trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 56 bài
  1 - 20 / 56 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Gửi bài này cho bạn bè
14.11.2007
 
Thời Vận Việt – sự giày vò của tinh thần thanh khiết
Phỏng vấn Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu, Tổng biên tập báo Thời Vận Việt
Các báo cáo khí tượng thuỷ văn cho biết, ngày 24.9.2007, một mặt trăng mới có tên Thời Vận Việt đã được bắn lên bầu trời báo chí Việt Nam. Sau hơn một tháng bay trên quỹ đạo, ánh sáng chói loà của tiểu hành tinh này đã làm choáng váng không ít người quan sát. Để tìm hiểu hiện tượng thiên nhiên kì thú có một không hai này, nhóm phóng viên talaCu đã có buổi gặp gỡ thân mật với nhà thơ Nguyễn Quang Dầu, Tổng biên tập Thời Vận Việt. Nhà thơ đã hồ hởi tiếp đón talaCu và trả lời tất cả những câu hỏi chúng tôi đặt ra, trừ một câu mà ông dùng quyền không trả lời để từ chối một cách nhã nhặn. Xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn tới bạn đọc.


talaCu: “Để đạt đến sự viên mãn cần có những nỗi giày vò tinh thần thanh khiết”. Có thể hiểu đó như là “tuyên ngôn” của Thời Vận Việt, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Chính xác, thanh khiết là như vậy.

talaCu: Cái gì muốn đạt tới sự viên mãn? Và tại sao để đạt tới sự miên mãn, nó cần có những nỗi giày vò tinh thần thanh khiết?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Bạn thấy khó hiểu cũng đúng thôi, bạn cần có sự chiêm nghiệm, bạn trẻ ạ. Nhưng như thế kể cũng khó cho bạn quá. Thôi, bạn cứ hiểu nôm na thế này vậy: đây là thời điểm văn hoá Việt đang bừng nở sức mạnh tiềm ẩn, dân tộc ta sắp sửa đạt tới sự viên mãn, nhưng để đạt tới sự miên mãn đó, nó cần trải qua một giai đoạn giày vò tinh thần thanh khiết.

talaCu: Vậy sứ mệnh của Thời Vận Việt là...?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Nếu bạn suy tư sâu về lịch sử dân tộc, bạn sẽ hiểu rằng, dân tộc Việt Nam đang tiến tới sự viên mãn. Đấy là cái thiên mệnh mà nó không thể không đi đến, cũng như chủ nghĩa cộng sản tất yếu sẽ là tương lai của loài người. Đã là tất yếu thì không thể tránh được, nhưng cái chúng ta có thể và cần phải làm là hành động để cho quá trình tiến tới viên mãn đó diễn ra nhanh hơn. Muốn vậy, chúng ta cần phải giày vò tinh thần thanh khiết. Đấy là sứ mệnh lịch sử của Thời Vận Việt.

talaCu: Ông có thể giải thích rõ hơn?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Lịch sử tiến hoá của loài người là lịch sử tiến hoá về tinh thần, đó là sự khác biệt cơ bản giữa con người và cầm thú. Nhưng từ hồi đổi mới, Việt Nam mới chỉ tiến hoá về vật chất, còn tinh thần thì đứng im, thậm chí thụt lùi. Người Việt Nam mới chỉ biết đến những nỗi giày vò vật chất. Họ chưa hiểu thế nào là những nỗi giày vò tinh thần. Chúng tôi sẽ cho họ hiểu.

talaCu: Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại “giày vò tinh thần thanh khiết”. Chữ “thanh khiết” ở đây có ý nghĩa gì, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Sự viên mãn chắc chắn sẽ đến, nhưng bạn cũng phải hiểu rằng, đây là thời kì quá độ, mà đã thời quá độ thì bao giờ cũng có lắm cái nhiễu nhương. Có kẻ tự khoác áo trí giả, làm dáng giày vò tinh thần như ai, nhưng đấy chẳng qua chỉ là những nỗi giày vò thấp kém. Nhiệm vụ của Thời Vận Việt là tuyên dương những nỗi giày vò thanh khiết và vạch mặt sự thấp kém.

talaCu: Xin ông cho những ví dụ cụ thể?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Chẳng hạn, chúng tôi lập ra hẳn một câu lạc bộ để tuyên dương các tỉ phú. Chúng tôi muốn cho độc giả thấy rằng, hiện nay ở Việt Nam, các tỉ phú không chỉ là những người có tiền, họ còn là những người có tinh thần thanh khiết nhất.

