Ngày 12 tháng Tám vừa qua, vấn đề luyến ái đồng giới lại được dịp nổi lên trong đời sống chính trị Hoa Kỳ, đặt biệt là ở nơi mà các sự kiện diễn ra.
Tại California, tòa thượng thẩm của bang tuyên bố vô hiệu hóa khoảng 4.000 hôn sự đồng giới
[1] được tiến hành tại San Francisco trong khoảng thời gian từ 12 tháng Hai đến 11 tháng Ba năm nay. Lý do đưa ra là hành động của thị trưởng Gavin Newsom khi ra lệnh cấp hôn thú đồng giới là vi phạm pháp luật, vì thế các hôn sự này chịu hệ quả là vi phạm pháp luật. Trong khi bên thắng kiện, tổng chưởng lý bang Bill Lockyer, cũng phải nói rằng: “Tôi nghĩ điều này gây thất vọng... Đó không phải là cuộc đấu mà chúng tôi lựa chọn”; thì phía bên thua, chưởng lý của thành phố, Dennis Herrera cho rằng tòa thượng thẩm liên bang rồi sẽ phủ quyết việc cấm hôn nhân đồng giới của bang. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng cuối cùng, khi vấn đề hôn nhân đồng giới tại California được giải quyết một cấp hợp hiến, lập trường của thị trưởng Newsom sẽ được minh chứng vào ngày đó”.
Tuy nhiên, lần này quả bom lại phát nổ ở New Jersey, khi thống đốc bang là James E. McGreevey công khai thừa nhận mình đồng tính luyến ái. Điều này diễn ra trong một cuộc họp báo, bên cạnh là người vợ nắm tay ông, ông nói: “Sự thật tôi là một người Mỹ gay”
[2] . Cùng lúc, ông cũng loan báo sẽ từ chức vào ngày 15 tháng Mười một tới đây.
Tuy nhiên, ông công khai sự thật và từ chức không bởi vì sự thật đó, mà để tránh một vụ tống tiền liên quan đến điều này, và cũng vì trách nhiệm đạo đức trước gia đình. Ông nói: “Thật xấu hỗ, tôi đã dính dáng tương thông với một người đàn ông khác, nó xâm phạm đến ràng buộc hôn nhân của tôi. Điều đó thật sai trái. Điều đó thật ngu xuẩn. Điều đó là không thể bào chữa được. Vì điều đó tôi xin được vợ tôi tha thứ và bỏ qua”.
Cho đến khi tôi viết bài này, các chi tiết quanh quan hệ tình cảm đồng giới của McGreevey vẫn chưa được tiết lộ, nhưng các quan chức nội các của ông cho biết rằng người liên quan, Golan Cipel, 31 - 35 tuổi
[3] , nguyên trợ lý an ninh của bang, đã đòi số tiền lên đến 50 triệu dollar để đổi lấy việc người này không công bố sự việc theo con đường luật pháp. Sự việc được nói đến ở đây, theo phát biểu của Cipel, là việc tán tỉnh tình dục của McGreevey đối với anh ta. Anh ta phủ nhận mình là người đồng tính luyến ái và cho rằng Thống đốc xúi giục anh ta công khai nhận là đồng tính, và quấy rối tình dục anh ta. Phía văn phòng thống đốc cho biết FBI đang điều tra hành động tống tiền có liên quan, và quyết định của thống đốc đi đến công khai chính là để ngăn chặn sự tống tiền đó.
James E. McGreevey, 47 tuổi, theo đạo Công giáo, người chồng của hai đời vợ, cha của hai người con gái, tốt nghiệp đại học 1978 tại Columbia University, năm 1981 nhận bằng khác về luật, và một năm sau đó nhận bằng thạc sĩ giáo dục tại Harvard University. Ông ở vào vị trí hiện nay từ tháng Giêng 2002, sau khi đánh bại đối thủ Cộng hòa Bret Schundler đến 15% phiếu bầu. Dù thừa hưởng di sản thâm thủng ngân sách bang lên đến năm tỷ dollar, ông kiên quyết từ chối việc tăng thuế thu nhập đánh trên người dân New Jersey, mà chỉ nhắm vào các triệu phú, vào thuốc lá và các sòng bạc…
James E. McGreevey là chính trị gia cao cấp nhất tại Hoa Kỳ cho đến nay công khai là người luyến ái đồng giới. Một số chính trị gia đáng chú ý khác là Jim Kolbe, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona (công khai 1996); hạ nghị sĩ Dân chủ bang Massachusetts, Barney Frank (1987); nguyên hạ nghị sĩ Liên bang, Robert Bauman (1980); và Gerry Studds, nguyên hạ nghị sĩ Dân chủ bang Massachusetts (1983).
