trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Aleksandr I. Solzhenitsyn (1918-2008)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
25.9.2008
Hà Xuân Trường
Chân tướng của bọn đế quốc và tay sai (chung quanh vụ Xôn-giê-nít-xưn)
 
>Để hiểu phản ứng khá cầm chừng trên báo chí chính thống tại Việt Nam trước sự kiện nhà văn Nga Aleksandr. I. Solzhenitsyn qua đời ngày 03.8.2008, chúng tôi xin giới thiệu bài viết 30 năm trước của ông Hà Xuân Trường (1924-2006), nhà lãnh đạo văn nghệ từng giữ những chức vụ then chốt trong đời sống tinh thần Việt Nam nhiều thập kỉ như: Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Ủy viên Ban biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, v.v…
talawas
Báo chí, các cơ quan xuất bản, thông tấn phản động phương Tây đang làm rùm beng chung quanh quyển sách Quần đảo Gu-lắc [1] của Xôn-giê-nít-xưn, chẳng khác gì bầy nhặng ngửi thấy miếng thịt bò chết. Chúng được dịp tăng cường chiến dịch vu khống và xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, đả kích vào các đảng cộng sản. Việc làm này không mới lạ, nó cũ rích như bản thân chủ nghĩa tư bản. Từ ngày “chủ nghĩa cộng sản còn là một bóng ma”, giai cấp tư sản đã trút mọi căm hờn vào nó. Ngày nay một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh đang là nhân tố quyết định sự phát triển của nhân loại. Không tiêu diệt được chủ nghĩa xã hội bằng quân sự, bằng đàn áp, giai cấp tư sản sử dụng cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ nhằm xuyên tạc, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng thời tìm cách ve vãn, thực hành chính sách “diễn biến hòa bình”, hy vọng gây được “sự nổi loạn từ bên trong”. Vụ Xôn-giê-nít-xưn là một trong bao nhiêu vụ chúng đã nhúng tay vào hoặc dựng lên.


Vậy Xôn-giê-nít-xưn là ai?

Cách đây hơn mười năm người ta đã nghe đến tên này khi quyển sách Một ngày của I-van Đê-ni-xô-vit-sơ được giới thiệu trên một số tờ báo và tạp chí. Trong chiến dịch “chống sùng bái cá nhân” Xôn-giê-nít-xưn với quyển sách này xuất đầu lộ diện công khai bôi nhọ chế độ Xô-viết, biểu thị sự hằn thù với chủ nghĩa xã hội. Dưới ngòi bút của Xôn-giê-nít-xưn, không phải chỉ số phận của Đê-ni-xô-vit-sơ Su-cốp phải chịu đựng những cực hình, những sỉ nhục đắng cay, mà là số phận của cả những thế hệ ngày nay và mai sau. Qua nhân vật Su-cốp, y viết: “Mặc dù có tiếng nói được coi như là chung, nhưng đồng bào tôi bỗng nhiên thôi không hiểu nhau nữa. Những thế hệ im lặng già đi và chết đi không bao giờ nói với nhau hay nói với những người kế tục họ”. Sau quyển Một ngày…, một số truyện ngắn của y lại được xuất bản. Ngoài việc tiếp tục nói đến “bắt bớ”, “giam cầm”, y đả kích vào nông trang tập thể, coi đó là sự hủy hoại đời sống của người nông dân Nga. Tiếp đó, không được ai ủng hộ in tác phẩm ở trong nước, y tự cho mình quyền lưu hành bí mật và lần lượt chuyền ra nước ngoài một số tác phẩm khác. Vẫn cái đề tài cũ của Một ngày…, “trại tập trung” và “nhà tù”, dưới những tên khác nhau: Vòng đầu tiên, [2] Khu ung thư. Trong thời gian này, phương Tây còn chú ý tới quyển Tháng Tám năm 1914 của y, mà người dịch ra tiếng Anh đã viết: “Ông Xôn-giê-nít-xưn cho rằng nếu đất nước này không bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất thì có lẽ nó đã tránh được cuộc cách mạng”. Báo chí và các cơ quan tuyên truyền phản động của phương Tây thổi phồng Xôn-giê-nít-xưn lên thành “một nhà văn thiên tài” và tạo cho y một danh vọng cao trên văn đàn thế giới tư sản: trao cho y giải thưởng Nô-ben về văn học 1970.