talaCu: Ngoài các tỉ phú ra, còn những ai xứng đáng được tuyên dương nữa?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: À, còn nhiều chứ. Chẳng hạn các quan chức, những người có địa vị cao trong xã hội.

talaCu: Ví dụ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Gần đây chúng tôi có bài phỏng vấn tuyên dương Thiếu tướng Hữu Tước. Ông ấy là một ví dụ tiêu biểu cho sự giày vò tinh thần thanh khiết.

talaCu: Tại sao ông lại nói như vậy?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Rất đơn giản. Ông ấy là người có tất cả: quyền, tiền, địa vị xã hội. Nhưng ông ấy vẫn buồn, vẫn viết văn, viết thơ, viết nhạc, viết kịch. Các vở kịch của ông ấy được truyền hình nhà nước phát cho cả triệu người xem. Chỉ có điều tôi thấy tiếc là những tác phẩm kiệt xuất của ông ấy chưa được giới phê bình văn học chú ý đúng mức. Ông ấy là ví dụ lớn về sự giày vò tinh thần. Có lần ông ấy nói với tôi: chúng ta đã có tất cả, cái mà chúng ta còn thiếu là nhân văn.

talaCu: Nhân văn? Có phải ông muốn nói tới khẩu hiệu của tờ Công An Nhân VănNhân Văn Thế Giới do ông Hữu Tước làm tổng biên tập?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Đúng thế, bạn trẻ ạ. Còn nhớ năm 2002-2003, khi tôi có vinh hạnh đầu quân cho tờ Nhân Văn Thế Giới Cuối Tháng của thiếu tướng Hữu Tước, tôi có hỏi tại sao ông ấy lại chọn khẩu hiệu “NHÂN VĂN – TIN CẬY – KỊP THỜI” làm kim chỉ nam cho báo công an, ông ấy nói: tin cậy, kịp thời thì báo nào chẳng thế. Chính nhân văn mới làm nên sự khác biệt căn bản giữa báo công an với các tờ báo khác. Tôi vô cùng ngưỡng mộ ông ấy, bởi ông ấy không chỉ hô khẩu hiệu, mà còn thực sự làm theo khẩu hiệu. Theo nhận thức của tôi, báo công an chính là biểu tượng chói sáng nhất cho tính nhân văn ở Việt Nam hôm nay. Đó là tấm gương mà Thời Vận Việt cần học tập.

talaCu: Vậy ông đã học tập như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Cổ nhân nói, học tập thì phải kiên trì. Phải nghiên cứu từng bước. Vả lại, học tập không chưa đủ. Cần có sáng tạo. Thời Vận Việt chính là kết quả của sự học tập có sáng tạo.

talaCu: Xin ông nói rõ hơn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Như đã nói, nhân văn là giá trị bản sắc quý báu nhất của báo công an, chúng tôi du nhập bản sắc ấy. Nhưng chúng tôi còn phát triển hơn nữa. Chúng tôi tự hỏi: làm thế nào để cho cái bản sắc ấy thăng hoa lên một cấp bậc nữa? Để nó đạt tới sự viên mãn? Đấy là câu hỏi then chốt và chúng tôi đã tìm ra câu trả lời: giày vò tinh thần thanh khiết! Đấy là chìa khoá để Việt Nam ngẩng cao đầu đi vào thế giới toàn cầu hoá, đa phương, đa cực.

talaCu: Theo ông, một người Việt Nam hôm nay cần làm gì để giày vò tinh thần thanh khiết?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Đấy chính là điều mà Thời Vận Việt sẽ chỉ ra cho họ. Giúp họ nâng tầm tinh thần lên, thoát khỏi đống bầy nhầy thấp kém mà họ đang ngụp lặn.

talaCu: Ông hãy cho vài ví dụ về những kẻ có tinh thần thấp kém cần phải được nâng tầm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Rất nhiều. Chẳng hạn như đám tự xưng là nghệ sĩ đương đại, những kẻ bất tài, thấp kém nhưng không chịu yên phận. Đấy là những kẻ đem rác Tây về ngửi hít. Chúng tôi có loạt bài kịch liệt lên án đám ấy.

talaCu: Nhưng có người nói, loạt bài ấy chỉ thiên về chụp mũ, áp đặt ý kiến chủ quan của các phóng viên chứ không thực sự thuyết phục độc giả...

