trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ TrẻTư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
25.1.2005
Phan Bá Thụy Dương
Từ Ô cửa, nhìn về thơ chiến tranh của Trần Hoài Thư
 

Herbert Hoover vị tổng thống thứ 31 của Hoa Kỳ đã nói: “Giới lãnh đạo già tuyên bố chiến tranh nhưng chính giới trẻ là người phải chiến đấu và chịu chết.” [1] Chiến tranh đã tạo nên không biết bao nhiêu cảnh ly tán, hủy diệt không biết bao nhiêu sinh mạng một cách oan uổng và làm kiệt quệ trầm trọng tài nguyên quốc gia. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, chiến tranh cũng đã sản xuất, tạo nên nhiều vĩ nhân lừng danh trong quân sử, những văn thi sĩ lỗi lạc trong nền văn học sử thế giới.

Bài viết không phải là một luận đề về thơ chiến tranh toàn cầu mà chỉ giới hạn trong thơ CTVN trong giai đoạn tàn khốc nhất, từ giữa thập niên 60 cho đến ngày miền Nam rơi vào tay chế độ CS Hà Nội. Hạn hẹp hơn nữa, người viết chỉ muốn truyền đạt, giới thiệu đến bạn đọc một số cảm xúc, hình ảnh, tâm tư... của người lính chiến Trần Hoài Thư đã phản ảnh qua tác phẩm vừa mới in xong của anh: Ô cửa. Tuy nhiên để có thêm hương vị, bài viết sẽ bàn thêm về một số ít thơ chiến tranh của một số văn thi sĩ Việt, Mỹ khác - những người đã trực tiếp cùng THT tham dự cuộc chiến ý thức hệ trong giai đoạn đầy nhiễu nhương đó. Nếu thấy cần thiết, sau này người viết sẽ trở lại, bàn về đề tài này rộng hơn, với nhiều thi sĩ tiêu biểu cho cả 2 miền Nam, Bắc, với những khuynh hướng đối kháng hay quan điểm tương đồng.

Theo lời tác giả, Ô cửa là một tổng hợp của 5 thi tập: Thơ THT, Qua sông mùa mận chín, Tháng Bảy hành quân xa, Ngày vàngNgười lính, mà anh đã xuất bản trước đây, sau khi nhuận sắc, tuyển chọn lại. Tập thơ dày 380 trang, với 237 bài, in trên giấy đặc biệt, tranh bìa của Thân Trọng Minh, do Thư Ấm Quán phát hành. Bản đẹp dành tặng thân hữu nên không thấy ghi giá bán.

Danh từ “thơ chiến tranh” kể từ Homer đã trở nên càng ngày càng phổ biến một cách rộng rãi, nhất là sau khi chiến cuộc VN kết thúc. Trong các quốc gia đồng minh của VNCH và đã từng trực hay gián tiếp tham chiến trên lãnh địa VN, hiện nay mỗi nước đều có rất nhiều đơn vị, cơ quan, thư viện lưu trữ, quảng bá thi ca về CTVN, được sáng tác bởi nhũng cựu chiến binh của họ. Cho đến bao giờ thì thi ca về thể loại này của các tác giả VN mới được các tổ chức văn hóa, chính trị hải ngoại hay nội địa dành cho nó một vị trí nghiêm túc, sáng sủa hơn, để bảo tồn những ấn chứng quan trọng trong giai đoạn lịch sử đã qua, đã được khép lại?


1.Trực diện với chiến tranh, tiếp cận với tử thần

Bây giờ chúng ta hãy bước qua Ô cửa, thử đi vào nội dung để xem người chiến binh này đã trình bày, muốn chuyển gởi những gì tới người đọc qua những năm dài phục vụ dưới cờ trong thời tao loạn:

Giòng sông phân tranh hai vùng thù nghịch. Đêm xuống đồi gặp con nước nổi. Súng đạn đưa khỏi đầu. Từng con một vượt sông. Rồi trước khi trèo ngọn Kỳ Sơn. Anh lạc trên cánh đồng trăng mênh mông. Không biết nơi nào là cõi dữ. Trên đôi vai anh nặng nề lịch sử. (“Đêm vượt sông,” tr 5.)

Từ giã giảng đường chật hẹp, nóng bức, người sinh viên mang đầy lý tưởng, hoài bão và mộng mơ THT đã chấp nhận đi vào nơi thâm sâu cùng cốc theo lời kêu gọi của núi sông. Có thể anh đã coi việc đó như một lần đi thám hiểm, khai phá về những chân trời mới, quyến rũ hơn, để thưởng ngoạn thiên nhiên, giao lưu nhân thế, thử thách định mệnh:

Ở đây đèo ải ngăn sông lộ. Trăm đứa lên có mấy đứa về. Giày trận bám bùn mưa tối mặt. Mùa hè gió thổi bụi tê tê. Thanh niên ta bỏ miền trung thổ. Theo mảng mây trời trên bản xa. Núi dựng. Rừng bạt rừng. Lá mục. Phơi ngàn năm lạnh cắt xương da. Ta về ngơ ngác cơn sinh diệt. Ngỡ làm tên ẩn sĩ tìm trầm... (“Về với núi,” tr 55.)

