trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
21.3.2006
Ngô Thanh Liêm
Nhân Đại hội Đảng: Mấy suy nghĩ về thực tiễn luận Hồ Chí Minh và nhiệm vụ đổi mới Đảng hiện nay
 
I. Hồ Chí Minh và quan điểm thực tiễn

Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi tại sao ông không bao giờ viết các tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng, Hồ Chủ tịch nói nửa đùa nửa thật rằng việc đó xin nhường cho Mao Trạch Đông [1] . Mặc dù là một cây bút tài hoa, uyên bác và biết nhiều ngoại ngữ, Hồ Chủ tịch hầu như không bao giờ viết các bài thuần tuý lý thuyết. Vì lý do đó, một số người, chẳng hạn Sophie Quinn-Judge, cho rằng chỉ nên coi Hồ Chí Minh như một nhà chính trị và ngoại giao lỗi lạc chứ không phải là một nhà tư tưởng [2] . Tôi cho rằng lập luận như thế là hơi vội. Socrates, Lão Tử, và Jesus Christ, chẳng hạn, đều không để lại dòng chữ nào, chẳng lẽ vì thế mà họ không phải là những nhà tư tưởng? Hơn thế nữa, Socrates nổi tiếng là người nghi ngờ văn bản, còn các nhà hiền triết phương Đông luôn luôn nhắc nhở rằng kinh sách chỉ là con thuyền để giúp ta đến bến bờ của đạo mà thôi. Theo tôi, chúng ta phải phân biệt nhà lý thuyết với nhà tư tưởng, mặc dù hai khái niệm có phần chồng chéo. Một nhà lý thuyết có thể chỉ đơn thuần diễn giải và phổ biến tư tưởng của người khác, trong khi đó một nhà tư tưởng không nhất thiết phải viết sách. Tư tưởng của họ nhiều khi được thể hiện thông qua hoạt động thực tiễn, mặc dù sau đó có thể được người khác ghi chép hoặc trình bày lại bằng văn bản. Jesus Christ, Mahatma Gandhi, Henry Ford và Hồ Chí Minh là những nhà tư tưởng như thế.

Vậy tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Theo tôi, đó là quan điểm thực tiễn nhân đạo, hay có thể gọi là Thực tiễn luận nhân đạo. Tư tưởng này bao gồm hai bộ phận cấu thành: 1. Hệ giá trị nhân đạo và, 2. Phương pháp luận thực tiễn.

Hệ giá trị nhân đạo là sự kết hợp nhuần nhuyễn các giá trị Á Đông với Chủ nghĩa Nhân văn phương Tây. Chính sự kết hợp này cho phép giải quyết được mâu thuẫn giữa cá nhân với cộng đồng, truyền thống với hiện tại, dân tộc với quốc tế. Hệ giá trị này được kết tinh trong Hiến pháp 1946 và quốc hiệu của nước Việt Nam mới: Dân chủ, Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Do hoàn cảnh lịch sử, hệ giá trị này không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng mức, và không phải lúc nào cũng phát huy được tác dụng tối đa. Nhưng nhìn lại lịch sử và đối chiếu với bối cảnh đất nước hôm nay, chúng ta mới thấm thía ý nghĩa sâu xa của nó. Mục tiêu của dân tộc, tương lai của dân tộc là gì nếu như không phải là năm từ đó: Dân chủ, Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc?

