trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
7.3.2007
Phan Nhiên Hạo
Nghịch lý văn chương mạng Việt Nam
 
Mươi năm trước, người ta chứng kiến một cơn sốt đầu tư vùng thung lũng điện tử San Jose. Năm 2000, vào thời điểm những dấu hiệu phá sản của bong bóng đầu tư điện toán đã rõ, vừa ra trường, tôi vẫn không mấy khó khăn tìm được việc làm ở vùng này, dù chuyên môn chẳng ăn nhập gì với máy tính. Lý do là lúc đó, thiên hạ đẻ ra đủ thứ ý tưởng kinh doanh liên quan đến internet. Công ty nào cũng cần người. Càng gần phá sản, các nhà quản lý càng mướn nhiều nhân viên nhằm đánh lừa giới đầu tư rằng công ty đang chuẩn bị đối phó với những đơn đặt hàng lớn. Tiền bạc tiêu như nước. Nhân viên được trả lương cao, cho ăn trưa miễn phí, tặng thẻ câu lạc bộ thể dục, chỗ làm việc có phòng tắm, giường nghỉ, cách vài tuần lại mở tiệc. Mọi người cứ tiếp tục bay trên khinh khí cầu đang xì hơi như vậy cho đến ngày rơi phịch xuống. Một buổi sáng, tất cả nhân viên được tập hợp lại nghe thông báo cho thôi việc. Ngay sau đó, lần lượt từng người vào phòng nhân sự ký giấy cam kết không tiết lộ bí mật hoặc kiện tụng công ty, nhận một phong bì tiền “an ủi”, rồi trong vòng vài tiếng, thu xếp vật dụng cá nhân, bắt tay bắt chân, đường ai nấy đi không bao giờ gặp lại. Công nghệ internet ngày nay vẫn còn là ngành đầu tư lớn ở Mỹ, nhưng đã qua thời xốc nổi, ảo tưởng rằng mọi nhu cầu trên đời đều có thể được thực hiện trên không gian ảo.

Gần như cùng lúc với cơn sốt internet, thời đó, trong giới thư viện, người ta cũng trải qua cơn phấn khích quá độ về thông tin điện tử. Thiên hạ đề cập đến những “thư viện không tường” với cả trăm cuốn sách lưu giữ trong con chíp nhỏ xíu gắn túi áo; người ta dự đoán cái chết của công nghiệp in ấn và sự lên ngôi của sách điện tử (e-book). Tình hình đã không hoàn toàn diễn ra như vậy, hay ít nhất đã không diễn ra nhanh như dự đoán, mặc dù không ai phủ nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của thông tin điện tử trong thư viện. Có nhiều nguyên nhân lý giải vấn đề này. Ở đây tôi chỉ muốn nêu lên hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, sách điện tử vẫn chưa thay thế được tiện lợi của sách in. Việc mang bên mình một computer, dù nhỏ đến đâu, cũng bất tiện hơn nhiều so với mang sách, chưa kể phải có kết nối mạng để tải sách điện tử xuống đọc. Đọc trên màn hình mỏi mắt hơn nhiều so với đọc sách in. Ít ai đủ kiên nhẫn đọc trăm trang tiểu thuyết trên màn ảnh một lúc, hoặc nếu đọc, dĩ nhiên cũng không thoải mái bằng đọc sách in ở mọi tư thế.

Thứ hai, và lý do này quan trọng hơn: vấn đề tác quyền. Tác quyền đã giới hạn rất lớn việc đưa sách lên mạng. Hiện công ty Google đang làm việc với vài thư viện lớn như Harvard, Oxford, Stanford, University of California, University of Michigan, và The New York Public Library để đưa hàng triệu cuốn sách lên mạng. Kế hoạch mang tên “Google Books Library Project”, tuy vậy, chỉ có thể đưa lên mạng toàn văn (full text) các sách đã hết tác quyền, tức những sách mà tác giả của nó, theo luật định Hoa Kỳ, qua đời cách đây hơn bảy mươi năm. Những sách còn tác quyền, Google chỉ có thể cung cấp thông tin ấn bản (bibliographic information), cho xem vài trang (limited preview), hoặc liệt kê vài từ khoá liên quan đến nội dung sách (snippet view). Mặc dù hữu ích cho việc tiếp cận thông tin của vô số người trên thế giới, vì vấn đề tác quyền, Google vẫn không đưa được các tác phẩm đương đại lên mạng. Điều này đáng buồn hay nên vui? Đây chính là câu hỏi thú vị liên quan đến nhà văn.

