trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
27.10.2007
Giao Ngọc Lê
Khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam: Hệ quả của độc đảng, giáo điều và thiếu tự do ngôn luận
 
Trong văn hoá cổ truyền Việt Nam, giáo dục và kẻ sĩ luôn luôn được kính trọng như gia tài quý báu nhất của dân tộc.

Từ 1945, giáo dục tại Việt Nam đã trải qua nhiều dâu bể. Vào giai đoạn 1954-1975, trong khi Bắc Việt Nam có nền giáo dục định hướng theo chủ nghĩa cộng sản, miền Nam Việt Nam đã xây dựng căn bản giáo dục dựa trên tiêu chuẩn tự do của quốc tế. Nhờ đó, đa số người Việt bỏ nước ra đi từ 1975 đã có thể tiếp tục việc học tại nước ngoài một cách thành công. Cho đến nay, có khoảng 300.000 người Việt sống ở ngoài nước đã hoàn tất bậc cao học, với bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Nhiều người trong giới trí thức này đã trở thành các khoa học gia nổi tiếng thế giới, như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh với bom áp nhiệt [1] và tiến sĩ Dương Thị Lệ, người góp công trong việc tìm ra công thức điều chế thuốc Fosamax [2] .

Ngược lại, từ 1975, nền giáo dục tại Việt Nam đã tuột dốc không phanh. Cho đến năm 2006, cả nước chỉ có vỏn vẹn 2% dân số đạt trình độ học vấn đến lớp 12, và chỉ 10% trong số này đạt trình độ đại học [3] .

Hai giai đoạn lịch sử gây nhiều thiệt hại nặng nề và lâu dài nhất cho giới trí thức trung lưu trong xã hội Việt Nam xảy ra ngay sau khi Đảng Cộng sản kiểm soát được dân chúng: tại Bắc Việt Nam từ 1955-1956 (The Nhân văn Affair) [4] , tại Nam Việt Nam từ 1975-1985 (giới trí thức miền Nam phải đi học tập cải tạo): tầng lớp trí thức trung lưu của Việt Nam hầu như bị xoá sổ trong xã hội, và mọi tư duy độc lập đều bị ngăn cấm, trừng phạt gắt gao.

Hôm nay, khi Việt Nam đang trên đường hội nhập với quốc tế, sự thiếu hụt chất xám trở thành một vấn nạn hàng đầu. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, ngày 28/8/2007 đã nêu lên trường hợp một công ty Đài Loan mở hai nhà máy tại Bắc Giang và Bắc Ninh, với nhu cầu trên 300.000 kỹ sư cùng thợ chuyên nghiệp, mà Việt Nam không thể cung ứng. Hãng này đã phải quyết định huấn luyện chuyên viên của họ ở nước ngoài. [5]

Khi thế giới vào Việt Nam để đầu tư, vấn đề càng trở nên phức tạp vì tệ nạn tham nhũng tràn lan khắp nơi, trong mọi tầng lớp [6] . Ngày 16/8/2007, Intel đã đòi hỏi các viên chức Việt Nam phải ký nhận cam kết sẽ tôn trọng nguyên tắc làm việc minh bạch, cương quyết tẩy chay tham nhũng do công ty Intel đưa ra [7] .

Vượt trên kiến thức, xây dựng lại tư cách và đạo đức cá nhân là một thách thức lớn cho tất cả các nhà giáo dục chuyên nghiệp nhất.

Nền giáo dục tại Việt Nam đang bị khủng hoảng. Lý thuyết giáo điều và lỗi thời chỉ cốt củng cố quyền lực của một Đảng Cộng sản suốt 62 năm qua đã tạo ra bao thảm họa khi chen chân với quốc tế. Sự thiếu tự do ngôn luận và nền thông tin một chiều càng làm tăng thêm nhiều dây trói cho cố gắng thúc đẩy suy luận và sáng kiến trong lúc khuyến khích thái độ vô trách nhiệm, tham nhũng, và vô đạo đức của lớp có quyền.