Phương pháp luận thực tiễn ở Hồ Chí Minh cũng là sự kết hợp triết học phương Đông với triết học phương Tây và là công cụ để thực hiện các mục tiêu do hệ giá trị quy định. Nội dung cơ bản của nó là lấy thực tiễn làm căn cứ để xác định nhiệm vụ, chiến lược, sách lược và đánh giá hoạt động cách mạng. Nó không coi nhẹ nhưng cũng không tuyệt đối hoá lý luận, vì thế giúp chúng ta uyển chuyển trong hành động mà không phải từ bỏ mục đích tối cao, thống nhất trong hành động và tư tưởng mà không rơi vào giáo điều. Hồ Chủ Tịch thường nhắc nhở câu châm ngôn của người Trung Quốc: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

Quan điểm thực tiễn nhân đạo xuất hiện rất sớm và được thể hiện nhất quán trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Theo William J. Duiker, khi được Phan Bội Châu mời tham gia phong trào Đông Du, Thành hỏi cha tại sao người Nhật đạt được những thành tựu của họ về kỹ nghệ, ông Sắc đáp rằng họ học được từ phương Tây. Thành từ chối phong trào Đông Du và quyết định học tiếng Pháp, cho dù theo quan niệm lúc đó chỉ có tay sai ngoại bang mới đi học tiếng Pháp mà thôi [3] . Cũng theo Duiker, nhiều học giả nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã thắc mắc tại sao một người có tư tưởng chống lại ách đô hộ của Pháp như Nguyễn Tất Thành lại từng nộp đơn xin học trường Thuộc Địa [4] . Lời giải đáp thật ra chẳng có gì khó tìm nếu hiểu được tư tưởng của Hồ Chí Minh. Quan niệm về sáng tác là một ví dụ khác. Hồ Chí Minh luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai, viết như thế nào, viết để làm gì. Khi cần thiết, hoặc khi sáng tác văn học thuần tuý, Hồ Chí Minh sử dụng lối văn bác học, tao nhã, đôi lúc thậm chí cầu kỳ, như trong Lời than thở của bà Trưng Trắc, Paris, hay trong thể thơ Đường. Nhưng khi cần tuyên truyền cho tầng lớp lao động, Hồ Chí Minh dùng ngôn ngữ mộc mạc, như nhiều bài trên tờ Le Paria, như truyện Giấc ngủ mười năm (1949) hay những bài vè kháng chiến. Để phổ biến Quốc tế ca, Hồ Chí Minh sẵn sàng chuyển nó thành thể lục bát.

Quan điểm thực tiễn của Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét trong cách tiếp cận với các học thuyết cách mạng. Hồ Chí Minh luôn coi các học thuyết chỉ là công cụ để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc và đem lại hoà bình, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp: "Thưa các đồng chí, trong khi các đồng chí tranh luận thì đồng bào tôi đang đau khổ, chết dần chết mòn" [5] . Sau này, trong Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin, Hồ Chủ tịch viết: "Tôi tham gia Ðảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các "ông bà" ấy - (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) - đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức... Hồi ấy, trong các chi bộ của Ðảng Xã hội, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lênin? Ðiều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Ðó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo... Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!" [6] .

Quan điểm thực tiễn càng rõ trong hoạt động ngoại giao. Những ngày tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, để có thời gian củng cố lực lượng cho chính quyền nhân dân còn non trẻ, đồng thời tranh thủ sự hậu thuẫn quốc tế, thêm bạn bớt thù, Hồ Chủ tịch chủ trương đối thoại, hòa hoãn, nhưng kiên trì mục đích cuối cùng là độc lập dân tộc. Nhận rõ những khó khăn do thái độ không thiện chí của Pháp và cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu tăng lên giữa các cường quốc, Hồ Chủ Tịch thậm chí từng có ý định từ chức để Bảo Đại thay mặt chính phủ thương thuyết nhằm đạt được độc lập dân tộc [7] . Bấy giờ không phải ai cũng thấy được tầm quan trọng của những hoạt động ngoại giao này. Các phần tử chống đối thậm chí còn lợi dụng để tuyên truyền rằng "Hồ Chí Minh bán nước". Phát biểu tại Nhà hát lớn, Hồ Chủ tịch khẳng định: "Tôi thà chết chứ không bao giờ phản bội Tổ quốc" [8] . Chính nhờ đường lối khôn khéo này mà chúng ta đã đẩy được quân Tàu Tưởng ra khỏi miền Bắc và đạt được thoả thuận với Pháp tháng 3 năm 1946, trong đó Pháp "công nhận nước Cộng hòa Việt Nam là một Quốc gia Tự do, có Chính phủ, Quốc hội, Ngân khố, Quân đội, nằm trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp" và như vậy đã xác lập chính phủ Hồ Chí Minh là "chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam". [9]

