc công chúng cần phải khai sáng chính họ thì lại có khả năng hơn. Thật vậy, nếu tự do mà có được, sự khai sáng hầu như sẽ chắc chắn theo sau đó. Vì sẽ luôn có một số người suy nghĩ độc lập, ngay cả trong vòng vây của những người giám hộ đã được chính thức hóa, sau khi vứt bỏ ách giám hộ khỏi đôi vai, sẽ truyền bá tinh thần lý tính trong việc đánh giá, cả về giá trị của chính mình lẫn về thiên hướng của mọi người tự mình suy nghĩ. Cũng cần biết rằng công chúng, những người đầu tiên đã phải mang cái tròng giám hộ, sẽ buộc chính những người giám hộ phải giới hạn lại, khi họ được khích thích làm như vậy từ một số giám hộ đã tự có được một ít tinh thần khai sáng. Nhưng hết sức tai hại là họ khắc sâu những thành kiến, để sau đó trả thù lên những người sinh thành hay những hậu duệ của người giám hộ. Vì thế công chúng chỉ có thể tiếp nhận từ từ sự khai sáng. Việc rơi vào một nền chuyên chế cá nhân, vào thói hám lợi, hay vào một chế độ đàn áp bạo ngược, có thể được thực hiện bằng cách mạng, nhưng sẽ không bao giờ bằng một cuộc cải cách thật sự về tư tưởng. Thêm nữa, những thành kiến mới sẽ lại đóng vai trò như những thành kiến cũ, để lại thắng một bộ yên cương khác lên đám đông quần chúng thiếu suy nghĩ.

Đối với khai sáng, không có gì cần được cần đến ngoài tự do, và đó là hình thái xã hội vô hại đối với tất cả những gì mà nó gắn kết. Sự tự do đó khiến cho công chúng có thể sử dụng được lý trí của mình vào mọi vần đề. Nhưng tôi lại nghe tiếng hét từ mọi phía: "Đừng có lý sự!". Các sĩ quan nói: "Đừng lý sự, hãy cứ luyện tập đi!". Người thu thuế nói: "Đừng lý sự, hãy cứ nộp tiền đi!". Các cha đạo thì: "Đừng lý sự, hãy cứ tin tưởng đi!". Duy nhất trên cõi đời này, một ông hoàng nói: "Cứ tranh luận, trong giới hạn mà anh muốn, và đối với cái mà anh muốn, nhưng - hãy tuân phục đi!". Đâu đâu cũng chỉ là sự giới hạn đối với tự do. Sự giới hạn nào là chướng ngại đối với khai sáng, và giới hạn nào không phải là chướng ngại, mà là nhân tố ủng hộ? Tôi trả lời rằng: công chúng sử dụng lý trí của mình phải luôn được tự do, và chỉ tự một điều này thôi đã có thể đem lại sự khai sáng giữa con người với nhau. Việc sử dụng có tính cá nhân đối với lý trí, mặt khác, có thể thường bị một ít giới hạn nhỏ nhưng không có sự cản trở cụ thể nào lên tiến trình khai sáng. Cạnh đó là việc một người sử dụng tính cộng đồng của lý trí. Tôi quan niệm cách sử dụng này là ở việc người đó hoạt động tư duy với tư cách một học giả, trước giới bạn đọc. Sử dụng lý trí có tính cá nhân là cái tôi gọi cho việc một người có thể thực hiện nó trong một vị thế hay chức vụ dân sự cụ thể được giao phó cho anh ta.

Nhiều sự việc được chi phối theo lợi ích cộng đồng đòi hỏi một cơ chế nhất định mà thông qua nó một số thành viên cộng đồng phải điều khiển chính họ một cách thụ động, bằng một sự thống nhất giả tạo. Và do đó mà nhà nước có thể hướng họ đến những mục đích chung, hoặc ít nhất cũng ngăn ngừa họ phá hoại những mục đích này. Ở đây tranh luận là một điều chắc chắn không được cho phép - người ta phải tuân lệnh. Dù khác xa vai trò là một phần của cơ chế này, cùng lúc chính anh ta là thành viên của toàn thể cộng động, hay của xã hội với tư cách tổng thể công dân, và vì thế, trong vai trò của một học giả, người trình bày quan điểm trước công chúng (theo một nghĩa tương xứng với từ này) thông qua những viết lách của anh ta, chắc chắn có thể tranh cãi mà không động chạm đến những sự việc này, những cái mà anh ta cũng có phần trách nhiệm như một thành viên thụ động. Vì thế, sẽ gây tác hại cho một sĩ quan trong công việc khi có tranh luận về sự thích hợp và tính hữu ích của một mệnh lệnh được ban xuống từ cấp chỉ huy - anh ta phải tuân lệnh. Nhưng quyền nhận xét những sai lầm trong việc phục vụ quân đội và trình bày nó trước công chúng để phán xét, một cách công bằng, là không thể từ chối đối với anh ta, với tư cách một học giả. Một công dân không thể từ chối những khoản thuế đánh xuống anh ta. Thật sự, sự phàn nàn hỗn xược về những gì đã ban xuống có thể bị trừng phạt như một điều bê bối (khi nó có thể là cơ hội cho một sự ngang bướng chung). Tuy vậy, cùng người đó, sẽ không là hành động ngược với bổn phận của một công dân khi, với tư cách một học giả, anh ta trình bày công khai tư tưởng của mình về sự không thích đáng, hoặc thậm chí là sự bất công của những khoản thuế đã giáng xuống này.