Dựa vào sự “bảo vệ” của nước ngoài, y khước từ mọi sự phê phán trong nước, tiếp tục tấn công vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Quần đảo Gu-lắc là “tác phẩm” mới nhất mà y bí mật chuyền ra nước ngoài. Tập sách này được xuất bản nguyên văn tiếng Nga tháng 12/1973 ở Pháp và đã được dịch vài phần bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, đăng trên các tờ báo lớn của Pháp, Mỹ, Tây Đức, v.v…Quần đảo Gu-lắc mà tờ Nữu-Ước thời báo dành nhiều trang giới thiệu dưới đầu đề “Chế độ lao tù Xô-viết từ 1918 đến 1956” [3] không có mục đích nào khác là làm nổi bật chủ đề của quyển sách đánh vào những thành tựu của chủ nghĩa xã hội, tấn công vào uy tín của chế độ xã hội chủ nghĩa do Lê-nin sáng lập từ Cách mạng tháng Mười, mưu toan gắn liền chủ nghĩa xã hội với “khủng bố”, “đàn áp”. Theo cách làm gian lận quen thuộc của giai cấp tư sản, để chứng minh Lê-nin là người chủ trương khủng bố, y trích dẫn một cách lập lờ câu của Lê-nin trong lời Người kêu gọi bảo vệ tài sản nhà nước đã về tay công nhân và nông dân, “đè bẹp không thương xót những mưu toan vô chính phủ của bọn say rượu, lưu manh, phản cách mạng…”. Viết về nước Nga từ 1918 mà y không hề đả động đến cuộc nội chiến gây ra bởi giai cấp tư sản đã bị đánh đổ được đế quốc giúp đỡ, y phớt lờ cả cuộc can thiệp quân sự của 14 nước tư bản hòng đè bẹp chính quyền vô sản non trẻ. Xuyên tạc trắng trợn lời nói của Lê-nin, cố ý quên những sự kiện lịch sử của đất nước mình, Xôn-giê-nít-xưn tự phơi bày là kẻ gian dối và cam tâm phục vụ quyền lợi cho đế quốc.

Giới cầm quyền và báo chí phương Tây đặc biệt thích thú quyển sách này vì nó chứa đựng gần như toàn bộ vốn liếng của Xôn-giê-nít-xưn và đặc biệt nó bộc lộ đầy đủ nhất sự hằn thù cao độ đối với chủ nghĩa xã hội, y trâng tráo bênh vực chủ nghĩa phát-xít Hit-le và những kẻ đã phản bội lại tổ quốc mình.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân Liên Xô, năm 1942, tên tướng Vơ-lát-xốp đã đầu hàng quân phát-xít, chỉ huy cái gọi là “Đội quân giải phóng Nga” gồm những tên phản bội đào ngũ do quân phát-xít Hit-le tụ tập lại và thành lập nên. Bọn Vơ-lát-xốp đã gây nhiều tội ác đối với nhân dân Liên Xô và một số nước khác, trong đó có Pháp. Những chứng cớ về những tên Nga gian này không chỉ ở trong trí nhớ nhiều người mà đã ghi trên những tài liệu cụ thể. Ấy thế mà Xôn-giê-nít-xưn đặt ngang hàng chúng với tổ quốc của mình. Y đặt câu hỏi: “Ai là người phạm tội nhất: những người trẻ tuổi kia hay là tổ quốc già cỗi?” Không do dự, y trả lời: “Không phải họ, những người khốn nạn đã phản bội tổ quốc, mà tổ quốc, bởi sự tính toán, đã phản bội họ…”. Y căm thù dân tộc y đến mức thốt lên: “Cuộc chiến tranh này đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng có cái gì là tệ hại trên trái đất này, đó là làm người Nga”. Y lấy làm tiếc cho sự thất bại của Hít-le và gần như điên dại trước sự thắng lợi của Hồng quân Liên Xô: “Không phải là chiến thắng của chúng tôi, không phải là mùa xuân của chúng tôi”. Không có gì ô nhục hơn đối với một nhà văn đánh đĩ ngòi bút mình, chửi rủa đất nước mình, dân tộc mình. Một con người như vậy, ai cần đến, ngoài bọn xâm lược và bọn phân biệt chủng tộc. Được bọn đế quốc và tay sai giúp đỡ, ủng hộ, bày mưu ma chước quỷ (y có riêng một trạng sư), Xôn-giê-nít-xưn xuất hiện như một kẻ đau khổ và dũng cảm đấu tranh cho “tự do”, cho sự “giải phóng ngòi bút”, cho “quyền lợi và chức trách của nhà văn”… Trong khi bôi nhọ lịch sử của dân tộc mình, nguyền rủa nhân dân mình, y gửi bài diễn văn “kêu gọi” cho Hội đồng giải thưởng Nô-ben, không một chút ngượng ngùng, y viết: “Dân tộc đau khổ bởi nền văn học bị rối loạn do sự can thiệp của chính quyền. Đó không phải là một sự vi phạm quyền “tự do ấn loát”, đó là sự ngừng trệ của trái tim của dân tộc, sự phá hoại những ký ức của dân tộc”! “Tự do” mà y muốn là “tự do” chống chế độ xã hội chủ nghĩa, “tự do” truyền bá quan điểm tư sản, đề cao chủ nghĩa tư bản. Chúng ta còn lạ gì những thứ “buôn thần bán thánh” này của giai cấp tư sản. Các thứ giả đạo đức tư sản hàng ngày hàng giờ tung ra bằng nhiều cách, dưới nhiều màu sắc, với nhiều thủ đoạn như những bản quảng cáo hàng hóa trong các xã hội tiêu thụ phương Tây đang tìm cách len lỏi vào các nước xã hội chủ nghĩa.

