Nhà văn Trần Phương Trà, người Huế ở Hà Nội vừa gửi tặng tôi cuốn sách
Nhớ Tuân Nguyễn do anh sưu tầm và biên soạn (NXB Hội Nhà văn, 2008). Cuốn sách 420 trang dày dặn là tập hợp đầy đủ nhất về tính cách, sáng tác và cuộc đời đau đớn của nhà thơ Tuân Nguyễn và những kỷ niệm sâu sắc của bạn bè về anh. Đã 25 năm Tuân Nguyễn về cõi vĩnh hằng, hình ảnh của anh, thơ ca của anh vẫn nóng hổi nước mắt trong tâm trí bạn bè. Điều ấy không dễ có. Họ vẫn lưu giữ thơ anh, vẫn thuộc thơ anh để chép lại cho người biên soạn sách. Đọc xong tập sách, tôi xúc động thẫn thờ. Trong tôi cứ nhói lên một câu hỏi: Sao người trí thức trẻ ấy lại lâm vòng lao lý oan khiên làm vậy? Trong bài “
Tuân Nguyễn- Kẻ mơ mộng”, Hà Nhật kể: “
Buổi chiều ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe là lạnh người: Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: Khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi sao mà tôi khổ thế?’, thì nhìn vào Tuân Nguyễn sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”.
Tôi chưa được gặp anh Tuân Nguyễn. Thế hệ độc giả Việt Nam tuổi 60 như tôi trở xuống cũng không mấy người biết Tuân Nguyễn, bạn đọc ở miền Nam lại càng không biết, vì thời trẻ anh chỉ có ít thơ in trên báo, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, chưa có tác phẩm nào được xuất bản, lúc 31 tuổi (1964) anh đã bị tù tội đến 10 năm trời. Nhưng giới trí thức Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước ai cũng biết “vụ” Tuân Nguyễn. Vì Tuân Nguyễn là nhà báo, thân thiết với làng văn nghệ, nên việc anh bị bắt làm rúng động giới trí thức lúc bấy giờ. Tôi biết nhiều về Tuân Nguyễn nhờ anh Phùng Quán kể; rồi sau này biên soạn, tổ chức bản thảo mấy cuốn sách về Phùng Quán, được đọc nhiều bài viết về Tuân Nguyễn. Năm 1985, lần đầu tôi đến nhà anh Phùng Quán ở phía sau Trường Chu Văn An cũ. Tôi thấy nhà thơ có làm trang thờ hai người: Chị Võ Thị Sáu, người con gái đất đỏ bị quân Pháp hành hình ở Côn Đảo khi còn tuổi vị thành niên mà Phùng Quán viết trường ca
Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, bên cạnh là trang thờ Tuân Nguyễn, một người bạn đồng hương, đồng đội, tri âm, tri kỉ của anh Quán, một người có khuôn mặt khôi ngô, đeo kính cận dày cộp đang nhìn đời như một đứa trẻ. Ngày nào anh Quán cũng thắp nhang rồi vái ở hai trang thờ đó. Anh bảo thiêng lắm. Năm 2003, sau khi ra mắt cuốn
Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ) được vài tháng thì có một người không nêu tên đã mail vào máy tôi bài “Người bạn lính cùng tiểu đội” của Phùng Quán viết về Tuân Nguyễn. Tôi đọc mà bàng hoàng gan ruột. Khi tổ chức bản thảo cuốn
Phùng Quán -
Ba phút sự thật cho NXB Văn nghệ, tôi đã coi bài viết này là “cái đinh” của cuốn sách. Đó là chân dung của một trí thức nhân hậu, trung thực, một tâm hồn thật đẹp, một nhân cách tuyệt vời. Bị tù tội gần 10 năm xơ xác thân mình vẫn đam mê văn chương thơ phú. Bị ô tô tông chấn thương sọ não, dẫn đến cái chết ở tuổi mụ 49, Tuân Nguyễn vẫn thương người lái xe đã tông mình, vì anh ấy phải đi làm để nuôi vợ và 8 đứa con ở nhà. Tôi cứ ám ảnh câu trăn trối của Tuân Nguyễn: “