Tương tự, một giáo sĩ có trách nhiệm thuyết giáo trước học sinh và trước giáo đoàn, phải tuân theo biểu tượng của nhà thờ mà ông phục vụ, vì ông ta đã được tiếp nhận để làm việc đó. Nhưng với tư cách một học giả, ông hoàn toàn tự do, ngay cả yêu cầu được truyền đạt đến công chúng tất cả những tư tưởng đã được kiểm chứng cẩn thận, những tư tưởng có ý nghĩa đối với ông, về điều sai lầm trong biểu tượng này, và đề nghị một sự tổ chức tốt hơn cho bộ máy tôn giáo và nhà thờ. Khi thực hiện điều này, không có gì có thể đè nặng lên lương tâm của ông. Do cái mà ông dạy bảo với tư cách hệ quả từ chức vụ của mình, như một đại diện của nhà thờ, ông sẽ nghĩ đến những điều mà ông không được tự do truyền đạt theo khả năng tư duy của mình, mà theo một cái gì đó được chỉ định phải suy nghĩ, do người khác đọc ra, và trên danh nghĩa của người khác. Ông có thể nói "Nhà thờ của chúng ta dạy điều này điều kia, và đó là những bằng chứng mà nhà thờ viện dẫn". Vì thế ông trích dẫn cho giáo đoàn của mình tất cả những giá trị thực tế từ các luật thánh mà ông không tán thành bằng sự tin tưởng hoàn toàn. Cái ông tán thành là những phát biểu mà chính ông là một vật thế chấp tốt cho nó, vì nó không thể là những lời nói dối chân thành được che dấu, và trong bất kỳ trường hợp nào, ít nhất là nó không có gì mâu thuẫn với những niềm tin nội tâm. Nếu ông tin rằng ông đã phát hiện điều gì như thế, ông có thể sẽ không thực hiện một cách tận tâm bổn phận theo chức trách của mình - ông ta sẽ phải từ bỏ nó. Vì thế, một thầy giáo được chỉ định thể hiện lý trí của mình trước giáo đoàn, thì việc thể hiện đó cũng đơn thuần là riêng tư, vì giáo đoàn này chỉ là cái nội bộ (ngay cả nếu nó là một tập hợp lớn). Đối với nó, như một cha đạo, ông không tự do, mà cũng không được tự đo, vì ông thực hiện mệnh lệnh của người khác. Nhưng với tư cách một học giả, người trình bày những viết lách của mình trước công chúng, trước cõi thế gian, và trước giới giáo sĩ, trong tính cộng đồng của việc sử dụng lý tính, ông có được sự tự do vô hạn để nói bằng chính con người của mình. Người giám hộ của nhân dân (trong những vấn đề tinh thần), chính họ mà bất tài, thì sẽ là một điều thật ngu xuẩn, cái mà rốt cuộc lại là sự vĩnh viễn hóa những cái ngu xuẩn.

Nhưng không phải là tầng lớp giáo sĩ, mà có lẽ là hội nghị nhà thờ, hay là thành phần đáng tôn kính (như ở Đức họ gọi chính họ), cần được minh chứng cho trách nhiệm của chính nó, bằng lời thề nguyền đối với một biểu tượng không thể thay đổi nào đó, để hưởng lấy quyền giám hộ thường trực trên mỗi thành viên của nó, và bằng cách đó, lên quần chúng như một tổng thể, và thậm chí làm cho sự giám hộ này trở thành bất diệt? Tôi trả lời rằng điều đó hoàn toàn không thể được. Một đính ước như vậy, cái sẽ khiến loại trừ thêm nữa khả năng khai sáng của loài người, là hoàn toàn vô hiệu và trống rỗng, ngay cả nếu nó được xác nhận bằng một quyền lực tối cao, bằng nghị viện, hay bằng những hiệp ước hòa bình công dân nghi thức nhất. Một thời đại không thể tự nó ràng buộc và ra lệnh dàn xếp cho sự kế tục trong tình trạng như vậy, cái mà không thể mở rộng (tốt nhất thì cũng chỉ là hiếm hoi) đối với tri thức, đối với việc gạn lọc những sai lầm của chính nó, và đối với sự tiến bộ trong việc khai sáng chung. Đó sẽ là một tội ác chống lại bản chất con người. Nhưng chính đường hướng sai lầm này cũng nằm ngay trong quá trình tiến bộ, và hậu thế sẽ được quyền phán xét một cách trọn vẹn, bằng việc bác bỏ các sắc chỉ này như những cái được làm nên từ một lề thói tùy tiện và hiểm độc.