Nhưng ví dụ rõ nhất và cũng đáng suy ngẫm nhất cho chúng ta hiện nay là quan điểm của Hồ Chủ tịch về Đảng và nhà nước. Hồ Chí Minh chủ trương Đảng là đảng của mọi người Việt Nam yêu nước và nhà nước Việt Nam phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Theo ông Vũ Đình Hòe, vị bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, trong một cuộc họp báo đầu năm 1946, Hồ Chủ tịch nói: "Chúng ta, chúng tôi chỉ có một Ðảng, Ðảng Việt Nam" [10] . Hồ Chủ Tịch cũng nhận viết lời nói đầu cho Hiến pháp 1946, trong đó khẳng định: linh hồn của Hiến pháp sẽ là: "Ðoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo" [11] . Đồng thời, trong thư gửi quốc dân đồng bào, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh nêu rõ sự cần thiết phải thành lập ngay "một cơ cấu đại biểu cho toàn dân" để có đủ sức mạnh đoàn kết dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Cơ cấu tổ chức đó gồm tất cả các đảng phái cách mạng và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra "thì mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang." [12] Trước đó, ngày 11 tháng Mười một năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa ra một quyết định cực kỳ dũng cảm: tự giải tán và đổi thành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Đông Dương. Sau này, năm 1951, khi xuất hiện trở lại, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Sự thay đổi tên Đảng, cũng như việc lấy tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đơn thuần là một sách lược. Tên nước và tên các tổ chức luôn là một thứ tuyên ngôn. Trong trường hợp này, nó thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng và Nhà nước Việt Nam: Đảng là Đảng của nhân dân Việt Nam, và Nhà nước cũng là nhà nước của nhân dân Việt Nam. Chính nhờ bản chất đó mà trong lịch sử hơn bảy mươi năm tồn tại, dù có những sai sót không thể tránh khỏi, Đảng luôn luôn giữ được sự tin yêu của đa số nhân dân và hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo dân tộc chiến thắng ngoại xâm, thống nhất đất nước và tiến hành công cuộc Đổi mới ngoạn mục mà bạn bè khắp năm châu đều ca ngợi.


II. Nhiệm vụ của Đảng trong bối cảnh hiện nay

Trước hết, phải khẳng định rằng với lực lượng đông đảo, kinh nghiệm dày dạn và uy tín lớn lao mà không một tổ chức nào có thể sánh được, Đảng Cộng sản có thể và có trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong công cuộc phát triển. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ một tổ chức nào khác, Đảng phải luôn tự đổi mới, tự hoàn thiện. Để hoàn tất trọng trách lãnh đạo đất nước, Đảng cần phải có những chuyển hướng cần thiết phù hợp với thời đại. Công cụ tinh thần của chúng ta, theo tôi, chính là Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, Đảng và Nhà nước phải thực sự là Đảng và Nhà nước của mọi người Việt Nam yêu nước. Đây cũng chính là chủ trương được đồng tình rộng rãi của toàn Đảng toàn dân. Ở đây tôi chỉ xin đề cập một vấn đề cụ thể, tưởng nhỏ nhưng thật ra vô cùng quan trọng: đó là tên Đảng và tên nước.

