trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.2.2008
Hà Nhật
Tuân Nguyễn, kẻ mơ mộng
 
Tuân Nguyễn
Tuân Nguyễn
Vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm Tuân rồi đưa Tuân đến nghĩa địa Gò Dưa bên Thủ Đức, cúng “mở cửa mả” cho Tuân, những chuyện ấy dồn dập xảy ra cứ như là không có thật. Buổi chiều ấy, ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe mà lạnh người:

“Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi, sao mà tôi khổ thế?’, thì nhìn vào Tuân Nguyễn, sẽ thấy mình chưa phải là người khổ.”

Tôi tình cờ mà quen rồi trở thành bạn thân của Tuân Nguyễn. Ấy là vào tháng 8 năm 1959, tôi phải dự một cuộc chỉnh huấn một tháng, gồm tất cả giáo viên cấp 2 và cấp 3 toàn miền Bắc, cùng tất cả sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp. Nơi họp là Trường Bổ túc Công nông đóng tại Giáp Bát, cách phía nam Hà Nội mấy cây số. Ai đã từng dự những cuộc chỉnh huấn trong hai cái năm 1958, 1959, nhất là những ai là văn nghệ sĩ và sinh viên văn khoa, thì chắc mãi mãi chẳng bao giờ có thể quên. May mắn là mỗi buổi chiều, ăn cơm xong, chưa đến giờ học tập hay kiểm thảo buổi tối, chúng tôi có được chút thời gian để trò chuyện mà không phải lên gân góp ý hay kiểm điểm lẫn nhau.

Tôi là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa biết sẽ được phân công về đâu (đến cuối cuộc chỉnh huấn thì tôi mới nhận được quyết định của Bộ Giáo dục về Nghệ An để dạy cấp 2). Tuân Nguyễn ra trường trước một khóa, đang là giáo viên của một trường học sinh miền Nam hình như đóng tại Hà Đông. Cùng gốc gác Quảng Bình, cùng từng học ở Huế, lại hình như cùng có cái gì đó giống nhau về số phận, gặp nhau lần đầu là chúng tôi nhận ra nhau và thân nhau ngay. Trước khi rời Hà Nội để vào Nghệ An nhận việc, tôi dẫn Tuân tới ngôi nhà số 10 phố Hàng Gà, nơi tôi đã ở suốt 5 năm, coi như chính gia đình mình, và cũng được cả nhà coi như con cháu, anh em, mãi cho đến tận bây giờ, tôi đã ngoài bảy mươi. Tuân đến, cũng được cả nhà coi như vậy. Quả thật lúc ấy tôi ngờ sẽ có lúc Tuân phải “vào trại”, ngôi nhà này cũng bị đến “xem xét”. Gia đình vốn đã bị tiếng “tư sản”, thêm chuyện này nữa thì phiền quá! Có điều lạ là cả gia đình không ai cảm thấy khó chịu. Mọi người, già trẻ, trai gái, ai cũng quý Tuân.

Chao ôi! Con người mơ mộng và lí tưởng nhất trên đời! Quả tình tôi chưa từng có người bạn nào như vậy. Đang là học sinh trường dòng Pellerin kề bên Bến Ngự, ngôi trường mà học sinh phải đóng học phí khá cao, phải ở “anh-tẹc” (tức nội trú), phải mặc đồng phục, thắt cà vạt, đi giày Tây…, thế mà đùng cái, Tuân bỏ trường lên núi rồi đi bộ đội, tham gia kháng chiến. Lí do thật chính đáng: cách mạng đẹp quá, kháng chiến đẹp quá, hạnh phúc và cơm no áo ấm cho tất cả mọi người, đẹp quá! Hơn nữa: làm một chàng trai biết rời bỏ ăn ngon mặc đẹp để dấn thân vào đói khổ gian lao thì cũng đẹp quá!