Tất cả những thứ đó - vốn được quyết định là luật pháp cho một dân tộc - nằm trong câu hỏi là dân tộc này có thể gánh chịu được kiểu luật pháp như thế hay không? Ngày nay, một khế ước tôn giáo như vậy là khả dĩ trong một thời gian ngắn và được giới hạn một cách rõ ràng, như nó đã như vậy, trong sự mong chờ điều tốt đẹp hơn. Một người có thể để cho mọi công dân, đặt biệt là giới giáo sĩ, trong vai trò của học giả, bình giải một cách tự do và công khai, có nghĩa là thông qua việc viết lách, về những sai lầm của thiết chế đang hiện diện. Trật tự mới được đưa vào có thể tồn tại đến khi việc nhìn thấu vào trong bản chất của những điều này được chấp nhận một cách hết sức phổ viến và rộng rãi. Thông qua việc hợp nhất tiếng nói của họ (ngay cả nếu không nhất trí), họ có thể mang một đề xuất đến trước ngai vàng, đặt các giáo đoàn dưới sự bảo vệ bằng sự hợp nhất của một tổ chức tôn giáo đã đổi thay, theo những ý tưởng tốt hơn của họ, và không cản trở người khác mong muốn lưu lại trong trật tự này. Để hợp nhất trong một thể chế tôn giáo lâu bền, nó không thể là chủ đề nghi ngại của công chúng, dù chỉ ở một con người, điều mà theo đó sẽ tạo nên một thời kỳ vô ích trong tiến trình đi đến tiến bộ của loài người, và vì thế trở thành một việc đem đến những thất lợi cho hậu thế - điều tuyệt đối cấm. Đối với chính ông (và chỉ trong một thời gian ngắn) một người có thể trì hoãn việc khai sáng cái mà ông cũng nên biết, nhưng không thừa nhận sự khai sáng cho hậu thế là gây thương tổn và chà đạp lên quyền của nhân loại. Và cái mà một dân tộc không ban sắc chỉ ra với chính nó thậm chí có thể còn ít hơn những sắc chỉ được ban xuống cho họ từ một ông vua, vì thẩm quyền làm luật của ông dựa trên sự hợp nhất ý chí chung của công chúng trong chính ông. Nếu ông chỉ nhìn vào điều là tất cả những sự thật hay tiến bộ được viện dẫn đều có cùng lập trường với nhau - trật tự dân sự, ông có thể quá bước đến bên những thần dân của mình, để thực hiện những điều mà họ nhận thấy là cần thiết cho phúc lợi tinh thần của họ. Nhưng điều này không phải là việc liên can đến ông, dù phận sự của ông là ngăn ngừa một người trong bọn họ ngăn cản quyết liệt người khác xác định và xúc tiến những phúc lợi này đến mức tốt nhất theo khả năng của anh ta. Việc dính dáng đến những chuyện này làm sút giảm uy phong của ông, vì bằng những viết lách mà trong đó các thần dân tìm kiếm sự thể hiện cách nhìn của họ, ông có thể sẽ đánh giá được sự cai trị của mình. Ông có thể làm được điều đó khi, bằng sự hiểu biết sâu sắc nhất, đặt chính mình trong sự phê phán. Caesar non est supra grammaticos. Sẽ thương tổn rất lớn cho uy danh của ông khi ông hạ thấp quyền lực tối cao của mình bằng việc ủng hộ nền chuyên chế giáo hội của những người chuyên quyền nào đó, trong nhà nước của ông, lên trên những thần dân khác.

Nếu được hỏi "Chúng ta đang sống trong một thời đại đã được khai sáng rồi chăng?". Câu trả lời là "Không", ta chỉ đang sống trong thời đại của sự khai sáng, vì mọi thứ đang hiện diện vẫn quá là ngu ngốc, ngăn chặn con người có được, hay trở nên có được, khả năng sử dụng đúng đắn lý trí của họ trong những vấn đề tôn giáo, bằng sự cả quyết và tự do trước những đường hướng được vạch ra từ bên ngoài. Nhưng mặt khác, chúng ta thấy những biểu hiện rõ ràng rằng đã có một phạm vi đang được mở ra, ở vấn đề nào mà con người có thể tự do giải quyết, và rằng những chướng ngại đối với sự khai sáng chung, hay sự giải phóng khỏi tình trạng giám hộ tự kỷ, nay đang được giảm dần. Trong khía cạnh này, đây là thời đại của khai sáng, hay là thế kỷ của Frederick.

