trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
2.6.2008
Ngô Viết Trọng
Ngôi cổ miếu
 1   2 
 
Gã cán bộ mở ổ khoá rồi phải dùng hết sức mạnh kéo tấm cửa sắt ra. Tấm cửa nặng nề di chuyển cà lên thềm cửa gây ra tiếng kêu kèn kẹt nghe ghê cả răng. Nó rất dày, có lẽ đã trải qua thời gian hàng trăm năm nên bị sét rỉ ăn mòn đến độ đã khuyết bể đi nhiều mảng và trệ xuống. Có một mảng thủng gần đáy cửa rộng đến nỗi có thể thò tay qua lại được. Gã cán bộ đẩy tôi vào phòng, đóng cửa lại rồi khoá ổ khóa bên ngoài.

Dù đã gần tối và cửa đã đóng nhưng bên trong còn thấy được khá rõ nhờ ánh sáng rọi vào từ những mảng thủng trên mái nhà. Tôi chưa kịp quan sát chung quanh thì một người đàn ông cao lênh khênh tươi cười niềm nở bước đến chào hỏi. Đó là một ông già chừng sáu mươi tuổi, mặc chiếc áo sơ mi ca-rô bỏ ngoài quần tây dài. Ông ta khá đẹp lão, lưng còn thẳng, mắt sáng và sắc. Ông hỏi thăm tíu tít nhưng với giọng khào khào, quá nhỏ như nói thầm, rất khó nghe. Tôi phải nghênh tai mà vẫn chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Sau một hồi nói chuyện, ông xưng là Nguyễn Trinh Đ., linh mục xứ đạo xã Phước Tỉnh thuộc tỉnh Phước Tuy cũ.

Căn phòng khá chật, chỉ có thể kê hai cái giường bố cá nhân song song, thừa một chút khoảng trống đầu đuôi và chừa được một lối đi hẹp ở giữa. Nhưng trong phòng chỉ có một chiếc giường của ông Đ. Giường kê sát một bên vách, có mùng chống muỗi treo sẵn thả buông thõng phía sát bên vách, phần ngoài dựng sẵn hai thanh gỗ nhỏ làm cóng mắc mùng. Phía trên trần, ông Đ. có căng một tấm poncho để che mưa.

Bốn mặt vách, ngoại trừ một khoảng kê giường của ông Đ., đều loang lổ dấu nước chảy, dấu rêu mốc và nhiều chỗ vôi lở loét hoen ố.

Nền phòng thì lại càng tệ hơn, dơ dáy, vài chỗ trơn trợt vì rêu mọc. Lớp da tô xi-măng bị tróc lên quá nhiều để lộ ra bao nhiêu mảng cát thâm ố. Nhất là ở các góc vách, cát bị trôi xói thành những kẽ hở chuột có thể chun vào ở được. Cả phòng thoang thoảng mùi ẩm mốc lẫn mùi khai khai của nước tiểu.

Phía trên mái, ngói bể trụt tạo thành nhiều lỗ hổng thấy cả trời.

Tôi thấy phần nền nhà còn nguyên vẹn nhất trong phòng lại chính là phần sát vách đối diện chỗ ông Đ. kê giường ngủ, nhờ phần trên mái chưa bị thủng. Thế là tôi chọn chỗ nằm ở đó, song song với chỗ nằm ông Đ.

Ông Đ. vẫn đứng nói chuyện và nhìn tôi sắp xếp chỗ nằm. Xong xuôi, tôi nhìn chỗ kê giường của ông Đ. và cảm thấy vừa mừng vừa ngạc nhiên. Tại sao khi trong phòng chỉ có một mình ông, ông Đ. không chọn chỗ tôi bây giờ mà lại chọn chỗ xấu như vậy? Phần trên mái phía bên ấy là chỗ bị dột nặng nhất, ông phải treo một tấm poncho cản nước khi mưa. Phần dưới nền thì lỗ hổng lỗ hê lởm chởm gần khắp. Nếu ông Đ. chiếm mất cái chỗ tốt của tôi bây giờ thì chắc tôi cũng khốn đốn vì tôi thiếu đồ trải và đồ che mưa.

Nhìn tổng quát một lượt, tôi có cảm tưởng phòng này là một ngôi miếu đã bỏ phế lâu ngày mà hai chúng tôi là lữ khách tạm trú. Tôi hỏi:

“Sao khi ở một mình tự do, ông không chọn bên này mà lại chọn bên ấy?”

Ông Đ. ngập ngừng một chốc rồi nói:

“Tôi đã có tấm poncho lại có giường nên nằm chỗ nào cũng được, chỗ đó tốt, tôi để lại phòng hờ cho người khác có thể thiếu đồ đạc vào ở.”

Nghe câu nói ấy, tôi rất nể phục đạo hạnh của một bậc tu hành.

Lát sau tôi biết được ông Đ. đang bị bệnh ho. Ông ho nhiều, kéo dài từng cơn, nhưng không khạc đờm. Tiếng ho có lúc nghe như xé ruột xé gan. Tôi nhìn kỹ thấy người ông ta quá gầy, trông cao lêu nghêu. Có thể ông cao khoảng một thước tám.

“Ông bị tội gì mà phải vô đây?”