Trong “Phúc trình về giáo dục” cho APEC 2006, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định rằng cho đến đầu thập niên 1990, giáo dục tại Việt Nam vẫn còn bị định hướng theo một nền kinh tế tập trung, và đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển hướng sang kinh tế thị trường. [8]

Tiến sĩ Trần Hải giải thích rằng sự tập quyền toàn trị của Trung ương Đảng đã bóp chết mọi tư duy độc lập, sáng kiến cá nhân; và hệ thống hành chính song song giữa Đảng và nhà nước với Đảng có quyền quyết định tối thượng đã tạo ra nhiều trì trệ và tham nhũng. [9]

Vào đầu thập niên 1990, UNESCO đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhận diện các vấn đề chính trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam như sau:
  • Giảm sút về chất lượng cũng như số lượng của mọi cấp lớp.
  • Thiếu sự tương giao giữa giáo dục ngành nghề với nhu cầu thực tiễn của sản xuất và công việc làm trên thị trường.
  • Thiếu giáo sư và huấn luyện viên. Giáo sư và huấn luyện viên thiếu trình độ.
  • Thiếu và không sử dụng hữu hiệu các nguồn tài trợ cho giáo dục và đào tạo.
  • Hệ thống giáo dục, quản trị, và các luật về giáo dục hoàn toàn không thích hợp và không hỗ trợ được nhau.
  • Giáo dục và đào tạo không đóng được vai trò thích hợp trong giai đoạn chuyển hướng.
Các nhà nghiên cứu đã gọi đây là giai đoạn “xuống dốc và băng hoại của nền giáo dục Việt Nam”. [10]

Ý tưởng “Chấn hưng” giáo dục được đưa ra. Hai quan niệm chính được kiến nghị nhằm giúp sửa sai các vấn nạn do chính sách trung ương tập quyền gây ra.
  1. Bắt đầu áp dụng chính sách “xã hội hoá” giáo dục;
  2. Dân chủ hoá giáo dục.
Song song với sự thay đổi chính sách này, Việt Nam cũng cho phép các trường bán công, tư thục, và dân lập được phép phát triển bên cạnh hệ thống giáo dục công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo viết trong “Phúc trình về giáo dục” cho APEC 2006 như sau: “Mục đích của chính sách này là để tạo ra môi trường thuận lợi cho tất cả mọi người có thể tham dự vào sự quản lý giáo dục, hầu vượt qua vấn nạn “độc quyền quản lý giáo dục” hiện nay. [11]

Với sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, Hoa Kỳ và các quốc gia liên hệ, từ 1996, hệ thống giáo dục tại Việt Nam bắt đầu một số chương trình cải tổ [12] chuyển hướng sang phục vụ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Danh từ “Xã hội hóa giáo dục” được sử dụng. Đây là quan niệm bắt đầu từ cố gắng đưa giáo dục thoát ra khỏi nạn “trung ương tập quyền” của Đảng, vì thực tế cho thấy đã thất bại. Ý tưởng này được đề nghị cho bậc đại học và cao học, nhằm cho phép các đại học quyền tự quyết về quản lý và tài chánh [13] . Nhờ đó, các cơ quan nước ngoài có thể trực tiếp tài trợ bậc đại học và cao học về tài chánh và chương trình học.

Tuy nhiên, sự áp dụng quan niệm này đã đi sai với ý tưởng ban đầu, và đi quá đà xuống đến các bậc trung và tiểu học. Trái với kiến nghị tản quyền, Trung ương Đảng vẫn còn kiểm soát chặt chẽ việc quản lý và chương trình học, chỉ có gánh nặng tài chánh là “được” chuyển giao cho người dân. Điều này viết rõ ràng trên mạng điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2/10/2006:

d) Nhằm mục đích gia tăng sự lãnh đạo của Đảng trong giáo dục, Hội đồng Đảng từ trung ương tới địa phương phải hướng dẫn và thường xuyên kiểm soát sự áp dụng các chính sách giáo dục, đặc biệt là sự tham gia của xã hội trong giáo dục, chính trị học và chủ nghĩa Mác Lê, sự xây dựng một hệ thống có trật tự, kỷ luật, và phải xem sự phát triển cùng gia tăng chất lượng giáo dục như dấu hiệu xây dựng một Đảng bao trùm và mạnh mẽ. Phải kết nạp thêm nhiều Đảng viên, thanh lọc và kiên cố hoá tổ chức Đảng, nâng Đảng thành hạt nhân lãnh đạo trong mọi trường học. [14]