Thảng hoặc có ý kiến đó đây cổ võ việc xoá bỏ tác quyền, nhưng theo tôi, tác quyền sẽ không bao giờ biến mất chừng nào chúng ta còn sống trong những xã hội tư hữu. Lịch sử đã chứng minh, cách mạng vô sản rốt cuộc chỉ đẻ ra giai cấp tư sản mới tham tàn nhiều lần hơn giai cấp tư sản “cũ”. Xoá bỏ tác quyền chỉ dẫn đến bảo vệ tác quyền quyết liệt hơn mà thôi. Nhìn vào các xã hội phát triển, chúng ta thấy chính luật tác quyền chặt chẽ đã tạo nên giới nhà văn chuyên nghiệp. Bắt nhà văn vắt óc làm việc rồi vứt tác phẩm cho đọc miễn phí chẳng khác nào cấm người làm ruộng gặt lúa. Lại còn chuyện tác phẩm sẽ bị “đạo văn”, quẹt lọ bôi hề, thay tên đổi họ. Vài người tán thưởng việc tác phẩm của mình bị “phỏng nhại”, theo tôi, chỉ là trò khiêu khích gây chú ý. Nếu không, họ phải bệnh hoạn cỡ những kẻ thích nhìn người khác ngủ với vợ mình. Những kẻ đạo văn, trong xã hội luật lệ đàng hoàng, chỉ đáng là đối tượng của pháp luật chứ không phải đối tượng để thảo luận “phương pháp sáng tác”.

Văn chương mạng có cái hay là miễn phí. Điều này thoạt nhìn thật lý tưởng: nhà văn sáng tác không bị sức ép của thị hiếu, người chủ trương không chạy theo lợi nhuận, độc giả khỏi bỏ tiền mua tác phẩm. Nhưng thật ra, tình trạng miễn phí kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của nền văn chương.

Có lẽ không nơi đâu lại có nhiều người viết miễn phí như cộng đồng văn chương Việt. Cả một nền văn chương mạng đồ sộ được tạo nên chỉ bằng những tác phấm không nhuận bút. Những người điều hành các trang mạng, một công việc nặng nề và kéo dài, dĩ nhiên cũng làm việc không lương, chưa kể phải bỏ thêm tiền túi. Hậu quả của tình trạng này là việc giới nhà văn không có thu nhập nào từ chữ nghĩa, phải kiếm sống toàn thời gian bằng những nghề khác, và viết lách nhỏ giọt. Đa số sáng tác mạng hiện nay thuộc loại không đòi hỏi nhiều thời gian: thường là thơ hoặc những thứ có thể sản xuất nhanh như “truyện cực ngắn”, “truyện chớp”. Ngay cả truyện ngắn “bình thường” cũng ít.

Thị trường sách đóng vai trò điều tiết quan trọng trong một nền văn chương khỏe mạnh. Nó buộc văn chương chính mạch phải đổi mới để người đọc khỏi chán. Nhưng nó cũng buộc văn chương thể nghiệm phải trưởng thành để được người đọc chấp nhận. Văn chương mạng hiện nay tràn lan những thể nghiệm non yếu mãn tính, không ít những tác phẩm nhạo báng người đọc. Giờ đây có vẻ nhà văn chỉ chăm chú tạo ấn tượng với nhà văn hơn là viết ra những tác phẩm được đón chờ bởi độc giả. Tác phẩm không còn được đánh giá bằng thị trường sách mà chỉ bằng tán thưởng phe cánh. Dĩ nhiên, thị trường không phải là yếu tố duy nhất thẩm định tác phẩm. Nhưng một nền văn chương tách rời thị trường sách chẳng khác nào một nhà hàng lo giăng đèn kết hoa mà cóc cần biết khẩu vị của khách. Rốt cuộc chỉ nhân viên nhà hàng ngồi với nhau cố ních hết thức ăn mình nấu ra.