Sẽ không phải là điều không phù hợp với chính mình khi một ông hoàng nhận ra bổn phận là không ra lệnh cho mọi người trong các vấn đề tôn giáo mà, từ việc loại bỏ tính kêu căng và nhân danh sự khoan dung, để cho họ tự do hoàn toàn, thì chính ông đã được khai sáng, và xứng đáng được tôn vinh bằng sự biết ơn của thiên hạ và hậu thế, vì trước hết, ít nhất là dưới khía cạnh nhà nước, ông đã cởi bỏ loài người khỏi tình trạng giám hộ, và để cho mỗi người tự do sử dụng lý trí của mình trong những vấn đề của tâm thức. Dưới sự cai trị của ông, các giáo sĩ tôn kính vẫn được cho phép, trong vai trò của học giả, và không vi phạm vai trò chính thức của họ, tự do trình bày trước sự kiểm nghiệm của công chúng về những phán đoán và cách nhìn của họ - những nội dung mang tính phân lập với biểu tượng đã xác lập. Và một tự do mà thậm chí còn to lớn hơn, là việc thụ hưởng của họ, những con người không còn bị giới hạn bởi những bổn phận nghi thức nữa. Tinh thần tự do đang lan tỏa vượt ra khỏi vùng đất này, đến ngay cả những nơi mà nó phải đấu tranh với những chướng ngại bên ngoài và được dựng lên bằng một nhà nước vốn hiểu sai lợi ích của chính nó. Một ví dụ làm bằng chứng cho kiểu chính thể như vậy là điều cho rằng trong tự do không có lấy một nguyên do tối thiểu liên hệ đến hòa bình công dân và ổn định cộng đồng. Tự con người sẽ dần dần rời bỏ sự hoang dại nếu chính những hành động gian xảo có chủ tâm không cầm giữ họ trong đó.

Tôi đã trình bày điểm chính về khai sáng - việc giải thoát con người khỏi sự giám hộ tự kỷ, chủ yếu trong vấn đề tôn giáo, vì những người cai trị chúng ta không có lợi ích trong việc đóng vai trò người giám hộ đối với nghệ thuật và khoa học, và cũng vì sự bất lực của tôn giáo không chỉ là mối nguy hại nhất mà còn là sự thoái hóa nhất. Nhưng cách thức suy nghĩ của người cầm đầu nhà nước, người cũng thuận ý cần tiến thêm nữa trong sự khai sáng tôn giáo, và ông thấy rằng không có nguy hiểm nào đối với quyền làm luật của ông trong việc cho phép thần dân sử dụng tính cộng đồng của lý trí và công bố tư tưởng của họ về những thể thức tốt hơn trong việc ban hành luật pháp của ông, và ngay cả sự phê phán cởi mở đối với các luật đã có. Về điều này ta có một tấm gương sáng chói và không một ông vua nào có danh vọng hơn ông để chúng ta kính trọng.

Nhưng cũng chỉ một người đã khai sáng mình, lại vốn không khỏi e dè ngờ vực, và thêm vào là một đội quân hùng hậu, có kỷ luật tốt để bảo đảm hòa bình công dân, là dám nói rằng: "Cứ tranh luận, trong giới hạn mà anh muốn và đối với cái mà anh muốn, chỉ là - hãy tuân phục đi!". Điều thể hiện ở đây là một khuynh hướng lạ lùng và không mong đợi, trong các vấn đề của con người mà trong đó, nhìn trên một phạm vi rộng, là ngược đời. Sự hiện diện của tự do dân sự trên một phạm vi rộng sẽ tạo nên thuận lợi đối với tự do tư duy của dân tộc này, dù vẫn có những giới hạn không thể tránh khỏi đối với nó. Phía ngược lại, trên một phạm vi hẹp hơn [ở mỗi con người], đem đến cho tự do tư duy một không gian đủ lớn để mở rộng nó đầy đủ nhất. Khi bản chất được cởi bỏ khỏi lớp vỏ cứng, hạt giống được chăm chút một cách cẩn thận, thiên hướng và khuynh hướng đi đến suy nghĩ độc lập sẽ dần quay về trong tính cách của nhân dân, những người mà bằng cách đó có sẽ dần nắm lấy năng lực hành động tự chủ. Cuối cùng, điều đó ảnh hưởng đến nguyên tắc của chính thể, khi nhận ra rằng nó khiến cho việc đối xử với con người thích hợp với chân giá trị của họ, hơn là xem họ chỉ như những cái máy.

Königsberg nước Phổ, ngày 30 tháng 9 năm 1784.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh: Kant, Political Writings, edited H. S. Reiss, translated H. B. Nisbet, Cambridge University Press, 1991, Reprinted 2000, pp 55-60