“Giúp người vượt biên!”

“Ông ở phòng này lâu chưa? Thăm nuôi có đều không?”

“Ở phòng này thì mới hơn ba tháng nhưng ở khám đường này thì đã lâu, bị cấm tuyệt không được cho thăm nuôi. Trước tôi to và khỏe lắm chứ đâu có như bây giờ!”

Tôi chỉ biết mỉm cười với ông mà không an ủi được lời nào.

Từ khi vào phòng, tôi đã cảm thấy mắc tiểu quá chừng nhưng chưa tiện hỏi. Tới lúc ấy, không thể nín nổi nữa, tôi buộc phải lên tiếng:

“Cầu tiêu mình ở đâu?”

“Phòng này làm gì có cầu tiêu. Khi kẹt lắm thì kêu xin cán bộ còn thường thì mỗi tuần được đi một lần, chỉ một lần.”

Tôi nghe nói mà đâm hoảng:

“Ông nói thật à?”

Ông Đ. cười:

“Chẳng lẽ tôi đùa ông?”

“Thế mắc tiểu thì làm sao?”

“Ông cứ cho xuống mấy cái lỗ chuột đó. Từ nay lỗ bên đó của ông, bên này của tôi! - ông Đ. vừa nói vừa chỉ vào hai góc phòng.”

“Mình đang tiểu nửa chừng lỡ cán bộ mở phòng thì sao?”

“Ông khỏi lo, muốn mở cửa phòng cũng lâu lắm, ông đủ thì giờ để... ngưng mà.”

Hèn gì mà từ khi vào phòng tôi đã cảm thấy có mùi khai. Nhìn kỹ hai góc vách bên trong lại có nhiều dấu vết rong rêu không đẹp mắt tí nào.

Trời mùa mưa thật mau tối. Lát sau thì cán bộ lại đến mở cửa để tù nhà bếp đưa cơm và cũng để điểm danh luôn thể. Không thấy có nước uống. Còn cơm là hai lát bột lộn khoai mì mỏng cho hai người với một vá canh cải bẹ xanh được một dúm xác nấu với muối.

Tôi ngốn một chút là hết nhẵn phần mình. Khi ấy trời bắt đầu mưa rả rích. Thỉnh thoảng, những giọt nước từ trên mái rơi xuống bắn toé ra những giọt li ti đập vào mặt tôi, tạo một cảm giác mát mát dễ chịu. Tôi nhìn sang giường ông Đ., dù chưa tối hẳn, ông đã buông mùng. Ông ngồi thẳng lưng quay mặt vào vách, động môi lầm thầm một cách đều đặn, tôi đoán là ông đọc kinh. Thân hình ông gần như bất động. Nhìn ông lúc này, trong đầu óc tôi chợt nảy ra hình ảnh những nhân vật kỳ dị đang ngồi luyện công trong các truyện kiếm hiệp Tàu. Đúng đây là một ngôi cổ miếu mà ông Đ. và tôi là hai thầy trò đang tu luyện trong đó! Trời mưa nặng hạt hơn. Nước dột cứ dồn trên tấm poncho của ông Đ. để tạo thành những giọt lớn, rơi xuống nền nhà tạo ra những âm thanh “tróc, tróc” đều đặn, buồn buồn. Bóng đêm ma quái phủ xuống dần. Tôi bỗng cảm thấy nhớ nhà da diết, thấy nỗi cô đơn tràn ngập hồn mình. Cha mẹ, vợ con tôi giờ này có tưởng tượng nổi tôi đang nằm trong một ngôi nhà thế này không? Căn phòng này quả mang hình ảnh một ngôi cổ miếu hoang phế thật. Nó chật hẹp, ẩm thấp, tường vách, nền, mái đều mang vẻ hư hoại bởi sự tàn phá của thời gian. Trong đó có hai quái khách một già một trẻ da xanh như tàu lá, nhịn đói nhịn khát, âm thầm luyện công... Nghĩ tới đây, tôi bất giác thốt thành tiếng:

“Không biết thầy trò ta bao giờ được xuống núi đây?”

Ông Đ. tưởng tôi nói gì với ông, quay lại nhìn tôi một cái làm tôi hơi ngượng. Tôi lắc đầu cười trừ. Ông Đ. lại quay mặt vào vách tiếp tục động môi lầm thầm...

Tôi thiu thiu ngủ được một chốc thì giật mình tỉnh dậy. Trong bóng tối mịt mù của căn phòng đóng cửa không đèn đuốc giữa một đêm không trăng sao, tôi bỗng nghe tiếng nói chuyện thì thào của ông Đ. Ông ta nói chuyện với ai giờ này? Trong phòng chỉ có hai người, tôi và ông thôi chứ còn ai nữa đâu? Ông ấy đang mê sảng chăng? Hay ma nhập chăng? Tôi rởn óc nghĩ tới trong căn phòng giam lâu đời này thì nhất định không thiếu chi người đã bỏ mạng, thiếu chi những oan hồn? Tôi rùng mình mấy cái rồi tự trấn tĩnh được. Tôi cố lắng tai nghe ông Đ. nói những gì. Rõ ràng là giọng nói chuyện chứ không thể là giọng đọc kinh, tôi không thể lầm lẫn tiết nhịp âm điệu giữa những bài kinh và những câu nói chuyện có ngắt quãng thường tình được. Trong những câu nói thì thào của ông, tôi còn nghe vài lần ông nhắc đến tên tôi nữa. Lòng tôi hoang mang thắc mắc phải chăng chính ông ta là một người tù “cò mồi” đang báo cáo gì đó với cán bộ công an? Không thể được, vì tôi có nghe được tiếng ai khác nữa đâu! Chẳng lẽ trong phòng có máy vô tuyến?