Từ Hoa Thịnh Đốn, thượng nghị viện Mỹ đưa ra nghị quyết “trao quyền công dân Mỹ cho Xôn-giê-nít-xưn”, “lên án mạnh mẽ việc quay lại trấn áp quyền tự do công dân theo kiểu Sta-lin ở Liên Xô”, “Mỹ pải có trách nhiệm hoan nghênh Xôn-giê-nít-xưn với tư cách là nước lớn nhất trong thế giới tự do”. Tờ Mai-a-mi Niu viết: “Xôn-giê-nít-xưn hiện nay là một anh hùng không được trọng vọng ở quê hương ông… phương Tây cần phải giúp đỡ ông truyền bá tư tưởng tự do”. Tuy vẫcn theo đuổi “chính sách hòa hoãn”, tổng thống Ních-xơn không ngập ngừng lên tiếng “khâm phục tinh thần dũng cảm lớn lao của Xôn-giê-nít-xưn”. Tât nhiên báo chí và đài phát thanh ngụy quyền Sài Gòn không bỏ lỡ dịp này, lặp lại một luận điệu và cách làm của các cơ quan ngôn luận của quan thầy Mỹ. Chúng hòng lấp liếm những tội ác tày trời của chúng đối với tổ quốc, đối với đồng bào. Chúng hòng gạt mũi dùi tấn công của dư luận trong nước và ngoài nước đang chĩa vào chúng đòi phải trả hết những tù chính trị, đòi phải phá bỏ những trại tập trung cực kỳ vô nhân đạo đang giam cầm hàng chục vạn đồng bào ta. Chúng hy vọng trấn an tinh thần nhiều người theo chúng đang ê chề về cuộc sống bán nước hại dân.