Nghĩa vụ gìn giữ biên cương, lãnh thổ, quả là một gánh nặng luôn đè trên vai những người lính trẻ tiền phương. Từng hốc đá, cánh rừng, từng bồ sông, ngọn suối, từng chân núi, triền đồi mãi mãi là nơi hiểm địa, tử địa:

Một chút cay cay mà lòng buồn tủi. Buồn thì về đừng nán lại thằng em. Không sao cả lên đồi cao xuống vực. Đất mở rồi ở lại cũng buồn thêm... Cùng đứng lại hai chân nghiêm cúi mặt. Đây hàng quân đọc lại thiếu tên em. Người lính trẻ chưa đầy hai mươi tuổi. Nhớ thì về cốc rượu để phần em. (”Viết cho thằng em cùng trung đội,” tr 35.)

“Nhớ thì về cốc rượu để phần em.” Câu thơ chứa đầy trìu mến, thể hiện một thứ tình huynh đệ chi binh thắm thiết. Đó là lời của một người anh dành cho đứa em vắn số, chứ không phải loại ngôn từ của một cấp chỉ huy nói vối kẻ trực thuộc. Thứ tình huynh đệ chi binh và sư thân thương này, người ta cũng thấy hiện rõ nét trong thơ của Pete Agriostuthes dành cho người tiền sát viên tên Nam qua bài He was a Chiêu hồi, hoặc qua thơ của Kevin Bowen, Steve Mason, Sarge Lincetum, Wilfred Owen, Walter McDonald..., đặc biệt là của Yusef Komunyakka, người đã chiếm Pulitzer Prize năm 94 với tuyển tập Neon Vernacular xuất bản năm 93, trong đó bao gồm phần lớn các bài của tập thơ mang tựa Việt ngữ Điên cái đầu, phát hành năm 88.

Súng đạn nào biết né tránh ai. Khi một người chiến binh không may vĩnh viễn nằm xuống, người đời thường ca tụng là anh ta đã vị quốc vong thân, xứng đáng là một anh hùng. Có đúng vậy không hay ta cần xét lại câu nói lừng danh của "papa" tức văn hào Ernest Hemingway, người đoạt giải Nobel 54 về Văn học: “Ngày trước người ta viết rằng: Hy sinh cho quốc gia của mình là một hành động cao cả và xứng đáng. Nhưng trong cuộc chiến hiện tại không có gì là vẻ vang hay thích nghi khi anh mất đi. Anh sẽ chết như một con chó bởi một lý do chẳng có gì là tốt đẹp.” [2] Xin mời đọc tiếp những vần thơ nóng bỏng, hồi hộp khác:

Băng đồng, băng đồng đêm hành quân. Người đi ngoi ngóp nước mênh mông. Về đây Bình Định ma thiêng lãnh. Mỗi địa danh rờn rợn oan hồn. Trung đội những thằng trai tứ chiến. Những thằng bỏ lại tuổi thanh xuân. Diều hâu bôi mặt hù ma quỉ. Thuở đất trời bày đặt nhiễu nhương. Đêm qua âm binh về xứ khổ. Poncho phơ phất gió hờn oan. Trên vai cấp số hai lần đạn. Không một vì sao để chỉ đường. ("Trung đội," tr 31.)

Những cảnh tưọng bi tráng, nghiệt ngã như thế cũng thể hiện trong thi ca của các chiến hữu đồng minh, như Marko Whiteley đã viết tại mật khu Hố Bò qua "Lonely in the Reservoir", "Thoughs of War"..., như W.H McDonald viết ở Phú Lợi qua "I Learned About War Last Night," hoặc Sarge Lintecum qua "Ambush" và nhất là bài thơ được phổ nhạc của ông, rất được mọi người ưa chuộng: "Vietnam Blues." Xin đọc thêm những dòng diễn tả thấm thía, ngộ nghĩnh của người lính sửa trong những ngày đầu nhận lãnh trách nhiệm dẫn dắt đơn vị:

Ta trở về giáp mặt chiến tranh. Đồi cháy lửa mặt trời nhuộm lửa. Thau rượu đế mừng ta thằng lính sửa. Dzô ông thầy hữu sự có thằng em. Trung đội ta về hai mươi mấy thằng con. Đứa gốc người Kinh, đứa Nùng, đứa Thượng... Trên đầu ta mũ rừng nhẹ hẫng. Trong túi ta một gói chuồn chuồn. Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm. Để thấy miền Nam lính hiền ghê gớm. ("Ta lính Miền Nam," tr 36.)

Qua 2 câu cuối ta có thể thấy rõ phong cách của ngưòi chiến binh miền Nam khi đối xử với người tù binh, dù mới cách đó không lâu đồng đội của mình bị giết, bị thương. Cũng với tâm trạng, bản chất đó, ta thử đọc xem Tô Thùy Yên đã trò chuyện như thế nào với người tử sĩ bên kia chiến tuyến trong đoạn thơ dưới đây:

Ở cõi âm nào người vốn không tin. Hỏi nhau chơi thỏa chút tính bông đùa. Người cùng ta ai thật sự hy sinh. Cho tổ quốc Việt Nam - một tổ quốc...? Các việc người làm, Người tưởng chừng ghê gớm lắm. Các việc ta làm, Ta xét chẳng ra chi. ("Chiều trên Phá Tam Giang," thơ Tô Thùy Yên.)