Ông Đ. nói chuyện thật say sưa, dai dẳng. Dai dẳng đến độ cơn mệt mỏi, cơn buồn ngủ của tôi đã thắng óc tò mò, nhận chìm tôi vào giấc ngủ trước khi ông Đ. chấm dứt cuộc nói chuyện với kẻ vô hình...

Sáng hôm sau, khi cán bộ mở cửa điểm danh, mỗi người chúng tôi được phát một lon gô nước trong. Tôi hỏi:

“Nước phát sao hà tiện quá, mỗi ngày phát mấy lần?”

Ông Đ. cười:

“Bấy nhiêu cả rửa mặt súc miệng cả uống trong ngày đấy! Ông liệu lấy mà dùng!”

Cuộc nói chuyện kỳ lạ của ông Đ. hồi hôm đã làm tôi phải dè chừng. Tôi không dám nói chuyện cẩu thả với ông. Tôi phải cố nói chuyện hài hoà để tạo sự thân mật, tin tưởng với ông Đ., rồi mới thăm dò:

“Hằng ngày ông vẫn đọc kinh chứ?”

“Vâng. Đọc chứ sao không?”

“Ông đọc kinh vào lúc nào? Không sợ cán bộ bắt gặp à?”

“Tôi vẫn đọc sau khi ăn cơm chiều, khoảng năm rưỡi sáu giờ, lúc đó điểm danh rồi, tụi nó không đến các phòng nữa.”

Tôi ngẫm nghĩ: Vậy thì đúng rồi, sau bữa cơm chiều, lúc ông quay mặt vào vách nói lầm thầm, chính là lúc ông đọc kinh. Còn lúc ông thì thào giữa đêm, chắc chắn là ông nói chuyện với ai rồi! Hay là ông chớm bệnh tâm thần? Không thể được! Ngoài chứng bệnh ho khan và bị yếu thanh quản, tiếng nói không cất lên được, trông ông ta còn minh mẫn sắc sảo lắm mà! Thế là cả ngày đó tôi suy nghĩ cố tìm cho ra cái đáp số bí ẩn kia.

Đến gần mười giờ thì chúng tôi được phát phần ăn sáng. Tới năm giờ chiều lại được phát một lần nữa. Bữa nào cũng gần gần như nhau, chỉ có miếng bột khoai mì luộc và một vá canh cải nấu muối, chẳng mấy đổi thay.

Cũng như chiều hôm trước, sau khi ăn xong bữa cơm chiều, ông Đ. lại buông mùng rồi ngồi ngay ngắn, quay mặt vào vách lầm thầm đọc kinh. Tôi thì nằm hoài niệm chuyện xưa hoặc nhẩm ôn những vần thơ cổ để tự ru mình vào giấc ngủ.

Rồi cũng như hôm trước, gần nửa đêm tôi lại thức giấc, lại nghe tiếng nói chuyện thì thào của ông Đ. Đêm này tôi đã quen tiếng ông hơn và cũng nhiều lần nghe ông nói đến tên tôi. Tôi lại cố lắng nghe nhưng không cách nào hiểu được ông nói gì. Trời tuy tạnh nhưng vẫn không trăng sao nên trong phòng vẫn tối om. Nhiều lần tôi muốn gọi ông nhưng rồi lại cố dằn để theo dõi. Cuối cùng tôi lại chịu thua lối nói chuyện dai dẳng của ông mà thiếp vào giấc ngủ...

Ngày thứ ba, trong khi tôi đang ngầm cố nhận xét về con người ông Đ. để tìm ra thêm chút bí ẩn nào ở ông thì gã cán bộ võ trang đến mở cửa kéo ra he hé:

“Đi cầu đi! Từng người một! Không được đi linh tinh đấy!”

Nói xong, gã cán bộ võ trang bỏ đi mất. Tôi hơi bỡ ngỡ, đưa mắt nhìn ông Đ. dò hỏi:

“Đi cầu ở đâu đây ông?”

Ông Đ. chỉ cái phòng để đi cho tôi rồi nói:

“Ông đi trước đi, cứ thong thả, mỗi lần cho đi cầu nó đợi chứ không thúc hối gì đâu, bao giờ thấy mình về rồi nó mới đến khoá cửa lại.”