Trong thị trường sách báo bình thường, nhuận bút, dù ít dù nhiều, khiến mọi quan hệ tương đối sòng phẳng. Trong nền văn chương miễn phí, nhà văn dễ chán nản vì viết không công triền miên, trong khi người chủ trương mệt mỏi vì ngày đêm “vác ngà voi” cho thiên hạ. Tình trạng này dẫn đến những mong đợi tế nhị từ cả hai phía, dễ hình thành quan hệ “anh em”, gia đình lẩm cẩm. Không khí văn chương mạng hiện nay khá nhiều tính thù tạc, phong trào. Sáng tác mạng đang rơi vào tình trạng bắt chước nhau. Thấy người khác cực ngắn mình cũng thun lại, thấy người khác trường ca mình cũng kéo dài ra, thấy người khác viết về sự bất tử mình cũng làm thơ hàng mã gởi người chết, lại còn thi nhau tụt quần, xả rác. Toàn những thứ “hay ho” và không thứ nào dám làm một mình hết.

Các trang mạng không bị giới hạn bởi số trang, điều này giúp tăng số lượng người viết, và khiến văn chương có vẻ dân chủ hơn. Ngày nay chuyện đăng sáng tác cũng dễ như hát karaoke. Nhưng cũng giống như karaoke, người đọc thường xuyên cảm thấy bị tra tấn. Các website không thể từ chối bài vở một cách dễ dàng như với báo in: “cảm ơn anh/chị đã gởi bài, nhưng vì số trang có giới hạn, chúng tôi rất tiếc không đăng được”. Muốn giữ chất lượng diễn đàn, người chủ trương các website phải khéo léo và kiên quyết hơn. Điều này không dễ, vì không phải ai cũng đủ tự tin, nhưng thường hơn, người ta khó chống lại cảm giác quan trọng và quyền lực khi xung quanh mình tập trung đông người. Nhiều hội đoàn ái hữu hiện nay lập website quảng bá thông tin sinh hoạt, trong truyền thống chuộng chữ nghĩa của dân ta, họ cũng đăng thơ văn. Đây là các website hội đoàn mang tính văn chương. Theo chiều hướng ngược lại, các trang mạng văn chương nếu không chọn lọc kỹ và nặng tính thù tạc, có thể trở thành website văn chương mang tính hội đoàn. Khoảng cách giữa hai loại này không phải quá xa.

Việc tách rời văn chương khỏi thị trường sách cũng triệt tiêu giới phê bình và điểm sách chuyên nghiệp. Chúng ta hiện không có những người ăn lương toà soạn để điểm sách đều đặn. Chỉ còn những “lý thuyết gia” kiêu kỳ và ảo tưởng về khả năng của họ, lâu lâu nhắc đến tên người này người kia một cách “nhân tiện” trước những dấu ba chấm lõng bõng.