Đọc những áng thơ hiền hòa, nhẹ nhàng kia, tôi tự nhiên như thấy lại bóng dáng của 2 ngưòi bạn gốc "cùi" là Vĩnh Nhi thủ khoa khóa 17, Hoàng Thọ Khương khóa 18 của trường Võ bị Lâm Viên và người bạn trẻ Trần Phước Chí khóa 18 của đồi Tăng Nhơn Phú, hiển hiện về trước mắt. Những chiến sĩ can trường thuộc Sư đoàn Phượng Hoàng của khu chiến Tiền giang này, khi bắt tù binh, họ luôn luôn cho đối phương ăn uống tử tế, mời mọc thuốc lá rồi mới giao về hậu cứ. Họ không bao giờ cho sĩ quan an ninh đánh đập khi cần khai thác tin tức sơ khởi tại mặt trận. Rất tiếc 3 chiến hữu tốt này đều lần lượt ra đi, trước và sau biến động Tết Mậu Thân không lâu. Người viết, lúc đó, chẳng biết làm gì hơn ngoài việc viết bài tưởng niệm trên mục "Viết Cho Người Nằm Xuống" để an ủi linh hồn người chết, và gia quyến họ. Những biểu tượng đầy nhân bản tính trên đối với người khác giới tuyến của họ, cộng với sự thân thiện của THT, TTY... khiến tôi nhiều lần thấm thía tự hỏi: phải chăng những quân nhân này và còn nhiều những anh em, chiến binh trong các quân binh chủng khác, đã luôn luôn mang theo trái tim loại grand coeur của Amacis, trên đường hành quân gian nan? Hay họ là đệ tử ngoan của cụ Winston Churchill- vị anh hùng, nhà chính trị khét tiếng của thế kỷ 20, người đã được trao giải Nobel năm 53, vì họ luôn tuân thủ lời khuyên của ân sư: "Tác phong là một việc nhỏ, nhưng nó tạo nên những khác biệt lớn lao... Biểu lộ một chút lịch sự, tử tế cũng chẳng tốn kém, mất mát gì." [3]

Sau khi Sài Gòn thất thủ, tôi thường nghe nhiều người bảo rằng: một trong những yếu tố quan trọng đưa đến việc mất nước là vì dân quân miền Nam đã quá hiền hòa và đối xử nhân đạo với kẻ thù. Những người cùng chung một tiếng nói bên kia lằn ranh giòng sông chia cắt có phải là kẻ thù của chúng tôi không? Thật sự, chúng tôi có cần xem họ là kẻ thù không, sau khi cuộc đụng độ đã tàn, khói lửa đã nguội tắt, chỉ vì họ bị cưỡng bức làm những con chốt đáng thương, trong ván cờ tham vọng bành trướng chủ thuyết lỗi thời Mác-Lê-Mao? Xin mời bạn đọc theo dõi về hình ảnh bi hùng, tương phản khác dưới góc nhìn của tác giả Ô cửa:

Đất nước ta cường quốc bán buôn. Hậu phương ăn chơi biểu tình, đảo chánh. Lúc đồng đội ta chết lên chết xuống. Một đám ở nhà nhảy nhót thâu đêm. Lãnh chúa ta ăn trước ngồi trên. Hùng hổ lắm nhưng mạt hèn cũng lắm. Khóa của ta trên mấy trăm thằng tình nguyện. Đi Nhảy Dù, Thủy Bộ, Thám Báo "ác ôn". Đứng đợi cả ngày để bắt lá thăm. Toàn thứ dữ mà vui như chợ Tết. Có đứa mang bằng kỹ sư về nước. Chọn Cọp Ba Đầu Rằn làm lính tiền phong. Ta lính miền Nam hề vận nước ngửa nghiêng. Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp. Ta trèo lên cây hỏi rừng có biết. Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam? "Ta lính Miền Nam," tr 36.)

Giữa lúc vận nước lâm nguy như thế thì dường như giới lãnh đạo chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư, một số người hậu tuyến chỉ lo hưởng thụ, phó mặc việc giải trừ, giải tỏa áp lực dồn dập của Bắc phương trong tay những quân nhân thiếu kém quyền lực, tiền bạc, lúc nào cũng đứng trước đầu gió. Trong khi người lính chiến VNCH đang trực diện với sự sống chết để bảo vệ lãnh địa thì đồng minh của anh ta đã đóng vai trò gì trong việc ngăn chống sự xâm nhập, mưu đồ thôn tính của giới lãnh tụ Hà Nội, với sự trợ giúp không ngừng của các nước CS đàn anh Nga, Tàu? Hãy thử nhìn qua bối cảnh của những người lính chiến Mỹ từ những dòng thơ mang đầy tử khí của Marko Whiteley thuộc TĐ1/ TQLC trong "Thoughs of War":

Cuộc chiến đấu thật khốc liệt khi lâm vào trận phục kích. Sự sôi nổi rồi cũng tan biến đi trong những ánh mắt sáng ngời. Lúc này chẳng phải riêng gì đối phương mà cả anh cũng mất mạng. Màn đêm đã sắp buông, đó là lúc thuận lợi cho địch quân. Họ biết rằng địa thế không thể nhìn rõ ràng về đêm... Qua màn đen của đêm sâu thăm thẳm. Kẻ bị thương thì rên rỉ, người còn lại thì tiếp tục đánh nhau. Tâm trí khởi sự báo trước một nỗi kinh hoàng. [4]

Những tình cảnh đó có khác xa bao nhiêu trong "Đêm đột kích ở Nho Lâm" (trang 42), "Đêm đột kích" (trang 157), hay "Những ngày quân về những ngày quân đi" (trang 168). Hay thử nhìn sang trạng huống bất an, bực tức của người "Đánh núi" trong hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan:

Tiến lên lại sợ phục. Rút về sợ lột lon. Hét hoài cổ họng khan. Chỉ mình ta lãnh đủ. Đi lên dao mở lối. Gai xước rách thịt da. Đau quá tức chửi cha. Những thằng già ngoài Bắc. ("Đánh núi,” tr 147.)