Nhưng hôm ấy, tôi bị táo bón nên không mắc cầu. Tiểu tiện xong, tôi ra sân hít không khí mấy cái rồi trở về liền. Tôi không mang giày dép, bước chân đất rất nhẹ nên đến cửa phòng mà ông Đ. vẫn không hay. Cánh cửa ông Đ. đã khép lại. Tôi chưa vội kéo cửa mà dán mắt ở một lỗ hở nhìn vào phòng. Tôi bỗng giật mình, ông Đ. đã vén tấm mùng, chúi mặt ghé sát miệng vào vách, đang nói chuyện với ai đó. Bây giờ thì tôi đã hiểu phần nào của sự bí mật. Tôi thối người lui và đằng hắng rồi kéo cửa. Ông Đ. vội buông tấm mùng bước ra hỏi tôi:

“Sao ông đi gì nhanh đến thế?”

“Tôi bị bón quá không đi được.”

Thế là tới phiên ông Đ. đi. Ông ôm cái hộp ông thường dùng đi vệ sinh theo để đổ. Đó là một cái hộp kẽm vốn dùng để đựng một loại bánh ngọt thượng hạng, vẻ ngoài trông còn mới và đẹp. Người ngoài nhìn thấy, có thể tưởng rằng ông Đ. đang mang quà cho ai. Theo ông kể, đã có một lần ông bị dùng dằng rất lâu khi đi cầu vì gặp một cán bộ mới đến trại xét hỏi về cái hộp ấy.

Đợi ông Đ. đi khuất, tôi liền bước sang vén cái mùng ông ngay chỗ ông vừa nói chuyện để quan sát. Nhưng tôi không thấy gì ngoài mấy lỗ lõm của bức vách, có lẽ do người ta đóng đinh để treo móc gì đó làm lở ra, dấu đã cũ. Ở phòng này, những lỗ như thế rất nhiều. Thật khó hiểu. Bức vách này dày hơn nửa thước tây chứ vừa gì! Bên này nói bên kia làm sao nghe được? Tôi thử tìm đi tìm lại vài lần vẫn không thấy dấu vết gì khác lạ. Ý nghĩ ông Đ. mắc chứng bệnh tâm thần lại lởn vởn trong đầu tôi. Thế là tôi trở về chỗ mình, lòng vẫn đầy thắc mắc. Tôi tự hứa phải quyết tìm cho ra sự bí mật này.

Rồi đêm thứ ba, trong phòng lại diễn ra cảnh tương tự như hai đêm trước. Tôi đã nhiều lần nhỏm dậy định bước sang chỗ ông Đ. nhưng rồi lại thôi. Tôi cũng muốn gọi ông mà hỏi nhưng phần sợ, phần tiếc, không mở miệng nổi. Đến hôm sau, khi ăn trưa xong, ông Đ. bỗng hỏi tôi:

“Ông Nguyễn Kha ở phòng A4 là bạn ông hả?”

Quả thật tôi có người bạn tên Kha, người ta ghép anh cùng vụ và đưa đến trại này một lần với tôi. Nhưng mấy ngày qua ông Đ. có tiếp xúc với ai đâu mà biết? Có chuyện gì đây? Tôi đâm ra hoang mang lo lắng. Để chứng tỏ mình thành thật, tôi nói:

“Vâng, tôi có người bạn tên Nguyễn Kha, một bạn khác là Lê Đình Khôi cùng đến đây một lượt, nhưng tôi không biết mấy anh ấy hiện bị nhốt ở phòng nào.”

Ông Đ. nhanh nhảu thì thào:

“Ông Kha ở phòng A4 với cha Hương, cũng ở Phước Tỉnh và bị bắt một lần với tôi. Còn ông Khôi thì ở phòng A3 với cha Nguyễn Minh, tuyên úy công giáo tiểu khu Bình Long, ngay cạnh phòng mình.”

Nghe ông Đ. nói, tôi nhẹ nhõm người. Đây là dịp thuận tiện nhất để tôi có thể tìm hiểu những thắc mắc mấy hôm nay, tôi hỏi:

“Làm sao ông biết rõ ràng như thế?”

Đến phiên ông Đ. lúng túng:

“Tôi... cũng nghe người ta nói vậy thôi.”

“Nhưng ông nghe trong trường hợp nào? Ai nói với ông chứ?”

“À, hôm qua đi cầu, tôi nghe một anh tù nói.”

Tôi tiến tới luôn:

“Tôi biết rồi, hằng đêm khi tôi ngủ, ông vẫn liên lạc với người ta để biết tin tức phải không?”

Có lẽ ông Đ. nghĩ tôi đã biết chuyện, ông tỏ ra sợ hãi, năn nỉ:

“Ông bỏ qua đi, trong tù buồn quá phải tìm cách nói chuyện một chút để giải khuây. Ông có muốn nói chuyện với ông Khôi hay nhắn gì ông Kha không?”

Tôi sáng mắt lên:

“Có thể nói chuyện với mấy ông ấy được hả? Khi nào?”

Ông Đ. cười:

“Ông muốn nói khi nào cũng được hết!”

“Ngay bây giờ cũng được à? Cho tôi nói chuyện với ông Khôi đi!”

“Được ngay!”

Ông Đ. vén mùng lên, nhón hai ngón tay vào một trong những cái lỗ mà hôm qua tôi nghĩ là do đóng đinh mẻ đi, lấy ra một cục đá phủ vôi. Ông gõ tay vào vách ba cái thì tôi cũng nghe bên kia gõ đáp lại ba cái. Tôi thấy ông Đ. ghé mắt vào nhìn qua cái lỗ ấy. Sau đó, ông ghé miệng vào nói:

“Cha Minh đó hả! Cha khoẻ không? Ông Trọng ở phòng tôi muốn nói chuyện với ông Khôi!”

