Phá»ng vấn bà Bettina Dziggel - ngÆ°á»i hoạt Ä‘á»™ng tÃch cá»±c trong phong trà o lesbian ở CHDC Äức cÅ©
(lesbian
[1])
Talawas:
Thưa chị Bettina Dziggel, nói đến đồng tính luyến ái, rất nhiều người chỉ nghĩ đến đàn ông đồng tính, còn đàn bà đồng tính thì hầu như không để ý. Chị có chịu được không?
Bettina Dziggel: Ở Tây Đức một khi nói đến phong trào phụ nữ thì người ta cũng luôn đề cập đến người đồng tính nữ, trong khi nhóm người này không hiện diện ở CHDC Đức. Vì lý do trên, cùng với những người phụ nữ khác tôi đã lập ra một nhóm hoạt động nữ tính luyến ái vào đầu thập niên 80. Vào tuổi 20, phát hiện ra mình yêu đàn bà, tôi thấy điều đó không quan trọng bởi tôi quen biết rất ít người nữ cũng như nam đồng tính luyến ái. Sau đó có sự thay đổi khá nhanh khi bản thân tôi sống rất mực cởi mở. Tôi cảm nhận rằng sự đồng tính luyến ái của tôi không gây tác hại, không bị chà đạp, nhưng cảm giác không có mặt trong xã hội rất khó chịu, bức bối.
Talawas:
Vậy từ góc độ ấy, phong trào lesbian tự động nhập vào phong trào phụ nữ nói chung hay sao? Hai phong trào này quan hệ với nhau thế nào? Có khác biệt gì đáng kể không?
Bettina Dziggel: Phong trào lesbian không tự động hòa nhập vào phong trào phụ nữ bình quyền, nhưng phong trào này là người mở đường cho lesbian. Ở đây tôi chỉ có thể nói thay cho CHDC Đức cũ. Nơi đó có Liên đoàn phụ nữ dân chủ Đức (Der demokratische Frauenbund Deutschland) với những chương trình hoạt động chỉ dàn trải lên các phạm vi gia đình, giáo dục trẻ em, nấu nướng, lắp ráp thủ công. Tôi chỉ biết những chủ đề về bình quyền, về người lesbian và lối sống của họ qua những báo phụ nữ Tây Đức nhận được từ Tây Berlin một cách bất hợp pháp, vì việc đọc những ấn phẩm tư bản bị cấm.
Như vậy không có những khác biệt, bởi vì (xã hội coi) không có lesbian chúng tôi. Phong trào vì hòa bình ở CHDC Đức dạo đó hình thành dưới sự chủ trì của nhà thờ Tin lành. Những nhóm hoạt động phụ nữ theo đuổi mục tiêu giải phóng nữ giới cũng gặp nhau tại đó. Người lesbian đã không có chỗ trong những nhóm này vì chủ đề chúng tôi bàn quá khác nhau. Tuy vậy điều này không có nghĩa những người đồng tính luyến ái nữ bị cạnh tranh hay bị loại trừ ra khỏi phong trào phụ nữ.
Talawas:
Thời Cộng hoà dân chủ Đức trước đây chị đã hoạt động phong trào rất tích cực. Mục đích chính của chị hồi đó là gì và kết quả đạt được là bao nhiêu?
Bettina Dziggel: Mục đích chính là chỉ ra sự có mặt của chúng tôi. Hai lần trong tháng chúng tôi gặp nhau trong phòng giáo xứ của một nhà thờ Tin lành gần trung tâm Berlin. Những đề tài do một tổ chức được gọi là „Nhóm chuẩn bị“ soạn thảo được đưa ra thảo luận như Coming Out [2], những khúc mắc với cha mẹ (nói ra chuyện này thế nào với bố mẹ?), những sự rắc rối nơi làm việc, hình ảnh lesbian trong văn học, ở Berlin trong giai đoạn 1900-1938, trong đại chiến thế giới lần thứ hai v.v. Tất nhiên chúng tôi cũng tổ chức liên hoan, đi dã ngoại ở vùng ngoại ô Berlin, và qua những dịp như vậy đã có những người tìm đến với nhau. Đương nhiên là chúng tôi bị cơ quan an ninh quốc gia để mắt tới. Hiện giờ, những thành viên thuộc „Nhóm chuẩn bị“ trước đây được xem hồ sơ của an ninh và đã có thể xác nhận điều này trong biên bản. Chúng tôi cũng đã từng dự cảm chuyện đó, vì chúng tôi là một nhóm đối lập. Chúng tôi đã làm được việc khiến những người lesbian tụ hợp lại để họ không còn có cảm giác bay lạc lõng như vệ tinh nhỏ trong vũ trụ. Chúng tôi đã tìm ra một tiếng nói cho chúng tôi, chúng tôi không còn đơn độc nữa, chúng tôi có thể ứng phó tốt hơn với những hành vi phân biệt đối xử. Cảm giác sống của chúng tôi đã biến chuyển sang hướng tích cực.
Talawas:
Sự kiện lịch sử sang trang đã đem lại cho chị những biến đổi gì? Hiện nay chị có tham gia hoạt động nào không?
Bettina Dziggel: Thời gian xảy ra bước ngoặt lịch sử vào năm 1989 với tôi là quãng thời gian sôi động và căng thẳng. Tin tức ban chiều không khớp nội dung với tin đưa buổi sáng, và buổi tối tất cả mọi sự lại khác. Đó là mốc chấm dứt hoạt động tích cực trong phong trào lesbian của tôi. Hiện thời tôi là người “tiêu thụ“. Ngay sau giai đoạn bước ngoặt, những phụ nữ thuộc nhóm chuẩn bị hay được mời đi phỏng vấn; một chị xưa hay tới thăm nhóm hoạt động của chúng tôi đã làm một bộ phim và một cuốn sách về những người lesbian tích cực hoạt động ở CHDC Đức cũ. Tôi đã kiếm công việc khác và học một nghề mới chuyên giúp người khiếm tật.