Đừng bắt tội người lái xe. Cái kết cục buồn thảm này là lỗi tại tôi… Tôi là người có lỗi…” Vâng, TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI! Phùng Quán kể rằng, có lần Tuân Nguyễn “định viết bài thơ dài, nhan đề: “Tôi có lỗi”. ”
Chữ Tôi ở đây phải viết hoa. Tôi ở đây là người nghệ sĩ, người trí thức chân chính của đất nước. Tôi có trách nhiệm với tất cả, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, đang lăng nhục và xúc phạm con người. Vì tôi chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mạng cao cả mà Thượng đế đã đặc trao cho người nghệ sĩ”. Nói cách khác người trí thức, nghệ sĩ chưa có những tác phẩm lớn để để lay động tâm can con người, làm cho con người ngày càng NGƯỜI hơn, nên xã hội còn có quá nhiều kẻ hại dân hại nước! Lỗi là lỗi như thế. Vì lẽ đó, đọc cuốn
Nhớ Tuân Nguyễn, tôi muốn kể lại câu chuyện về NGƯỜI CÓ LỖI Tuân Nguyễn để bạn đọc biết thêm trí thức Việt Nam đã sống như thế nào trong cái thời khốn khổ chưa xa ấy…
Tuân Nguyễn là một người dấn thân vì kháng chiến. Anh tên thật là Nguyễn Tuân, sinh tháng 9-1933 ở Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Lớn lên thấy tên mình trùng với tên nhà văn “Vang bóng một thời”, nên anh đảo ngược lại thành Tuân Nguyễn, vì sợ người đời cho là ngộ nhận. Theo nhà thơ Hà Nhật, bạn thân của Tuân Nguyễn thì quê gốc của anh ở Quảng Bình. Học trường Pellerin (trường dòng) ở Huế, tốt nghiệp Tú tài 2 toán. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, biết cả chữ Hán, lại có năng khiếu văn chương. Thời ấy tiếp tục học lên đại học hay đi du học, nhất định anh sẽ trở thành một trí thức giàu có. Nhưng anh là người mơ mộng, người lãng mạn nên thoát ly theo cách mạng. Năm 1949, anh tham gia Đoàn Học sinh Kháng chiến Huế. Năm 1950 lên chiến khu gia nhập Vệ Quốc đoàn ở Trung đoàn 101, rồi Trung đoàn Trung Lào trong những năm 1950, 1951, 1953, những năm ác liệt nhất. Là học sinh vừa chậm, vừa yếu, lại cận thị nặng mà phải tham gia các trận đánh, cứu thương, tải gạo, rồi phải ăn những bát cơm thấm máu đồng đội…, thế mà Tuân Nguyễn đã vượt qua tất cả. Sau Hiệp định Genève anh được vào học Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn khoá I cùng lứa với Hà Nhật, Vũ Bội Trâm (vợ Phùng Quán sau này). Năm 1957 ra trường làm giáo viên dạy cấp 3 Trường Học sinh miền Nam tại Hà Đông. Năm 1960 là biên tập viên chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Những năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam là những năm Tuân Nguyễn đọc rất nhiều sách và say sưa với thơ, viết cả trường ca, viết nhiều phóng sự về nông thôn, viết được hai chương gần 100 trang tiểu thuyết
Người mơ mộng. Anh đọc sách trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Anh mê Đốt, nghiện Đốt. Anh thích thơ Chế Lan Viên qua tập thơ