Ông Đ. đưa tay ngoắc tôi lại và nhường chỗ cho tôi. Tôi cũng ghé mắt nhìn qua cái lỗ và tôi bắt gặp một con mắt có vẻ cười. Ông Đ. giục:

“Nói chuyện đi!”

Tôi ghé miệng vào lỗ:

“Anh Khôi đó hả? Khoẻ không?”

Nhưng người bên kia tường không phải Khôi mà là ông cha Minh. Ông Minh thăm hỏi tôi một cách niềm nở như với một người bạn thân. Sau những lời xã giao thân tình, ông Minh nhường chỗ cho Khôi. Thế là tôi và Khôi nói chuyện với nhau một hồi. Cứ thay nhau bên này nói thì bên kia đặt tai vào lỗ mà nghe rồi làm ngược lại. Chúng tôi hết nói thì tới phiên ông Đ. nói chuyện với ông Minh. Khi nói xong, ông Đ. lại nhém miếng đá bọc vôi vào lỗ hổng. Thế là xong, ai mà biết ở đó là cái lỗ có thể nhìn xuyên qua bên kia vách? Không ai ngờ những bức vách dày như vậy lại được đục thủng để nói chuyện với nhau ba phòng liên tiếp!

Từ khi chuyện liên lạc giữa các phòng tù được “bạch hoá” đối với tôi, ông Đ. ngày nào cũng thả sức nói chuyện xuyên tường. Liên tiếp ba phòng từ phòng A2 đến A4, hễ phòng nào có chuyện gì là cả ba phòng đều biết. Tôi không hiểu sao ông Đ. bị ho hơi nặng, giọng khào khào nói không nổi mà cứ ưa nói chuyện liên miên như thế. Mỗi lần nói phải ép miệng vào cái lỗ. Nhiều khi đang nói, ông lại phải dừng để ho và ho cả vào cái lỗ nói chuyện. Đó cũng là một lý do khiến tôi không mấy thích thú khi phải liên lạc với các bạn ở phòng khác. Lại nữa, nói chuyện như thế có thể nguy hiểm đến chết người như chơi nếu cán bộ bắt gặp nên tôi cố tránh bớt. Ở khám đường Bà Rịa, cán bộ đánh chết tù là chuyện không hiếm hoi gì. Vì thế khi có ai gọi, bất đắc dĩ tôi phải tiếp chuyện mà thôi.

Phải nói là ông Đ. quá ghiền nói chuyện. Có lẽ vì lâu nay bị biệt giam một mình ông không biết nói chuyện với ai. Nếu có nói chuyện xuyên tường thì cũng phải dè chừng và có giới hạn vì chưa chắc người bên kia tường đã thích nói. Bởi thế, mới ở chung với ông một thời gian ngắn, tôi đã được biết khá nhiều về khám đường này, về bản thân ông.

Người trưởng khám đường Bà Rịa là thiếu úy công an Năm Huê. Ông này tuổi non năm mươi, người xanh xao ốm yếu, lúc nào cũng tỏ ra rất thù hận người quốc gia. Ông ta từng chỉ vào đám tù chính trị mà nói với bọn thuộc cấp:

“Đây là những người đã từng giết hại cha mẹ, anh em, vợ con của các đồng chí. Nay tôi cho phép các đồng chí tuỳ ý đền đáp thật xứng đáng với tội lỗi của chúng!”

Do đó, đám cán bộ ở khám đường, phần nhiều còn rất trẻ, đã thả sức hành hạ tù mà không hề bị ai ngăn cấm. Vì thế, án mạng ở đây xảy ra rất thường.

Phó khám đường là Năm Bình, một người thuộc sắc dân thiểu số. Gã này ít nói nhưng hay đánh đập tù.

Người nổi bật nhất ai cũng khiếp sợ là cán bộ Sơn. Gã là kẻ chuyên nghề đánh tù rất tàn nhẫn, bất kể hậu quả. Hàng chục tù nhân ở đây đã trực tiếp hoặc gián tiếp bị chết vì một tay y.

Hồi ấy, trại tù Bầu Lâm do đại úy Trần (hay Bùi?) Tấn Công làm trưởng trại. Ông Công đem cả gia đình về sống bên cạnh trại. Phải nói đó là một gia đình làm ăn gương mẫu. Họ cũng thức khuya dậy sớm lo trồng trọt, chăn nuôi cần mẫn lắm. Có lẽ thấy vợ con lao nhọc không đành lòng, ông Công thường mượn một số tù “tín nhiệm” về gánh nước tưới cà-phê, xới đất làm cỏ hoặc tắm rửa cho đàn heo giúp gia đình. Để đáp lại công những người tù này, bà Công bán rẻ cho họ gà, vịt, rau cải để họ dùng. Có lần bà còn xin với ông cho phép họ làm thịt một con chó để nhậu với nhau nữa.