Qua bao lần đụng trận, đánh nhau ác liệt như thế, có mấy ai tránh khỏi viên đạn vô tình thoát đi từ nòng súng của người bên kia? Và THT cũng đã hơn một lần mang các vết tích đạn thù trên thân thể:

Viên đạn đồng đã cắt thịt tôi. Tôi đau quá mà em không xót. Khi tôi biết mình vừa thoát chết. Tôi cuống cuồng sợ hãi thành điên. Lần bị thương đầu tôi vẫn anh hùng rơm. Lần bị thứ hai tôi nằm thin thít. Tôi đang ở phòng trần gian hậu chiến. Đêm cứ trôi hoài từng giọt hồi sinh. Tôi ước đến điên cuồng một giọt lệ em. (“Trong phòng cấp cứu,” tr 311.)

Tuy có áy náy, lo sợ, nhưng sau 3 lần bị thương với những ngày phép dưỡng bệnh ngắn ngủi sau khi xuất viện, người lính thám báo THT vẫn thản nhiên trở về với cương vị của một người chiến binh cho đến ngày mất nước, dù rằng:

Hơn một lần máu đã thấm quê hương. Hơn một lần máu loang trên đồng cỏ. Dưới cờ ta vẫn phủ phục bình thường. (“Dưới cờ,” thơ PBTD trong ns Tiền Phong năm 72.)


2.Ghi nhận về chiến tranh qua những ngày dưỡng quân, những giờ chuyển quân

Cuộc sống của người lính trận luôn gắn liền với những lần di chuyển bất ngờ, bất định. Có khi chuyển quân ra trận mạc. Cũng có lúc được điều động tới các địa điểm gần chiến trường để làm nút chặn, sẵn sàng làm lực lượng trừ bị, tiếp ứng cho những đơn vị cơ động khác đang giao tranh... Chúng ta hãy đọc thêm những vần thơ sau đây để hiểu rõ thêm vai trò và thân phận của họ:

Những lần chuyển quân dù chẳng biết về đâu. Nhưng chúng tôi biết những gì chờ đợi sẵn. Như thể khi viên đạn đồng trong lòng cơ bẩm. Xẹt ra khỏi nòng rồi kiến cắn tê mê. Chỉ khi nào anh cảm nhận đau tê. Có nghĩa là anh biết mình vẫn còn sống sót. Anh hãnh diện là đã đi về phía trước. Là máu hồng anh đã đổ xuống tặng em. Và khi anh trở về ôm lấy vết thương. Anh mới biết đời vô cùng độ lượng. (“Người lính trở về với chiến trường” tr 7.)

Ta hãy xem thi sĩ họ Trần đã ghi nhận lại những mất mát nào qua “Chia tặng chung nhau” (trang 128), hay trong bài thơ tiêu biểu dưới đây:

Xin trả lại bên trời vầng trăng đỏ máu. Và tiếng dội ầm ầm của đám trực thăng. Và cả một biển rừng lửa bốc xung quanh. Và sườn lũng cháy đen thành than củi. Người lính cũ mắt nhìn trong bóng tối. Nghe văng vẳng bên mình lời rên rỉ: cứu em. (“Xin trả lại,” tr 11.)

để rồi bồi hồi, ngậm ngùi trước những hoang phế, điêu linh cùng nỗi nghi vấn, tư duy về thân phận:

Mặt trận đổ theo bìa Đệ Đức. Nghe cận kề lửa hưóng Tam Quan. Bồng Sơn mây ám toàn tin dữ. Chiều chưa buông quận đóng năm giờ. Giặc chiếm cận sơn người chạy loạn. Còn bên cầu trơ trọi cây đa. Cây đa có mặt khi nào nhỉ. Có phải nơi này là quê hương. Có phải mỗi con người trôi dạt. Cất trong tim bóng mát thiên đường. Cây đa vươn giữa trời bi lụy. Những thổ thần hoang lạnh lư nhang. Lửa cháy Trường Lưu đò đã chặn. Chị ra sông ơi ới đoạn trường. (“Cây đa bên cầu,” tr 20.)

Rồi những hình ảnh tang thương, đau xót hơn:

Ta đã về dành lại quê hương. Dành lại quận đường hoang tàn đổ nát. Dành lại ngôi trường lời ca tiếng hát. Ta đã về nhìn bầy chim cút côi. Nhưng ta lại không dành được em gái ta yêu. Chúng ủ rũ như lòng ta ủ rũ. Lũ bé quì bên xác người cô trẻ. Ðặt chùm hoa mếu máo gọi cô về... Em bé quê ơi cho ta một nhánh bông. Một nhánh bông quì vàng như màu áo. Ta đặt tên em. Trống trường ảo não. Như những hồi mặc niệm em tôi. Ta đã về và đã trễ em ơi. ("Đêm tiếp cứu chợ huyện," tr.28.)

