trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
19.11.2007
Đào Mai Trang
Những câu hỏi chờ VieTimes trả lời giùm
(Nhân đọc loạt bài về nghệ thuật đương đại của VieTimes từ ngày 23-10 đến 8-11-2007)
 
Yêu ghét là sự thường của con người. Và nghệ thuật đương đại không đòi hỏi người ta chỉ có yêu thích, nó chỉ có ý mong được người xem phản ứng, mà đương nhiên, phản ứng thì có đủ, cả thích lẫn không, cả yêu lẫn ghét, và vô cảm cũng là một dạng phản ứng. Vì thế, người viết bài này không có ý kiến gì về cảm xúc mà nhóm phóng viên VieTimes dành cho nghệ thuật đương đại Việt Nam và có lẽ cả thế giới nữa, thông qua serie tiêu đề các bài viết: “Hãy thừa nhận đi, bạn ghét nghệ thuật đương đại!”; “Chuyện những con chim nhựa hót bằng pin”, “Đừng nghe những con ngan khàn khàn trong âm nhạc”,... Tuy nhiên, khi đọc hết cả loạt bài viết này thì tôi xin phép phản ứng lại với một số nghi vấn sau đây:


1. VietTimes viết: “Nhà bình luận Spengler cho rằng ngay cả ở phương Tây, sự đam mê nghệ thuật này cũng chỉ là một thứ ‘giả đò’ màu mè” (bài số một của loạt bài này, đăng ngày 23-10-2007). Tiếp sau đó là một loạt các nhận định mà tác giả Bảo Bình chú thích là “lược dịch”. Không có kèm thêm là lược dịch từ bài viết nào, thuộc nguồn nào, thời gian nào... Và tôi đồ rằng đó là bài viết của “nhà bình luận Spengler” nào đó. Nhưng bên cạnh quan niệm chủ quan trong bài “lược dịch” này, có một thực tế khác không thể phủ nhận là: nghệ thuật đương đại trên thế giới hiện nay đã là một nghệ thuật dòng chính (mainstream, hoặc theo tiếng Việt là chính thống); nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại hoặc có thâm niên, hoặc mới hình thành, được tổ chức định kỳ lưỡng niên, tam niên, ngũ niên… không chỉ ở khắp châu Âu, mà còn ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia..., đem về cho các quốc gia này một nguồn lợi vật chất và tinh thần rất lớn từ số lượng khách tham quan trong và ngoài nước, hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt người mỗi triển lãm. Vậy, thực tế này có nên bị coi là một thứ “giả đò” màu mè không? Và không biết người lược dịch là Bảo Bình có biết, hay có muốn biết, hay thấy cần phải biết về thực tế đó của đời sống nghệ thuật đương đại thế giới hay không?


2. Sang đến bài viết số hai, “Đương và đại: những con chích chòe trần trụi”, tác giả Lưu Thuỷ có kết luận đanh thép ngay từ đầu:

Loại hình ‘nghệ thuật’ này gần đây thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng trẻ và cả những nghệ sĩ trẻ. Khi sự giao thoa văn hoá giữa phương Đông và phương Tây quá nhanh chóng, nó sẽ gây ra một hậu quả nhỡn tiền đó là sốc văn hoá. Nhưng công chúng, nhất là những công chúng trí thức của Việt Nam không ai đủ dũng cảm để thừa nhận mình đang sốc. Họ tự cho mình là có khả năng cảm thụ và tiếp thu văn hoá phương Tây khi không hiểu gì về nó. Và một hiệu ứng nhìn thấy: Văn hoá a dua, văn hoá bầy đàn. Đặc biệt là trong lĩnh vực văn hoá, sự thâm nhập của một số loại hình ‘nghệ thuật’ hoặc na ná nghệ thuật du nhập từ phương Tây vào Việt Nam nhanh chóng trở thành một thứ mốt. Mọi người không biết nó là cái gì nhưng vẫn chạy theo nó để chứng tỏ cá tính, đẳng cấp và sự sành điệu mà không hề ý thức được rằng: Cái mốt họ đang theo đuổi, đang thích thú coi là sành điệu, là cá tính đó chỉ là một thứ ‘rác’ của phương Tây không hơn không kém.”

Tôi thực sự choáng váng. Chủng loại thứ vật gì thì cũng có dăm bảy hạng, tốt xấu, cao thấp, ngắn dài, to nhỏ, đắt rẻ... khác nhau (nói như trong Kiều: “Chữ Trinh kia cũng có ba bảy đường”). “Những công chúng trí thức của Việt Nam” cũng có dăm bảy dạng. Làm sao mà có thể đơn giản bỏ tất cả vào trong một cái sọt rác như vậy được? Xin hỏi tác giả Lưu Thuỷ có bao giờ thực sự đi xem một triển lãm nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ Việt Nam không? Nếu có, tại sao bạn không nói ra cảm nhận của chính mình về một tác phẩm “a dua” nào đó mà bạn trực tiếp xem, mà lại toàn trích dẫn ý kiến bình phẩm của các khán giả không danh tính (đọc lên thật dễ cảm thấy nó được chính bạn tưởng tượng hay suy diễn ra)? Và nếu có, nghĩa là bạn từng ít nhất một lần làm “công chúng” của thứ rác này, bạn sẽ tự xếp mình thuộc dạng nào của một trong hai dạng mà bạn phân loại: “Trong lĩnh vực văn hoá, không thiếu những thứ phi nghệ thuật đang được khoác trên mình những chiếc áo hào nhoáng để đánh lừa công chúng mà nghệ thuật đương đại là một trong số đó. Công chúng của loại hình này ở Việt Nam chia ra làm hai đối tượng: Một là những người không hiểu gì nhưng vẫn đi xem vì đua đòi; hai là những người biết rồi những vẫn đi xem để chứng tỏ đẳng cấp”? Hay thực ra, bạn không bao giờ là công chúng của thứ rác này? Bạn đứng cao hơn họ? Hay đứng cách xa, rất xa đống rác ấy và tin chắc: đã là rác thì chỉ có bốc mùi hôi thối? Rồi với niềm tin chắc thắng đó, bạn viết bài này?