Chao ôi, Tuân Nguyễn đã hơn bảy đêm không thể chợp mắt sau khi xem cuốn phim Những đêm trắng của Liên Xô dựng theo tiểu thuyết của Dostoievski. Dám chắc ở Việt Nam, không có ai yêu Dos cho bằng Tuân Nguyễn, kể cả một người rất mê Dos là nhà văn cùng tên với anh, ông Nguyễn Tuân. Nhân đây cũng nói rằng, trong cả thế hệ chúng tôi, trừ Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học tài ba và nhà dịch thuật chuyên nghiệp, không ai đọc được nhiều tiểu thuyết của Dos, mà đọc trực tiếp từ tiếng Pháp, bằng Tuân Nguyễn. Tuân đọc để rồi, khi thích thú kể lại với bạn bè, đọc thuộc lòng hẳn từng đoạn dài tiếng Pháp, từ Les humiliés et offensés đến L’Idiot, từ Les Karamazov đến Crimes et Châtiments. Tuân yêu đến quặn thắt những nhân vật của Dos, yêu đến hóa thân thành nhân vật của Dos, yêu đến mộng mơ, hờn giận, đau đớn cùng với Dos. Mỗi nhân vật của Dos là một nỗi bất hạnh đến sâu thẳm của cuộc đời, nhưng mỗi nhân vật của Dos cũng là một tấm gương chói ngời của lòng tốt, của chủ nghĩa vị tha đến quyết liệt. Hầu như cứ mỗi lần hiệu sách ngoại văn Hà Nội có một chuyến sách mới là Tuân phải tìm đến, để xem có tác phẩm nào của Dos vừa được chuyển sang hay không. Nếu có thì thế nào Tuân cũng phải mua. Trong tác phẩm của Dos, con người thật đáng thương, nhưng con người cũng thật đáng yêu. Trong tác phẩm của Dos, một cô gái điếm cũng trong sáng đến thánh thiện, tốt bụng đến thiên thần.

Đối với văn học Xô-viết, Tuân mê Paustovski. Ông ta viết truyện ngắn tuyệt hay, ông ta là một cây bút bậc thầy. Tuy nhiên, điều Tuân mê nhất nơi nhà văn này chính là lòng tốt của con người. Trong tác phẩm của ông chỉ có cái đẹp, những tình cảm đẹp và những con người tuyệt đẹp, những con người chỉ chắt chiu đi thu nhặt những hạt bụi vàng trong cuộc đời để đúc nên những bông hồng vàng đem dâng tặng người đời, từ văn hào Andersen của nhân loại, đến anh phu quét rác đêm trên đường phố Paris… Tuân yêu những mối tình hư ảo của Paustovski, bởi “chỉ trong tưởng tượng tình yêu mới mãi mãi là thơ là mộng”…

Tuân ghét những tác phẩm mượn danh hiện thực để miêu tả sự thô bỉ của con người, khiến người ta nghĩ đến con người như một thứ loài vật. Chính vì thế mà trong văn học Việt Nam, Tuân yêu Thạch Lam, yêu Nam Cao. Tuân cũng rất yêu Nguyễn Tuân, nhà văn của cái đẹp, cũng là nhà văn dám sống cho cái đẹp.

Với văn chương thì thế, với mọi người xung quanh, Tuân cũng đối xử như thế. Không ghét ai, Tuân chỉ không chơi với người mà Tuân không thích. Đối với những người quen biết, Tuân sống theo cách “làm sao có thể đem đến một niềm vui, một hạnh phúc, dù nhỏ”.

Tuân sống ảo tưởng đến kì lạ. Một lần Tuân kể:

“Hôm qua, mình đi tàu điện từ Hà Đông về, ngay chuyến tàu đầu tiên. Trong toa gần như không có ai ngoài mình ở cuối toa và một người khác ở đầu toa. Lúc tàu gần đến chỗ dừng, mình bỗng nhận rằng đó là một cô gái đẹp vô cùng. Cái dáng ngồi, cái khuôn mặt của cô gái trong ánh sáng mờ mờ trước buổi bình minh, đẹp một cách kì lạ. Cô gái xuống tàu. Đến lúc mình chợt nghĩ ra là phải xuống tàu để đi theo cô ta, thì cô gái đã đi mất hút, tàu lại đang chạy nhanh...”

Chỉ có thế mà liên tiếp cả một tuần liền, Tuân lại đi chuyến tàu điện đầu ngày từ Hà Đông về Hà Nội, mong lại được nhìn thấy cô gái với dáng ngồi và khuôn mặt tuyệt đẹp trong ánh sáng của buổi lê minh nơi góc cuối toa tàu. Cho đến tận hôm nay, tàu điện Hà Nội đã bị dẹp bỏ lâu rồi, thế mà mỗi lần bước chân trên một phố cũ Hà Nội, tôi không thể không tưởng tượng hình ảnh anh chàng Tuân Nguyễn nơi một đầu toa tàu, dán đôi mắt say mê sau đôi tròng kính cận lên một dáng hình con gái mảnh mai ở phía cuối toa tàu.