Nghịch lý lớn nhất của văn chương mạng, theo tôi, nằm ở chỗ này: trong khi cung cấp lối thoát tuyệt vời cho các nhà văn chuộng tự do, nó cũng cung cấp lý lẽ cho sự ngụy biện của nhiều nhà văn phò chế độ. Nhiều người cho rằng vì đã có những website như talawas, tiền vệ, damàu, nhà văn không còn lý do gì để kêu ca về tự do sáng tạo. Lý luận của những người này đại loại cho rằng tự do trong đầu nhà văn mới là yếu tố quyết định, rằng nếu không in được sách trong nước, đã có những trang mạng hải ngoại để phổ biến tác phẩm; vì vậy, theo họ, viết được hay không chỉ là do nhà văn, đừng “đổ thừa” chế độ. Tôi đồng ý nội lực cá nhân là yếu tố quan trọng nhất trong sáng tạo. Nhưng không ai muốn đẻ con rồi quăng nó ra đường. Văn chương, như mọi hoạt động sản xuất xã hội – dù sản xuất sản phẩm tinh thần – đòi hỏi “tiêu thụ” của thị trường, phản hồi của dư luận. Tất cả tác phẩm trên mạng hiện nay đều nằm “ngoài vùng phủ sóng” của truyền thông trong nước, bất kể hay hay dở. Có trường hợp cùng một tác phẩm, như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu, khi xuất hiện bên ngoài không ai bàn tới, chỉ đến khi in thành sách ở Việt Nam mới ầm ĩ. Nhà văn cần làm việc trong môi trường tương tác với dư luận, không phải vì háo danh, mà vì dư luận kích thích sáng tạo, và là một phần tự nhiên của sinh hoạt văn chương.

Sự xuất hiện của văn chương mạng Việt Nam, có thể nói, không hoàn toàn tự nguyện như văn chương tầng ngầm phương Tây, mà do tình thế chính trị ép buộc. Vị thế của văn chương mạng Việt Nam trong văn học quốc gia, vì thế, cũng rất khác. Nhìn qua danh sách tác giả trên talawas, có thể thấy website này tập hợp hầu hết những gương mặt sáng giá của văn hoá-văn chương hiện nay, trong lẫn ngoài nước. talawas, vì vậy, một mặt tồn tại như tạp chí ngoài lề - hình thức mạng, không được công nhận bởi truyền thông trong nước, thậm chí bị cấm đoán bởi chính quyền - một mặt lại đóng vai trò tạp chí chính mạch uy tín nhất. Điều này tương phản với văn chương mạng ở một xứ như Hoa Kỳ. Mặc dù tỉ lệ người sử dụng internet rất cao và không phải đương đầu với “tường lửa” - mà theo tôi cũng là một kiểu “bức tường ô nhục Berlin” - ở Hoa Kỳ, văn chương mạng không có vai trò gì đáng kể trong văn chương chính mạch. Tất cả những nhà văn thành danh ở Hoa Kỳ đều thành danh qua sách, tất cả những tranh luận nghiêm chỉnh chỉ diễn ra trên tạp chí, tất cả những giải thưởng giá trị chỉ trao cho sách. Lần mò trên internet, dĩ nhiên có thể tìm thấy nhiều website văn chương. Nhưng ngay cả đối với những nhà văn có khả năng, nếu chỉ xuất hiện trên mạng, chắc chắn họ vẫn vô danh trong giới nhà văn chuyên nghiệp và đa số người đọc. Điều này dễ hiểu. Trong một xã hội tự do, tác phẩm không bị kiểm duyệt mà vẫn in được để bán, việc gì phải công bố miễn phí trên mạng. Hạnh phúc của một nhà văn há chẳng phải là sống được bằng thu nhập từ tác phẩm?

Trong tình hình hiện nay, sẽ thật bi đát nếu một sáng thức dậy và nhận ra tất cả các website văn chương hải ngoại đã biến mất. Sự xuất hiện của internet giúp phổ biến văn chương Việt Nam rộng hơn, nhanh hơn, và đặc biệt cung cấp lối thoát cho tự do sáng tạo. Nhưng theo tôi, do tách rời thị trường sách, văn chương mạng thiếu tính chuyên nghiệp của văn chương in ấn. Nhà văn Việt không nên thoả mãn với văn chương mạng mà bỏ qua những vận động thúc đẩy tự do xuất bản trong nước. Điều nghịch lý là hiện nay, chuyện này chỉ có thể làm tốt nhất thông qua những trang mạng như talawas.

© 2007 talawas