Sự việc của James E. McGreevey lại gợi những suy nghĩ về thân phận mà người luyến ái đồng giới phải gánh chịu trong bối cảnh xã hội vẫn có những thái độ thiếu khoan dung.
McGreevey đương nhiên không phải không biết đến bản sắc tình cảm giới tính của mình, và cũng không tự dối mình, dù ông cho là trước đây nó lẫn lộn trong ông. Tại cuộc họp báo, khi nói về tình yêu, về nghị lực, về sự tôn trọng đối với hai người vợ, ông thừa nhận: “Sớm từ khi còn dưới mái trường, cho đến ngày nay, tôi đã thừa nhận một tình cảm nào đó, một cảm giác xác thực khiến tách tôi khỏi (tình cảm dị giới của) người khác”. Vậy thì tại sao ông lại lập gia đình với phụ nữ, và không chỉ một lần? Quá dễ trả lời là ông muốn che đậy tình cảm thật, muốn sống cuộc sống như bao người “bình thường” khác.
Nhưng lại có thể hỏi tiếp, tại sao ông lại muốn che đậy tình cảm thật, tại sao ông lại muốn sống cuộc sống “bình thường” nhưng lại bất bình thường của ông? Từ đây có nhiều khả năng cho câu trả lời. Ông không muốn bị xã hội nhìn bằng con mắt khác thường về tính dục. Ông không thể thoát khỏi đức tin Công giáo (hay điều được cho là đức tin Công giáo trong vấn đề tính dục mà đến nay Vatican vẫn duy trì một cách bảo thủ). Ông muốn có một đời sống gia đình vợ-chồng, hoặc ít ra là ông không thoát khỏi quan niệm truyền thống rằng gia đình và hạnh phúc gia đình là của một nam và một nữ. Ông muốn bảo đảm con đường công danh và sự nghiệp chính trị v.v... Có thể nguyên do thật không phải là một, cũng có thể đó là tất cả những gì vừa được nói đến, mà cũng có thể như thế vẫn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng bên dưới những nguyên do này là hai xuất phát điểm chính, một là từ bản thân ông, hai là từ xã hội.
Với bản thân, ông đã không thoát khỏi những ràng buộc quá chặt chẽ và quá đau đớn của xã hội. Ông không thắng nổi chính nỗi sợ sệt trong ông trước người đời về bản sắc tình cảm của mình. Nói ngắn gọn, ông đã không dũng cảm để sống bằng con người thật. Ông nói rằng: “Suốt đời tôi, tôi phải vật lộn với bản sắc của chính mình”. Cái chữ “vật lộn” (grapple with) ở đây nghe mới ấn tượng làm sao. Nó không đơn giản là “đấu tranh”, mà là hình ảnh của ai đó tự “ôm” ghì lấy bản thân mình, không phải để gìm nén nỗi đau, mà là để hất mình lên, va đập, lấy đau đớn về thể xác mà che đậy, khỏa lấp đau đớn tâm hồn - tự hành hạ để trả thù người đời bằng cách… tự trả thù mình!