Tên Đảng và tên nước hiện nay được lựa chọn sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc và Tổ quốc thống nhất về một mối. Đó là sự lựa chọn của một giai đoạn lịch sử nhất định mà tôi không có ý định và cũng không có thẩm quyền để bàn. Nhưng theo tôi, do những nguyên nhân lịch sử, tên Đảng và tên nước hiện nay gây cho chúng ta một số bất lợi. Tôi cho rằng trong bối cảnh Việt Nam và quốc tế hiện nay, chúng ta nên trở về với tên Đảng Lao động Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là hai cái tên thể hiện tốt hơn các mục tiêu của toàn dân tộc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế và hoà hợp dân tộc.

Bất kỳ ai thực sự đọc Marx đều nhận thấy rằng chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa nhân đạo. Mục đích xây dựng một xã hội dân chủ của những con người tự do, bình đẳng, dựa trên nền tảng công nghệ phát triển và sự hợp tác giữa người với người, một xã hội không còn chiến tranh, hận thù giai cấp, tôn giáo và dân tộc, là một mục đích cao đẹp và chính vì thế nó có sức quyến rũ đối với hàng triệu con người có lương tri trên toàn thế giới. Mục đích đó được cụ thể hoá trong khẩu hiệu của Đảng hiện nay: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mục đích đó chúng ta không bao giờ từ bỏ, và chắc chắn bất kỳ người Việt Nam nào, trong nước cũng như ở hải ngoại, cũng đều hướng tới, cho dù họ có gọi là Chủ nghĩa Cộng sản hay không.

Tuy nhiên, do hậu quả của cuộc chiến tranh tuyên truyền, đặc biệt trong thời chiến tranh lạnh, từ “cộng sản” đã bị xuyên tạc rất đáng sợ ở phương Tây, nhất là Mỹ. Ở Mỹ, chống cộng thậm chí trở thành cái mà giáo sư nổi tiếng Hoa Kỳ Howard Zinn gọi là một "cơn hoảng loạn điên rồ" ("hystrical fear") [13] . Dưới một tên gọi khác, "Nỗi sợ màu Đỏ" (red scare) trong những năm 1917-1920 và hai thập niên 1940-1950, cũng như chủ nghĩa McCathy đã dẫn đến tra hỏi, bắt bớ, giam cầm rất nhiều người bị nghi tham gia hoặc có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội. Theo Howard Zinn, năm 1948, "Ủy ban về các hoạt động Phi-Hoa Kỳ" của Quốc hội Mỹ phát hành một cuốn sách nhan đề Một trăm điều cần biết về chủ nghĩa cộng sản trong đó:

Câu hỏi 1: "Chủ nghĩa cộng sản là gì?"
Trả lời: "Là một hệ thống để một nhóm nhỏ mưu toan thống trị thế giới" [14] .

Về tính chất tẩy não của nền giáo dục Hoa Kỳ, bạn đọc có thể tham khảo các tác phẩm Những điều thầy lừa dối tôi (Lies My Teacher Told Me) của James W. Loewen, Lịch sử Hoa Kỳ dành cho người dân (People's History of the United States) của Howard Zinn, Giáo dục dởm (MisEducation) của Noam Chomsky và nhiều tác giả khác.

Cùng với bộ máy tuyên truyền đồ sộ của phương Tây, những sai lầm và sự thoái hoá, biến chất của nhà nước Liên Xô và các quốc gia gọi là "xã hội chủ nghĩa" Đông Âu dẫn tới tình trạng trì trệ về kinh tế, mất dân chủ về chính trị trầm trọng, nhất là dưới thời Stalin, càng khiến cho sự xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản nặng nề hơn. Kết quả là người dân bình thường hoàn toàn hiểu sai về chủ nghĩa cộng sản. Howard Zinn viết: "Trong lịch sử loài người, chúng ta thường gặp một số từ được sử dụng để triệt tiêu tư duy, để chấm dứt lý trí, để kích động hận thù, những từ gây chết người. Những từ như Do TháiMọi Đen dẫn đến giết chóc, hành hình (lynching) và nô dịch. Các từ Công giáo, Tin lành, Hồi giáo từng được dùng để châm ngòi chiến tranh. Ở nước này (Hoa Kỳ), cộng sản cũng là một từ như vậy" [15] .