Sau gần hai thập niên cải tổ, cái ách trung ương tập quyền và sự quan liêu của hệ thống hành chánh chủ nghĩa xã hội vẫn đè nặng khắp nơi [15] . Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Bộ trưởng Kinh tế - trong bài nói chuyện với Bộ Chính trị Trung ương Đảng ngày 11/2/2004, đã nhấn mạnh: “Hệ thống chính trị của chúng ta nhìn vào thấy là Đảng dày đặc luôn. Chính phủ có bộ nào, cục ban nào, Đảng có hết tất cả thứ ấy... rất tốn kém… Thế bây giờ, bộ máy quan hệ giữa Đảng và Nhà nước của chúng ta, theo tôi, còn có tình trạng vừa lẫn lộn, vừa để trống trách nhiệm… Đó là điều rất nguy hiểm, làm cho bộ máy của chúng ta kém hiệu quả… Tức là có nhiều việc cần phải làm nhưng chúng ta làm nhiều việc quá chồng chéo, có nhiều việc không ai làm cả.” [16]

Hệ thống hành chánh Đảng song song với nhà nước do đó rất tốn kém và không hữu hiệu. Hệ quả của điều này là sự trì trệ của mọi kế hoạch, rút ruột mọi công trình xây dựng và tiêu phí ngân khoản quốc gia, thâm thủng vào ngân quỹ đáng ra phải dành cho các dịch vụ căn bản như giáo dục và y tế.

Trong cố gắng chuyển giao gánh nặng tài chánh của giáo dục sang vai người dân, Việt Nam đã quy định học sinh mọi cấp phải đóng học phí và phụ phí [17] . Ngày 11/9/2007, VnExpress báo cáo rằng trên nguyên tắc mỗi học sinh phải trả 4 triệu đồng Việt Nam một niên học, nhưng tổng số phụ phí có thể tăng lên đến 13 triệu (tương đương 809 đô-la, hối suất ngày 10/12/2007) [18] . Vào tháng 9/2007, chính phủ Việt Nam đưa ra GDP là 835 đô-la/người/năm, nhưng lương công nhân chỉ khoảng 30 – 40 đô-la/tháng hay 480 đô-la/một năm. Như vậy một gia đình hai vợ chồng cùng đi làm sẽ không đủ trả tiền học cho một đứa con.

Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc MDGs “Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 của Việt Nam” đưa ra nhận xét rằng học phí đã biến giáo dục thành một “dịch vụ theo túi tiền” và tạo ra nhiều bất bình đẳng giữa người giàu kẻ nghèo trong xã hội. Theo bản phúc trình này, trung bình một gia đình khá giả có thể trả tiền nhiều gấp 4 lần và học trò nhà giàu có thể nhận được giáo dục tốt hơn trong các lớp dạy kèm. Hậu quả là chỉ một thiểu số có tiền nhờ có liên hệ với Đảng mới có cơ hội học cao lên và sau này nắm giữ quyền lực trong guồng máy [19] .

Tạp chí Kinh tế Viễn đông (Far Eastern Economic Review) số tháng 9/2007 có đăng bài của Jago Penrose, Jonathan Pincus, và Scott Cheshier, tóm tắt hiện tượng này bằng câu: “Quyền lợi chính trị thì tư nhân hoá, tổn thất kinh tế thì xã hội hoá[20] . Bài báo cũng nêu rõ lý do cho sự trì trệ trong việc cải tổ giáo dục tại Việt Nam: “… Những lực lượng chống lại cải tổ, bắt nguồn từ bên trong hệ thống nhà nước hay guồng máy Đảng cấu kết với những phe liên hệ có những quyền lợi kinh tế đặc biệt, hầu như chắc chắn là thành phần không muốn có thay đổi…” [21]

Trong bài diễn văn ngày 6/8/2007, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael Marine nói: “Vai trò căn bản của trường đại học là cung ứng giáo dục hữu ích cho xã hội và kinh tế quốc gia, cũng như nâng cao trí tuệ và óc sáng tạo. Trên mọi phương diện, Đại học Việt Nam đã không hoàn thành các trách nhiệm tối cần yếu này.” [22]

Tuy đã có rất nhiều nỗ lực cải tổ giáo dục từ 1986, bản “Phúc trình về phát triển thế giới 2006” của Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng Việt Nam chỉ có 2% dân số đạt trình độ lớp 12, 89% học đến lớp 5, và chỉ 10% trong số 2% có trình độ lớp 12 là theo đuổi đại học. Năm 2006, Đại học Seoul xuất bản 4556 nghiên cứu khoa học, Đại học Peking có khoảng 3000; trong khi cả Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ vỏn vẹn có 34 nghiên cứu khoa học tương đương. So với 40.000 đơn xin bằng sáng chế tại Trung Quốc, Việt Nam chỉ có 2 [23] .