Ánh sáng và phù sa. Thời gian này anh cũng được đi rất nhiều nơi như đảo Cô Tô, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, sang Vân Nam, Trung Quốc, vô tận Vĩnh Linh, Quảng Bình, đi thuyền trên sông Kiến Giang. Đi nhiều, có đầu óc quan sát, suy nghĩ nên anh biết rõ cuộc sống thực của người dân và những sai lầm khuyết điểm trong xây dựng kinh tế và quản lý xã hội ở miền Bắc. Ở Hà Nội, anh chơi thân với nhiều bạn văn thơ như Băng Sơn, Nguyễn Xuân Thâm, Tạ Vũ, Nguyễn Thị Điều, Vân Long, Hà Nhật, Hoàng Tố Nguyên… Anh làm thơ nhớ Huế, nhớ miền Nam, “
Nghe quan họ nhớ mái nhì”, “
Tôi viết vài thơ gửi Huế yêu/ Giữa trưa Hà Nội nắng vui reo…”, “
Anh nhìn bằng tim, tim anh trong vắt”, anh viết thơ về Lê Quang Vịnh, Nguyễn Văn Trỗi, thơ tặng một kiều bào về nước, tăng một chuyên gia địa chất Nga... Anh còn viết nhiều thơ tình rất sâu sắc: “
Tôi thường đợi vần thơ như đợi người yêu dấu / Lúc đi chơi không muốn đóng cửa phòng” (“Không đề I”); “
Khi tình yêu đi qua / Một mảnh buồn ở lại (“Không đề II”)… Anh có nhiều câu thơ găm vào trí nhớ bạn bè: “
Người ta lấy của anh nhiều thứ/ Chỉ còn hai tay và cái mắt hay cười”; “Phật nào lấp được bể trầm luân”… Bạn bè anh hay nhắc bài thơ “Nghe nhạc Johann Strauss” viết trong một đêm cùng bạn thơ đi chơi Hà Nội rồi về nhà Băng Sơn uống rượu:
Sông Hồng bỗng xanh màu Đa Nuýp
Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao
Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp
Những con người nước lạ phải lòng nhau
Nghe bản nhạc “Sông Đa Nuýp xanh” của nhạc sĩ Áo vẳng lên trong đêm Hà Nội mà lẩy ra được ý thơ “
Sông Hồng bỗng xanh màu Đa Nuýp” là rất nhạy cảm. Câu thơ “
Những con người nước lạ phải lòng nhau” chứng tỏ một tấm lòng rộng mở, một tình cảm nhân loại bao la. Những năm ấy thơ Tuân Nguyễn được in nhiều ở báo
Văn nghệ, báo
Thống nhất, phát trong buổi “Tiếng thơ”. Anh được coi là một cây bút thơ chỉnh chu, lão luyện. Nhưng như trong bài thơ “Không đề I” anh viết năm 1963: “
Có những người / Nếu thêm được mười năm/ Sẽ trở thành thi sĩ / Nhưng cuộc sống không mỉm cười đến thế/ Đã chết sớm mười năm / Để lại những tuần trăng chưa đến độ rằm”… Những câu thơ như là vận vào số phận của anh…
Ngày 21/10/1964, khi mới 31 tuổi, tài năng sắp chín, Tuân Nguyễn bị bắt tại cơ quan trước sự ngạc nhiên và hoảng sợ của bạn bè, đồng nghiệp. Tại sao anh bị bắt? 45 năm nay, câu trả lời vẫn úp mở. Theo tôi biết, Tuân Nguyễn bị bắt trong trào lưu “chống xét lại” nhập khẩu từ phương Bắc. Dạo đó ở miền Bắc, người ta lùng bắt “bọn xét lại” ở khắp nơi y như lùng bắt địa chủ trong Cải cách Ruộng đất. Trí thức là những người có đầu óc suy nghĩ độc lập, luôn có tư duy phản biện đối với những việc làm không đúng, không nhân văn, những ấu trĩ, non nớt của các cấp lãnh đạo. Họ không nói được trong cuộc họp thì nói trong cuộc rượu, hoặc ghi những suy tư của mình vào nhật ký. Ai bị phát hiện ra những lời nói mang tư tưởng “ngược” ấy đều bị quy vào tội “xét lại”, “chống đối”, “phản động” và bị bắt tù mà không cần xử án. Để tìm ra những trí thức “phản động” đó cần phải có bọn giòi bọ làm nghề tố giác! Tố giác để tâng công, tố giác để chạy tội. Phùng Quán kể: ”