Hầu như cả đời, Tuân chưa được yêu một cô gái nào. Thỉnh thoảng Tuân cũng có kể chuyện cô này cô nọ, nhưng tôi biết tất cả đều do Tuân tưởng tượng ra. Có thể coi câu chuyện tình này như một chuyện tiêu biểu của anh. Hồi đó, qua bạn bè, anh quen gia đình một cô gái Hà Nội. Cô khá đẹp nhưng mắc bệnh tim, khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất buồn. Chao ôi, đây đúng là vẻ đẹp lí tưởng của Tuân Nguyễn rồi! Une beauté pâle et maladive! Một nhan sắc xanh xao và đau ốm! Tuân yêu đến say mê, yêu và làm thơ, lấy cả tên cô gái để đảo lại thành bút danh kí dưới các bài thơ của mình. Trước mối tình ấy, cô gái vẫn từ chối cho đến trước khi qua đời. Sợ phiền lòng người đã khuất, tôi xin không nhắc tên người con gái ấy.

Thêm một chuyện nữa cũng đầy chất Tuân Nguyễn. Trong khoảng thời gian còn lại trước khi tôi vào xứ Nghệ, đến bây giờ tôi không còn nhớ là trong trường hợp nào, Tuân và tôi quen một cô gái Hà Nội. Cô không đẹp nhưng có duyên, dáng người khá thanh thoát, nói năng nhỏ nhẹ. Sáng nào cô cũng đến thăm chúng tôi ở 10 Hàng Gà, chuyện trò một lúc rồi ra về, cả đến và về đều đi bộ. Hồi đó, ở Hà Nội, xe đạp là một thứ tài sản, nhưng cũng chưa ai lấy việc có xe hay không có xe để làm thước đo giá trị. Chúng tôi chỉ thấy cảm động khi nhìn những bước chân khoan thai của cô gái trên hè phố và cái bóng nhỏ của cô khuất dần mỗi khi cô từ nhà chúng tôi ra về. Có một cái gì đó thật đáng yêu. Có lần chúng tôi định đi theo cô đến thăm nhà cô thì cô khéo léo từ chối. Cô cũng khéo léo không cho biết nhà ở đâu, chỉ nói là ở mạn phố Nguyễn Thái Học. Mà phố Nguyễn Thái Học thì dài dằng dặc. Thế mà có một buổi sáng cả hai thằng lững thững đi dọc con phố đến hai lần, thử đoán xem cái nhà nào có thể là nhà của cô. Sau khi tôi rời Hà Nội, cô gái vẫn chăm chỉ đến thăm Tuân. Và tôi, trong mỗi bức thư gửi từ xứ Nghệ cho Tuân, đều có một câu tái bút nhờ chuyển cho cô. Tôi vẫn mong có một chuyện tình, tuy không lãng mạn li kỳ nhưng đẹp giản dị như một truyện tình Thạch Lam giữa Tuân và cô gái Hà Nội ấy. Cuối cùng thì mọi chuyện chẳng ra sao cả. Nguyên nhân thì thật cũng chẳng ra làm sao cả. Đại khái là có một lần, vì không thể từ chối, cô gái đành cho Tuân biết nhà. Và Tuân tìm đến. Đến rồi thì Tuân mới vỡ lẽ ra là cô gái không muốn chúng tôi biết nhà chỉ vì mặc cảm là nhà cô ấy nghèo. Điều ấy khiến anh chàng Tuân cảm thấy bị xúc phạm. Trong một bức thư khá dài cho tôi, Tuân viết rằng: Việc gì mà cô ấy phải làm như vậy? Mình đến nhà cô ấy, thấy bên hàng rào có giàn mướp, có cây đu đủ, xinh xắn và thơ mộng. Mẹ cô ấy là một bà cụ hiền từ, gợi mình nhớ đến mẹ mình. Lẽ ra cô ấy phải tự hào… Tuân còn viết nhiều nữa, khá là gay gắt.

Sau này, trong những năm“ở trại”, hình như Tuân cũng có một mối tình, nồng nhiệt và bi thương, có lẽ thuộc loại những tình yêu hiếm thấy và cảm động nhất trên đời. Chuyện này hình như có người đã kể, tôi không kể lại nữa.

Một chuyện này thì thật giống truyện tiếu lâm. Hồi đó Tuân đã sống ở Sài Gòn. Có một đứa cháu họ gọi Tuân bằng cậu, thỉnh thoảng đến chơi. Một lần hắn báo cho Tuân tin mừng là vợ hắn mới sinh con. Tuân hỏi thăm:

"Thế à? Con trai hay con gái? Được mấy ngày rồi?”

“Dạ, con trai. Được mười ngày rồi."