Ngày 14 và 15 tháng 9/2007, hội nghị các nhà giáo dục Việt Nam đã tỏ ra quan tâm đến sự thất bại của “Giáo dục trường chuyên” do Đảng Cộng sản đề xướng và hỗ trợ trong suốt 42 năm qua. Học sinh tốt nghiệp từ chương trình giáo dục này trở thành “gà nòi”, với kiến thức hạn hẹp trong một số cách giải bài thi cao cấp, không có óc sáng tạo, và thiếu kiến thức phổ thông [24] .

Năm 2007, giáo dục trung học phổ thông cũng phải đối mặt với thực tế là chỉ 66.7% học trò đậu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 1 [25] . 400.000 học sinh phải được nhận lại vào hệ thống đã quá sức chứa. 600.000 học sinh thi trượt kỳ tuyển vào đại học [26] .

Phúc trình của Liên hiệp quốc báo cáo 96% học sinh nhập học lớp 1, nhưng chỉ 89% tiếp tục học đến lớp 5 [27] . Với chính sách “xã hội hoá giáo dục” đồng nghĩa với học trò mọi cấp phải trả học phí và phụ phí, nhiều cha mẹ đã lên tiếng lo ngại họ không đủ khả năng lo học phí cho con. Giáo Sư Hoàng Tuỵ, nguyên Khoa trưởng Khoa Toán tại Việt Nam, cho rằng đây là một hình thức vô trách nhiệm mà chính phủ lạm dụng để chuyển gánh nặng tài chánh giáo dục lên vai người dân. Với các dữ liệu thống kê năm 2006 của Liên hiệp quốc, người dân Việt đã phải đóng góp 40% vào ngân quỹ giáo dục, trong khi tại các nước khác, dân chúng chỉ phải đóng góp 20% [28] . Với sự lạm phát năm 2007, dân Việt phải chi 57% cho ngân quỹ giáo dục! Giáo sư Hoàng Tuỵ tin rằng ngân khoản giáo dục phải được kết toán minh bạch và nếu áp dụng các biện pháp thay đổi phù hợp, có thể đủ để miễn tiền học cho trẻ em các bậc trung học và tiểu học [29] .

Ngày 31/8/2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố học phí chắc chắn sẽ phải tăng trong niên học 2008-2009 [30] . Tiến sĩ Vũ Quang Việt – Chief of National Accounts Section, United Nations Statistics Division – đưa ra bản nghiên cứu cho thấy với sự tăng học phí, 60% học sinh Việt Nam có thể phải bỏ học [31] . Tất cả mọi điều trên cho thấy cơ hội được đi học tại Việt Nam ngày nay dựa vào tiền và thế lực. Việt Nam chưa đem lại giáo dục đồng đều và công bằng cho mọi trẻ em ở tuổi đến trường.

Hiến pháp Việt Nam điều 59 nói: Giáo dục tiểu học là bắt buộc và phải miễn phí cho mọi trẻ em. Liên Hiệp Quốc cũng khuyến cáo giáo dục phải miễn phí cho trẻ em ít nhất ở bậc tiểu học [32] .