Tuân Nguyễn trong đợt học tập nghị quyết 9, cậu ta xin bảo lưu ý kiến, bị cơ quan đưa ra kiểm điểm vì những luận điệu ủng hộ chủ nghĩa xét lại Liên Xô, cậu ta làm thơ ca ngợi Khrushchev… Vào thời gian ấy, những chuyện như thế là chuyện chết người cả”. Hơn nữa, lãnh đạo đã để ý nhiều lần Tuân Nguyễn chơi thân với “Phùng Quán
Nhân văn - Giai phẩm”, Phùng Quán hay đến Đài. Vì Phùng Quán và Tuân Nguyễn ở cùng tiểu đội trong Trung đoàn 101 thời chống Pháp ở Bình Trị Thiên, sao mà không thân nhau được? Mà Tuân Nguyễn lại không quan niệm Phùng Quán là người có tội. Phùng Quán bị nạn, đẻ con gái đầu lòng, không có tiền mua sữa, Tuân Nguyễn đã trích lương mình mỗi tháng 5 đồng mua sữa cho cháu Đỗ Quyên. Đến kỳ lĩnh lương Tuân Nguyễn dặn Phùng Quán đến Đài để lấy tiền vì anh hay bận. Tuân Nguyễn cũng đã lường trước hậu quả của mỗi quan hệ này, nên anh đã nhờ người canh chừng. Trong bài “Nhớ anh Tuân Nguyễn”, Mai Niệm viết: ”
Mỗi lần anh Quán đến chơi, anh Tuân nguyễn thường nhờ tôi xuống dưới cầu thang cạnh bếp ăn tập thể để canh có ai hỏi anh Tuân Nguyễn thì ngăn lại, bảo anh đi vắng (nhất là H.)… Sáng 18/8/1963, anh Quán đến… Tôi đang lau xe đạp thi H. đến. H. là người cùng phòng nên đi thẳng lên gác… Vừa lên chưa được một phút, H. đã xuống, mặt hầm hầm sát khí bảo tôi: Sao cậu lại để cho ông Quán đến cơ quan mình mà không báo bảo vệ?”… Tuân Nguyễn có một bài viết rất sâu nói về một công trường thuỷ lợi tại Nông trường Quốc doanh Rạng Đông, Nam Định, tố cáo bọn có chức có quyền trong các phòng ban thông đồng với ban chỉ huy công trường nghiệm thu khống khối lượng đào đắp để ăn chặn tiền nhà nước, chia nhau. “
Bài viết bị trưởng phòng cho là ‘không có lập trường’, nói xấu cán bộ thuỷ lợi, bôi nhọ xã hội chủ nghĩa.” Thế là tên Tuân Nguyễn đã nằm trong “sổ đen” rồi. Trong bài “Một kỷ niệm buồn”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể: “
Những sinh hoạt hàng ngày trong gian khó, Tuân Nguyễn đều ghi vào nhật ký, kể cả lên giá một cốc siro một hào thành một hào mốt, cùng với những suy nghĩ về thời cuộc. Tuân Nguyễn bị H., người cùng Phòng Văn nghệ, lấy được lấy được cuốn nhật ký và nộp cho tổ chức. Tổ chức đọc và suy diễn cho rằng nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc…” Về việc cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn, Xuân Đài kể rằng, Tuân Nguyễn đã báo cho bạn bè biết ai đó đã mở ngăn kéo bàn viết của anh, dù đã khoá rất kỹ, lấy mất cuốn nhật ký và một chỉ vàng. Tuân bảo nhật ký của mình ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, những chuyện riêng tư và một số nhận định của mình về thời cuộc của đất nước và thơ. Thằng đê tiện đã đánh lạc hướng bằng cách ăn cắp thêm chỉ vàng để Tuân Nguyễn nghĩ là kẻ gian lấy trộm. Người biết sự thật là hai nhà văn Phạm Tường Hạnh và Mai Văn Tạo, hai anh đều là đảng viên, đều làm việc ở Đài Tiếng Nói Việt Nam thời ấy cho biết, người nộp quyển nhật ký của Tuân cho chi bộ Phòng Văn nghệ chuyển lên lãnh đạo là H., cùng phòng với Tuân Nguyễn. Không biết đến bây giờ H. còn sống để đọc cuốn