Thế nó mở mắt chưa?”

Thằng cháu chưng hửng:

“Trời, cậu làm như nó là chó con hay sao mà ‘nó mở mắt chưa’!”

Kể lại chuyện này với tôi, đứa cháu của Tuân vẫn không hiểu sao một người thông minh từng trải như ông cậu của nó, lại có thể hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy. Chao ôi, nếu nó biết rằng, cho đến tuổi ngoài bốn mươi, cậu nó chưa từng được nắm tay một người con gái, nói chi chuyện nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh! Tuân có thể đọc thuộc lòng những đoạn văn dài bằng tiếng Pháp, có thể tự học tiếng Nga trong nhà tù để sau này dịch được Bim trắng tai đen, nhưng Tuân phải mất hơn mười năm quan trọng nhất trong một đời người sống trong cảnh không có cuộc đời.

Sau chỉnh huấn 1959, Tuân may mắn được nhận về tổ thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có một phòng con ở chỗ phố Tràng Tiền, Tuân vẫn coi ngôi nhà ở 10 Hàng Gà như ngôi nhà để trở về. Mỗi năm, vào dịp hè, tôi lại trở về Hà Nội, hai thằng lại cùng ăn, cùng đi chơi với nhau, trong đó nhiều lần có cả Phùng Quán, người bạn chung của cả hai đứa. Cũng có năm, Tuân vào Vinh khi tôi dạy ở Vinh, vào Quảng Bình khi tôi đã chuyển vào Quảng Binh. Năm nào cũng giống năm nào, vẫn cái anh chàng Tuân mang đôi kính cận dày cộm và gầy gò đến tột mức của sự gầy gò ấy.

Cũng cần nói một chút về cái gầy của Tuân Nguyễn. Nguyên nhân là Tuân bị ankylostome (giun móc). Tuân thường khoe là bao giờ cũng cố gắng ăn thật nhiều để còn “chia phần” cho bọn ankylostome ấy, nếu không, chúng nó sẽ ăn vào thịt Tuân. Không biết trong những năm ở trại của Tuân, cái bọn ankylostome ăn thịt Tuân ấy sống như thế nào? Có lẽ chúng đã chết hết rồi chăng?

Vào thăm tôi ở Vinh giữa lúc tôi đang thuyết trình về Nguyễn Du với học trò trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng trong dịp kỉ niệm 180 năm ngày mất Nguyễn Du, Tuân Nguyễn sang sảng đọc thơ ca ngợi Nguyễn Du. Vào chơi với tôi ở Quảng Bình, có giấy giới thiệu “đi thực tế” do Đài Tiếng nói Việt Nam cấp, Tuân được huyện Lệ Thủy sắp xếp nơi ăn ở, sắp xếp cả chuyện cho người chở thuyền đi dọc dòng Kiến Giang. Lần ấy, tình cờ có thêm nhà thơ Đào Xuân Quý, chúng tôi thật vui vẻ.

Cũng có lúc Tuân chọn những chuyến đi khác. Không chỉ làm một anh biên tập thơ cho Đài, Tuân còn làm nhiều thơ và thơ Tuân đã có nhiều người thích. Sau một chuyến lên Thái Nguyên, Tuân đọc với bạn bè:

Lên Thái Nguyên rồi đi chẳng được
Yêu người, yêu đến cả mồ hôi

Tuân vẫn thế, hồn nhiên, mơ mộng, đầy niềm tin đến ảo tưởng. Tuy nhiên, dần dần tôi nhận ra ở nơi Tuân một cái gì đó đang đổ vỡ. Đỉnh cao là vào một buổi chiều ở Hà Nội, Tuân đọc cho nghe bài thơ viết sau đám tang một người thầy:

Con đi theo linh cữu của thầy
Nhưng không phải để đưa thầy ra mộ

Có lẽ nếu tình yêu của Tuân bớt ảo tưởng đi, bớt tuyệt đối đi, thì sự đổ vỡ của Tuân không dữ dội đến như vậy. Nhưng biết làm sao được. Trên đời đã có một người như Tuân Nguyễn, đã phải có một người như Tuân Nguyễn. Hình như thế giới luôn luôn phải là như vậy. Việc xảy đến với Tuân thật đột ngột và bất ngờ. Nó cứ như tai họa từ đâu bỗng giáng xuống gia đình Vương Thúy Kiều vào năm Gia Tĩnh triều Minh. Nó cứ như cái tai họa từ đâu bỗng giáng xuống đầu anh cựu chiến binh trong Đoạn đầu đài của Aitmatov sau này. Không biết lấy gì mà lí giải. Trong một khoảng thời gian ngắn, tai họa đến với ba người bạn tôi: Tuân Nguyễn, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Huy Cương.