Nhằm kỳ thu hoạch đậu phộng, ông bà Công nghĩ ra cách kiếm lợi thêm là nấu đậu chín để bán cho tù. Việc này, ông bà giao cho người con gái chừng hai mươi tuổi lo. Trại Bầu Lâm đang khẩn hoang một khu vực rộng mênh mông, nhiều khe suối, đi lại cũng khá vất vả. Vì thương con gái, ông Công lựa một anh tù khỏe mạnh theo gánh đậu cho cô bán. Dĩ nhiên là kết quả rất khả quan. Nhưng một chuyện bất ngờ xảy đến là sau vụ thu hoạch đậu phộng thì nàng ái nữ của ông trưởng trại mang bầu. Thế là anh tù gánh đậu phộng bị kỷ luật, đưa về khám đường Bà Rịa thọ phạt. Anh ta được cán bộ trực ngày chính là Sơn tiếp nhận. Sơn liền đưa anh ta vào một phòng riêng biệt làm việc liền. Sáng hôm sau thì anh tù này chỉ còn là một cái xác, lý do được đưa ra là anh ta dùng dây dù để thắt cổ tự tử. Anh ta tự tử hay không thì những người tù đem anh ta đi chôn biết rõ hơn ai hết.

Vụ khác, trong một lần thăm nuôi trước đây, một bà mẹ thăm nuôi con, quà có một gói cà-phê và một lon gô đường cát. Những món quà gởi vào thường được kê đủ trên một mảnh giấy. Khi anh tù kia đọc theo tờ kê hàng thì tìm mãi vẫn thiếu gói cà-phê. Sơn hỏi thì anh tù cứ thật mà trả lời. Sơn nổi giận cho xáo đổ hết mọi thứ của anh tù ra để tìm. Cái khổ là vì gói cà-phê lại nằm dưới đáy lon gô đựng đường cát nên mới xảy ra chuyện. Sơn kết tội là anh tù cố ý vu khống cán bộ ăn bớt đồ thăm của tù. Thế là Sơn dùng một thanh gỗ đánh anh tù một trận nên thân. Anh tù về phòng đau nằm liệt chẳng ăn uống gì được. Mấy ngày sau thì anh ta chết.

Một lần khác nữa, có một anh tù báo cáo là anh mất một gói tôm khô. Anh cũng cho cán bộ biết tên bốn tội phạm hình sự đã lấy và chia nhau ăn. Sơn hỏi thì bốn tên này không dám chối, nhận hết. Thế là Sơn đem cả bốn tên ra dùng còng số tám còng hai cánh tay quặp ra sau lưng rồi dùng dây mắc vào còng rút ngược lên theo bờ tường. Sau một lúc thọ phạt, cả bốn đứa đều ói máu miệng và đều bị đứt mấy sợi gân ngón tay, chịu thương tật vĩnh viễn.

Chuyện ở khám đường vẫn còn nhiều, trên đây tôi chỉ ghi vài chuyện điển hình.

Tiếp đây là chuyện ông Đ. kể về chính ông: Trước kia ông ở miền Bắc, chịu không nổi sự áp bức của cộng sản nên trốn vào Nam. Ông từng làm linh mục lãnh đạo nhiều xứ đạo, từng du lịch Đài Loan, Hồng Kông. Nghe thì nghe thế thôi, tôi không để ý lắm. Nhưng có một chuyện ông tỏ ra phẫn uất nhất, nhắc nhở bao nhiêu lần làm tôi nghe riết rồi cũng nhập tâm: “Bọn vong ân bội nghĩa!”

Trước khi về hành đạo tại Phước Tỉnh, có một thời gian ông Đ. hành đạo ở xứ đạo Sông Bé. Lúc ấy, vùng này còn nhiều rừng gỗ quí chưa được khai thác. Xứ đạo của ông cũng có một nhà thờ lớn để giáo dân hành lễ. Nơi này không được an ninh lắm. Quân đội Cộng hoà vẫn đóng gần đó, nhưng về đêm thì bộ đội và du kích cộng sản cũng hay lui tới thăm viếng. Thành ra cái thế ông Đ. phải ăn ở cho vừa lòng cả đôi bên. Cũng vì thế, ông Đ. dần quen biết với viên bí thư huyện uỷ sở tại. Viên bí thư này tỏ ra rất mực kính nể ông Đ., cư xử hết sức đứng đắn, nên trong đầu óc ông Đ. cũng dần xoá đi cái mặc cảm về người cộng sản thời 45-54.

Quà cáp của viên bí thư thường là thịt nai, thịt heo rừng, mật ong, mọi thứ cứ nườm nượp về với ông. Ông Đ. nhận ơn hoài, tất phải nghĩ cách báo trả. Ông đem gạo, bột mì, sữa, đường tặng lại. Một hôm, ông bí thư huyện uỷ đề nghị:

“Chúng tôi rất cám ơn cha đã cho quà quá hậu hĩ. Gạo, bột mì, đường là những thứ chúng tôi cần, nhưng có một thứ chúng tôi còn cần hơn nữa, đó là thuốc men. Nếu cha giúp cho được thứ nhu yếu phẩm ấy thì cách mạng sẽ biết ơn cha lắm.”