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Đối với những kẻ tinh thần thấp kém, chúng tôi không cần thuyết phục. Chỉ cần viết sao cho nhân dân thấy họ cuồng vọng, điên, tâm thần, sính Tây, mất gốc... là đủ. Tất cả phóng viên của chúng tôi đều quán triệt phương pháp làm việc ấy.

talaCu: Ngoài các nghệ sĩ đương đại ra, còn những kẻ thấp kém nào cần phải được nâng tầm tinh thần nữa, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Nhiều lắm. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, những kẻ tự xưng là nghệ sĩ đương đại chỉ thuộc loại bợ đít Tây và hoang tưởng nặng chứ chưa đến mức điên thật. Để nâng tầm tinh thần dân tộc, chúng tôi phải bắt đầu từ những tầng lớp thấp kém nhất: gái điếm, con nghiện ma tuý, đồng tính luyến ái... Chúng tôi đã mở ra hẳn chuyên mục “tiếng gọi số phận” để giáo dục các đối tượng này. Tôi luôn nhắc nhở các phóng viên của mình là phải đi sâu vào khía cạnh tâm hồn, phơi bày những hành vi quái gở của chúng. Cần phải làm cho nhân dân ta thấy rằng, đấy là lũ nửa người nửa ngợm, nhầy nhụa như những con vật. Song không chỉ có thế: phóng viên của chúng tôi, vốn đều ngưỡng mộ tinh thần nhân văn của báo công an, đều hiểu rằng, bên cạnh việc phơi bày chi tiết đến từng chân lông các cảnh nhầy nhụa, họ cần phải bày tỏ tình thương (nếu cần thì phải khóc) với các số phận này. Phóng viên vừa là người thầy chỉ đường, vừa là bác sĩ trị bệnh, luôn sẵn sàng đưa ra những lời khuyên bảo cho những đối tượng thấp kém. Tôi là nhà thơ, đối tượng quan tâm của tôi là tâm hồn. Thế nên tôi buồn lắm. Sao xã hội ta bây giờ lắm kẻ thấp kém thế.

talaCu: Tại sao, thưa ông? Đất nước đang tiến lên như vũ bão. Bạn bè quốc tế nhìn sang Việt Nam đều phải kinh ngạc, muốn học tập kinh nghiệm Việt Nam...

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Đúng thế. Trong khi đất nước đang hoá rồng, nhiều người con xuất sắc của dân tộc đang làm sáng danh bản lĩnh Việt Nam như các nhà tỉ phú hoặc các quan chức cao cấp (ví dụ thiếu tướng Hữu Tước), thì lại có một bộ phận tụt hậu, làm xấu hổ đất nước như bọn đĩ điếm, nghiện hút… Những kẻ này cần phải được bêu ra ánh sáng công luận. Chúng ta tự hỏi: đất nước bây giờ thiếu gì chứ? Sau hai mươi năm đổi mới, dân tai ai cũng được ăn được học, được giáo dục tử tế. Tại sao những kẻ đó không biết tự vươn lên mà lại lao đầu vào trác táng, đồi truỵ, cuồng vọng đến mức trở thành những kẻ cặn bã trong xã hội? Đấy chính là vì họ thấp kém về tinh thần. Họ cần phải được giáo dục bằng phương pháp giày vò tinh thần thanh khiết, qua đó tự nâng tầm lên.

talaCu: Nhân việc ông đang nói xã hội ta ngày càng có nhiều loại người thấp kém về tinh thần. Xin hỏi, những người thấp kém thế có phải là những người xấu không, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Xấu. Thậm chí còn hơn cả xấu nữa.

talaCu: Nghĩa là xã hội ta càng ngày càng có nhiều người xấu?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Tôi yêu nước và tôi tự hào là người Việt Nam.

talaCu: Chúng tôi đang hỏi ông về việc, có phải xã hội ta đang ngày càng có nhiều người xấu?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Tôi có quyền không trả lời câu hỏi này.

talaCu: Vâng, vậy chúng tôi xin hỏi câu khác. Thời Vận Việt vừa có bài phỏng vấn ông Vương Trí Khôn...