Ngân hàng Thế giới, trong “Phúc trình về phát triển thế giới 2006”, nhấn mạnh đến sự quan trọng của bình đẳng và phát triển: “Sự bất bình đẳng đưa tới sự thiếu hữu hiệu trong việc sử dụng các nguồn tài trợ hay tài nguyên, dẫn tới sự thiếu hiệu quả của các cơ quan, bất bình đẳng là kẻ thù của sự phát triển bền lâu.” [33]

Ngày 5/9/2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp công bố sự quan tâm của ông với hiện tình giáo dục tại Việt Nam, mà ông nhận định là: “Đã tụt hậu rất xa so với các nước láng giềng.” Đại tướng Giáp, trong một nghiên cứu chung với nhóm chuyên viên khoa học giáo dục Việt Nam, đã đưa ra một số nhận định và đề nghị cho vấn nạn giáo dục tại Việt Nam. [34]

Đa số các dữ kiện và ý tưởng do Đại tướng Giáp trình bày đã từng được nêu lên, thảo luận, với nhiều đề nghị giải quyết từ đầu thập niên 1990 qua các nghiên cứu của UNESCO với Bộ Giáo dục và Đào tạo [35] , năm 2002 do chuyên viên giáo dục Phạm Minh Hạc [36] , năm 2006 qua một nghiên cứu thực nghiệm do VEF tiến hành với 2 nhóm chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ [37] , và đã được viết rõ ràng trên mạng điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần Anh ngữ, ngày 2/10/2006. [38]

Trên phần thông tin chính thức này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ các nguyên do chính của sự thiếu hiệu quả trong nỗ lực cải tạo giáo dục: “Sự trì hoãn trong việc cải tổ bộ máy nhà nước, trong sự thay đổi cách quản lý kinh tế, quản lý tài chánh, sử dụng lao động, và chính sách lương bổng, v.v…, là những nguyên tố chính ngăn cản sự hiệu quả trong các giải pháp cho vấn đề giáo dục.” [39]

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phát biểu: “Lương tâm nghề nghiệp của một số công chức quản trị và thầy cô giáo đã bị băng hoại.” [40] Nhiều nhà giáo thiếu khả năng, không tư cách, không đạo đức đã không ngừng tạo ra những vụ án nhục dục và có những hành động vô ý thức, phản giáo dục tại các trường học khắp nước. Tệ nạn tham nhũng xảy ra tại mọi cấp bậc trong hệ thống xã hội đã làm hao mòn lòng tin của dân chúng vào truyền thống “kẻ sĩ” của dân tộc. [41]

Nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng gửi con du học tại nước ngoài, mặc cho học phí cao đến đâu. 30 ngàn đô la là giá trung bình tối thiểu để lo chạy giấy tờ cho một học sinh được ghi danh học tại một đại học cộng đồng hay đại học nước ngoài qua dịch vụ của các văn phòng tư vấn. Khoảng 20 ngàn học sinh du học mỗi năm qua các học bổng hay bằng tiền cha mẹ.

Các du học sinh này rất ít được theo dõi đến nơi đến chốn, và nhiều chuyện không hay xảy ra cho họ đã tạo thành một quan tâm lớn cho mọi người.

Một lãnh vực đáng chú ý liên quan đến du học sinh là ngành nghề họ chọn và liệu họ có trở về Việt Nam sau khi thành tài. Dần dần ai cũng hiểu rằng đa số các du học sinh bị mất động lực trở về vì họ sẽ bị trả lương thấp, phải làm việc dưới quyền của các cấp quản lý thiếu khả năng, và cơ quan họ phục vụ không cho phép họ thi thố tài năng và kiến thức họ đã học được tại nước ngoài. [42]

Các tín hiệu thực sự về đổi mới tư duy đến với Việt Nam dưới hình thức mâu thuẫn, tranh đấu, và đàn áp. Nhiều trí thức trẻ sau khi hấp thụ kiến thức và cách sống nước ngoài bắt đầu đặt câu hỏi với chủ thuyết cộng sản và chế độ độc đảng toàn trị. Trong số những người trẻ này có Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Hoàng Lan, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, … những người đã trở thành kẻ tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và bị xem là người chống đối chính quyền. Lê Quốc Quân và Nguyễn Văn Đài đều đã bị giam cầm vì lòng tin vào nhân quyền của họ. Quân đã được thả trước khi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa Thịnh Đốn. Đài vẫn còn tiếp tục bị giam giữ trong tù. Những nhà trí thức trẻ trong nước có can đảm mơ tới tự do dân chủ cũng bị chính quyền trù dập. Luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Bác sĩ Lê Nguyên Sang, nhà báo Trương Minh Đức, sinh viên Đặng Hùng…, và biết bao người khác đã đang bị giam cầm chỉ vì tranh đấu cho bình đẳng, công lý, và nhân quyền.