Trên thực tế, sau khi Liên Xô và khối các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, cộng sản bị gán cho mọi thứ xấu xa. Bản thân người viết bài này hiện đang dạy lý luận văn học tại một trường đại học Hoa Kỳ nên có điều kiện trải nghiệm trực tiếp. Sau khi cho sinh viên đọc về vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi hỏi cảm tưởng của sinh viên. Đa số trả lời rằng: thật đáng tiếc, đáng lẽ Mỹ chỉ nên giết cộng sản thôi. Tôi hỏi, "cộng sản là gì?". Đa số trả lời không biết. Nhưng một nữ sinh viên năm thứ tư khoa sư phạm đứng lên tuyên bố rằng "Cộng sản là khủng bố, ví dụ họ vừa tổ chức bắt giữ trẻ em làm con tin ở Beslan!" Tình trạng nói trên không chỉ ở Mỹ. Do phim ảnh, sách báo, ca nhạc Mỹ thống trị thế giới, sự xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản cũng lan tràn đến cả những nước từng ít nhiều có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản. Một đồng nghiệp người Thổ Nhĩ Kỳ nói với tôi: trước khi gặp anh, tôi cứ nghĩ người Việt Nam ác lắm. Tôi hỏi vì sao, cô ta trả lời: "Tôi thấy trên phim ảnh"!

Đối với bà con Việt kiều, lại có những khía cạnh phức tạp khác. Ngoài hậu quả do chiến tranh tuyên truyền trước đây, còn có vấn đề quyền lợi và tâm lý. Mặc dù ngày càng nhiều người về thăm quê hương và nhìn thấy những tiến bộ đáng khích lệ của đất nước, một số vẫn còn mặc cảm quá khứ, tiếp tục kích động hận thù. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, họ vẫn có thể gây ra những hiểu nhầm không đáng có đối với mục tiêu cao cả của Đảng cà đất nước. Nhưng điều tôi muốn nói hơn là nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy những đòi hỏi của họ chẳng có gì khác so với những mục tiêu của Đảng. Trên thực tế, những cuộc tranh cãi chỉ xoay quanh cái tên.

Tên Đảng và tên nước thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt đối với các ngành như du lịch, xuất nhập khẩu. Điều này rất rõ trong trường hợp các tranh biếm họa về Đấng Tiên tri Đạo Hồi gần đây: các công ty Đan Mạch đã phải chịu thất thu đáng kể do hàng hoá của họ bị tẩy chay. Trong điều kiện nước ta đã hội nhập chặt với thế giới, khi xuất khẩu của chúng ta chiếm tới 60% GDP và còn tiếp tục tăng, một hình ảnh Việt Nam thân thiện, cởi mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu quốc gia. Xin nhớ rằng vị thế của chúng ta khác với Trung Quốc. Vậy mà ngay cả Trung Quốc, Cuba và Bắc Triều Tiên cũng không có từ "xã hội chủ nghĩa" trong tên nước họ. Nếu tôi không nhầm, hiện nay ngoài Việt Nam chỉ còn một nước có danh xưng "xã hội chủ nghĩa" là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka.