Talawas:
Xin chị cho biết quan điểm của chị về phong trào nữ quyền.
Bettina Dziggel: Tôi nghĩ rằng phụ nữ và cả những người lesbian ngày nay sẽ không tự ý thức được mình như vậy, nếu không có phong trào nữ quyền với tiếng nói và hành động phần nào cực đoan của nó. Tôi vẫn còn lấy làm tiếc, nếu như người phụ nữ nào chỉ vì đòi quyền lợi đã bị coi ngay là người nữ quyền cấp tiến, đáng buồn cả trong con mắt chị em cũng vậy. Nhiều lúc tôi có cảm giác phong trào phụ nữ có chút gì đình trệ. Người ta vẫn còn bàn luận về những chủ đề của 1985, trong lúc chúng ta đã sống trong năm 2002.
Talawas:
Còn nhu cầu làm mẹ, chị có nhu cầu ấy không?
Bettina Dziggel: Không, tôi không có nhu cầu đó, nhưng chuyện này không dính líu gì với lối sống lesbian của tôi. Từ khi mới lớn lên, tôi đã chẳng hình dung ra nổi cảnh nuôi dạy một đứa trẻ. Nhưng tôi đã chứng kiến sự trưởng thành của con cái của những bạn gái và thấy thú vị khi quan sát sự phát triển của các cháu.
Talawas:
Cách đây không lâu, khi tới thăm miền Nam Việt Nam, chị có bắt gặp chút gì liên quan đến „nữ đồng tính luyến ái“, tức phụ nữ lesbian theo danh từ chuyên môn trong tiếng Việt, không?
Bettina Dziggel: Không, đáng tiếc không thấy, mặc dù tôi luôn rất tập trung để ý. Tôi đã thăm hai vũ trường khá tên tuổi ở Sài Gòn cùng với những bạn trai gay [3] của tôi. Ở đó tôi phát hiện ra đàn ông gay “hàng tá”, nhưng lại không thấy đàn bà, càng không thấy họ tay khoác tay hôn nhau hoặc nhìn nhau đắm đuối. Ngay tại những vũ trường, quán cà phê hoặc trong những lễ hội nam/nữ đồng tính luyến ái ở Berlin, nơi nhiều lesbian trẻ lui tới, tôi không thấy chị em Việt Nam, chỉ lẻ tẻ vài phụ nữ Nhật Bản.
Talawas:
Phải nhiều thập kỉ nữa thì người phụ nữ trong xã hội Việt Nam chúng tôi mới theo kịp chị em tân tiến ở châu Âu. Một mặt, phụ nữ Việt Nam tuyệt đối gắn bó với phận sự làm vợ và làm mẹ, chỉ hơi nghĩ ngợi về một cách sống khác đã là chuyện không thể tưởng tượng nổi. Nhưng mặt khác, chẳng hạn cuộc chiến tranh dài nhất thế kỉ 20 vừa rồi đã bỏ lại cả một thế hệ những người phụ nữ phải sống gần như trọn đời trong thế giới đàn bà với nhau, và có lẽ cũng phải tìm ở nhau nguồn âu yếm thân xác. Dư luận thì chỉ xếp hiện tượng này vào mục hậu quả chiến tranh. Phong trào lesbian phương Tây có kinh nghiệm gì đáng suy nghĩ để có thể dùng được ở Việt Nam?
Bettina Dziggel: Nhân câu hỏi này tôi xin kể về mình một chút. Vừa vào tuổi 20, khi nhận ra mình không yêu đàn ông mà yêu đàn bà, tôi thấy mình sao mới cô đơn. Tôi tìm cách trò chuyện, gặp những người thông cảm, nhưng cũng gặp cả sự hắt hủi, và chỉ với sự nâng đỡ của một nhóm người rất ít ban đầu tôi mới gượng lại được. Đơn giản là tôi nói ra những xúc cảm của mình, dẫu thường khi không nói nên lời. Tôi đã sống tới năm 18 tuổi trong một làng nhỏ phía nam Berlin, nơi không bắt được sóng truyền thanh truyền hình của Tây Đức. Trong gia đình, chưa bao giờ chúng tôi nói về tình dục, không nói cả về tình yêu. Chưa bao giờ tôi trông thấy bố mẹ tôi ở truồng. Không hề có cử chỉ vuốt ve âu yếm. Sau này học đại học tôi phải lòng một người phụ nữ, chuyện đó như một sự giải thoát cho tôi. Tôi dám nói: đó là cuộc cách mạng đối với bản thân tôi. Tôi đã gặp may: người phụ nữ là lesbian. Tôi đã gặp bất hạnh: chị ấy không dám thú thật điều đó, và như vậy chúng tôi lại chia tay nhau. Tôi nghĩ, nói ra là quan trọng, cũng như việc đọc và tìm hiểu tin tức. Và nếu trong sách báo nào viết rằng lesbian là những đàn bà bệnh hoạn, thì nam/hay nữ tác giả đã lầm lẫn một cách cơ bản.
Talawas:
Xin cảm ơn chị Bettina Dziggel.
© Talawas
[1] Nguyên văn tiếng Đức "Lesbe": người nữ đồng tính luyến ái
[2] Coming Out: Bày tỏ công khai rằng mình là người đồng tính luyến ái
[3] Nguyên văn tiếng Đức "Schwule": người nam đồng tính luyến ái.