"Ta đã về và đã trễ em ơi" như một tiếng kêu thống thiết, đầy nước mắt. Một bức tranh thê lương khác đã được Anh Thuần, người phóng viên chiến trường gan lì vẽ lại đậm nét khi anh đang bám trụ trên "quốc lộ máu" năm 72 để ghi nhận, tường thuật về tin tức chiến sự:

Em về đâu hỡi người em lạc lõng. Chiều đã buông và mây đã giăng mờ. Trong lửa đạn máu tanh thời chiến loạn. Còn mong gì tìm được chốn an cư. ("Chiều chiến loạn," thơ Anh Thuần.)

Cùng những ngỡ ngàng của thi nhân Trần Tuấn Kiệt, người đã chiếm giải nhất về thơ của Tổng Thống năm 72, qua hình ảnh buồn đau của những ngày biến loạn đầu năm 68:

Ra nhìn khói kửa đạn bay. Khói lên từng cụm đạn cày mênh mông. Qua đêm ngủ giấc say nồng. Tỉnh ra bốn phía chập chùng núi non. Trời xa mây bạc vô cùng. Sao ta nằm ngủ giữa vùng máu xương. (“Tết Mậu Thân nhậu với Bùi Giáng,” thơ Trần Tuấn Kiệt.)

THT tuy là người chiến sĩ dạn dày sương gió, nhưng lời thơ của anh lại rất nhẹ nhàng, thi vị, man mác tâm tình của một nghệ sĩ yêu người và yêu quê hương sâu sắc đậm đà:

Tôi về đây. Tôi đã trở về đây. Đồi xưa tôi gọi đồi không hay. Ai đi bỏ lại hoàng hôn lạnh. Đỏ ối đồi xưa ôm lấy mây... Có ai như thể người binh Thượng. Ngồi khom trên bờ đá thổi kèn. Hôm qua có những hồn ma lẻ. Lạc tìm về buôn bản cao nguyên. Có ai dưới lớp mồ hoang dã. Nằm xuỗi chân mắt mở trợn trừng. Chiều nay sao mọc về phương Bắc. Sao ruột lòng vứt bỏ phương Nam. Cỏ tranh lớp lớp che đường dốc. Phòng tuyến buồn hiu nhuộm nắng chiều. Trận đánh cũng đi vào quên lãng. Sao còn rờn rợn những hồn xiêu. (“Đồi xưa,” tr 43.)

Cùng với hoàn cảnh bi hùng, ảm đạm trên, chiến binh Guy L. Jones đã nghe thấy, cảm nhận gì trong cảnh "hồn tử sĩ gió ù ù thổi," trong cảnh tịch mịch dưới màn đen trời mờ Pleiku:

Khi ánh thái dương chìm khuất trong bầu trời u ám, tôi nghe âm thanh của những người lính chiến đang đi đều bước và kêu gọi nhau từ một khoảng xa... Tôi nghe họ bảo rằng đừng nhỏ lệ vì họ, bởi những nỗi đau đớn của họ giờ đã tan biến cả rồi và hiện giờ họ đang đi về với Thượng đế trong cảnh an bình vĩnh cửu.

Khi ánh mặt trời lan dần về phía chân trời, hình ảnh của những người di hành đó đã vượt khỏi tầm mắt của tôi, nhưng không phải là những lời trối trăn mà họ đã nói, vì những di ngôn của từng mỗi người đó tôi vẫn ghi giữ mãi trong tiềm thức.

Tôi đã thì thầm đáp lại cho cho họ biết là tôi sẽ chuyển đạt những lời trối trăn ấy tới mọi người, cho bất cứ những ai muốn nghe di ngôn của họ do tôi tường thuật lại. Công việc này tôi xin hứa với tất cả các anh, tôi sẽ làm mãi mãi khi mà tôi vẫn còn sinh tồn. Xin vĩnh biệt các chiến hữu, xin chào vĩnh biệt. [5]

Đời sống của những người lính trận, vì thường xuyên phải đối diện với thần chết và chiến đấu gian lao, nên mỗi lần được dưỡng quân là cơ hội bằng vàng cho họ tìm gặp bằng hữu, anh em để cùng nhau ngả nghiêng bên ly rượu:

Nửa đêm như thể ngày xưa ấy. Mấy thằng trải chiếu dưới đêm trăng. Trăng sáng phơi trên hàng kẽm lạnh. Rồi chảy vào bát rượu bâng khuâng. Nửa đêm mấy đứa chưa buồn ngủ. Buồn ngủ làm sao, ta chiêm bao. Lính trận dưỡng quân nhờ tí tửu. Để mai nằm xuống hồn bay cao. Nửa đêm doanh trại đèn leo lét. Người lính canh ngồi như tượng đêm. Ma quỉ muốn chơi xin hoãn chiến. Để ta cùng đụng với anh em. (“Nửa đêm uống rượu với bạn bè,” tr 149.)

vì tác giả Ô cửa sợ rằng biết đâu ngày mai anh sẽ không còn cơ hội nữa:

Xin cô hàng thêm một két bia. Hôm nay lãnh lương tôi dành đãi hết. Cô hàng ơi một mai tôi chết. Ai tiêu dùm tôi ba tháng lương... Cô hàng ơi cho một ly không. Tôi rót mời một người lính Bắc. Hắn nằm băm thây dưới hầm bí mật. Trên người còn sót lại bài thơ. (“Một ngày không hành quân,” tr. 45.)