Tất nhiên chúng ta có quyền giữ tên Đảng và tên nước như hiện nay. Và chúng ta có thể nói rằng quan niệm về chủ nghĩa cộng sản như đã trình bày ở trên là sai lầm, rằng chủ nghĩa cộng sản mà chúng ta xây dựng sẽ khác. Cần phải lưu ý rằng ngay cả các đảng viên ĐCSVN hiện nay cũng rất ít người thực sự có hiểu biết dù chỉ là cơ bản về chủ nghĩa Marx. Nhưng vấn đề không phải là ai đúng ai sai, mà là sự phát triển của đất nước. Chúng ta không có cách nào để giải thích cho hàng tỷ người. Mà như thế cũng có nghĩa là chúng ta tự đặt mình vào tư thế bị hiểu nhầm, tự chuốc lấy bất lợi, hay thậm chí tự cô lập. Trong khi đó, mục đích của chúng ta là tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, tận dụng mọi cơ hội, vận dụng mọi lý thuyết, để phát triển đất nước chứ không phải là bảo vệ một cái tên. Vậy thì chi bằng chúng ta hãy trở về với những cái tên rất hợp lòng người là Đảng Lao động Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hơn thế nữa, hãy làm cho hai cái tên đó thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng toàn dân, là thước đo để đánh giá công cuộc phát triển đất nước. Một khi dân đã giàu, nước đã mạnh, xã hội đã công bằng, dân chủ, văn minh, chúng ta có thể gọi đó là chủ nghĩa cộng sản hay bằng tên gì khác cũng không phải là điều quan trọng.

Tất nhiên, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng chỉ bằng việc đổi tên Đảng và tên nước là chúng ta có thể giải quyết mọi chuyện, hay sẽ triệt tiêu được hết những hiểu lầm và xuyên tạc. Nhưng với việc đổi tên Đảng và tên nước, chúng ta phát ra những thông điệp vô cùng quan trọng:

  1. Thông điệp phát triển: Mục tiêu tối thượng của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc.

  2. Thông điệp đối ngoại: Việt Nam là một quốc gia cởi mở, sẵn sàng xoá bỏ định kiến, hận thù để hợp tác và làm bạn với tất cả các dân tộc trên thế giới.

  3. Thông điệp đoàn kết dân tộc: Đảng và nhà nước Việt Nam là đảng và nhà nước của mọi người Việt Nam sẵn sàng lao động vì sự phồn vinh của đất nước.


III. Thay lời kết

Cùng với việc đổi tên, để Đảng thực sự trở thành đảng của nhân dân lao động, hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này, Đảng cần phải có một cơ chế dân chủ cho phép quy tụ mọi người Việt Nam có trí tuệ, đạo đức và tâm huyết với sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời đào thải mọi phần tử thoái hoá biến chất ra khỏi đội ngũ của mình. Điều này nhất thiết phải có sự giám sát của nhân dân. Nếu làm được như vậy, Đảng sẽ thực sự là một tổ chức dân chủ, là trái tim và bộ óc của dân tộc. Khi đó, về thực chất Đảng sẽ trở thành một siêu nhà nước của dân - một nhà nước với hàng triệu thành viên không ngừng được nhân dân tiến cử, lựa chọn, bãi miễn, sa thải. Một chính phủ như vậy chắc chắn là chính phủ dân chủ "gấp triệu lần dân chủ tư sản", theo lời của Lenin.

© 2006 talawas




[1]William J. Duiker, Ho Chi Minh. New York: Hyperion, 2000, 5.
[2]Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh: the Missing Years, 1919-1941. Berkeley: 2002, 256-257.
[3]William J. Duiker, Ho Chi Minh, New York: Hyperion, 2000, 27.
[4]Duiker, 48.
[5]Duiker, 72.
[6]Hồ Chí Minh, “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Báo Nhân dân, số 2226, ngày 22-4-1960; <http://www.nuocnga.net/>
[7]Duiker, 359.
[8]Duiker, 364.
[9]William L. Griffen và John Marciano, Teaching the Vietnam War, Allanheld: Osmun, Montclair, 1979, 58-59.
[10]Vũ Đình Hòe: “Hiến pháp 1946, công cụ màu nhiệm để đoàn kết toàn dân”, http://www.nhandan.com.vn/
[11]Vũ Đình Hòe, ibidem.
[12]Trích theo Vũ Đình Hòe, ibidem.
[13]Howard Zinn, Declaration of Independence, New York: HarperCollins, 1990, 260.
[14]Howard Zinn, đã dẫn, 259.
[15]Howard Zinn, đã dẫn, 266.