Cách đây hơn 70 năm, Lê-nin đã bóc trần luận điệu bịp bợm của giai cấp tư sản về tự do: “Thứ tự do tuyệt đối đó chỉ là một câu trống rỗng của giai cấp tư sản hay là của bọn vô chính phủ (vì về phương diện thế giới quan, chủ nghĩa vô chính phủ chỉ là mặt trái của của một thứ triết học tư sản).. Cái tự do của nhà văn tư sản, của nhà nghệ thuật và diễn viên sân khấu, chẳng qua chỉ là một lối che đậy (hoặc khoác mặt nạ giả dối) cho sự lệ thuộc vào túi tiền, vào kẻ mua chuộc, vào tên bao thầu”. Thực tế ngày nay càng chứng minh Lê-nin đúng một trăm phần trăm. Để bảo vệ lý tưởng “tự do tuyệt đối”, bọn tư bản độc quyền và tôi tớ của chúng đã và đang làm gì? Hình ảnh vợ chồng Rô-den-bơ bị hành hình còn đó. Chưa ai quên cái “Ủy ban điều tra những hành động phi Mỹ” những năm 1950 do thượng nghị sĩ Mác Các-ty cầm đầu, và Ních-xơn đã từng tham gia hoạt động cho ủy ban này, nhằm chống lại và săn đuổi những nghệ sĩ tiến bộ nổi tiếng ở Mỹ và trên thế giới như An-be Manx, Sác-li Sa-pơ-lanh. Những năm gần đây, biết bao nhiêu vụ bắt bớ, truy bức đến chết những người chống chiến tranh ở Việt Nam, những vụ ám sát địch thủ của mình, nghe trộm máy nói của địch thủ mình, phân biệt chủng tộc tàn bạo đối với người Mỹ da đen, da đỏ, những tổ tiên, những người đã có công đầu tiên tạo nên nước Mỹ. Chắc cũng chưa ai quên vụ ám sát lãnh tụ người da đen Luy-tơ Kinh, và vai trò của Ních-xơn trong vụ này. Phải chăng làm những việc ấy, nhà cầm quyền Mỹ “bảo vệ tự do cho mọi người”? Suốt mấy đời tổng thống Mỹ tiếp tục đeo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, gây biết bao tang tóc đau thương cho dân tộc Việt Nam. Trên miền Nam thân yêu của chúng ta, hàng chục vạn đồng bào vô tội đã chịu đựng hàng mấy chục năm ròng mọi đau khổ, đọa đầy trong những chuồng cọp rải rác khắp vùng kiểm soát của ngụy quyền Sài Gòn. Và khốn nạn thay cho nền văn minh nhân loại, những hành động đó, những thủ đoạn đó chưa chấm dứt, những phương tiện cùm kẹp, hủy hoại thân thể con người mang dấu hiệu USA vẫn tiếp tục đưa vào miền Nam Việt Nam cùng với súng đạn, máy bay, xe tăng của Mỹ. Phải chăng đế quốc Mỹ làm như vậy vì “mục đích nhân đạo”? Nhúng bàn tay đẫm máu của chúng vào mọi nơi, gây thù hằn giữa các dân tộc, gây chia rẽ trong nội bộ bạn bè chúng ta, phải chăng tổng thống Mỹ Ních-xơn, bộ trưởng ngoại giao Mỹ Kít-xinh-gơ nhằm mục đích “hòa bình cho thế giới”? Trước những cuộc hành quyết hết sức dã man của bọn đao phủ Pi-nô-chê ở Chi-lê, đối với danh ca nổi tiếng Vích-to Ha-ra, nhạc sĩ Hoóc-hê Pê-nha và nhiều trí thức văn nghệ sĩ yêu nước Chi-lê, trước việc cầm tù nhà thơ lỗi lạc của thế giới Pa-bờ-lô Nê-ru-đa cho đến chết, tại sao những người cầm đầu Nhà Trắng và những nước đế quốc khác, những báo chí của chúng lại câm lặng như hến vậy? Và bây giờ bọn tư bản độc quyền và lũ vú em tư tưởng của chúng lại lớn tiếng bênh vực Xôn-giê-nít-xưn?

“Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa”, Xôn-giê-nít-xưn chửi rủa đất nước mình nhưng lại khen ngợi các nước phương Tây là “tự do”. Y chửi rủa những người bảo vệ an ninh của nước mình nhưng lại không mảy may đụng đến các cơ quan tình báo, mật vụ của Lầu Năm góc đang hoạt động khắp mọi nơi mà chúng có thể tới. Y nói tới “làn sóng bạo lực đang thịnh hành trên trái đất” nhưng y lại không nói một lời nào về những tội ác, những vụ tàn sát của Mỹ -Thiệu ở miền Nam Việt Nam, y không có một lời nào về cái chết của Nê-ru-đa và những nghệ sĩ yêu nước Chi-lê, về Li-bơ Phoóc-ti, nhà hoạt động điện ảnh và sân khấu nổi tiếng của Chi-lê đang bị bọn phát-xit Pi-nô-chê cầm tù. Trong lúc cái vụ Oa-tơ-ghết của tổng thống Ních-xơn và phe cánh cứ mỗi ngày tung tóe ra hôi thối như những dơ bẩn của cái ung nhọt đã lâu ngày, y lại bày tỏ sự khó chịu về việc nhân dân Mỹ và thế giới “bị ám ảnh về vụ Oa-tơ-ghết”. Xôn-giê-nít-xưn giống bọn đế quốc, giống về tư tưởng đến hành động, giống về mánh khóe lừa bịp đến thái độ giả đạo đức. Có một cái khác là y thì chửi tổ quốc mình, xã hội mình, mà bọn cầm đầu các nước đế quốc thì cố che đậy cho xã hội của chúng, cố bảo vệ cái thế giới của chúng. Công việc chúng làm, chúng nói là không phải xuất phát từ quyền lợi giai cấp, không phải là đấu tranh giai cấp, vì theo chúng, cái gì mà chúng bênh vực, cái gì mà chúng ủng hộ, đều mang “tính nhân loại”, đều “khách quan” (!). Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã vạch trần màn che giả dối ấy của giai cấp tư sản, phân tích sâu sắc quy luật nội tại của thế giới tư bản, thì tức khắc chúng lên tiếng phê phán chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội. Xôn-giê-nít-xưn rất giống các người tư bản ở điểm cơ bản này. Điều khác giữa Xôn-giê-nít-xưn với bọn đế quốc là: y thì đứng từ trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà đánh ra, còn bọn đế quốc thì tư ngoài tấn công vào. Cái lá nho của các ngài tư sản không còn đủ che đậy bộ mặt phì nộn méo xệch của các ngài tư bản hiện đại nữa đâu. Các ngài hãy vứt nó đi!

Nhưng điều rất đáng tiếc là một số người còn mơ hồ lẫn lộn trước sự liên minh của đế quốc và bọn tay sai nhằm tấn công vào chủ nghĩa xã hội. Họ vô tình đánh vào bạn mình, đạp vào thân thể mình.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa đã tồn tại hơn nửa thế kỷ nay, một hệ thống xã hội chủ nghĩa xuất hiện gần ba mươi năm nay đã chứng minh tính ưu việt của một xã hội không có người bóc lột người. Chủ nghĩa xã hội là quy luật, nhưng là giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, không phải mọi người đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội đã phát hiện và tìm ra cách giải quyết đúng đắn mọi vấn đề đặt ra. Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Đảng của giai cấp công nhân có thể phạm những sai lầm, có khi rất nghiêm trọng, nhưng không thể lẫn lộn hiện tượng và bản chất, cục bộ và toàn bộ. Đừng vì một vài cây gỗ mục mà phạt cả một rừng xanh. Dù có phạm sai lầm, chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn dân chủ gấp trăm gấp nghìn lần so với chế độ tư bản chủ nghĩa, tự do xã hội chủ nghĩa hơn gấp trăm gấp nghìn lần so với tự do tư sản. Trong lịch sử từ xưa tới nay chỉ có giai cấp công nhân và Đảng của nó mới đủ can đảm và đủ sức tiến hành cuộc đấu tranh triệt để trên mọi lĩnh vực nhằm thủ tiêu chế độ người bóc lột người, giải phóng con người, trả lại tri thức cho người trí thức. Trước cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt và ngày càng phức tạp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giưa các lực lượng dân tộc dân chủ hòa bình và chủ nghĩa đế quốc, hơn bao giờ hết chúng ta phải giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nhà văn sẽ bị lầm lạc một khi xa rời quyền lợi của giai cấp, của dân tộc, tự tạo cho mình cái ảo tưởng “độc lập tự do ngoài xã hội”, “chân lý là bản thân mình”, thực chất là rơi vào cạm bẫy của giai cấp tư sản. Vụ Nhân văn – Giai phẩm ở nước ta trước đây là một sự phản ánh của đấu tranh giai cấp trong bước đầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng nghệ thuật. Một số đồng chí chúng ta đã mắc sai lầm vì đã chóng quên bài học vỡ lòng của người làm văn nghệ cách mạng mà Hồ Chủ tịch đã nêu lên một cách giản dị: Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em (văn hóa văn nghệ) là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Ngày nào còn chủ nghĩa đế quốc, ngày nào còn giai cấp bóc lột, ngày ấy mọi việc mọi hoạt động đều có ranh giới, chủ nghĩa hiện thực cũng phải có ranh giới. Ranh giới đó là lập trường giai cấp, nguyên tắc tính đảng.