Biết rõ và thông cảm hoàn cảnh những người bộ đội, du kích ở rừng thiếu thuốc men hay đau ốm, ông bèn cho người về Sài Gòn mua thuốc tây để giúp đỡ. Đó cũng là một việc thiện trên cách đối xử giữa người với người, theo ông Đ. nghĩ. Dĩ nhiên là viên bí thư huyện uỷ vô cùng cảm kích và hứa sẽ ghi công cho ông. Nhưng ông Đ. không cần chuyện đó, ông làm được việc thiện là thoả mãn lương tâm rồi. Để đáp lại, viên bí thư lại tặng ông rất nhiều gỗ quí. Những lúc tình hình cho phép, viên bí thư đích thân mời ông Đ. tham gia các cuộc săn thú ban đêm để tiêu khiển nữa...

Nhưng sự giao tình nồng hậu đó đã một lần làm ông Đ. lâm vào cảnh rắc rối. Số là một buổi tối, nhà thờ tặng một số lớn thuốc tây cho phía giải phóng xong thì trong đêm lại có một cuộc hành quân bất ngờ của phía Cộng hoà. Toán cán bộ giải phóng mang thuốc lên rừng bị bắt trọn vẹn với cả tang vật. Rủi ro nhất cho ông Đ., lúc ấy ông vừa nhận được hộ chiếu đi du lịch Hồng Kông. Nếu là một ai khác, tất nhiên kẻ ấy quá dễ dàng vào tù. Nhưng ông Đ. nhờ ơn trên che chở, chỉ bị chính phủ Việt Nam Cộng hoà thu hồi hộ chiếu đi du lịch mà thôi.

Thế là phía giải phóng lại an ủi và đền bù sự thiệt thòi này cho ông Đ. bằng rất nhiều súc gỗ quí.

Mấy tháng sau, lại thêm một phen hú vía nữa. Hôm ấy, viên bí thư dẫn theo một số cán bộ về thăm nhà thờ có chuyện gì đó. Không biết do ai điểm hay tình cờ, phía Cộng hoà lại mở một cuộc hành quân bất ngờ, bao vây khu vực ấy. Nếu những viên cán bộ giải phóng kia có mệnh hệ nào, tất ông Đ. cũng gặp rắc rối. Nhưng ông đã nhanh trí, cho những người cán bộ kia vào núp cả ở phòng riêng của ông. Tất nhiên quân đội Cộng hoà không thể xâm phạm tới những nơi đó. Sau khi thoát nạn, viên bí thư cám ơn ông Đ. rối rít, hứa sẽ trọn đời không quên.

Nghe ông Đ. kể những chuyện này, tôi càng cảm thấy thấm thía tình đời. Từ trước, tôi vẫn tưởng chỉ có vài nhà lãnh đạo Phật giáo của mình có “nhiệt tình ủng hộ cách mạng giải phóng” thôi. Nào ngờ giờ lại biết thêm một vị lãnh đạo một tôn giáo nổi tiếng chống cộng đã từng bỏ miền Bắc mà chạy năm 1954, cũng “giúp đỡ cách mạng tận tình” như vậy! Thế thì mình ở tù mọt gông là hợp lý quá đi chứ!

Ông Đ. cho biết tiếp, sau đó một thời gian, bề trên đã can thiệp để ông được xoá bỏ lỗi cũ, được đi du lịch Hồng Kông như nguyện vọng của ông.

Sau khi ông Đ. đi du lịch về, bề trên lại cử ông đi hành đạo ở một xứ đạo khác. Từ đó ông Đ. không còn gặp rắc rối gì nữa. Nhưng viên bí thư huyện uỷ giải phóng vẫn chung thủy giữ tình cố cựu, thỉnh thoảng lại gởi vài hàng hỏi thăm sức khỏe ông, làm ông rất cảm động.

Nhưng đến khi chiến cuộc miền Nam trở nên sôi động thì hai bên mất hẳn liên lạc.

Vào năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông Đ. hành đạo ở xứ đạo Phước Tỉnh, một xã đánh cá rất giàu có ở Bà Rịa. Khi tiếp xúc với các cán bộ cách mạng, ông Đ. vẫn đánh tiếng thăm hỏi người bạn cũ. Thế rồi một hôm, ông nhận được danh thiếp của viên bí thư huyện uỷ năm nào báo tin sẽ đến thăm. Ôi, xiết bao mừng rỡ vì người bạn cố tri trong chính quyền cách mạng biết rõ công lao của ông còn đó! Từ nay, ông sẽ ưỡn ngực mà đi, không e dè như những bạn đồng đạo khác. Viên bí thư này bấy giờ đã là một uỷ viên trong thành uỷ lâm thời ở thành phố Hồ Chí Minh. Một cuộc hội ngộ rất cảm động giữa hai người đã xảy ra tại tư thất của ông Đ. Ông uỷ viên thành uỷ không quên nhắc lại những công lao ông Đ. đã giúp đỡ cách mạng trong thời gian ông làm việc tại Sông Bé. Ông Đ. cũng khiêm tốn cho rằng giúp cách mạng là nghĩa vụ của toàn dân thôi. Thông cảm nỗi khốn khó của những người hi sinh làm cách mạng, ông Đ. cố ép tặng vị uỷ viên thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh một ít tiền lộ phí. Nể tình, vị uỷ viên thành uỷ phải nhận cho ông Đ. vui lòng. Trước khi chia tay, ông uỷ viên thành uỷ cho ông Đ. địa chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh và hẹn hễ cần gì, ông Đ. có thể về gặp ông ta bất cứ lúc nào. Giáo dân địa phương nhiều người chứng kiến cảnh đó đều nể phục vị lãnh đạo của mình đã sáng suốt, có tinh thần hoà giải cao, biết đi trước thời cuộc.