Có một chi tiết mà bạn bè Tuân hồi đó ai cũng biết. Ấy là một thời gian ngắn trước khi tai họa ập đến, Tuân lo lắng nói với mấy người bạn rằng trong khi Tuân vắng nhà thì cái ngăn kéo bàn của anh ở phố Tràng Tiền bị mở trộm, lấy đi của anh cái nhẫn vàng và quyển nhật ký.

“Mất cái nhẫn thì chẳng sao, chỉ lo quyển nhật ký. Mình nghĩ là kẻ trộm nó mới lấy cái nhẫn, chứ… thì lấy cái nhẫn làm gì.”

Bạn bè bảo :

“Thế thì không phải là kẻ trộm rồi. Người ta lấy cái nhẫn để cậu tưởng là kẻ trộm thôi.”

Chuyện xảy ra đúng như vậy.

Từ căn phòng ở phố Tràng Tiền, với hai tay bị còng, Tuân đã làm một chuyến đi hơn mười năm nhọc nhằn và tủi hận.

Năm 1975 tôi mới gặp lại Tuân ở Hà Nội giữa khoảng không gian bé bằng một chiếc chiếu trong một căn nhà gần ga Hàng Cỏ. Tuân và Phương Thúy phải mua lại cái khoảng không gian tí tẹo ấy bằng không biết bao nhiêu chuyến xe ba gác chở cái thứ mà dân Hà Nội bỏ lại trong các nhà vệ sinh công cộng, chuyển ra ngoại thành cho người ta mua bón ruộng. Những chuyến xe ba gác như thế luôn luôn phải bắt đầu từ lúc gần nửa dêm.

Từ Phan Thiết vào Sài Gòn chơi, tôi lại gặp Tuân, mừng vì thấy Tuân và Phương Thúy ở trong một ngôi nhà khá đẹp ở một khu vực thật đẹp, Tuân lại đi dạy văn cho một trường cấp 3 ở Bình Thạnh, được học trò rất yêu. Thúy nói rất thật lòng:

“Thấy anh Tuân được các cô học trò yêu, em rất vui. Em biết em xấu. Anh Tuân phải được yêu người đẹp.”

Rồi khu phố còn thương tình, cho Tuân mở cái quầy bán báo bên lề đường để kiếm thêm chút tiền.

Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai chăng? Hóa ra không phải vậy. Ngôi nhà đẹp Tuân ở chỉ là của người khác cho ở nhờ, cũng là để giữ nhà cho họ. Khi Tuân xin được đi dạy chính thức thì một cô làm nghề tổ chức, thấy tên của Tuân, đã gạt đi ngay:

“Cho cái tên phản động ấy dạy văn sao được!”

Theo nhiều người cho biết thì cái cô tổ chức ấy biết Tuân bởi vì hồi xưa cô từng là học trò của Tuân khi cô học ở trường học sinh miền Nam.

Rồi ngày đầu tiên Tuân mừng rỡ đạp xe đi lấy báo để khai trương cái sạp báo bé nhỏ của mình cũng là ngày mà một chiếc xe tải đã chọn đúng lúc để lùi từ trong hẻm ra mà xô ngã Tuân xuống đường, gây chấn thương sọ não. Đúng là Đoạn đầu đài rồi. Bây giờ thì Tuân phải đi thật xa, đi mà không bao giờ trở lại.

Ôi, Tuân, anh chàng hiền lành và mơ mộng, anh chàng gầy yếu cả thể xác lẫn linh hồn, anh chàng sinh ra để thao thức trước nỗi khổ ở đời nhưng chính mình thì vô hạn khổ.

Tên thật của Tuân Nguyễn là Nguyễn Tuân, ngẫu nhiên mà trùng tên với nhà văn tài hoa bậc nhất nước ta. Có lẽ khi đặt tên cho con, các vị thân sinh của anh không hề nghĩ gì đến chuyện này, vì phải rất lâu sau khi con trai họ ra đời thì Nguyễn Tuân mới có Vang bóng một thời cho người đời ca tụng. Tránh việc trùng tên cho người ta khỏi ngộ nhận, hóa ra Tuân Nguyễn đã tự nhận mình như một sự đảo ngược của số phận: một người thì có đủ thứ vinh quang, một người thì gặp toàn nghiệt ngã.

Sài Gòn, giữa Tết 2008

© 2008 talawas