Trong nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, ca ngợi cái tốt, đấu tranh với cái xấu, khẳng định cái đúng, vạch rõ cái sai trong xã hội không còn là vấn đề tranh cãi mà chỉ là vấn đề thực tiễn. Có ai phê phán mạnh mẽ những khuyết điểm của những người cộng sản bằng Lê-nin? Có ai thẳng thắn và mạnh bạo phê bình và tự phê bình bằng đảng của giai cấp công nhân? Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà văn có quyền và có trách nhiệm đóng góp vào sự phê phán đó, vạch ra những nguyên nhân, nguồn gốc của những loại hiện tượng tiêu cực, của những cái xấu trong xã hội để loại trừ chúng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, mọi người đều có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình về bất cứ vấn đề nào trong xã hội. Đối với những quan điểm khác nhau thì thảo luận, đấu tranh phân biệt phải trái, đúng sai; mọi biện pháp hành chính đều thô bạo, đều xa lạ với chủ nghĩa xã hội. Nhưng chúng ta không thể tha thứ được những mánh khóe xuyên tạc, bôi đen xã hội tốt đẹp của chúng ta. Chúng ta càng không thể tha thứ được những kẻ câu kết với địch làm tổn hại quyền lực của nhà nước chuyên chính vô sản, trong trường hợp cần thiết phải trừng trị chúng theo pháp luật xã hội chủ nghĩa. Tổng thống Ních-xơn và những người cầm đầu nhiều nước tư bản ủng hộ, bảo vệ Xôn-giê-nit-xơn trước tiên vì y chống lại Liên Xô, căm thù chủ nghĩa xã hội, trong lúc đó chính Ních-xơn và những người cầm quyền khác đã thẳng tay trừng trị không thương tiếc những người chống lại họ, trước tiên là trừng trị những người cộng sản. Chủ nghĩa chống cộng xuất phát từ nước Mỹ không phải để “gây thiện cảm” hay để “hợp tác” với những người cộng sản. Trước sự tấn công của kẻ địch, trước những mưu mô xảo trá của kẻ địch, đặc biệt là của đế quốc Mỹ, tự do của nhà văn cách mạng là bảo vệ nhà nước do giai cấp công nhân lãnh đạo, bảo vệ đảng của giai cấp công nhân, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tấn công mãnh liệt vào kẻ địch, vạch trần thủ đoạn gian dối cố hữu của chúng. Vụ Xôn-giê-nít-xưn chỉ là một chứng cớ, một biểu hiện của đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực tư tưởng và văn nghệ, cuộc đấu tranh này không thể tách rời cuộc đấu tranh chính trị hiện đang diễn ra hết sức phức tạp. Thái độ đúng đắn nhất và thẳng thắn nhất của nhà văn và nghệ sĩ cộng sản là dám dũng cảm chịu trách nhiệm về ngòi bút và nghệ thuật của mình, vì sự nghiệp củng cố và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa, vì sự nghiệp củng cố và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa, vì xã hội tương lai tốt đẹp của loài người.



[1]Chữ viết tắt đầu tên của cái mà tác giả gọi là cơ quan chỉ đạo Nhà nước về các trại tập trung (nguyên chú).
[2]“Vòng đầu tiên của địa ngục” − tác giả muốn lấy ý của một tác phẩm của Đăng-tơ (nguyên chú).
[3]Chính tờ báo này đã ỉm đi không đăng bài của nhà văn kiêm ký giả Mỹ An-bớc Kan, vì ông tố cáo Xôn-giê-nít-xưn. Báo Văn hóa Xô-viết ngày 25/1/1974 đã đăng bài của Kan (nguyên chú).
Nguồn: DÆ°á»›i ánh sáng Đại há»™i IV của Đảng, tiểu luận phê bình của Hà Xuân Trường. Hà Ná»™i: NXB. Tác phẩm má»›i (Há»™i Nhà văn Việt Nam), 1978, tr. 120-129.