3. Đây là một số đoạn trong bài phỏng vấn ông Vũ Khiêu trong bài ra ngày 6-11:

“PV: Vậy một nghệ sĩ tự dưng đóng khố, vẽ mặt lem nhem, chạy rông trên phố, rồi gọi đó là nghệ thuật trình diễn và cho rằng những ai phản đối nghệ thuật đó là không biết gì về nghệ thuật thì sao ạ?”

Vũ Khiêu: Đóng khố chạy ra đường phố, cho rằng những người không hiểu cái đó là không hiểu nghệ thuật. Đó là ý nghĩ sai lầm.

… Những nghệ sĩ đó trở nên lạc lõng giữa cả chiều hướng đang phát triển của xã hội. Nếu xã hội không lành mạnh, đang xuống dốc thì làm ngược lại nó lại hay. Nhưng bây giờ xã hội đang phát triển, đang mở ra những điều tốt đẹp. Bởi vậy cần phải loại bỏ ngay những hành động như vậy.

PV: Nhưng có thực tế là công chúng hiện nay chưa phân biệt được cái hay, cái dở và họ đã đổ xô xem những buổi biển diễn đó vì tò mò, hiếu kỳ. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực tới cảm quan nghệ thuật của công chúng? Các cơ quan chức năng phải làm gì trước những hành động như vậy?

Vũ Khiêu: Luật pháp nước ta có điều quy định xử phạt những hành động vi phạm cuộc sống lành mạnh của xã hội. Cởi trần ra ngoài phố là không được, là phạm tội.

… Con người phát triển từ thấp lên cao. Con người không bao giờ trở lại là con vật. Nên con người từ cái ăn, cái mặc, đi đứng rồi cả nghệ thuật cũng phải ngày một cao lên. Chứ không nói năng bừa bãi, hò hét ngoài phố, đó là sự phá phách không thể chấp nhận được.”

Đọc đến đây, tôi thấy người phỏng vấn và người được phỏng vấn đều vô liêm sỉ, ở chỗ: người phỏng vấn đã miêu tả không đầy đủ một tác phẩm nghệ thuật đương đại, vì chỉ miêu tả hành động của nghệ sĩ mà không nhắc gì đến cái bối cảnh làm nảy sinh hành động đó. Việc miêu tả như vậy, đặt trong bối cảnh của bài phỏng vấn này, là có chủ ý, càng kích thích sự hiểu sai lệch của ông Vũ Khiêu; còn người được phỏng vấn, trong trường hợp này, thì đã “xem nghệ thuật” bằng tai, rồi quy chụp nghệ sĩ sang vấn đề luật pháp (!) Tôi xin hỏi, ông Vũ Khiêu có bao giờ bước chân đến một triển lãm “nghệ thuật đương đại” nào không? Nếu không, xin ông đừng tiếp tục tự cho rằng mình là một giáo sư, một nhà văn hoá, thì cái gì cũng có thể hiểu được, có thể “phán” được. Đó chính là một sự không hiểu biết vậy. Còn nếu có, tôi xin ông hãy viết cảm nhận của riêng bản thân ông về triển lãm đó, như vậy, nó sẽ có giá trị hơn nhiều so với những gì mà ông đang nói “khơi khơi” trong bài phỏng vấn của VieTimes, vì khi viết về cảm nhận riêng của bản thân thì đơn giản là ông buộc phải nói thật.

Loạt bài viết về nghệ thuật đương đại của VieTimes là ví dụ về một thực trạng làm báo “mù” ở Việt Nam hiện nay, hiểu theo nghĩa viết mà không cần biết mình đang viết gì, sẽ để lại hậu quả gì. Tôi không mù quáng bênh vực nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng như các nghệ sĩ đã và đang tham gia lĩnh vực này. Nhưng nên nói rõ là, nghệ thuật đương đại là thứ nghệ thuật đang (đương) diễn ra trong thời đại ngày nay. Nghĩa là nó đang sống cùng chúng ta. Vậy, nghệ thuật cũng là một “thứ vật” trong đó có đủ loại hạng, đa dạng, phong phú như con người. Và bạn không thể loại bỏ nó ra khỏi xã hội này bằng cách quy chụp nó sang những lĩnh vực phi nghệ thuật khác như luật pháp. Bạn cũng không thể làm mọi cách để nó biến khỏi trước mắt bạn như vứt một thứ rác vào thùng rác là xong. Vì đã thuộc vào cuộc sống, nên nó là sự tiếp nối, hết lớp này đến lớp khác.

© 2007 talawas