Nhưng liệu muốn dũng cảm sống với con người thật của mình thì ông có thể sống được bằng (hay trong) sự dũng cảm đó không, trước xã hội xung quanh? Nói như vậy không có nghĩa là không thể nào sống bằng con người thật của mình mà chỉ biết quì gối trước những định kiến xã hội, mà là chính những định kiến xã hội này đã là tác nhân chính yếu đem lại đau khổ, bi bịch cho người luyến ái đồng giới. Thật không đơn giản chút nào, không cân sức chút nào cho một con người nhỏ bé phải gánh trên lưng cả một bề dày lịch sử của đủ loại định kiến: từ định kiến tôn giáo đến định kiến đạo đức, từ định kiến hàng ngày đến định kiến tư duy, từ phạm vi của quan hệ gia đình, giao tiếp, cho đến quan hệ công việc, pháp lý, từ môi trường thông tin đến môi trường giáo dục…
Tất cả vây quanh lấy người đồng tính luyến ái từ khi còn là một đứa bé, là một thiếu niên bước vào tuổi dậy thì, qua tuổi thanh niên, cho đến khi hoàn toàn trưởng thành và đến tận cuối đời, là điều được qui thành “chuẩn mực” rằng có tình cảm với người cùng phái là không đúng, không trong sạch, vô đạo đức, đáng hỗ thẹn, bất bình thường, là sẽ bị bêu xấu, kỳ thị, bị cho là không đúng về luật pháp… Đó là còn chưa kể những đặc trưng tình dục được cho là xấu xa nào đó thường được gắn kết với tình dục đồng giới, hoặc ít ra, đặc trưng đời sống tình dục của một nhóm, một bộ phận nào đó được gán lên toàn bộ quan hệ tình cảm của người cùng giới. Đến nỗi, chính người đồng tính luyến ái còn tự tạo định kiến lên chính mình.
Các nhà tâm thần học cho rằng không một người đồng tính luyến ái nào lại không trải qua giai đoạn sợ hãi, hoang mang trước khuynh hướng tình cảm của bản thân. Trước lượng thông tin và ác cảm đầy định kiến, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, thậm chí là cố tình không hiểu biết, người đồng tính luyến ái thường dè chừng, nhìn người đồng tính luyến ái khác hay toàn thể cộng đồng này nói chung bằng chính định kiến mà anh/chị ta đang gánh chịu, hay mất niềm tin vào tình yêu hoặc có quan niệm lệch lạc trong quan hệ đồng giới.
Trong khi thị trưởng Gavin Newsom của San Francisco cố tình vượt quá thẩm quyền của mình, công nhận pháp lý và tổ chức hôn lễ cho các cặp đồng giới, nhằm tạo hiệu ứng đánh động nào đó đối với công chúng Mỹ, thì thống đốc McGreevey, người nay đã nhìn nhận mình có tình cảm với người cùng phái, lại không chấp nhận hôn nhân đồng giới. Năm 2002, khi những người đồng tính luyến ái tại bang này thúc đẩy vấn đề hôn nhân đồng giới, McGreevey đã trả lời rằng: “Luật bang New Jersey không chỉ có tầm quan trọng ở gốc rễ các tiền luật tập quán mà còn ở việc áp dụng nó. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi điều này đều có tác động bất lợi không chỉ trên luật lệ như vậy, mà rõ ràng còn lên những tiền lệ lịch sử tại New Jersey”. Lý giải sự từ khước này ra sao?
Động cơ thật sự của phát biểu này thì chỉ McGreevey biết. Có thể ông chưa từng trải nghiệm một tình yêu đồng giới chân thật, để có thể biết đến khát khao chính đáng của người đồng tính luyến ái đối với hôn nhân. Có thể là ông đã có hôn nhân dị giới và xem hôn nhân đồng giới nằm ngoài quan tâm của mình. Có thể đó là bước đi chiến lược đối với vấn đề này vào năm đầu nắm quyền của ông… Ở đây, trên bề mặt, như ông phát biểu, là ông tuân thủ những tiền luật tập quán đã có của bang. Thực chất đây cũng chính là bề sâu của vấn đề: ông chịu sự chi phối của các định kiến xã hội, cái đã đi vào luật tập quán và trở thành luật qui định - định kiến xã hội khiến ngay cả người đồng tính luyến ái cũng mù mờ về sự tồn tại bình đẳng về luật pháp của mình, cam chịu một sự tồn tại xã hội trong bóng tối và ngoài vùng ảnh hưởng công bằng của luật pháp.