Chính quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tự mâu thuẫn với chính các điều họ nói và đang muốn làm trong việc cải tổ giáo dục khi tiếp tục bắt bớ giam cầm lớp trí thức trẻ vừa mới được đào tạo, chỉ vì tầng lớp này dám suy nghĩ độc lập với đường lối của Đảng Cộng sản. Lớp trí thức trẻ này biết sử dụng quyền tự do ngôn luận của họ dựa trên Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và dám nói lên các suy tư ích quốc lợi dân mà bất lợi cho Đảng. Dư luận có thể nhìn thấy sự tương đồng với trường hợp vụ án Nhân văn-Giai phẩm năm 1955 đang được lập lại vào năm 2007.

Hiển nhiên là có sự nhân quả giữa cách Việt Nam triệt hạ tầng lớp trí thức của dân tộc vì không tôn trọng nhân quyền, dân quyền, và vấn nạn thiếu chất xám mà đất nước dân tộc Việt đang gặp phải.

Jonathan E London, trong bài viết cho Asia Pacific Journal of Education, Vol. 26, No.1, May 2006, nhận xét rằng cải tổ giáo dục tại Việt Nam xảy ra một cách bị động để đuổi theo nhu cầu của sự chuyển hướng kinh tế, do đó không phải là một cuộc cải tổ thực sự, rốt ráo, và sâu rộng của cả một hệ thống - điều này tạo ra nhiều vấn đề mới và nhiều bất bình đẳng. [43]

Vào tháng 10/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định sẽ tổ chức hội thảo về “Triết lý Giáo dục” để đi tìm các đáp án thực sự cho thảm cảnh giáo dục hiện nay.

Ngày 26/01/2007, ông Phạm Hoàng Hải đã lên tiếng bày tỏ ý kiến: “Điều cần thay đổi trước tiên là chấm dứt ngay nạn độc quyền, lạm quyền, đưa đến đặc lợi cho một thiểu số trong lúc tạo ra nhiều bất công xã hội và ngăn cản các cải tổ thực sự của nền giáo dục.” [44]

Tổng quát, giáo dục Việt Nam đang phải trực diện với nhiều thách thức vốn là hệ quả của hệ thống tập quyền toàn trị với hai nhóm điều hành song song là Đảng và nhà nước, cả hai đều có đặc lợi và làm hao mòn ngân quỹ, nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc và đưa đến các hậu quả sau:
  1. Làm việc thiếu kế hoạch, sử dụng ngân quỹ lãng phí và tham nhũng, hao hụt tiền bạc và tài nguyên quốc gia dành cho giáo dục;
  2. Bất bình đẳng trong cơ hội được đi học cho đa số các học sinh vì chênh lệch giàu nghèo và chính sách thu tiền học của nhà nước;
  3. Sự kiểm soát tư tưởng và thiếu tự do ngôn luận đưa đến thiếu tự do tư duy và không sáng tạo của học sinh;
  4. Tư cách và đạo đức cá nhân không được vun trồng và bồi dưỡng vì xã hội quá băng hoại;
  5. Dân chúng mất tin tưởng vào hệ thống giáo dục trong nước.
Trên thực tế, các vấn nạn chính là:
  1. Các nỗ lực cải tổ giáo dục không hiệu quả vì sự trì trệ trong việc cải cách guồng máy hành chánh của Đảng và nhà nước. Quan niệm “phân quyền” chưa được áp dụng đúng nghĩa, ngăn cản sự cải tổ. Ngân quỹ thất thoát vì thiếu minh bạch trong chi tiêu giáo dục;
  2. Bất bình đẳng trong cơ hội được đi học do chính sách thu học phí vô lý và đi ngược Hiến pháp (điều 59);
  3. Chương trình học không thực dụng và thiếu cập nhật;
  4. Thiếu thầy cô giáo có trình độ và khả năng giáo dục;
  5. Thành phần quản lý giáo dục thiếu tư cách, thiếu đạo đức, thiếu lương tâm, và không có tinh thần trách nhiệm.