Nhớ Tuân Nguyễn không? Nếu đọc thì “con người lập trường” ấy có chút gì ân hận về việc làm hèn mạt của mình không? Trong cuốn nhật ký ấy còn có bài thơ rất cảm động nhưng “gay cấn”, là bài “Khóc thầy”. Thầy đây là ông Dương Bạch Mai, người bị quy tội “đại xét lại”: “
Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất / Tiếng nói của lương tâm / Đau đớn này đau đớn nào hơn / Chân lý không muốn nằm dưới đất / Chúng tôi sống bây giờ / Mỗi khuôn mặt đều có phần bí ẩn / Mỗi trái tim đều có phần im lặng / Mỗi niềm tin đều mất chút ngây thơ…” Và đây là hai câu kết:
Chúng con đi sau linh cữu của thầy
Nhưng không phải đưa thầy ra nghĩa địa
Ta đã biết ai là kẻ đã ăn cắp cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn để tâng công với cấp trên. Nhưng theo nhà văn Xuân Đài, cái anh H. ấy rồi sau này vẫn không cứu được mình, do sống tha hoá nên bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng không hiểu sao, khi Tuân Nguyễn mất cuốn nhật ký, nhiều anh em trong giới văn nghệ lại nghi là Trần Nguyên Vấn (tức nhà thơ Trần Phương Trà, người biên soạn cuốn sách này), là người cùng phòng, lại là đồng hương, lấy. Chính tôi thế hệ sinh sau, ra Hà Nội đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khi nhắc đến Tuân Nguyễn cũng nghe nói như vậy. Một mất mười ngờ. Trần Nguyên Vấn rất đau khổ trước sự độc mồm độc miệng của thiên hạ. Mặc dù ngay lúc đó Tuân Nguyễn đã khẳng định Trần Nguyên Vấn là một người bạn tốt. Nhưng “nghi án” vẫn không được gỡ bỏ. Nhưng anh Vấn chẳng thanh minh với ai. Anh lặng lẽ gửi đồ tiếp tế, sách, bút Trường Sơn, và cả cuốn
Từ điển Nga-Việt vào trại cải tạo cho Tuân Nguyễn tự học tiếng Nga, để dịch được cuốn sách
Bim trắng tai đen của G. Troyepolsky ra tiếng Việt, được tái bản nhiều lần. Tuân Nguyễn đi tù, Trần Nguyên Vấn vẫn bảo quản cái bàn, chiếc ghế và tủ sách của bạn. Và lần này anh cất công làm cuốn sách
Nhớ Tuân Nguyễn, vừa tôn vinh một người bạn tài hoa mệnh yểu, lại vừa làm rõ “nghi án” bao năm đè nặng trái tim mình. Cảm ơn tấm lòng và sự kiên nhẫn của nhà thơ Trần Phương Trà!
Trong chuyện bị bắt của Tuân Nguyễn, có một chi tiết Phùng Quán kể làm người đọc cười ra nước mắt. Trước khi bị bắt, Tuân Nguyễn là thanh niên chưa vợ, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, nên khi viết về một nhân vật chơi bời, Tuân Nguyễn thiếu thực tế, liền nhờ Phùng Quán kiếm cho một cái “
đồng tiền vàng”, tức là nhãn hiệu của cái bao cao su của Tiệp Khắc sản xuất. Thời đó loại bao cao su này không được bán tự do bên ngoài, mà chỉ có ở cửa hàng phân phối có giấy giới thiệu của công đoàn cơ quan mới mua được. Phùng Quán ngờ bạn mình đang cần cái đó vì yêu. Nhưng không phải, Tuân Nguyễn chỉ xem để biết, để mô tả cho chính xác khi viết văn. Phùng Quán bảo với Tuân Nguyễn rằng “tay H. (H. đã nói ở trên) hay chơi bời, cùng cơ quan với cậu, lúc nào cũng có “