Trước 1975, Phước Tỉnh vốn là một xã đánh cá rất giàu có, mức sống của người dân xã này rất cao. Những đứa trẻ con chịu khó đợi lúc tàu thuyền đánh cá về ra giúp ngư dân những việc vặt vãnh là có thể lấy được hàng mớ cá về dùng. Nếu lười hơn, chỉ cần đi lượm cá rơi rớt cũng kiếm ra tiền. Dân nhậu chỉ cần xuống bãi khi tàu về, không cần bỏ tiền ra cũng kiếm được món nhậu ngon. Dân chài Phước Tỉnh làm ra cá quá dễ dàng, họ chỉ coi quí thịt heo, thịt bò và rau lang. Đất cát nơi đây khó trồng trọt được thứ gì ngoài rau lang. Người ta chỉ cần rau để nuôi heo, không cần lấy củ. Thỉnh thoảng, cũng có người ăn rau lang thay các loại rau cỏ khác. Rau lang đắt như vàng, ai có được một khoảnh đất mà siêng trồng tưới rau lang là có thể sống thoải mái. Về nhà cửa, từ xa nhìn vào, nơi nào cũng thấy tường xây mái ngói trông rất đẹp mắt. Nhưng đến gần thì chẳng mấy ai thích vì cả không gian đều sặc sụa mùi cá. Đi vào bên trong và sân sau những ngôi nhà đẹp đẽ ấy, người ta càng thấy cảnh ngược lại, những lưới cá, dụng cụ bắt cá, chứa cá treo bừa bộn ngổn ngang không đẹp mắt tí nào. Đó là hình ảnh về xã Phước Tỉnh mà ông Đ. mô tả sơ qua...

Sau một thời gian ngắn hân hoan đón chào cách mạng giải phóng, cơn sốt vượt biên của người dân phát khởi. Xã Phước Tỉnh lại thành địa điểm lý tưởng cho những cuộc hẹn hò ra đi. Dân xã Phước Tỉnh rất giàu, có nhiều tàu thuyền tốt, ra biển lại tiện, nên những người ôm mộng giang hồ lũ lượt kéo về nơi này chờ đợi thời cơ. Nhờ cha xứ có công với cách mạng nên cán bộ địa phương nể nang, ít chú ý đến hoạt động của giáo dân. Nhiều người ở xa về, trước khi ra quân, để tránh tai mắt chính quyền dòm ngó, họ thường tạm trú tại nhà thờ. Nhà thờ đã cưu mang đùm bọc rất nhiều lớp người ra đi. Vì vậy, khi biết chắc đi được, phần đông người vượt biên thường tặng lại ông Đ. những tiền của họ mang theo trong mình. Nhưng đời có kẻ xấu người tốt, dần dần việc cũng tiết lộ. Đùng một cái, cả hai vị cha xứ xã Phước Tỉnh là Trần (hay Nguyễn, tôi không nhớ rõ) Văn Hương và Nguyễn Trinh Đ. đều bị công an mời làm việc. Ông Đ. bình tĩnh bày tỏ những công lao mình giúp đỡ cách mạng trong thời gian làm việc ở Sông Bé với cán bộ hỏi cung. Ông nêu tên vị đương kim uỷ viên thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh làm chứng cớ, hi vọng được nể tình mà bỏ qua. Nhưng cán bộ cách mạng “chí công vô tư” chỉ xét vấn đề hiện tại. Sau cùng, ông Đ. chẳng được ưu tiên gì hơn ông Hương, cả hai ông đều bị tạm giữ. Người nhà ông Đ. liền tìm tới địa chỉ người cán bộ cách mạng đã được ông Đ. cứu sống ngày xưa để nhờ ông này giúp đỡ. Nhưng người làm cách mạng đâu có thể vì ơn riêng mà can thiệp vào phép công? Vị uỷ viên thành phố chỉ biết gởi lời chia buồn. Người nhà ông Đ. vất vả đi lại nhiều lần nhưng cứ bị ông uỷ viên kia tránh mặt. Cuối cùng, ông Đ. bị đưa vào khám đường Bà Rịa. Ông Đ. vốn là một người yêu thể thao, thời trẻ, ông từng là một tay đánh bóng chuyền có hạng với những cú đập độc đáo nổi tiếng một thời. Thế mà cái thân hình to cao ấy, chỉ qua một thời gian bị giam cầm không được thăm nuôi, đã biến thành một hình nộm lọng khọng thảm thương như thế này.

Đó là câu chuyện “Bọn vong ân bội nghĩa!” của ông Đ. Có lẽ thời gian ở một mình trong ngôi cổ miếu, ông tụng niệm câu này nhiều lắm.
Nguồn: Báo Phụng hoàng cảnh sát quốc gia (Hoa Kỳ)