Làm lính trận miền cao là sống với rừng núi khô cằn, bụi mốc. Có mấy ai khi được nghỉ ngơi về với phố thị tránh khỏi sự rung động, khi nhìn những tà áo nữ tha thướt phất phơ bay trong gió:

Thành phố nọ trở về vui một bữa. Quán cà phê và bạn hữu tao mày. Phố xanh hồng sáu chục cũng còn say. Huống bọn trẻ ở trên rừng vắng gái. Gác chân lên bàn đôi giày vạt đế. Cốc xây chừng ngầy ngậy giọt bơ thơm. Ánh mặt trời đọng lại trong ly con. Gió sông thổi tà áo màu tha thướt. Vỉa phố trời cho rộng vài ba thước. Đường phố không dài nên đi xuống đi lên. Muốn theo gót nàng nhưng không dám làm quen. Thôi chỉ biết ngồi lì mòn cả ghế. Để cố uống một lần mai từ giã. Những mái trường, những cửa tiệm, đám đông. Đàn bướm màu làm đẹp cả hoàng hôn. Để gìn giữ làm của thời tuổi trẻ. (“Về với phố,” tr 162.)


3.Thân phận và nỗi u hoài của người chiến binh sau ngày miền Nam bị nhuộm đỏ

Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông bị thảm sát do nhóm tướng lãnh chóp bu đảo chánh ngày 1/11/63, tình hình chính trị và an ninh miền Nam dần dần rơi vào trạng thái càng ngày càng bất an. Cái chết của cụ Ngô như là hồi chuông báo tử cho Tổng Thống Kennedy và sự cáo chung của chế độ VNCH. Chỉ hơn một năm sau khi người Mỹ rút khỏi miền Nam, cắt đứt viện trợ, thì quân lực Cộng hoà càng lúc càng bị trói tay, thúc thủ do thiếu quân cụ, nhiên liệu... và với lệnh buông súng lạ lùng của tướng "big Minh" đã dễ dàng đưa toàn quốc rơi vào tay lực lượng CS. Trước và sau ngày dâu biển đó, người ta truyền tụng khắp nơi rằng không biết bao nhiêu quân nhân đã tự tuẫn tiết vì chẳng chịu đầu hàng. Đa số những người khác thì vì vướng bận thê nhi, cha mẹ... đã bị đưa vào các trại tập trung lao động, tẩy não, mà kẻ chiến thắng gọi là trại cải tạo, kể cả những viên chức dân sự. Bối cảnh náo loạn, bi đát của ngày tàn chiến cuộc ấy đã được thi sĩ hữu danh đương thời Diên Nghị xúc cảm ghi lại một cách sâu sắc như sau:

Tháng 4 - vợ ngóng chồng đầu ngõ. Nón sắt giày sô vất bỏ dọc đường. Mưa sớm khai mùa tuôn xối xả. Đất trời xúc động nỗi tai ương. Thương binh lê lết ra y viện. Tà quyệt nào tha phận tật nguyền. Đơn vị rã hàng tàn chinh chiến. Hỏi người nhân đạo với nhân danh. Có người lính trẻ không buông súng. Ngẩng mặt hiên ngang trước kẻ thù. Thà ngã dưới cờ tròn danh dự. Dày trang sử Việt sáng thiên thu. (“Tháng Tư,” thơ DiênNghị.)

cùng với những tiếng lòng u buồn, thắm thiết của Song Nhị sau ngày miền Nam bị bức tử qua bài thơ ngắn được in trong Tiếng Hờn Chiến Mã:

Người rã ngũ rồi non nước đâu. Tim ta máu đọng khối thâm sầu. Hỡi ơi trời đất cùng rơi lệ. Trang sử lật rồi cuộc biển dâu. (“Ta gục giữa hồn ta,” thơ Song Nhị.)

Cũng như những quân cán chính khác, THT đã lâm vào thế bị cưỡng bức tập trung đó. Có nhiều người còn tin tưởng rằng chiến tranh đã kết thúc thì việc xách khăn gói đi trình diện học tập trong một tháng theo lệnh của ủy ban quân quản CS là một điều tất yếu, để sau đó mọi người trong nước cùng nhau nối vòng tay lớn xây dựng, hàn gắn lại quê hương. Nhưng tất cả những kỳ vọng ấy đã được trả bằng những sự đói rét, khổ nhục và những đòn thù khắc nghiệt dài hạn. Con số người bị hành hạ, chết chóc trong các trại cải tạo mỗi ngày một gia tăng. Con số người dân tìm đường vượt thoát chế độ độc tài càng ngày càng nhiều, dù họ đều biết rằng mình có thể sẽ vùi thây trong lòng biển cả hay một xó rừng, góc núi nào đó. Còn những kẻ sau thời gian bị nhục hình trong các trại tập trung trở về, người thì bị đày lên vùng kinh tế mới, kẻ thì lâm vào cảnh "anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than", tìm trầm quế, "chém tre đẵn gỗ trên ngàn"... dọc theo dãy Trường Sơn hay tiếp tục những gánh nặng oan khiên khác bằng nghề đẩy xe thồ, đạp xe xích lô... tự an ủi mình bằng ý nghĩ "không có nghề xấu, chỉ có người xấu thôi". Tác giả Ô Cửa may mắn được cho về sớm để bùi ngùi nhìn cảnh đổi thay, vợ con nheo nhóc. Anh đã mạnh dạn tìm phương tiện sinh nhai bằng một nghề mà người có học, kẻ sĩ trên khắp hoàn vũ này nằm mơ, hoang tưởng mấy cũng không thể hình dung, tưởng tượng được. Nhưng có lẽ nhờ tâm hồn nhạy cảm, dể rung động của thi nhân cùng với một nhân sinh quan cởi mở, phóng khoáng nên anh có lúc cũng tìm thấy được phần nào nét trào phúng, ý nhị nho nhỏ, hài hòa trong công việc dãi dầu mưa nắng đó:

Ta trở về ôm những nhánh tang thương. Cúi đầu bước đi giữa lòng phố cũ. Con phố của ta ruột rà trăm ngõ. Sao bây giờ mỗi khúc mỗi đau. Ta đã trở về bốn năm phù du. Hồn hóa đá người thành dã thú. Ta dỗ dành ta tai trời ách nước. Thôi đã hết rồi món nợ tiền khiên... Sau cuộc chiến tranh làm tên sống sót. Sau cuộc tội tù đi bán cà rem. Ta bán cà rem hề, ta bán cà rem. Lắc chiếc chuông đồng khua vang làng xã... Chiếc áo trận xanh xạm màu khói lửa. Chiếc mũ rơm đan vương miện tội tù. Ta qua những miền thiên cổ âm u. Ta đập vào thùng nghêu ngao ca hát. Ta bán cà rem hề, kem đường kem chảy. Thêm kem oan cừu chất ngất miền Nam. (“Ta bán cà rem hề,” tr.24.)

Lời thơ tuy êm êm, lãng đãng như sương khói đầu cành, nhưng sao lại ẩn tiềm, phảng phất đâu đây một nỗi ngậm ngùi, cay đắng. Những dòng thơ chuyên chở những sắc thái ý nhị này người đọc có thể phát hiện dễ dàng trong toàn tuyển tập Ô Cửa, điển hình như: “Sợi Tóc Nhớ Nhung” (tr. 108), “Tôi Đã Về Em Ạ Đêm Nay” (tr. 165), “Xa lạ” (tr. 201), “Hoàng Hôn Trên Bản Địa” (tr. 313)... Tôi nói THT đã may mắn vì con số 4 năm trong lao tù tẩy não của anh so với bản án của một viên chức hành chánh biệt phái, ngày ngày đi vác đá, đốn rừng, dời non, khai mương tận các nơi thâm sơn hoang dã, quả là ngắn ngủi:

Liều thân vác áo lên đồi. Hôn em buồn đọng thốt lời trối trăn. Đêm dài quằn quại chiếu chăn. Đã thân tàn dại tám năm nhục hình. (“Oan khiên,” thơ Song Nhị.)

“Trận đánh rồi cũng đi vào quên lãng.” Thời gian nhọc nhằn, tủi nhục rồi cũng chìm lắng dần. Kết cuộc có còn chăng là những nỗi niềm u uẩn, bồi hồi khôn nguôi, những vết sẹo hằn in mãi trên thân thể gầy mòn của người lính tiền phương bị thất trận oan ức:
Những mảnh đời như những cơn giông. Đã xé toạc cả tiếng đời tục lụy. Đã dữ dội như trăm ngàn tạc đạn. Đã rũ mềm lê lết cất không lên... Bụi thì mù, mây thì phủ tai ương. Con ngựa đứt dây, hí hoài trên núi. Bàn tay cắt vào mảnh chai tươm máu. Hồ trường này đây, đập cốc. Về đâu? Ta thì ngậm cả tang hồ rách nát...(“Cuồng ngâm của tên thất trận,” tr 124.)

với sự tưởng niệm và niềm kiêu hãnh mang mang thấm thía:

May mà tôi vẫn còn một hoài niệm xanh. Dù chỉ là nỗi niềm tự hào buồn bã. Trên ngực lép vẫn còn chiến thương ngày cũ. Như đáp đền ân lượng của quê hương. (“Niềm kiêu hãnh buồn bã,” tr 233.)

Người bạn đồng minh của anh: James M. Hopkins thuộc SĐ 1 BB cũng có chung một tâm trạng như “Đêm mất ngủ” của THT trang 252, nhưng có vẻ đã được bi thảm hóa hơn trong bài thơ SONG:

Người lính chiến không quên được. Có lẽ trong nhiều năm anh ta sẽ trăn trở trong mỏi mệt. Chờ đợi giấc ngủ, chẳng bao giờ đến... Không ai có thể thoát khỏi được. [6]

Những ray rứt về những ngày ngang dọc, gian truân xa xưa như cứ đeo đẳng, bám sát tâm trí người lính trận THT. Cho dù đến nay anh đã trở thành công dân của một quốc gia khác, mà quê huơng yêu dấu cũ thì đã ngàn trùng cách ly cả nửa vòng địa cầu. Nỗi hoài nhớ này được dàn trải qua 2 bài lục bát ngắn gọn dưới đây:

Bên kia lạnh nến hai hàng. Phố kia và những con đường lặng im. Nhà kia đóng cửa im lìm. Sao ta không đóng nỗi niềm muội mê. (“Hỏi lòng,” tr 256.) Tôi lạc rồi em biết không. Tôi đang quờ quạng giữa vùng mù sương. Cũng vì cái ngạnh cái ương. Ngỡ mình là lính tiền phương thuở nào. (“Lạc đường,” tr 257.)