Có người đồng tính luyến ái sau giai đoạn khủng hoảng sẽ chấp nhận khuynh hướng không thể thay đổi trong tình cảm giới tính của mình, dù là công khai hay không công khai. Người khác thì không chỉ một lần, mà cứ dao động, giống như theo chu kỳ, giữa thời điểm ổn định và bất ổn trong khủng hoảng tâm lý, do áp lực định kiến cứ vây quanh mà anh/chị ta không thể vượt qua. Tất nhiên, chữ “vượt qua” ở đây cũng không theo nghĩa hoàn toàn. Đối với những người đã vượt qua, định kiến xã hội vẫn tiếp tục chi phối theo kiểu khác: không dám yêu trọn vẹn, trốn tránh thụ hưởng tình yêu của mình bằng những niềm vui, quan hệ không mang tính tình cảm (giới tính), ngụy trang trước xã hội bằng những quan hệ tình yêu, gia đình giả tạo, để rồi sống mặt thứ hai – tình cảm, tình dục thật sau lưng mọi người, trong bóng tối; cũng có người sau vỏ ngụy trang hoặc không ngụy trang, trước định kiến xung quanh, đi “trả thù đời” hoặc “tận hưởng đời” bằng đời sống tình dục phi tình cảm, một cách phóng túng…
Trước định kiến xã hội, trong số luyến ái đồng giới, có người ngậm ngùi ôm lấy khổ đau một mình, cùng với trạng thái tâm lý tiêu cực thường xuyên. Người khác thì giảm được trạng thái này nhưng đồng thời cũng “san sẻ” nỗi đau của mình cho người khác, ở những mức độ khác nhau: cho người chung chăn gối khác phái chính thức, cho những người thân khác trước đời sống hai mặt về quan hệ như vậy, và cho chính người tình cùng giới của mình… Số khác nữa, bằng lối sống ít nhiều không đúng mực, không biết ai khác ngoài mình, thì có lẽ giảm được đến mức tối đa, nhưng cũng không phải là hoàn toàn không còn những áp lực như vậy.
Tất cả là ở chỗ họ không thể công khai, tự tin công khai hóa quan hệ, tình cảm đồng giới của mình khi mà sự công khai đó sẽ kéo theo những hệ quả khắc nghiệt được thấy trước. Dù là do có dám sống thật với tình cảm giới tính của mình hay không, hay do định kiến xã hội mà người đồng tính luyến ái không công khai mình, thì vấn đề đều là xã hội có cho phép họ (dám) công khai tự do điều đó hay không.
Trong trường hợp McGreevey, đâu là ẩn số khi ông sớm nhận ra điều gì đó ở bản sắc tình cảm của mình, nhưng vẫn lập gia đình với người khác phái, để rồi ly dị, rồi lại đến với người vợ thứ hai, để rồi cũng đi đến sự thể hôm nay, nếu không phải chủ yếu từ sự chi phối và áp lực của định kiến xã hội mà ông không thoát ra được?
Định kiến đó không chỉ gây khổ đau cho người đồng tính ái, mà cho cả với những người dị tính ái có liên quan, không chỉ là những người thân thiết nhất là vợ/chồng và con của người đó, rồi người thân trong gia đình cũng chịu áp lực tâm lý trước xung quanh, thậm chí bạn bè và những người có liên hệ trong các phạm vi khác của họ cũng có thể bị “liên lụy”. Rồi tới đây sẽ ra sao đời sống hôn nhân của McGreevey, những tác động tâm lý lên con cái của ông trước sự vỡ lở? Quan hệ công việc trong những ngày sắp tới của ông có thể bị những tác động nhất định từ sự việc vừa rồi.
Tác động “liên lụy” khiến những người xung quanh có thể xa rời người đồng tính luyến ái, thậm chí trở mặt, mà người đồng tính luyến ái vì thế cũng có thể tự biệt lập trước cộng đồng xã hội. Hậu quả là sự cô lập và tự cô lập của người luyến ái đồng giới. Định kiến về tình cảm giới tính như vậy, không chỉ là tác động tiêu cực lên người đồng tính ái, mà cũng làm thoái hóa phần nào tình cảm người với người, khi có một bộ phận người tự cho mình quyền phán xét đạo đức một cách phi lí, phi nhân lên tình cảm giới tính của một bộ phận khác, yếu thế và yếm thế hơn.
Định kiến như vậy khiến người đồng tính ái hoang mang, e sợ, khiến có thể phải ép mình sống đời sống tình cảm và gia đình “bình thường”, nhưng nó không thể can ngăn nổi khi đến lúc người ta phải nhìn nhận thật về mình. “Vào lúc nào đó của cuộc đời mỗi con người, người ta phải nhìn sâu vào tấm gương của tâm hồn mình và quyết định sự thật duy nhất (không lẫn lộn) của mình về thế giới này, không phải như chúng ta muốn thấy nó như thế nào, hay hi vọng thấy nó như thế nào, mà là nó là như thế nào”. Đó chính là lời của McGreevey.