Đề nghị

Nhà cầm quyền Việt Nam sẽ có lợi thế hơn nếu thi hành các đề nghị sau:

1. Cải tổ hành chánh giữa nhà nước và Đảng theo đường lối “phân quyền” và “dân chủ hoá” do chính quyền đề ra vào đầu thập niên 1990.

Chấp nhận và tuân thủ các nguyên tắc đề nghị của Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, và ASEAN. Áp dụng các giá trị quốc tế về nhân quyền, dân quyền, bình đẳng và công lý cho mọi người dân, đồng thời mang các giá trị này vào chương trình giáo dục mọi cấp. Thả các người trí thức bị bắt chỉ vì cổ động cho hiến chương Liên hiệp quốc và nhân quyền.

Thanh lọc và cắt giảm bộ máy hành chánh, trao thực quyền cho những chuyên gia giáo dục trong các lãnh vực cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Việc thu nhỏ bộ máy hành chánh, cắt giảm chi tiêu sẽ giúp giảm tham nhũng và cho phép sử dụng ngân quỹ vào các mục tiêu giáo dục.

2. Giáo dục miễn phí cho học sinh trung và tiểu học toàn quốc để giảm sự bất bình đẳng trong xã hội.

3. Tăng lương và quyền lợi của giáo chức đến mức tương đối thoải mái để động viên tinh thần thầy cô và cắt giảm tham nhũng.

4. Áp dụng các chương trình giáo dục đổi mới với trọng tâm là tự do tư duy và xây dựng tư cách theo căn bản dân tộc, khai phóng, và thực nghiệm.

5. Hợp tác với các chuyên gia giáo dục Việt Nam tại hải ngoại để soạn lại các chương trình học cho thích hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Nếu Việt Nam thực thi các đề nghị căn bản này, hy vọng sẽ nhận được sự tiếp tay và hỗ trợ của người dân trong và ngoài nước trong việc xây dựng một căn bản mới cho dân tộc đất nước Việt.

Virginia - USA

Bản gốc viết bằng Anh ngữ:
http://www.vietnamreview.com/english/modules.php?name=News&file=categories&op=newindex&catid=2