đồng tiền vàng” trong túi, cậu hỏi xin nó một cái”. Và cái ngày định mệnh 21/10/1964 ấy, Tuân Nguyễn gặp H. tại cổng cơ quan, hỏi xin một “
đồng tiền vàng”. H. móc túi lấy cho Tuân Nguyễn một “
đồng tiền vàng”. Tuân Nguyễn đút túi chưa kịp bóc xem thì người ta đến đọc lệnh bắt. Sau lệnh bắt, người ta yêu cầu Tuân Nguyễn cởi bỏ hết đồ mang theo trong người, kể cả kính cận, để lập biên bản. Thế là “
đồng tiền vàng” trong túi bị phát hiện. Tuân Nguyễn hổ thẹn lắm, vì anh bị quy thêm một tội nữa: Chưa vợ mà có “
đồng tiền vàng”, tức là “hủ hoá”! Sau này Tuân Nguyễn kể với Phùng Quán:
“Lúc đó, một chi tiết khó tin trong tác phẩm Kỷ niệm ngôi nhà những người chết
của Dostoievsky vụt hiện lên trong ký ức mình. Có một người tử tù sắp sửa phải thụ hình. Y bị trói vào cọc hành hình, cố vươn ra chuẩn bị đón lưỡi dao bén ngọt của đao phủ. Y chợt ngoảnh lại, run rẩy nói với người đao phủ: Trên gáy tôi có cái ung nhọt đang mưng mủ. Ông làm ơn đừng chém vào chỗ cái nhọt! Rất đúng với hòan cảnh của mình lúc đó, sắp phải đi tù không biết bao nhiêu năm, thế mà mình lại không cảm thấy đau khổ bằng sự việc trong túi có đồng tiền vàng”. Đi tù cải tạo 9 năm 7 tháng, cho đến khi ra tù, Tuân Nguyễn vẫn chưa biết “
đồng tiền vàng” ấy hình thù như thế nào…
Sau khi bị bắt, Tuân Nguyễn bị đưa vào các trại cải tạo ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Trong bài “Nhớ thương anh”, Phạm Ngân Giang, là người đã cưu mang Tuân Nguyễn nơi ở khi ra tù trong một thời gian, cho biết, ở trại cải tạo Nghĩa Đàn, anh được làm thống kê đi khắp các đội sản xuất để ghi số liệu, thời gian rỗi thì miệt mài học tiếng Nga, tiếng Hán, làm thơ… Anh sống nhân cách, không kêu ca phàn nàn, lại hay nhường nhịn giúp đỡ mọi người, nên ai cũng thương anh. Trong trại người ta nhốt cao bồi riêng, gái điếm riêng, họ nhờ anh đưa thư cho nhau, anh thương tình đưa hộ, bị giám thị trại bắt được, cảnh cáo nếu tái phạm thì chuyển đi lao dộng chứ không được làm thống kê nữa. Ở trại Nghệ An được 1 năm thì trại bị máy bay Mỹ bắn nên chuyển ra Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Thời hạn cải tạo được 4 năm anh được ban giám thị trại cho làm bản tự kiểm điểm để được tha, nhưng Tuân Nguyễn không tự kiểm điểm mình mà lại viết bản lên án, tố cáo ban giám thị ăn hối lộ, đút lót, nên không những không được tha mà bị chuyển qua trại Bá Thước (cũng ở Thanh Hoá) làm công việc khai thác gỗ rất nặng nhọc thêm gần 6 năm nữa. Khi được tha, anh khoác ba lô về, loanh quanh mấy tháng trời không biết đi đâu, về đâu, làm gì. Anh buồn chán, lại khoác ba lô quay trở về trại Cẩm Thuỷ. Mọi người trong trại khuyên anh hãy về với cuộc sống để yêu, để bảo vệ cái đẹp. Về để đi tiếp chặng đường dang dở của mình. Và anh lại về Hà Nội sống nương tựa vào bạn bè… Anh đi đánh véc-ni, đi dọn vệ sinh (đổ thùng nhà cầu) ở ga Hàng Cỏ để sống qua ngày.