Dù có lẫn lộn, lẩn tránh, sống hoàn toàn bằng trách nhiệm và đúng mực với đời sống gia đình khác phái, vẫn không tránh khỏi có lúc người đồng tính ái rơi trở về đời sống tình cảm thật. McGreevey được người vợ đứng bên cạnh, cầm lấy tay ông khi ông công khai sự thật. Sự ủng hộ tinh thần đó trước sự việc “động trời” cho thấy rằng đời sống gia đình của họ rất có thể là tốt. Thế nhưng McGreevey vẫn đến lúc không kiềm nén được tình cảm đồng giới với Cipel. Khi mà người đồng tính ái buộc phải nghe theo tiếng gọi của xúc cảm thật, và thể hiện nó bằng hành động, thì hậu quả đổ vỡ cụ thể cho cả người đồng tính ái và dị tính ái hiện ra rõ rệt.
Sau nữa là những định kiến chính trị, xã hội. Người Mỹ đã từng chứng kiến một tổng thống lăng nhăng tình dục ngoại hôn, nói dối về điều đó, để rồi bị luận tội và thừa nhận về sự nói dối này. Nhưng người Mỹ đã sẵn sàng bỏ qua sự sai phạm đạo đức kép như vậy, vẫn dành cho Bill Clinton sự ủng hộ rất cao, khiến Quốc hội không thể phế truất ông. McGreevey có “quấy rối” ái tình nhưng không hề lấp liếm, mà lập tức thừa nhận trước công chúng, xin được vợ tha thứ, nhưng ông cũng phải lập tức tuyên bố sẽ từ chức, dù sau sai phạm, hành động của McGreevey rõ ràng mang tính đạo đức cao hơn Bill Clinton, và ông cũng không phải không được lòng dân New Jersey (thăm dò nhanh dư luận sau đó bốn ngày cho thấy số người ủng hộ ông là 45%, tăng 2% so với hai tuần trước). Khác biệt dẫn đến hai kết quả trái ngược như vậy chỉ là vì quan hệ ngoại tình của McGreevey là quan hệ cùng phái!
Đối xử của xã hội như vậy quả là quá bất công. Tôi không liệt kê ở đây danh sách những người đồng tính luyến ái là thiên tài, người xuất chúng, có những đóng góp mà cả nhân loại phải ghi nhớ, hay đơn giản chỉ là một nhân vật xuất sắc, nổi tiếng về tài năng hay có đóng góp trong lịch sử; mà muốn nói rằng tài năng, năng lực xã hội không nằm ở tính dị tính ái hay đồng tính ái của một người.
Cho dù là không xét vấn đề tài năng, thì người đồng tính ái vẫn hằng ngày hàng giờ gắn bó và đóng góp cho sự hưng thịnh của xã hội, bằng phần công việc mà xã hội phân công, và thành quả công việc của họ người dị tính ái cũng thụ hưởng, cũng như họ thụ hưởng thành quả của người dị tính ái. Nhưng vấn đề không phải là công việc của người đồng tính ái hay dị tính ái, và ai thụ hưởng của ai, mà là trong phân công lao động xã hội không hề có sự phân biệt giữa hai khuynh hướng tình cảm giới tính này, thành quả là thành quả chung, thụ hưởng là thụ hưởng chung, nhưng người đồng tính luyến ái lại bị phân biệt đối xử bất bình đẳng về vị trí xã hội (hay ở xã hội nào ít nhiều khoan dung, thì ít ra là ở cách nhìn về vị trí đó), trong cách đánh giá vai trò xã hội và thụ hưởng thành quả xã hội. Những dòng nước mắt của người đồng tính luyến ái Hoa Kỳ, ở cả hai phái, cứ lăn dài trong những cuộc đấu tranh ở nghị trường, trong và ngoài pháp đình, trên đường phố, khi mà họ thực hiện nghĩa vụ thuế má và các nghĩa vụ khác không khác gì người dị tính ái, nhưng ngay ở việc thụ hưởng những dịch vụ an sinh xã hội và những quyền tải sản căn bản nhất, họ lại bị phân biệt đối xử: việc chăm lo sức khỏe, thụ hưởng hưu trí, bảo hiểm, thừa kế cho người đối ngẫu mà họ lựa chọn bằng sự tự do ý chí con người sơ đẳng trong một xã hội công dân.