© 2007 talawas



[1]Nguyêt Anh Duong, Scientist, and the Thermo baric weapon - http://en.wikipedia.org/wiki/Nguyet_Anh_Duong
[2]Le Thi Duong, PhD. and Fosamax - http://en.wikipedia.org/wiki/Alendronate
[3]World Development Report 2006 - http://econ.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/EXTDEC/EXTRESEARCH/EXTWDRS/
EXTWDR2006/0,,contentMDK:20586898~pagePK:64167689~piPK:64167673~theSitePK:477642,00.html
[4]“The Nhân Văn Affair” - Wikipedia http://en.wikipedia.org/wiki/The_Nh%C3%A2n_V%C4%83n_Affair
[5]VietNamNet –28/08/2007 – Ha Anh & Kiêu Oanh - “Pho Thu Tuong doc giang tai lop hoc hieu truong”
[6]Transparency International – Vietnam_NIS_2006-pdf pg 11
http://www.transparency.org/news_room/in_focus/2007/nis_in_east_and_southeast_asia#pr
[7]SBTN – Intel refused to tolerate corruptions in its company in Viet Nam
http://www.sbtn.net/?catid=193&newsid=21790&pid=157
[8]MOET - Nguyen Loc, PhD, Assoc. Prof – Vietnam’s Education in the Transitional Period. PDF - APEC2006/SOM2/HRDWG/057
[9]Tran Hai, PhD – Education in Vietnam – VSG report, 09/2007
[10]MOET - Nguyen Loc, PhD, Assoc. Prof – Vietnam’s Education in the Transitional Period. PDF - APEC2006/SOM2/HRDWG/057
[11]Ibid, pg 4.
[12]MOET- Vietnam’s educational reform projects since 1999 – http://en.moet.gov.vn/?page=1.1
[13]MOET - Nguyen Loc, PhD, Assoc. Prof – Vietnam’s Education in the Transitional Period. PDF – APEC2006/SOM2/HRDWG/057
[14]MOET - Solutions for Education Development - 5.3 (d) - 2006 - http://en.moet.gov.vn/?page=6.4&view=3461
[15]Transparency International - Vietnam_NIS_2006.pdf. pg 10
[16]Le Dang Doanh’s Speech in front of the Communist Political Politburo – on February 11, 2004 .
http://www.thienlybuutoa.org/Misc/LeDangDoanh.htm
[17]MOET – Solutions for Education Development – 5.3 (d) - 2006 http://en.moet.gov.vn/?page=6.4&view=3461
[18]VNExpress, 11/09/2007 - Tiên Dung & Lan Huong: “Phu huynh oan lung voi cac khoan phi dau nam” - http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2007/09/3B9FA104/
[19]The United Nations – MDGs’ Social Economic Development Programs for Viet Nam 2006-2010, pg 6. http://www.un.org.vn/undocs/sedp/mdgsedpv.pdf
[20]Far Eastern Economic Review, September 2007, Vietnam: Beyond Fish and Ships-
by Jago Penrose, Jonathan Pincus and Scott Cheshier.
[21]Ibid.
[22]Ambassador Michael W. Marine - “Challenges of Higher Education in Vietnam: Possible Roles for the United States” – Speech on 08/06/2007 at the University of Hawaii’s Shadier College of Business Executive MBA Program Ho Chi Minh City
[23]WDR 2006 - http://econ.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/EXTDEC/EXTRESEARCH/EXTWDRS/EXTWDR2006/
0,,contentMDK:20586898~pagePK:64167689~piPK:64167673~theSitePK:477642,00.html
[24]VietNamNet, 14/09/2007 – Bao Anh – “Truong chuyen: Tao nhan tai hay luyen ga noi?”
http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/09/741045/
[25]BBC, 19/09/2007 – “Khong the chap nhan tang hoc phi” Giao Su Hoang Tuy -
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/09/070918_viet_tuitionfees.shtml
[26]VietNamNet – 18/06/2007 - Thủy Oanh- Tỷ lệ Tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông: 66,7% http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/tuyensinh/tintuc-sukien/2007/06/707768/
[27]VietNamNet – 23/08/2007 - Kiều Oanh: Cố theo đuổi Đại Học: Lãng phí http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/tuyensinh/
huongnghiep/2007/08/732852/
[28]United Nations – MDGs: Trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2006-2010 của Việt Nam, pg 11
http://www.un.org.vn/undocs/sedp/mdgsedpv.pdf pg 11
[29]DienDan – 14/08/2007 - Hoàng Tuỵ: “Xã hội hoá” hay là đẩy gánh nặng cho dân?”
http://www.diendan.org/viet-nam/xa-hoi-hoa-giao-duc/
[30]VietNamNet – 30/08/2007 - Kiều Oanh: Tăng học phí năm 2008 http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2007/08/735768/
[31]Vu Quang Viet, PhD – Tăng học phí: bao nhiêu học sinh bỏ học? – VietnamNet – 14/07/2007. http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/718033/
[32]The United Nations: Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs),
http://www.un.org.vn/undocs/sedp/mdgsedpv.pdf pg 41
[33]http://go.worldbank.org/91KYPZ0S30
[34]General Vo Nguyen Giap contributed ideas about education in Vietnam http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/09/738921/
[35]The Documents of the Ninth Congress of the Communist Party of Vietnam. National Political Publishing House. Hanoi, 2001, (p. 29-31).
2 Sector Review in Education and Human Resource Analysis. MOET, 1994, Hanoi
[36]MOET/ NIESC/ APEC 2006 Nguyên Loc, Assoc. Prof, PhD - Vietnam’s Education in the Transitional Period - 2006/SOM2/HRDWG/057
[37]http://home.vef.gov/download/Higher_Education_in_Vietnam.pdf
[38]MOET – Solutions for Education Development. http://en.moet.gov.vn/?page=6.4&view=3461
[39]MOET – Current Situation of Vietnamese Education
http://en.moet.gov.vn/?page=6.1&view=3451
[40]Ibid
[41]Tuong Binh Minh – Giao duc va tham hung tai Viet Nam - BBC interview http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2005/09/050907_vieteducationproblems.shtml
[42]http://home.vef.gov/download/Higher_Education_in_Vietnam.pdf
[43]Asia Pacific Journal of Education, Vol. 26, No.1, May 2006
[44]Viet NamNet, 26/07/2007 - Phạm Hoàng Hải: “Triết lý giáo dục: Không cần thiết”
http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/657803/