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Cho phép tôi cắt ngang lời bạn. Bài ấy chúng tôi đã kéo xuống rồi. Cả bài của ông Ngô Thả Phanh tiếp đó nữa. Kéo xuống nốt.

talaCu: Tại sao thế, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Tôi đã nói rồi, thời bây giờ có những kẻ tự coi mình là trí giả, lấy việc nói xấu dân tộc làm lớp áo tri thức cho mình, mưu danh với thiên hạ, đấy là biểu hiện của sự tha hoá tinh thần cùng cực. Đối với những kẻ ấy, lẽ ra chúng tôi chỉ cần phê phán, chỉ ra những chỗ sai trái của họ như chúng tôi đã làm với đám nghệ sĩ đương đại là đủ, chứ không nên để cho họ phát biểu, bôi bẩn diễn đàn. Sau hai ngày đăng bài phỏng vấn, chúng tôi nhận ra đó là một sai lầm, vì vậy đã kéo xuống.

talaCu: Không một lời giải thích với độc giả?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Bạn hỏi sao?

talaCu: Các ông kéo bài xuống nhưng không giải thích gì với độc giả?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Vâng. Thì sao?

talaCu: Chúng tôi tưởng... Ở các nước phương Tây, họ không làm thế.

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Anh tưởng cái gì? Anh thấy ở Việt Nam có báo nào kéo bài xuống mà thông báo lý do với độc giả chưa? Đừng tưởng cái gì cũng bắt chước Tây. Rác của Tây cũng hít lấy hít để. Người Việt Nam phải biết mình là ai. Mỗi quốc gia có luật pháp riêng, anh hiểu chưa?

talaCu: Vâng, có lẽ buổi phóng vấn đã dài. Xin đặt thêm một câu hỏi nữa: Thời Vận Việt sẽ làm gì nếu những người có tinh thần thấp kém bị các ông phê phán vẫn không tỉnh ngộ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Chúng tôi sẽ có những biện pháp thích hợp, từng bước giúp các tinh thần thấp kém hiểu rằng, để thành người tốt, họ hãy ngước mắt lên mà nhìn các tinh thần thanh khiết. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì tiến hành song song hai biện pháp: thứ nhất, chúng tôi tuyên dương những tinh thần thanh khiết (ví dụ những tỉ phú hoặc những người có quyền như thiếu tướng Hữu Tước) để mọi người nhìn thấy mà học tập; thứ hai, chúng tôi vạch mặt các tinh thần thấp kém (mà tiêu biểu là những kẻ tự xưng là trí giả, tự xưng là nghệ sĩ đương đại, bọn gái điếm, bọn nghiện hút, bọn đồng tính luyến ái...) để mọi người biết mà tránh... Tóm lại, chúng tôi đóng vai trò quan toà lương tâm. Anh hãy đọc kĩ tuyên ngôn của chúng tôi. Nhiệm vụ của Thời Vận Việt là: “... chỉ ra những loại mầm cây nào sẽ cho hoa trái, những loại kén nào sẽ nở thành những cánh bướm.”
talaCu: Rất hình ảnh. Rất thơ mộng, thưa ông.

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Bạn trẻ ơi, cuộc đời thì nhuộm nhoạm, nhưng hãy tin tôi: Thơ sẽ cứu rỗi đời sống thấp kém này của chúng ta. Chỉ có thơ thôi. Thơ sẽ đưa chúng ta “vượt lên khỏi tầm rừng thấp”, để mỗi chúng ta trở thành Một, thành Riêng, thành Duy nhất...
talaCu: Thời Vận Việt - một sự kết hợp chưa từng có...

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Sự kết hợp hoàn hảo giữa lý tính được thể hiện qua sức mạnh tư bản và công nghệ của Vi-En-En, đạo đức nhân văn sâu sắc du nhập từ báo công an, và mỹ học dân tộc đúc kết trong biểu tượng của vầng trăng phương Đông...

talaCu: Ngắn gọn: Thời Vận Việt = Tư bản + Đạo đức công an + Mỹ học thuần khiết Việt Á Đông.

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Vậy là bạn đã ngộ ra rồi đấy, bạn trẻ ạ.

talaCu: Và đó là công thức cho sự giày vò tinh thần thanh khiết?

Nhà thơ Nguyễn Quang Dầu: Tôi chỉ sợ các bạn trẻ hôm nay không hiểu đúng triết lý của chúng tôi. Bạn hiểu thế là tôi yên tâm rồi. Vậy nhé, hãy tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi: Thời Vận Việt – hành trình của một mặt trăng mới.

talaCu: Xin cảm ơn ông.


(Nhóm phóng viên talaCu)

© 2007 talaCu