Cuối năm 1974, một người con gái đã đến với Tuân Nguyễn như là sứ giả của Thượng đế sai về để đánh thức trái tim cô độc của anh. Đó là Phương Thuý, con gái ông Nguyễn Đức Phiên, tức Hoài Chân, một trong hai tác giả
Thi nhân Việt Nam lừng danh. Chị Thuý làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Chồng trước của chị là một tiến sĩ vật lý danh tiếng, nhưng chị đã ly dị để đi theo tiếng gọi của trái tim, lấy anh chàng Tuân Nguyễn vừa được tha tù sau 10 năm, dù bị gia đình phản đối quyết liệt. Có lẽ chị Phương Thuý đã nhận ra cái CHẤT NGƯỜI cao cả rất đậm đặc hiếm có ở Tuân Nguyễn chăng? Nhà văn Thái Vũ (Bùi Quang Đoài) viết:
“Quả là ‘mệnh trời’ khi Tuân gặp Thuý, khi nỗi buồn khó dứt của một người đang mong có một niềm vui, đúng hơn là một chỗ dựa. Trong thời buổi chữ ‘tài’ đang lay lắt thì chữ ‘mệnh’ đúng là đã cứu vãn một kiếp người…” Lấy nhau rồi mà phải ở nhờ nhà những người em, người bạn như Phạm Ngân Giang, Vũ - Điều, Băng Sơn. Hơn tháng sau, chị Thuý đem tất cả số tiền dành dụm được, rồi bạn hữu góp thêm, mua một gian buồng 6 mét vuông gần Ga Hàng Cỏ. Bạn bè xúm tay góp nồi, góp soong, bếp dầu, chén bát, bàn viết, ghế ngồi, giá sách, giường… Hoạ sĩ Chu Hoạch góp một bức chân dung Đốt treo trước bàn viết; Phùng Quán, Lê Huy Quang góp tre đóng chạn đựng bát đĩa, soong nồi… Sau khi có nhà, Tuân Nguyễn - Phương Thuý tổ chức “lễ thành hôn” theo kiểu riêng của mình. Tuân Nguyễn làm một bài thơ “Thơ mời bạn bè ngày cưới”, chép tay thành nhiều bản gửi đi mời bạn bè.
Quá nghèo nên tạm thế này thôi
Đâu dám làm cho khác mọi người
Thiếu rượu vì tin tình nghĩa bạn
Không hoa, mong hiểu vợ chồng tôi
Bao năm ngoảnh lại hoàn tay trắng
Một sáng nhìn lên miệng hé cười
Thiếp báo là thơ - giờ gửi tới
Xin mời có dịp đến nhà chơi
Dự cuộc “tiệc cưới” ở nhà Tuân Nguyễn - Phương Thuý, Phùng Quán có bài thơ ứng tác đọc lên nghe lạnh người:
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ nhà thơ như ở đây?
Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi
Ba phải đứng vì không đủ chỗ…
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ cô đơn như ở đây?
Một đám trẻ bơ vơ không nhà cửa
Sống bằng thơ đau với rượu cay
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ yêu thương như ở đây?
Mỗi tấc đất có một người quỳ gối
Dâng trái tim và nước mắt
Cho nỗi đau của cả loài người…
Sau năm 1975, vợ chồng Tuân Nguyễn - Phương Thuý vào Sài Gòn ở lô K, cứ xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Nhờ một người học sinh miền Nam cũ giúp đỡ, anh đã được đi dạy học ở Trường Nghiệp vụ Bộ Văn hoá ở Thủ Đức; ngoài giờ thì dịch sách báo. Buồn cười nhất là khi khai lại lý lịch để vào Sài Gòn dạy học, đoạn thời gian 9 năm 7 tháng đi tù, tổ chức bảo anh kê khai là “nghỉ chữa bệnh”. Vui thật. Còn chị Phương Thuý ở nhà mở quán bán báo kiếm sống. Ngày 25/4/1983, trên đường đi lấy báo về cho vợ bán, Tuân Nguyễn đã bị một chiếc xe đang lùi tông phải. Anh ngã giúi dụi, kính cận văng một nơi, báo văng một nới. Người lái xe hoảng hồn chạy đến đỡ anh dậy, anh bảo: “Không việc gì, may cái kính không vỡ”. Rồi anh đạp xe về nhà, lúc đó mới biết mình bị chấn thương sọ não phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Khi biết mình không qua khỏi, anh đã trăn trối câu nổi tiếng: “
Đừng bắt tội người lái xe… Tôi là người có lỗi…”. Câu nói thể hiện bản chất thương người của Tuân Nguyễn, cũng là một lời nhắn đối với tất cả trí thức trong cuộc đời này: Chính trí thức là người có lỗi, vì từng lớp trí thức tài giỏi của đất nước đã không làm được gì để cho người dân bớt khổ, cho xã hội công bằng dân chủ văn minh. Vâng, chúng ta là người có lỗi!
Huế, 30-5-2008 © 2008 talawas