McGreevey nói: “…tôi là một người Mỹ gay, và tôi tự hào sống trong đất nước vĩ đại nhất, cùng với truyền thống tự do công dân vĩ đại nhất trên thế giới này”. Người đồng tính ái, hoặc ít ra là phần không nhỏ trong số họ, là như vậy, không chỉ ở Hoa Kỳ, tự hào và gắn bó với đất nước, mong muốn một sự hòa hợp hoàn toàn bình thường trong xã hội, nhưng vẫn có những người vẫn vô tình hay cố ý duy trì những định kiến vô đạo đức chống lại họ.
Trong xã hội Việt Nam, có lẽ có không ít doanh gia, học giả, trí thức, văn nghệ sĩ, quan chức chính quyền… là người có khuynh hướng tình của cùng phái, đã và đang cống hiến, góp phần thầm lặng thúc đẩy đất nước này đi tới, nhưng phải sống trong kìm nén tình cảm thật bằng một đời sống gia đình hay tình cảm khác phái giả tạo, mà định kiến xã hội buộc họ (và những người có liên quan đến họ) phải ở trong cảnh ngộ như vậy.
Trường hợp mới nhất này của thống đốc New Jersey, James E. McGreevey, không lẽ không khơi gợi được gì sao về phân thận của người đồng tính luyến ái có học thức, có địa vị, vai trò xã hội nói riêng, và của toàn thể cộng đồng này nói chung?
Không lẽ họ sẽ mãi chấp nhận sự bất công trong nhìn nhận xã hội? Không lẽ các lớp thế hệ người đồng tính luyến ái đi trước lại không muốn đến lúc có đựơc sự thừa nhận minh bạch cho chính mình, từ bản thân mình và từ xã hội? Không lẽ các anh, các chị tiếp tục thờ ơ, để cho hết lớp trẻ đồng tính luyến ái này đến lớp trẻ khác tiếp tục mất phương hướng, chới với trong tình cảm, để rồi gia nhập vào, hoặc đội quân của những người cam chịu một trạng thái stress tình cảm suốt đời, hoặc vào đội quân sống phóng túng tình dục để trả thù đời? Có ai đó trong số các anh, các chị đã thành đạt trong kinh doanh, chính trị, vai trò xã hội, văn hóa văn nghệ, nghĩ đến việc bằng uy tín của mình, sẽ có lúc công khai thân phận, để thức tỉnh nơi cộng đồng xã hội nỗi bất công từ định kiến mà người đồng tính luyến ái phải gánh chịu?
Và, có ai đó, không phải là người đồng tính luyến ái, không có những định kiến phi nhân, nghĩ đến việc sẽ có lúc đứng cạnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hay đơn giản chỉ là đồng bào đồng tính luyến ái của mình, để lên tiếng cho sự bất bình đẳng đối với họ?
Bằng lòng quả cảm không thiếu ở người Việt ta, bằng tình người và tinh thần bao dung, tôi tin, lời đáp “có” cả từ hai phía là không phải ít.
© 2004 talawas
[1]Theo AP, con số này là 3.995, trong khi theo Reuters là 4.037.
[2]Các từ “gay” (đồng tính luyến ái nam) và “lesbian” (đồng tính luyến ái nữ) rõ ràng là cụ thể hơn homosexual, nhưng tôi thường dịch hay diễn đạt chung là “đồng tính luyến ái”, và tôi cũng ít dùng trỗng chữ “đồng tính”, để tránh một nghĩa định kiến nào đó đã bị gán vào những từ này. Nhưng với phát biểu của James E. McGreevey ở đây, để nguyên từ “gay” thì thích hợp hơn. Khi McGreevey dám dùng từ “gay” để nói về mình, trong trường hợp hết sức nghiêm túc như thế này, phần nào cho thấy những từ thường bị ngầm gán nghĩa định kiến, bản thân chúng không tự mang những ý xấu như vậy.
[3]Số đầu là theo Reuters, số sau là của AP.