Dù tập thơ quá dày, nhưng người viết nhận thấy mình sẽ thiếu sót lớn nếu không đề cập đến bài thơ dưới đây, mang tựa của tuyển tập, mang linh hồn của cả 5 ấn phẩm mà tác giả đã chọn, gom góp lại thành một kiệt tác:

Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa. Để tôi về đếm những đám mây bay. Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ. Những con chim từng xa vắng lạc bầy. Tôi sẽ đứng như một người thiên cổ. Lớp học buồn như từ cõi cô đơn. Thầy ngồi đó đôi vai gầy tóc bạc. Chút ngậm ngùi cơn nắng đọng hoàng hôn... Tôi sẽ nhớ một người tôi yêu dấu. Người nào đâu về lại buổi hôm qua. Dấu chân nhỏ như vết hài vạn cổ. Đôi mắt nào theo mãi cuộc đời tôi... Và người ấy qua dòng sông sương muối. Tôi lên rừng theo dòng thác binh đao. Và người ấy theo sông về với biển. Tôi về Đông, về Bắc, biết về đâu? Trăng thiếu phụ tôi mang vào song cửa. Cho một lần, cho vô tận ý thiên thu. (“Ô cửa,” tr 14.)

Tôi đoan chắc những hoài niệm triền miên, những ray rứt về các mất mát trên với niềm kiêu hãnh buồn bã nọ sẽ mãi mãi vương vấn trong tâm hồn, ký ức của người thi sĩ đa cảm, đa tình này. Tuy phần lớn trong số 237 bài là thơ chiến tranh - trực hay gián tiếp, nhưng trong Ô cửa cũng có nhiều bài thơ tình nồng nàn, rất đáng cho người đọc ngâm nga, thưởng ngoạn như: “Nha Trang” (tr. 30), “Con đường Trăng” (tr. 52), “Thơ của Văn” (tr. 62), “Dư niệm” (tr. 196), “Từ buổi ta về” (tr. 268), “Hẹn lòng” (tr. 350...)


4. Lời kết

Ai cũng biết con số người Việt Nam làm thơ chiến tranh không phải là ít. Nhưng theo tôi THT là người đã sáng tác nhiều nhất - về văn cũng như thơ. Trong nhiều tác phẩm mà tôi có trong tay, tôi thấy hầu như bài nào, cuốn sách nào, anh cũng vẽ cho người đọc thấy những hình ảnh linh hoạt, bi hùng của nhũng người lính chiến như anh, sự thống khổ của đồng bào mà anh và những chiến hữu khác có nhiệm vụ bảo vệ, che chở bằng tất cả nhiệt tình, nhiệt huyết.

Ô cửa là một tuyển tập thi ca có tầm vóc lớn. THT lại biết tự chọn cho mình một hướng đi, một bản sắc riêng về thi loại, đề tài: chuyên biệt về Chiến Tranh. Thơ anh được cấu tạo bằng những thi ngữ, ngôn từ qui ước bình dị, chân phương. Nhưng bằng những cảm xúc nồng ấm, cùng lối kết từ điêu luyện, nên Ô cửa dễ dàng lôi cuốn người đọc vào những tình tự tan hợp, những biến động tràn ngập máu lửa, khói súng trong thời loạn lạc đã qua, mà anh là một nhân chứng sống. Chất liệu nòng cốt trong thơ anh là tình nghĩa, tình yêu dành cho đồng đội, cho người tình, cho những người dân lành ở khắp các làng mạc, thị trấn lẻ, mà gót chân anh đã từng in dấu.

Thơ chiến tranh là một thi loại đặc thù, khó gây được sự rung cảm sâu xa trong tâm hồn người đọc. Nhưng nhờ nhờ sự biết phối hợp, hài hòa các thi ảnh, thi ngữ vào tác phẩm đúng mức nên thơ của anh trở nên diêu vợi hơn và dễ thẩm thấu vào nội tâm người thưởng ngoạn. Ô cửa xứng đáng là một tập thơ có giá trị cao, hiếm hoi trong nền văn học hiện đại.

(Bài viết sau 32 năm gác bút)

© 2005 talawas


[1]H.H: The old men declare war. But it is the youth who must fight and die.
[2]E.H: They wrote in the old days that is sweet and fitting to die for one’s country. But in the modern war, there is nothing sweet nor fitting in your dying. You will die like a dog for no good reason.
[3]W.C: Attitude is a little thing that makes a big differences… It costs nothing to be polite.
[4]M.W: Right onto the ambush the fighting is fierce. The wildness is gone the glint in the eyes. For now it is you not just them to die. Through the blackness of the deeping night. The wounded scream the rest to fight… The mind starts to scream a terrible warning.
[5]G.J: As the sun sets in the darken sky. I hear the voices of those who march off to the distant and calling one to another. I hear them say do not weep for us for our pain is over with now and we go to our God in peace. As the sun passes over the horizon, the image of these marching men pass from the light of my eyes but not the words they said, which I hold onto and the memory of each and very one of them. I whisper back to them I’ll pass on your words to all who hear them from me. This I promise to all of you as long as I live. Farewell my friends, farewell.
[6]J.H: The combat soldier, do not forget who (for perhaps years) will toss sweat, waiting for sleep, that won’t come… No one escapes.